Tin Việt Nam – 30/08/2020
Phát hiện cơ sở sản xuất, chế tạo súng – Hiểu Minh
Ngày 30/8, Công an tỉnh Vĩnh Long cho hay, vừa phát hiện cơ sở sản xuất, chế tạo vũ khí trái phép.
Thanh Niên đưa tin, vào chiều 29/8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Công an huyện Tam Bình kiểm tra hành chính hộ Võ Thanh Long (32 tuổi, đang thuê nhà tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) và hộ Đoàn Thị T. (50 tuổi; ngụ xã Phú Thịnh), cạnh bên nhà Long thuê.
Qua kiểm tra phát hiện Long và Dương Thế Hưng (32 tuổi; con bà T.) đang thực hiện hành vi sản xuất, chế tạo vũ khí trái phép.
Công an đã thu giữ máy 3 khẩu súng tự chế, 5 bộ khuôn dập đạn, 41 đồng hồ đo áp suất, 34 ống búa súng, 97 ống kim loại làm nòng súng, 5 ống hơn cùng nhiều tang vật dùng để sản xuất, chế tạo súng tự chế.
Trước đó 21/7, Công an TP. Hải Phòng cũng đã phát hiện, bắt giữ 2 người vì tổ chức sản xuất súng quân dụng.
Ca tử vong thứ 31 do Covid-19:
Bệnh nhân 996 chỉ mới 28 tuổi
Nam bệnh nhân 996 chỉ mới 28 tuổi, ở Quảng Nam tử vong vào sáng nay (29/8) với chẩn đoán viêm phổi do Covid-19 biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục trên nền bệnh lý nặng. Hiện em trai bệnh nhân cũng đã nhiễm bệnh, ngày nào cũng nhắn tin hỏi thăm anh…
Bộ Y tế trưa nay (29/8) đã công bố ca tử vong thứ 31 do viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) tại Việt Nam là bệnh nhân 996, nam giới, mới chỉ 28 tuổi.
Bệnh nhân có tiền sử bạch cầu cấp dòng lympho, suy tủy giảm ba dòng tế bào; tử vong tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Nguyên nhân tử vong: Viêm phổi do Covid-19 biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục trên bệnh nhân bạch cầu cấp dòng Lympho, suy tủy giảm ba dòng tế bào.
Em trai bệnh nhân cũng đã nhiễm bệnh, ngày nào cũng nhắn tin hỏi thăm anh
Theo một người quen của bệnh nhân chia sẻ thì trong thời gian bệnh nhân điều trị và nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở bệnh viện, em trai bệnh nhân đến chăm sóc và cũng đã nhiễm bệnh (bệnh nhân 1020).
“Gia đình bệnh nhân rất nghèo. Những ngày bệnh nhân 996 được xác định mắc COVID-19, em trai bị cách ly vì thuộc diện F1, ngày nào em cũng nhắn tin hỏi thăm và mong có cách gì cứu anh vì anh mới 28 tuổi, nhưng giờ thì anh mất rồi, thật buồn”, người quen của hai anh em bệnh nhân cho hay.
Theo Bộ Y tế đây là ca viêm phổi Vũ Hán tử vong trẻ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Những người tử vong trước đó có độ tuổi từ 33 đến 93, trong đó 19 người mắc bệnh lý nền suy thận mạn. Hai người tử vong sau khi đã có ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính.
Tính đến trưa nay (29/8), tổng số ca mắc viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam là 1.038 ca. Trong đó có 663 đã khỏi bệnh, số người tử vong đã lên đến 31 người chưa tính 2 ca Covid-19 tử vong sau 3 đến 4 lần xét nghiệm âm tính.
15 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch
Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế trưa nay (29/8) cho biết trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 15 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó 3 ca phải thở máy xâm nhập, 3 ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Tiên lượng 6 ca có thể tử vong.
Số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Hiện bệnh viện dã chiến Hòa Vang đang là nơi điều trị đông bệnh nhân nhất với 85 ca; bệnh viện Phổi Đà Nẵng 78 ca; bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 56.
Tính đến 6h ngày 29/8, Việt Nam có tổng cộng 689 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 549 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 61.100, trong đó:
– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.363
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.899
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 42.838
Hiện trong số các ca bệnh đang điều trị đã có 124 trường hợp âm tính từ 1-3 lần.
Vũ Tuấn (t/h)
Bị cáo người Trung Cộng khai nhập cảnh lậu
vào Việt Nam để bán hàng và chạy quảng cáo
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, ngày 29 tháng 8 năm 2020, Toà án Cộng sản thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt Chen Xian Fa, 27 tuổi, người Trung Cộng 8 năm tù giam về hành vi “tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Ngoài Fa còn có 2 bị cáo người Việt Nam trong vụ án này là Hồ Thị Thu Trinh, 24 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam nhận 6 năm tù giam, và Huỳnh Ngọc Diễm, 41 tuổi, quê thành phố Đà Nẵng nhận 5 năm tù giam với cùng hành vi như Fa.
Tại toà, Fa khai vào Việt Nam là để làm quảng cáo và bán hành vì mặt hàng Fa bán là đặc sản của Việt Nam. Nhưng khách hàng mà Fa bán là người Hoa Lục nội địa, do không có hình ảnh thực tế nên Fa đã sang Việt Nam để tạo niềm tin cho khách hàng.
Còn về việc sử dụng nhiều thiết bị điện tử và bị công an thu giữ thì Fa giải thích là, do bán hàng qua mạng internet nên Fa cần dùng nhiều thiết bị điện tử. Ngoài ra, Fa cũng đã chối, nói rằng không biết rõ về đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Fa chỉ lên mạng liên hệ, rồi có người hướng dẫn, sắp xếp đưa người đi qua Việt Nam.
Còn đối với Diễm và Trinh, 2 người này liên tục nhận sai và xin lỗi, vì dù biết Fa nhập cảnh vào Việt Nam trái phép nhưng vẫn cố tình giúp sức để kiếm lợi. Được biết, trong thời gian qua, Việt Nam liên tục phát hiện hàng trăm người Trung Cộng nhập cảnh lậu vào sâu trong nội địa. Tuy nhiên, đến nay, nghi vấn về việc người Trung Cộng nhập cảnh lậu vào Việt Nam để làm gì thì Công an Cộng sản vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho dư luận.
An Nhiên
Nhật kêu gọi công dân Việt Nam
không ‘giúp sức’ cho tội phạm
Cơ quan đại diện ngoại giao của “xứ sở mặt trời mọc” mới đăng tải thông tin kêu gọi các công dân Việt Nam ở Nhật không “giúp sức cho những hành vi phạm tội”.
Đại sứ quán Nhật hôm 21/8 cho biết đã dịch sang tiếng Việt nội dung tờ rơi của Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) để “giúp các bạn thực tập sinh không bị vướng vào tội phạm”.
Theo OTIT, thời gian qua có nhiều trường hợp thực tập sinh kỹ năng “bị các tổ chức tội phạm do những người đồng hương của họ lập nên, dùng các thông tin trên mạng xã hội và Internet để quảng cáo tuyển người, thông qua bạn bè và người quen để dụ dỗ, hoặc bằng những lời đường mật gạ gẫm môi giới việc làm và rủ rê bỏ trốn, lôi kéo vào nhiều loại hình tội phạm khác nhau”.
Nhiều hành vi phạm tội đã được cơ quan này nêu ra, trong đó có việc vi phạm Luật quản lý xuất nhập cảnh về tư cách lưu trú khi bỏ trốn khỏi nơi thực tập để làm công việc khác hay vi phạm Luật phòng chống rửa tiền, Luật phòng chống sử dụng trái phép điện thoại di động khi bán hoặc chuyển nhượng cho người khác điện thoại di dộng, thẻ rút tiền, sổ gửi tiền ngân hàng, tài khoản ngân hàng, trước khi về Việt Nam.
Tờ rơi của OTIT viết rằng “bề ngoài thì những công việc nói trên có vẻ đơn giản với điều kiện hấp dẫn, mang lại khoản thù lao lớn ngay lập tức, nhưng thực tế tất cả các hành vi đó đều là tội phạm”.
“Tổ chức tội phạm rủ rê các bạn thực tập sinh bằng những lời lẽ khéo léo, vì thế có trường hợp khi bản thân người bị rủ rê không hề ý thức được hành vi của mình là phạm tội nên đã thực hiện hành vi đó.Thực tập sinh bị tổ chức tội phạm lợi dụng theo kiểu như vậy bị coi là giúp sức cho hành vi phạm tội và sẽ bị cảnh sát bắt giữ với vị thế là người phạm tội”, Tổ chức quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài của Nhật cảnh báo.
“Nếu rơi vào tình cảnh như vậy thì bạn sẽ không thể thực hiện được mục đích tiếp thu kỹ năng và trở về an toàn trong vòng tay gia đình nơi quê nhà, mà sẽ trở thành đối tượng bị trục xuất trong điều kiện bất lợi”.
Cảnh báo này được đưa ra ít lâu sau khi Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết rằng Việt Nam “giữ vị trí số một” về người cư trú trái phép và coi đây là “một thực tế đáng buồn” về người Việt tại “xứ sở mặt trời mọc”.
Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng “Việt Nam có khoảng 400.000 lao động”, “xếp thứ hai” trong số các nước có nhiều lao động và “đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản”.
“Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là Việt Nam đang giữ vị trí số một về số người cư trú bất hợp pháp, số thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn và số vụ bắt giữ do vi phạm Luật hình sự ở Nhật Bản”, Đại sứ quán Nhật Bản viết trên trang Facebook hồi tháng Bảy, kèm theo lời kêu gọi người Việt, nhất là các thực tập sinh, “đừng để rơi vào hoàn cảnh khốn cùng”.
Báo chí Nhật Bản trong những năm qua đã đưa tin về các trường hợp người Việt vi phạm pháp luật.
Trang Kokoro từng dẫn lời đại sứ Nhật ở Việt Nam Yamada Takio nói rằng “vẫn còn nhiều trường hợp người môi giới bất chính ở cả Nhật Bản và Việt Nam, lợi dụng ước mơ hoài bão của các bạn trẻ, khiến họ sang Nhật và bị vướng vào các hành vi phạm pháp” và chính phủ hai nước “đang hết sức nỗ lực cố gắng để loại trừ những người môi giới bất chính đó”.
Hồi tháng trước, tại Hà Nội, Việt Nam và Nhật đã trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án, phạt tù.
Hiệp định ký giữa Nhật Bản và Việt Nam, vốn có hiệu lực ngày 19/8, quy định các thủ tục để chuyển giao về nước người đang chấp hành án phạt tù ở nước kia nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Văn bản này cũng được coi là “tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Nhật Bản và Việt Nam khi bị kết án phạt tù ở nước kia được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm thúc đẩy công tác cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hình sự”.
Văn bản này cũng được coi là “tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Nhật Bản và Việt Nam khi bị kết án phạt tù ở nước kia được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm thúc đẩy công tác cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hình sự”.
Việt Nam – Ấn Độ xích lại gần hơn
để đối phó với Trung Quốc?
Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương với nhiều cuộc họp cấp cao gần đây, trong bối cảnh hai nước cùng có quan ngại về các động thái của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mới nhất, hôm 25/8, một phiên họp trực tuyến của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ đã diễn ra dưới sự chủ trì của bộ trưởng ngoại giao hai nước.
Trong số nhiều nội dung được bàn thảo tại cuộc họp, hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và trên Đường kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc (LAC) được nhắc tới, và hai bên cùng tóm tắt những diễn tiến mới nhất cho nhau, tờ HindusTimes đưa tin.
Trang tin Chính phủ Việt Nam nói hai bên “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.”
Trước đó ít ngày, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Harsh Shringla và cập nhật cho vị bộ trưởng những căng thẳng mới nhất ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6J tới Đảo Phú Lâm, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 4/8, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, người ‘đánh giá cao lập trường của chính phủ Ấn Độ về vấn đề Biển Đông’.
Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, và Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ đang tham gia khai thác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Việt Nam mong muốn Ấn Độ tiếp tục có sự hiện diện trong khai thác dầu khí ở Việt Nam, và Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định các công ty nước này sẽ tiếp tục các hoạt động với Việt Nam trên các vùng biển của Việt Nam.
Trong bối cảnh có các thách thức chiến lược trong khu vực Indo – Pacific, chủ yếu do Trung Quốc gây ra, Ấn Độ và Việt Nam tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi cả hai nước đều là ủy viên không thường trực.
Việt Nam và thiết bị quốc phòng Ấn Độ
Hợp tác về quốc phòng, an ninh được coi là một trong những lĩnh vực “trụ cột và hiệu quả” của quan hệ song phương Việt – Ấn.
Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua 12 tàu tuần tra cao tốc.
5 tàu sẽ được đóng tại xưởng Kattupalli, thuộc tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ, và 7 tàu đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Việt Nam. Dự kiến các tàu sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2021.
Hệ thống tên lửa Akash trong Lễ Diễu hành Ngày Cộng hòa Ấn Độ hôm 26/1/2020 ở thủ đô New Delhi
Ấn Độ cũng cho Việt Nam một gói tín dụng khác trị giá 500 triệu USD để mua các thiết bị quốc phòng của nước này.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua thiết bị nào, nhưng các nguồn tin cho biết Hà Nội quan tâm đến hệ thống tên lửa đất đối không Akash và trực thăng nhẹ Dhruv của Ấn Độ, theo trang The Diplomat.
Bàn thảo về khả năng Ấn Độ bán hệ thống tên lửa Brahmos cũng đã diễn ra nhiều năm qua. Các chuyên gia quốc phòng cho rằng sau cuộc xung đột ở thung lũng Galwan, Ấn Độ nên triển khai cả hai hệ thống Brahmos và Akash và không nên e ngại về phản ứng của Trung Quốc.
Ấn Độ trong thời gian qua cũng hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình cho Việt Nam.
Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động có liên quan đến Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia
Căng thẳng Trung – Ấn
Quan hệ Trung – Ấn hết sức căng thẳng hồi giữa tháng Sáu khi một cuộc xung đột ở thung lũng Galwan đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Thung lũng Galwan được coi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cả New Delhi và Bắc Kinh. Nó là điểm nóng trong cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1962. Tình hình ở đó khá bình yên cho tới 15/6 khi xung đột chết người nổ ra.
Phía Trung Quốc sau đó cáo buộc tội binh sĩ Ấn Độ đã châm ngòi bạo lực trước bằng cách băng qua đường kiểm soát thực tế, và tuyên bố có chủ quyền đối với Thung lũng Galwan.
Cuối tháng Sáu, chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động có liên quan đến Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.
Điểm tin trong nước sáng 30/8:
Minh Chay thông báo thu hồi sản phẩm pate
có độc tố cực mạnh; Bà giáo già bị trò cũ lừa 3,6 tỷ đồng
Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước sáng 30/8 của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Minh Chay thông báo thu hồi sản phẩm pate có độc tố cực mạnh
Người lao động đưa tin, chiều 29/8, trên trang web minhchay.com, Minh Chay đã phát thông báo liên quan đến sản phẩm pate chứa độc tố vừa được Bộ Y tế cảnh báo. Thông báo cụ thể: “Để đảm bảo sự an toàn cho quý khách, Minh Chay khuyến cáo với quý khách hàng mua sản phẩm Pate có ngày sản xuất từ 1-7 đến 28/8/2020 dừng ăn ngay lập tức, cách ly pate với các thực phẩm khác. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn để thu hồi sớm nhất. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường, vui lòng đến cơ sở y tế gần nhất…”.
Trước đó, trưa cùng ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có cảnh báo khẩn về sản phẩm pate Minh Chay, có chứa vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong, Minh Chay đã phát đi thông báo thu hồi sản phẩm này.
Theo cảnh báo này, trong thời gian từ ngày 13/7 đến 18/8 vừa qua đã xuất hiện 5 bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội; 2 bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, 2 ca vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, với triệu chứng yếu cơ, sụp mí mắt, liệt cơ, yếu chi, khó thở…
Qua điều tra cho thấy tất cả các bệnh nhân đều có sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, địa chỉ tại tổ 2 thị trấn Đông Anh, Hà Nội sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng (trang web của công ty là www.pate.1001monchay.com; minhchay.com).
Bà giáo già bị trò cũ lừa 3,6 tỷ đồng
Theo VnExpress, sáng 21/8, Giang, 39 tuổi, cựu giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) bị TAND Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về hai tội Thao túng giá chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong hai ngày xét xử, khi đi qua cô giáo cũ sau hai năm tránh mặt, trốn nợ rồi bị bắt, Giang không chút biểu cảm. Trước đó, họ từng nhiều năm coi nhau như người nhà.
50 năm trước, bà Tần tốt nghiệp ngành sư phạm Văn. Trong khoá học sinh đầu tiên bà làm chủ nhiệm suốt 4 năm có mẹ của Giang. Bà Tần cưng cô trò thông minh này, ngày thường đến chơi, ngày cưới đến dự. Năm 1981, ngày Giang ra đời, bà Tần không có xe đạp, vẫn đi bộ mang ít gạo, ít rau đến ấn vào tay cho mẹ Giang, bà kể. Bắt đầu vào bậc trung học phổ thông, Giang được mẹ dắt đến tận nhà ông bà gửi gắm, nhờ dạy dỗ.
Vợ chồng bà sống cùng ba con trai trên tầng hai của căn nhà ở phố Cầu Gỗ. Năm 2015, bà Tần mắc bệnh nên phải hạn chế leo cầu thang. Gia đình bà bán nhà được 3,5 tỷ đồng và đang tìm mua nơi ở mới. Đúng lúc này, Giang và mẹ xuất hiện.
“Mẹ Giang khoe con gái giờ làm giám đốc ở ngân hàng, trả lãi gửi tiết kiệm cao nhất nước”, bà Tần kể và nhớ rõ Giang trong các lần gặp mặt thường khuyên bà gửi hết tiền vào vào chỗ của cô ta, hứa trả lãi 12% mỗi năm, tiền nhận theo tháng. “Mỗi tháng có gần 40 triệu đồng tiền lãi, bà làm gì ra”, Giang từng nói.
Tin tưởng, bà Tần đem hết tiền bán nhà và sổ tiết kiệm 100 triệu đồng tích cóp cả đời giáo viên của hai ông bà giao cả cho Giang, rồi về ở với gia đình con trai út.
Sau vài tháng trả lãi đúng hẹn, Giang cắt liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Vợ chồng bà Tần lên công ty tìm nhưng vị đại diện nói không có khoản tiền gửi nào đứng tên bà.
Bà Tần không tin, nghĩ có nhầm lẫn gì đó vì “hai mẹ con đều là học trò mình, đời nào lại lừa mình”. Hai ông bà đến nhà mẹ con Giang để hỏi chuyện nhưng 7 lần đều chỉ thấy cảnh cổng khoá im ỉm.
Tới lần thứ 8 trong cuộc gặp có cả mẹ, Giang chỉ viết cam kết, hứa tiếp tục trả lãi tháng; tiền gốc trả 6 tháng mỗi lần, mỗi lần 500 triệu đồng. Bà Tần xuôi lòng ra về, không nghĩ rằng đó là lần gặp cuối cùng,
cho tới phiên toà mở ngày 20/8 vừa qua. Ngoài bà Tần, Giang còn lừa trót lọt của 2 người khác, trong đó có bạn học quen biết 16 năm.
Toà án nhận định, Giang có nhận thức sâu về luật pháp nhưng cố tình lừa đảo. Theo khung hình phạt của tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo có thể phải lĩnh án chung thân, nhưng được bà Tần làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên mức án giảm xuống còn 17 năm tù.
Song bước khỏi phòng xử án, thái độ của Giang với bà Tần không thay đổi so với lúc gặp đầu phiên toà. Nhìn cô “học trò cưng” lướt qua mình dửng dưng, bà Tần lau nước mắt, khẽ lắc đầu nói: “Mất tiền buồn lắm, nhưng đau đớn nhất là bị phản bội, vô ơn bởi chính người mình đã dạy dỗ, yêu thương”.
Xe công an phường tông nhiều xe máy trên phố Tây Bùi Viện do kẹt chân ga
Liên quan đến vụ xe bán tải của Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) gây tai nạn liên hoàn trên phố Bùi Viện tối 28/8, báo Dân Trí tối 29/8 dẫn lời một lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết, người điều khiển phương tiện này là ông Trần Văn Hóa, 68 tuổi, bảo vệ dân phố.
Theo người này, ông Hóa làm bảo vệ dân phố tại phường được vài năm và có giấy phép lái xe hạng C đến cuối năm 2020. Về nguyên nhân, người này cho rằng ô tô bị kẹt chân ga.
Vụ việc làm 2 người bị thương nhẹ, 4 xe máy hư hỏng. Lãnh đạo Công an phường Phạm Ngũ Lão đã thỏa thuận với người dân để đền bù thiệt hại.
Đà Nẵng đề nghị mở chuyến bay đưa 600 người bị kẹt về Tp HCM
UBND TP. Đà Nẵng hôm 29/8 đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam mở các chuyến bay đưa 600 người đang kẹt lại địa phương này về TP.HCM.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, địa phương đã liên hệ với 62 tỉnh, thành để lên danh sách người mắc kẹt. Thời gian qua, các hãng hàng không đã bố trí gần 10 chuyến bay xuất phát từ Đà Nẵng đưa những người này về Hà Nội và TP.HCM. Hiện tại có khoảng 600 người có nhu cầu đăng ký từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không.
Nhận xét
Đăng nhận xét