Tổng thống Trump sợ chú Tế hơn sợ cô Vi?

Bạn đọc làm báo
23/04/2020

Cư dân vùng Vịnh San Francisco từ ngày 22/4 ra đường phải đeo khẩu trang nếu không muốn bị phạt (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú

Cô Vi lúc mới xuất hiện ở Trung Quốc chẳng ai để ý. Nghe đâu cô ra mắt hồi tháng 11 năm ngoái ở chợ động vật Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Cô chẳng được để ý vì không mấy ai biết, hay tại ai đó muốn dấu mặt cô?
Đến ngày 31/12 Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới công bố cho thế giới biết là cô Vi đã xuất hiện và tung tăng lây lan từ người sang người.
Ba tuần sau thì thành phố Vũ Hán với hơn chục triệu dân trở nên hoang vu vắng lặng ngay cả trong những ngày tết, đúng ra là lúc phải nhộn nhịp hội hè đình đám.
Phố Tầu San Francisco không một bóng người sau khi có lệnh cấm túc tại gia (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Phố Tầu San Francisco không một bóng người sau khi có lệnh cấm túc tại gia (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Rồi cô tung tăng qua Nhật, Úc, Thái, Hàn, Pháp, Anh, Ý đem theo lo lắng, sợ hãi đến độ nhiều nơi phải bịt mũi, bịt miệng.
Cuối tháng Một bên Mỹ chưa để ý đến cô. Tết Canh Tý vẫn tưng bừng hội chợ tết do người Hoa tổ chức ở San Francisco, ở Oakland. Hội Xuân của người Việt ở San Jose, ở Quận Cam vẫn đông khách du xuân.
Một tuần sau tết, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh không cho người nước ngoài vào Mỹ nếu đã du hành qua Trung Quốc những tuần trước đó. Công dân về nước phải qua kiểm tra y tế tại sân bay, có triệu chứng sẽ được yêu cầu cách ly hai tuần tại nhà.
Tình hình vẫn yên tĩnh. Chủ Nhật 2/2 không khí thể thao tại Mỹ hừng hực lên với trận Super Bowl giữa đội San Francisco 49ers và đội Chiefs của Kansas City, tiểu bang Missouri.
Sau trận vô địch nhiều cư dân vùng vịnh buồn vì 49ers thua. Nếu đoạt giải thì ngày thứ Tư 5/2 thành phố San Francisco lại nhộn nhịp với diễn hành chiến thắng và sẽ có nửa triệu du khách, cư dân đổ về trung tâm thành phố đón mừng đội nhà.
Không có diễn hành mừng 49ers nhưng tối thứ Bảy 8/2 vẫn có diễn hành đón Tết của người Hoa, dài từ bến phà theo đường Market đến khu Union Square với cả trăm nghìn người đi xem. Pháo vẫn nổ rền vang bên khán đài.
Xếp hàng chờ mua thực phẩm trong thời dịch Covid-19 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Xếp hàng chờ mua thực phẩm trong thời dịch Covid-19 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Khi đó bên trời Âu cô Vi đang lan tràn nhanh, gây tử vong cho cả trăm người. Nước Ý có lệnh phong toả khu vực Milan từ ngày 21/2. Du khách từ châu Âu vẫn có thể du lịch Hoa Kỳ.
Tháng Hai ở Mỹ chỉ có vài trăm ca nhiễm, vài chục người chết, đa số là người cao tuổi trong nhà dưỡng lão ở vùng Seattle, tiểu bang Washington.
Chưa lo lắng gì lắm. Giới chức y tế nhắc nhở cách phòng chống tốt nhất là thường xuyên rửa tay cho sạch bằng xà phòng và nước nóng.
Tình hình còn yên nhưng có một điều lạ xảy ra trong tháng Hai khi nhiều người, đông người châu Á, ùn ùn vào Costco, Home Depot mua nhiều giấy vệ sinh và khẩu trang.
Mang khẩu trang ra đường là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Còn giấy vệ sinh thì tích trữ để làm gì? Nếu có dịch, thiếu giấy thì còn nước, lo gì chuyện đó.
Chính phủ Mỹ cũng chưa có biện pháp khắc khe nào được ban hành. Một vài lần Tổng thống Trump gặp gỡ truyền thông, ông thích vung tay lên như vẽ đồ biểu hình chuông đang đi xuống để tả số người lây nhiễm, hay tử vong sẽ nhanh chóng giảm xuống số không, dân hãy yên tâm, nạn dịch rồi sẽ qua khi có nắng ấm mùa xuân, như cảm cúm hàng năm vậy thôi.
Không chỉ Tổng thống Trump là không lo cô Vi lây lan. Vùng Vịnh San Francisco sau tết, trời nắng đẹp mà Chinatown ở San Francisco vắng khách, hàng quán không người vào ăn. Dân biểu Nancy Pelosi và cũng là Chủ tịch Hạ viện hôm 24/2 đã đi thăm Chinatown, mời gọi du khách đến tham quan, ăn uống để giúp kinh tế khu vực phát triển.
Chinatown bên Oakland kế cạnh cũng bị ảnh hưởng. Thị trưởng lên tivi trấn an dân đừng sợ lây nhiễm mà không ăn nhà hàng Tầu.
Sáng 9/3 tôi cảm thấy có gì không ổn. Hôm đó là thứ Hai, nhưng lên xa lộ chạy bon bon, không ùn tắc như mọi khi. Nghe đài thì biết một số hãng xưởng đã cho nhân viên làm việc từ nhà. Hôm đó Bên Ý có lệnh cấm dân ra đường trên toàn quốc vì không còn kiểm soát được lây lan dịch bệnh.
Đến trường, nghe tin nói sắp có những quyết định quan trọng. Tôi nghĩ có gì cũng phải tuần tới. Ngay hôm sau nhiều trường có quyết định đóng cửa bắt đầu từ ngày 11/3.
Thứ Tư 11/3 cũng là ngày WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tổng thống Trump hôm đó họp báo cũng loan tin không cho du khách từ châu Âu vào Mỹ.
Thông báo đầu tiên nói trường đóng cửa đến ngày 31/3. Sau đó dời ngày và yêu cầu ban giảng huấn chuẩn bị và hướng dẫn sinh viên chuyển tất cả các lớp sang học trực tuyến. Chỉ ít ngày sau sinh viên, học sinh toàn bang California ở nhà.
Trạm xe điện vắng vì số khách giảm 94% trong những ngày cư dân phải cấm túc tại gia (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Trạm xe điện vắng vì số khách giảm 94% trong những ngày cư dân phải cấm túc tại gia (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Vùng Vịnh San Francisco có lệnh cấm túc tại gia sớm nhất. Tuần sau đó, ngày 19/3 toàn tiểu bang California bị cấm túc, nhờ đó California, đặc biệt khu vực quanh vùng Vịnh San Francisco có số ca nhiễm và tử vong thấp.
Nạn dịch cô Vi đã lan ra khắp nước Mỹ, với khu vực bùng phát nhanh nhất là New York. Có thể vì nhiều người đã mang bệnh từ châu Âu về và lây lan nhanh vì mật độ dân cư ở thành phố lớn nhất nước Mỹ cao hơn những nơi khác.
Trước những bất định, trong khi lại thiếu các bộ xét nghiệm bịnh, chưa có thuốc chữa và thuốc chủng ngừa thì qua mạng xã hội, điện thoại lại truyền nhanh tin nước Mỹ sẽ bị phong toả chặt chẽ, Tổng thống Trump sẽ có quyết định đưa hàng vạn vệ binh quốc gia đến canh giữ các thành phố lớn không cho dân xuất nhập. Kiểu như ở bên Vũ Hán, Pháp, Ý.
Theo điều tra trên báo New York Times ngày 22/4, đó là một chiến dịch của Trung Quốc nhằm tạo tâm lý hỗn loạn cho dân và làm xáo trộn xã hội Mỹ.
Không chỉ Hoa Kỳ thiếu những chuẩn bị đối phó với đại dịch này. Các nước châu Âu cũng không chuẩn bị. Khi dịch lan tràn nhanh thì phần lớn trang thiết bị y tế còn tồn kho bên Trung Quốc.
Hệ lụy của chính sách kinh tế toàn cầu hoá giờ đã hiện ra, vì từ ba thập niên qua các hãng xưởng phương Tây đã dời qua Trung Quốc vì giá nhân công rẻ và hiện nay có đến 70% các loại thuốc được sản xuất từ Trung Quốc.
Nhiều nước đang tranh nhau mua hàng y tế từ Trung Quốc. Tuần qua có hai máy bay chở hàng từ Canada qua Trung Quốc mua đồ bảo vệ y tế nhưng đã phải quay về trống không vì xuất cảng lệ thuộc vào chính sách của nước này.
Hơn một tháng qua Tổng thống Trump gặp báo chí mỗi ngày, lúc nào cũng lạc quan sẽ chiến thắng kẻ thù vô hình.
Tính đến ngày 22/4 toàn thế giới có 2 triệu 600 nghìn ca nhiễm, 181 nghìn tử vong.
Hoa Kỳ đứng đầu với trên 840 nghìn ca nhiễm, 47 nghìn tử vong. Tiểu bang New York bị nặng nhất với 252 nghìn ca nhiễm, 15 nghìn tử vong. Sau đó là New Jersey, Massachusetts.
California có 33 nghìn ca nhiễm, 1300 tử vong. Riêng vùng vịnh San Francisco, với 10 quận hạt bao quanh và khoảng 8 triệu cư dân, có 6900 ca nhiễm và 230 tử vong. Santa Clara County, thủ phủ là thành phố San Jose với đông người Việt sinh sống, có số ca nhiễm cao nhất là 2 nghìn và 88 tử vong.
Theo giới chức y tế địa phương, sau khi xét nghiệm lại một số ca tử vong vì chết tại nhà, hai người đầu tiên trong quận hạt Santa Clara chết vì dịch là vào ngày 6/2 và 17/2, không phải ca tử vong đầu tiên vào ngày 9/3 như đã công bố trước đây.
Chiến đấu với cô Vi, Tổng thống Donald Trump dường xem đó là chuyện nhỏ.
Đối đầu với chú Tế lúc này là điều đang làm cho tổng thống lo. Từ sáu tuần qua, kinh tế Mỹ đã đóng băng. Hơn 20 triệu người đang thất nghiệp vì công xưởng, cơ sở thương mại đóng cửa. Ba tháng trước mức thất nghiệp là 3.5%, nay hơn 10%.
Thị trường chứng khoán đang gần 30 nghìn điểm, xuống còn chưa đến 24 nghìn, mất 20%.
Mấy gói cứu trợ tài chánh giúp dân và để thúc đẩy kinh tế hồi phục đã được ban hành, với ngân sách gần 3 nghìn tỉ đôla.
Tổng thống sợ nhất là kinh tế tiếp tục xấu, vì chỉ còn mấy tháng nữa ông phải đối diện với lựa chọn của cử tri.
Năm 1980, kinh tế Mỹ suy yếu do khủng hoảng năng lượng, vay tiền mua nhà với mức phân lời gần 20%. Tổng thống Jimmy Carter đã phải rời Bạch Ốc sau một nhiệm kỳ.
Đầu năm 1992, sau chiến thắng của Hoa Kỳ đuổi quân Iraq khỏi Kuwait Tổng thống George H.W. Bush được dân nhiệt tình ủng hộ. Nhưng vài tháng sau, kinh tế rơi vào khủng hoảng, Đảng Dân chủ có đưa ra khẩu hiệu “It’s the economy, stupid” trong vận động tranh cử để tấn công Bush. Kết quả Bush cha làm tổng thống cũng chỉ được một nhiệm kỳ, như số phận của Tổng thống Jimmy Carter.
Tuần này có tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại, nhanh hay chậm tùy thuộc lãnh đạo địa phương có khuynh hướng cộng hoà hay dân chủ. Vấn đề hồi phục kinh tế đang trở thành tranh luận bầu cử cho tháng 11 tới. Nhiều người đã xuống đường phản đối chính sách giới hạn đi lại, cách giãn xã hội khiến họ mất việc.
Mở cửa, nhưng ra đường dân phải đeo khẩu trang, vào nơi làm việc phải cách nhau 2 mét thì còn gì tay bắt mặt mừng khi gặp bạn hay đồng nghiệp. Đi chợ phải xếp hàng cách nhau. Vào nhà hàng ngồi xa nhau thì còn gi hứng thú ăn uống.
Trẻ em bao giờ mới trở lại trường để phụ huynh đi làm. Mà vào trường làm sao giữ cách giãn xã hội 2 mét.
Trong những điều kiện như thế, liệu kinh tế Mỹ có mau chóng hồi phục? Vì vậy mới thấy Tổng thống Donald Trump sợ chú Tế hơn sợ cô Vi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?