Tin Biển Đông – 27/04/2020
Chiến hạm Trung Quốc bị tố khóa mục tiêu tàu hộ vệ Philippines
Tàu chiến Type-056 Trung Quốc bị cáo buộc chĩa radar hỏa lực vào tàu hộ vệ Conrado Yap ở khu vực cách bờ biển Philippines khoảng 200 km.
Phó đô đốc Rene Media, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây quân đội Philippines, hôm qua cho biết sự việc xảy ra khi tàu hộ vệ BRP Conrado Yap tuần tra và phát hiện tàu hộ vệ hạng nhẹ Lục Bàn Thủy thuộc
lớp Type-056 của Trung Quốc ở vùng biển cách đảo Palawan, miền nam Philippines, khoảng 200 km hồi giữa tháng 2.
Chiến hạm Philippines yêu cầu tàu hộ vệ Trung Quốc chuyển hướng và rời khỏi khu vực, nhưng chiếc Lục Bàn Thủy giữ nguyên tốc độ và hướng đi, đồng thời liên lạc qua điện đàm để tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Phó đô đốc Mediana cho biết tàu hộ vệ Philippines không được lắp hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) và cảnh báo chiếu xạ radar, thủy thủ đoàn chỉ biết họ đang bị tàu Lục Bàn Thủy khóa mục tiêu khi tận mắt chứng kiến radar điều khiển hỏa lực trên chiến hạm Trung Quốc chĩa về phía tàu BRP Conrado Yap.
“Conrado Yap không có hệ thống ESM để xác nhận tàu Trung Quốc nhắm bắn họ, nhưng quá trình quan sát mắt thường đã xác nhận hành động thù địch này. Hệ thống dẫn bắn của tàu Trung Quốc có thể bám bắt mục tiêu, cho phép pháo hạm khai hỏa trong vòng chưa đầy một giây”, phó đô đốc Medina nói thêm.
BRP Conrado Yap là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Pohang được Hàn Quốc chuyển giao cho Philippines hồi giữa năm 2019. Đây được coi là chiến hạm hiện đại đầu tiên và được vũ trang mạnh nhất trong biên chế hải quân Philippines. Tuy nhiên, Seoul đã loại bỏ nhiều khí tài trước khi chuyển giao chiến hạm trên cho Manila. Tàu chỉ được trang bị hai pháo đa dụng cỡ nòng 76 mm, hai pháo nòng đôi bắn nhanh cỡ 40 mm và 6 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm.
Radar điều khiển hỏa lực được dùng để định vị chính xác đối phương, cung cấp tham số dẫn đường cho tên lửa và đạn có điều khiển. Việc bật radar hỏa lực và khóa mục tiêu thường chỉ diễn ra khi một bên sẵn sàng khai hỏa trong chiến đấu, đồng thời bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng trong thời bình.
Máy bay và tàu chiến hiện đại đều được trang bị hệ thống cảnh báo chiếu xạ, cho phép chúng xác định có đang bị đối phương phát hiện và khóa mục tiêu qua radar hay không.
Giới phân tích quân sự cho rằng sau khi cơ bản khống chế được Covid-19 ở trong nước, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở Biển Đông để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của mình trong khu vực.
“Đây là chiến lược được tính toán kỹ của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng khoảng thời gian các nước khác dồn hết sự chú ý để phòng chống Covid-19 cũng như năng lực của Mỹ trong khu vực suy giảm để gây áp lực với các nước láng giềng”, Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Australia, nói.
Trung Quốc vi phạm luật quốc tế
khi đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông
Thanh Phương
Trong cuối tuần qua, Trung Quốc đã đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông, vùng biển đang tranh chấp nhưng Bắc Kinh khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Theo các nhà phân tích được tờ South China Morning Post trích dẫn hôm nay, 27/04/2020, việc đặt tên này có thể là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ gặp sự chống đối mạnh từ phía các nước ASEAN.
Theo nhật báo Hồng Kông, việc các nước hay các nhà hải dương học đặt tên cho những thực thể địa lý là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy định là các quốc gia không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới đáy biển, trừ phi những thực thể đó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể đất liền.
Trong cuối tuần qua, Bắc Kinh đã đặt tên cho 25 đảo, bãi cạn và đá, cũng như cho 55 thực thể dưới đáy biển. Lần cuối cùng mà Trung Quốc làm như vậy là vào năm 1983 khi họ đặt tên 287 thực thể ở Biển Đông. Trong số 80 thực thể vừa được đặt tên, có 10 bãi cạn và 2 đá nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa mà trước đây chưa có tên. Ngoài ra còn có 13 đá nhỏ hơn, được mô tả là các « thực thể », nằm chung quanh Đá Tây (West Reef), mà Việt Nam hiện đang chiếm giữ.
Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng hành động của Trung Quốc đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông là « bất bình thường » và có thể là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, bởi vì việc đặt tên là một hình thức khẳng định chủ quyền. Vị chuyên gia này nhấn mạnh : « Không rõ vì sao Trung Quốc lại quyết định đặt tên mới cho 13 đá chung quanh Đá Tây ». Không có một đá nào khác ở Biển Đông lại được đặt tên như vậy. Và theo ông Poling, chiếu theo luật quốc tế, không thể đòi chủ quyền trên các thực thể dưới biển.
Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các Vấn Đề Hàng Hải Và Luật Biển của Philippines, cũng cho rằng việc Bắc Kinh đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Vị giáo sư Philippines lưu ý : « Việc nghiên cứu và đặt tên cho các thực thể dưới biển đáy trong khuôn khổ nghiên cứu khoa học đại dương không thể được tiến hành dựa trên việc khẳng định chủ quyền trên bất cứ phần nào của môi trường biển hoặc bất cứ tài nguyên biển nào ».
Về phần ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng việc Bắc Kinh đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Theo ông Lê Hồng Hiệp, « những hành động như vậy chỉ gây căng thẳng với Việt Nam, Malaysia và Philippines, mà sẽ khiến các nước ASEAN nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC ».
Giáo sư Douglas Guifoyle, giảng dạy luật an ninh và quốc tế tại Đại học New South Wales Canbarra, đưa ra cùng nhận định : « Có một nguyên tắc lâu đời của luật quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới, đó là các hành động của một quốc gia nhằm xác quyết chủ quyền trên một khu vực không có giá trị pháp lý, nếu khu vực đó đang có tranh chấp với một quốc gia khác ». Nguyên tắc đó chính là nhằm ngăn chặn những hành vi như của Trung Quốc hiện nay.
Nhưng bà Yan Yan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Và Chính Sách Đại Dương thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Biển Đông của Trung Quốc, lại biện minh cho hành động của Bắc Kinh, cho rằng « đó chỉ là việc hành xử quyền chủ quyền của nước này ».
Việt Nam ‘há miệng mắc nhiều quai’
trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc
Cựu giáo sư Luật của Đại học Harvard, Giáo sư Tạ Văn Tài, nói rằng Việt Nam vẫn đang né tránh đề cập đến công hàm Phạm Văn Đồng, một tài liệu mà ông cho là đã khiến Hà Nội “há miệng mắc quai” trong việc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Theo ông, Việt Nam nên đối đầu trực diện và “rắn” hơn với Trung Quốc, không để công hàm này “làm khó” mình.
Giải thích cho nhận định trên, GS. Tạ Văn Tài nói rằng trong những phản ứng gần đây của Việt Nam trước một loạt hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam vẫn cho thấy thái độ “né tránh” và chỉ đề cập đến vấn đề “công hàm” sau khi Trung Quốc chủ động viện dẫn công hàm này ra trước đó.
“Nó có khía cạnh mà tôi gọi là ‘há miệng mắc quai’, mà theo Luật quốc tế gọi là ‘Estopel’ (nguyên tắc không phủ nhận), tức là nguyên tắc một quốc gia đã nói ra thì không thể nói ngược lại được”, GS. Tạ Văn Tài nói với VOA.
Vì sao “né”?
Công hàm năm 1958 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Quốc vụ viện CHND Trung Hoa Chu Ân Lai, trong đó “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố vào ngày 4/9/1958 của chính phủ nước CHND Trung Hoa “quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc nói “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.
Mặc dù Việt Nam cho rằng công hàm không đề cập đến Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa), nhưng với lời “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm Phạm Văn Đồng, Hà Nội trong những năm qua luôn rơi vào tình trạng “lúng túng” mỗi khi Bắc Kinh nhắc đến công hàm mà nhiều người dân gọi là “bán nước” này.
“Tại vì trong công hàm đó, lời của ông Phạm Văn Đồng nói mù mờ, công nhận những điều trong công hàm của ông Chu Ân Lai. Thành ra nó có thể giải thích nước đôi, hại cho Việt Nam hoặc lợi cho Việt Nam”, GS. Tài giải thích.
Cựu chuyên gia Luật của Đại học Harvard nói Trung Quốc luôn “treo lủng lẳng” công hàm Phạm Văn Đồng như một chiếc thòng lọng trên cổ người Việt, khiến cho chính quyền Việt Nam rất “ngại” khi phải đề cập đến văn kiện này.
Theo tìm hiểu của VOA, trong những năm qua, Việt Nam không ít lần gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản bác Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, những việc làm trên hoàn toàn không được thông tin rộng rãi cho công chúng cũng như trên bình diện công luận quốc tế. GS. Tạ Văn Tài cho rằng ngoài các lý do đã giải thích ở trên, Hà Nội cũng có thể thấy “xấu hổ” nếu công hàm được phơi bày trước công luận.
Bên cạnh đó, theo ông, Việt Nam còn bị “lúng túng” trước Trung Quốc vì một số vụ khác.
GS. Tạ Văn Tài đơn cử:“Một chuyện lúng túng khác là sách giáo khoa hồi đó của Việt Nam in ‘Hoàng Sa – Trường Sa (Trung Quốc)’. Tàu nói Hoàng Sa, Trường Sa là trong chuỗi ngọc các hòn đảo của Trung Quốc, thì Việt Nam trong sách giáo khoa cho các em lớp 9 cũng nhắc lại câu đó của Tàu. Bản đồ là người Tàu sang làm cố vấn cho Cục Bản đồ của Việt Nam. Trên bản đồ ghi ‘Hoàng Sa (China)’, bên dưới ghi ‘Trường Sa (China)’ luôn, mà Cục Bản đồ Việt Nam cũng nghe theo mà làm. Chính mấy cái lẩm cẩm đó thành ra giống như là há miệng mắc quai”.
“Hóa giải”
Theo GS. Tạ Văn Tài, thay vì né tránh, Việt Nam nên đối phó trực diện với Trung Quốc về vấn đề công hàm và “hóa giải” nó bằng những luận cứ vững chắc.
“Có hai luận cứ mà Việt Nam có thể dùng để chống lại”, GS. Tạ Văn Tài nói.
“Thứ nhất, Hiệp định Geneve 1954 chia đất nước ra làm hai, thì đã dành quyền quản lý hành chính Hoàng Sa, Trường Sa ở nam vĩ tuyến 17 cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, đã công nhận quyền chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc Việt Nam Cộng Hòa”.
“Chính phủ này cũng như hải quân của chính phủ này đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền ở các hải đảo trong biến cố Hoàng Sa 1974. Theo luật quốc tế, khi một quốc gia dùng vũ lực để chống lại sự xâm lăng của nước khác tức là đã xác nhận chủ quyền của đất nước”.
Như vậy, theo giải thích của GS. Tạ Văn Tài, ông Phạm Văn Đồng vào thời điểm đó chỉ đại diện cho chính quyền miền Bắc Việt Nam nên “không có thẩm quyền” tuyên bố gì về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
“Từ năm 1974 đến 1975, chính Việt Nam CHXHCN bây giờ cũng công nhận thực trạng 20 năm đó, và Việt Nam CHXHCN bây giờ là quốc gia kế quyền trong việc hành xử bảo vệ chủ quyền đất đai đó”, GS. Tài nói thêm.
Theo ông, sự công nhận này cũng thể hiện qua việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu trước Quốc hội năm 2011. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Tấn Dũng nói “Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý lúc bấy giờ của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm đó và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp”.
Ngoài ra, theo GS. Tạ Văn Tài, sự tồn tại của tình trạng “hai quốc gia” tại Việt Nam vào thời điểm đó còn được xác nhận theo định nghĩa của Công ước Montevideo, với 4 điều kiện là có dân số ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính quyền và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế.
Luận cứ thứ hai, theo GS. Tạ Văn Tài, công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là một tuyên bố đơn phương (unilateral declaration), không thể xem như một hiệp ước nhượng đất đai, lãnh thổ. Theo ông, thời điểm diễn ra việc ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm là lúc chính quyền miền Bắc đang chịu sự giúp đỡ rất lớn từ Trung Quốc, nên công hàm trên chỉ có tính chính trị-ngoại giao, nói thẳng ra là “nịnh” Trung Quốc, mà thôi.
“Ông (Phạm Văn Đồng) giữ vai trò thủ tướng (nên) ông không có quyền. Theo Hiến pháp năm 1946, việc nhượng đất đai cho nước ngoài chỉ có Chủ tịch nước Hồ Chí Minh mới có quyền ký nhượng đất, mà phải có Quốc hội phê chuẩn hiệp ước đó nữa. Còn chưa có những thủ tục đó thì không có vấn đề nhượng đất”, GS. Tài giải thích thêm.
Phải “rắn” hơn
Theo GS. Tạ Văn Tài, Việt Nam nên có tiếng nói “mạnh hơn nữa” và “công khai” luận cứ của mình về công hàm cũng như những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ tại các diễn đàn lớn quốc tế như ở Liên Hiệp Quốc và các nơi khác.
Ngoài ra, “tiếng nói mạnh” còn phải xuất phát từ những người đứng đầu nhà nước, chứ không chỉ dừng lại ở những người làm công tác ngoại giao của Việt Nam.
GS. Tạ Văn Tài nói: “Phải nói mạnh lên mới được. Còn bây giờ cấp lớn đâu dám nói. Thủ tướng đâu dám nói, chỉ sai các văn nhân nói thôi. Ngay cả Bộ trưởng Phạm Bình Minh khi ra trước Liên Hiệp Quốc, lúc nó (Trung Quốc) đang hành hạ Việt Nam, cũng chỉ nói ‘có những vấn đề bất ổn ở Biển Đông’ mà không nó đến tên nước Tàu”.
Theo GS. Tạ Văn Tài, việc tỏ thái độ cương quyết “chiến đấu tới cùng” cũng là rất cần thiết trong việc đấu tranh với Trung Quốc. Lấy ví dụ Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, cả hai đều tỏ cho đối phương thấy tư thế “đạn đã lên nòng” của phía mình, GS. Tạ Văn Tài cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng phải tỏ cho Trung Quốc thấy thái độ “quyết tử” nếu cần để bảo vệ chủ quyền.
“Phải dọa, phải nói trước để khỏi phải đánh nhau”, ông nói. “Phải mềm nắn rắn buông, Trung Quốc là như vậy. Đừng có mềm quá nó nắn thêm. Phải rắn lên thì nó mới buông”.
Theo GS. Tạ Văn Tài, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có một vị thế rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ và các nước khác. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt “nỗi sợ hãi” Trung Quốc và lên tiếng mạnh mẽ cho quyền lợi của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét