Tin Việt Nam – 27/04/2020
Phóng viên Đằng Giao: ’30/4 nhắc nhở tôi là không bao giờ tuyệt vọng’
Tina Hà Giang – BBC News Tiếng ViệtNếu ai hỏi còn nhớ nhiều về 30/4 không, phóng viên Ngô Trọng Đằng Giao sẽ trả lời không do dự: ‘từng chi tiết’ và nhấn mạnh ”phải nói là tôi không thể nào quên được.”
Nhưng phải ngồi nghe Đằng Giao kể lại mới thấy được giòng hồi tưởng cuồn cuộn như khúc phim chiếu lại những chi tiết mà có lẽ anh đã ôn lại trong đầu không biết bao nhiêu lần trong suốt 45 năm qua.
Lúc đó là cậu bé mới 13 tuổi, Đằng Giao cho biết điều đầu tiên anh nhớ về 30/4/1975 là ”cái tát nẩy đom đóm mắt” sáng hôm ấy, từ người cậu, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa.
‘Không thể nào quên được’
”Ngày 30/4, cả ngày hôm đó tôi không dám đi ra khỏi nhà, bởi vì đêm hôm trước, đêm 29 đó, là gia đình Bắc kỳ di cư ở trong khu cư xá dành cho sĩ quan ở, mẹ tôi sợ lắm. Cả đêm hôm trước đã không ngủ được, sáng hôm sau thấy bom đạn nó đến dần, thành ra ngày hôm đó co rúm lại với nhau, sợ hãi lắm.”
”Tuổi tôi hồi đó còn hiếu động, nên ngồi lâu quá cũng chán. Cũng rất sợ, nghe nói là Việt Cộng nó sắp vào rồi. Mình cũng hơi hình dung ra Việt Cộng. Trong đầu tôi chỉ có hình ảnh mấy anh Bắc kỳ răng hô đó, trông rất là hung dữ vậy thôi, chứ không có hình ảnh nào rõ ràng hơn.”
”Tôi nhớ lúc chừng đâu mười giờ sáng, tôi cuồng chân quá, trốn mẹ ra đằng trước, vào xóm đá banh. Đang đá thì ông cậu ông lái xe Honda về nhà đi ngang qua. Ông cậu tôi là huấn luận viên của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Ông mặc bộ quân phục, mặt rất nghiêm nghị, dừng xe xuống giữa đường, ông gọi lại tát cho tôi một cái nổ đom đóm mắt. ‘Nó đánh, giặc vào đến nơi rồi không sợ, còn đứng ngoài đá banh, không biết hả?’
Khi được cậu lôi về nhà, thì cậu bé Đằng Giao lúc ấy thấy không khí trong nhà nghiêm trọng lắm, mẹ và bà ngoại lúc ấy không thì thào bàn tán gì nữa mà chỉ ngồi quan sát ông cậu.
”Cậu vô nhà thay quần áo quân đội ra rồi mặc đồ thường, hồi đó gọi là đồ civil. Tôi thấy rõ là ổng cầm khẩu súng đem vô trong nhà dấu ở đâu đó. Ông bảo bà ngoại ‘cất kỹ cho con’. Ổng dặn mẹ là ‘tối nay đừng có ngủ trong khu này nữa, đi ra nhà chị Căn ngủ đi.’ Chị Căn là bà bác tôi nhà ở khu thường dân. Ổng dặn dò kỹ là nhất định không được ngủ nhà, rồi ông đi.”
”Ông cậu đi được một tí thì nhà dọn cơm trưa lên, nhưng cũng chẳng ai buồn ăn,” Đằng Giao tiếp tục câu chuyện:
”Đang ngồi đó thì trên radio đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tôi rụng rời. Lúc đó tôi chưa hiểu rõ ràng chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Chỉ thấy hoang mang vô cùng. Rồi sau đó lại nghe mấy ông hàng xóm nói ông Nguyễn Cao Kỳ đã đi rồi, không còn ở đây nữa. Thì tôi ngạc nhiên quá, mới hôm qua hôm kia ổng nói sẽ chiến đấu bên cạnh binh sĩ đến giờ phút cuối cùng mà, sao hôm nay lại lạ lùng vậy. Đó là thất vọng đầu tiên tôi có với những người trong chính quyền của mình.”
Chiều hôm đó Đằng Giao theo chân mẹ đến nhà người bác để tạm ngủ đêm đó theo lời dặn của cậu. Những gì anh thấy trên đường đi là những chi tiết khắc sâu vào tâm khảm.
‘Tôi đi với mẹ, ngang qua cái ngã Bảy Lý Thái Tổ, nơi có cái tượng mấy ông lính biệt động quân gì đó, thì tự nhiên khi đến gần tôi nghe một tiếng nổ rất lớn, chát chúa luôn. Người ta bu lại. Tôi vụt khỏi tay mẹ, chạy ra giữa đường nhìn vô thì thấy chỗ cái hàng rào kẽm gai xây trên sân cỏ chung quanh tượng đài, gần đó có chiếc xe lăn nó nằm lật nghiêng ra. Và trên dây kẽm gai đó lủng lẳng những miếng thịt như thịt bò, không biết làm sao mà mùi nó tanh lắm.”
”Hỏi ra thì người ta mới nói một người lính vừa giựt lựu đạn tự tử ở đó. Đó lúc đó tôi thấy thực sự sợ hãi, cái hình tượng nó không còn mơ hồ như hôm qua hôm kia nữa. Lúc đó cộng sản với tôi là những cục thịt lủng lẳng đó. Cái màu đỏ của cục thịt với mùi tanh vô cùng lẫn với cái mùi thuốc súng nó nồng nặc vô cùng, nhưng mà sao mùi thuốc súng cũng mạnh lắm mà nó không át được cái mùi tanh đó, tanh lắm.”
Được hỏi về gia cảnh Đằng Giao cho biết bố anh, một sĩ quan VNCH, đã qua đời trước 1975 vài năm.
Chi tiết về cái chết của bố, Đằng Giao không rõ, nhưng nỗi đau đớn sự ra đi của ông để lại cho mẹ, thì anh nhớ mồn một.
”Bố tôi coi kho đạn trong quân cụ, bị tụi nó làm cho lật xe, hay giật mìn, hay bị nó bắn, hay làm sao không biết rõ 100%. Mẹ tôi thì bà cụ thương chồng quá, không cho con cái nhắc đến chuyện đó nữa. Đối với bà thì chuyện đau thương nhất đó không ai được nói đến. Tôi chỉ biết vì một lý do nào đó mà công xa của bố bị lật và ông qua đời.” Đằng Giao ngập ngừng trong xúc động.
Trên đường vượt biên
Cuộc sống người con trai của giới ”ngụy quân, ngụy quyền” sau 30/4/75 không dễ.
Vượt biên nhiều lần và thất bại nhiều lần, Đằng Giao đến được Mỹ sau chuyến vượt biên cuối cùng, dù hành trình gió bão đó khiến anh có lúc đã tưởng mình sẽ chết giữa đường.
Anh kể lại:
”Tôi rời Việt Nam năm 82. Vâng đi vượt biên. Tôi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, đào ngũ về nhà, nên phải đi thôi.”
”Lần cuối cùng đi khởi đầu rất thuận tiện. Đó là cuộc đi gần nhà nhất, đi từ Bà Rịa Vũng Tàu. Tôi nhớ mọi người hò hét nhau lên cái tàu họ gọi là đi ra cá mập. Đi từ ghe nhỏ gọi là taxi rồi ra cái tàu lớn hơn để ra biển.”
”Đến trưa thì tự nhiên trời đang quang đãng bỗng nhiên vần vũ chuyển mây rồi bão tố nổi lên. Lúc đó tụi tôi được lệnh phải chui xuống bên dưới hết rồi. Mọi người không được ngồi ở trước nữa. Họ che kín hết trời mưa lớn lắm. Xuống dưới khoang thì mùi dầu hôi nồng nặc quá chịu không nổi, tôi ói ra liền, xong rồi một tí nữa sóng nó nhồi mật quá, lả luôn, ngất đi luôn.”
”Cho đến nửa đêm, tôi mở được mắt ra thì có âm thanh rất lạ mà tôi không bao giờ quên được là tiếng cầu kinh của Công giáo hòa lẫn với tiếng tụng kinh của Phật giáo, nghe nó không êm đềm và dễ chịu như mình thường nghe, mà chát chúa lắm. Lúc đó nằm trên cái tàu nó lênh đênh như vậy, tôi có cảm giác là đây là tiếng cầu kinh đang tiễn mình đi sang bên kia thế giới.”
”Đi được mấy ngày thì tàu có cái máy bơm nước để thải nước ra ngoài, thì cái máy đó bị hư. Tụi tôi phải chia phiên nhau tạt nước ra ngoài. Sóng nó cứ lên một cái thì tạt mấy tiếng đồng hồ mới hết nước. Đồ đạc không có. Người thì dùng mấy cái cà mên để tạt nước, người thì lấy tay, nói chung là ai có cái gì làm cái nấy. Đến ngày thứ năm thì mệt mỏi lắm rồi. Đêm ngày thứ năm mọi người lúc đó được lên boong tàu, người ta nói ầm ĩ lên là ra đến hải phận quốc tế rồi, và kêu có tàu lớn, tàu lớn.”
Tàu lớn đầu tiên tàu vượt biên nhóm Đằng Giao gặp được là tàu của Liên Xô.
‘Đèn nó tắt tối thui, nhưng thấy cái tàu như ngọn núi trước mặt, ai cũng mừng rỡ. Có người lấy flares ra rồi lấy súng ra bắn, bắn chỉ thiên.”
”Cái tàu bật đèn sáng tạch tạch từng vùng, từng vùng lên. Đến khi nó sáng toàn vẹn thì mọi người không mừng rỡ mà đứng chết trân luôn. Toàn là chữ Liên Xô thôi. Chết cha thôi nó nó bắt về là chết rồi. Có anh kia ảnh nói là thôi giờ lỡ rồi, nó bắt về nhà thì về rồi về nhà làm lại chứ bây giờ cái máy bơm nước nó hư rồi, đâu có đi xa được nữa. Đang phân vân như vậy, thì đùng một cái tàu lớn nó nổ máy hú còi rồi nó chạy đi luôn. Nó bỏ chạy, và sóng của nó làm cho tàu tụi tôi suýt lật, sóng nó mạnh lắm. Thế là lại tiếp tục lên đường nữa.”
Đoàn người gặp tàu Nhật Bản trong tình trạng bi đát lúc tàu đã hết sạch thức ăn và nước uống.
”Đến ngày thứ bảy, sáng hôm đó thì gặp một cái tàu nữa. Lúc đó nước hết rồi. Còn gạo thì cái lần bị sóng, nước vào nó bị nở và hư, phải đi vứt hết rồi, không ăn được nữa. Trái cây thì sóng biển cũng làm hư hết, không còn gì ăn nữa. Mọi người cũng như lần trước bắn súng chỉ thiên rồi chờ. May mắn tàu này là tàu của Nhật Bản thì họ dừng lại.”
”Khi họ kéo tàu mình đến gần thì sóng nó cứ đập đập vào cái mạn thuyền, người ta sợ nếu không có người đỡ thì tàu của mình sẽ va vào tàu Nhật rồi bị vỡ, cho nên lúc đó mọi người phải xúm lại ngồi cạnh nhau để căn, khi mà sóng nó vừa ập đến thì mình có động tác nhịp nhàng lấy chân đẩy ra.”
”Tôi nhớ có một anh tên là Đông anh ấy vì vậy mà bị gẫy chân. Ảnh la um xùm, la quá trời luôn. Cũng một phần nhờ vậy mà tàu Nhật họ kéo mọi người mình lên hết vì họ nghe tiếng la lớn quá họ xem xét rồi cho lên.”
Lên đó thì làm căn cước Nhật, họ chuẩn bị là sẽ đưa mình vào nước Nhật. Lúc đó nghĩ rằng 100% sẽ vào Nhật định cư thì có nhiều người thất vọng, nhiều người có thân nhân ở những nước khác họ mong là được sang bên đó.”
”Chờ trên tàu ít lâu thì vì một lý do gì đó mà chính phủ Nhật đánh điện ra họ nói họ không nhận được nữa, vì nước Nhật không chịu nhận người tị nạn. Họ nói sẽ gọi một cái tàu Panama nhờ đưa chúng tôi đến một trại tị nạn nào đó.”
Chiều hôm đó đoàn người được chở đến một đảo mà sau này Đằng Giao mới biết là đảo Pulau Bidong.’
Sau khi sống trong ba trại tị nạn khác nhau: Pulau Bidong, rồi Sungei Besi ở Malaysia, và cuối cùng là Moron Bataan, Philippines, nơi anh được đưa đến học đời sống Đằng Giang được vào Mỹ với diện tị nạn vì là con của quân nhân VNCH.
Anh vào Mỹ năm 83, đúng một năm sau ngày rời Việt Nam.
‘Luôn luôn là người Việt’
Tại Mỹ Đằng Giao học điện ảnh ở UCLA. Học xong, anh làm việc với các công ty Mỹ một thời gian rồi ngày càng nghe thấy tiếng gọi của quê hương. Anh bộc bạch:
”Học điện ảnh ra rồi, sau một thời gian làm việc với Mỹ thì tôi nghĩ ủa sao mình nói mình là người Việt, mà thực sự lúc đó tôi không biết nhiều về văn hóa của mình cho lắm. Do một sự tình cờ, tôi vào làm cho trung tâm băng nhạc Làng Văn, rồi về Việt Nam làm việc, quay băng nhạc ở bên đó.”
Đằng Giao cho biết anh làm đạo diễn video cho các chương trình Duyên Dáng Việt Nam từ số 9 đến 15, trong thời gian khoảng năm, sáu năm.
Kể lại kinh nghiệm làm việc ở quê hương, anh cho biết mình được làm việc thoải mái, nhưng biết có những cái không thoải mái cho người khác:
”Bản thân tôi thì không bị. Nhưng tôi chỉ thấy có những cái rất là vô lý. Không thể tưởng tượng sự vô lý của họ đến đâu. Thí dụ trong CD của mình có bài ca ngợi tỉnh Hà Giang, bài nữa ca ngợi tỉnh Hà Nội. Trong cái đĩa CD đó, mười bài đã phải xin phép và có phép hết rồi. Khi cầm cái danh sách nhạc đó đi thâu video, thì lại phải xin phép lại từng bài một. Không hiểu tại sao?”
Được hỏi sau gần 40 năm sống ở Mỹ có thấy mình bị khủng hoảng bản sắc không, Đằng Giao trả lời rằng trong cụm từ ”Người Mỹ gốc Việt” anh nghiêng về hai chữ ”gốc Việt” hơn.
”Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người Việt. Cách cư xử, cách suy nghĩ của mình nó có khác, nhưng mình nghĩ là nó do sự hội nhập thôi, chứ không phải vì mình là ”người Mỹ” gì cả. Thậm chí khi có con tôi cũng không đặt tên tiếng Anh cho nó, tôi cứ đặt tên Việt Nam, tôi nghĩ nó lớn nó thích tên nào nó tự đặt cho nó sau.”
Hỏi anh nói gì với người con trai ngưỡng cửa đại học về lịch sử Việt Nam, Đằng Giao cho biết hai bố con rất thân nhau.
”Tôi thậm chí còn không nhớ nói gì với con. Nhưng thế này. Có lần cô em con ông chú của tôi, cô rất là mê thằng con tôi tại nó bụ bẫm dễ thương lại nói tiếng Việt Nam rất giỏi nữa. Hôm đó em tôi chở thằng con tôi về, mà mặt nó tái nhợt à. Nó nói anh Giao anh dạy con anh cái gì mà nó nói nghe sợ quá. Tôi hỏi nói cái gì. Cô em kể lúc nãy chở nó đi vừa dừng đèn đỏ, nhìn thấy cái tượng, thằng con tôi nó chỉ vô cái tượng nói ‘già Hồ kìa cô Ngọc.’ Ngọc nói em giật bắn người lên, người ta nghe thì chết em.”
Anh kết luận:
”Tôi nghĩ vậy cũng đủ để cho nó biết rằng nó là ai rồi. Nó thấy hình ảnh của ông nội, nó thấy ông nội ngồi với Mỹ là nó đã biết rồi, có những điều may mắn tôi không phải giải thích vào chi tiết vì nó đã hiểu hết rồi.”
’30/4 nhắc tôi không bao giờ tuyệt vọng’
Chia sẻ tâm trạng mình sau 45 năm biến cố 30/4, Đằng Giao trầm ngâm:
”Việt Nam nước mình thì vẫn là nước mình thôi. Có điều nó đang nằm trong tay của những người, cũng là người Việt mình đó, nhưng mà những người nó không có giống mình cho lắm. Hồi trước phải về Việt Nam làm việc thì tôi về thôi chứ còn sau này khi mà không bị công việc nó đòi hỏi nữa tôi rất ngại về mặc dù bạn bè bà con còn đó, lâu lắm rồi tôi không về.”
Anh nói thêm:
”30/4 là một nỗi thất vọng, tuyệt vọng, một ký ức buồn cho rất nhiều người. Hồi đó khi mà thấy gia đình mình mất hết tất cả trong vài ngày thì dĩ nhiên cũng như nhiều người tôi cũng rất buồn bã.”
”Nhưng mà tôi tin là nhờ biến cố 30/4 đó mà những người như tôi mới được dịp đi nước ngoài để sinh sống, và học hỏi những kiến thức khác để kiến tạo ra nếp sống mới của mình.”
”Thành thử ra đối với tôi mỗi khi 30/4 đến nó như một sự nhắc nhở là không bao giờ tuyệt vọng cả. Trong tất cả những cái rủi ro, dù mất mát lớn lao đến đâu thì cũng có những cái may mắn đền bù lai. Trong đại họa lớn lao của đất nước, có một số đông chúng ta có sự may mắn khác hơn người, đó là một nhắc nhở rất quý giá đối với tôi.”
Hiện đang làm phóng viên cho một tờ báo ở Little Saigon, Đằng Giao cho biết anh ‘yêu nghề làm báo,’ và nghề này dù không kiếm được nhiều tiền nhưng ‘rất vui,’ vì cảm thấy ‘đang giúp được chút gì cho cái cộng đồng người Việt nhỏ bé xung quanh.’ Dường như phóng viên Đằng Giao đã tìm được quê hương Việt Nam tại nơi anh đang sống.
Câu chuyện của phóng viên Đằng Giao nằm trong loạt bài kỷ niệm 45 năm 30/4 của BBC News Tiếng Việt.
Độc giả muốn chia sẻ câu chuyện của mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk hoặc với tác giả: tina.thanhha.vu@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-52430984
Cuộc chiến chấm dứt 45 năm trước
qua cái nhìn của du học sinh!
Cao NguyênTừ niềm tự hào được “định hướng”
Như hết thảy trẻ em ở Việt Nam, Đình Kim được giáo dục về sự kiện 30/4/1975 là “Đại thắng mùa xuân”, ngày “Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước”, với lòng tự hào rằng Việt Nam đã đánh bại cả “Thực dân” Pháp và “Đế Quốc” Mỹ.
Kim nói với RFA rằng anh có thói quen tra cứu mọi thông tin mình muốn tìm hiểu trên mạng Internet. Từ đó, anh phát hiện thêm nhiều sự thật khác về ngày 30/4 mà sách lịch sử giáo khoa đã không đề cập đến:
“Mình có thói quen hay đọc Wikipedia. Mình mới thấy rằng Wikipedia nói về ngày 30/4 mà tại sao lại là ngày “Quốc Hận”, “tháng Tư đen”… Khi đó mình mới bắt đầu lên Google tìm kiếm những cụm từ này thì mới ra một số trang blog kể về sự đau khổ, mất mát của những đang sống ở một nước nước khác khi người ta nhớ lại biến cố đó, thì mình mới biết rằng có một bộ phận người Việt đang ở bên nước khác là những người đã vượt biên. Sau này, khi ra nước ngoài, được đọc nhiều hơn thì mình mới thực sự thay đổi quan điểm về ngày 30/4 này.”
Minh, người chuẩn bị du học thạc sỹ ngành Nhân quyền và Chính sách công tại Thuỵ Điển cũng thay đổi quan điểm nhờ vào việc đọc nhiều hơn các tài liệu bằng tiếng Anh:
“Trước đây, học lịch sử ở trường thì em chỉ biết ngày 30/4 là ngày chính quyền miền Nam Việt Nam đầu hàng, quân đội Bắc Việt chiếm Dinh Độc lập và ngày đấy được coi là ngày thống nhất đất nước.
Sau này, khi đọc nhiều tài liệu bên ngoài hơn thì em mới biết ngày đấy không nên được hiểu là ngày “giải phóng dân tộc” hay “thống nhất đất nước” gì cả vì thực sự đã có rất rất nhiều người phải chết, phải rời bỏ tổ quốc, phải chịu “cải tạo”, bị tịch thu tài sản sau biến cố đấy.”
Vy Nguyễn, thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh chia sẻ cô cũng từng tự hào về lịch sử dân tộc hào hùng được giảng dạy ở nhà trường. Tuy nhiên, niềm tự hào đó cũng thay đổi kể từ khi cô đi du học và được tự do tiếp cận thông tin ở một đất nước dân chủ:
“Lúc trước được học ở trong trường ở Việt Nam thì ngày 30/4 là ngày “giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Nói chung cũng biết bao tự hào về lịch sử dân tộc, về chuyện mình thắng Trung Quốc, chống Mỹ, chống Pháp…
Khi mình sang Đài Loan đi học, mình tiếp nhận thêm những những nguồn thông tin khác ở bên ngoài, tìm hiểu thì mình mới biết được sự thật về ngày 30/4 nó không giống như những cái gì mình được học trước đó. Mình biết được là sự thật lịch sử nó đã không được viết đúng. Người chiến thắng lúc nào cũng là người được viết nên lịch sử hết.
Ví dụ như một nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, mà hồi xưa ở trong sách chỉ gọi là Mỹ Ngụy thôi, chứ họ không nói chính xác là một đất nước, nhưng họ có nói đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc.”
Cho đến thay đổi quan điểm về cuộc chiến
Theo Đình Kim, quan điểm của về cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc và ngày 30/4 có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ mang trong lòng niềm tự hào, cho đến giờ, thì anh coi biến cố 30/4/1975 như là một tiến trình thay đổi thể chế ở miền Nam Việt Nam:
“Các quan điểm về sự kiện này, “tháng tư đen”, “ngày thống nhất đất nước” hay “ngày quốc hận”… nó tùy thuộc và đánh giá chủ quan tư tưởng của người suy nghĩ về nó.
Còn đối với mình thì ngày 30/4 nó cũng không hẳn là một cuộc xâm lược. Thực ra, lực lượng tiến hành ngày 30/4 này không chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn có cả Mặt trận Giải Phóng ngay bên trong lòng miền Nam…
Cho nên, không hẳn là một cuộc xâm lược mà nó là một tiến trình thay đổi thể chế, thay đổi Chính phủ, tiến trình sụp đổ của một Chính phủ mà không còn được Mỹ bảo trợ. Mình cũng biết là từ năm 1973 thì Mỹ không còn bảo trợ cho miền Nam nữa.”
Bạn Minh thì khẳng định luôn quan điểm của mình về cuộc chiến này là “nội chiến” chứ không phải “giải phóng dân tộc”, bởi vì rõ ràng là “người Việt đánh người Việt”:
“Biến cố 30/4 là không đơn giản là một sự kiện lịch sử, mà nó là bước ngoặt thay đổi số phận của hàng triệu con người. Sau 45 năm, hệ quả của biến cố đấy vẫn còn gây ảnh hưởng đến nhiều người đang sống ở thời điểm hiện tại. Ví dụ: việc phân biệt đối xử với con cái của những cựu binh Việt Nam Cộng Hoà…
Và cần phải thừa nhận rằng đấy là một cuộc nội chiến chứ không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc.”
Thế hệ trẻ Việt Nam nên được giáo dục về cuộc chiến như thế nào?
Cả ba người mà chúng tôi phỏng vấn đều nhìn nhận rằng chương trình lịch sử sách giáo khoa hiện nay mà tất cả học sinh Việt Nam phải học có quá nhiều điều không khách quan, không đúng sự thật và còn nhiều điều bị che dấu về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
Đình Kim nói:
“Rõ ràng, hiện tại, người thắng là người có quyền nói. Cho nên những điều mà họ đưa vào sách vở được dựng lên theo một hướng chủ quan nhất định từ phía miền Bắc. Chính vì vậy mà nó sẽ có sự không khách quan về mặt thông tin, sự kiện lịch sử, nhiều khi có những sự kiện lịch sử đã bị che lấp đi, không đưa vào sách vở.
Nó dẫn đến một sự thật đó là thế hệ trẻ Việt Nam, thậm chí là mình, khi mà được giáo dục ở trong môi trường đó thì mình cũng chỉ hiểu biết giới hạn về sự thật chủ quan một phía mà thôi.
Ví dụ đơn giản là các cách mà sách lịch sử giáo khoa Việt Nam nói về một chủ thể là “Chính quyền Mỹ Ngụy” thôi thì đó cũng đã thể hiện sự chủ quan của miền Bắc Việt Nam rồi.”
Nếu được thay đổi cách giảng dạy lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam về cuộc chiến tranh này, Đình Kim nói cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, đúng và đủ, cần xác định rõ ba điều cơ bản sau:
“Thứ nhất, mình xác định rõ đây là cuộc nội chiến giữa hai miền. Nó không phải là cuộc kháng chiến chống Mỹ, hay là chống xâm lược từ Miền Bắc. Đó là cuộc nội chiến giữa hai phe có tư tưởng khác nhau.
Thứ hai, ngày 30/4 là ngày mà Chính phủ phía Nam bị thất bại trước Chính phủ phía Bắc.
Thứ ba, ngày này không phải là “giải phóng”. Đây là ngày mà nói rằng “thống nhất đất nước” cũng có thể chấp nhận được, vì đây là ngày hai nước thống nhất trở thành một nước, nhưng nó không phải là ngày “giải phóng”. Bởi vì, người miền Nam chưa bao giờ có ý định muốn được giải phóng. Và nếu là ngày “giải phóng” thì tại sao sau ngày này lại có hàng triệu người phải ra đi để thoát khỏi cái đất nước vừa được “giải phóng” đó.”
Bạn Minh cho rằng ít nhất, những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử Việt Nam cần nhìn nhận khách quan hơn về cả hai bên:
“Họ nên có cái nhìn khách quan và công bằng hơn với cả hai phe, cả Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra nên loại bỏ những từ tiêu cực và mang tính phân biệt khi nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hoà như “Ngụy quân”, “Ngụy quyền”, “Bán nước”, “theo đế quốc Mỹ”…”
Theo Vy Nguyễn thì bây giờ có góp ý thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử cũng không có tác dụng. Chỉ có một nền dân chủ, tự do thực sự mới giúp người dân tự do tìm hiểu, tự do nhận định đâu là sự thật mà thôi:
“Thực tế lịch sử Việt Nam đã bị thay đổi khá nhiều. Bây giờ muốn thay đổi thì chỉ có một cách duy nhất là phải có sự tự do thật sự, một nền dân chủ thực sự thì mới có sự thay đổi trên tất cả mọi mặt, không chỉ về mặt giáo dục, kinh tế… Chứ còn bây giờ nói để góp ý thay đổi cũng không được. Chỉ có thay đổi được thực sự gốc rễ, khi có được tự do thì họ sẽ được tự do tìm kiếm, sẽ tự soạn thảo ra những chương trình để học thôi.”
Trong những ngày cuối tháng Tư này, báo chí Nhà nước rầm rộ đưa tin chào mừng ngày 30/4 với những từ ngữ quen thuộc như “dấu ấn lịch sử hào hùng” hay “đất nước trọn niềm vui”.
Vẫn không có thông tin về những gia đình bị chia cắt, những con người bị vùi dập, dòng người trốn chạy khỏi đất nước kể từ sau tháng 4/1975 được đưa lên mặt báo trong nước. Báo chí, sách vở ở Việt Nam vẫn im lặng về những vấn đề đó, cho dù chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-young-people-studying-overseas-think-about-vn-war-04272020091932.html
Ông Nguyễn Bắc Son bị Tuyên án tù chung thân
Hiểu MinhChiều 27/4, HĐXX phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua cổ phần AVG đã đưa ra phán quyết với các bị cáo. Trong đó tuyên y án chung thân cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Theo báo Tuổi Trẻ, HĐXX đánh giá vụ án có tính chất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại thuộc sở hữu nhà nước hơn 6.000 tỉ đồng, làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách bộ trưởng là người trực tiếp thành lập, đánh giá dự án, định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý bản ghi nhớ, ký quyết định thành lập tổ thẩm định, thống nhất giá mua 95% cổ phần là hơn 8.900 tỉ đồng, thương vụ phải được triển khai ngay trong năm 2015.
Tại tòa, bị cáo Son thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và bản án sơ thẩm đã tuyên. Ông Son là người có chức vụ quyền hạn cao nhất, có vai trò quyết định trong thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG bất chấp quy định của pháp luật. Hành vi của ông Son và đồng phạm gây thiệt hại 6.500 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Son nhiều lần trao đổi với Phạm Nhật Vũ, có mục đích tư lợi chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án. Sau khi MobiFone chuyển tiền cho AVG, bị cáo Son đã nhận được 3 triệu USD tiền hối lộ từ Phạm Nhật Vũ.
Tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 16 năm tù tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng là không nặng, hình phạt chung thân tội nhận hối lộ là đúng.
Báo VnExpress, khác với ông Son, HĐXX cấp phúc thẩm thấy “có căn cứ” xem xét giảm hình phạt 3 năm tù với cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà, còn 20 năm.
Cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà trong lời nói sau, ông xin HĐXX giảm nhẹ. Với hình phạt 23 năm tù như bản án sơ thẩm, ông thấy “không mang yếu tố giáo dục tuyên truyền” nên mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét.
Sáu cựu phó tổng giám đốc MobiFone đều tiếp tục xin HĐXX xem xét cho hưởng án treo, miễn hình phạt vì mình chỉ có “vai trò mờ nhạt” trong vụ án, có đóng góp trong việc khắc phục hậu quả 6.600 tỷ đồng.
Phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và 8 người vụ án MobiFone mua AVG được TAND Cấp cao mở từ ngày 23/4.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ong-nguyen-bac-son-bi-tuyen-an-tu-chung-than.html
Facebooker bị án 18 tháng
với cáo buộc xuyên tạc vụ Đồng Tâm
Chủ tài khoản Facebook ‘Chương May Mắn’, ông Chung Hoàng Chương, vào ngày 27 tháng 4 bị tòa án huyện Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tuyên án 18 tháng tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước; quyền,lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân’.Một trong những cáo buộc là ông này ‘xuyên tạc làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang’ trong vụ đụng độ giữa công an và người dân tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 9 tháng 1 vừa qua.
Vợ của ông Chung Hoàng Chương, bà Nguyễn Thảo Nguyên, vào chiều ngày 27 tháng 4 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin liên quan phiên xử như sau:
“Họ nói cụ thể là là vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào ngày 9 tháng 1 thì anh đã chia sẻ với cái bài viết là một chiến sĩ hy sinh và ba con chó, thì như vậy là xuyên tạc tới những người thi hành công vụ.
Họ hỏi anh Chương là có ý kiến gì không thì anh nói là cái bài đó anh chỉ đăng lên một chiến sĩ hy sinh và chết ba con chó, thì ba con chó đồng ý là anh thêm vô để cho sự việc nó giảm nhẹ đi thôi.
Nhằm mục đích là câu like chứ không có xuyên tạc chiến sĩ nào hết, nhưng mà bên Viện kiểm soát và Hội đồng nhân dân thì nói rằng anh không thể nào đăng lên mà mà phải giải thích cho từng người hiểu như vậy.”
Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng cho biết, ngày 15 tháng 9 năm ngoái, Đội An Ninh, Công an Quận Ninh Kiều phát hiện tài khoản Facebook ‘Chương May Mắn’ do ông Chung Hoàng Chương làm chủ. Tài khoản này bị nói có đăng, chia sẻ nhiều bài viết với nội dung mà cơ quan chức năng Việt Nam cho là ‘chống phá đảng, nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo trung ương và địa phương’.
Vào ngày 20 tháng 1 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam Facebooker Chương May Mắn.
Trước đó, vào ngày 12/1, truyền thông trong nước cho biết công an quận Ninh Kiều đã bắt giữ Facebooker Chương May Mắn có tên Chung Hoàng Chương, 43 tuổi.
Vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 được người trong cuộc và những nguồn tin độc lập cho là do hằng ngàn công an, cảnh sát cơ động tấn công. Kết cục có 4 người chết gồm 3 công an và một dân thường là cụ Lê Đình Kình.
Cho đến nay có 29 người dân khác đã bị bắt giữ và bị khởi tố về các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Vụ này liên quan đến một khu đất tranh chấp giữa người dân địa phương và chính quyền. Sau khi xảy ra vụ Đồng Tâm như vừa nêu, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi chính quyền Việt Nam phải minh bạch thông tin, tiến hành một cuộc điều tra độc lập và cho quan sát viên quốc tế vào Đồng Tâm.
Sau vụ việc, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Facebook và YouTube gỡ bỏ các thông tin về Đồng Tâm mà chính quyền cho là xấu, có tính chất kích động.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-sentenced-to-18-months-on-the-charge-of-distortion-dong-tam-clash-04272020080740.html
Bắt đầu phiên xử Hà Văn Thắm
trong vụ án thứ ba liên quan đến Oceanbank
Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank và 7 đồng phạm hôm 27/4, vừa bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết đây là vụ án thứ ba liên quan đến Ngân hàng Đại Dương – Oceanbank và phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày.
Trong số bảy đồng phạm cùng ra hầu Tòa với bị cáo Hà Văn Thắm trong vụ án này, 6 người đang được tại ngoại. Ông Hà Văn Thắm và bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank, đang chấp hành án tại Trại giam theo bản án trước đây.
Theo cáo trạng, ông Hà Văn Thắm và 7 bị cáo còn lại đã cấu kết hợp thức hóa và nâng giá 44 hợp đồng khống cung cấp thuê biển quảng cáo, tổ chức hội nghị, in tờ rơi… với 19 đối tác trong và ngoài Tập đoàn Đại Dương, với tổng giá trị lên đến hơn 133,8 tỷ đồng.
Sau khi chuyển trả lại cho ngân hàng hơn 84 tỷ đồng để trả lại phần ứng trước chi lãi ngoài, chi phí truyền thông, chi đối ngoại… Trừ phần thực hiện tại các hợp đồng hơn 26,5 tỷ đồng và nộp thuế giá trị gia tăng gần 11,5 tỷ đồng, 8 bị cáo đã chiếm đoạt hơn 10,6 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2016, ông Hà Văn Thắm đã bị truy tố 3 tội danh: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm
trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vào ngày 29/9/2017, ông Hà Văn Thắm bị tòa tuyên mức án chung thân vì những tội danh này.
Đến ngày 14/1/2020, trong vụ án thứ hai, Ông Hà Văn Thắm bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên thêm 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho Oceanbank 91 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/start-of-trial-of-ha-van-tham-in-the-third-case-involving-oceanbank-04272020074826.html
Nguyên Chủ tịch Petroland Ngô Hồng Minh
bị truy nã
Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định truy nã đối với ông Nguyễn Hồng Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland).Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Bộ Công an, vào ngày 25/4, cho biết thông tin vừa nêu.
Theo lệnh truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị truy nã đến cơ quan chức năng gần nhất; đồng thời phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Tin cho biết, hồi tháng 10/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Petroland.
Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy từ năm 2012 đến năm 2018, tại Petroland đã xảy ra nhiều sai phạm trong các giao dịch bất động sản, gây thiệt hại cho công ty này gần 100 tỷ đồng.
Ông Ngô Hồng Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Petroland, bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình bị điều tra, ông Ngô Hồng Minh được nói là đã bỏ trốn và Bộ Công an vừa phát lệnh truy nã.
Trong vụ án hình sự tại Petroland, một bị can khác là Trần Hữu Giang, nguyên Phó giám đốc Petroland, cũng đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Petroland được thành lập vào năm 2007, có trụ sở tại phường Tân Phú, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Petroland được Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đầu tư 36,01% cổ phần và Tổng công ty dầu Việt Nam 9%. Cả hai cổ đông này là công ty nhà nước và nắm quyền chi phối hoạt động kinh doanh của Petroland.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petroland-former-president-nguyen-hong-minh-is-wanted-04272020083045.html
Các hãng hàng không ở Việt Nam
đang lừa khách hàng để kiếm tiền mùa dịch
Tin Vietnam.- Mặc dù chưa được cơ quan Hàng không Cộng sản Việt Nam cho phép các chuyến bay, nhưng các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco vẫn mở bán vé cho khách hàng.Trước tình trạng này, ngày 26 tháng 4 năm 2020, báo Vietnamnet loan tin, cơ quan Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không trên phải trả lại tiền cho các hành khách. Sự việc đang gây bất mãn cho nhiều người, vì các hãng đã không thực hiện được chuyến bay như đã bán vé cho khách, đồng thời cũng không trả lại tiền.
Trước đó, vào ngày 23 tháng 4, facebook mang tên Vũ Nhật Tuấn đã cảnh báo sự việc trên trang cá nhân của mình, do ông là chủ một đại lý bán vé phi cơ. Ông Tuấn cho biết, hiện tại hãng Vietjet Air đang dùng trò huy động vốn, bằng cách bán ra một loạt giá vé rẻ ở các chặng bay nội địa mà chưa được cấp phép.
Thí dụ, nếu một ngày nhà cầm quyền chỉ cho hãng này hoạt động 6 chuyến bay, nhưng hãng sẽ bán ra số vé cho 15 đến 20 chuyến. Khi đến giờ bay thì có rất nhiều hành khách không được bay với nguyên nhân là chính phủ bắt huỷ bớt chứ không phải lỗi của hãng.
Lúc này, hành khách có các lựa chọn, bảo lưu tiền vé trong vòng 360 ngày tại hãng, và khi nào mua thêm vé thì sẽ được trừ khi liên hệ với hãng. Nhưng chủ facebook này khuyến cáo rằng, hành khách liên hệ có được hay không mới là vấn đề.
Cách thứ 2, là hành khách sẽ được đổi vé nhưng phải đóng thêm tiền chênh lệch có thể đắt gấp đôi hoặc nhiều lần, nhưng sau khi đổi rồi thì chưa chắc đã được bay.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cac-hang-hang-khong-o-viet-nam-dang-lua-khach-hang-de-kiem-tien-mua-dich/
Không khởi tố vụ Giám đốc BV Gò Vấp
bị tố đầu cơ khẩu trang trong mùa dịch
Công An quận Gò Vấp ngày 27/4 ra thông báo không khởi tố vụ án hình sự vụ giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp bị cho là gom khẩu trang bán kiếm lời trong mùa dịch.Theo thông báo của Công an thì hành vi của ông Phạm Hữu Quốc, giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp không có dấu hiệu của tội đầu cơ.
Liên quan đến sự vụ này, ngày 28/2 lãnh đạo quận Gò Vấp đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với bác sĩ Phạm Hữu Quốc vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Công an Gò Vấp, trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một giám đốc BV ở TPHCM thu gom khẩu trang để đưa đi nước ngoài với giá cao nên khiến khan hiếm khẩu trang trong nước. Kèm theo lời tố cáo trên MXH là hình ảnh giấy tờ nộp tiền và giấy uỷ nhiệm chi ngân hàng lên đến vài tỷ đồng ghi tên người thụ hưởng là ”Pham Huu Quoc”.
Tuy nhiên, qua xác minh vụ việc thì phía Công An cho rằng ngày 17/2, người đàn ông tên Mã Thanh (44 tuổi, ngụ quận 11) cùng 1 người tên Visal (người Campuchia) đến phòng làm việc của ông Quốc tại Bệnh viện quận Gò Vấp để đặt vấn đề mua khẩu trang làm từ thiện ở Campuchia.
Bác sĩ Quốc đã nhờ nhân viên của mình đi mua giúp. Do chuyển tiền cho nhân viên bệnh viện không được nên người này chuyển vào tài khoản bác sĩ Quốc 3,3 tỉ đồng.
Bác sĩ Quốc cho rằng tài khoản mình chỉ cho mượn để chuyển tiền, còn mua bán, giao dịch đều do nhân viên đứng tên và có hóa đơn chứng từ…
Do đó, thông báo của Công an Gò Vấp kết luận sau quá trình điều tra, công an nhận thấy hành vi của ông Quốc không có dấu hiệu của tội phạm đầu cơ được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 nên không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/director-of-govap-hospital-not-tobe-prosecuted-dueto-facemask-collection-amid-covid-19-04272020082304.html
Sắp mở phiên xử sơ thẩm các cựu lãnh đạo,
cán bộ Thành phố Đà Nẵng
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xử phúc thẩm 21 bị cáo gồm hai cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và ông Phan Văn Anh Vũ trong vụ án ”Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” vào ngày 4/5 tới đây.Truyền thông trong nước cho biết ngoài ông Nguyễn Văn Cán (Cựu Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) được miễn trách nhiệm hình sự, 20 bị cáo còn lại đều làm đơn kháng cáo.
Trong phiên sơ thẩm tại Toà án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng vào đầu tháng 1 năm nay, ông Văn Hữu Chiến (Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng) bị tuyên tổng cộng 12 năm tù; ông Trần Văn Minh (Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng) bị tuyên tổng cộng 17 năm tù; ông Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi Vũ “Nhôm” – Chủ tịch HĐQT công ty CP Xây dựng 79, công ty CP Bắc Nam 79) bị tuyên 25 năm tù.
Hai cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng được nói đã làm đơn kháng cáo. Ông Chiến đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt và phần trách nhiệm dân sự. Ông này cũng nêu lý do gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích trong công tác nên đề nghị giảm nhẹ mức án.
Ông Minh kêu oan, cho rằng mình chỉ làm đúng theo chủ trương của thành phố.
Ông Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi Vũ “Nhôm”) cho rằng Viện KSNDTC không đưa ra được chứng cứ buộc tội bị cáo; các kết luận giám định trong vụ án không khách quan
Một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vợ, em ruột và đại diện công ty của Vũ “Nhôm” cũng làm đơn kháng cáo, đề nghị xem xét lại phần tuyên trách nhiệm dân sự, thu hồi tài sản liên quan trong vụ án.
Phiên phúc thẩm vụ án có 21 luật sư tham gia bào chữa và dự kiến kéo dài từ 6 – 8 ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/an-appellate-hearing-of-former-officials-of-da-nang-city-will-soon-be-opened-04272020083708.html
PV Oil lỗ hơn 500 tỷ trong quý I
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa công bố quý I với khoản lỗ hơn 530 tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi biến động giá xăng dầu thế giới.Báo trong nước trích báo cáo tài chính của tập đoàn phân phối xăng dầu lớn thứ 2 cả nước loan tin ngày 27/4.
Trong báo cáo, PV Oil cho biết doanh thu trong 3 tháng đầu năm gần 18.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá vốn khiến biên lãi gộp của công ty giảm từ 3,54% kỳ trước xuống còn 0,36% kỳ này. Việc này khiến lợi nhuận gộp quý I năm nay giảm 89%, đạt 64 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí vận hành doanh nghiệp vẫn tăng khiến PV Oil lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 531 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 30 tỷ.
Cụ thể, PV Oil tính bình quân trong quý I, mỗi ngày công ty thu về gần 200 tỷ tiền bán hàng nhưng lại lỗ ròng gần 6 tỷ/ngày.
Đây được PV Oil đánh giá là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước và sau thuế báo số âm lần lượt 531 tỷ và 538 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá dầu thế giới giảm do tác động của COVID-19 cũng khiến việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 4 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho.
Vào ngày 31/3, PV Oil đã phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 275 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pv-oil-lost-more-than-vnd-500-bil-in-the-1st-quarter-04272020082045.html
Cục Di sản đề nghị Hà Nội tìm cổ vật bị mất trộm
Cục Di sản , Bộ Văn hóa đề nghị Sở Văn hóa Hà Nội truy tìm một loạt cổ vật bị mất cắp ở 4 di tích tại huyện Thanh Oai và tăng cường phương án bảo vệ tại các di tích này.Theo thông tin do truyền thông trong nước loan đi vào ngày 27 tháng 4, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa ký công văn gửi sở VHTT Hà Nội với yêu cầu vừa nêu. Theo phản ánh, tại một số di tích được xếp hạng và kiểm kê trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng mất trộm hiện vật trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 vẫn đang xảy ra trên cả nước.
Cục Di sản Văn hóa yêu cầu Sở VHTT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp thông tin về hiện vật cho các cơ quan chức năng để phục vụ điều tra. Đồng thời, tổ chức truy tìm, trả lại hiện vật bị mất cắp cho các di tích và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc.
Bộ Văn hóa Thể thao cũng đề nghị tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp với lắp đặt thiết bị bào vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, tại địa bàn huyện Thanh Oai đã xảy ra 4 vụ mất trộm với tổng số 26 cổ vật bị đánh cắp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-cultural-heritage-department-asks-hanoi-to-track-down-the-stolen-artifacts-04272020083314.html
Nhiều địa phương đón khách du lịch trở lại
Nhiều địa phương tại Việt Nam bắt đầu cho phép tổ chức đón khách tham quan, du lịch trở lại sau thời gian phải ngưng hoạt động vì dịch COVID-19.Truyền thông trong nước vào ngày 27/4 loan tin cho hay, tại tỉnh Cao Bằng đã mở cửa tham quan trở lại các khu di tích quốc gia thời gian từ 7g – 17g tất cả các ngày trong tuần kể tư ngày 24/4.
Tại Kiên Giang vào ngày 25/4, sở du lịch tỉnh cũng đã có văn bản cho phép các công ty du lịch và các địa điểm du lịch được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Cà Mau, Bình Thuận cũng cho phép các địa điểm du lịch được bắt đầu đón khách tham quan trở lại như tắm biển, các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, chợ đêm…
Các cơ sở du lịch lưu trú có nhu cầu duy trì hoạt động hoặc tiếp tục hoạt động dịch vụ lưu trú phải thông báo các Ủy ban Nhân dân địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động để Sở du lịch và Sở Y tế địa phương đó thực hiện biện pháp giám sát y tế trước khi trở lại hoạt động.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-localities-welcome-tourists-back-04272020075951.html
Dịch Covid-19 không làm giảm được
‘dịch tham nhũng’ ở Việt Nam
Dư luận Việt Nam hiện không chỉ quan tâm đến con số người nhiễm Covid-19 tăng hay giảm, mà cũng đang rất chú ý đến tin tức về hàng loạt cơ quan y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ tham nhũng bằng cách “thổi giá” máy móc phục vụ việc chống dịch.Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói với VOA rằng ông không ngạc nhiên về điều này vì tham nhũng là “thuộc tính của chế độ” ở Việt Nam, với thực trạng là các quan chức “không từ bất cứ thứ gì, kể cả dịch bệnh, để kiếm chác”.
Như tin đã đưa, hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam khởi tố và bắt giam viên giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng 6 nghi phạm khác, với cáo buộc rằng nhóm người này “câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị” khi mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động Covid-19, gọi tắt là máy Realtime PCR.
Việc làm của nhóm bị quy là “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” cho nhà nước, theo Bộ Công an.
Dẫn lại thông tin từ cơ quan điều tra, các báo trong nước nói máy Realtime PCR khi nhập về Việt Nam có giá trên dưới 2 tỉ đồng, nhưng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã mua với giá cao gấp 3 lần, là 7 tỉ đồng.
Trong vòng ít ngày sau khi công an bắt nhóm nghi phạm ở Hà Nội, báo chí cho hay một loạt cơ quan y tế ở ít nhất 6 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam, đã mua cùng hệ thống máy với giá từ 5,9 tỉ đến 8,4 tỉ.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo kỳ cựu Quốc Phong, từng là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, gọi vụ gian lận và nâng giá máy xét nghiệm là “ăn bẩn tàn bạo” và đáng “căm phẫn”.
Trong các diễn đàn trên mạng như Góc nhìn Báo chí – Công dân, xuất hiện một số cuộc thảo luận về đề tài này với nhiều lời lẽ phẫn nộ lên án “đám cán bộ tham nhũng lợi dụng dịch bệnh để ‘ăn’ tiền ngân sách”.
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng vụ này, cũng như bất cứ vụ tham nhũng nào khác từ trước đến nay, đều có gốc rễ là “cơ chế độc đảng, không bị đối lập và xã hội dân sự giám sát, phản biện”. Ông nói thêm:
“Quan chức toàn quyền làm mọi việc. Cho nên họ thấy cái gì ăn được là họ ăn. Tức là cơ chế của chế độ này tạo điều kiện cho mọi người tham nhũng. Mua sắm bất cứ cái gì cho nhà nước, bỏ tiền nhà nước ra mua thì đều có chuyện nâng giá, kê giá lên hết. Và chuyện mua máy xét nghiệm đều không nằm ngoài cái chung đó”.
Trong khi những người sử dụng mạng xã hội yêu cầu nhà chức trách điều tra các quan chức y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ lợi dụng dịch Covid-19 để tham nhũng, báo chí đưa tin rằng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam vẫn tiếp tục đàm phán để giảm thêm giá mua các máy xét nghiệm, dù các máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.
Cùng lúc, vẫn theo báo chí trong nước, một số tỉnh, thành khác trong đó có Hải Phòng và Bắc Giang, nói rằng họ đã lắp đặt và sử dụng máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng đó là máy họ “mượn được” của doanh nghiệp.
Các thành viên diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân đưa ra nhận định rằng việc doanh nghiệp “cho mượn” hoặc còn tiếp tục đàm phán giảm giá máy xét nghiệm đã được lắp đặt và sử dụng là điều “vô lý”, vì đây là loại hàng giá trị cao và thuộc danh mục “kinh doanh có điều kiện” theo quy định của luật.
Vẫn theo các thành viên diễn đàn, những động thái kể trên dường như là cách đối phó của các cơ quan y tế ở một số tỉnh do lo lắng sau khi công an bắt các nghi phạm tham nhũng ở Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người thường xuyên lên tiếng trên internet để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, việc bắt bớ hồi tuần trước chỉ là một show diễn của chính quyền, không có tác dụng thực tế về chống tham nhũng. Ông nói với VOA:
“Nói chống tham nhũng là nói cho vui và để đẹp mặt chế độ thôi. Số người lộ liễu quá phải chống, phải đánh, phải triệt phá để cho thấy chế độ này không dung dưỡng tham nhũng, nhưng bản chất nó đã tham nhũng rồi. Vừa rồi chỉ là giải quyết cái ngọn để thỏa mãn áp lực của dân chúng. Nay bắt người này, mai bắt người khác chỉ toàn là chuyện làm trên ngọn”.
Ông Chênh, người từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải thưởng Công dân mạng, khẳng định với VOA rằng để chống tham nhũng hiểu quả phải có đảng đối lập và xã hội dân sự mạnh.
Giữa lúc công luận xôn xao và bức xúc về việc nhiều tỉnh mua máy xét nghiệm lên đến khoảng 7 tỉ đồng mỗi máy, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 27/4 rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi là Cường “đô la” đã tặng Sở Y tế tỉnh Gia Lai một máy xét nghiệm cùng loại có giá chỉ 2 tỉ đồng vào ngày 10/4.
Nhưng đó chưa phải là mức giá thấp nhất vì một bản tin của Dân Việt hôm 26/4 dẫn lời ông Đỗ Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh này mua máy xét nghiệm với giá chỉ 1,5 tỉ đồng. Ông Hùng nói rằng mức giá 7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội trả là “quá cao” và “không chấp nhận được”.
Hiện chưa rõ số tiền cụ thể các tỉnh chi để mua máy xét nghiệm là bao nhiêu. Về tổng kinh phí phòng chống dịch Covid-19, báo chí Việt Nam dẫn lời lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trong số tiền đó, một phần dành cho mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Phần còn được dùng để trả phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch, và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này, như chi tiền ăn cho hàng chục ngàn người bị cách ly.
Báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hồi tháng 1 năm nay cho thấy Việt Nam đứng ở vị trí 96 trong bảng xếp hạng gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là đạt chỉ số cao nhất kể từ năm 1997 trở lại đây, nhưng vẫn nằm trong số các quốc gia có nhiều tham nhũng.
https://www.voatiengviet.com/a/dich-covid-19-khong-lam-giam-dich-tham-nhung-o-viet-nam/5393465.html
Một công ty Trung Cộng đưa lao động không giấy phép
vào khu vực biên giới biển
Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 24 tháng 4 năm 2020 loan tin, vì là khu vực biên giới biển nên dù có là người dân Việt cũng không được tự do ra vào, thế nhưng một công ty của Trung Cộng đã mang được 57 người của nước này vào biên giới để làm việc mà không cần có giấy phép của cơ quan hữu trách Cộng sản Việt Nam.Công ty này là China Haisum Engineering Co.,Ltd do người Trung Cộng làm chủ đang thực hiện gói thầu “Máy chuẩn bị nguyên liệu giấy và sản xuất giấy mới”, tại lô 7, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây cũng là khu vực biên giới Biển của Việt Nam, nên theo quy định thì sẽ được lực lượng chức năng kiểm soát. Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, công ty China Haisum Engineering Co.,Ltd đã đưa 57 người Trung Cộng vào làm việc tại khu vực biên giới biển mà chưa được phép, trong đó có 26 người không có giấy phép lao động.
Đến cuối tháng 3 năm 2020, bộ đội Biên phòng Cộng sản tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã kiểm tra và phát hiện sự việc trên. Sau đó, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt công ty Trung Cộng số tiền 75.5 triệu đồng vì hành vi nói trên. Sau khi xử phạt, Biên phòng Cộng sản đã hướng dẫn cho công ty China Haisum Engineering Co.,Ltd làm giấy tờ để hợp thức hoá cho 57 lao động trên được làm việc tại khu vực biên giới Biển.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-cong-ty-trung-cong-dua-lao-dong-khong-giay-phep-vao-khu-vuc-bien-gioi-bien/
Biển Đông: VN đã biết được ‘ai là bạn thân, ai là đối tác’
Quốc PhươngBBC News Tiếng ViệtViệt Nam đã rút ra nhận thức rõ ràng về ai là ‘bạn’, ‘bạn thân’, ai ‘đến với chúng ta’ trong lúc khó khăn, ai chỉ là ‘đối tác’, qua những gì chứng kiến về an ninh trên Biển Đông, trong lúc diễn ra đại dịch Covid, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với truyền thông quốc phòng và quân đội nước này.
Thứ trưởng phụ trách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam tại Bộ Quốc phòng nói rằng cần phải ‘lên án’ những quốc gia đã lợi dụng thời điểm diễn ra Covid-19 để thúc đẩy những hành động mà ông gọi là ‘phi pháp’, cũng như đẩy mạnh ‘tham vọng’.
‘Công hàm 1958 không công nhận chủ quyền TQ với Hoàng Sa và Trường Sa’
Chuyên gia Việt Nam bác bỏ luận cứ Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’
Trong một phát biểu gây chú ý hôm 26/4/2020 trên kênh Quốc phòng Việt Nam, trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
“Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.
“Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi.”
“Trong lúc này, chúng ta không bao giờ quên những nhiệm vụ khác để mà đối phó với các thách thức an ninh, ví dụ bảo vệ chủ quyền chúng ta không thể quên, không thể lơi là. Tàu hải quân của chúng ta, cảnh sát biển của chúng ta không có nghỉ ngày nào cả.”
“Bộ đội ở Trường Sa làm sao mà không để dịch bệnh thôi, chứ không có một đồng chí nào cần phải dừng nhiệm vụ cả.”
Về quan hệ đối ngoại và với quốc tế qua diễn biến an ninh trên Biển Đông trong lúc diễn ra đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Chí Vịnh, người vừa là Ủy viên BCH Trung ương ĐCSVN và Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương QĐND Việt Nam, nói:
“Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.
VN ‘quá rụt rè trước TQ’ trong vấn đề Biển Đông
Biển Đông: Ai sẽ liên minh và hậu thuẫn Việt Nam?
“Thì cái này quan trọng lắm và tôi cho rằng bài học quan trọng nhất đó là dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm.”
‘Nói thế rất đúng’
Cũng hôm 26/4 từ Hà Nội, một nhà phân tích chính trị và an ninh khu vực, TS. Hà Hoàng Hợp, thuôc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) đưa ra bình luận với BBC:
“Họ nói thế rất đúng. Khi đang có dịch, cả thế giới tập trung chống dịch ở từng nước và ở các nước, thì Trung Quốc lại có các hành động như đang có ở biển Đông, thì ai cũng thấy hành động đó không có lợi cho Trung Quốc và cho an ninh khu vực.”
“Những nước nào lên án các hành động đó, ủng hộ chính sách và thực hành của Việt Nam, thì có thể coi họ là bạn bè. Nhận diện bạn bè, đối tác, đối tượng… thì từ lâu đã được nêu trong các chính sách của chính phủ Việt Nam; lúc này, các vị đó chỉ nhắc lại thôi.”
“Tôi có thấy một đoạn truyền hình quốc phòng phỏng vấn Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, ông Vịnh đã nói rõ chủ đề này.”
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu cao cấp thỉnh giảng thuộc viện nghiên cứu của Singapore đưa ra một số bình luận về an ninh Biển Đông và khu vực, đặc biệt liên quan các động thái nhiều mặt của Trung Quốc.
TS. Hà Hoàng Hợp nói:
“Những động tác công hàm của Trung Quốc, thì được đáp lại bằng các công hàm, các “giao thiệp” ngoại giao tương ứng và phù hợp từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam.”
“Hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, cụ thể như hiện nay Trung Quốc lại cử tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra Biển Đông, cử tàu nghiên cứu của Đại học Hạ Môn ra vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, quân sự hóa các đảo đắp, tập trận, trinh sát trên không… thì Bộ quốc phòng và các bộ liên quan của Việt Nam đã có hoạt động cụ thể.”
“Các hoạt động cụ thể gồm việc quan sát, theo dõi, nắm tình hình, dự báo, sẵn sàng ứng phó trên thực địa (Trường Sa…)”
“Đang lúc có COVID-19, mà Trung Quốc có các hành động như thế, tức là họ lợi dụng tình hình để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở biển Đông, thì đó là những hành động không có lợi cho Trung Quốc.”
Về động thái của Trung Quốc công bố ra Liên Hiệp Quốc mới đây, hôm 17/04/2020, theo đó đưa Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra viện dẫn và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đặc biệt trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, TS Hà Hoàng Hợp nói:
“Về công hàm 1958 ký bởi Thủ tướng VNDCCH ông Phạm Văn Đồng, thì chính phủ Việt Nam, các chuyên gia pháp lý của Việt nam, các chuyên gia luật quốc tế… đã phân tích kỹ rồi.”
“Về pháp lý và chính trị, công hàm đó không có giá trị khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, vì rất nhiều lý do, mà tôi không nhắc lại ở đây.”
“Về chính trị, Trung Quốc nêu lại Công hàm 1958, một lần nữa cho thấy Trung Quốc cố ý giải thích sai luật quốc tế về biển. Đây là một điểm rất bất lợi cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông.”
Liên minh hay không?
Có ý kiến từ giới học giả nói với BBC gần đây cho rằng Việt Nam không nên liên minh với cường quốc nào để đối trọng với Trung Quốc.
Các ý kiến này cho rằng ý tưởng liên minh là lạc hậu và không thực tế, mặt khác cũng không có ai chịu hay muốn liên minh với Việt Nam ở quốc tế và khu vực liên quan an ninh và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
“Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nhắc lại luận điểm không liên minh quân sự. Luận điểm này, như tôi đã nói trước đây, được tuyên bố nhằm thúc đẩy chính sách hòa bình của Việt Nam, và chiến lược quốc phòng trong thời bình.”
“Nhưng một khi Việt Nam bị đe dọa tấn công, hoặc tấn công xâm lược, khi đó, tùy tình hình cụ thể Việt Nam sẽ có các quyết định cụ thể nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ. Không có chính sách hay chiến lược nào là cứng nhắc. Lợi ích của đất nước quyết định mọi thay đổi chính sách, chiến lược.”
“Một số chuyên gia nói rằng không nên liên minh, chắc là họ có lý do của họ. Tôi chỉ lưu ý rằng, Biển Đông không chỉ là nơi Việt Nam có lợi ích quốc gia, mà các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, phương Tây… có lợi ích quốc gia của mình, vì đây là con đường chuyển vận hơn 5.000 nghìn tỷ USD hàng hóa của thế giới.”
“Một khi Biển Đông bị ai đó đe dọa độc chiếm hay hành động để tiến tới độc chiếm, thì các nước đều xem sẽ hợp tác với nhau thế nào để chống lại. Từ đó, có thể hình thành liên minh nào đó.”
Hành động ưu tiên gì?
Từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu luật học và chính sách của Việt Nam từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển bình luận với BBC về điều mà ông cho rằng Việt Nam cần ưu tiên làm gì trong bối cảnh hiện nay.
“Việc ưu tiên đầu tiên hiện nay là ngay lập tức Việt Nam cũng phải có công hàm phản đối công hàm ngày 17/4 của Trung Quốc,” Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói.
“Thứ hai là lập tức Việt Nam cần phải có một động thái tức là nêu vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đề nghị với tư cách thành viên không thường trực, nêu vấn đề nhóm họp khẩn cấp về tình hình ở Biển Đông trước những hành động mà không chỉ bằng những lời tuyên bố, mà còn bằng những hành động trên thực địa, đang đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam.”
“Và việc này không chỉ đe dọa riêng với Việt Nam mà còn đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực. Điều này về nội dung hoàn toàn phù hợp cho việc Việt Nam đề nghị đưa vào Chương trình nghị sự của phiên họp của Hội đồng Bảo an ngay lập tức, càng sớm càng tốt.”
“Và việc tiếp theo nữa, theo tôi, Việt Nam cần chủ động có một sáng kiến tổ chức một Hội nghị về Biển Đông mà không nhất thiết với tư cách Chủ tịch của Asean, mà với tư cách là một trong những nước là nạn nhân của hành vi áp chế, đe dọa dùng vũ lực của phía Trung Quốc.”
“Cụ thể Việt Nam có thể qua hoạt động vận động ngoại giao với Philippines, Malaysia, Indonesia v.v… để nêu ra sáng kiến họp khẩn cấp về tình hình mất an ninh, ổn định ở Biển Đông và đồng thời tham dự hội nghị như vậy, cần phải có sự có mặt của các nước có thể bị phương hại, hay chịu ảnh hưởng trực tiếp về tự do hàng hải bị đe dọa.”
“Ở đây có thể nói đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, đó là Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ, những nước đó có thể vận động được để mà dự và có thể có được một hội nghị để bàn về vấn đề đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông trước những hành vi rất là ngang ngược như vậy của Trung Quốc, theo tôi đây là những biện pháp khẩn cấp, cần làm ngay.”
‘Quan trọng và mới’
Cũng liên quan tình hình Biển Đông và an ninh khu vực, mới đây, một nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason nhấn mạnh với BBC về điều mà ông cho là điểm quan trọng và mới, có tính chất thời sự nên được lưu ý từ góc nhìn liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ.
“Đó là Mỹ ủng hộ sự tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và ủng hộ các quốc gia khai thác dầu hỏa trong phạm vi chủ quyền của họ bằng cách tăng cường tuần tra, đặc biêt cử các tàu của Mỹ theo sát các tàu của Trung Quốc “khảo sát”, “nghiên cứu” ở Biển Đông,“ Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Mỹ phối hợp với các nước liên hệ cùng làm việc đó và trong đạo luât cứu nguy các công ty dầu hỏa của mình, Mỹ giành ưu tiên cho những công ty khai thác dầu ở Biển Đông trong phạm vi chủ quyền của các nước trong khu vực căn cứ trên công ước về luật biển (Unclos 1982).
Trong một diễn biến gần đây, hôm 17/4 năm 2020, theo giới quan sát, Trung Quốc đã đệ trình một công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc Việt Nam đã xâm chiếm trái phép biển đảo của Trung Quốc, đặc biệt ở Quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, đi kèm công văn này, Trung Quốc đã công bố và viện dẫn căn cứ để ủng hộ các tuyên bố chủ quyền cũng như cáo buộc, phản đối Việt Nam xâm phạm, xâm chiếm biển đảo khi gửi Liên Hiệp Quốc tham khảo công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vào năm 1958 gửi người đồng cấp, Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Chu Ân Lai.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành mọi hành động kể cả các biện pháp mạnh mẽ cần thiết để bảo vệ và bảo đảm các quyền lợi chính đáng, cũng như chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Trước đó, vẫn theo giới quan sát, Trung Quốc đã nhiều lần lên án, cảnh báo và chỉ trích Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ đã có những hành động can thiệp, gây phức tạp về an ninh trên biển Đông và khu vực, Trung Quốc cũng đề nghị các quốc gia trong khu vực có tranh chấp bất đồng với Trung Quốc về biển đảo nên tiến hành các đàm phán, đối thoại song phương, cũng như chủ động đề nghị từng quốc gia riêng rẽ tiến hành khai thác chung các nguồn lợi trên biển với Trung Quốc ở những nơi có tranh chấp, hoặc đã đang trở thành tranh chấp.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi ý kiến của học giả từ Hoa Kỳ bình luận về an ninh Biển Đông và khu vực qua một chương trình bình luận hôm 23/4/2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52444019
Nhận xét
Đăng nhận xét