Bông hồng đỏ cho Hồ Duy Hải
Thanh Nhã
26-8-2020
Đời người ta hữu hạn trăm năm, cổ nhân quy ước ba vạn sáu ngàn ngày. Dài lê thê với kẻ vô ích, nhưng chẳng tày gang với khách đa mang…
Giờ thì một phần mười số ngày của kiếp sống đó, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải tìm kiếm hy vọng trong sự tỉnh thức của công lý cho con trai mình.
Đó cũng là số thời gian, dư luận đòi hỏi câu trả lời chuẩn mực tố tụng của các cơ quan hữu trách. Có thể dư luận chưa, hoặc không tin Hải bị oan trong cái chết thảm của hai cô gái ở bưu cục Cầu Voi. Người ta cần sự công tâm, khách quan và không mâu thuẫn trong bản án để giải quyết trách nhiệm tội ác của hung thủ.
Kể từ ngày vụ án xảy ra vào Tháng Một, 2008 đến nay đằng đẵng hành trình bà Loan gõ cửa khắp nơi tìm sự thật và cả minh oan cho con.
Hàng triệu cây số đường đã để lại phía sau dấu chân bà bởi một thứ niềm tin vững chắc: Đứa con trai bé bỏng của bà không phạm tội.
Trong ngôi nhà nhỏ ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một nếp gia đình lễ nghĩa, hiếu thuận. Hải đã lớn lên trong mái ấm đầy yêu thương đó, đủ để bà Loan và tất cả các thành viên trong gia tộc tin bị án này không phải kẻ thủ ác.
Tôi tin, rằng nếu Hải là hung thủ, người đầu tiên bỏ cuộc, chấp nhận sự an bài của pháp luật và lương tâm sẽ chính là bà Loan! Đẻ đứa con mất nhân tính, xuống dao vì dục vọng đê hèn như cáo trạng thì bất cứ người mẹ nào cũng sẽ buông xuôi cho công lý cứu chuộc đặng thanh thản. Và bất cứ đứa con nào, nếu chính mình gây tội ác cũng sẽ không muốn mẹ mình tướm máu chân kêu oan suốt gần 4.000 ngày…
Nhiều lần trở lại ngôi nhà dung dị đó, tôi chao chát cõi lòng về người đàn bà nhỏ thó và khắc khổ. Bốn ngàn bữa cơm ngồi thu lu góc nhà lùa vội miếng cơm, thuộc từng bút lục vụ án, né cả những cuộc vui sum họp đầu năm, buông bỏ giỗ chạp ông bà…
Điều gì đã khiến toàn bộ năng lượng của bà Loan chỉ dành cho vụ án, cho Hồ Duy Hải?
Và điều gì khiến một phụ nữ quanh năm chỉ biết ra đồng, đêm về nghe cải lương trên radio trở lên mạnh mẽ cất tiếng thét tới mây xanh giữa lòng Hà Nội ngay khi bản án Giám đốc thẩm được tuyên vào trung tuần tháng Tám?
Ở đâu, lúc nào hỏi đến, bà Loan cũng chỉ có một cách trả lời: Tôi tin con mình vô tội! Tôi chấp nhận chết để chứng minh ngược lại những cáo buộc chưa đủ căn cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng…
Mấy ngàn năm trước, Bồ tát Mục Kiền Liên khóc lạy nắm xương tàn trong cái thắc thỏm của đồ đệ. Ngài giải thích, khi sinh thời, nam giới áo mão đai hia, nữ giới phấn son lụa gấm. Khi chết đi, bộ xương đàn bà nhẹ hẫng vì mang thai sinh nở, cho con bú mất từng đấu máu… nên xương nhẹ đi.
Ngẫm ngợi tích xưa, không khỏi hoang mang khi nhìn bà Loan tiều tụy theo tháng ngày chưa thấy ánh sáng chân lý.
Bất giác nghĩ, một bông hồng cho ai còn mẹ ngày Vu Lan là biểu trưng của hạnh phúc! Có lẽ đốm sáng nơi biệt giam của Hồ Duy Hải chính là ánh sáng mẫu tử tình thâm!
Giờ thì Hải có thêm một nguồn sáng nữa để tự tin được xét lại toàn diện quá trình tố tụng. Đó là sự lên tiếng của các đại biểu Quốc hội công tâm, của dư luận yêu công lý!
Hãy cài một bông hồng đỏ tận hưởng phước dày có mẹ lên tim, Hải nhé!
Và đừng bao giờ mất niềm tin vào sự công tâm của pháp luật, của lương tri!
Nhận xét
Đăng nhận xét