Tin Biển Đông – 27/08/2020
Trung Quốc bắn hai tên lửa vào Biển Đông để ‘cảnh báo Mỹ’
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa, trong đó có một tên lửa “sát thủ tàu sân bay”, vào Biển Đông sáng thứ Tư, đồng thời gửi lời cảnh báo tới Hoa Kỳ, theo SCMP.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc nói một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này.
Một trong số các tên lửa, DF-26B, được phóng từ tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc, trong khi tên lửa khác, DF-21D, cất cánh từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông.
Nguồn tin cho biết cả hai tên lửa đều được phóng vào khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.
Các khu vực tên lửa đổ bộ nằm trong vùng biển mà Trung Quốc cấm các nước khác qua lại do nước này đang thực hiện diễn tập quân sự từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Tên lửa lưỡng năng DF-26 là một loại vũ khí bị cấm bởi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Mỹ và Liên Xô ký kết vào cuối Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã viện dẫn việc Trung Quốc triển khai những vũ khí như vậy để biện minh cho việc rút khỏi hiệp ước này vào năm ngoái.
DF-26 có tầm bắn 4,000km và có thể được sử dụng trong cuộc tấn công hạt nhân hoặc tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.
DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km. Truyền thông Trung Quốc mô tả là loại tiên tiến nhất trong dòng này, tên lửa DF-21D, là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.
Các nguồn tin cho biết vụ phóng tên lửa này là nhằm cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc ngăn cử các lực lượng khác tiếp cận Biển Đông, một khu vực đang tranh chấp.
Nguồn tin cho biết: “Đây là phản ứng của Trung Quốc đối với những rủi ro tiềm tàng do các máy bay chiến đấu và tàu quân sự của Hoa Kỳ đến Biển Đông ngày càng thường xuyên. Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu nhầm mục tiêu của Bắc Kinh”.
Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự có trụ sở tại Hong Kong, nói rằng các vụ phóng tên lửa rõ ràng là nhằm gửi một tín hiệu đến Hoa Kỳ.
“Mỹ tiếp tục kiểm tra quan điểm của Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan và Biển Đông, và điều này đã thúc đẩy Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự của mình để cho Washington biết rằng ngay cả hàng không mẫu hạm Mỹ cũng không thể phô trương sức mạnh gần bờ biển của Trung Quốc”, Song nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của SCMP về các vụ phóng tên lửa này.
Trong một động thái hiếm hoi, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến hành các cuộc tập trận gần như đồng thời ở bốn vùng biển.
Đầu tháng này, PLA cũng đã tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan “để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, các cuộc tập trận trùng với chuyến đi của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới hòn đảo này.
Vào tháng Bảy, PLA đã có các cuộc tập trận quân sự ở biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Hoàng Hải, khi hai tàu sân bay của Mỹ tiến hành các cuộc tập trận phòng không chiến thuật ở Biển Đông – các cuộc diễn tập mà Mỹ nói là “ủng hộ một Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và cởi mở “.
Bên cạnh tàu sân bay, Mỹ cũng đã cử nhiều máy bay quân sự và tàu thuyền để theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc.
Các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng bất bình. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nói rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và gây bất lợi cho các cuộc đàm phán Trung Quốc – ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Philippines tiếp tục bay qua Biển Đông
mặc Trung Quốc tuyên bố ‘ngừng khiêu khích’
Hương Thảo
Cung điện Tổng thống Philippines hôm 24/8 tuyên bố rằng, các hoạt động của quân đội Philippines ở Biển Đông là phù hợp với các quyền chủ quyền của nước này.
Tuyên bố từ cung điện Malacañang đưa ra sau khi Bắc Kinh cáo buộc Manila có “các hành động khiêu khích” trong vùng biển tranh chấp trong khu vực Biển Đông.
Philippines đã gửi công hàm phản đối ngoại giao hành động mà hải cảnh Trung Quốc gọi là “tịch thu bất hợp pháp” thiết bị phục vụ đánh cá của ngư dân Philippines vào ba tháng trước tại bãi cạn Scarborough (phía Philippines gọi là Panatag), ngoài khơi tỉnh Zambales, theo Philstar ngày 24/8.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả bằng cách cáo buộc Philippines vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc khi điều một máy bay quân sự vào vùng trời tiếp giáp với quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Nam Sa.
Trung Quốc cũng yêu cầu Philippines “ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích bất hợp pháp” và khẳng định rằng các hành động của họ ở bãi cạn Scarborough là đúng luật.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết, các nhiệm vụ tiếp tế quân sự ở Kalayaan, một đơn vị hành chính cấp huyện ở Trường Sa, và các cuộc tuần tra trên không ở bãi cạn Scarborough hoặc Bajo de Masinloc [theo cách gọi của Philippine] sẽ tiếp tục.
“Chà, có lẽ đó là quan điểm của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa hàng tiếp tế đến Kalayaan và chúng tôi sẽ tiếp tục có các hoạt động vượt biển ở Bajo de Masinloc, và chúng tôi cũng khẳng định rằng đó là một phần của chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của chúng tôi”, ông Roque nói tại một cuộc họp báo.
Trước những chỉ trích cáo buộc Tổng thống Rodrigo Duterte quá “yếu đuối” trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, thì ông Roque khẳng định chính sách của chính quyền về vấn đề hàng hải là “trước sau như một”.
“Tổng thống vẫn kiên định. Ông ấy sẽ không trao dù chỉ một xen-ti-mét lãnh thổ quốc gia hoặc quyền chủ quyền của chúng tôi cho bất kỳ quốc gia nào khác”, phát ngôn viên của Cung điện nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Roque, chính phủ Duterte “nhất quán rằng vấn đề lãnh thổ chưa giải quyết được không nên là một trở ngại” cho quan hệ song phương của Philippines và Trung Quốc.
Theo Philstar,
Hương Thảo dịch và biên tập
Ngoại trưởng Pompeo:
‘Mỹ ủng hộ Biển Đông tự do và rộng mở’
Tuyên bố của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ được đưa ra hôm 26/8 trong thông báo về hạn chế thị thực với các công dân Trung Quốc tham gia vào việc quân sự hóa Biển Đông.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói thêm rằng Hoa Kỳ “tôn trọng quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, và mong muốn duy trì hòa bình và bảo vệ tự do trên biển theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông Pompeo cho biết rằng Bộ Ngoại giao hôm 26/8 “bắt đầu áp đặt các hạn chế thị thực đối với các cá nhân” của Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc bồi đắp, xây dựng quy mô lớn, hoặc quân sự hóa các vị trí đang bị tranh chấp ở Biển Đông”, hoặc “tham gia” cùng với Trung Quốc “dùng biện pháp cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông để ngăn cản các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi”.
“Những cá nhân này từ nay sẽ không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ và các thành viên trực tiếp trong gia đình họ cũng có thể phải chịu các hạn chế về thị thực này”, ông Pompeo nói trong thông cáo, nhưng không cho biết cụ thể tên, tuổi của các công dân Trung Quốc đó.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 26/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa thêm 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, trong đó có một số công ty thành viên của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), vào danh sách bị trừng phạt vì tham gia vào việc xây dựng và quân sự hóa Biển Đông.
Phía Mỹ nói rằng việc Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như CCCC vào việc nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã “gây bất ổn trong khu vực, gây tổn hại quyền chủ quyền của các láng giềng, và hủy hoại môi trường một cách nặng nề”.
“Hoa Kỳ sẽ hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt hành vi cưỡng ép của họ tại Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong việc chống lại hành động gây bất ổn này”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Hôm 27/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng “các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình hoàn toàn nằm trong chủ quyền của nước này và không liên quan gì đến quân sự hóa”.
Ông Triệu nói thêm rằng “sự tham gia của các công ty và cá nhân Trung Quốc vào các hoạt động xây dựng nội địa là hợp pháp, đúng luật và không thể bị chê trách”.
Hồi tháng Bảy, ông Pompeo lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015.
Trước đó, nhà ngoại giao này cho biết rằng Mỹ ‘xem xét kỹ’ pháp lý trước khi nêu rõ lập trường về Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét