Đọc báo Pháp – 27/08/2020
Nhà Trắng 2020: Chiến thuật «đục nước béo cò» của Donald Trump – Tú Anh
Covid 19, Belarus, Địa Trung Hải vẫn là thời sự nóng trên báo Pháp hôm nay 27/08/2020, nhưng chủ đề làm tốn hao giấy mực nhất vẫn là Donald Trump với các thủ đoạn bất chấp chuẩn mực trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng .
Donald Trump khai pháo
Tối nay, đỉnh điểm của Đại Hội đảng Cộng Hòa, từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đọc bài diễn văn quan trọng, phát pháo khởi hành chặng cuối cùng phân tranh thắng bại trước ngày 03/11.
Với tựa « Donald Trump canh tân chiến dịch tranh cử và phát động từ Nhà Trắng », La Croix lưu ý sự khác biệt giữa « phong cách Trump » và những người tiền nhiệm. Các vị tổng thống trước vì không muốn có sự lẫn lộn giữa vai trò tổng thống và chính trị phe phái. Còn Donald Trump thì bất chấp, ông lấy Nhà Trắng làm phông sân khấu.
Kết quả thăm dò ý kiến do CBS công bố ngày 23/08 cho thấy Joe Biden dẫn trước 10 điểm. Liệu Donald Trump sẽ loan báo những đề nghị mới, chiến lược mới thu hút dân Mỹ hay kích hoạt gây căng thẳng thêm ? Nhật báo Công giáo đặt câu hỏi.
Câu hỏi này được Le Monde tìm cách trả lời qua bài phân tích của nhà chính trị học Denis Lacorne: Hỗn loạn, hy vọng cuối cùng của Donald Trump.
Vì sao tổng thống mãn nhiệm vẫn được 43% cử tri tin tưởng cho dù yếu kém về quản lý kinh tế và thiếu khả năng đối phó với đại dịch?
Thứ nhất, khoảng 40% cử tri Cộng Hòa là những người ủng hộ Trump vô điều kiện, không chấp nhận tranh luận có chỉ trích. Bất cứ những gì Trump làm, Trump tuyên bố cho dù mâu thuẫn, cho dù không thật, đều không quan trọng.
Giả thuyết thứ hai là thành phần cử tri nòng cốt này tôn sùng Donald Trump như một chiến sĩ quả cảm, người hùng của « phe ta » chống « phe địch » từ Obama phản trắc, Clinton tham ô, Biden ngủ gật, thiên tả, vô thần, da đen, di dân da màu sẵn sàng lấn chiếm khu da trắng.
Giả thuyết thứ ba là « thái độ lạc quan tự mãn » của Donald Trump lại có tác dụng. Nào là siêu vi sắp biến mất, kinh tế hồi sinh, trường học mở cửa lại… nhờ tinh thần phá chấp, thái độ kiên trì và trực giác của tổng thống mà tại Mỹ « chỉ có » 177.000 nạn nhân thay vì hàng triệu như dự báo.
Từ tỷ lệ cử tri nòng cốt này, làm sao rút ngắn khoảng cách với đối thủ Dân Chủ ?
Theo tác giả, Donald Trump, như những lãnh đạo học đòi độc tài, tính đến chuyện dời ngày bầu cử, nhưng ý định này bị chống ngay từ trong nội bộ vì vi phạm trắng trợn Hiến Pháp. Thế là ông đánh vào bưu điện, cắt ngân sách để làm khó cử tri đảng Dân Chủ, phần đông là dân da màu có thói quen bầu qua bưu điện vì không thích xếp hàng hàng giờ trước phòng phiếu nhất là trong bối cảnh đại dịch.
Với ngân sách eo hẹp, chắc chắn là một phần lớn phiếu bầu sẽ không được kiểm đúng thời hạn do ủy ban bầu cử mỗi bang đề ra. Tình trạng hỗn loạn này có thể cho phép Donald Trump lật ngược thế cờ tại các bang mà cử tri hai bên có tỷ lệ tương đồng.
Cũng cùng một nhận định Donald Trump « viết lại » câu chuyện chống dịch để nhận công lao, Le Figaro cho là cuộc bầu cử 2020 mang hương vị của 2016. Joe Biden hôm nay chiếm thượng phong cũng như 4 năm trước đây, không ai tin Hillary Clinton có thể bị đánh bại, trừ Donald Trump. Trong khi Donald Trump làm mọi cách để chinh phục cử tri bình dân da trắng thì Joe Biden không làm gì để thuyết phục công nhân da trắng bỏ Donald Trump. Chủ nhân Nhà Trắng có thể nhờ vào hành phần cử tri này để ngồi lại thêm một nhiệm kỳ.
Hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus, khủng hoảng tiếp diễn
Le Monde với chân dung Svetlana Tsikhanovskaia đưa tựa lớn trên trang nhất : « Tại Belarus, sợ hãi đã đổi bên », cho bài phỏng vấn dài nhà lãnh đạo đối lập Belarus đang tị nạn tại Litva.
Trong bài phân tích « Vấn nạn của Liên Hiệp Châu Âu đối với khủng hoảng Belarus » Le Monde không giấu bi quan. Trước hết là bản thân nhà độc tài Lukashenko. Hành động cầm súng AK phô trương và gọi người biểu tình là « lũ chuột » trong khi cả trăm ngàn người xuống đường chứng tỏ tổng thống Belarus không có khả năng tôn trọng và đối thoại với người khác biệt ý kiến.
Chiến lược của châu Âu là không đánh đồng chế độ Belarus với điện Kremlin . Đối với Belarus, châu Âu cứng rắn với chế độ và trừng phạt cá nhân quan chức và cùng lúc bênh vực phe đối lập.
Còn đối với Nga, châu Âu nỗ lực thuyết phục Putin xem Belarus không phải là Ukraina, phong trào phản khán đòi tự do nhưng không chống Nga. Châu Âu hy vọng Nga sẽ giúp, dù thụ động, một cuộc chuyển tiếp dân chủ.
Putin không bác giải pháp trung gian hoà giải của OSCE ( Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu mà Nga và Belarus là thành viên) nhưng thiên về những người muốn thắt chặt quan hệ với Nga. Putin giữ thái độ thận trọng một phần vì chính Nga không tiên liệu được diễn biến tình hình, phải chuẩn bị mọi tình huống và để đặt Lukashenko vào thế lệ thuộc Matxcơva.
Cuối cùng, tính chất của phong trào phản kháng. Hội đồng điều phối của đối lập tự xưng « phi chính trị », không có các khuôn mặt đối lập truyền thống tham gia. Ngoại trừ Svetlana Tsikhanovskaia, do thời thế đưa ra ánh sáng, thành phần còn lại là dân chúng bình thường, những nhà hoạt động vô danh.
Theo Le Monde, đối lập phải tạo niềm tin là có một giải pháp thay thế chế độ hiện nay để thu hút những người còn do dự. Đó là chưa kể các nhà ngoại giao quốc tế, họ rất sợ khoảng trống chính trị. Le Monde cảnh báo đối lập Belarus .
Trả lời phỏng vấn của nhật báo độc lập, Svetlana Tsikhanovskaia tin rằng « phong trào dân chủ tiếp tục đi tới và tổng thống Lukashenko sẽ ra đi ».
Les Echos cả quyết là điện Kremlin tìm phương án B thay thế Lukashenko tuy Svetlana Tsikhanovskaia nói rằng bà chưa được đại diện Nga tiếp cận. Trái lại, trong những ngày qua, lãnh đạo đối lập Belarus gia tăng tiếp xúc với các thủ đô châu Âu.
Về vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, Le Figaro cho rằng vụ này làm tổng thống Putin bối rối. Bởi lẽ, theo một nhà phân tích Nga, ở nước Nga chỉ có Putin mới có thể cho phép ám sát. Đó là lý do vì sao tổng thống Nga quay sang « cáo buộc châu Âu » muốn làm Nga mất uy tín. Để cho độc giả tự suy đoán, Le Figaro cho biết luật sư Navalny có rất nhiều kẻ thù trong giới quan chức tham ô, đại gia bê bối. Evgueni Prigogine có biệt danh là « đầu bếp của Putin » đứng đầu một đạo quân dư luận viên, bộ não của công ty lính đánh thuê Wagner đe dọa sẽ làm cho luật sư chống tham ô « tán gia bại sản » trừ phi « về trời » .
Địa Trung hải, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp gờm nhau trên biển.
Vì sao nên nỗi và liệu có tránh được xung đột mà cả châu Âu lo ngại? Les Echos mô tả thế trận trên biển như các tựa bên trên. Athens và Ankara tập trận cách nhau vài trăm mét. Pháp, Ý, Chypre và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tham gia cùng hải quân Hy Lạp.
Tuy Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thượng phong nhưng Nga có lập trường gần với đảo Chypre, khiến Ankara khó xử. Theo chuyên gia địa chiến lược Ian Lesser, đánh nhau đâu có lợi gì nhưng do khủng hoảng y tế vì siêu vi corona, mọi lãnh vực kinh tế đều thiệt hại. Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp tại Syria, Irak, Libya nên tự tin có thể phiêu lưu trên biển. Càng có nhiều mặt trận thì nguy cơ xung đột gia tăng theo.
Trong vụ xung đột năm 1990, hai bên nhanh chóng xuống thang vì lúc đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thế lực mạnh trên chính trường và thân thiện với các tướng lĩnh Hy Lạp, biết lúc nào phải dừng. Thêm vào đó, Mỹ can thiệp ngoại giao. Liệu Hoa Kỳ sẽ dấn thân hòa giải như cách nay 30 năm không? Câu hỏi chưa có câu giải đáp.
Thái Lan : phân tích những bất mãn của tuổi trẻ
Phóng viên Bruno Philip của Le Monde tường thuật buổi tiếp xúc với Panusaya biệt danh « trái xoài » và luật sư Anon Nampa, « Harry Potter » của Thái Lan. Đây không phải là lần đầu tiên Le Monde chú ý vào phong trào dân chủ Thái Lan và các khuôn mặt đối lập thế hệ trẻ. Trong số báo hôm nay, phóng viên tại Bangkok được cô sinh viên có cái tên thật dài Panusaya Sithijirawattanakul và biệt danh « trái xoài » kể lại trong bối cảnh nào mà cô lấy hết can đảm tuyên đọc « yêu sách 10 điểm » đòi cải cách chế độ vương quyền.
Chỉ trích quốc vương là một hành động gần như là bội phản, có thể lãnh án 15 năm tù. « Văn bản do hai người bạn học soạn ngày hôm trước, nhưng tôi xin được tuyên đọc », Xoài hãnh diện cho biết. Làm cách nào khác bây giờ ? Muốn dân chủ thì không có cách nào khác ngoài cải cách chế độ quân chủ, từ bao lâu nay kiểm soát xã hội Thái Lan từ trên xuống dưới.
Thật ra, theo nhận xét của phóng viên Le Monde, Thái Lan không phải là một chế độ độc tài, cũng không phải là nền dân chủ. Nước này nghiêng về một xu hướng chuyên quyền ngoan cố từ khi tướng Chan O-Chan đảo chính vào năm 2014.
Luật sư Anon Nampa đến điểm hẹn trong lúc mưa như trút. Sinh quán vùng đông-bắc nghèo khó, thành trì chính trị của thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinwatra, cậu học sinh Anon phải cố học để tiến thân.
Trong cuộc biểu tình đầu tiên, Anon hóa trang như Harry Potter, cầm đũa thần, bước lên khán đài, kích động đám đông với chủ đề «chúng ta chống lại một kẻ mà chúng ta không có quyền gọi tên ».
Cũng cùng tinh thần lạc quan như nữ sinh viên « Xoài », luật sư trẻ Anon cho biết « Yêu cầu đòi cải cách chế độ quân chủ ngày càng được dung thứ. Có ai trong phe bảo hoàng phản bác các đề nghị của chúng tôi ? Ngay các thẩm phán cũng tỏ ra đồng cảm với tôi khi tôi bị câu lưu ».
Covid 19, chính phủ Pháp trên khắp mặt trận
Hành pháp siết chặt các biện pháp ngăn dịch để trấn an dân chúng. Các bộ trưởng liên tiếp thăm viếng các cơ sở giáo dục, bệnh viện, xí nghiệp để làm an lòng dân, tựa của Le Figaro.
Libération chú ý đến lời tuyên bố của bộ trưởng Giáo Dục: Niên học mới sẽ diễn ra bình thường nhưng thầy cô phải đeo khẩu trang kể cả giáo viên mẫu giáo trong bối cảnh từ 5 tuần nay số người bị lây nhiễm gia tăng không ngừng nhất là trong giới thanh niên.
Tin lãnh vực văn hóa, nghệ thuật được 2 tỷ euro hỗ trợ cũng là một tin vui và nhận được nhiều bình luận chờ xem cụ thể ra sao.
La Croix cho biết thêm về tình trạng Covid-19 lây lan nhanh chóng khác thường tại Marseille gây lo ngại.
Tin tổng hợp
(NHK) – Nhật sẽ theo dõi sát hoạt động của các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật, ông Suga Yoshihide cho biết như trên. Cũng trong tháng này, chính quyền Mỹ quyết định tăng cường kiểm soát các hoạt động của các Viện Khổng Tử tại Mỹ, chính phủ Nhật cho biết thường xuyên phối hợp với Hoa Kỳ trong nhiều hồ sơ. Các Viện Khổng Tử thường bị nghi ngờ là cơ sở cho các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh ớ nước ngoài.
(AFP) - Tổng thống Pháp tiếp ngoại trưởng Trung Quốc.
Phủ tổng thống Pháp thông báo ông Emmanuel Macron sẽ tiếp ông Vương Nghị tại điện Elysée vào chiều thứ Sáu 28/08/2020 trong khuôn khổ “đối thoại chiến lược” Pháp-Trung. Hoa Vi, Hồng Kông, đại dịch Covid-19 sẽ là những hồ sơ chính. Ngoại trưởng Trung Quốc công du 5 nước châu Âu kể từ ngày 25/08/2020. Pháp là chặng dừng thứ ba sau Ý và Hà Lan. Sau Paris, ông Vương Nghị sẽ sang Đức và Na Uy.
(AFP) - Cảnh sát Nga thông báo mở “điều tra sơ khởi” vụ nhà đối lập Navalny bị đầu độc.
Trong thông cáo ngày 27/08/2020, chi nhánh của bộ Nội Vụ Nga tại vùng Siberi cho biết “tiến hành điều tra sơ khởi vụ Alexei Navalny nhập viện hôm 20/08/2020 tại Omsk (…) tịch thu 100 đồ vật có thể là bằng chứng”. Giới thân cận với nhà đối lập Navalny đánh giá “thật lạ lùng” khi chính quyền Nga cho mở điều tra một tuần lễ sau vụ việc.
(Reuters) – Vũ khí hạt nhân : Iran cho phép quốc tế thanh tra hai cơ sở bị tình nghi.
Hôm qua, 26/08/2020, cơ quan năng lượng nguyên tử Iran thông báo, Teheran sẽ mở cửa cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA). Đại diện AIEA đến Iran từ ngày thứ Hai 24/08 để yêu cầu chính quyền Teheran cho thanh tra các cơ sở bị tình nghi, trong khuôn khổ các thỏa thuận của Iran với quốc tế. Chính quyền Mỹ và Israel nghi ngờ Iran sử dụng hai cơ sở này để chế tạo bom nguyên tử.
(Reuters) - Brasilia yêu cầu Bắc Kinh cung cấp bằng chứng lô thịt gà của tập đoàn Aurora xuất khẩu sang Trung Quốc nhiễm virus corona.
Bộ Nông Nghiệp Brazil ngày 26/08/2020 cho biết cơ quan y tế tỉnh Quảng Đông thực hiện xét nghiệm và thông báo tìm thấy vết tích siêu vi corona chủng mới trong các lô hàng xuất phát từ nhà máy SIF601 tại thành phố Xaxim, miền nam Brazil. Brasilia tiếc là cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra cáo buộc như trên nhưng không cho biết thêm thông tin. Trước mắt, Philippines và Hồng Kông đã quyết định tạm ngừng mua thịt gà của Brazil.
(RFI) – New Zealand : Thủ phạm vụ xả súng đền thờ Hồi Giáo ở Christchurch bị án chung thân.
Brenton Tarrant bị kết án chung thân vào ngày 27/08/2020 sau ba ngày xét xử. “Kẻ giết người kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand” sẽ không được kháng án và không được trả tự do trước thời hạn. Brenton Tarrant, công dân Úc, bị kết án vì giết hại 51 người thuộc cộng đồng Hồi Giáo ở Christchurch vào ngày 15/03/2019.
(RFI) – Vi phạm giãn cách xã hội phòng Covid-19, một ủy viên châu Âu về thương mại phải từ chức.
Tối 26/08/2020, ông Phil Hogan, người Ailen, đã từ chức ủy viên châu Âu phụ trách thương mại sau khi tham gia một buổi gala chơi golf ngày 19/08 ở Ailen, với hơn 80 khách mời và không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Vụ “Golfgate” cũng khiến bộ trưởng Nông Nghiệp Ailen Dara Calleary, một khách mời, phải từ chức. Ông Phil Hogan từ chức để một ghế trống ở Bruxelles, trong khi Liên Hiệp Châu Âu đang căng thẳng với Mỹ về vấn đề thương mại.
(ĐSQ Pháp tại Việt Nam) – Đội tuyển bóng đá Pháp Vô địch Thế giới 1998 sẽ thi đấu hữu nghị tại Việt Nam năm 2021.
Thông tin được đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery và bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện thông báo sau cuộc họp ngày 25/08/2020. Đội tuyển vô địch Pháp gồm các cựu cầu thủ quốc tế, trong đó có Didier Deschamps, Laurent Blanc, Fabien Barthez, Christian Karrembeu và Marcel Desailly. Ngoài ra phái đoàn Pháp còn có Michel Platini, cựu chủ tịch UEFA, cựu phó chủ tịch FIFA và ba lần đạt giải Quả bóng Vàng, nhà vô địch Euro 2000 Nicolas Anelka, cựu tuyển thủ của Manchester United Patrice Evra và Quả bóng Vàng 1991 Jean-Pierre Papin. Các ngôi sao sân cỏ Pháp sẽ tham gia một buổi giao hữu với khán giả Việt Nam.
(AFP) – Khí hậu bị hâm nóng sẽ làm tan hơn một nửa vành đai băng hà ở Nam Cực.
Các vành đai băng ở Nam Cực giúp khối băng ở lục địa trắng ổn định. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm qua, 26/08/2020, công bố trên tạp chí Nature, từ 50 đến 70% vành đai băng có nguy cơ tan chảy. Theo ước tính của các nhà khoa học Anh, chuẩn bị xuất bản, Trái đất bị mất khoảng 28.000 tỉ khối băng, riêng từ 1994 đến 2017, khiến nước biển tăng 3,5 cm trong khoảng thời gian này. Lượng băng tan nói trên mới chỉ chiếm 0,1% lượng băng toàn cầu. Đời sống hơn 1 tỉ dân tại các vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do nước biển dâng cao.
Điểm tin thế giới sáng 27/8:
Mỹ trừng phạt thực thể Trung Quốc ‘gây rối’ Biển Đông;
Nga mời người dân thử nghiệm vắc xin Covid
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (27/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ trừng phạt thực thể Trung Quốc ‘gây rối’ Biển Đông
Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đưa 24 công ty Trung Quốc và nhiều quan chức thuộc ĐCSTQ vào danh sách trừng phạt vì những thực thể này đã thúc đẩy các hoạt động xây dựng, quân sự hóa và làm phức tạp tình hình Biển Đông, Reuters đưa tin.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết những công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen đã đóng một “vai trò trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa” với các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. Những người có liên quan đến việc chính quyền Trung Quốc “sử dụng hành vi cưỡng bức các bên tranh chấp [chủ quyền ở] Đông Nam Á không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi” cũng sẽ chịu sự trừng phạt tương tự. (chi tiết)
Nga mời người dân thử nghiệm vắc xin Covid
Thị trưởng Moscow đã mời người dân tham gia thử nghiệm vắc xin Covid mới được chính phủ Nga thông qua hồi đầu tháng này, Fox News đưa tin hôm thứ Ba (25/8).
Giới y tế quốc tế bày tỏ lo ngại với loại vắc xin mới của Nga vì nó không được thử nghiệm đúng quy trình trước khi phê duyệt. Tuy nhiên, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin gợi ý một số hình thức thử nghiệm sẽ được tiến hành, cho biết “nghiên cứu sau đăng ký” sẽ có thời gian 6 tháng và 40.000 người sẽ tham gia vào nghiên cứu này.
“Tất cả chúng ta đều háo hức muốn thấy việc tạo ra một loại vắc-xin, và bây giờ chúng ta đã có nó”, ông Sobyanin nói. “Giờ đây, người dân Moscow có một cơ hội duy nhất để trở thành những người tham gia chính trong một nghiên cứu lâm sàng giúp đánh bại virus corona”.
Kremlin muốn biết nhưng từ chối điều tra vụ việc Navalny
Điện Kremlin hôm thứ Tư cho biết họ hy vọng bệnh tình của chính trị gia đối lập Alexei Navalny sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Họ cũng rất muốn tìm hiểu lý do tại sao ông Navalny đổ bệnh mặc dù trước đó đã từ chối mở cuộc điều tra về vụ việc, theo Reuters.
Các bác sĩ Đức cho biết kết quả kiểm tra y tế ban đầu cho thấy ông Navalny bị ngộ độc, mặc dù các bác sĩ Nga từng điều trị cho ông Navalny tại một bệnh viện ở Siberia (Nga) đưa ra chẩn đoán hoàn toàn trái ngược.
Đức, Mỹ và nhiều nước khác đã kêu gọi Nga điều tra nguyên nhân dẫn tới việc ông Navalny rơi vào trạng thái hôn mê sau khi uống một ly trà trên đường từ Siberia về Moscow, tuy nhiên phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng việc chẩn đoán bệnh của ông Navalny cho đến nay vẫn chưa thể đi đến kết luận xác thực.
Belarus: Cảnh sát bắt giữ 20 người biểu tình
Cảnh sát Belarus đã bắt giữ khoảng 20 người biểu tình tụ tập tại một quảng trường ở trung tâm Thủ đô Minsk hôm thứ Tư, một nhân chứng nói với hãng tin Reuters.
Đây là hành động đàn áp tiếp theo của chính phủ Lukashenko đối với những người cho rằng ông đã gian lận để giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus vào ngày 9/8.
Trước đó, vào hôm thứ Hai (24/8), cảnh sát Belarus đã bắt giữ thủ lĩnh các cuộc đình công Sergei Dylevsky và phụ tá chính trị của Tikhanovskaya, Olga Kovalkova. Nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich cũng bị cảnh sát triệu tập. Cả ba nhân vật này đều nằm trong một hội đồng điều phối bảy người mới được thành lập để lãnh đạo phong trào dân chủ ở Belarus.
Afghanistan: Lũ lụt lớn, ít nhất 100 người thiệt mạng
SBS đưa tin, lũ lụt lớn ở miền bắc Afghanistan hôm thứ Tư (26/8) đã làm chết ít nhất 100 người, số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn gia tăng. Hiện các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót sau trận lũ quét phá hủy hàng trăm ngôi nhà gần thủ đô Kabul.
Các binh sĩ đã cứu được hàng chục nạn nhân khỏi đống đổ nát của những tòa nhà bị sập ở thành phố Charikar, thủ phủ tỉnh Parwan, sau khi những trận mưa xối xả trong đêm gây ra trận lụt dữ dội quét qua thành phố.
Bộ quản lý thiên tai Afghanistan cho biết ngoài số người chết còn có khoảng 100 người khác bị thương và gần 500 ngôi nhà bị phá hủy.
Điểm tin thế giới tối 27/8:
Nhật phản đối gia tăng căng thẳng ở Biển Đông;
Ông Pompeo cáo buộc HSBC tiếp tục giao dịch
với các quan chức bị trừng phạt
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (27/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Nhật phản đối gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga hôm nay tuyên bố nước này phản đối bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, theo Mainichi.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi được đề nghị bình luận về việc Trung Quốc phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm ra Biển Đông hôm 26/8. Ông Suga nói thêm rằng Nhật Bản đang theo dõi các động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông “với sự quan ngại”.
“Các vấn đề ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực, là vấn đề lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước chúng tôi”, ông Suga nói.
Ông Pompeo cáo buộc HSBC tiếp tục giao dịch với các quan chức bị trừng phạt
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tối 26/8 (giờ địa phương) đã chỉ trích HSBC vì ngân hàng này vẫn tiếp tục giao dịch với các cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi không cho phép các giám đốc điều hành Hồng Kông của Next Digital, nhà xuất bản của Apple Daily truy cập vào thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng cá nhân của họ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết đây là một ví dụ khác về “chiến thuật bắt nạt cưỡng bức” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các công ty Anh. Theo SCMP, HSBC có trụ sở tại London, nhưng tạo ra lượng lớn lợi nhuận ở châu Á.
“Các quốc gia tự do phải đảm bảo rằng lợi ích doanh nghiệp không bị ĐCSTQ điều khiển để hỗ trợ cho hành vi đàn áp chính trị của họ. Chúng tôi sẵn sàng giúp chính phủ Anh và các công ty của họ chống lại sự bắt nạt của ĐCSTQ và đứng về phía tự do”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hàn Quốc đóng cửa Quốc hội vì Covid-19
Quốc hội Hàn Quốc hôm nay đóng cửa tạm thời và nhiều nghị sĩ phải tự cách ly, sau khi một phóng viên từng tác nghiệp tại đây nhiễm nCoV, theo AFP.
Nam phóng viên ảnh trên tác nghiệp tại cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/8, sau đó phát hiện một người thân từng gặp vào cuối tuần trước bị nhiễm nCoV. Người phóng viên đã đi xét nghiệm và có kết quả dương tính.
Anh tiếp xúc với khoảng 50 người ở Quốc hội, trong đó 32 người là các nghị sĩ và quan chức. Hơn 10 nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ, trong đó có chủ tịch đảng và lãnh đạo của đảng tại Quốc hội, đã đi xét nghiệm và tự cách ly.
Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn vào tối 26/8 để thảo luận về cách xử lý và yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động từ ngày 27/8. Cả Quốc hội và một tòa nhà văn phòng của các nghị sĩ đều bị đóng cửa. Các đảng đối lập cũng hủy những cuộc họp dự kiến.
Cảnh sát Nga xem xét vụ nhà đối lập Navalny
Cảnh sát Nga hôm nay thông báo bắt đầu kiểm tra sơ bộ bệnh tình của lãnh đạo đối lập Navalny, sau khi Điện Kremlin bác khả năng ông bị đầu độc, theo AFP.
Cảnh sát ở Siberia hôm 27/8 cho biết họ đã bắt đầu quá trình “kiểm tra trước khi điều tra” về nguyên nhân khiến lãnh đạo đối lập Alexei Navalny phải nhập viện ở thành phố Omsk hôm 20/8. Lực lượng này gọi đây là động thái để xác định “tất cả các tình huống” và quyết định xem có mở cuộc điều tra tội phạm hay không.
Cảnh sát Siberia đã khám xét các địa điểm mà ông Navalny ghé qua cùng phòng khách sạn của ông. Họ cũng kiểm tra các đoạn video từ camera an ninh và tịch thu hơn “100 món đồ có thể làm bằng chứng”.
Ông Navalny là lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga. Ông cảm thấy không khỏe và bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8. Các đồng minh của ông Navalny cho rằng ông Navalny có thể đã bị đầu độc khi uống một tách trà ở sân bay Tomsk.
Ông Navalny hôm 22/8 được đưa tới Berlin, Đức để điều trị. Các bác sĩ Đức nói rằng kiểm tra y tế cho thấy ông ngộ độc hợp chất lạ thuộc nhóm ức chế cholinesterase. Tuy nhiên, các bác sĩ Nga tuyên bố không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Navalny bị trúng độc.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/8 đã bác bỏ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc mở một cuộc điều tra minh bạch.
Nhận xét
Đăng nhận xét