Tin Biển Đông – 28/04/2020


Tin Biển Đông – 28/04/2020

Coi chừng tình hình Biển đông

Khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, khả năng xảy ra tính toán sai lầm sẽ tăng lên.
Với việc thế giới đang phải tập trung đối phó đại dịch coronavirus, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường hơn nữa sự kiểm soát quân sự của mình ở Biển Đông. Tuần này ba tàu chiến từ Hạm đội bảy của Hoa Kỳ, cùng một tàu khu trục của Úc, đã đáp trả bằng cách đi vào vùng biển tranh chấp trong một màn trình diễn lực lượng. Điều nguy hiểm là các sĩ quan hải quân Trung Quốc đã hiểu sai suy nghĩ của người Mỹ và nghĩ rằng họ có thể làm Mỹ mất mặt mà không cần leo thang.
Biển Đông là một tuyến đường thủy quan trọng ở Tây Thái Bình Dương, giáp Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia và Brunei. Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách kiểm soát Biển Đông, và trong thời Chính quyền Obama, nước này đã tăng cường các yêu sách của mình bằng cách quân sự hóa các đảo bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Việt Nam cho biết vào tháng này rằng một tàu Trung Quốc đã cố tình đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Ngư dân Indonesia cũng báo cáo các vụ quấy rối leo thang, và trong những tuần gần đây các tàu của chính phủ và dân quân biển Trung Quốc đã theo đuôi các tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ nhằm khẳng định Bắc Kinh không thể đơn phương kiểm soát vùng biển này. Một số vùng biển của Biển Đông được nhiều nước ven biển tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc là cường quốc mạnh nhất trong khu vực và tuần trước họ đã tuyên bố chủ quyền thêm nhiều hòn đảo nữa bất chấp sự phản đối từ Việt Nam và Philippines. Trung Quốc muốn khẳng định sự thống trị của mình, đẩy các tuyến thương mại đường biển của các quốc gia khác ra khỏi các vùng biển ngay cả khi chúng gần đất liền của họ.
Người ta thường tin rằng các sĩ quan quân đội Trung Quốc là những người hiếu chiến và chống Mỹ hơn so với các quan chức dân sự của Bắc Kinh. Nhưng trong khi quân đội Trung Quốc thường được kiềm chế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường chủ nghĩa dân tộc để củng cố sự kiểm soát của mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng coronavirus. Tuyên truyền của Trung Quốc cũng đã khuếch đại các vấn đề do virus gây ra trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, một tàu hải quân hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương, để cho thấy điểm yếu của Mỹ.
Một điểm nóng tiềm tàng khác là Đài Loan, nơi đã giành được sự công nhận quốc tế xứng đáng cho khả năng đối phó với coronavirus của họ. Điều đó cũng làm Trung Quốc tức giận, và nước này đã tăng số lượng các chuyến bay quân sự áp sát hòn đảo.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng đang gia tăng, khi Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về những thông tin lừa dối về coronavirus trong năm bầu cử của Mỹ. Còn các nhà tuyên truyền Trung Quốc lại vu rằng chính Hoa Kỳ có thể đã tạo ra virus.
Trong những điều kiện như thế này, xác suất xảy ra tính toán sai lầm của quân đội hai bên tăng lên. Thậm chí một sự cố tương tự như sự cố ở đảo Hải Nam năm 2001, khi hai máy bay của Mỹ và Trung Quốc va chạm nhau, sẽ đòi hỏi phải có các bước xuống thang cẩn thận. Coronavirus đang chiếm hết phần lớn không khí chính trị Mỹ, nhưng các chỉ huy quân đội Trung Quốc không nên nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để gây rối cho Mỹ nếu hai bên chạm trán nhau trên biển. Chủ nghĩa cơ hội địa chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch đã khiến công luận quay sang bất lợi cho Bắc Kinh.
Các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải rất quan trọng nhưng không đủ để bảo vệ Tây Thái Bình Dương trước sự thống trị của Trung Quốc. Hoa Kỳ vẫn trung lập trước các yêu sách lãnh thổ của các bên, nhưng chúng ta có thể cần phải bắt đầu công nhận yêu sách của các nước như Việt Nam để khiến Trung Quốc phải trả giá cho việc bành trướng hơn nữa. Mỹ cũng cần cố gắng duy trì hiệp ước quốc phòng với Philippines dưới thời vị tổng thống sớm nắng chiều mưa Rodrigo Duterte.
Hành vi gần đây của Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho tuyên bố sẽ trở thành một tác nhân toàn cầu tuân thủ luật lệ của nước này. Hoa Kỳ đã đúng khi làm rõ rằng chúng ta vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương và coronavirus sẽ không làm suy giảm quyết tâm của chúng ta.

Chĩa súng vào tàu chiến:

TQ đe dọa và khiêu khích tàu chiến Philippines

Việc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực và quay pháo hướng vào tàu Philippines là không thể chấp nhận được, vì đây là hành động thù địch có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, cuối cùng là xung đột.
Bộ Quốc phòng Philippines (23/4) đã xác nhận một cuộc chạm trán vào tháng 2 giữa một tàu chiến Trung Quốc và một tàu hộ tống của Hải quân Philippines trên vùng biển thuộc quần đảo Kalayaan ở Biển Đông. Theo đó, sự cố xảy ra ngày 17/2 giữa tàu Hải quân BRP Conrado Yap (PS39) và tàu hộ vệ tên lửa Type-056A số hiệu 514 của Trung Quốc.
Hôm đó, tàu BRP Conrado Yap (ảnh) đang thực hiện tuần tra tại khu vực Dự án năng lượng khí đốt tự nhiên Malampaya tại nhóm đảo Kalayaan thì phát hiện tàu Trung Quốc màu xám lại gần. Qua quan sát, vũ khí của tàu Trung Quốc đã chĩa vào phía tàu PS39. Dù tàu BRP Conrado Yap không có các thiết bị điện tử để hỗ trợ xác nhận việc tàu chiến Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa vào tàu của họ, nhưng các hình ảnh quan sát được xác định động thái thù địch của tàu chiến Trung Quốc. Bộ Tư lệnh miền Tây cho biết, “bộ phận kiểm soát súng này có thể được sử dụng để xác định, theo dõi mục tiêu và làm cho
tất cả các khẩu súng chính sẵn sàng khai hỏa trong 1 giây”. Tàu Philippines PS39 ngay lập tức đưa ra cảnh báo qua radio và đề nghị tàu Trung Quốc tiếp tục hành trình đến đích, nhưng tàu Trung Quốc đã phản ứng bằng thông tin sai trái là: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”.
Bộ Ngoại giao Philippines (22/4) đã gửi công hàm phản đối vụ việc đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Trong khi đó, cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jose Antonio Custodio cho biết, việc tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực và quay pháo hướng vào tàu Philippines là không thể chấp nhận được, vì đây là hành động thù địch có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, cuối cùng là xung đột. Truyền thông Philippines nhận định vụ việc trên là một trong những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông
BRP Conrado Yap (PS-39), lượng choán nước 1.200 tấn, là tàu chiến được vũ trang mạnh nhất của Philippines. Nguyên bản của nó là tàu hộ tống lớp Pohang do Hàn Quốc chế tạo. Tàu được Hải quân Hàn Quốc ngưng sử dụng vào năm 2016, sau đó tân trang lại và viện trợ cho Philippines. Trong khi đó,   Type 056 là tàu hộ vệ được Trung Quốc tự nghiên cứu và bắt đầu đóng mới từ đầu những năm 2010. Đây hiện được coi là một trong những loại tàu chiến có quân số lớn nhất của Trung Quốc. Tính tới tháng 1/2020, tổng cộng Hải quân Trung Quốc đang sử dụng 44 tàu hộ vệ Type 056 trong biên chế lực lượng. Ngoài ra nước này cũng dự kiến sẽ đóng mới tổng cộng 71 chiếc khác. Hộ vệ hạm Type 056 của Trung Quốc có giãn nước tối đa chỉ 1500 tấn, dài 90 mét và mớm nước 4 mét. Tàu được trang bị hai động cơ diesel cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 25 hải lý giờ. Tàu có biên chế thuỷ thủ đoàn chỉ 78 người, được trang bị vũ khí chính bao gồm một khẩu hải pháo 176 cỡ nòng 76mm, 2 pháo 30mm cùng 2 ống phóng tên lửa Ỵ-83 chống hạm. Ngoài ra tàu hộ vệ đông bậc nhất Trung Quốc còn được trang bị 8 ống phóng FL-3000N phòng không và 2×6 ống phóng ngư lôi 324mm. Tàu cũng có một sàn đáp để hạ cánh trực thăng. Thông thường, tàu hộ vệ tên lửa Type 056 của Trung Quốc sẽ mang theo một trực thăng Z-9 làm nhiệm vụ vận tải.
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là một trong những nước thường xuyên sử dụng chiêu trò chĩa súng đe dọa, khiêu khích tàu chiến các nước khi hoạt động trên Biển Đông. Trong đó có một số vụ điển hình như: Tàu chiến 995 của Trung Quốc (11/2015) mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam khi đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Tàu chiến 995 có trọng tải 4.800 tấn, tốc độ 17 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.000 hải lý với thủy thủ đoàn lên đến 120 người. Tàu chở  được 250 binh lính, 10 xe tăng, 4 xuồng đổ bộ. Đặc biệt, tàu này được trang bị 6 khẩu pháo 37mm và 2 sàn đỗ máy bay trực thăng. Tàu 995 tàu vận tải đổ bộ lớp Du Đình I+II (LST) thuộc Hạm đội Nam Hải. Theo đó, khoảng 9g30 sáng 13/11/2016, khi tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi. Đến 11g cùng ngày, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 xuất hiện và tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Hải Đăng 05. Tình huống lúc này rất nguy hiểm. Tàu hải cảnh 35115 xé nước từ phía sau lái tàu Hải Đăng 05. Còn tàu hải cảnh 2305 lại ép từ mạn phải, phía trước mũi tàu. Sau đó các tàu Trung Quốc thi nhau cắt mũi nằm tạo tình huống ngụy tạo là tàu Việt Nam cố va chạm. Khoảng 30 phút sau, tàu chiến 995 xuất hiện. Tàu chiến 995 của Trung Quốc ngay lập tức vây ép tàu Hải đăng 05 của Việt Nam. Đồng thời bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi. Nhưng nghiêm trọng nhất là đến khoảng 12g thì tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05.
Trung Quốc luôn miệng tuyên bố không quân sự hóa các đảo nhân tạo và bao biện với cộng đồng quốc tế rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự, thể hiện nghĩa vụ quốc tế của mình. Tuy nhiên, khi tàu chiến nước này chĩa súng trực tiếp vào tàu tiếp tế dân sự của Việt Nam thì Trung Quốc đã thật sự lộ rõ dã tâm của mình. Đó là họ đang âm thầm xây dựng đồn bốt, tiền tiêu, căn cứ quân sự mang ý nghĩa tấn công. Đây gần như là một hành động leo thang căng thẳng mới, cho thấy căn cứ quân sự Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng và hoạt động dân sự của tàu thuyền các nước, trong đó có Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc còn mang tính thách thức dư luận vì nhiều nước đã đề nghị Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn cứ làm. Công ước luật biển chỉ quy định vùng an toàn 500m tính từ các đảo nhân tạo. Hành động chĩa súng của Trung Quốc mới là hành vi đe dọa, nhưng nếu như các tàu của Trung Quốc vây ép tàu tiếp tế hải đăng của Việt Nam ngoài vùng an toàn 500m thì rõ ràng họ vi phạm luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc xua tàu ra vây ép tàu Việt Nam cho thấy nước này muốn thể hiện vai trò thực thi pháp luật trong vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ
quyền, quyền tài phán của họ. Nếu tàu các nước đi vào vùng biển này mà tuân theo hiệu lệnh và yêu sách sai trái của Trung Quốc thì sẽ mắc mưu nước này.

Phản ứng muộn mạng của Malaysia trước sự khiêu khích,

đe dọa của TQ trên Biển Đông

Từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xuống hoạt động trong vùng biển của Malaysia, Chính quyền nước này hầu như chỉ “im lặng” chịu trận. Đến ngày 23/4, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin mới đưa ra kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hòa bình.
Theo dữ liệu của trang Marine Traffic, từ đầu tháng 4, Trung Quốc đã điều nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực phía Nam Biển Đông. Dữ liệu của trang Marine Traffic cho thấy, đến ngày 23/4, tàu Hải Dương địa chất 08 vẫn ở bên trong EEZ của Malaysia, đang hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Đi theo hộ tống tàu Hải Dương 8 là một nhóm tàu Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc.
Trước hoạt động của Trung Quốc, Chính quyền Malaysia (23/4) mới đưa ra phản ứng chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã viết thư cho Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin kêu gọi đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08. Ông Datuk Seri Anifah Aman khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia và nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Malaysia cần có một lập trường kiên định dựa trên các quy tắc là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Yassin cân nhắc thành lập một tổ chức đặc biệt để giải quyết các vấn đề hàng hải Malaysia, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Việc Malaysia chậm chễ đưa ra các tuyên bố phản ứng hoạt động của Trung Quốc và nội dung phản đối tương đối “nhẹ” là do nước này mới thay đổi chính quyền, hiện đang tập trung nguồn lực đối phó đại dịch COVID-19 và Malaysia bị ảnh hưởng bởi quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Chính quyền của tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin mới chỉ tuyên bố nhậm chức vào đầu Tháng 3. Ông Yassin được biết đến là một chính trị gia bảo thủ với quan điểm “Người Mã Lai trên hết” trong một xã hội đa sắc tộc. Giới chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, Thủ tướng Muhyiddin không thể tuyên bố bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của nước này vì hai lý do. Thứ nhất, ông sẽ bận rộn với việc củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo liên minh mong manh của mình có thể tồn tại. Thứ hai, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc trưng chính sách đối ngoại của Malaysia là sự liên tục. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Malaysia, tính đến ngày 24/04/2020, nước này có 5.603 ca nhiễm virus corona và 95 người chết.
Được biết, Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với 10 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia dường như đã từ bỏ chủ quyền đối với cấu trúc địa hình thứ 11, đá Louisa, trong một thỏa thuận song phương nhằm phân định ranh giới trên biển với Brunei vào năm 2009. Dựa trên nguyên tắc phân định thềm lục địa, Kuala Lumpur cũng tuyên bố quyền tài phán đối với bãi ngầm James (cách Sarawak 45 hải lý) và một nhóm các cấu trúc địa hình ngầm và nửa ngầm được biết đến với tên gọi cụm bãi cạn Luconia (cách Sarawak 54 hải lý). Bên cạnh đó, Malaysia chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa: đá Swallow (đá Hoa Lau), chiếm giữ năm 1983; đá Mariveles (đá Kỳ Vân) và đá Ardasier (đá Kiệu Ngựa) năm 1986; bãi Investigator (bãi Thám hiểm) và đá Erica (đá Én ca) năm 1999.
Họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với hai cấu trúc địa hình chưa bị chiếm giữ là đá Dallas (đá Suối cát, gần đá Ardasier) và đá Royal Charlotte (Đá Sắc Lôt, gần đá Swallow).
Tuyên bố chủ quyền của Malaysia chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền vì cho rằng chúng nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” bành trướng tới hơn 80% Biển Đông. Ngay cả bãi ngầm James nằm dưới mặt nước Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc lãnh thổ nằm ở phía cực Nam của họ. Malaysia tuyên bố chủ quyền trái phép đối với đảo An Bang và đá Alison (đá Tốc Tan) của Việt Nam và đá Commodore (đá Công Đo) do Philippines chiếm giữ.
Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ. Chính sách đó bao gồm 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền chủ quyền trong EEZ của nước này. Các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền nằm gần bang Sarawak và Sabah, và vùng biển ngoài khơi hai bang này có các ngư trường và trầm tích dầu quan trọng. Trầm tích dầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì đây là một nguồn thu nhập sinh lời. Năm 2019, Malaysia là nhà sản xuất khí tự nhiên đứng thứ ba thế giới (29 triệu tấn) và là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ 26 thế giới (661.240 thùng/ngày).
Yếu tố thứ hai là duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không. Là một nước nhỏ, Malaysia nhiệt liệt ủng hộ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Kuala Lumpur ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán mâu thuẫn, tham gia 3 vụ kiện lớn với Indonesia và Singapore và tuân thủ các phán quyết của tòa. Malaysia phân định ranh giới trên biển của họ với Brunei vào năm 2009 và với Indonesia ở đảo Sulawesi vào năm 2018. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc các tuyên bố về thềm lục địa của hai nước này ở khu vực phía Nam Biển Đông. Khi Tòa trọng tài ra phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7/2016, Malaysia đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng nên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua việc “hoàn toàn tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao” trong đó có UNCLOS. Chính phủ Malaysia hoàn toàn nhất trí với phán quyết của Tòa trọng tài rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS. Tháng 3/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khi đó Anifah Aman đã nói với Quốc hội rằng Malaysia không công nhận “đường 9 đoạn” và do đó không có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước.
Yếu tố thứ ba là thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông. Là một nước phụ thuộc vào thương mại, sự thịnh vượng về kinh tế của Malaysia dựa vào dòng chảy thương mại tự do trên biển thông qua eo biển Malacca và Biển Đông. Điều mang tính then chốt là các tuyến liên lạc trên biển đi qua Biển Đông kết nối Malaysia bán đảo với khu vực miền Đông Malaysia.
Để đạt được các mục tiêu chính sách của mình ở Biển Đông, các chính phủ Malaysia kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính.Thứ nhất là khẳng định và bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia. Từ cuối những năm 1980, chính sách quốc phòng của Malaysia đã trở nên hướng ngoại hơn do sự thất bại của các cuộc nổi dậy và tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông. Tranh chấp trên biển đã ảnh hưởng đến một số quyết định lớn về việc mua sắm thiết bị quốc phòng, đáng chú ý là việc mua hai tàu ngầm vào những năm 2000. Malaysia đã cho binh lính đóng quân tại 5 đảo san hô vòng mà họ chiếm giữ, và Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF), Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN) và Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA – hay cảnh sát biển) thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trong EEZ của nước này để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở cụm bãi cạn Luconia, và vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, họ đã gia tăng hoạt động, tìm cách phá hoại hoạt động khoan thăm dò của Malaysia trong khu vực bằng cách quấy nhiễu các giàn khoan, tàu khảo sát và tàu tiếp tế của Malaysia. Điều này đã dẫn đến một loạt vụ đối đầu căng thẳng giữa các tàu của Chính phủ Malaysia và Trung Quốc trong khu vực này.
Chiến lược thứ hai là bảo vệ mối quan hệ kinh tế có giá trị của Malaysia với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp. Kể từ đầu những năm 1990, chính sách của Malaysia với Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn trong khi công khai loại bỏ ý niệm rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Malaysia, và để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của nước này và ngăn không cho tranh chấp biển phủ bóng lên mối quan hệ (như đã xảy ra theo thời kỳ trong cả quan hệ Trung-Việt lẫn Trung Quốc-Philippines), Kuala Lumpur đã nhất quán không nhấn mạnh vào vấn đề này và cố gắng kiềm chế tình cảm dân tộc
chủ nghĩa đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Do đó, nhìn chung, truyền thông trong nước tránh đề cập, giảm mức độ nghiêm trọng hoặc phủ nhận các vụ việc trên biển giữa tàu của Malaysia và Trung Quốc. Điều này đặc biệt rõ ràng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) khi Malaysia tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm một vài dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Chẳng hạn, tháng 3/2013, 4 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James. Ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia bác bỏ thông tin này dù sau đó RMN đã xác nhận. Vài tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Hishammuddin Hussein nói với truyền thông rằng Malaysia không quan ngại về sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc trong EEZ của nước này như các nước tuyên bố chủ quyền khác, tuyên bố rằng: “Chỉ vì các anh có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của các anh là kẻ thù của chúng tôi”. Tháng 1/2014, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James, nhưng RMN khẳng định hoạt động này diễn ra ngoài EEZ của Malaysia. Tháng 3/2016, trước sự hiện diện của gần 100 tàu đánh cá Trung Quốc cùng các tàu hộ tống của CCG ở cụm bãi cạn Luconia, Chính phủ Malaysia đã đưa ra phản ứng yếu ớt đến mức gây chú ý. Malaysia tránh đưa ra một phản ứng quân sự trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc không chỉ để bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước này mà còn vì Lực lượng vũ trang Malaysia (MFA) không được cấp vốn và trang thiết bị đầy đủ và quá tải khi phải đối phó với các mối đe dọa về an ninh khác như cướp biển, di cư bất hợp pháp, khủng bố và các cuộc xâm nhập biên giới. Malaysia cũng từ chối đệ trình tranh chấp này lên Tòa trọng tài quốc tế vì Trung Quốc sẽ xem đây là một hành động thù địch (như họ đã làm khi Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về luật biển năm 2013). Malaysia và Trung Quốc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao hậu trường kín đáo.
Chiến lược thứ ba là ủng hộ tiến trình xử lý tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Như một biện pháp giải quyết vấn đề này, về mặt nguyên tắc, các đời chính phủ Malaysia liên tiếp đã ủng hộ cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Khi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, các thủ tướng của Malaysia luôn lấy Thỏa thuận phát triển chung Malaysia-Thái Lan ở Vịnh Thái Lan năm 1979 làm mẫu. Tuy nhiên, trên thực tế, Kuala Lumpur không nghiêm túc theo đuổi lựa chọn này vì theo UNCLOS, họ có các quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của mình và không công nhận tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Chuyên gia Ian Storey, Viện Yusof Ishak nhận định cách tiếp cận của Malaysia với tranh chấp ở Biển Đông có sự khác biệt đáng kể so với Philippines và Việt Nam. Trong khi Manila thỏa hiệp với Trung Quốc (dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo và Rodrigo Duterte) rồi lại đối đầu với nước này (dưới thời Tổng thống Benigno Aquino), thì chính sách của Kuala Lumpur – và các chiến lược để đạt được chính sách đó – nhìn chung vẫn nhất quán, với một số điều chỉnh nhỏ khi xem xét đến những thay đổi về môi trường địa chính trị. Mặc dù Việt Nam nhất quán hơn Philippines, nhưng không giống nước này, Malaysia không công khai các vụ việc xảy ra trên biển, hay lên tiếng phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc và ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Thay vào đó, Malaysia ưu tiên ngoại giao kín đáo phía sau hậu trường, để ASEAN nắm vai trò lãnh đạo trong khi đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của họ và duy trì thái độ cảnh giác ở Biển Đông.

Phân tích khía cạnh pháp lý trong vụ TQ thành lập

cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa

Việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa” không chỉ vô giá trị mà còn là hành vi vi phạm các quy định luật pháp quốc tế.
Cục Dân Chính Trung Quốc (18/4) ngang ngược thông báo Quốc vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn (trái phép) quyết định thành lập 02 Khu quản lý biển, trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Theo thông báo trên, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa” – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ngang ngược cho biết, “khu Tây Sa” sẽ “quản lý” toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trung Sa; trụ sở của cái gọi là “khu Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Khu Nam Sa” sẽ “quản lý” toàn bộ quần đảo Trường Sa và trụ sở của cái gọi là “khu Nam Sa” sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, hành vi của Trung Quốc vi phạm các quy định của luật quốc tế, nhất là Luật về quyền thụ đắc lãnh thổ. Theo đó, luật pháp quốc tế có những nguyên tắc gọi là thụ đắc lãnh thổ. Nó có 3 nội dung chính. Một là đối tượng chiếm hữu lãnh thổ phải là đất vô chủ hoặc là chủ đã từ bỏ. Thứ hai, chiếm hữu phải là quốc gia chứ không phải là tư nhân. Thứ ba là phải tuân thủ các phương pháp thụ đắc lãnh thổ như chiếm hữu thực sự, hành xử chủ quyền thực sự, qua chuyển nhượng, qua tác động của tự nhiên, rồi củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử.
Quyền thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thực hiện theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và đã được duy trì một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ XVII đến nay. Nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, đều đã tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cụ thể:
Trong giai đoạn thời chúa Nguyễn: Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
Trong giai đoạn thời Tây Sơn: Từ năm 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình. Năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa. Năm 1775, Phường Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.
Trong giai đoạn nhà Nguyễn, Việt Nam tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa: Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa.
Trong giai đoạn đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện. Năm 1833, 1834, 1836, Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ… mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, “Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc.”
Trong giai đoạn Pháp đô hộ, Theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có một số dấu mốc lịch sử như: Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Ngày 19/3/1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty phosphat của Bắc kỳ. Ngày 13/4/1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Ngày 23/9/1930, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục. Ngày 31/12/1930, Phòng đối ngoại Phủ Toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp về những hoạt động đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý bảo vệ cho sự kiện đóng giữ này. Ngày 11/01/1931, Thống sứ Nam kỳ thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 04/1/1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ
J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 18/2/1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ngày 26/11/1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này. Năm 1938, Pháp phái các đơn vị bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa. Ngày 15/6/1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa. Ngày 30/3/1938, vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây. Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Tháng 6/1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền đã được dựng tại đảo Hoàng Sa có khắc dòng chữ: “Republique Francaise -Rayaume d’Annam – Achipel de Paracel 1816- Ile de Pattle 1938”.
Trong giai đoạn chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4/4/1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật Bản và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương J.Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị: “Croissant và các đảo phụ thuộc”, “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.
Trong giai đoạn từ năm 1945 – 1975:  Mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, không còn ràng buộc vào Hiệp ước Patenôtre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Năm 1949, Tổ chức khí tượng thế giới (OMM: Organisation Mondiale de Meteorologie) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số hiệu 48860, Trạm Ba Bình số hiệu 48419. Ngày 8/3/1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4, Hoàng thân Bửu Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại.
Từ ngày 5-8/9/1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật Bản. Tại phiên họp toàn thể mở rộng, ngày 5/9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, đã bác bỏ đề nghị của ngoại trưởng Gromưco (Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam. Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Tháng 4/1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Philippines tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối: Ngày 24/5/1956 và ngày 8/6/1956, Việt Nam Cộng hòa ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam. Ngày 22/8/1956, Tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Philippines. Ngày 20/10/1956, bằng Sắc lệnh 143/VN, Việt Nam Cộng hòa đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27/6/1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13/7/1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 11/4/1967, Việt Nam Cộng hòa ban hành
Nghị định số 809-NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức phái viên hành chính xã Định Hải (Hoàng Sa), quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21/10/1969, bằng Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Ngày 13/7/1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày 6/9/1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Từ 17-20/1/1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm phi pháp nhóm phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Trước hành động phi pháp của Trung Quốc, ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc.
Trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này: Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 2/7/1974, tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên Hợp quốc tại Caracas, đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng. Ngày 14/2/1975, Việt Nam Cộng hòa công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay, cùng với tiến trình giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng hầu hết các đảo (do quân đội Sài Gòn đóng giữ) thuộc quần đảo Trường Sa, thực hiện thống nhất đất nước. Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, trong từng giai đoạn lịch sử, để tiện cho việc quản lý và điều hành, chính quyền nhà nước Việt Nam đều tổ chức Hoàng Sa, Trường Sa thành các đơn vị hành chính nhà nước. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo.
Như vậy là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vì vi phạm điều thứ nhất, do Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam đã thực hiện chủ quyền liên tục tại hai quần đảo này từ Thế kỷ XVII đến nay. Như vậy, đây không phải là đất vô chủ. Thêm nữa, Trung Quốc đã vi phạm Điều 3 của nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Họ hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử. Họ hoàn toàn chưa chiếm hữu, không chiếm hữu liên tục và cũng không chiếm hữu hoà bình. Tức là Trung Quốc đã vi phạm 2 Điều trong Luật về quyền thụ đắc lãnh thổ.
Từ những vấn đề trên cho thấy, quyết định thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc không chỉ vô giá trị mà còn là hành vi vi phạm các quy định luật pháp quốc tế. Hành động trên của Trung Quốc hiện đang tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, nhất là những nước yêu chuộng hòa bình và thượng tôn pháp luật. Trung Quốc với vai trò là nước lớn, Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc song lại không tuân thủ luật pháp quốc tế, đi xâm chiếm biển đảo của nước khác là hành vi không chấp nhận được. Qua những việc này cho thấy bản chất và âm mưu lợi ích của giới cầm quyền Trung Quốc là không thay đổi. Cộng đồng quốc tế cần lên án mạnh mẽ hơn nữa, có các biện pháp cứng rắn hơn để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn