Tin khắp nơi – 28/08/2020
Bầu cử Mỹ : Donald Trump chấp nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa – Trọng Nghĩa
Ngày 27/08/2020, từ Nhà Trắng, Washington DC, qua cầu truyền hình, ông Donald Trump đã chính thức chấp nhận việc đảng Cộng Hòa đề cử ông là ứng viên tổng thống trong ngày cuối cùng của Đại Hội đảng.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm, từ Nhà Trắng, tuyên bố chấp nhận tái ứng cử. Điều này đã làm dấy lên tranh cãi.
Chính thức trở thành ứng cử viên cho cuộc bầu cử ngày 03/11 tới đây, ông Trump lại tranh thủ cơ hội nhắc nhở cử tri phải bầu cho ông nếu không muốn đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn.
Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ Eric de Salve tường thuật :
« Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử chúng ta, cuộc chọn lựa giữa 2 nước Mỹ », Donald Trump dõng dạc tuyên bố. Nước Mỹ của ông là một đất nước trật tự, đối lập với bên kia là một nước Mỹ hỗn loạn của đảng Dân Chủ, rơi vào tay của Joe Biden 77 tuổi, mà theo ông Trump chỉ là một con rối của phe cực tả.
Ông nói : « Biden là con ngựa thành Troie của chủ nghĩa xã hội. Biden là một người yếu đuối. Ông ta nhận lệnh của phe tả khuynh dối trá đưa các thành phố của họ vào sự tàn phá trong lúc họ vẫn sống cách xa nơi bị tàn phá. Và khi tôi hỏi ông ta có muốn cắt nguồn tài chính cho cảnh sát thì ông ta trả lời “chắc chắn là cắt” ».
Trong thực tế, Joe Biden đã nói hoàn toàn ngược lại. Nhưng đối với ông Trump, trò diễn chính trị quan trọng hơn là nói đúng sự thật, một bài diễn văn kéo dài 1 tiếng và 10 phút đồng hồ trước 1.500 người…
Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ nhận đề cử tại Nhà Trắng, một nơi đã được « tư nhân hóa » để phục vụ đảng Cộng Hòa sau 4 ngày đại hội chỉ nhằm vinh danh Donald Trump, kết thúc với một ca sĩ opera và màn pháo hoa ghi lên bầu trời Washington khẩu hiệu « Trump 2020 ».
TT Trump cảnh báo một nước Mỹ ‘vô pháp và nguy hiểm’
nếu Joe Biden thắng cử
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden phản pháo những lập luận trong bài diễn văn nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump: “Hãy nhớ: mỗi một ví dụ về tình trạng bạo lực mà Donald Trump lên án đều xảy ra dưới quyền của ông ta. Dưới sự lãnh đạo của ông ta. Trong nhiệm quyền tổng thống của ông ta.”
Tổng thống Trump kết thúc bài diễn văn của mình tại Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc: “Vào ngày 3 tháng 11, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào hơn và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn bao giờ hết.”
“Chúng ta phải từ bỏ mãi mãi giai cấp chính trị thất bại này. Thực tế là, tôi ở đây,” Tổng thống Trump nói, chỉ vào Nhà Trắng “Thực tế là, chúng ta ở đây và họ không ở đây.”
Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa sắp kết thúc
Hai tuần đại hội của hai đảng chính ở Mỹ đề cử ứng viên Tổng thống của cả hai phía Cộng hoà và Dân chủ kết thúc tối 27/8 khi Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn nhận đề cử tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà.
Trong số các diễn giả phát biểu tối 27/8 còn có lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện là thượng nghị sĩ Mitch McConnell và con gái Tổng thống, cô Ivanka Trump.
Giữa bối cảnh bất ổn về sắc tộc đang diễn ra tại Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence tối 26/8 nói với cử tri toàn quốc rằng ‘quý vị không thể an toàn’ trong một nước Mỹ do Joe Biden lãnh đạo khi ông đả kích ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ là một đối tác sẵn sàng của những ai muốn cắt giảm ngân sách cho cảnh sát.
“Joe Biden bảo nước Mỹ kỳ thị một cách có hệ thống” và rằng “lực lượng thực thi luật pháp ở Mỹ ‘thiên vị rõ ràng’ chống lại thành phần thiểu số, nhưng khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cắt giảm ngân quỹ cho lực lượng chấp pháp không, ông ấy đáp ‘Vâng, dĩ nhiên,” Phó Tổng thống Pence phát biểu trong đêm thứ ba của đại hội Đảng Cộng hoà.
“Sự thật phũ phàng là…quý vị không thể an toàn trong một nước Mỹ của Joe Biden,” ông Pence nói.
Tổng thống Trump và các ủng hộ viên tố cáo ông Biden ủng hộ lời kêu gọi từ những nhà hoạt động cấp tiến và những nhà hoạt động thuộc phong trào ‘Mạng sống người da đen quan trọng’ đòi cắt ngân quỹ các sở cảnh sát địa phương, điều mà ông Biden phủ nhận. Nhưng ông Pence không sai khi nói rằng ông Biden và người đứng phó là thượng nghị sĩ Kamala Harris cởi mở trong việc bớt ngân quỹ cho cảnh sát và dùng khoản tiền đó cho các tổ chức cộng đồng hỗ trợ phòng chống tội phạm.
Phó quản lý chiến dịch tranh cử của ông Biden, Kate Bedingfield, tố cáo bài diễn văn của Phó Tổng thống Pence nhằm mục đích ‘chia rẽ chúng ta hơn nữa’ mà không đề cập tới ‘con virus đang giết chết hàng ngàn người Mỹ mỗi tuần.’
Đề cử
Ông Pence đã chính thức chấp nhận đề cử tiếp tục nhiệm kỳ hai trong cương vị Phó Tổng thống nếu Tổng thống Trump tái đắc cử vào ngày 3/11.
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence cùng nhiều diễn giả tại đại hội Đảng Cộng hoà khắc hoạ chân dung một chính quyền ủng hộ mạnh mẽ việc thực thi luật pháp, chống lại các cuộc biểu tình bạo động đòi công lý sắc tộc vốn nổ ra từ cái chết hôm 25/5 của một người da đen tên George Floyd ở bang Minnesota trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế.
Ông Pence tuyên bố “Bạo động phải chấm dứt, cho dù ở Minneapolis, Portland hay Kenosha,” và rằng chính quyền Trump sẽ đảm bảo ‘luật lệ và trật tự’ cho mọi công dân.
Trong bài diễn văn, ông Pence khẳng định “Tổng thống Trump và tôi biết những người nam nữ khoác lên mình đồng phục của lực lượng thực thi luật pháp là những người tốt nhất trong chúng ta. Mạng sống của họ gặp hiểm nguy hàng ngày.”
“Người dân Mỹ hiểu rằng họ không phải lựa chọn giữa việc ủng hộ thực thi luật pháp với việc đứng về phía những láng giềng người Mỹ gốc Phi để cải thiện chất lượng cuộc sống trong các thành phố và thị trấn của chúng ta. Từ những ngày đầu của chính quyền này, chúng ta đã làm cả hai. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm cả hai việc này trong bốn năm nữa tại Toà Bạch Ốc.”
Nhân bài phát biểu trong đại hội Đảng Cộng hoà, bà Kellyanne Conway, một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump, người sắp rời Toà Bạch Ốc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, mô tả Tổng thống Trump là người ‘chọn những cuộc chiến cam go nhất và sẽ đứng lên vì quý vị.’
Trong 4 thập niên gần đây, chỉ có hai Tổng thống không tái đắc cử sau nhiệm kỳ đầu là ông Jimmy Carter, năm 1980, và ông George H.W. Bush, năm 1992.
Một cử tri Mỹ gốc Việt được Melania Trump ‘cảm hóa’
TS Phạm Đỗ Chí
Tôi không ngạc nhiên gì khi đọc tin vui gửi đến sau kỳ họp DNC 2020 của đảng Dân Chủ, là thăm dò polls sau cùng đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc làm của TT Trump nhảy vọt lên 52%, và ông đã ghi thêm điểm trong tất cả các nhóm thiểu số, Black, Latin, và Asian.
Đó là chưa kể đến tác dụng của kỳ họp RNC 2020 của Đảng Cộng hòa bước sang ngày thứ Ba hôm nay, là ngày 26/8/20.
Và nhất là vào cuối ngày họp hai hôm qua, tôi đã ngồi nghe trọn bài diễn văn của bà Melania Trump. Tôi dùng chữ bị “cảm hoá” vì tôi thực sự xúc động và cảm kích; vì nếu là người ủng hộ đảng Dân chủ tôi cũng sẽ bầu cho ông Trump lần tới; và vì nếu là người ủng hộ CH tôi sẽ tự tin hơn vào hy vọng tái cử của Ông.
Bà nói nhiều điều thấm thía, và tôi xin lỗi bạn, vì không nhớ hết nên không thể kể hết.
Câu nói đập mạnh nhất vào sự chú ý của tôi là “tất cả chúng ta nên nhìn lại mọi thứ, từ đầy đủ mọi khía cạnh của nó”.
Melania đã không tìm cách tung hô về chính sách của chồng bà, hay chính cá nhân Tổng thống Trump, và không hề chỉ trích Đảng Dân chủ.
Nhưng bà đã chân tình kêu gọi là dù ông Trump bị nhiều người chỉ trích, bị báo chí dòng chính tìm mọi cách vùi dập, khó ai có thể phủ nhận ông là người yêu nước cực kỳ và đã làm việc ngày đêm nhiệt tình cho đất nước. Ông có thể hay phát ngôn hay viết tuýt về mọi thứ, bạn có thể không thích hay không đồng ý với ông, nhưng ưu điểm là mọi người “biết ông thực sự nghĩ gì”, không dối trá xảo quyệt như đa số các nhà chính trị lão làng của Washington DC!
Melania cũng nhận ra nỗi khổ đau của sự lây nhiễm và tử vong do bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội gây ra, bà không phủ nhận nó hay nói phớt qua cho có lệ. Nhưng bà kêu gọi nhìn về phía trước, tìm cách chữa bệnh hay đợi thuốc vaccine như chính phủ đang cố làm, và hy vọng một tương lai gần tươi sáng hơn.
Đồng thời với bệnh đại dịch trên, Melania nhận ra tác động của nó trong việc gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng hiện nay như biểu tình bạo loạn, và phân hoá chia rẽ chủng tộc.
Nhưng thay vì kết án phe này hay bênh phe kia như một nhà chính trị, bà đã ôn tồn và chân tình kêu gọi mọi người điềm tĩnh hơn, tìm lại tình đoàn kết quốc gia là điều cần thiết bây giờ. Thay vì biểu tình hay cướp bóc, hãy tìm trong đó một giải pháp để mở cửa nền kinh tế ra khỏi “lockdown” và cho mọi người sẽ có công ăn việc làm trở lại. Và bình yên trong mọi khu phố mới là hạnh phúc đích thực cho đất nước có thể thành tuyệt vời này!
Melania không là một chuyên viên nên không đá động gì đến chuyện kinh tế, bà chỉ nói lên tâm tình một phụ nữ với mối lo cho trẻ con không bị nghiện ngập. Bà tỏ ra độc lập với những gì chồng bà theo đuổi. Bà chỉ khiêm nhường nói rằng nếu mọi người tín nhiệm cho ông Trump tái đắc cử, bà sẽ tiếp tục các công việc xã hội của một Đệ Nhất Phu Nhân trong vòng 4 năm tới sau bầu cử.
Giấc mơ khiêm tốn đó của Melania có thực hiện được hay không là do lá phiếu của bạn, của tôi và của trên 200 triệu cử tri khác.
Nhưng có lẽ Melania chưa biết tin là các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy uy tín Tổng thống Trump đang tăng nhanh, và bài diễn văn của bà sẽ tiếp tục củng cố uy tín đó và thu hút sự ủng hộ của rất nhiều phụ nữ khác, bất kể màu da hay giai tầng xã hội, vì họ cảm kích trước chân tình của Bà và lòng hy sinh yêu nước Mỹ nhiệt tình của chồng bà.
Ngoài xa hơn ở vòng ngoài Vườn Hồng của Toà Bạch Ốc, vào buổi sáng hôm sau, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục ghi những kỷ lục mới, chứng nhận tín nhiệm của cả nước nhìn về trước mặt , hướng đến bầu cử và nền kinh tế hy vọng sẽ phục hồi sớm vào cuối năm nay và sang đến 2021.
Chắc Melania cũng không nhớ chi tiết này trong lịch sử chứng khoán Mỹ, là khi chứng khoán tăng trước bầu cử, người Tổng Thống đương nhiệm sẽ ngồi lại thêm 4 năm nữa.
Và như vậy, ngoài nghị trình chính sách của TT Trump đã được công bố rất chi tiết – khác với chương trình chung chung của người đối lập, Melania có thể tự tin vào khả năng tiếp tục các nhiệm vụ xã hội của Bà cho quyền phụ nữ và cho các trẻ em trong 4 năm nữa.
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: Vietnamese@bbc.co.uk
Biden đãng trí khi tuyên bố ‘không có
bạo loạn chủng tộc hay Vệ binh Quốc gia’ dưới thời Obama
Hôm 27/8, Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã cáo buộc Tổng thống Trump là một phần của các vấn đề: bạo lực, bất ổn và căng thẳng chủng tộc vẫn phổ biến trên khắp đất nước, đối lập hoàn toàn với nhiệm kỳ của ông Obama
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đã phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware vào ngày 20/8/2020. (Ảnh qua Financial Times)
Trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC, cựu phó tổng thống Biden đã so sánh tình trạng của đất nước trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhưng dường như bỏ qua nhiều sự kiện lớn diễn ra trong chính quyền Obama.
“Chúng tôi không có bạo động, bạo loạn chủng tộc. Khi chúng xảy ra, chúng tôi không phải gọi Vệ binh Quốc gia,” Ông nói về nhiệm kỳ thứ hai của mình với Obama.
Tuy nhiên, Biden dường như đã bỏ qua các cuộc biểu tình bạo lực và bất ổn nổi tiếng trên khắp đất nước , bao gồm cả vụ ở thành phố Ferguson, tiểu bang Missouri, sau khi một cảnh sát bắn chết một công dân da màu tên là Michael Brown vào năm 2014. Lúc đó, bạo lực đã tràn qua vùng ngoại ô thành phố St. Louis, Thống đốc Jay Nixon thực sự đã phải gọi Vệ binh Quốc gia.
“Đêm nay, một ngày của hy vọng, những lời cầu nguyện và các cuộc biểu tình ôn hòa đã bị hủy hoại bởi các hành động tội phạm bạo lực của một số lượng lớn các cá nhân có tổ chức và ngày càng tăng, nhiều người từ bên ngoài cộng đồng và tiểu bang, những người có hành động đang khiến cư dân và doanh nghiệp của Ferguson gặp nguy hiểm. Tôi đang chỉ đạo những người đàn ông và phụ nữ có năng lực cao của Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Missouri hỗ trợ … trong việc khôi phục hòa bình và trật tự cho cộng đồng này,” Nixon cho biết trong một tuyên bố vào tháng 8/2014.
Tháng 11 năm đó, hình ảnh Vệ binh Quốc gia lại được đăng tải trong thời gian bạo lực bùng phát sau khi đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu không kết tội Sĩ quan Darren Wilson về cái chết của Brown. Sau quyết định, các cuộc biểu tình bạo lực cũng nổ ra ở thành phố Oakland, nơi hàng chục người bị bắt.
Sau đó vào tháng 4/2015, thành phố Baltimore đã trải qua những đêm bạo loạn, cướp bóc và đốt phá sau cái chết của Freddie Gray, 25 tuổi, trong khi bị cảnh sát giam giữ. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Maryland được triệu tập, lần đầu tiên gây rối dân sự ở bang này kể từ năm 1968. Lệnh giới nghiêm hàng đêm được áp dụng, và hơn 200 người đã bị bắt.
Và vào tháng 9/2016, các cuộc biểu tình ở thành phố Charlotte, N.C., liên quan đến cái chết của Keith Lamont Scott, 43 tuổi, đã trở nên bạo lực. Thống đốc bang North Carolina – Pat McCrory đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và gọi Vệ binh Quốc gia sau khi cảnh sát trưởng Charlotte nói rằng ông cần sự giúp đỡ.
Biden đã đưa ra nhận xét của mình để đáp lại các trích đoạn được báo cáo của bài diễn văn mà Tổng thống Trump tuyên bố tại Đại hội Quốc gia của Đảng Cộng hòa vào tối 27/8.
Tổng thống Trump phát biểu: “Chúng tôi đã dành 4 năm qua để đảo ngược những thiệt hại mà Joe Biden gây ra trong 47 năm qua. Tại đại hội của Đảng Dân chủ, bạn hầu như không nghe thấy một lời nào về chương trình nghị sự của họ. Nhưng đó không phải là vì họ không có. Đó là bởi vì chương trình nghị sự của họ là một bộ đề xuất cực đoan nhất từng được đưa ra bởi một ứng cử viên của một đảng lớn.”
Thiện Thành (Theo Fox News)
Cách tiếp cận Trung Quốc
của 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ khác nhau thế nào?
Bình luậnNguyễn Minh
Tuy trong bài trình bày về chương trình nghị sự tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ của 2 bên đều thể hiện sự cứng rắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng các động thái và bình luận trước đây đối với Trung Quốc cho thấy một bức tranh tương phản rõ ràng.
Chiến dịch của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump nhìn nhận Trung Quốc qua các lăng kính rất khác nhau.
Chương trình nghị sự nhiệm kỳ thứ 2 trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump bao gồm một phần cụ thể có tiêu đề “Chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc”, trong đó liệt kê một số mục tiêu chính như thu hút sản xuất của các công ty Mỹ tại Trung Quốc trở về Mỹ, và buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc xử lý yếu kém đối với sự bùng phát của virus Vũ Hán…
Chiến dịch của ông Biden nhiều lần đề cập đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc theo kế hoạch “Sản xuất tất cả tại nước Mỹ”, bao gồm các mục tiêu như khôi phục chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách thực hiện “các hành động thực thi thương mại tích cực”.
Người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc nói chung là tồi tệ, đặc biệt là kể từ khi căn bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu do virus Vũ Hán gây ra. Một cuộc khảo sát của Pew Research vào tháng Bảy cho thấy, 73% người trưởng thành Hoa Kỳ có quan điểm bất lợi về Trung Quốc – tăng 26% so với năm 2018. Các tác giả viết trong báo cáo khảo sát rằng, nhiều người nhận định Trung Quốc đã xử lý sai đợt bùng phát ban đầu và sự lây lan sau đó của COVID-19.
Quan điểm của ứng cử viên Biden về Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden nhiều lần hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc. Vào tháng 5/2019 tại Iowa, ông Biden nói: “Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của chúng ta? Thôi nào anh bạn. Ý tôi là, mọi người biết đấy, họ không phải là những người xấu. Nhưng đoán xem, họ không phải là đối thủ cạnh tranh với chúng ta”.
Ông Biden, với tư cách là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001; điều này đã mang lại cho Trung Quốc mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ.
Trong một cuộc trò chuyện với các thành viên công đoàn vào tháng 5/2019, ông Biden nói: “Chúng ta có những công nhân làm việc hiệu quả nhất trên thế giới – năng suất gấp 3 lần so với những công nhân ở châu Á”.
Ông Biden cũng phản đối kịch liệt lệnh cấm đi lại đối với Trung Quốc mà Tổng thống Trump đã ban hành vào tháng Một nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán.
Vào tháng Ba, ông Biden nói: “Đây không phải là thời điểm để ghi lại sự điên rồ, bài ngoại, và sự sợ hãi của [Tổng thống] Donald Trump”. Sau đó, ông đã phải thay đổi hoàn toàn ngược lại quan điểm của mình về lệnh cấm.
Mối quan hệ của ông Biden với người đứng đầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình ngày càng sâu sắc hơn. Hai lãnh đạo cấp cao này quen biết nhau khi ông Biden là Phó tổng thống. Vào năm 2015, ông Biden lưu ý rằng ông và ông Tập “đã có vô số cuộc thảo luận riêng tư vượt ra ngoài những chủ đề nói chuyện thông thường”.
“Tôi đã nói với ông [Tập] điều này sau nhiều cuộc họp của chúng tôi — rằng tôi đã hết sức ấn tượng với sự dũng cảm, quyết tâm và năng lực của ông ấy để điều hành những gì ông ấy được thừa hưởng”.
Tại một hội nghị bàn tròn năm 2011 ở Bắc Kinh, ông Biden nói: “Tổng thống Obama và tôi, chúng tôi hoan nghênh, khuyến khích và không thấy gì ngoài những lợi ích tích cực từ đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ của các doanh nghiệp và các thực thể Trung Quốc”.
Các quan chức tình báo Mỹ gần đây kết luận rằng Bắc Kinh hy vọng Tổng thống Trump thua cuộc. Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ William Evanina cho biết họ “đánh giá rằng Trung Quốc hy vọng Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là không thể đoán trước – sẽ không tái đắc cử [nhiệm kỳ thứ 2]”.
Quan điểm của Tổng thống Trump về Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ đối đầu với ĐCSTQ liên quan đến các hoạt động kinh tế không công bằng tại Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện phương pháp tiếp cận an ninh quốc gia “toàn chính phủ” để chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Hoa Kỳ, một nỗ lực quy mô lớn chưa từng có từ các chính quyền Hoa Kỳ trước đây.
Tổng thống Trump đã nhiều lần trừng phạt các quan chức ĐCSTQ, bao gồm những người ủng hộ luật an ninh quốc gia độc tài mà Bắc Kinh áp dụng tại Hong Kong và các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số khác của ĐCSTQ.
Một số công ty được ĐCSTQ hậu thuẫn cũng đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền.
Vào tháng Một, Tổng thống Trump đã ký Thỏa thuận Thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc. Nhưng vào tháng Bảy, ông nói rằng mối quan hệ đã bị “tổn hại nghiêm trọng” và tương lai của thỏa thuận giai đoạn hai rất mỏng manh. Ông Trump cũng cho biết “sự tách rời hoàn toàn” khỏi Trung Quốc vẫn là một lựa chọn của Hoa Kỳ.
Dưới thời Tổng thống Trump, các vụ bắt giữ gián điệp Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Dưới thời ông Obama, trong suốt 4 năm, không một người nào bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc, trong khi chính quyền Tổng thống Trump đã truy tố 4 người bị cáo buộc làm gián điệp chỉ trong năm 2017.
Giám đốc FBI Hoa Kỳ Christopher Wray gần đây đã tiết lộ rằng, cơ quan này hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra truy vết tới các vi phạm của ĐCSTQ, đánh dấu sự gia tăng khoảng 1.300% các cuộc điều tra gián điệp kinh tế có liên quan đến ĐCSTQ.
Ông cho biết văn phòng FBI sẽ mở “một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc sau mỗi 10 tiếng”.
Các hành động đáng chú ý khác của chính quyền Tổng thống Trump trong nỗ lực chống lại ĐCSTQ bao gồm chấm dứt mối quan hệ đặc biệt của Hoa Kỳ với Hong Kong, đẩy lùi các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Hoa Kỳ- Trung Quốc:
Căng thẳng thương mại, quân sự leo thang
Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục ‘lời qua tiếng lại’ giữa lúc căng thẳng quân sự tăng cao. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ “không nhượng một inch” tại khu vực Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc nói Washigton đang đặt cược với tính mạng của binh lính.
Hai bên đối đầu nhau về nhiều vấn đề, từ công nghệ và nhân quyền, tới các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, bên này tố cáo bên kia là có hành vi khiêu khích.
Trong động thái mới nhất của Mỹ chống Trung Quốc trước cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 11 năm nay, Washington hôm thứ Tư 26/8 ghi vào sổ đen 24 công ty Trung Quốc và nhắm vào một số cá nhân có liên quan trong các hoạt động xây dựng hay quân sự trên Biển Đông.
Từ Hawaii, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Bắc Kinh đang vận dụng một chương trình hiện đại hóa quân sự hung hăng trong một nỗ lực nhằm phóng đi sức mạnh quân sự trên toàn cầu.
“Để đẩy mạnh nghị trình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân đội Nhân dân Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một kế hoạch hiện đại hóa nhằm xây dựng một lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này”, ông Esper nói, “kế hoạch này chắc chắn bao gồm thái độ khiêu khiach1 tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và bất cứ nơi nào mà nhà cầm quyền Trung Quốc cho là thiết yếu cho các lợi ích của họ.
Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn hy vọng có thể tiếp tục hợp tác với Công hòa Nhân dân Trung Hoa để họ trở lại con đường phù hợp hơn với một thế giới dựa trên pháp quyền,” ông Esper nói thêm.
Phát biểu trước một chuyến công du tới khu vực, ông Esper mô tả khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương là tâm điểm của “một cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc”.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố:
“Chúng tôi sẽ không nhượng lại khu vực này, dù chỉ một tấc đất, cho một nước khác, bất cứ nước nào khác nghĩ rằng chế độ chính trị của họ, quan điểm của họ về nhân quyền, về chủ quyền quốc gia, về tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tất cả những điều đó, theo cách nào đó có thể tốt hơn so với những giá trị mà rất nhiều người trong chúng ta chia sẻ.”
Từ Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tấn công “một số chính khách Mỹ mưu toan phá hoại các quan hệ quân sự Mỹ-Trung trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào tháng 11 nhằm ‘thăng tiến các quyền lợi ích kỷ của họ,’ và ngay cả tìm cách khiêu khích một cuộc đối đầu quân sự.
“Cách hành xử đó đặt tính mạng của các sĩ quan và binh sĩ của cả hai bên trước nguy cơ.” Người phát ngôn Wu Quan nới với các nhà báo tại một cuộc họp báo hàng tháng hôm thứ Năm 27/8.
“Trung Quốc không sợ ‘khiêu khích hay áp lực’ từ Hoa Kỳ, và sẽ cương quyêt tự bảo vệ, không cho phép Hoa Kỳ gây rắc rối”, ông Wu nói.
Hôm thứ Tư, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng Trung Quốc đã phóng đi 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông, rơi xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.
Ngày hôm sau, Ngũ Giác Đài bày tỏ quan tâm về các cuộc tập trận của Trung Quốc mới đây, kể cả vụ bắn 4 tên lửa đạn đạo.
“Tiến hành các cuộc tập trận trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng, cản trở việc xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định”. Ngũ Giác Đài viết trong một tuyên bố.
Tuyên bố này nói thêm rằng quân đội Mỹ đã nói với nhà cầm quyền Trung Quốc hồi tháng 7 rằng Washington sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, và trông đợi Công hòa Nhân dân Trung hoa giảm quân sự hóa, và đe nẹt các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ đề nghị Trung Quốc
ngừng mọi hoạt động đánh bắt cá phi pháp
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/8 đã kêu gọi Trung Quốc ngừng mọi hoạt động đánh bắt cá phi pháp gần quần đảo Galapagos, Ecuador.
Tờ Fox News dẫn lời ngoại trưởng Pompeo cho biết các báo cáo gần đây về hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi quần đảo Galapagos là rất đáng lo ngại.
“Báo cáo về việc hơn 300 tàu Trung Quốc gần Galapagos vô hiệu hóa hệ thống theo dõi, thay đổi tên tàu và để lại rác thải trên biển đang gây quan ngại sâu sắc. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi CHND Trung Hoa minh bạch và thực thi chính sách không khoan nhượng của mình đối với việc đánh bắt cá bất hợp pháp”, ông Pompeo viết trên Twitter.
Ông Pompeo đưa ra tuyên bố trên sau khi Ecuador nâng cao cảnh báo về sự xuất hiện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt gần vùng biển được bảo vệ ngoài khơi khu bảo tồn biển Galapagos.
Trước đó đầu tháng này, ông Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc săn bắt bất hợp pháp cá mập để lấy vây và đánh bắt bất hợp pháp các loài được bảo vệ khác. Nhưng dưới áp lực của chính phủ Ecuador, đại sứ quán Trung Quốc tại Eduardo đã công bố chính sách “không khoan nhượng” đối với các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và thắt chặt các quy định đánh bắt đối với hải đội 340 ngoài khơi Ecuador, theo The Guardian.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc năm 2020, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 15% sản lượng đánh bắt hàng năm của toàn cầu. Tuy nhiên do báo cáo thiếu minh bạch và các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, người ta vẫn chưa biết sản lượng đánh bắt hàng năm thực sự của họ là bao nhiêu.
Một báo cáo do Science Advances công bố vào cuối tháng trước cho thấy hơn 900 tàu Trung Quốc trong năm 2017 và hơn 700 tàu trong năm 2018 đã đánh bắt trái phép trong vùng biển của Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
“Quy mô của hạm đội tham gia vào hoạt động đánh bắt bất hợp pháp này bằng 1/3 quy mô toàn bộ đội đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Đây là trường hợp đánh bắt bất hợp pháp lớn nhất được biết đến bởi các tàu xuất phát từ một quốc gia hoạt động trong vùng biển của quốc gia khác”, nhà khoa học dữ liệu cấp cao tại Global Fishing Watch, Jaeyoon Park, cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố đã thắt chặt các quy định về đánh bắt cá trái phép, nhưng Tư lệnh Hải quân Ecuador, Chuẩn Đô đốc Darwin Jarrin, cho biết 149 trong tổng số 325 tàu vẫn đánh bắt ở Galapagos đã tắt định vị nhiều lần nhằm ngăn chặn lực lượng sở tại theo dõi hoạt động, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin nói: “Đó là một sự vi phạm (giao thức) trên biển cả, vì họ không muốn chúng tôi biết họ đang làm gì và thực hiện hoạt động nào”.
Thùy Linh (Theo Fox News)
https://tinhhoa.net/ngoai-truong-my-de-nghi-trung-quoc-ngung-moi-hoat-dong-danh-bat-ca-phi-phap.html
Các quan chức Hoa Kỳ chặn đứng kế hoạch bán dầu
cho Trung Quốc của Iran
Một công dân New York và 3 công dân Texas đã bị truy tố với nhiều tội danh liên quan đến việc bán xăng dầu đang chịu lệnh trừng phạt của Iran cho một công ty lọc dầu Trung Quốc.
Nicolas Hovan, 34 tuổi, ở New York; Wang Zhenyu, 39 tuổi và Robert Thwaites, 30 tuổi, đều đến từ Dallas; cùng Daniel Ray Lane, 39 tuổi, ở McKinney, Texas, bị truy tố về tội âm mưu, vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), và rửa tiền, theo một tuyên bố ngày 26 tháng 8 từ Bộ Tư pháp (DOJ).
Vụ án hình sự cung cấp một cái nhìn bao quát về cách Iran có thể tiếp tục lách các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và bán dầu cho các quốc gia như Trung Quốc.
Theo tài liệu của tòa án, bốn bị cáo âm mưu dùng Philadelphia và những nơi khác để dàn xếp việc mua dầu của Iran và bán cho một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 2 năm 2019.
Nhà máy lọc dầu này đứng tên Wang, một công dân Trung Quốc còn được biết đến với tên Billy Wang.
Trong khi đó, các quan chức cho biết, Lane đề nghị rửa tiền các giao dịch thông qua công ty của mình, Stack Royalties. Công ty này có trụ sở tại Dallas và bán quyền khai thác dầu khí cho các quỹ đầu tư, nhóm cổ phần tư nhân, công ty dầu mỏ và các nhà đầu tư cá nhân, theo trang web của Stack. Lane là chủ tịch của công ty.
Bốn bị cáo cũng âm mưu rửa tiền từ việc bán dầu thông qua các tổ chức trá hình và các tài khoản đầu tư nước ngoài. Họ đã tìm cách hối lộ một quan chức Trung Quốc giấu tên và lấy được hộ chiếu Antiguan để mở tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ nhằm rửa số tiền thu được.
Các bị cáo cũng dự định xuất 2 chuyến hàng dầu mỗi tháng, với lợi nhuận hàng tháng dự kiến khoảng 28 triệu USD.
Các bị cáo đã bị bắt vào tháng 2, theo DOJ. Người thứ 5 bị bắt vì liên quan đến âm mưu này là Nicholas James Fuchs, 26 tuổi, ở Dallas, vẫn chưa bị truy tố chính thức.
“Các cá nhân này bị cáo buộc đã gây nguy hiểm cho sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ bằng cách âm mưu thông đồng với Iran và Trung Quốc”, Luật sư Hoa Kỳ của Quận phía Đông Pennsylvania William M. McSwain cho biết trong tuyên bố của DOJ.
Mỗi bị cáo phải đối mặt với mức án tối đa là 45 năm tù và khoản tiền phạt là 1,75 triệu USD.
Vào tháng 5 năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được ký kết năm 2015 dưới thời chính quyền Obama. Ông Trump sau đó đã thực thi quyền lực do một số luật pháp của Hoa Kỳ cấp cho ông, bao gồm IEEPA, để áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Iran.
Các biện pháp trừng phạt, nhắm vào một số lĩnh vực công nghiệp của Iran, bao gồm năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, có hiệu lực từ tháng 11 năm 2018. Vào thời điểm đó, 8 quốc gia đã được miễn trừ lệnh trừng phạt dầu tạm thời nhưng đã hết hạn vào tháng 5 năm 2019.
Vào tháng 6 năm 2019, một tháng sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt dầu mỏ của Hoa Kỳ đối với Iran kết thúc, Financial Times cho biết, một tàu chở đầy dầu của Iran đã cập cảng Trung Quốc, trích dẫn dữ liệu từ TankerTrackers.com.
Theo thông tin Reuters trích dẫn từ nghiên cứu của ba công ty dữ liệu, Trung Quốc bị cáo buộc đã nhập khẩu từ 4,4 triệu đến 11 triệu thùng dầu thô của Iran vào tháng 7 năm 2019. Các quan chức cấp cao của chính quyền Trump ước tính rằng 50-70% lượng dầu xuất khẩu của Iran đã đến Trung Quốc, trong khi khoảng 30% tuồn sang Syria.
Vào ngày 3 tháng 8, trang tin năng lượng OilPrice báo cáo rằng Trung Quốc đã nhập khẩu ít nhất 8,1 triệu thùng dầu thô từ Iran trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 21 tháng 7, theo một nguồn tin giấu tên có quan hệ chặt chẽ với Bộ Dầu mỏ Iran.
Trước đây chính quyền Trung Quốc luôn cho rằng việc hợp tác của họ với Iran là hợp pháp và chỉ trích Hoa Kỳ về việc trừng phạt các thực thể Trung Quốc bị nghi ngờ chuyển dầu cho Iran.
Tác giả: Frank Fang
Biên dịch: Anh Thơ
Walmart cùng Microsoft đấu thầu mua Tiktok
sau khi Giám đốc điều hành Tiktok rời đi
Walmart cho biết họ đang hợp tác với Microsoft trong một cuộc đấu thầu tài sản tại Hoa Kỳ của công ty truyền thông xã hội TikTok. Họ tiết lộ kế hoạch này chỉ vài giờ sau khi giám đốc điều hành của TikTok cho biết sẽ từ chức.
Giữa lúc diễn ra cuộc đàm phán để bán lại các hoạt động tại Hoa Kỳ của ứng dụng TikTok cho công ty Microsoft Corp hoặc Oracle Corp, Giám đốc điều hành Kevin Mayer, một cựu giám đốc điều hành cấp cao của Disney, tuyên bố sẽ rời đi sau ba tháng gia nhập TikTok.
Việc bán TikTok diễn ra khi công ty này bị chính quyền tổng thống Trump cáo buộc là đe dọa an ninh quốc gia. Ứng dụng này đang thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dùng Hoa Kỳ.
Chính quyền tổng thống Trump đã yêu cầu công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, công ty sở hữu TikTok trên toàn cầu, bán lại các cơ sở hoạt động của nó tại Hoa Kỳ. Đầu tuần này, TikTok cũng đã đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang California về lệnh cấm của ông Trump đối với TikTok ở Mỹ, chỉ đích danh ông Trump và các cơ quan chính phủ là bị đơn.
Walmart ca ngợi khả năng tích hợp thương mại điện tử và quảng cáo của TikTok ở các thị trường khác và nói rằng quan hệ đối tác ba bên có thể mang lại sự tích hợp đó cho Hoa Kỳ. Thỏa thuận này sẽ giúp Walmart tiếp cận khách hàng trên các kênh bán hàng “online và offline”, đồng thời phát triển thị phần trực tuyến và hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình. Cổ phiếu của Walmart đã tăng gần 6% vào ngày 27 tháng 8.
Walmart cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác giữa Walmart và Microsoft sẽ đáp ứng cả mong đợi của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ, đồng thời đáp ứng mối quan tâm của các nhà quản lý chính phủ Hoa Kỳ”.
Mayer đã từng là giám đốc điều hành phát trực tuyến hàng đầu của Walt Disney Co. trước khi trở thành giám đốc điều hành của TikTok và giám đốc điều hành của công ty mẹ ByteDance vào ngày 1 tháng 6.
Những thách thức
Giữa lúc Washington và Bắc Kinh ngày càng mất lòng tin, chính quyền Hoa Kỳ cho rằng TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia và có thể chia sẻ thông tin về người dùng với chính quyền Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với TikTok vào ngày 6 tháng 8, lệnh này chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 9. Ông cũng ban hành thêm một lệnh riêng khoảng một tuần sau đó, cho phép ByteDance 90 ngày để gỡ bỏ các hoạt động và dữ liệu của TikTok tại Hoa Kỳ.
Tại Ấn Độ, TikTok cũng là một mục tiêu bị để ý. TikTok là một trong 59 ứng dụng Trung Quốc bị chính phủ Ấn Độ cấm vào tháng 6 sau cuộc đụng độ biên giới Trung – Ấn.
Trong tháng đó, Mayer đã viết thư cho chính phủ Ấn Độ nói rằng chế độ Trung Cộng chưa bao giờ yêu cầu dữ liệu người dùng, và TikTok sẽ không chuyển dữ liệu đó nếu được yêu cầu.
TikTok đã trở thành một cơn sốt trên toàn cầu kể từ khi ByteDance ra mắt ứng dụng vào năm 2017, với các hoạt động ở các quốc gia như Pháp, Hàn Quốc, Indonesia, Nga và Brazil. Vào tháng 4, ứng dụng đạt 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu.
Một bất ngờ nhỏ
Mayer đã được lên kế hoạch rời TikTok như một phần của thương vụ mua bán, vì ông được tuyển về với vai trò toàn cầu nhưng vị trí này sẽ không còn tồn tại, theo một nguồn tin thông thạo về vấn đề này.
TikTok, trong một tuyên bố gửi qua email, đã xác nhận sự ra đi của Mayer.
Mark Natkin, giám đốc điều hành của Marbridge Consulting ở Bắc Kinh, cho biết sự ra đi của Mayer không phải là “cú hích” cho tinh thần công ty lúc này.
“Cho dù TikTok đạt được thỏa thuận bán doanh nghiệp của mình tại Hoa Kỳ hay quyết định kiện chính quyền Hoa Kỳ ra tòa, vai trò của Mayer sẽ không còn giống như những gì ông ấy mường tượng khi mới tham gia”, Mark Natkin cho biết.
Đồng tác giả: Yingzhi Yang, Kanishka Singh, và Echo Wang
Biên dịch: Anh Thơ
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết nhiều binh sĩ Hoa Kỳ
bị thương trong vụ va chạm với xe của nga ở Syria
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Tư (26/8), các viên chức Hoa Kỳ cho biết trong tuần này, các binh sĩ Hoa Kỳ ở Syria bị thương khi một đội tuần tra quân sự của Nga đâm vào xe của họ, khi Washington lên án sự việc này là vi phạm các giao thức an toàn theo thỏa thuận với Moscow.
Hai viên chức ẩn danh cho biết một số binh sĩ Hoa Kỳ bị các triệu chứng chấn động sau sự việc. Dù các vụ tương tác giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Nga không phải là hiếm, nhưng sự việc này cho thấy nguy cơ binh sĩ của cả hai quốc gia đang hoạt động gần nhau ở miền bắc Syria và khả năng gia tăng căng thẳng nhanh chóng.
Phát ngôn viên John Ullyot của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết sự việc xảy ra vào ngày 25 tháng 8 gần Dayrick, phía đông bắc Syria. Các video trên mạng xã hội cho thấy các xe quân sự của Nga, được hỗ trợ bởi một cặp trực thăng, di chuyển rất gần các xe thiết giáp của Hoa Kỳ. Nguồn gốc của những video này vẫn chưa được xác định.
Quân đội Hoa Kỳ thường không bình luận về thương tích. Tuy nhiên, vào tháng trước, một binh sĩ nhảy dù thiệt mạng trong một vụ tai nạn lật xe ở miền đông Syria. Quân đội Hoa Kỳ cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, trò chuyện với người đồng cấp của Nga vào hôm thứ Tư, nhưng không cung cấp chi tiết về những nội dung được thảo luận.
Khoảng 500 binh sĩ Hoa Kỳ vẫn ở lại miền bắc Syria sau đợt cắt giảm quân số vốn có mặt ở đó để đánh đuổi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo khỏi tất cả các thành trì của họ ở quốc gia này. (BBT)
Thêm 1 triệu người Hoa Kỳ
nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp
Vào tuần trước, ở Hoa Kỳ có hơn 1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, một dấu hiệu cho thấy sự bùng phát của coronavirus tiếp tục đe dọa việc làm ngay cả khi thị trường nhà ở, doanh số bán xe hơi và các phân khúc khác của nền kinh tế phục hồi sau đợt sụp đổ vào mùa xuân.
Vào hôm thứ Năm (27/8), Bộ Lao động báo cáo rằng số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm 98,000 người so với 1.1 triệu người hồi tuần trước đó. Số lượng đơn xin ban đầu vượt quá 1 triệu mỗi tuần, ngoại trừ một tuần kể từ cuối tháng 3, một kỷ lục chưa từng có.
Trước đại dịch coronavirus, số lượng đơn xin chưa bao giờ vượt mức 700,000 trong một tuần. Nhà kinh tế trưởng Rubeela Farooqi tại High Frequency Economics cho biết rằng “rủi ro thiệt hại vĩnh viễn đối với thị trường lao động vẫn cao, điều này sẽ làm chậm tốc độ phục hồi. Việc quay trở lại mức thịnh vượng trước đại dịch được cho là một quá trình bất định và kéo dài”.
Hơn 14.5 triệu người đang nhận trợ cấp thất nghiệp – tăng từ 1.7 triệu người hồi một năm trước – một dấu hiệu cho thấy nhiều gia đình Hoa Kỳ đang phụ thuộc vào tiền thất nghiệp để sinh tồn. Cho đến ngày 31 tháng 7, những người thất nghiệp được nhận thêm 600 mỹ kim tiền liên bang một tuần bên cạnh trợ cấp thất nghiệp thông thường của tiểu bang, một phần của chiến lược cứu trợ đặc biệt được mở rộng để giúp họ vượt qua tình trạng khủng hoảng. Việc mất đi số tiền này đang đè nặng lên nhiều gia đình. (BBT)
United Airlines công bố đợt cắt giảm phi công
lớn nhất trong lịch sử của công ty
Tin từ Chicago – Vào thứ năm (ngày 27 tháng 8), United Airlines cho biết họ đang chuẩn bị cho đợt cắt giảm phi công lớn nhất trong lịch sử của công ty sau khi thông báo về nhu cầu phải cắt giảm 2,850 phi công trong năm nay, tương đương khoảng 21% tổng số phi công của công ty nếu họ không được nhận thêm hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Các hãng hàng không, đang quay cuồng với tác động tàn phá của đại dịch coronavirus đối với ngành du lịch hàng không, đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 25 tỷ mỹ kim để trả lương cho nhân viên cho đến hết tháng Ba.
Đợt viện trợ đầu tiên, đi kèm thỏa thuận cấm các hãng hàng không sa thải nhân viên cho đến ngày 1 tháng 10, sẽ hết hạn vào cuối tháng 9, nhưng các cuộc đàm phán ở Washington đang bị đình trệ do Quốc hội chưa thể để đạt được thỏa thuận về một gói viện trợ coronavirus mới.
Việc cắt giảm phi công theo kế hoạch của United, được công bố trong một bản ghi nhớ cho nhân viên và chia sẻ với các cơ quan truyền thông, sẽ kéo dài từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 30 tháng 11. Nhu cầu cắt giảm phi công của United Airlines cao hơn đáng kể so với Delta Air Lines là 1,900 người và American Airlines là 1,600 người.
Đối mặt với một ngành công nghiệp đang thu hẹp trong những năm tới, các hãng hàng không thường cố gắng giảm thiểu số lượng việc làm buộc phải cắt giảm bằng cách đưa ra các thỏa thuận nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ việc tự nguyện, nhưng một số hãng hàng không có thỏa thuận tốt hơn những hãng khác. Nghiệp đoàn đại diện cho 13,000 phi công của United cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù các hãng hàng không khác đã chọn giảm nhân lực thông qua các thỏa thuận tự nguyện, United lại không có những lựa chọn tương tự cho các phi công và thay vào đó họ buộc phải nghỉ việc tạm thời.
Trước đó United đã khuyến cáo rằng 36,000 việc làm của công ty có thể bị cắt giảm, nhưng vẫn chưa đưa ra con số chi tiết cho các nhóm công việc khác (BBT)
California ký thỏa thuận trị giá 1.4 tỷ Mỹ kim
để tăng cường khả năng xét nghiệm coronavirus
của tiểu bang lên gấp đôi
Thống đốc California Gavin Newsom cho biết tiểu bang đã ký một hợp đồng trị giá lên tới 1.4 tỷ mỹ kim với một công ty nhằm tăng hơn gấp đôi khả năng xét nghiệm coronavirus hàng ngày của tiểu bang.
Hiện tại, trung bình California thực hiện được khoảng 100,000 đợt xét nghiệm mỗi ngày, với tiểu bang phải trả 100 mỹ kim cho mỗi xét nghiệm và người dân sẽ nhận được kết quả từ năm đến bảy ngày làm việc.
Thống đốc Newsom cho biết hợp đồng mới của tiểu bang với PerkinElmer có trụ sở tại Massachusetts sẽ tăng khả năng xét nghiệm của tiểu bang lên 250,000 mỗi ngày vào ngày 1 tháng 3 với mỗi lần xét nghiệm có giá khoảng 31 mỹ kim, với kết quả xét nghiệm sẽ có trong 2 ngày. Hợp đồng ban đầu sẽ tốn của tiểu bang 100 triệu mỹ kim, với số tiền tối đa là 1.4 tỷ mỹ kim. (BBT)
Tập đoàn Johnson & Johnson dự định
thử nghiệm vaccine Covid-19 ở 6 nước Mỹ Latinh
Ngày 26/8, công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) công bố sẽ bổ sung Chile, Argentina và Peru vào danh sách các quốc gia Mỹ Latinh mà họ có kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn III đối với vaccine Covid-19 đang phát triển.
Cuộc thử nghiệm lần này dự kiến có sự tham gia của 60.000 tình nguyện viên đến từ Brazil, Chile, Colombia, Peru, Argentina và Mexico. Toàn bộ quy trình sẽ được điều phối bởi đơn vị dược phẩm Janssen và các trung tâm học thuật địa phương.
Miguel O’Ryan, đại diện tại Đại học Y dược Chile, nơi dự kiến tổ chức thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của J&J, cho biết các thông số vẫn đang được tính toán. Song, nhóm của ông đã chuẩn bị tuyển dụng đến 1.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III do các nhà phát triển vaccine tài trợ.
Ngoài J&J, các hãng dược cũng đang chạy đua thử nghiệm vaccine Covid-19
Cụ thể, Hãng dược Moderna ngày 26/8, thông báo kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 có đáp ứng miễn dịch ở người già, giống với người trẻ. Hãng hy vọng vaccine sẽ hiệu quả với người có nguy cơ mắc biến chứng nặng do virus Vũ Hán.
Moderna chưa tung vaccine Covid-19 ra thị trường, song đã nhận được gần một tỷ USD từ chính phủ Mỹ theo chương trình “Operation Warp Speed”. Công ty đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Chính phủ Mỹ, để cung cấp vaccine.
Còn hãng dược Pfizer tuyển hơn 50% người tham gia thử nghiệm
Tiến sĩ Nicholas Kitchin, nhà nghiên cứu vaccine Pfizer, thông báo hôm 26/8, việc tuyển dụng cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 quan trọng của Hoa Kỳ đối với BNT162b2 của họ đã hoàn thành hơn 50%. Công ty đang đặt mục tiêu tuyển 30.000 cá nhân cho cuộc thử nghiệm.
An Bình tổng hợp
Một số trường học tại quận Cam
mở cửa trở lại sau khi quận này
được ra khỏi danh sách theo dõi COVID-19
Vào thứ tư (26 tháng 8), một số trường học tại Quận Cam đã mở cửa trở lại sau nhiều tháng, với các học sinh dự kiến sẽ được học trực tiếp tại lớp sau khi Quận này được ra khỏi danh sách theo dõi COVID-19 của California. Quận Cam được xóa khỏi danh sách vào Chủ nhật.
Tiểu bang yêu cầu một quận phải được gạch tên trong danh sách 15 ngày trước khi tất cả các trường học có thể mở cửa trở lại. Tiến sĩ Clayton Châu, giám đốc y tế tạm thời của quận và giám đốc Cơ quan Chăm sóc Sức khỏe Quận Cam, cho biết có khả năng tất cả các trường K-12 trong quận được phép dạy trực tiếp vào tháng 9.
Ông Châu nói với Hội đồng Giám sát hôm thứ Ba rằng ông “rất tin tưởng ” rằng quận sẽ vẫn nằm ngoài danh sách theo dõi của tiểu bang. Bộ Y tế Công cộng California đã công bố hướng dẫn mới vào đầu tháng này, cho phép một số trường tiểu học ở các quận trong danh sách giám sát nộp đơn xin miễn trừ để tiếp tục giảng dạy trực tiếp. Quyết định mở lại các trường học sẽ phụ thuộc vào từng học khu của quận.
Ông Châu cho biết thêm rằng 39 trường tiểu học trong quận đã được chấp thuận mở các lớp học trực tiếp. Trong đó bao gồm sáu trường ở Học khu Los Alamitos và số còn lại là trường tư nhân. Tuy nhiên, Giám sát viên Lisa Bartlett cho biết việc ra khỏi danh sách theo dõi của tiểu bang không có nghĩa là tiểu bang cũng sẽ mở cửa trở lại các ngành kinh doanh thương mại trong nhà như dịch vụ cá nhân, trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán bar. (BBT)
California, Florida, New York, Texas
nằm trong số các tiểu bang lớn sẽ không làm
theo kế hoạch xét nghiệm COVID-19 mới của CDC
Một số tiểu bang lớn của Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không làm theo kế hoạch mới nhằm giảm xét nghiệm COVID-19 của các viên chức y tế của CDC.
Arizona, California, Connecticut, Florida, Illinois, Texas, New Jersey và New York đều có kế hoạch tiếp tục xét nghiệm những người không có triệu chứng đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, mặc dù hướng dẫn mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy rằng những xét nghiệm đó có thể không cần thiết. California và New York cũng đưa ra tuyên bố tương tự, trong khi Bộ Y tế Florida cho biết việc xét nghiệm người không có triệu chứng vẫn sẽ tiếp tục trong khi các hướng dẫn mới của CDC được đánh giá.
Tuần này, CDC cho biết những người tiếp xúc với COVID-19 nhưng không có triệu chứng có thể không cần xét nghiệm, một tuyên bố gây bất ngờ cho các bác sĩ và chính trị gia, dẫn đến nhiều cáo buộc rằng hướng dẫn này có động cơ chính trị. Ngay cả trước khi có hướng dẫn của CDC, việc xét nghiệm coronavirus ở Hoa Kỳ đã giảm xuống.
Hoa Kỳ thực hiện xét nghiệm trung bình 675,000 người mỗi ngày vào tuần trước, giảm so với mức cao nhất vào cuối tháng Bảy là hơn 800,000 người một ngày. Trên toàn quốc, các ca bệnh đã giảm trong 5 tuần liên tiếp nhưng số ca nhiễm đang gia tăng trở lại ở Trung Tây Hoa Kỳ với bốn tiểu bang báo cáo số ca mắc bệnh tăng kỷ lục trong một ngày vào thứ Năm (ngày 27 tháng 8).
Số ca tử vong do COVID-19 tại Hoa Kỳ đã vượt mức 180,000 người. CDC trước đây đã đề nghị xét nghiệm tất cả những người tiếp xúc gần gũi với người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19. Đô đốc Brett Giroir, phụ tá Bộ Trưởng Y Tế tại Bộ Y tế và Xã Hội (HHS), cho biết không có áp lực chính trị nào từ chính quyền Tổng thống Trump đối với hướng dẫn mới của CDC. Ông nói rằng việc xét nghiệm bệnh nhân không có triệu chứng quá sớm có thể tạo ra âm tính giả và góp phần vào sự lây lan của virus. (BBT)
Mỹ chi 750 triệu đô
mua hàng trăm triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID
Chính quyền Mỹ sẽ mua 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID từ Abbott trị giá khoảng 750 triệu đô la, một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc loan báo ngày 27/8.
Bộ xét nghiệm xách tay, giá 5 đô la/bộ, có thể cho kết quả trong vòng 15 phút được Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 27/8.
Tòa Bạch Ốc xác tin do Politico loan trước đó.
Nghiên cứu: Thuốc sốt rét có hiệu quả
giảm tử vong do virus Vũ Hán
Hương Thảo
“Bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine có tỷ lệ tử vong tại bệnh viện thấp hơn 30% so với những người không được điều trị bằng phương pháp này”.
Hai nghiên cứu được công bố trong những tuần gần đây đã chứng minh hiệu quả của hydroxychloroquine. Đây là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các phương tiện truyền thông chính thống loại trừ như là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với virus viêm phổi Vũ Hán, theo The BL.
Một nghiên cứu ở Ý, được công bố trên Tạp chí Nội khoa Châu Âu (European Journal of Internal Medicine), cho thấy hydroxychloroquine có thể làm giảm tới 30% nguy cơ tử vong cho những người nhập viện do mắc virus Vũ Hán. Nghiên cứu được áp dụng cho 3.451 bệnh nhân đang điều trị tại 33 bệnh viện trên khắp nước Ý.
Theo Augusto Di Castelnuovo, nhà dịch tễ học của Khoa Dịch tễ học và Phòng chống u não, “Bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine có tỷ lệ tử vong tại bệnh viện thấp hơn 30% so với những người không được điều trị bằng phương pháp này”.
Các nhà nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu về các bệnh hiện tại và trong quá khứ, cũng như các liệu pháp được áp dụng trước khi lây nhiễm và các loại thuốc được cung cấp tại bệnh viện đặc biệt để điều trị viêm phổi Vũ Hán hay còn gọi là Covid-19
Theo Licia Liacovello, Giám đốc Khoa Dịch tễ học và Phòng ngừa u não, đồng thời cũng là giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Insubria ở Varese, trong khi quan sát các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sâu hơn để đánh giá vai trò của thuốc, thì dữ liệu từ nghiên cứu điều trị CORIST (Covid-19 Risk và Treatments: Rủi ro và điều trị Covid-19) là hỗ trợ việc sử dụng hydroxychloroquine.
“Dữ liệu của chúng tôi đã được phân tích thống kê cực kỳ nghiêm ngặt, có tính đến tất cả các biến số và các yếu tố gây nhiễu có thể tác động. Hiệu quả của thuốc được đánh giá ở nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau”, Castelnuovo giải thích.
“Các kết quả tích cực của điều trị bằng hydroxychloroquine vẫn không thay đổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân có biểu hiện viêm rõ ràng hơn tại thời điểm nhập viện”, Castelnuovo nói thêm, theo báo cáo của EurekAlert.
Giovanny Gaetano, chủ tịch của Neuromed nhớ lại cách mà trong những tháng gần đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị ngừng sử dụng loại thuốc này dựa trên một nghiên cứu quốc tế.
Một nghiên cứu khác được công bố trên trang web medRxiv, tập trung vào phân tích 1.274 bệnh nhân ngoại trú bị nhiễm SARS-CoV2 ở New Jersey, đã thực hiện kê đơn hydroxychloroquine, phát hiện ra rằng các trường hợp nhập viện đã giảm tới 47%.
Theo The Blaze, bởi vì nghiên cứu được tiến hành vào đầu đại dịch khi có nhiều người có triệu chứng, các nhà nghiên cứu tin rằng mẫu hơn 1.200 bệnh nhân của họ đại diện cho những người mắc COVID-19 tương đối nặng hơn.
Nghiên cứu kết luận rằng hydroxychloroquine có thể có hiệu quả ngay cả khi được sử dụng sớm sau khi chẩn đoán dương tính với virus Vũ Hán. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chẩn đoán của những người sử dụng thuốc đã không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào.
Theo Cesar Munera, The BL
Hương Thảo biên dịch
Mỹ: Tử vong vì COVID trên 180.000,
số ca nhiễm tiếp tục giảm
Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ vượt quá 180.000 hôm 27/8, sau khi các ca nhiễm mới tăng mạnh vào tháng 6 và 7 nhất là tại những điểm nóng như California, Florida và Texas.
Có một số dấu hiệu cải thiện. Tuần trước, số tử vong giảm 17% so với tuần lễ trước đó và dưới mức trung bình 1.000 ca/ngày lần đầu tiên trong nhiều tuần, theo phân tích của Reuters.
Trong khi các ca nhiễm, tử vong, nhập viện và xét nghiệm dương tính tại Mỹ sụt giảm, các chuyên gia y tế cảnh báo có thể có một đợt tăng nữa khi trường học tái mở cửa và thời tiết lạnh hơn khiến người ta quanh quẩn trong các không gian kín nhiều hơn.
Số ca nhiễm được xác nhận tại Mỹ hiện vượt quá 5,8 triệu, cao nhất trên thế giới. Số tử vong tại Mỹ cũng cao nhất.
Tính theo tỷ lệ đầu người, Mỹ xếp hạng 12 trên thế giới về số tử vong (cứ 100.000 người có 54 người chết) và đứng thứ 10 trên thế giới về số ca nhiễm (cứ 100.000 người có 1.774 người nhiễm), theo phân tích của Reuters.
Lòng tin người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng 8 ở mức thấp nhất trong 6 năm, vào lúc các hộ gia đình lo ngại về thị trường lao động và thu nhập, gây nghi ngờ về tính bền vững của phục hồi kinh tế từ suy thoái do COVID-19.
Trong nhiều tuần qua, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bế tắc về quy mô và dạng thức của dự luật trợ cấp COVID thứ 5. Trước đó, khoảng 3.000 tỉ đô la đã được ban hành thành luật trợ cấp COVID.
Thời gian chờ visa, thẻ xanh, quốc tịch Mỹ sẽ kéo dài
Cơ quan Mỹ phụ trách cứu xét đơn di trú tuần này loan báo đã tránh được phương án dự trù tạm cho nghỉ 70% nhân viên, nhưng cảnh báo là vẫn còn đối mặt với các khó khăn tài chánh khiến thời gian duyệt xét đơn từ phải kéo dài lâu hơn.
Cơ quan Dịch vụ Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) chuyên cứu xét giấy cho phép làm việc, thẻ xanh và các dạng visa, cho biết đã tránh được kế hoạch cho nhân viên tạm nghỉ từ ngày 30/8 nhưng chi tiêu bị cắt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của cơ quan, kể cả quá trình cho nhập tịch.
USCIS chủ yếu dựa vào lệ phí từ các đơn từ di trú. Cơ quan này báo cáo lệ phí giảm 50% trong tháng 6 vì đại dịch virus corona.
Các chuyên gia di trú và những cựu giới chức cho hay thậm chí trước khi có ảnh hưởng của đại dịch, lợi tức của USCIS đã giảm mạnh do ‘giảm đà’ cứu xét hồ sơ và các hạn chế khác trong vấn đề di trú.
Trong gần 3 năm rưỡi làm Tổng thống, ông Donald Trump đã đưa việc ngăn chặn di dân lên thành một ưu tiên.
Phó giám đốc chính sách của USCIS, Joseph Edlow, cảnh báo không có gì bảo đảm là USCIS có thể tránh cho nhân viên nghỉ việc trong tương lai, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ đảm bảo cho USCIS có đủ tiền trong năm tài khoá 2021, bắt đầu vào tháng 10 tới đây.
Hồi tháng 5, USCIS đã yêu cầu Quốc hội cấp 1,2 tỉ đô la cứu nguy để khỏi phải cho nhân viên nghỉ việc, nhưng các nhà lập pháp bác bỏ vì cho rằng cơ quan này có đủ ngân khoản cần thiết để tiếp tục hoạt động qua hết năm tài chánh này.
Bão Laura mang đến những đợt sóng nguy hiểm
và gió cực mạnh đến Gulf Coast
Vào sáng thứ năm (ngày 27 tháng 8), Bão Laura đang phá hủy các tòa nhà, gây ra lũ lụt và mang theo một trận triều cường “thảm khốc” đến phía tây nam Louisiana và vẫn rất nguy hiểm dù đã đổ bộ vào đất liền từ bảy giờ trước.
Laura nhanh chóng mạnh lên thành một cơn bão nguy hiểm khi nó tiến gần vào đất liền, mang đến những đợt gió lên đến ít nhất 150 dặm / giờ tại vùng nước ấm của Vịnh Mexico. Khi tâm bão di chuyển vào bờ vào khoảng 1 giờ sáng, các nhà dự báo tại Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) nhấn mạnh mối đe dọa của cơn bão này đối với bất kỳ ai sinh sống trong khu vực nằm trên đường đi của nó. NHC đề nghị người dân lập tức tìm chỗ trú ẩn, và xem những đợt gió cực mạnh sắp đến như là một cơn lốc xoáy.
Khi đổ bộ vào đất liền, Bão Laura được đánh giá là Bão Cấp 4. Kể từ đó cơn bão này đã yếu dần, nhưng NHC vẫn khuyến cáo về những đợt sóng lớn do bão gây ra sẽ xuất hiện tại các khu vực được ban hành Khuyến cáo Sóng lớn. Mực nước sẽ dâng cao và có khả năng sẽ gây lũ lụt cho các cộng đồng nội địa cách bãi biển gần 40 dặm, và dự kiến sẽ mất nhiều ngày trước khi nước lũ rút hoàn toàn.
Sức gió duy trì tối đa của Bão Laura đã giảm xuống còn 100 dặm / giờ lúc 8 giờ sáng, khiến nó trở thành Bão Cấp 2. Laura được dự đoán sẽ nhanh chóng suy yếu và trở thành một cơn bão nhiệt đới vào cuối ngày hôm nay, nhưng tại thời điểm hiện tại, nhiều cộng đồng đang phải đối mặt với gió giật mạnh và mưa xối xả cơn bão này tiếp tục di chuyển về phía bắc. (BBT)
Hơn 65 người bị bắt giữ sau các vụ bạo lực
và cướp bóc tràn lan khắp Minneapolis
Hôm 27/8, Cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis, bang Minnesota cho biết hơn 65 người đã bị bắt sau tình trạng bạo lực, bất ổn và cướp bóc xảy ra trên toàn thành phố, Breitbart đưa tin.
Vào tối 26/8, Thị trưởng thành phố Minneapolis – Jacob Frey đã ban hành lệnh giới nghiêm, trong khi Thống đốc Tim Walz kích hoạt Lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota sau khi có tin đồn về một vụ bắn người da đen có liên quan đến cảnh sát, làm bùng lên bạo lực trong trung tâm thành phố.
The Pioneer Press đưa tin:
Theo phát ngôn viên cảnh sát Minneapolis, 67 người đã bị bắt và có thể bị kết án trọng tội.
Cảnh sát trưởng Medaria Arradondo cho biết một lực lượng thực thi pháp luật mạnh mẽ sẽ tiếp tục hiện diện trong thành phố vào tối 28/8.
“Chúng tôi không thể chịu đựng được điều này thêm nữa,” Medaria nói.
Người biểu tình bạo loạn đập phá các cửa sổ và bắt đầu cướp bóc các cơ sở kinh doanh ở trung tâm thành phố Minneapolis, sau khi một nghi phạm giết người tự sát khi cảnh sát ập vào. Có tin đồn sai lệch rằng cảnh sát đã bắn người đàn ông này, nhưng cảnh sát đã công bố video giám sát cho thấy sự thật anh ta đã tự sát.
Các video về vụ cướp bóc, điển hình là các video do phóng viên Courtney Godfrey của FOX 9 chia sẻ, cho thấy nhiều người đang trộm cắp hàng hóa từ các cửa hàng rượu và các cơ sở kinh doanh gần đó.
Godfrey viết: “Cướp bóc ở trung tâm thành phố Minneapolis. Bao gồm cửa hàng rượu Haskell và tòa nhà Medical Arts. Tất cả điều này đều liên quan đến cáo buộc tự sát của nghi phạm trong vụ giết người trước đó. Đám đông ở đây tin rằng anh ta đã bị cảnh sát bắn.”
Thiện Thành (Theo Breitbart)
Canada: Chấm dứt đối tác vaccine với TQ
không dính líu tới quan hệ ngoại giao
Việc chấm dứt đối tác về vaccine chống COVID giữa công ty CanSino Biologics của Trung Quốc với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada không “nhất thiết” dính líu đến những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, Ngoại trưởng Canada khẳng định hôm 27/8.
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc, Vương Nghị, hôm 25/8 tại Rome và thúc giục Bắc Kinh phóng thích hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ.
Hai vị bộ trưởng cũng “thảo luận tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trước COVID-19, kể cả việc nghiên cứu vaccine,” theo tuyên bố.
Ngày hôm sau, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada loan báo đã chấm dứt đối tác về một vaccine chống COVID với CanSino vì công ty Trung Quốc thiếu thẩm quyền vận chuyển vaccine vào lúc này.
“Chúng tôi đang trải qua một thời gian khó khăn” trong các quan hệ song phương, Ngoại trưởng Champagne nói với báo giới, “nhưng tôi không nhất thiết phải liên hệ cuộc thương thuyết đó với lập trường của Canada hay của Trung Quốc.”
Quan hệ giữa hai nước sụt giảm vào tháng 12 năm 2018 sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chánh của công ty Trung Quốc Huawei, theo một trát dẫn độ của Mỹ.
Ngay sau đó, Trung Quốc bắt hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig và truy tố họ về tội gián điệp. Trung Quốc cũng chặn nhập khẩu hạt canola từ Canada.
Việc chấm dứt hợp tác vaccine không liên hệ gì tới quan hệ ngoại giao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố tại cuộc họp báo sáng 27/8.
Canada nên trừng phạt các quan chức
Trung Quốc tống giam công dân Canada
Bình luậnDu Miên
Tác giả Jonathan Manthorpe nói, Canada nên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vụ bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, đồng thời khuyến khích các nước khác thực hiện các động thái tương tự để kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ sẽ là một động thái rất đúng đắn nếu nói với Bắc Kinh rằng, chúng tôi biết những người này là ai và chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với họ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi nghĩ [chính phủ Canada] cũng nên khuyến khích các đồng minh của chúng ta, những nước cũng có luật trừng phạt Magnitsky cùng tuân theo sự dẫn dắt của chúng ta và cố gắng ngăn chặn những cá nhân này.”
Canada đã thông qua Đạo luật trừng phạt Magnitsky vào năm 2017, cho phép Ottawa có quyền xử phạt các cá nhân nước ngoài chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền. Ví dụ về các biện pháp trừng phạt có thể là cấm các cá nhân này nhập cảnh vào Canada, hoặc tham gia vào các giao dịch tài chính ở Canada hoặc với những công dân Canada bên ngoài lãnh thổ Canada.
Tháng trước, một lá thư chung có chữ ký của 62 nghị sĩ Canada, một số Thượng nghị sĩ và hơn 20 nhóm cộng đồng kêu gọi chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt theo luật Magnitsky đối với các quan chức Bắc Kinh và Hong Kong về các hành vi đàn áp tàn bạo nhân quyền ở Tây Tạng và Hong Kong, cũng như chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Một nhóm nghị sĩ khác yêu cầu chính quyền Ottawa trừng phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông Manthorpe là tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Móng vuốt của gấu trúc: Chiến dịch gây ảnh hưởng và đe dọa của Bắc Kinh ở Canada”. Ông nhận định, đã đến lúc phải xử phạt các quan chức vì tội “bắt cóc” và giam giữ các công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, cũng như sử dụng các biện pháp trừng phạt trong các trường hợp lạm dụng nhân quyền khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông nói rằng việc Bắc Kinh bắt giam 2 người Kovrig và Spavor để trả đũa việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính CFO của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu, cũng như việc Trung Quốc xử lý đại dịch toàn cầu, về cơ bản đã thay đổi cách nhìn của nhiều người Canada hiện nay về ĐCSTQ và quan hệ với Trung Quốc.
“[Chúng ta] đã bị ảo tưởng quá lâu với ý tưởng rằng, bằng cách nào đó tại một thời điểm nào đó, ĐCSTQ sẽ áp dụng các giá trị văn minh của Canada, tôi nghĩ vụ việc Huawei đã thực sự đánh thức công chúng Canada về thực tế rằng, chúng ta không chia sẻ giá trị nào với ĐCSTQ và sẽ không bao giờ”, ông nhấn mạnh.
“Bản năng đầu tiên của họ khi có vấn đề ngoại giao với Canada là bắt cóc con tin [tống tiền] đã cho các bạn thấy, tôi nghĩ rằng rất rõ ràng, rằng chúng ta không chia sẻ bất kỳ giá trị chung nào”.
Ông Francois-Philippe Champagne đã gặp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Rome vào ngày 25/8, làm dấy lên hy vọng về việc trả tự do cho 2 công dân Canada. Nhưng những hy vọng đó nhanh chóng bị tiêu tan bởi một tuyên bố từ Bắc Kinh vào ngày hôm sau, đổ lỗi cho Canada về các vấn đề trong quan hệ Canada-Trung Quốc, và nói rằng Canada “nhận thức rõ mấu chốt của vấn đề”.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Canada
Được phát hành vào năm ngoái, cuốn sách “Claws of the Panda” (Móng vuốt gấu trúc) phơi bày những nỗ lực bí mật của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến các chính trị gia, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp Canada. Nó đã có tên trong danh sách “100 cuốn sách định hình năm 2019” của Globe and Mail và lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Shaughnessy Cohen của Nhà văn Canada năm nay.
Bà Turnisa Matsedik-Qira thuộc Hiệp hội Uyghur Vancouver, biểu tình phản đối cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ khi cầm bức ảnh của những công dân Canada bị bắt giữ Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig bên ngoài phiên tòa đối với Giám đốc Tài chính CFO của Huawei, Mạnh Vãn Châu tại Tòa án Tối cao British Columbia tại Vancouver vào ngày 8/5/2019. Dòng chữ bà cầm trên tay viết: “Mạnh Vãn Châu thật may mắn. Trung Quốc đã giam giữ 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại các trại tập trung mà không có bất kỳ phiên tòa nào”. (Ảnh của JASON REDMOND / AFP qua Getty Images)
Bà Turnisa Matsedik-Qira thuộc Hiệp hội Uyghur Vancouver, biểu tình phản đối cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ khi cầm bức ảnh của những công dân Canada bị bắt giữ Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig bên ngoài phiên tòa đối với Giám đốc Tài chính CFO của Huawei, Mạnh Vãn Châu tại Tòa án Tối cao British Columbia tại Vancouver vào ngày 8/5/2019. Dòng chữ bà cầm trên tay viết: “Mạnh Vãn Châu thật may mắn. Trung Quốc đã giam giữ 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại các trại tập trung mà không có bất kỳ phiên tòa nào”. (Ảnh của JASON REDMOND / AFP qua Getty Images)
Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên trình bày chi tiết toàn diện về mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh đã thâm nhập vào đời sống chính trị, doanh nghiệp và dân sự của Canada.
Để gỡ rối những vấn đề này và đưa Canada lên một vị trí vững chắc hơn, cuốn sách đề xuất một cách tiếp cận “bớt ảo tưởng hơn, can đảm hơn và thông minh hơn” với Trung Quốc.
Điều này bao gồm việc xác định rõ ràng và nêu rõ các hành động xâm nhập nhiều cấp của Bắc Kinh vào chủ quyền của Canada cũng như công khai chỉ trích ĐCSTQ về các vấn đề chính như Tây Tạng, Đài Loan, nhân quyền và sự bành trướng của quốc gia này ở Biển Đông.
Một trong những cách mà ĐCSTQ dựa vào để thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu trong và ngoài nước của mình ở Canada cùng các nơi khác, là thông qua Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhiều lớp. Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ quản lý các mối quan hệ với các tổ chức xã hội, thương mại và học thuật khác nhau trong và ngoài Trung Quốc, với mục đích thu hút sự ủng hộ và thúc đẩy hơn nữa tham vọng của ĐCSTQ.
Một trong những hoạt động quan trọng của Mặt trận Thống nhất là kiểm soát những gì mà ĐCSTQ gọi là “ngũ độc”: hoạt động nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương, độc lập Đài Loan, Pháp Luân Công và phong trào dân chủ Trung Quốc. Có rất nhiều tài liệu về các vụ tấn công mạng, quấy nhiễu, tuyên truyền sự thù địch, đe dọa người thân ở Trung Quốc, v.v. chống lại các nhóm này. ĐCSTQ đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc kiểm soát suy nghĩ và hành động của gần 1,8 triệu người Trung Quốc hiện đang sinh sống ở Canada.
Tác giả Manthorpe chỉ ra những nỗ lực của Mặt trận Thống nhất nhằm khuấy động lòng trung thành với ĐCSTQ, và thao túng hoặc đe dọa cộng đồng người Hoa ở bên ngoài đại lục là một trong những lĩnh vực cấp bách nhất mà chính quyền Ottawa cần đẩy lùi.
Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn thấy một số hành động thực sự mạnh mẽ chống lại các hoạt động của Mặt trận Thống nhất ở đây. Thật là vô lương tâm khi công dân Canada bị đe dọa ngay tại nhà của họ bởi một cơ quan của chính phủ nước ngoài. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ông Manthorpe cho biết cuốn sách của ông sẽ sớm được dịch sang tiếng Trung, trong nỗ lực thu hút độc giả là những người đến từ Trung Quốc đại lục nhập cư vào Canada gần đây, những người mà ông nhận định là dễ bị tác động nhất trước các thủ thuật của Mặt trận Thống nhất trực thuộc ĐCSTQ.
“Tôi đã đi vòng quanh khắp đất nước và nói chuyện với nhiều nhóm, trong đó có một số chủ yếu là người Canada gốc Hoa. Và tôi nhận được một thông điệp nhất quán từ họ rằng, Jonathan, hãy nói với công chúng Canada giúp chúng tôi chống lại những áp lực mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày từ các hoạt động của Mặt trận Thống nhất [ĐCSTQ]“.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Covid-19: Peru có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới
tính theo dân số
Trọng Nghĩa
Với 28.277 ca tử vong được xác nhận tính đến hôm qua, 27/08/2020, quốc gia Nam Mỹ Peru, với 33 triệu dân, dẫn đầu thế giới về tỷ người người chết do virus corona, tính theo dân số, cao hơn cả nước Bỉ. Họa vô đơn chí, cách nay một tuần, kinh tế Peru cũng bị suy giảm mạnh nhất thế giới trong quý II.
Theo dữ liệu tổng hợp của Đại Học Mỹ Johns Hopkins, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và hãng tin Mỹ Bloomberg, tỷ lệ tử vong trên mỗi 100.000 dân của Peru đã tăng lên thành 86,2 người vượt qua nước Bỉ (gần 12 triệu dân) đứng đầu bảng liên tục trong thời gian gần đây.
Điều đáng ngại là giới chức chính quyền Peru cũng đã cảnh báo rằng con số tử vong chính thức kể trên có thể chỉ bằng phân nửa số người chết thực thụ vì Covid-19. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Peru suy giảm một cách vô cùng nghiêm trọng trong quý hai do biện pháp phong tỏa nghiêm khắc.
Về số ca nhiễm, với gần 622 ngàn trường hợp, Peru hiện đứng thứ 5 trong số các quốc gia bị đại dịch tác hại nặng nề nhất, chỉ đứng sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga.
Riêng về nước Mỹ, theo trang thống kê worldometers, tính đến trưa nay 28/08/2020 (giờ Paris), số ca nhiễm đã vượt mức 6 triệu, trong lúc số người chết đã vượt mức 184.000 tính đến hết ngày hôm qua. Theo tính toán của trường đại học Washington, số tử vong tại Mỹ có nguy cơ vượt mốc 317.000 vào khoảng đầu tháng 12/2020.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) hôm qua nhấn mạnh cần làm xét nghiệm y tế cho tất cả những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán bị Covid-19, cho dù họ có triệu chứng hay không.
Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ cho rằng việc xét nghiệm đối với các trường hợp đó là « không cần thiết ».
Tại Việt Nam, theo bộ Y Tế, hôm qua đã có thêm một người chết vì Covid-19 ở Đà Nẵng, nâng số tử vong lên mức 30 ca từ đầu dịch đến nay. Có thêm 4 ca nhiễm mới, bao gồm hai ca vào hôm qua và hai ca ghi nhận vào hôm nay.
Diễn đàn Davos 2021 có thể phải họp trực tuyến
do dịch viêm phổi Vũ Hán
Bình luậnThủy Tiên
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vốn là nơi tập hợp giới tinh hoa, bao gồm các tỷ phú và các nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Donald Trump… Tuy nhiên, dịch viêm phổi Vũ Hán có thể khiến diễn đàn cấp cao trong năm 2021 này trở thành “diễn đàn trực tuyến” lần đầu tiên.
WEF vốn là nơi mà hàng năm, những người nổi tiếng, các nhà kinh tế, nhà đầu tư trên thế giới… sẽ kết thân với nhau trong hội nghị thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, diễn đàn này đã có thông báo hoãn tổ chức trực tiếp trong năm 2021 sang đầu mùa Hè (thay vì vào thời điểm đầu năm như thường lệ) và đang hướng tới việc tổ chức một hội nghị trực tuyến vào năm 2021, trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu.
Thông báo của WEF nhấn mạnh rằng quyết định trên được đưa ra một cách không dễ dàng trước nhu cầu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo toàn cầu, nhằm hướng tới nỗ lực chung trong việc khôi phục nền kinh tế thế giới.
Dù vậy, khuyến cáo của giới chuyên gia cho rằng sẽ không an toàn nếu hội nghị được tổ chức vào tháng 1 năm sau. Quyết định cuối cùng về hội nghị sẽ được đưa ra vào cuối tháng này.
Các quan chức đã thông báo vào tháng 6/2020 rằng cuộc họp trong tháng 1/2021 sẽ là một “hội nghị thượng đỉnh song song” với một số người tham dự thực tế ở Davos và những người khác tham gia trên diễn đàn trực tuyến. Chủ đề của cuộc họp thường niên lần thứ 51 này là “sự tái thiết vĩ đại”, với việc các nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề xây dựng lại thế giới sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Chỉ một tuần trước, chủ tịch WEF và người sáng lập Klaus Schwab đã xuất hiện trên kênh truyền hình Bloomberg với phát biểu rằng ông vẫn “hy vọng” tổ chức hội nghị thượng đỉnh truyền thống và “tự tin” rằng thế giới sẽ có những tiến bộ trong điều trị, chế tạo vaccine và xét nghiệm trước tháng 1/2021, để hội nghị có thể tiến hành theo cách trực tiếp.
Nhưng giờ đây, các nhà lãnh đạo WEF tin rằng không có khả năng có được vaccine hoặc tìm được phương pháp điều trị trước tháng Giêng năm sau, việc này ngăn cản bất kỳ ai có nguyện vọng tham dự trực tiếp.
Trong phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đây là một cơ hội để xây dựng các nền kinh tế và các xã hội công bằng, toàn diện hơn, có thể đứng vững trước các đại dịch, biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.
Ông Guterres nhấn mạnh: “Đại tu là sự nhận thức rằng thảm họa đối với nhân loại chính là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta cần nghĩ lại, xây dựng lại, thiết kế lại, làm mới lại và tái cân bằng thế giới”.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cũng khẳng định, đã đến lúc “lật sang trang sử mới, bắt đầu câu chuyện về cuộc đại tu… Cách tốt nhất để tưởng nhớ những người đã mất đi sinh mạng trong đại dịch là xây dựng thế giới xanh hơn, tốt đẹp hơn và công bằng hơn”.
Diễn đàn năm nay sẽ theo sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó Tổng thống Trump và ứng viên Biden đang cạnh tranh vào Nhà Trắng.
Thủy Tiên
Phương Tây chỉ trích nhóm điều tra của WHO
không đến Vũ Hán
Một nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được giao nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của virus corona nhưng việc này đã không được thực thi.
Việc các chuyên gia này không đến Vũ Hán đã làm dấy lên lo ngại từ các chính phủ phương Tây về cam kết của Bắc Kinh trong việc xác định nguồn gốc của đại dịch. Thế giới đang rất quan tâm tới sự khởi phát của Covid-19.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Financial Times rằng: “Phái đoàn của WHO đã ngồi ở Bắc Kinh trong ba tuần và chẳng đi đến đâu gần Vũ Hán. Mọi cơ hội tìm ra ngọn ngành vấn đề bây giờ không còn nữa”.
Còn ông Huang Yanzhong, chuyên viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, nhận định rằng cuộc điều tra sẽ khó có thể là một điều tra khoa học thuần túy. WHO nằm trong tình trạng khó xử khi một mặt phải làm vừa lòng Trung Quốc, mặt khác cần tỏ ra là trung lập, khoa học và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Theo Financial Times, WHO cho biết nhóm tiền trạm của họ đã có các cuộc trò chuyện (từ xa) với các nhà khoa học cấp cao từ Viện Virus học Vũ Hán.
WHO từ chối bình luận về việc liệu nhóm có dự định đến thăm Vũ Hán hay không.
Trước đó, dưới sức ép của 120 nước, Trung Quốc đồng ý với cuộc điều tra, nói rằng nó sẽ phù hợp chỉ sau khi đại dịch được kiểm soát, nhưng không nói rõ mức độ tiếp cận được cho phép đối với các chuyên gia.
An Bình tổng hợp
Chuyên gia: Châu Âu
phải hết sức thận trọng với Trung Quốc
Lục Du
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đang có chuyến thăm châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh mất uy tín trầm trọng sau khi lực lượng này bị cáo buộc là tác nhân chính khiến virus Vũ Hán lây lan ra thế giới. Nhân sự kiện này, cây viết Glacier Kwong có bài bình luận trên Apple Daily về chuyến công cán của ông Vương.
Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung bài viết của nữ Nghiên cứu sinh ngành luật Kwong, một nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đang du học ở Đức.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến đi “kiểm soát thiệt hại” ở châu Âu bắt đầu từ ngày 25/08. Chuyến đi của ông Vương liên quan đến việc Bắc Kinh đang bị châu Âu chỉ trích về vấn đề COVID-19, chính sách cứng rắn đối với Hồng Kông và việc Huawei bị nhiều nước trong EU từ chối.
Trong bài phát biểu của mình, ông Vương nhấn mạnh “Trung Quốc và châu Âu nên làm việc cùng nhau” để phục hồi nền kinh tế toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Tôi tin rằng, mục đích của chuyến đi này của ông Vương là nhằm tìm cách “minh oan” cho những tai tiếng mà Bắc Kinh gây ra từ năm ngoái, đồng thời tìm kiếm các đồng minh trong thế giới phương Tây để đối phó mối quan hệ ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ.
Các chính phủ châu Âu phải hết sức thận trọng trong các giao dịch với Bắc Kinh, vì đây là một chế độ độc tài khét tiếng luôn gây ra các mối đe dọa đối với các nền dân chủ thông qua việc giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, ví dụ như họ đã mua các cảng ở Hy Lạp, triển khai dịch vụ 5G khắp thế giới thông qua Huawei. Một khi Bắc Kinh giành được ảnh hưởng lớn đối với viễn thông, bến cảng và ngành công nghiệp hạt nhân, nó sẽ là mối đe dọa đối với các nước phương Tây và các xã hội dân chủ.
Mặc dù Quốc hội Ý đã khuyến nghị chính phủ không để Huawei tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G vì các mối lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng phía chính phủ Ý vẫn chưa đưa ra quyết định rõ
ràng. Trong thời gian dịch Covid bùng phát ở Ý, Trung Quốc đã bán vật tư y tế cho nước này, và mặc dù rất nhiều vật tư y tế không đạt tiêu chuẩn, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ý vẫn vui vẻ làm theo bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh là nhiệt liệt cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “giúp đỡ”.
Ông Vương Nghị trong chuyến thăm Ý đã nói rằng, Trung Quốc không muốn có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, vì nó sẽ là một bước thụt lùi cho thế giới. Phát biểu này phần nào có vẻ khôi hài, bởi vì chính Bắc Kinh là thế lực gây hấn trên thế giới, bóp nghẹt tự do Hồng Kông, vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và xâm nhập mạnh mẽ vào các nước khác.
Mọi hành động đều gây ra phản ứng chống đối tương ứng: Bắc Kinh đã hung hăng bành trướng thế lực, do đó thế giới và những nước bị áp bức đã phản ứng để bảo vệ mình; Bắc Kinh bưng bít thông tin về COVID-19 và tung ra các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để “minh oan”. Thế giới phản ứng bằng cách đưa thông tin sự thật, và tỏ ra mất lòng tin vào chính quyền Trung Quốc.
Ông Vương Nghị thực hiện chuyến thăm này với hy vọng “minh oan” cho Bắc Kinh, hy vọng thế giới quên đi những gì đã xảy ra gần đây ở Hồng Kông, để cứu chính quyền Trung Quốc khỏi sự cách ly với thế giới tự do. Vương và Bắc Kinh có thành công hay không, phụ thuộc vào việc châu Âu có nhớ lại những gì đã xảy ra vào năm ngoái hay không – từ những gì đã diễn ra tại Hồng Kông đến đại dịch COVID-19.
Ngay cả khi việc làm ăn với Trung Quốc là không thể tránh khỏi trong thế giới toàn cầu hóa, thế giới cũng không nên dung thứ cho các hành vi sai trái của Trung Quốc. Châu Âu phải giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, đồng thời nhận thức được sự xâm nhập và bản chất bành trướng của thế lực này. Chính quyền Trung Quốc có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng thế giới phải trả một cái giá đắt – không phải về tiền bạc, mà là sự hy sinh những giá trị trân quý – đó là tự do và dân chủ.
Khi Vương tiếp tục chuyến đi “tẩy trắng” của mình, tôi kêu gọi chính phủ các quốc gia châu Âu bày tỏ mối quan ngại của họ về sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Đồng thời cần bày tỏ mối quan ngại đối với luật an ninh quốc gia Hồng Kông và thực hiện các hành động khi cần thiết.
Khi đối đầu với chủ nghĩa độc tài, chúng ta nên cùng nhau bảo vệ các giá trị và đồng lòng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ở mọi nơi. Phong trào ở Hồng Kông đã mang lại sự thay đổi cho thế giới, đó là việc nhận thức rõ hơn về các hành động của Bắc Kinh ở châu Âu và các nước khác. Hy vọng châu Âu sẽ không dễ dàng bị mua chuộc bằng tiền.
Vụ 39 tử thi người Việt ở Anh: Vụ xử án chưa xong
Sau khi bị dẫn độ từ Bắc Ireland sang Anh, Eamonn Harrison, thủ phạm chính trong vụ 39 tử thi người Việt tìm thấy trong thùng đông lạnh xe tải ở Anh năm ngoái, đã bị đưa ra trước Tòa Hình sự Old Baily, London hôm 28/08/2020.
Ra trước Toà Hình sự Old Bailey, London chiều 28/08, Eamonn Robinson đã chối tội “ngộ sát” và “âm mưu hỗ trợ nhập cư trái phép”.
Ông ta sẽ phải cùng ba bị cáo khác ra toà lần tới vào tháng 10 năm nay.
Một bị cáo khác người Ireland Ronan Hughes thì nhận hết các tội danh tương tự trong phiên xử chiều thứ Sáu 28/08/2020 ở London.
Vụ buôn người đưa tới cái chết thảm thương của 39 công dân Việt Nam ở Essex, phía Đông London cuối tháng 10/2019 đã gây chấn động dư luận Anh, Việt Nam và các nước châu Âu.
Sau cuộc điều tra lâu dài, tốn kém, cảnh sát hạt Essex, Anh Quốc xác nhận các nạn nhân của đường dây buôn người “chết ngạt vì thiếu ô-xy trong container bị tăng nhiệt độ” trên đường từ Bỉ tới cảng Purfleet, Essex.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 28/08 từ TP HCM, nơi ông đang làm việc, ông Nguyễn Đình Oánh, anh trai nạn nhân Nguyễn Đình Lượng, một trong 39 người tử nạn, nói ông ‘tha thứ cho các thủ phạm’.
“Nguyện vọng gia đình thì cũng tha thứ cho họ thôi. Trong cuộc sống, ai cũng mắc những sai lầm, chứ cũng không muốn ai bị kết án,” ông Oánh cho biết.
Ông Oánh cho biết gia đình vẫn còn nỗi đau thương nhưng dù vậy sẽ cứ phải lo cho cuộc sống.
Nguyễn Đình Lượng và Phạm Thị Trà My là hai nạn nhân đầu tiên của vụ 39 tử thi được BBC và các báo Anh xác định tên tuổi, hình ảnh khi vụ việc xảy ra.
Từng sang Nga, Ukraine năm 2017 rồi tìm đường tới Pháp trú ngụ trước khi sang Anh, Nguyễn Đình Lượng tử nạn năm mới 22 tuổi sau khi mất liên lạc với gia đình từ hôm 23/10/2019.
Ngay trong tuần đó, BBC cũng xác minh được với gia đình của Phạm Thị Trà My tại thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Vụ án hình sự xử tại London
Hồi tháng 7, Eamonn Harrison, 23 tuổi, người vùng Mayobridge, County Down, Bắc Ireland, đã bị dẫn độ sang Anh để đối diện với 39 cáo buộc ngộ sát, cùng với âm mưu buôn người và âm mưu hỗ trợ nhập cư trái phép.
Ngay sau đó, Harrison đã ra tòa cấp quận ở Southend, phía Đông thành phố London.
Lần ra tòa đó diễn ra qua đường video vì dịch Covid-19 tại Anh.
Ông ta bị cho là người đã lái chiếc xe ở đoạn đưa container chở 39 người Việt bên trong vào cảng Zeebrugge, Bỉ để chuyển lên tàu thủy sang Anh.
Trong vụ án này, tài xế xe tải Maurice Robinson, người vùng Craigavon, County Armagh, cũng bị đưa ra tòa hình sự Anh Old Bailey ở London, nơi chuyên xét xử các vụ trọng án, hồi tháng 11/2019. Tại đây, Robinson thừa nhận tham gia một âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và thu về bất động sản do phạm tội mà có.
Maurice Robinson là người đã lái chiếc xe tải Scania nhận container đông lạnh đưa tới điểm dừng ở một khu nhà kho tại Essex và thấy các tử thi người Việt khi mở thùng xe ra.
Tính đến thời gian ra tòa ở Anh, ông Robinson còn phải đối măt với 39 tội danh ngộ sát hoăc âm mưu buôn người, chuyển giao bất động sản có được từ hoạt động tội phạm.
Một bị cáo khác, Christopher Kennedy, 23 tuổi, từ Darkley, County Armagh, không nhận các tội danh âm mưu buôn người, hỗ trợ nhập cứ bất hợp pháp và dàn xếp hỗ trợ cho việc di chuyển của người khác nhằm khai thác bóc lột đối tượng.
Gheorghe Nica, 43 tuổi, người vùng Mimosa Close ở Langdon Hills, Essex, cũng tòa ở Old Bailey vào ngày 16/3.
Người đàn ông 22 tuổi này bị bắt ở Bắc Ireland vì tình nghi là phạm tội ngộ sát và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Sau khi được sang Anh, ông ta bị giam ở Essex.
Covid-19: Pháp lập danh sách 21 « vùng đỏ »
và bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng ở Paris
Thùy Dương
Do dịch bệnh Covid-19 lây lan rất mạnh trong những ngày qua tại Pháp, hôm qua 27/08/2020, thủ tướng Jean Castex thông báo ngoài Paris và Bouches-du-Rhône, có thêm 19 tỉnh bị xếp vào danh sách « vùng đỏ ».
Theo AFP, hôm qua, bộ Y Tế Pháp cho biết có 6.111 ca mới bị lây nhiễm trong vòng 24 giờ, mức cao nhất tính từ ngày 30/03. Thủ tướng Pháp cảnh báo dù tình hình chưa phải là nghiêm trọng, nhưng sự lây lan của virus corona sẽ theo cấp số nhân nếu nước Pháp không phản ứng nhanh chóng và chính phủ sẽ làm mọi cách để tránh nguy cơ tái phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, thủ tướng Castex nhấn mạnh là chính phủ vẫn chuẩn bị cả phương án nói trên.
Tại thủ đô Paris, nơi dịch bệnh lây lan mạnh nhất, sau khi mở rộng biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang trong các phương tiện giao thông công cộng, ở nơi công cộng khép kín, một số nơi công cộng ngoài trời, nhiều tuyến phố trung tâm, hôm qua chính phủ thông báo từ 8h sáng hôm nay 28/08 việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở mọi nơi tại thủ đô và 3 vùng ngoại ô bao quanh Paris là Val-de-Marne, Seine-Saint-Denis và Haut-de-Seine (vùng vanh đai cận kề), kể cả đối với người đi xe đạp, người chạy bộ.
Tuy nhiên, sáng hôm nay, theo đề nghị của tòa đô chính Paris, sở Cảnh sát thành phố cho phép những người đi xe đạp và chạy bộ được miễn đeo khẩu trang, với lý do không phù hợp và không cần thiết khi chạy bộ và đạp xe.
Liên hoan phim tiếng Pháp
khai mạc tại Angoulême
Tuấn Thảo
Nổi tiếng từ lâu là một trong những chiếc nôi của làng truyện tranh, thành phố Angoulême giờ đây còn được biết đến nhờ tổ chức một chương trình chiếu phim có tranh giải dành riêng cho các tác phẩm điện ảnh tiếng Pháp. Liên hoan phim Angoulême khai mạc kể từ hôm nay 28/08 và sẽ kéo dài cho tới ngày 02/09/2020.
Được thành lập vào năm 2008, Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême đã nhanh chóng trở thành một sự kiện quan trọng, việc giới thiệu các bộ phim mới là một cách để bắt mạch thị trường điện ảnh Pháp nói riêng, của các quốc gia trong khối Pháp ngữ nói chung. Tuy nhiên, năm nay Liên hoan phim Angoulême lại diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Các quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19, buộc ban tổ chức hạn chế ở mức 28.000 khách thay vì 48.000 khán giả thường xuyên đến dự liên hoan. Để tiện bề kiểm soát hơn, ban điều hành cũng yêu cầu khán giả phải đặt chỗ trước, thay vì đứng xếp hàng mua vé vào cửa tại các phòng chiếu phim.
Nếu như số lượng người tham gia bị hạn chế ở mức 60% so với năm ngoái, thì ngược lại nội dung chương trình của Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême lần thứ 13 lại dồi dào phong phú, hơn hẳn những năm trước. Chương trình năm nay có hơn 60 tác phẩm đủ loại, trong đó hơn hai phần ba là các bộ phim mới chưa từng được phổ biến, ngoài ra còn có trên 10 tác phẩm đầu tay được chiếu trong các chương trình có tranh giải. Hầu hết các phim này đều chờ được ra mắt công chúng Pháp tại các rạp hát, từ đầu mùa thu trở đi.
Trong thời gian phong tỏa vừa qua, nhiều liên hoan điện ảnh đã bị hủy bỏ, dời lại hoặc là được duy trì nhưng chủ yếu diễn ra ở trên mạng, như trường hợp của các liên hoan Cannes, Locarno, Annecy … Một cách ngẫu nhiên, Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême lại trở thành điểm hẹn ngoạn mục đầu tiên của làng điện ảnh Pháp, tập hợp về cùng một nơi nhiều nhà sản xuất và phân phối, các diễn viên cũng như đạo diễn nổi tiếng trong thời hậu phong tỏa. Đối với các đoàn làm phim, đây cũng là dịp để cho họ đến giới thiệu với công chúng nhưng dự án làm phim mà họ từng ấp ủ trong nhiều năm qua.
Theo đồng chủ tịch liên hoan Dominique Besnehard, ban tổ chức năm nay đã triệu mời nhiều ngôi sao của làng điện ảnh Pháp. Bên cạnh các tên tuổi lớn của làng điện ảnh Pháp như Isabelle Adjani, Catherine Frot, Elsa Zylberstein hay đạo diễn Claude Barras, còn có sự tham gia đặc biệt của Gérard Depardieu và nhất là của nữ diễn viên Isabelle Huppert, chẳng những xuất hiện trong một bộ phim mới, mà còn đến để giới thiệu cuộc triển lãm nhiếp ảnh của Sébastien Cauchon. Các bức ảnh chụp đưa người xem theo chân diễn viên Isabelle Huppert tại các phim trường và sự kiện tại Paris, Tokyo, Los Angeles và Toronto từ năm 2016 đến năm 2019.
Về phía ban giám khảo, hai đạo diễn Benoît Delépine và Gustave Kervern đã được mời làm chủ tịch ban chấm thi. Cặp bài trùng này thường hay hợp tác với nhau trong khâu viết kịch bản và quay phim. Hai đồng đạo diễn đã từng thực hiện các tác phẩm như ‘‘Saint-Amour’’ hay là ‘‘Mammuth’’ với ngôi sao Gérard Depardieu trong vai chính. Trong chương trình năm 2020, bộ phim mới của họ mang tựa đề ‘‘Effacer l’historique’’ được công chiếu đêm nay trong buổi lễ khai mạc liên hoan Angoulême lần thứ 13.
Cùng với các thành viên khác trong ban giám khảo, hai đồng chủ tịch Delépine và Kervern có trách nhiệm chấm điểm 10 tác phẩm dự thi đến từ các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Liban, Maroc và Pháp. Đặc điểm năm nay là sau khi liên hoan Cannes đã bị hủy bỏ, nhiều tác phẩm tiếng Pháp từng được chọn đi tranh giải tại Cannes, lần này được đưa vào chương trình chiếu phim của Angoulême. Đó là trường hợp của bốn bộ phim từng hiện diện trong chương trình ‘‘Tuần lễ dành cho giới phê bình’’ (Semaine de la Critique). Bên cạnh đó, một số tác phẩm mới mang thương hiệu ‘‘Cannes 2020’’ cũng được đưa vào chương trình dự thi của Angoulême, chẳng hạn như phim ‘‘L’ennemi’’ của đạo diễn Bỉ Stephan Streker, phim ‘‘Antoinette dans les Cévennes’’ của đạo diễn Pháp Caroline Vignal hay là ‘‘Éléonore’’ của đạo diễn gốc Liban Amro Hamzawi.
Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême năm nay cũng đặc biệt dành trọn chương trình chiếu phim trong ngày 31/08/2020 để bày tỏ tình đoàn kết với thành phố Beyrouth nói riêng cũng như với người dân Liban nói chung. Nhân dịp này, ban tổ chức Angoulême giới thiệu với công chúng Pháp bộ phim “Capernaum”, tác phẩm gần đây nhất của đạo diễn Nadine Labak, từng được phát hành trên màn ảnh lớn vào năm 2018. Toàn bộ các khoản tiền quyên góp trong ngày này sau đó sẽ được trao tặng cho một hiệp hội quốc tế chuyên giúp đỡ các gia đình nạn nhân ở Liban.
Đối với giới yêu chuộng nghệ thuật thứ bảy, Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême đã trở thành một tủ kính trưng bày khá hấp dẫn của làng điện ảnh Pháp. Đa số các bộ phim được công chiếu trong khuôn khổ liên hoan đều ít nhiều dự báo các xu hướng hiện thời của làng phim Pháp, chuyên khai thác phim tình cảm tâm lý cũng như các đề tài lớn trong xã hội. Ban tổ chức liên hoan dĩ nhiên cũng nuôi tham vọng khám phá những tài năng mới hay là những tác phẩm để lại dấu ấn quan trọng trong nền điện ảnh Pháp như trường hợp của bộ phim ‘‘Intouchables’’ (Những kẻ bên lề), được chiếu lần đầu tiên tại Angoulême vào năm 2011. Tác phẩm của hai đạo diễn Olivier Nakache và Éric Toledano đã đoạt trên dưới 50 giải thưởng lớn nhỏ tại các lễ trao giải quốc tế và đồng thời là bộ phim Pháp (ngoài tiếng Anh) có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử điện ảnh : 377 triệu euro doanh thu (445 triệu đô la), tức là cao gấp 38 lần so với chi phí đầu tư ban đầu của bộ phim là 10 triệu euro.
Riêng đối với các nhà sản xuất và phân phối, sự thành công (hay không) của Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême cũng khá là quan trọng trong thời hậu phong tỏa, bởi vì liên hoan này mở đầu cho hàng loạt sự kiện lớn khác, trong đó có liên hoan phim quốc tế Bruxelles gọi tắt BRIFF (Brussels International Film Festival) với sự tham gia của đạo diễn kỳ cựu Costa Gavras và bộ phim mới ‘‘Des hommes’’ (Đồng đội) nói về chiến tranh Algérie của đạo diễn Lucas Belvaux được công chiếu trong đêm khai mạc.
Bên cạnh đó, còn có hai liên hoan lớn khác là Liên hoan phim độc lập Mỹ tại thành phố Deauville với một chương trình đặc biệt dành cho các tác phẩm mang thương hiệu ‘‘Cannes 2020’’. Như vậy, Deauville năm nay phá thông lệ khi giới thiệu một số tác phẩm điện ảnh khác ngoài dòng phim độc lập đến từ Hoa Kỳ. Hầu như vào cùng một thời điểm, thành phố thơ mộng trên nước Venise sẽ khai mạc vào đầu tháng 9 liên hoan điện ảnh quốc tế. Tuy cách tổ chức tại chỗ được thu gọn lại, nhưng nội dung chương trình vẫn đa đạng, hấp dẫn xứng đáng với tầm vóc và uy tín của liên hoan điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới.
Gói hàng hạt giống bí ẩn từ Trung Quốc
đã xuất hiện ở Pháp
Bộ Nông nghiệp và thực phẩm Pháp vừa lên tiếng cảnh báo các gói hàng lạ có nguồn gốc Trung Quốc đã xuất hiện ở Pháp.
Các gói hàng thường nhỏ bao gồm các hạt giống như hạt dưa, hạt cây bạc hà, hạt dưa chuột hoặc đồ chơi, đồ lặt vặt đủ loại. Hàng thường có xuất xứ từ Trung Quốc, được bỏ vào hộp thư cá nhân.
Trước đó, nhiều người tại Mỹ và Canada dù không đặt hàng vẫn nhận được các gói hạt giống lạ mà hầu hết đến từ Trung Quốc. Anh, Israel đã gặp vấn đề tương tự.
Trước sự kiện này, Bộ Nông nghiệp của chính phủ các nước đều đưa ra cảnh báo cho người dân địa phương, không nên trồng những loại hạt giống bí ẩn không rõ lai lịch. Tuy nhiên, có người dân địa phương đã trồng chúng trước khi có cảnh báo từ cơ quan chức năng, và hạt đã nảy mầm. Có loại thậm chí đã ra hoa kết trái.
Hội trưởng Hiệp hội Hạt giống Úc Osman Mewett cho biết, những loại hạt giống không rõ nguồn gốc này đã gây chú ý trên toàn thế giới. Hiện vẫn chưa rõ chúng có nguồn gốc từ đâu và động cơ khi gửi chúng đi toàn thế giới là gì.
Ông cũng lo lắng những hạt giống không rõ lai lịch này nếu được trồng, có thể sẽ đe dọa đến an toàn sinh vật của của Úc, do đó nên giao chúng cho bộ Nông nghiệp tiêu hủy. “Giữ được sự khỏe mạnh của hạt giống và thực vật là vô cùng quan trọng đối với cung ứng lương thực và môi trường của Úc”, ông Mewett nói.
An Bình thổng hợp
Nga chuẩn bị lực lượng
để giúp đỡ Tổng Thống Belarus nếu cần
Tin Moscow, Nga – Theo bản tin từ Reuters, Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào thứ Năm, 27 tháng 8, nói rằng điện Kremlin đã chuẩn bị sẵn một lực lượng cảnh sát để hỗ trợ nhà lãnh đạo Belarus, ông Alexander Lukashenko, nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không được điều động trừ khi tình trạng hỗn loạn tại Belarus vượt ngoài tầm kiểm soát.
Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất của Nga cho đến nay, sau khi nhiều cuộc biểu tình bùng lên tại Belarus sau ngày bầu cử 9 tháng 8, do phe đối lập cho rằng chính quyền đã gian lận để kéo dài chế độ cai trị suốt 26 năm qua của ông Lukashenko.
Trong bài nói chuyện trên đài truyền hình quốc gia, Tổng Thống Putin nói, Nga có một số cam kết đối với Belarus, và Tổng Thống Lukashenko đã yêu cầu Nga chuẩn bị sẵn một lực lượng cảnh sát trừ bị. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng lực lượng cảnh sát Nga sẽ không được sử dụng trừ khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.
Phe đối lập tại Belarus cho rằng việc Moscow thành lập lực lượng an ninh hỗ trợ Tổng Thống Lukashenko đã vi phạm luật quốc tế. Ba Lan, một quốc gia trong khối NATO và là láng giềng của Belarus, cũng yêu cầu Nga hủy bỏ kế hoạch can thiệp quân sự.
Vào thứ Năm, cảnh sát Belarus đã bắt khoảng 20 ký giả đang định đưa tin về cuộc biểu tình tại thủ đô Minsk, cùng nhiều người biểu tình. Belarus chìm vào khủng hoảng từ sau đợt bầu cử. Lực lượng an ninh cho đến nay đã đánh đập và bắt giữ hàng ngàn người, nhằm đàn áp các cuộc biểu tình và đình công. (Ngô Bảo)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ‘
sẽ từ chức vì lý do sức khỏe’
Truyền thông địa phương đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ từ chức vì lý do sức khỏe.
Ông Abe mắc phải căn bệnh viêm loét đại tràng trong nhiều năm nhưng tình trạng bệnh được cho là đã trở nên tồi tệ hơn gần đây.
Đài truyền hình NHK cho biết, ông Abe, 65 tuổi, muốn tránh gây ra các vấn đề cho chính phủ của mình.
Đầu tuần này, ông trở thành thủ tướng Nhật Bản giữ chức vụ liên tục lâu nhất, sau khi nhậm chức vào năm 2012.
Năm 2007, ông đột ngột từ chức thủ tướng từ nhiệm kỳ trước đó vì phải vật lộn với chứng viêm loét đại tràng, một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến ruột già, mà ông đã sống chung từ khi còn là một thiếu niên.
Ông Abe nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa dân tộc và một người bảo thủ trung thành. Ông còn nổi tiếng bởi chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh bạo được gọi là “Abenomics”.
Ông đã tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản và tăng cường chi tiêu quân sự, nhưng đã không thể sửa đổi Điều 9 của hiến pháp về chủ nghĩa hòa bình. Điều 9 trong hiến pháp Nhật Bảm cấm quân đội thường trực làm bất cứ điều gì khác ngoài tự vệ.
Những quan ngại đến từ đâu?
Tại Thế vận hội Rio de Janeiro năm 2016, ông Abe xuất hiện trong vai nhân vật trò chơi điện tử Mario
Ông Abe phải đến bệnh viện hai lần trong một tuần làm dấy lên câu hỏi về việc liệu sức khỏe của ông có xấu đi hay không. Ông lẽ ra đã tại vị cho đến tháng 9/2021.
Ông không tiết lộ lần đến bệnh viện này nhằm mục đích gì nhưng nó được cho là đã kéo dài gần 8 tiếng.
Các quan chức Đảng Dân chủ Tự do (LDP) do ông lãnh đạo trước đó đã bác bỏ suy đoán rằng ông sẽ từ chức, nói rằng sức khỏe của thủ tướng vẫn ổn.
Hôm thứ Ba, một phụ tá của ông nói với Reuters rằng ông Abe sẽ hoàn thành nhiệm kỳ của mình.
Akira Amari, người đứng đầu ủy ban thuế của LDP, bác bỏ đồn đoán rằng thủ tướng sẽ giải tán hạ viện của quốc hội để sớm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhanh chóng.
Ông nói: “Sẽ không có một cuộc bầu cử nhanh trong thời gian này.
Tuy nhiên, những tin đồn vẫn tồn tại về sự mệt mỏi ngày càng tăng của ông Abe khi ông phải đối phó với sự giám sát tăng cường về cách ông xử lý đại dịch virus corona, vào thời điểm khi xếp hạng tín nhiệm cho nội các của ông đã giảm.
Điều gì xảy ra nếu ông Abe không thể đảm đương nhiệm vụ?
Theo luật pháp Nhật Bản, một thủ tướng tạm quyền sẽ tạm thời đảm nhiệm nếu ông Abe không thể thực hiện vai trò của mình, không có giới hạn về thời gian thủ tướng tạm quyền này có thể tại vị.
Phó Thủ tướng Taro Aso, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, là người ở vị trí số một cho chức vụ này, tiếp theo là Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga.
Một thủ tướng tạm quyền không thể tiến hành một cuộc bầu cử chớp nhoáng nhưng họ sẽ lãnh đạo các vấn đề khác như các hiệp ước và ngân sách cho đến khi một nhà lãnh đạo đảng và thủ tướng mới được chọn.
Điều gì xảy ra nếu ông Abe từ chức?
Một đơn từ chức hoặc một ý định từ chức được công bố sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu trong LDP của ông Abe để thay thế ông ở vị trí chủ tịch đảng này.
Tiếp sau đó sẽ là một cuộc bỏ phiếu của quốc hội để bầu ra một thủ tướng mới.
Người chiến thắng sẽ giữ chức vụ này cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Abe vào tháng 9/2021.
Nhật quan ngại
việc Trung Quốc phóng tên lửa ở Biển Đông
Chính phủ Nhật Bản ngày 27 tháng 8 lên tiếng cho rằng, hành động phóng tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại một cuộc họp báo rằng, Nhật Bản kịch liệt phản đối bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Các vấn đề xung quanh Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, một vấn đề về lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước Nhật Bản.
Theo South China Moring Post, sáng 26 tháng 8, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa vào Biển Đông, trong đó có một tên lửa “sát thủ tàu sân bay”, đồng thời gửi lời cảnh báo tới Hoa Kỳ. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc cáo buộc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay trong thời gian Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía bắc nước này.
Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Scott D.Conn cho biết, ông đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc được cho là phóng tên lửa ra Biển Đông. Ông cho biết, lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên khi quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau trên Biển Đông sau khi Mỹ đã ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông. Trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này và coi đây là những yêu sách phi pháp.
Tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.
Đài Loan ‘sẵn sàng chiến đấu đến người lính
cuối cùng’ nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc
Bình luậnNguyễn Sơn
Nhiều bên đang chuẩn bị cho kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan vào thời điểm Hoa Kỳ bận rộn cho cuộc bầu cử tổng thống.
Những cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc và Mỹ trong khi máy bay chiến đấu Trung Quốc bay gần Đài Bắc, tất cả tạo nên sự lo ngại xung đột quân sự có thể xảy ra với hòn đảo Đài Loan.
Trong 3 tuần qua, Trung Quốc đã thông báo tiến hành 4 cuộc tập trận dọc theo bờ biển từ Vịnh Bột Hải đến Biển Đông và Hoàng Hải, cùng với các cuộc tập trận khác mà họ nói là nhằm đảm bảo “tình hình an ninh trên eo biển Đài Loan”.
Trong khi đó, Đài Loan cho biết tên lửa đất đối không của họ đã theo dõi các máy bay chiến đấu Trung Quốc bay gần hòn đảo này trong lúc Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đến thăm Đài Bắc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 25/8 cho biết các máy bay phản lực của Trung Quốc càng tiến gần đến hòn đảo thì Đài Bắc sẽ phản ứng “càng tích cực”.
Hoa Kỳ đã cử một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong tháng này, chỉ vài ngày sau khi một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông. Tuần này, Trung Quốc cho biết một máy bay do thám của Hoa Kỳ đã theo dõi các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Ni Lexiong, giáo sư nghỉ hưu tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết đây là điều rất hiếm và có thể là lần đầu tiên Trung Quốc diễn ra nhiều cuộc tập trận cùng một lúc.
Ông nói: “Bằng cách tiến hành đồng thời các cuộc tập trận ở ba vùng biển, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang thử nghiệm khả năng chống lại kẻ thù đến từ ba hướng, ví dụ từ Đài Loan, từ Nhật Bản và Mỹ từ phía nam”.
“Về mặt lịch sử, các cuộc tập trận thường xuyên là một dự báo rõ ràng về chiến tranh,” ông nói thêm.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong khu vực và lo ngại quân đội nước này có thể tính toán sai lầm, dẫn đến hậu quả không mong muốn.
“Tôi cho rằng nhiều quốc gia trong khu vực đang nhìn thấy sự mất bình tĩnh của Bắc Kinh và ngày càng lo ngại về xu hướng này”, theo hãng tin Reuters.
‘Chiến đấu đến người lính cuối cùng’
Một kịch bản giả định được đưa ra trong bài phân tích gần đây của James Winnefeld, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Michael Morrell, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, đã gây xôn xao trong giới an ninh Đài Loan.
Theo đó, cuộc bầu cử căng thẳng ở Mỹ sẽ cho Trung Quốc cơ hội tấn công Đài Loan trong khi Washington và thế giới bị phân tâm.
Ngày 23/08 tại đảo Kim Môn, nơi phải hứng chịu pháo kích của chính quyền Mao Trạch Đông 62 năm trước, Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu: “Những người được nhân dân giao phó vị trí lãnh đạo của đất nước không thể ảo tưởng rằng việc cúi đầu trước vấn đề chủ quyền và im lặng trước các giá trị dân chủ [bị đe dọa] sẽ mang lại hòa bình”.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Đài Loan trong tháng này đã công bố hai video cho thấy tên lửa được bắn vào máy bay F-16 trên không để thể hiện quyết tâm bảo vệ hòn đảo.
“Hãy dám chiến đấu và chiến đấu đến người lính cuối cùng”, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh trong phần chú thích cho video.
Hôm 23/8, hãng tin Fox News đã đặt câu hỏi với Tổng thống Donald Trump: “Liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào hay không?”. Ông Trump đã trả lời: “Đây không phải là nơi thích hợp để nói về điều này, nhưng Trung Quốc biết tôi sẽ làm gì, Trung Quốc biết rất rõ”.
Nguy cơ đối đầu quân sự với Mỹ
sau vụ Trung Quốc thử tên lửa ở Biển Đông
Thu Hằng
Trung Quốc gia tăng tập trận theo cường độ các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa ngày 27/08/2020 giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, trong khuôn khổ cuộc tập trận từ 24-29/08 trên bốn mặt trận (Biển Đông, Hoàng Hải, Bột Hải và eo biển Đài Loan) có nguy cơ thúc đẩy Mỹ triển khai thêm nhiều tên lửa đến khu vực và làm gia tăng rủi ro một cuộc xung đột vũ trang.
Theo một số nhà phân tích được South China Morning Post (28/08) trích dẫn, cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn cùng một lúc ở bốn nơi là lời cảnh cáo gửi đến Mỹ và Đài Bắc, dù người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khẳng định hôm 27/08 rằng « cuộc tập trận không nhắm vào bất kỳ vào quốc gia nào », nhưng mang lời cảnh báo rõ rệt là « Trung Quốc không sợ Mỹ gây hấn ».
Mỹ-Trung chạy đua tên lửa ở Ấn Độ Dương
Tên lửa DF-26, được bắn thử với tên lửa DF-21 ngày 27/08, có tầm bắn 4.000 km (2.485 dặm), được coi là « loại tên lửa diệt tầu sân bay » và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Loại hỏa tiễn này nằm trong các loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) được Hoa Kỳ và Liên Xô ký từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Do không bị ràng buộc vì Hiệp ước này, Trung Quốc đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đây là lý do được Washington nêu khi giải thích về việc rút khỏi INF.
Đối với bộ Quốc Phòng Mỹ, theo thông cáo ngày 27/08, « các hành động của Bắc Kinh, kể cả việc thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông ». Do đó, Washington sẽ càng thêm ngờ vực Bắc Kinh và « ít có khả năng quân đội Mỹ chùn bước » vì « cạnh tranh và chống Trung Quốc ở quy mô khu vực và toàn cầu » trở thành chiến lược của chính quyền Mỹ, theo nhận định của Derek Grossman, chuyên gia về an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu Rand.
Malcolm Davis, nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng các vụ thử trên sẽ buộc Hoa Kỳ « phải đánh giá rất nghiêm túc về khả năng tên lửa của Trung Quốc ». Loại tên lửa DF không còn là « đồ chơi » được phô trương trong những cuộc duyệt binh trước đây ở Bắc Kinh, theo nhận định Chen Gang, trợ lý giám đốc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Và để khống chế quân đội Trung Quốc, có rất nhiều khả năng Hoa Kỳ phát triển và triển khai thêm hệ thống tên lửa ở Ấn Độ Dương.
Nguy cơ xung đột ngoài ý muốn
Ngoài khả năng tăng cường khả năng quân sự, đặc biệt là tên lửa, một nguy cơ khác được chuyên gia Grossman lấy làm ví dụ, đó là « khả năng tính toán nhầm » từ phía Trung Quốc, khiến một tên lửa DF-21 rơi gần một tầu sân bay của Mỹ đi ngang khu vực, quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ phải đáp trả nếu cho rằng tên lửa chệch mục tiêu. Nếu trường hợp này xảy ra, tình hình sẽ chỉ thêm xấu đi.
Tuy nhiên, Isaac Kardon, thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, không tỏ ra bi quan như vậy khi đánh giá « sự leo thang giữa quân đội hai nước vẫn ở cấp độ thấp » vì « cả hai lực lượng chuyên nghiệp sẽ vô cùng thận trọng trong cách hành xử ».
Các cuộc tập trận ngày càng hùng hậu và trên quy mô lớn của Trung Quốc nhằm ba mục tiêu : kích động tinh thần dân tộc trong nước, ngăn chặn các lực lượng bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào Biển Đông và cảnh cáo các nước láng giềng về các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Liệu chiến lược hung hăng này có quay lại chống Trung Quốc ? Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngày càng phản đối mạnh mẽ : Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh hủy các cuộc tập trận ở Hoàng Sa, Manila cho biết sẽ cầu viện Washington nếu Trung Quốc tấn công tầu của Philippines ở Biển Đông. Riêng Mỹ sẽ không từ bỏ các chiến dịch FONOP ở trong vùng.
Biển Đông: Trung Quốc muốn đàm phán với Việt Nam
theo mô hình các hiệp định biên giới đã ký
Minh Anh
Nhân cuộc gặp với đồng nhiệm Việt Nam ngày 23/08/2020 để kỷ niệm 20 năm ký kết hiệp ước đường biên giới, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc Hà Nội đàm phán tranh chấp ở Biển Đông dựa theo mô hình các hiệp định biên giới đạt được trong quá khứ. Theo giới quan sát, Bắc Kinh hối thúc trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng gay gắt.
Trong một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố : « Chúng ta nên dựa trên thực tiễn thành công trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền để sớm giải quyết các tranh chấp trên biển… Hai nước có đủ khả năng và trí tuệ để tiếp tục các cuộc đàm phán về các vấn đề lãnh hải. »
Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 24/08/2020 nhắc lại cuộc gặp giữa hai lãnh đạo ngoại giao của hai nước diễn ra hôm Chủ Nhật 23/08/2020 tại Đông Hưng, vùng biên giới Việt – Trung, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc để đánh dấu 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới (chính thức ký kết vào ngày 30/12/1999) và 10 năm thực hiện cắm mốc đường biên.
Nhân cơ hội này, ông Vương Nghị gợi nhắc với giới lãnh đạo Việt Nam những cuộc đàm phán thành công trong quá khứ giữa hai nước như Hiệp ước biên giới trên đất liền (30/12/1999) và việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới năm 2009 và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ cũng như là Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (ngày 25/12/2000). Theo truyền thông Việt Nam, với hai hiệp định trên, Việt Nam xem như đã « giải quyết dứt điểm 2 trong số 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ».
Ông Vương Nghị cho rằng « Cả hai nước nên tập trung vào các nhu cầu hợp tác lâu dài giữa hai nước và tích cực khởi động các cuộc đối thoại để tìm ra một phương thức cơ bản và bền vững nhằm duy trì sự ổn định trên Biển Đông ». Vẫn theo ngoại trưởng Trung Quốc, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh tế biên giới và ngành du lịch, cũng như thực thi các kế hoạch trong khuôn khổ dự án Một vành đai Một con đường.
Tại Biển Đông, Đài Loan cùng với nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có đòi hỏi chủ quyền tại vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.
Căng thẳng với Washington, Bắc Kinh « ve vãn » Hà Nội ?
Thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục hối thúc các nước liên quan nhanh chóng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc dường như muốn gạt sang một bên hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông để tập trung vào hợp tác kinh tế. Theo nhật báo Hồng Kông, những hoạt động ngoại giao này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Tình hình Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn khi Hoa Kỳ đột nhiên có một tuyên bố cứng rắn khi cho rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Tuy không có lợi ích lãnh thổ tại vùng biển có tranh chấp này, nhưng Mỹ đã tăng cường triển khai các đội hàng không mẫu hạm và tầu chiến bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại ISEAS – Viện Yusof Ishak tại Singapore với SCMP, những tranh chấp liên quan đến những vùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những hiệp ước biên giới trên bộ được ông Vương Nghị đề cập đến.
Ông Lê Hồng Hiệp còn cho rằng Trung Quốc dường như đang tiến hành một cuộc « tấn công ve vãn » để giành lại các đối tác trong khu vực, hay chí ít cũng để ngăn ngừa những nước này ngả theo Mỹ chống Trung Quốc.
« Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong nỗ lực này của Trung Quốc do vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Việc nhắc nhở Hà Nội một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là một thủ thuật thích hợp và có sức mạnh khi lưu ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nguồn nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất. Dù vậy, đối với Việt Nam, an ninhh mới là điều tối quan trọng ».
Hơn nữa, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có những tiến triển đáng kể, chủ yếu là do sự phù hợp về những lợi ích chiến lược giữa Hà Nội và Washington, nhất là về tình hình Biển Đông.
« Xét cho cùng, hợp tác với Hoa Kỳ có lợi cho cả an ninh quốc gia và chế độ Hà Nội. Đó là vì nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Mỹ có thể đưa Việt Nam vào một vị thế tốt hơn để chống lại sức ép từ Trung Quốc. »
Bắc Kinh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thời hạn ba năm được đề ra để kết thúc một bộ Quy tắc ứng xử cho tuyến hàng hải chiến lược này, nơi lưu thông ước tính đến 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế mỗi năm.
Từ hơn hai thập niên qua, Trung Quốc và nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán một bộ quy tắc về ứng xử (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mà Bắc Kinh đang gây áp lực để hoàn tất vào năm 2021. Kể từ khi Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối đầu năm 2020, các cuộc họp đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Trung Quốc gây áp lực để thúc đẩy tiến độ đàm phán COC còn do áp lực ngày càng lớn của Mỹ cũng như là những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước thành viên khối ASEAN – kể cả căng thẳng mới nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank).
SCMP nhắc lại, đầu tháng 8/2020, Việt Nam mạnh mẽ phản đối Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố có chủ quyền. Hà Nội cho rằng hành động quân sự này của Bắc Kinh là « vi phạm chủ quyền » và gây « tổn hại cho hòa bình ».
Báo TQ: Việt Nam sẽ gánh chịu ‘hậu quả ý thức hệ’
nếu tăng cường ‘giao thiệp’ với Mỹ
Hôm 27/8, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cảnh báo rằng Việt Nam sẽ gánh chịu “những hậu quả về ý thức hệ” nếu cứ tiếp tục dùng địa chính trị, “giao thiệp” với Mỹ, để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra bình luận như trên ngay sau khi Việt Nam hôm 26/8 lên tiếng phản đối Trung Quốc việc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh và Hà Nội có tranh chấp chủ quyền.
Bài xã luận viết: “Nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng đòn bẩy địa chính trị để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng cách gia tăng giao thiệp với Mỹ, chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ quả về ý thức hệ.”
“Mỹ hy vọng sẽ giật dây ở Việt Nam để khuấy động khu vực ngoại vi của Trung Quốc. Nhưng chiến thuật này cho thấy quan điểm của Washington không phù hợp với hệ thống chính trị của Hà Nội,” tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.
Nhận định rằng “tình hình trong nước và những thay đổi trong chiến thuật của Hoa Kỳ có thể tác động đến sự ổn định của hệ thống chính trị Việt Nam,” bài xã luận cảnh báo “nếu các nhóm đối lập được tiếp thêm năng lượng, Hà Nội chắc chắn không thể trông cậy vào việc Washington giúp bảo vệ hệ thống của mình.”
Bài báo cho rằng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ gián tiếp khiến tạo điều kiện cho các thế lực chống Đảng Cộng sản Việt Nam, và như vậy “làm tăng thêm khó khăn cho đất nước trong việc duy trì ổn định chính trị lâu dài,” nhất là khi “chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam chú tâm vào các tranh chấp trên Biển Đông và nhằm vào Trung Quốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của Việt Nam.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn VOA gần đây, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói rằng trong 25 năm bang giao, quan điểm của Washington về ý thức hệ của Hà Nội “khá nhẹ nhàng” và hai bên cam kết tôn trọng đường lối chính trị của nhau.
“Trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không có cạnh tranh chiến lược. Việt Nam là nước nhỏ, không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ như là Trung Quốc.
“Cách cư xử của Mỹ như họ đã nói từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, và từ đó hàn gắn vết thương chiến tranh, và tiếp tục phát triển càng nhiều càng tốt.”
Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo đưa ra giải pháp: “Trung Quốc và Việt Nam nên giảm bớt căng thẳng hàng hải thông qua các con đường ngoại giao, và ngăn chặn vấn đề gây ra những thay đổi chính trị trong nội bộ hai nước.”
Phát biểu hôm 27/8 dịp kỷ niệm 75 năm ngành ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Luôn giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng đồng thời linh hoạt, khéo léo, tăng cường đan xen lợi ích, gia tăng điểm đồng, cân bằng quan hệ, nhất là với các nước lớn và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.”
Vào tháng 7/2020, Thời báo Hoàn cầu từng đưa ra cảnh báo rằng Việt Nam sẽ ‘trắng tay’ nếu đu dây theo Mỹ, tăng cường sức mạnh ở Biển Đông.
“Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được,” bài báo viết.
Trước đó không lâu, ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu, viết bài nói rằng: “Chúng tôi sẽ phản đối việc sử dụng quan hệ Việt – Mỹ để chống Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.”
Tác giả Quang Minh Vũ ở Đức bình luận trên Facebook: “Thực tế lãnh đạo Việt nam đã coi chính quyền Trung Quốc là chỗ dựa chính trị và kinh tế cho mình từ lâu rồi. Ngay việc họ dọa cũng là mối lo lâu nay của chính quyền Việt nam.”
Giới quan sát trong nước nói với VOA rằng xét trong hai mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Mỹ, thì “quan hệ với Mỹ phải được ưu tiên.”
Ông Trần Bang, một nhà hoạt động ở Hà Nội, chia sẻ quan điểm: “Xét trong hai mối quan hệ, thì quan hệ với Mỹ phải được ưu tiên… Tôi nghĩ rằng nâng cấp quan hệ ngoại giao, chính trị, quân sự với Mỹ là điều tốt cho Việt Nam.”
Độc giả VOA Hoàn Đinh Nho bình luận: “Quan hệ Việt Nam-Hoa kỳ phát triển tốt đẹp sẽ tăng thêm sức mạnh cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cả trên đất liền lẫn ngoài các hải đảo. Như thế sự kiện này là một động lực mạnh mẽ chống lại dã tâm xâm lược toàn diện của Trung quốc đối với Việt Nam. Vì thế, Trung quốc tất yếu sẽ chống lại sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Mỹ.
Ông Nho viết tiếp: “Bất chấp những lời đe dọa vừa thiếu nhân phẩm, vừa láo xược của Trung quốc, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa mọi quan hệ với Hoa Kỳ để bảo vệ Tổ quốc.”
Trung Quốc cảnh cáo ý định trao giải Nobel Hòa Bình
cho người biểu tình Hồng Kông
Thu Hằng
Na Uy là chặng dừng chân thứ ba trong vòng công du 5 nước châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trong buổi họp báo ngày 27/08/2020 với đồng nhiệm Na Uy, ông Vương Nghị cảnh cáo Trung Quốc « không muốn thấy chính trị hóa giải Nobel Hòa Bình ».
Theo South China Morning Post, khi được một nhà báo hỏi về phản ứng của Bắc Kinh nếu giải thưởng này được trao cho người biểu tình Hồng Kông, ông Vương Nghị phát biểu : « Tôi chỉ nói một điều : Trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai, Trung Quốc sẽ cương quyết bác bỏ mọi ý định sử dụng giải Nobel Hòa Bình để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc rất cứng rắn về nguyên tắc này ».
Ông Vương Nghị là ngoại trưởng Trung Quốc đầu tiên thăm Na Uy từ 15 năm qua. Quan hệ giữa hai nước nguội lạnh từ 2010 đến 2016 sau khi Ủy ban Nobel Hòa Bình, trụ sở ở Oslo, đã trao giải thưởng danh giá này cho nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).
Trung Quốc bắt 12 người Hồng Kông vượt biển sang Đài Loan
Từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng tại Hồng Kông, rất nhiều nhà đấu tranh vì dân chủ và người biểu tình đã bị bắt giữ. Ngày 23/08 vừa qua, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã bắt giữ 12 người trên một con tàu đang đi tới Đài Loan. Trong số này có Lý Vũ Hiên (Andy Li), một nhà đấu tranh được tự do có điều kiện.
Thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông cho biết thêm :
« Những thông tin về cuộc vượt biên có một không hai này chỉ được tiết lộ nhiều ngày sau sau khi vụ việc xẩy ra, qua một tin nhắn trên tài khoản Weibo của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Con tầu gắn động cơ chở 12 người đang ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và dường như hướng về phía Đài Loan khi bị hải cảnh Trung Quốc chặn lại.
Lực lượng hải cảnh chỉ nêu họ của hai người bị bắt, trong đó có thể có cả Lý Vũ Hiên (Andy Li), một người biểu tình được tự do có điều kiện sau khi bị khởi tố ở Hồng Kông theo luật an ninh mới trong loạt bắt giữ ngày 10/08/2020.
Vì bị giữ hộ chiếu, có lẽ nhà đấu tranh vì dân chủ này đã tìm cách vượt biển sang Đài Loan ẩn náu.
Đảo Đài Loan cách Hồng Kông 750 km (450 hải lý) về phía đông bắc, nếu đi bằng máy bay mất khoảng một tiếng, nhưng phải mất đến hai ngày nếu vượt biển bằng tầu.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từng cho biết ý định tiếp nhận và giúp đỡ những thanh niên Hồng Kông bị luật an ninh mới đe dọa.
Trong cuộc họp báo chiều 27/08, người đứng đầu ngành cảnh sát Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) trả lời rằng ông biết thông tin về chuyến vượt biên nhưng khẳng định cảnh sát Hồng Kông không nhận được bất kỳ thông tin chi tiết nào từ phía chính quyền Trung Quốc ».
Chip điện thoại của Huawei
đối mặt với nguy cơ không còn nguồn cung
Do Huawei có hành vi thông đồng với Trung Cộng tham gia theo dõi và ăn cắp thông tin, nên đã bị Hoa Kỳ trừng phạt toàn diện. Sau khi Huawei thông báo các nhà cung cấp linh kiện cho mình tạm dừng cung cấp hàng hóa, hai hãng sản xuất điện tử lớn của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix tuyên bố rằng họ đang đánh giá và tìm hiểu lệnh cấm của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là chip điện thoại của Huawei trực tiếp đối mặt với nguy cơ hoàn toàn không còn nguồn cung cấp.
Ngày 24/8, truyền thông của Đại lục Báo “Sư tử phân tích Thung lũng Silicon” đưa tin rằng, Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm mới của Hoa Kỳ, đồng thời cũng thông qua các công ty đặt tại Hoa Kỳ để tìm hiểu xem các hạng mục chế tài có bao gồm chip tồn trữ cho các sản phẩm điện thoại chủ yếu của họ hay không.
Samsung Electronics và SK Hynix đều cùng sử dụng thiết bị sản xuất điện tử của Hoa Kỳ, trong khi đối tượng xuất khẩu chủ yếu về các sản phẩm thiết bị điện tử của hai hãng này là Huawei và các công ty khác ở Trung Quốc đại lục.
Theo những người trong ngành, nhiều chip chính của điện thoại di động hiện nay trên thị trường về cơ bản không thể tách rời công nghệ Mỹ.
Do các sản phẩm của Huawei đã được xác định thực sự là có hành vi theo dõi, đánh cắp thông tin và có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Cộng, cho nên Hoa Kỳ mới hạn chế các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có sử dụng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ cung cấp chip điện thoại cho Huawei. Trong lệnh cấm mới của Hoa Kỳ ngày 17/08, có thêm nhiều công ty liên quan Huawei bị liệt vào “danh sách đen”, như vậy Huawei sẽ không thể có được chip công nghệ của Hoa Kỳ thông qua bên thứ ba.
Theo tin tức ngày 23/8, Huawei thông báo cho các công ty cung ứng linh kiện của Đài Loan tạm ngừng cung cấp hàng hóa, với nguyên nhân là do công ty Media Tek Đài Loan cung cấp chip cho Huawei xảy ra vấn đề, cho nên Huawei tạm dừng việc phát triển sản phẩm mới. Phân tích cho rằng, việc Huawei yêu cầu các công ty cung cấp linh kiện ngừng cung cấp hàng hóa có thể là tín hiệu cho thấy Huawei muốn rút khỏi thị trường điện thoại di động.
Điện thoại di động Mate 40 của Huawei sẽ ra mắt thị trường vào tháng 9 năm nay sử dụng Chip Kirin 9000, tuy nhiên đây sẽ là thế hệ chip cao cấp cuối cùng của Huawei. Dòng điện thoại mới này còn chưa ra mắt thị trường đã lập tức đối mặt với nguy cơ bị ngừng cung cấp.
Chip Kirin 9000 sử dụng kỹ thuật chế tạo 5nm, hiện nay công nghệ cao nhất các công ty sản xuất của Đại lục có chỉ là 14nm, nên cũng không thể tự sản xuất Chip Kirin 9000. Đầu tháng 7 năm nay, Huawei đã đặt hàng 8 triệu Chip Kirin 9000 với công ty sản xuất chip Đài Loan (TSMC), sau đó công ty TSMC thông báo ngừng cung cấp Chip cho Huawei.
Sau khi Chip Kirin 9000 bị ngừng cung cấp, sẽ ảnh hưởng đến lượng lớn các dòng điện thoại di động của Huawei, bao gồm nhiều mẫu điện thoại hàng đầu như P40, P40 Pro cùng Mate 30.
Phóng viên Trương Ngọc Khiết tổng hợp
Biên tập: Tôn Vân
Biên dịch: Tiểu Minh
Không thể ‘xé nát’ nước Mỹ khi có ông Trump,
Trung Quốc muốn Biden trở thành tổng thống
Bình luậnTrần Đức
“Quy mô và sự tinh vi trong cách can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ của Bắc Kinh quá lớn, đến mức nó khiến những nỗ lực bị cáo buộc trước đó của Nga trông như trò trẻ con…”
Trung Quốc đã tán thành Joe Biden làm Tổng thống Hoa Kỳ, tất nhiên là họ không biểu hiện “ra mặt” như vậy, nhưng đối với bất kỳ ai chú ý “quan sát”, điều đó là hiển nhiên.
Thời báo Hoàn cầu , kênh truyền thông “tuyên truyền” bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói rằng “Joe Biden dễ dàng đối phó hơn Donald Trump”, sau khi ông này giành được đề cử của Đảng Dân chủ.
Đội quân “50 xu” của Trung Quốc – hàng trăm nghìn “kẻ lừa đảo” trên Internet được trả 50 xu một bài – đang phải “làm việc ngoài giờ” để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ bằng cách đăng các thông điệp chống Trump, ủng hộ Biden bằng các tài khoản mạng xã hội giả mạo.
Các nhà phân tích Hoa Kỳ cũng đã phát hiện ra một trang mạng truyền bá thư rác của Trung Quốc – được gọi là “Spamouflage Dragon” – đã đăng tải các “cuộc tấn công” nhằm vào Tổng thống Trump trên YouTube và các kênh khác.
Quy mô và mức độ tinh vi trong sự can thiệp bầu cử của Bắc Kinh lớn đến mức, nó khiến những nỗ lực bị cáo buộc trước đó của Nga trông thật ấu trĩ (khi so sánh).
Và mục đích của nó rõ ràng đến mức Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, William Evanina, đã nói: “Chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc mong muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là không thể đoán trước – không được tái đắc cử”.
ĐCSTQ háo hức quay trở lại với kiểu giao dịch ‘mờ ám’, cho phép họ tiếp tục ‘cướp phá’ nước Mỹ như bình thường
Đánh giá của Evanina chỉ đúng một phần. Chính quyền ĐCSTQ chắc chắn thích Biden hơn. Nhưng họ ghét ông Trump không phải vì họ coi ông ấy là “không thể đoán trước”, mà là vì ông ấy đã được chứng minh là hoàn toàn “có thể dự đoán”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bị sốc khi phát hiện ra rằng vị tổng thống hiện đang chiếm giữ Nhà Trắng đã ”thực hiện chính xác những gì ông đã hứa” trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình: điều chỉnh lại mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, từ việc chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc đến việc “san bằng cuộc chơi” trong lĩnh vực thương mại bằng cách áp đặt thuế quan.
Đối phó với một tổng thống Mỹ thực sự giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử, đó là một trải nghiệm mới và rất khó chịu đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ rất “háo hức” quay trở lại với kiểu giao dịch “mờ ám” cho phép họ tiếp tục “cướp phá” nước Mỹ như bình thường.
Không có gì lạ khi bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ “tiếp lửa” cho Biden. Nếu có một chính trị gia người Mỹ, trong 1/4 thế kỷ, đã chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng ông ta hoàn toàn “dễ uốn nắn” khi nói đến chính sách về Trung Quốc của mình, thì đó là ông Joe Biden.
Ở mọi góc độ, cho dù vấn đề được đề cập là thương mại, đầu tư, nhân quyền hay an ninh quốc gia, Biden đều đứng về phía Trung Quốc.
Ở mọi góc độ, Biden đều đứng về phía Trung Quốc
Biden đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với tư cách là một “quốc gia đang phát triển”, điều này cho phép Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ đồng thời bảo vệ chính thị trường nội địa. Thỏa thuận thương mại tai hại này đã góp phần khiến Mỹ mất trắng 60.000 nhà máy.
Ông ta đã cho phép ĐCSTQ “đào thải” ngành sản xuất của Mỹ, chuyển việc làm cho Trung Quốc và tiêu diệt hàng triệu việc làm vốn đang duy trì thu nhập cho các gia đình người Mỹ.
Biden đã miễn giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cho phép họ tiếp tục “chế biến” sổ sách kế toán của mình trong khi [những công ty này] huy động hàng nghìn tỷ đô-la Mỹ từ các nhà đầu tư “cả tin” của Mỹ.
Thay vì chỉ trích hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, Biden đã phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc rằng ông ta hiểu sự cần thiết của chính sách một con “tàn bạo”.
Gần đây, Biden còn nói rằng ông ấy ủng hộ việc phá thai “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Có lẽ ai đó cần phải hỏi ông ta xem liệu điều này có bao gồm việc cưỡng bức phá thai đối với phụ nữ thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc hay không.
Biden nói rằng “một Trung Quốc đang trỗi dậy là một sự phát triển vô cùng tích cực” đối với Mỹ, bỏ qua thực tế rằng sức mạnh ngày càng tăng của ĐCSTQ được xây dựng dựa trên hành vi trộm cắp và áp bức: trộm cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, thao túng tiền tệ, bán phá giá dưới chi phí, định giá trước các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, và việc sử dụng rộng rãi lao động nô lệ.
Chính ông Obama đã giao cho Biden phụ trách vấn đề “Xoay trục sang châu Á”, nhằm chống lại việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường quân sự. Tuy nhiên, trong thời kỳ chính quyền Obama-Biden, khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn, Biden đã… không làm gì cả.
Biden tiếp tục các hành động ‘khóc mướn’ thay cho ĐCSTQ
Trong những năm gần đây, khi mối nguy hiểm mà ĐCSTQ gây ra cho Mỹ và thế giới ngày càng rõ ràng hơn, Biden đã tiếp tục các hành động “khóc mướn” thay cho ĐCSTQ. Ông ta đã thốt ra những điều vô nghĩa như “Trung Quốc không phải là kẻ thù của chúng ta”.
Vì vậy, ai đó nên nói với cựu Phó Tổng thống này rằng ĐCSTQ, ngay từ khi mới thành lập, đã coi Hoa Kỳ và tất cả các nền dân chủ tự do là thù địch. Nếu “đối thủ toàn cầu” của bạn tin rằng bạn là “kẻ thù”, thì bạn sẽ là “kẻ thù”, cho dù bạn có muốn hay không.
Biden “thân Trung” cũng nói: “Họ không phải là những người xấu, các bạn ạ”.
Mặc dù điều này chắc chắn đúng với người dân Trung Quốc nói chung, nhưng điều tương tự không thể nói đối với ĐCSTQ và giới lãnh đạo của đảng này.
Trên thực tế, xét về số lượng những người đã chết dưới tay ĐCSTQ, “tổ chức khủng bố này” không có đối thủ ngang hàng trên hành tinh, từ Mao Trạch Đông – một trong những kẻ giết người hàng loạt vĩ đại của lịch sử nhân loại – cho đến Tổng Bí thư Tập Cận Bình – người đang điều hành một bộ máy “đồ tể” của riêng mình.
Biden đổ lỗi cho Tổng thống Trump về virus Corona Vũ Hán, trong khi ‘ĐCSTQ đã nói dối và mọi người đã chết’
Có lẽ sự ưu ái lớn nhất mà Biden từng giành cho Trung Quốc là điều đang diễn ra ngay lúc này: ông ta đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về virus Corona Vũ Hán.
Giờ đây, cả thế giới đều hiểu, như Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã nói ở Praha, rằng: “ĐCSTQ nói dối, và khiến những người nói sự thật ‘biến mất’. Đại dịch độc hại đến từ Vũ Hán này đã lan rộng và gây ra rất nhiều thiệt hại, bởi vì ĐCSTQ đã che đậy nó”.
Hay như Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro nói, thậm chí theo cách ngắn gọn hơn, rằng: “ĐCSTQ đã nói dối và mọi người đã chết”.
Tuy nhiên, Biden thà tấn công Tổng thống Trump còn hơn là chỉ ra nguyên nhân gốc rễ cho việc 170.000 người Mỹ đã chết và hàng triệu người khác nhiễm bệnh có liên quan đến ĐCSTQ.
Biden “thân Trung” hiện tuyên bố rằng, với tư cách là Tổng thống, ông ta sẽ cứng rắn với các đối thủ.
Trung Quốc rõ ràng là không tin lời ông ta nói. Người Mỹ và thế giới cũng không nên như vậy.
Tác giả: Steven W. Mosher – Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả của cuốn Bùng nổ châu Á: Tại sao giấc mơ của Trung Quốc là mối đe dọa mới đối với trật tự thế giới.
Trần Đức
Trung Quốc đe dọa sẽ tẩy chay Apple
nếu Mỹ cấm WeChat
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 28/8 cảnh báo, người dân Trung Quốc có thể không dùng iPhone nếu WeChat bị cấm ở Mỹ, đồng thời cáo buộc Mỹ ức hiếp kinh tế với các công ty nước này.
Trên tài khoản Twitter, ông Triệu Lập Kiên viết: “Nếu WeChat bị cấm thì sẽ không có lý do gì để người Trung Quốc giữ lại các sản phẩm iPhone và Apple”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok, WeChat với cáo buộc các ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Sắc lệnh sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 20/9 tới.
Trước đó, hôm 27/8, ông Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh: “Nhiều người Trung Quốc cho biết họ có thể không dùng iPhone nếu WeChat bị cấm ở Mỹ”, đồng thời cáo buộc Mỹ “ức hiếp kinh tế một cách có hệ thống đối với các công ty không phải của Mỹ” bằng cách nhắm vào các ứng dụng của Trung Quốc.
Tuyên bố mà ông Triệu đưa ra là lần đề cập trực tiếp hiếm hoi của Bắc Kinh về việc tẩy chay một sản phẩm của Mỹ trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng trong loạt vấn đề, từ hoạt động thương mại, Biển Đông, Hong Kong hay nguồn gốc COVID-19.
Theo tờ New York Times, người dùng mạng xã hội Trung Quốc hôm 28/8 đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước cảnh báo của Triệu Lập Kiên trên Twitter, (trang này bị chặn ở Trung Quốc nhưng có thể truy cập thông qua phần mềm).
“Tôi sử dụng Apple, nhưng tôi cũng yêu đất nước của mình”, một người dùng trên nền tảng Weibo giống Twitter. “Đó không phải là một cuộc xung đột”.
“Dù Apple có tốt đến đâu thì cũng chỉ là một chiếc điện thoại. Nó có thể thay thế được nhưng WeChat thì khác”, một người dùng khác phản bác. “Người Trung Quốc hiện đại sẽ đánh mất linh hồn nếu rời WeChat, đặc biệt là giới doanh nhân”.
WeChat (hay còn có tên gọi Weixin tại Trung Quốc), là ứng dụng di động cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên smartphone… hoạt động dưới dạng một cộng đồng như mạng xã hội. Đây là ứng dụng của Tencent, một trong những hãng phần mềm lớn nhất tại Trung Quốc với hơn 1,2 tỷ người dùng đang hoạt động.
Theo SCMP, WeChat cũng là nơi người Trung Quốc đọc tin tức và theo dõi các blogger yêu thích của họ. Người dùng còn có thể đặt taxi, đồ ăn, mua sắm, thanh toán hóa đơn cùng nhiều hoạt động khác.
WeChat cũng rất quan trọng đối với cộng đồng người Trung Quốc hải ngoại vì ứng dụng này không bị chặn ở Trung Quốc, trở thành công cụ phổ biến để người Hoa ở nước ngoài giữ kết nối với gia đình và bạn bè của họ tại Đại lục. Trong khi đó, một số app khác như Facebook, WhatsApp, Telegram và Line đều bị chặn.
Theo Counterpoint Research, Apple là hãng sản xuất điện thoại thông minh phương Tây duy nhất chinh phục được thị trường Trung Quốc với khoảng gần 20% doanh thu kiếm được từ đây. Hãng phân tích Canalys ước tính Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới của Apple chỉ sau Mỹ.
Gia Hưng (t/h)
Tập và Lý tranh nhau đi thị sát thiên tai
với những mưu đồ chính trị khác nhau
Trung Quốc đang phải hứng chịu trận lũ lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay, mực nước đã chạm đến chân của bức Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên, đây là điều xưa nay rất hiếm thấy. Trong dân gian cũng lưu truyền câu nói “Đại Phật rửa chân, thiên hạ loạn”. Điều này đã khiến cho dân chúng cảm thấy rất bất an.
Trận lũ này cũng làm cho cuộc chiến tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi lên bề mặt. Gần đây, Tập Cận Bình cùng Lý Khắc Cường bôn ba đi khắp nơi, tranh nhau thị sát tình hình thiên tai, các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đưa tin về hai người rất khác nhau, gây ra nhiều đồn đoán trong dư luận.
Bức Lạc Sơn Đại Phật nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là sông Dân, Đại Độ và Thanh Y ở miền Nam tỉnh Tứ Xuyên, gần đây do mực nước sông tăng vọt đã khiến bàn chân của bức tượng Phật bị ngập lụt. Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra kể từ năm 1949.
Một cư dân mạng đã đăng tải bức ảnh về bàn chân của Đại Phật trên Twitter và nói rằng: “Tôi đã làm phóng viên điều tra ở Tứ Xuyên được 10 năm, cộng với 3 năm làm phóng viên độc lập. Tôi không phải là một người mê tín, nhưng mấy ngày nay, tôi đã hơi sốc khi nhìn thấy bức ảnh này. Bởi vì có lần tôi đi công tác đến Lạc Sơn vào năm 2006, một ông lão ở địa phương đã nói với tôi rằng: ‘Đại Phật rửa chân thiên hạ loạn’. Giờ ngẫm lại thấy có chút sợ hãi.”
Dòng tweet này đã nhận được rất nhiều phản hồi từ cư dân mạng: “Cách đây 20 năm, tôi có đến thăm Lạc Sơn Đại Phật, và nghe người dân địa phương nói rằng Đại Phật là không thể rửa chân, hơn nữa lúc họ nói cũng tỏ vẻ sợ hãi”.
“Chẳng trách vì sao lại có một số kênh truyền thông Đại lục đang rầm rộ đưa tin về ‘Những ngón chân của Lạc Sơn Đại Phật lần đầu tiên bị ngập lụt kể từ năm 1949’. Có vẻ như nhiều phóng viên đã biết đến lời tiên đoán này, trong lòng họ cũng đang mong thời vận thay đổi nên đã cố tình ám chỉ như vậy.”
“Thảo nào truyền thông Đảng đưa tin nói rằng, vừa mới triển khai cho nhân viên phòng chống lũ lụt tại địa phương, chất rất nhiều bao cát để bảo vệ cảnh quan. Hóa ra là sợ Đại Phật rửa chân. Tiếc là nước quá lớn, không thể ngăn cản được.”
“Đại Phật rửa chân, thiên hạ loạn. Câu nói này nhắm rất thẳng! Khi đại hồng thủy đến, không phải thiên hạ liền hỗn loạn sao.”
Tập và Lý tranh nhau đi thị sát lũ lụt
Nhiều trận lũ lớn trong năm nay đã gây ra thảm họa nghiêm trọng ở lưu vực sông Dương Tử, đồng thời cũng khiến cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ cấp cao của ĐCSTQ trở nên gay gắt hơn. Vào ngày 19/8, đỉnh lũ số 5 của sông Dương Tử tràn qua khu vực đô thị Trùng Khánh và khiến trung tâm thành phố bị ngập lụt. Người dân địa phương cho biết, chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như vậy.
Vào ngày 20/8, mực nước tại Trạm thủy văn Thốn Than tại Trùng Khánh thuộc sông Dương Tử đã đạt mức 191,51 mét, đây là mực nước cao nhất trong vòng 100 năm qua.
Cùng ngày, đỉnh lũ số 5 đi qua công trình Tam Hiệp với lưu lượng 75.000 mét khối mỗi giây, đây là đỉnh lũ lớn nhất kể từ khi xây dựng đập Tam Hiệp đến này. Trước mắt, lần đầu tiên trong lịch sử, đập Tam Hiệp đã mở đến 11 cửa xả lũ, lưu lượng xả lũ lên đến 49.200 mét khối mỗi giây.
Vào sáng ngày 20/8, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến bay đến Trùng Khánh, sau đó ông đến thị sát tại thôn Song Bá, nằm ở khu Đồng Nam, góc Tây Bắc của thượng nguồn sông Phù Giang, cách thành phố Trùng Khánh hơn 120 km. Đoạn video trực tiếp được đăng tải trên Internet cho thấy Lý Khắc Cường đang mang đôi ủng, đi trên con đường lầy lội, ông vừa thị sát vừa nói chuyện với dân chúng đang cầm xẻng dọn dẹp bùn lắng.
Cùng đi thị sát với Lý Khắc Cường còn có thân tín của Tập Cận Bình là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhi.
Lý Khắc Cường nói với những người dân bị thiên tai rằng: “Mọi người có khó khăn gì thì cứ nêu ra, có khó khăn thì cứ nói.”
Có người lập tức trả lời rằng: “Hiện tại không có khó khăn.”
Lý Khắc Cường lại nói: “Hiện tại lũ lụt là …”
Có người vội vàng tiếp lời: “Thiên tai, thiên tai…”
Có cư dân mạng chế giễu: “Muốn biết người đã hét lên ‘thiên tai’ kia là ai? Kẻ giác ngộ này ắt hẳn là có một bàn làm việc ở Trung Nam Hải!”
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thông tin Lý Khắc Cường đi thị sát vùng bị thiên tai ở Trùng Khánh chỉ được công bố trên trang web của Chính phủ Trung Quốc trực thuộc Quốc vụ viện. Mà 2 cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật Báo lại không hề đưa một chút tin tức nào. Ngược lại, vào ngày 18/8, Tập Cận Bình cũng đã đi thị sát huyện Phù Nam, tỉnh An Huy, nơi đây lũ lụt đã tan dần, nhưng lại được báo chí Đảng đưa tin rất rầm rộ.
Trước đó, để bảo vệ Hà Nam và Giang Tô, chính quyền đã cho xả lũ vào tỉnh An Huy, người dân An Huy bị buộc phải chịu đựng thiên tai. Có cư dân mạng chế giễu rằng, ông Tập đến An Huy là để diễn kịch, nói rằng, “Lũ lụt đã đi qua, và mọi người lại tới.”
Điều đáng nói chính là việc thị sát của ông Tập ở An Huy đã làm lộ ra một vụ bê bối. Có cư dân mạng đã phát hiện ra rằng, khi ông Tập gửi lời chia buồn đến một nạn nhân bị hứng chịu thiên tai đang ôm
một đứa bé, nhưng người này thực ra là do Diêm Tĩnh, phó đội trưởng Đội an ninh của Cục Công an huyện Phù Nam mặc quần áo cải trang. Ngay sau đó, hình ảnh Diêm Tĩnh mặc đồng phục cảnh sát và đang phát biểu cũng bị lộ trên mạng.
Liên quan đến việc Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thị sát lũ lụt theo kiểu “mỗi người một hướng”, cộng thêm việc các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin không đồng nhất. Tờ “Apple Daily” của Hồng Kông dẫn lời phân tích của Ngô Cường, một học giả chính trị Đại lục nói rằng, điều này phản ánh rằng việc Lý Khắc Cường đi thị sát đã không có được sự phối hợp của bộ phận tuyên truyền và Lý vẫn còn đang ở một vị thế tương đối yếu.
Ngô Cường nói rằng, trên thực tế, dưới cái bóng của Tập Cận Bình, sự xuất hiện của Lý Khắc Cường trên các phương tiện truyền thông chính thức trong 8 năm qua là khá nhạt nhòa. Ông chỉ ra rằng, Tập Lý khác biệt nhau là do đội ngũ kỹ thuật phía sau hai bên không giống nhau, đội ngũ sau lưng mà Tập cần là “màn trình diễn chính trị”, còn Lý thì lại muốn lấy lòng các quan chức và người dân địa phương.
Ngô Cường cho rằng, nhiệm kỳ còn lại của Lý Khắc Cường không còn lâu nữa, ông tin rằng lần này Lý thăm Trùng Khánh là thật sự muốn thị sát tình hình thảm họa, và còn một mục đích khác nữa, đó là Lý muốn thu phục các quan chức địa phương và giành được sự ủng hộ của người dân địa phương.
Theo phân tích của ông Ngô, Lý Khắc Cường vẫn đang duy trì một hình ảnh gần gũi với người dân, điều này ít nhất cho thấy ông đối với ứng cử viên thủ tướng tiếp theo và di sản chính trị là có kỳ vọng. Ông đang nỗ lực theo cách đó, một cuộc đấu tranh để giành được sự ủng hộ của quần chúng, nhưng trong tình hình chính trị hiện tại, Lý Khắc Cường rất khó để có được tiếng nói.
Ngô Cường tin rằng, đây cũng là lý do tại sao Tập và Lý gấp rút đi thị sát sau khi lũ lụt đã xuất hiện 1, 2 tháng rồi. Đồng thời, nó cũng liên quan đến sự ủng hộ của các phe nhóm quan liêu tại địa phương và đường lối sau này của ông Tập có thể được chu toàn đến đâu.
Năm nay, chính quyền ĐCSTQ đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề từ các vấn đề như tình hình dịch bệnh hoành hành, lũ lụt tràn lan, kinh tế suy giảm và sự bao vây của cộng đồng quốc tế. Xung đột giữa Tập và Lý đã dần trở nên công khai, cuộc chiến giữa hai người đã dần dần phát triển thành một cuộc tranh giành quyền lực.
Lưu Duệ Thiệu, nhà bình luận nổi tiếng người Hồng Kông về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nói rằng Lý Khắc Cường không thể thách thức được Tập Cận Bình. Điều quan trọng nhất mà Lý phải làm là “tự bảo vệ” để đảm bảo rằng ông ta sẽ không gặp rắc rối gì trong nhiệm kỳ của mình, mà đây cũng là thời điểm ông Tập đang tìm cách mở đường cho việc tái tranh cử cho nhiệm kỳ sắp tới.
Đài RFI cũng cho rằng, mâu thuẫn hiện tại giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chủ yếu là về phương diện quản trị. Tập thì muốn “thể diện”, còn Lý thì muốn “được lòng dân”.
Minh Huy (Theo NTDTV)
Gập ghềnh ‘Giấc mơ Mỹ’ của giới quyền quý
Trung Quốc Đầu tư định cư thường bị lừa
Vũ Dương
Đầu tư định cư là con đường tắt để các quan chức tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoàn thành “Giấc mơ Mỹ”. Trong số những người đệ đơn xin được đầu tư định cư Mỹ, người Trung Quốc chiếm đại đa số. Tuy nhiên, con đường tắt để được nhập cư này cũng đầy rẫy những trò gian lận, khiến giấc mộng có được thẻ xanh Mỹ của không ít các quan chức ĐCSTQ vỡ tan.
Theo số liệu của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, trong mười năm qua, ít nhất 75% thẻ xanh định cư diện đầu tư EB-5 đã được cấp cho công dân Trung Quốc mỗi năm. Đầu tư định cư diện EB-5 là chương trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài lên thẳng quyền thường trú Mỹ. Quyền lợi tương đương như công dân Mỹ. Đây là chương trình định cư Mỹ chính thống, tiện lợi và đơn giản nhất dành cho những gia đình có khả năng tài chính, không yêu cầu trình độ chuyên môn.
Đài Á Châu Tự Do cho hay, đầu tư định cư diện EB-5 này hiện đang rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là trong giới quan trường ĐCSTQ.
Luật sư Quách Tiến (Guo Jin), hiện đang hành nghề tại Hoa Kỳ, tiết lộ rằng định cư diện đầu tư đã trở thành phương tiện để các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ chuyển tiền. “Không thể nói là 99%, nhưng những quan chức tham nhũng này chiếm tuyệt đại đa số”.
“Những người giàu có ở Trung Quốc lợi dụng con đường này để tẩu tán tài sản của họ, chuyển cho con cháu của họ”, ông Quách nói.
Để ngăn chặn rửa tiền và gian lận đối với những người định cư theo dạng đầu tư, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp, chẳng hạn như tăng yêu cầu đối với người nộp đơn; làm cho các tài liệu và thủ tục xác nhận nguồn tiền trở nên phức tạp hơn; tiến hành điều tra ngầm, điều tra lý lịch với Cơ quan An ninh Quốc gia; kết hợp với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ đưa ra một bản văn kiện cảnh báo, chỉ ra các sự vụ cần phải chú ý liên quan đến đầu tư EB-5 cho các nhà đầu tư tiềm ẩn.
Điều đáng nói là mặc dù định cư theo diện đầu tư EB-5 là con đường tắt để có được thẻ xanh Mỹ, có điều trong đó cũng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo.
Luật sư định cư Hoa Kỳ Trần Uy Vũ (Chen Weiyu) cho biết, rất nhiều người nộp đơn có quốc tịch Trung Quốc không quen với các dự án đầu tư bất động sản của Hoa Kỳ, thậm chí chỉ có thể đầu tư ở bên kia Trái Đất, hoặc qua sự giới thiệu của người trung gian hoặc luật sư, kết quả đã bị lừa.
“Hầu hết các vụ lừa đảo EB-5 đều là ở Hoa Kỳ. Nhiều trung tâm nơi đây đã nói dối về các dự án hợp pháp của họ. Sau khi nhiều nhà đầu tư Trung Quốc bỏ tiền vào đó rồi, những nhà xây dựng và trung tâm khu vực này cuối cùng dùng số tiền đó vào mục đích cá nhân của mình. Cuối cùng khiến những người nộp đơn EB-5 không thể nhận được thẻ xanh, giống như kế hoạch họ đã đầu tư tiền chưa hề tồn tại ”.
Năm 2017, luật sư người Mỹ gốc Trung Quốc Trần Oanh Oanh (Chen Yingying) bị buộc tội lợi dụng đầu tư “thẻ xanh” lừa đảo khách hàng. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, số tiền Trần Oanh Oanh lừa đảo được lên đến 50 triệu đô-la Mỹ, tương đương có khoảng 100 nhà đầu tư bị lừa đảo.
Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (Securities and Exchange Commission) đã kiện luật sư nhập cư người Trung Quốc ở California Trần Đan Hồng (Chen Danhong) và chồng cô về tội gian lận đầu tư định cư. Theo tài liệu của tòa án, trong 15 năm, hai vợ chồng họ đã lừa đảo số tiền của các nhà đầu tư lên đến 12 triệu USD.
Ngoài ra, trong tình huống ĐCSTQ lạm dụng thị thực đầu tư định cư EB-5 cũng khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại. “Trong vài năm qua, tôi đã thấy dự án bị bóp méo và xuống cấp này đang được rao bán. Chúng ta đang bán quốc tịch của mình cho một số người nào đó”, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley chỉ trích.
Ngày 15/6 năm nay, Đại diện Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Guy Reschenthaler và Hạ nghị sĩ Jim Jordan đã yêu cầu Văn phòng Kiểm định Chính phủ Hoa Kỳ (Government Accountability Office) thẩm tra mức độ lạm dụng thị thực đầu tư định cư Mỹ EB-5 của ĐCSTQ.
Chúng nghị viên trong thư gửi cho Văn phòng Kiểm định nói rằng: “Mặc dù đóng góp của dự án EB-5 trong việc kích thích đầu tư vốn và tạo ra cơ hội việc làm là đáng khen ngợi, nhưng mấy năm trở lại đây, rõ ràng ĐCSTQ có thể lạm dụng chính sách của dự án này với mục đích khiến các thành viên của nó có được quyền lưu trú lâu dài tại Hoa Kỳ”.
Ông Jordan là thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao nhất của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, ông cho biết từ năm 2012 đến năm 2018, 80% trong số gần 10.000 thị thực EB-5 mỗi năm đã vào tay các nhà đầu tư có quốc tịch Trung Quốc.
Theo Luo Tingting, NTDTV.com
Vũ Dương biên dịch
Vương Nghị phát đi 4 tín hiệu ‘xoa dịu’
trong chuyến thăm châu Âu
Tâm Thanh
Bị châu Âu chỉ trích vì thông tin chậm chễ và giấu giếm dịch bệnh, ngoại giao Trung Quốc nói đó là để có cú “xoay chuyển tráng lệ” giúp lại các nước trong khó khăn bằng kinh nghiệm của mình.
Theo French Canton, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm 5 nước châu Âu trong tuần này và sẽ thăm Pháp vào ngày 27/8. Chuyến đi của ông trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày một gia tăng. Trước đó, Vương Nghị đã tiết lộ với giới truyền thông ở Rome, Ý rằng, ông sẽ phát đi 4 tín hiệu trong chuyến đi của mình, Secretchina đưa tin.
Nhiều nước châu Âu quan tâm sâu sắc về luật an ninh quốc gia của Hồng Kông cuối cùng sẽ chấm dứt hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” cùng các vấn đề nhân quyền khác. Bắc Kinh phản đối Pháp và các quốc gia châu Âu trong việc hạn chế 5G của Huawei. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean-Yves Le Drian, hôm 26/8, tại Hiệp hội các nhà tuyển dụng doanh nghiệp Pháp cho biết, Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Ông nhấn mạnh rằng, Pháp yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường một cách đối
đẳng và lấy làm tiếc về các biện pháp hạn chế lâu dài của Trung Quốc, đó là buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và cạnh tranh bất bình đẳng ở Pháp.
Secretchina trích dẫn bình luận từ giới quan sát Pháp, 4 tín hiệu được đưa ra từ chuyến đi của Vương Nghị dường như được thiết kế để đáp lại sự không hài lòng của châu Âu đối với những lời nói và việc làm gần đây của Trung Quốc:
Thứ nhất là: “Chung tay cùng châu Âu chống dịch”. Vương Nghị không thừa nhận việc chính quyền Trung Quốc bị châu Âu chỉ trích vì đã trì hoãn thông tin và che giấu dịch bệnh trong giai đoạn đầu, dẫn đến sự lây lan ra toàn cầu. Thay vào đó, ông nói rằng, đó là một bước xoay chuyển tráng lệ. Ý là, phía Trung Quốc có truyền thống tốt đẹp là giúp đỡ người gặp khó khăn trong lúc nguy khốn, sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với các nước và cung cấp những hỗ trợ cần thiết để giúp châu Âu sớm khắc phục hoàn toàn dịch bệnh.
Tín hiệu thứ hai là: “Ủng hộ sự đoàn kết và phát triển của châu Âu”. Nói đến “đoàn kết”, đương nhiên là có nguyên nhân: Trong những năm gần đây, Bắc Kinh bị cáo buộc cố gắng chia rẽ và chinh phục EU, sử dụng tiền của để đào thải Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary và các nước khác, khiến EU khó đồng ý về lập trường, quan điểm của Trung Quốc. Ngay cả tuyên bố truyền thống của Liên minh Châu Âu lên án nhân quyền ở Trung Quốc cũng bị bịt miệng bởi sự phủ quyết của “Kế ngựa gỗ”.
Tín hiệu thứ ba là: “Củng cố và thúc đẩy quan hệ Trung- Âu”. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang rất căng thẳng, đặc biệt khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn tách khỏi Trung Quốc, điều này càng quan trọng đối với Bắc Kinh hơn bao giờ hết. Bắc Kinh cũng đề phòng châu Âu “tách rời” Trung Quốc.
Tín hiệu thứ tư là: “Duy trì bảo vệ hòa bình và phát triển thế giới”. Điều này dường như nhằm dập tắt những lo lắng và cảnh giác của người châu Âu về sự bành trướng toàn cầu của Bắc Kinh thông qua dự án “Vành đai và Con đường” và sự thâm nhập vào các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là kể từ sau đại dịch, sự bành trướng của Bắc Kinh đã mở rộng từ phương diện kinh tế và quân sự sang lĩnh vực hình thái ý thức. Điều này sẽ đem đến cho phương Tây “một gậy cảnh tỉnh”.
TQ bắt 10 người trên tàu từ Hong Kong tới Đài Loan
để ‘tị nạn chính trị’
Giới chức Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 10 người sau khi chặn một chiếc thuyền được cho là đang đi đến Đài Loan từ Hong Kong, các báo cáo địa phương cho hay.
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc cho biết vụ bắt giữ được thực hiện vào sáng Chủ nhật ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, gần Hong Kong.
Truyền thông Hong Kong cho biết những người trên tàu đang cố gắng đến Đài Loan để xin tị nạn chính trị.
Các báo cáo cho biết nhà hoạt động Hong Kong Andy Li nằm trong số những người bị giam giữ.
Ông Li, người bị bắt hồi đầu tháng với cáo buộc thông đồng với lực lượng nước ngoài và rửa tiền, đã bị giam giữ vì tình nghi “vượt biên trái phép”, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin cảnh sát.
Hiện vẫn chưa rõ những người đang bị giam giữ có thể bị buộc tội gì. Những nỗ lực của người từ Hong Kong để chạy trốn khỏi thành phố bằng thuyền được coi là rất hiếm.
Hong Kong đã chứng kiến làn sóng bắt giữ các nhà hoạt động trong những tuần gần đây theo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi do Trung Quốc áp đặt vào tháng Sáu.
Luật an ninh, bị nhiều người ở Hong Kong phản đối, trừng phạt những gì Bắc Kinh định nghĩa là lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức án tù chung thân.
Số vụ bắt giữ đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng luật an ninh của mình để tiến hành một cuộc đàn áp rộng rãi đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các trùm truyền thông của Hong Kong.
Hong Kong được Anh quốc trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng theo một thỏa thuận duy nhất – “một quốc gia, hai hệ thống” – mang lại cho Hong Kong các quyền tự do mà đại lục chưa từng được hưởng.
Giới chỉ trích cáo buộc Trung Quốc đang xói mòn các quyền tự do đó, dẫn đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong và căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế.
Chúng ta biết gì về vụ bắt giữ?
Một bài đăng trên mạng xã hội của Cảnh sát biển Quảng Đông hôm thứ Tư nói rằn những người bị bắt đang bị giam giữ vì tình nghi vượt biên trái phép.
Họ nói rằng các cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng đưa ra rất ít chi tiết khác. Chỉ có hai trong số những người bị giam giữ được xác định chút ít danh tính, là Li và Tang.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cho biết các nguồn tin từ cảnh sát Hong Kong và Trung Quốc đại lục xác nhận Andy Li là Li được đề cập đến.
Tờ báo cho biết, ít nhất một người khác trên tàu trước đó đã bị bắt vì cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ năm ngoái.
Đại diện cảnh sát Hong Kong Chris Tang cho biết hôm thứ Năm rằng ông đã biết về vụ chặn thuyền, nhưng nói thêm: “Hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan liên quan của đại lục.”
Vai trò của Đài Loan trong việc này là gì?
Đài Loan, một hòn đảo tự trị ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Trung Quốc, đã tìm cách giúp đỡ những người Hong Kong lo sợ về một cuộc đàn áp chính trị của Bắc Kinh.
Vào tháng Bảy, Đài Loan đã mở một văn phòng để cho phép những người từ Hong Kong di cư đến hòn đảo này. Văn phòng đã nhận được hơn 1.000 yêu cầu chỉ trong tháng đầu tiên.
Đài Loan đã độc lập kể từ năm 1950, nhưng Trung Quốc coi đây là một tỉnh nổi dậy phải được thống nhất với đại lục – bằng vũ lực nếu cần thiết.
Điều đó đã dẫn căn thẳng chính trị, với việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cáo buộc Trung Quốc đang cố ép hòn đảo này chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Tổng thống Thái Anh Văn làm gia tăng những căng thẳng đó vào thứ Năm bằng cách cảnh báo về nguy cơ gia tăng xung đột ngẫu nhiên ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Tổng thống phàn nàn về các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo, nói rằng cần truyền thông tốt hơn để ngăn chặn “những tính toán sai lầm”.
Điều gì đang xảy ra ở Biển Đông?
Mỹ và Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông đang có tranh chấp.
Vùng biển này trong những năm gần đây đã trở thành tâm điểm cho căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền đối với hai chuỗi đảo phần lớn không có người ở là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc được cho là đã phóng hai tên lửa vào Biển Đông hôm thứ Tư, một động thái mà các nhà phân tích coi là lời cảnh báo đối với Mỹ.
Vụ phóng tên lửa diễn ra cùng ngày Mỹ tuyên bố trừng phạt hơn 20 công ty Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Phát biểu tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Trung Quốc và Mỹ đang trong một cuộc “cạnh tranh quyền lực lớn”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ không “nhảy theo giai điệu của Mỹ”.
Vì sao Trung Quốc đột ngột bắt tháo dỡ
hàng loạt ‘chảo vệ tinh’ hộ gia đình?
Phụng Minh
Ai không đồng ý cho tháo dỡ sẽ phải bị phạt 10 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Sau một loạt sự cố như phong trào “Phản Tống Trung” (phản đối việc dẫn độ về Đại lục) ở Hồng Kông và dịch viêm phổi ở Vũ Hán, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải hứng chịu những phát súng từ dư luận quốc tế. ĐCSTQ đã ra lệnh khẩn cấp tăng cường phong tỏa truyền hình và đài phát thanh nước ngoài, cho dỡ bỏ một loạt các chảo vệ tinh do tư nhân lắp đặt để người dân không biết sự thật.
Theo kênh truyền thông Ý Bitter Winter vốn lâu nay vẫn quan tâm đến tôn giáo và nhân quyền của Trung Quốc, kể từ cuối tháng 4, các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra thông báo gỡ bỏ các “thiết bị thu tín hiệu vệ tinh mặt đất” do tư nhân lắp đặt. Tất cả các thiết bị này sẽ
phải được “dọn dẹp” hoàn toàn trước ngày 30/8. Những ai không tự tháo dỡ trong thời hạn sẽ bị phá dỡ, những ai từ chối phá dỡ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Vào tháng 5, một cơ quan chính quyền thành phố ở tỉnh Chiết Giang cũng đã ban hành một văn bản nội bộ tương tự, nói rằng động thái này nhằm tẩy chay sự lan truyền của các chương trình truyền hình vệ tinh ở nước ngoài và duy trì cái gọi là “an ninh ý thức hệ”.
“Thiết bị thu tín hiệu vệ tinh mặt đất” trong thông báo của chính quyền ĐCSTQ là dùng để chỉ các chảo vệ tinh nhỏ thường được người Trung Quốc ưa chuộng vì giá rẻ và thu được nhiều kênh. Mặc dù chính quyền ĐCSTQ đã quy định từ lâu rằng người dân bị cấm lắp đặt thiết bị thu vệ tinh tư nhân, nhưng chúng đã không được thực hiện nghiêm túc ở nhiều nơi. Trong quá khứ, ĐCSTQ chủ yếu sử dụng sự can thiệp gây nhiễu tín hiệu kênh để cấm mọi người nhận thông tin trên các kênh cụ thể.
Tuy nhiên, gần đây các nhà chức trách của ĐCSTQ đã bắt đầu tăng cường kiểm tra tất cả các thông tin mà công chúng nhận được và có ý định tháo dỡ hoàn toàn các thiết bị thu tín hiệu vệ tinh tư nhân.
Theo một cụ già sống một mình ở thành phố Giao Hà, tỉnh Cát Lâm: “Bí thư làng nói rằng nếu tôi không tháo dỡ, lương hưu của tôi sẽ bị hủy bỏ”. Sau khi bị bí thư làng đe dọa, bà buộc phải tháo dỡ chảo vệ tinh.
Một người đàn ông khác khoảng 70 tuổi cũng bị giới chức địa phương đe dọa rằng nếu không tháo thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của mình, ông sẽ bị phạt 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng).
Một công nhân ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, người đã tháo dỡ chảo vệ tinh tiết lộ rằng hơn 1.000 hộ cư dân ở khu vực thành thị và nông thôn của địa phương đã bị tháo dỡ hơn 700 chảo vệ tinh.
Secretchina đưa tin, nhà cầm quyền không chỉ cưỡng chế phá dỡ các thiết bị thu vệ tinh của người dân, mà còn sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để đăng tải nhiều bài báo về việc dỡ bỏ các chảo vệ tinh, nhấn mạnh rằng việc này nhằm ngăn chặn sét đánh, ngăn ngừa tai nạn rơi từ trên cao làm người qua đường bị thương, đồng thời ngăn chặn các chương trình độc hại nước ngoài đầu độc trẻ vị thành niên. Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức đại lục đã thổi phồng lên, nhưng người dân nói chung tin rằng việc hủy chảo vệ tinh là để ngăn cản việc dân chúng tiếp nhận thông tin chân thật.
“Chính phủ sợ rằng một số chương trình nước ngoài sẽ gây bất lợi cho sự thống trị của họ, vì lẽ đó nên muốn tháo dỡ hết các chảo vệ tinh trong nhà của mọi người”, một chủ nhiệm chính trị của một ngôi làng tại Liêu Ninh cho biết có rất nhiều chương trình được phát sóng ở Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan, trong đó có thông tin sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Những người khác trong chính quyền tỉnh Liêu Ninh chỉ ra rằng chảo vệ tinh có thể tiếp nhận các chương trình nước ngoài và phơi bày những vụ bê bối và tệ nạn do ĐCSTQ thực hiện với người dân đại lục, để chính phủ không thể tiếp tục cai trị. “Sự việc chính là như vậy!”
Một công nhân lưới điện ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cũng tiết lộ, lãnh đạo chính phủ trong cuộc họp nội bộ đã nói rằng chảo vệ tinh phải được loại bỏ vì nó có thể thu được các chương trình truyền hình nước ngoài. “Bây giờ thế giới bên ngoài bất lợi cho ngôn luận của ĐCSTQ, chính phủ sợ rằng người dân sẽ nghe thấy sự thật”, anh cho biết.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch
Tân Cương phòng dịch quá cứng rắn,
dân chúng không chịu được gào thét
Sau khi bùng phát dịch virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán) ngày 15/7 ở Tân Cương, Urumqi tuyên bố phong tỏa thành phố, các thành phố khác cũng phong tỏa theo.
Ngày này qua ngày khác, người dân Tân Cương không ngừng phơi bày các thủ đoạn phòng dịch quá cứng rắn của chính quyền địa phương, bao gồm cả việc nhồi thuốc, khóa cửa nhà từ bên ngoài, những người tự ý đi ra bị trừng phạt theo kiểu làm nhục, tin tức này dẫn khởi sự chú ý của dư luận. Chính quyền Trung Cộng sau đó khống chế dư luận trên mạng, bịt chặt thông tin không cho lộ ra.
Người dân: Cưỡng chế uống thuốc khiến khắp mặt khắp cổ bị phát ban
Khi một người dân ở Urumqi trả lời phỏng vấn của BBC và tiết lộ, kể từ ngày thứ 7 phong tỏa thành phố thì anh bị yêu cầu uống thuốc, vài ngày gần đây còn bị yêu cầu phải chụp ảnh lúc uống thuốc, và phải gửi vào trong nhóm chat.
Tin tức lộ ra trên mạng cũng cho thấy, ban chỉ huy phòng dịch của Urumqi yêu cầu người dân phải uống thuốc nhiều lần vào các thời gian cố định, loại thuốc phải uống là Arbidol, viên con nhộng Liên Hoa Thanh Ôn và các thuốc Trung y khác. Tổ y tế đến nhà đo nhiệt độ cơ thể, người dân phải uống thuốc trước mặt họ và còn phải chụp ảnh lưu lại.
Có người dân gửi tin nhắn tiết lộ, uống thuốc xong cảm thấy quá mẫn cảm, khắp mặt và cổ bị phát ban, khi phản ánh với nhân viên y tế, thì họ được trả lời là “buộc phải uống, nếu có vấn đề, thì kéo anh đến bệnh viện, đây là mệnh lệnh bắt buộc”. Ngoại trừ những người bị mọc mụn ác tính, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 14 tuổi ra, “tất cả những người khác đều phải uống dù là cao huyết áp”.
Còn có người dân phơi bày việc nhân viên y tế đến nhà lúc 3 giờ sáng, lấy hai bình thuốc bắt anh uống hết, trước ống quay không uống không được.
Còn có người dân phàn nàn rằng, nhân viên y tế gõ cửa lúc 2 giờ 50 phút sáng, quay video và bắt uống thuốc Trung y. Chị cho biết, bản thân mình đang trong thời kỳ chuẩn bị để có thai, không biết lúc đó đã có thai hay chưa, nhưng những người kia không thèm quan tâm, còn uy hiếp và nói rằng có quay video, đừng có tự tìm rắc rối, nếu không thì tự chịu trách nhiệm.
Trong tin nhắn mà người dân chụp và gửi lên, còn có lời của nhân viên y tế, “hiện giờ không uống thuốc thì đều là vi phạm pháp luật”.
Theo BBC đưa tin, chính sách ép buộc uống thuốc không chỉ dừng lại ở Urumqi. Một người dân ở khu vực Tây Nam của Tân Cương và quận Hòa Điền cho biết, cô không phải là người tiếp xúc gần với người nhiễm, nhưng bị ép uống thuốc hơn 20 ngày; một người dân ở thành phố Xương Cát chia sẻ, một số khu vực ở địa phương cưỡng chế người dân uống thuốc, một số khu vực chỉ phụ trách phát thuốc, còn ở khu dân phố nơi cô ở mỗi ngày đều có thêm người đến cửa thu lại túi đựng (để giám sát).
Giáo sư Kim Đông Nhạn, Viện Y học Đại học Hồng Kông cho rằng, tác dụng của Liên hoa Thanh ôn và Arbidol đối với người bị triệu chứng nhẹ “vẫn chưa có chứng cứ thật xác thực”, chính quyền dựa vào “ý chí cấp trên” mà thực hiện việc phòng dịch một cách “theo hình thức vận động” là đi ngược lại khoa học.
Khóa cửa thô bạo, người dân nào ra khỏi cửa phải chịu trừng phạt có tính sỉ nhục
Ngoài ra, người dân Tân Cương còn phơi bày trên mạng những phương thức khóa cửa thô bạo tại các khu dân phố ở các nơi thuộc Tân Cương.
Hình ảnh lưu truyền trên mạng cho thấy, một số cửa nhà dân đã bị dùng băng dính dán chằng chịt; cửa nhà của một số người bị đục lỗ và đóng thanh thép chặn cửa lên; còn có một số cửa nhà thì tay nắm cửa bị dây thép buộc chặt vào cái đai ốc bị cố định trên tường, trên cửa còn bị niêm phong.
Có người dân đăng bài trên mạng phơi bày, cha của một người bạn nằm cấp cứu tại bệnh viện thành phố Bát Lạc (Bole) nằm ở phía Tây Bắc Tân Cương, bác sĩ gọi điện đến nói tình hình không lạc quan, người bạn rất lo lắng nói với khu dân phố về tình cảnh của mình, nhưng câu trả lời là: “Anh không hiểu tình hình bây giờ sao? Hiện giờ không được ra khỏi cửa, cho dù là ai. Anh mà có chuyện thì ai chịu trách nhiệm? Tôi bận không hết việc, anh đừng có gây chuyện nữa!”.
Chủ kênh thông tin tự lập trên Weibo “Tinh tinh hấp tinh tinh” đăng bài nói, anh nhận được rất nhiều tin nhắn từ các người dùng internet ở Tân Cương, toàn Tân Cương bị phong tỏa. Những nơi cách Tân Cương cả hơn 1,000 km không có ca nhiễm nào, nhưng người dân ở đó đã không được ra ngoài hơn 1 tháng rồi; nông dân cũng không được ra ruộng vườn làm việc, hoa quả đã bị thối trên mặt đất.
Còn có sinh viên học đại học ở Tân Cương đăng bài trên mạng xã hội kêu khổ, “Tôi là người ở vùng Trung Nguyên đến Tân Cương học đại học, bị phong tỏa trong trường đã 5 tháng rồi, ngày 12/7 bà ngoại qua đời, tôi xin nghỉ phép, nhưng trường cũng không cho về. Từ nhỏ tôi được ông bà ngoại nuôi, khỏi phải nói khó chịu thế nào. Trường chỉ nói một câu, vì dịch bệnh, về thì không tiện. Trong tâm rất thống khổ. Như thể họ chưa ở vào hoàn cảnh này bao giờ. Nếu họ có cảm giác bất lực như hiện này thì sẽ thế nào? Có làm loạn lên không? Có sống chết bằng được đòi về không?”
Bài đăng nói, “Các sinh viên ở Urumqi đã bị nhốt trong trường hơn 200 ngày rồi, mỗi ngày đều nhớ nhà da diết. Trước đây, lúc đi học thì dùng hình thức phong tỏa là hiểu được, thi cử xong rồi vì sao còn không thả chúng tôi ra, nhất định phải đợi đến tháng 8, cuối cùng lại một đợt dịch nữa, hiện giờ phải đợi đến tháng 12 mới được về nhà”.
Người dân Tân Cương còn truyền nhau bức ảnh dân chúng bị trừng phạt kiểu sỉ nhục khi tự ý ra khỏi cửa. Bức ảnh cho thấy, ở Urumqi, có người bị dùng còng còng bên đường; ở Hòa Điền, một số người tự ý ra đường bị tập trung lại, mặt bị dán giấy phạt đứng; ngoài ra, còn có một số người bị đưa đến điểm cách ly và bị cách ly 21 ngày, mãn hạn rồi đồn công an lại tiến hành trừng phạt thêm nữa.
Người dân không chịu được và phát nộ, chính quyền gấp rút chặn đường lên mạng kêu ca
Ở Urumqi, cảnh tượng trong Vũ Hán thời bị phong tỏa lại xuất hiện. Trong video mà người dân chia sẻ trên mạng, do bị phong tỏa thời gian dài tại nhà, một số người dân Urumqi không chịu được nữa, hét khản cả giọng ở nhà.
Do người dân Urumqi đưa tình huống sau khi bị phong tỏa lên mạng, nên chính quyền Tân Cương lập tức đưa ra chính sách “Vào nhà hướng dẫn”, gọi hành động hét lớn của người dân là hành vi phạm pháp luật, đi dò hỏi điều tra từng nhà xem có tham dự không, và muốn hẹn người tham dự để nói chuyện.
Người dân địa phương còn tiết lộ trên mạng, ngày 23/8 khu phố của họ bị gõ cửa từng nhà, bức ép các hộ dân phải ký lời hứa không đăng các video về tình hình chân thực lên các mạng xã hội nữa.
Còn có người dùng internet tiết lộ, “Tôi gửi vào trong các nhóm bạn bè thì đều bị xóa, đăng video uống thuốc cũng vậy, những lời mà cán bộ khu phố nói cũng vậy, chưa bao giờ tồn tại được 5 phút”.
Do lo sợ áp lực của dư luận, ngày 24/8 các cơ quan ngôn luận của Trung Cộng như Tân Hoa Xã viện dẫn tin tức của ban chỉ huy công tác phòng chống dịch bệnh Urumqi nói, từ ngày 23/8, tất cả các khu phố ở 3 huyện và tất cả các khu phố không có dịch của 6 quận có điều chỉnh chính sách chống dịch, bộ phận các khu phố không có dịch thì người dân có thể hoạt động trong khu phố.
Nhưng có người dùng internet địa phương so sánh và nói, “Anh nói hoạt động trong khu phố là đi lại vòng vòng dưới sự giám sát của một nhóm người nào đó phải không? Có phải tôi đang ở trong bệnh viện tâm thần không vậy?”
Tổng hợp: Trương Bắc
Biên dịch: Lý Khung
[Video]: Núi lở 10.000 m³ đất xuống quốc lộ
ở Tứ Xuyên, Trung Quốc
Tâm Thanh
Sáng 27/8, một vụ sạt lở núi đã xảy ra ở Miện Ninh, Tứ Xuyên, Trung Quốc với khối lượng đất đá ập xuống ước chừng lên tới khoảng 10.000 m3.
Epoch Times dẫn tin Nhật báo Bắc Kinh cho hay, vào khoảng 9h sáng ngày 27/8, tại ki-lô-mét 1.596 trên quốc lộ 248, Miện Ninh, Tứ Xuyên, một phần của ngọn núi bên đường rơi từ trên độ cao khoảng 250m xuống đất. Tai nạn sạt lở đã khiến giao thông qua đoạn đường này hoàn toàn bị đình trệ.
Một số cư dân mạng có mặt tại hiện trường đã mạo hiểm chụp lại khoảnh khắc nguy hiểm này và kêu lên: “Tới rồi, Tới rồi!”
Đoạn video được đăng tải cho thấy ngọn núi sụp đổ và rơi xuống trong nháy mắt, đồng thời cát bụi bốc lên tứ phía. Trong video còn thấy có nhiều phương tiện và người dân đứng chờ trên đoạn đường bị sập.
Theo Tiêu Luật Sinh, Epochtimes
Tâm Thanh biên dịch
Ấn Độ gấp rút phát triển
các quần đảo chiến lược để chống Trung Quốc
Bình luậnNguyễn Minh
Các chuyên gia cho rằng các dự án của Ấn độ sẽ giúp ích cho nước này và các quốc gia đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương để chống lại một loạt động thái hung hăng của Trung Quốc.
Ấn Độ gần đây xây dựng một loạt dự án cơ sở hạ tầng, kinh tế và quốc phòng tại khu vực quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, nơi chiếm vị trí quan trọng trong giao thương hàng hải Tây – Đông. Các chuyên gia cho rằng các dự án của Ấn độ sẽ giúp ích cho nước này và các quốc gia đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương.
Theo các tin tức trên truyền thông ngày 25/8, Ấn Độ đang nâng cấp 2 đường băng trên 2 quần đảo trở thành căn cứ máy bay chiến đấu chính thức, đồng thời Thủ tướng Narendra Modi đã bắt đầu các dự án phát triển khác trong vài tuần qua.
“Quần đảo Andaman và Nicobar là khu vực tiếp cận quan trọng và tập trung các điểm ra vào chính của Ấn Độ Dương. Từ 2 quần đảo này có thể giám sát eo biển Malacca, một điểm chính kết nối tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương”, Pratik Dattani – một thành viên cố vấn của tổ chức nghiên cứu Bridge India có trụ sở tại London cho biết.
“Bằng cách kiểm soát điểm kết nối này, về lý thuyết, Ấn Độ hoặc Mỹ có thể ngăn chặn sự di chuyển của Trung Quốc qua eo biển, cắt đứt các tuyến đường năng lượng chính của Trung Quốc khỏi Trung Đông”.
Quần đảo Andaman và Nicobar (ANI) gồm 572 hòn đảo gần với kênh vận tải ở eo biển Malacca, nằm giữa Malaysia và Indonesia. Tuy chỉ có 38 trong số các hòn đảo có người sinh sống, nhưng chiếm 30% Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Ấn Độ.
Quần đảo này làm tăng ranh giới hàng hải của Ấn Độ vào sâu trong Ấn Độ Dương. Đồng thời, do gần eo biển Malacca nên các quần đảo này đảm bảo rằng thương mại hàng hải nhất thiết phải đi qua EEZ của Ấn Độ.
“Những hòn đảo này có vị trí chiến lược để thu hút sự chú ý của các tuyến vận tải biển quan trọng của Trung Quốc, do đó khiến Ấn Độ trở nên rất quan trọng và rất cần thiết”, Harsh Pant – giám đốc nghiên cứu và trưởng Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer, New Delhi cho biết.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định rằng 80% khối lượng và 60% giá trị của thương mại toàn cầu là đi bằng đường biển; 60% trong số này đi qua eo biển Malacca.
“Vùng biển của Ấn Độ đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc; tất cả đều phải đi qua eo biển Malacca vốn kết nối Biển Đông và mở rộng Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương”, CSIS cho biết trong một bản báo cáo.
Girish Kant Pandey – một nhà phân tích chính trị và là phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng từ Đại học Gorakhpur ở miền trung Ấn Độ – cho biết, 80% thương mại dầu của Trung Quốc và 60% tổng thương mại của nước này đi qua eo biển Malacca, và đi qua EEZ của Ấn Độ.
“Trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công trong tương lai, Ấn Độ và các quốc gia đồng minh có thể kiểm soát sự xâm lược của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn hoạt động thương mại hàng hải từ lãnh hải của họ. Việc đóng cửa Malacca sẽ buộc Trung Quốc phải đi đường vòng dài hơn, điều này sẽ làm tăng đáng kể giá hàng hóa”, ông Pandey cho biết.
Ấn Độ liên tục chú ý
Kể từ cuộc đụng độ đẫm máu vào ngày 15/6 giữa quân đội Ấn Độ và quân đội Trung Quốc tại khu vực biên giới Galwan ở Himalaya, Ấn Độ đã triển khai lực lượng tới nhiều điểm nóng khác nhau trên đất liền cũng như trên biển.
Nước này cũng đã thể hiện sự quan tâm đổi mới đến việc phát triển các đảo ANI về mặt kinh tế và chiến lược. Ngày 25/8, Truyền thông Ấn Độ đưa tin, nước này đang nâng cấp 2 đường băng ở khu vực ANI để sử dụng cho mục đích quân sự.
“Hai khu vực biển đảo này sẽ trở thành hàng không mẫu hạm mới của Ấn Độ, mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân ở khu vực xa đất liền”, một chỉ huy quân đội nước này nói với Nhật báo Ấn Độ Hindustan Times.
Ông Dattani cho biết điều này sẽ giúp Ấn Độ đảm bảo an ninh từ Vịnh Bengal đến eo biển Malacca.
Ông nói: “Hiện đây là một yêu cầu cấp thiết đối với Ấn Độ để chống lại một loạt động thái hung hăng của Trung Quốc, nhưng đây phải là một phần của kế hoạch an ninh hàng hải chặt chẽ và đầy tham vọng”.
Các kênh truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin rằng việc nâng cấp đang được thực hiện khẩn trương để chống lại chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền này đang thúc đẩy Thái Lan xây dựng một con kênh cắt qua bán đảo Malaysia, nhằm thay thế eo biển Malacca.
Vào ngày 10/8, Thủ tướng Modi đã khánh thành dự án cáp quang biển (OFC) dài 2300 km kết nối thành phố tàu điện ngầm ven biển Chennai với thủ đô của ANI, Port Blair.
“Điều này đã được thực hiện trong một thời gian và sẽ giúp liên lạc nhanh với các hòn đảo. Nhưng đó là một phần nhỏ trong chiến lược hàng hải lớn hơn nhiều mà Ấn Độ cần thực hiện cùng với QUAD và các đối tác khu vực khác”, ông Dattani nói. QUAD là một tứ giác đối thoại an ninh giữa 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.
Một ngày trước khi ra mắt OFC, Thủ tướng Modi cho biết, 12 hòn đảo của ANI cũng đã được chọn để mở rộng các dự án “có tác động cao”, nhằm biến các hòn đảo này thành một trung tâm kinh tế trên biển và là nơi quan trọng cho các công ty khởi nghiệp hàng hải.
Ấn Độ cũng đang mở rộng sân bay tại Port Blair và cũng đang tăng tốc xây dựng đường quốc lộ dài 300 km xuyên qua quần đảo.
Ông Pant nói rằng trong quá khứ, sự phát triển của các hòn đảo đã bị ảnh hưởng do thiếu sự quan tâm.
Ông cho biết: “Tuy trong quá khứ các quần đảo chỉ có duy nhất chiến khu của Ấn Độ, nhưng đã bị xuống cấp do sự chậm trễ quan liêu và sự cạnh tranh. Tuy nhiên hiện tại, trong bối cảnh quan hệ Trung – Ấn ngày càng xấu đi, thì có một yêu cầu cấp thiết mới”.
Mở cửa các đảo cho Hải quân đồng minh
Các chuyên gia cho biết quần đảo này có thể được phát triển thành một căn cứ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ và các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Ấn Độ có thể phát triển Quần đảo Andaman Nicobar như một cơ sở tiên tiến để dự phòng trong tương lai, lưu ý vị trí chiến lược của nước này trong địa lý hàng hải. Chúng tôi đã có chiến khu của mình ở đó và chúng tôi đã tham gia cuộc tập trận Malabar ở đó, cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc”, ông Pandey nói.
Cuộc tập trận Malabar là cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc trong năm nay.
“Trung Quốc có thể tiếp quản 14 hòn đảo ở Thái Bình Dương vốn đã nợ nần chồng chất và thay đổi chính sách hàng hải của họ. Các tuyến đường thương mại của Úc đi qua những hòn đảo này và đó là lý do tại sao Úc ngày càng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Đó là một lý do tại sao Úc cũng tham gia cuộc tập trận Malabar”, ông Pandey nói.
Trong một buổi họp báo diễn ra ngày 26/6 về việc tận dụng tiềm năng chiến lược của ANI, ông Sujan R. Chinoy – Tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar cho biết Ấn Độ nên mở cửa các đảo cho hải quân từ các đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Viện này là một tổ chức tư vấn do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tài trợ.
“Khi nói đến Hoa Kỳ, trong quá khứ, không có tàu hoặc máy bay hải quân nào của họ được phép tiếp cận quần đảo A&N. Đây là một vấn đề cần được chấn chỉnh vì Ấn Độ và Mỹ có Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Toàn cầu và Mỹ ngày nay là đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ”, ông Chinoy nói.
Ông Pant cho biết quần đảo này có thể trở thành tiền đồn quan trọng nhất của Ấn Độ để phát triển sức mạnh ở Ấn Độ Dương, nhưng New Delhi sẽ phải làm việc với các quốc gia có cùng chí hướng.
“Cùng với Mỹ, hợp tác công nghệ cao cấp sẽ là chìa khóa để phát triển ANI thành một tiền đồn hải quân tiên tiến, đặc biệt là một tiền đồn có thể được sử dụng để theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”, ông Pant nói.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Úc cân nhắc rút khỏi dự án
Vành đai Con đường của Trung Quốc
Hương Thảo
Úc cân nhắc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường đã ký với Trung Quốc
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào các vấn đề của Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ ban hành luật mới, cho phép ông chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng triệu đô la mà bang Victoria đã ký với Bắc Kinh, trong số hàng trăm thương vụ khác, theo the BL ngày 26/8.
Thủ tướng Morrison sẽ sử dụng quyền lực theo hiến pháp để xóa sổ hàng chục thỏa thuận giữa các bang của Úc với các chính phủ và tổ chức nước ngoài nào đe dọa an ninh quốc gia. Bất kỳ giao dịch nào được phát hiện có dấu hiệu này sẽ có thể bị hủy bỏ.
Dự luật Quan hệ Đối ngoại sẽ được đưa ra Nghị viện Úc vào tuần tới. Phạm vi của nó sẽ bao trùm các trường đại học, và sẽ mở rộng cho tất cả các thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài và các tổ chức công của Úc.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne sẽ có quyền xem xét và đánh giá bất kỳ thỏa thuận cơ sở hạ tầng tư nhân nào được kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, bao gồm hơn 100 thỏa thuận thành phố kết nghĩa — một thỏa thuận quan hệ đối tác lâu dài giữa các cộng đồng ở cả hai quốc gia Úc – Trung.
Ngoại trưởng Payne cho biết: “Những thay đổi này sẽ cung cấp niềm tin cho các chính phủ, các tổ chức, học viện và người dân Úc rằng các thỏa thuận quốc tế sẽ phải được chính phủ thẩm định để đảm bảo chúng phù hợp với lợi ích quốc gia và các giá trị của chúng tôi”.
Thủ tướng Morrison cho biết các chính sách đối ngoại và các mối quan hệ của Úc “luôn phải được thiết lập để phục vụ lợi ích của nước Úc”, tờ The Australian đưa tin.
“Một trong những công việc quan trọng nhất của chính phủ liên bang là bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia Úc”, thủ tướng Morrison nói.
“Điều sống còn là khi Úc đi đến các thỏa thuận với phần còn lại của thế giới, chúng tôi cần có một tiếng nói thống nhất, và thực hiện theo một kế hoạch thống nhất”.
Thủ tướng dự định sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả các thỏa thuận với nước ngoài, thường là các thỏa thuận bí mật đã được thực hiện với các quốc gia khác nhau, và bất kỳ hợp đồng đáng ngờ nào đã được thực hiện sẽ bị loại bỏ nếu chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Úc.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã ký thỏa thuận BRI với ĐCSTQ vào năm 2019, phớt lờ những cảnh báo liên tục của thủ tướng và cơ quan an ninh rằng làm như vậy sẽ không vì lợi ích tốt nhất của Úc.
Ba tuần trước, thủ tướng và Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) đã đệ trình một báo cáo an ninh cho các lãnh đạo nội các quốc gia, chỉ ra các mối đe dọa chủ quyền mà ĐCSTQ gây ra cho Úc, theo báo The Australian.
“Người Úc thực sự mong đợi chính phủ liên bang mà họ bầu chọn sẽ thiết lập chính sách đối ngoại. Những thay đổi và luật mới này sẽ đảm bảo rằng mọi thỏa thuận được thực hiện bởi bất kỳ chính phủ Úc ở bất kỳ cấp nào đều phải phù hợp với cách thức chúng ta đang làm việc để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia Úc”.
Các thỏa thuận giữa Úc với các tổ chức và chính phủ khác ở Nga, Iran, Ấn Độ, Israel, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Afghanistan và các quốc gia khác cũng sẽ được tái xem xét kỹ lưỡng.
Chỉ vài giờ sau khi Úc công bố luật mới,
Bắc Kinh lập tức đáp trả
Chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Úc công bố các luật mới có thể chấm dứt các thỏa thuận do Trung Quốc tài trợ ở nước này, bao gồm hủy bỏ sự tham gia Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của bang Victoria và đóng cửa các Viện Khổng Tử, Bắc Kinh lập tức đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ một lò mổ của Úc.
Theo tuyên bố từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 27/8, cơ quan này đã đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ lò mổ John Dee Warwick, nhà chế biến thịt do một gia đình sở hữu thuộc diện lâu đời nhất ở Úc, có trụ sở tại Warwick, Đông Nam bang Queensland. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là hải quan nước này đã phát hiện chất cấm chloramphenicol trong các sản phẩm thịt thăn bò từ lò mổ này.
Cơ quan hải quan Trung Quốc đã thông báo vấn đề này cho các đối tác phía Úc và yêu cầu mở cuộc điều tra liên quan đến lò mổ John Dee Warwick, đồng thời đề nghị báo cáo lại kết quả cho phía Trung Quốc trong vòng 45 ngày.
Lò mổ John Dee Warwick trở thành lò mổ thứ 5 của Úc bị Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt bò. Trước đó, vào ngày 13/5, chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ của Úc. Vào thời điểm đó, ông Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết, việc đình chỉ dường như nhằm vào “các vấn đề kỹ thuật cao”.
Động thái mới của Trung Quốc diễn ra sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo về việc ban hành luật Quan hệ Đối ngoại mới vào ngày 27/8. Luật cho phép chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc phủ quyết các thỏa thuận giữa các quốc gia nước ngoài với các chính quyền địa phương ở Úc.
Luật cũng cho phép xem xét các thỏa thuận được ký kết giữa các trường đại học Úc và các tổ chức nước ngoài.
Luật mới đã đặt một loạt các thỏa thuận do Bắc Kinh tài trợ dưới “kính hiển vi” bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi ở bang Victoria; Viện Khổng Tử trong các trường đại học Úc; hợp tác trao đổi học thuật với các cơ sở Trung Quốc; các thỏa thuận về thành phố kết nghĩa với Trung Quốc; và thậm chí là cho thuê cảng Darwin.
Tác giả: Daniel Y. Teng
Biên dịch: Từ Huệ
Nhận xét
Đăng nhận xét