Biểu tình Thái Lan: Sự trỗi dậy của thế hệ dám tranh đấu cho dân chủ

Biểu tình Thái Lan: Sự trỗi dậy của thế hệ dám tranh đấu cho dân chủ

21 tháng 10 2020

Cảnh sát đã xịt vòi rồng và hơi cay vào người biểu tình
Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát đã xịt vòi rồng và hơi cay vào người biểu tình đêm 16/10

Tiếng hò reo, ba ngón tay giơ cao của người biểu tình khắp đường phố Bangkok là dấu hiệu bề mặt của những chuyển động quyết liệt trong lòng Thái Lan, một đất nước Phật giáo nhưng có lịch sử bất ổn chính trị.

Người biểu tình đang thách thức không chỉ chính quyền thủ tướng Prayut Chan-o-cha khi yêu cầu ông từ chức và thay máu nội các. Họ còn đòi kiềm chế quyền lực của hoàng gia. Đây là một sự kiện gây chấn động bởi người dân Thái Lan, từ khi mới lọt lòng, đã được dạy phải tôn kính và yêu mến nhà vua.

Có mặt ở Thái Lan những ngày này, tôi mới hiểu được nhịp đập những tâm hồn khát khao tự do, say mê biểu đạt và tinh thần hùng hồn “Do you hear the people sing”.

Phá vỡ cấm kỵ

Hôm 14/10, một cảnh tượng đã đi vào lịch sử: người biểu tình giơ biểu tượng ba ngón tay thách thức khi đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida và Hoàng tử Dipangkorn đi ngang qua. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại một đất nước mà uy quyền hoàng gia hiện diện ở mọi khía cạnh xã hội như Thái Lan.

Thế giới từng chứng kiến cảnh tượng hàng chục ngàn người dân Thái đổ về Bangkok khóc thương cố vương Bhumibol vài năm trước. Những người nông dân lam lũ ôm chân dung nhà vua trước ngực. Những buổi cầu nguyện trước đền thờ hoàng gia người dân quỳ lạy suốt vài tiếng đồng hồ. Nhưng giờ đây, điều cấm kỵ suốt 90 năm của đất nước đã bị phá vỡ: tôn kính được thay bằng chất vấn.

Thailand"s King Maha Vajiralongkorn and Queen Suthida are pictured as the motorcade drives towards the Grand Palace in Bangkok, Thailand October 14, 2020.
Chụp lại hình ảnh,Hoàng hậu Suthida được xe chở qua đám đông người biểu tình

Tuần qua Bangkok mưa xối xả, nhưng hàng chục nghìn người vẫn kiên trì biểu tình đòi dân chủ. Họ giơ cao ba ngón tay – biểu tượng của phong trào được cho là lấy cảm hứng từ bộ phim Hungers Game nói về sự nổi dậy chống độc tài.

Ngày 16/10 đánh dấu một bước tiến khác: Bất chấp lệnh giới nghiêm khẩn cấp, người dân vẫn xuống đường khiến chính quyền phải đóng cửa các trạm tàu điện gần điểm biểu tình.

Hôm ấy tôi đứng trước cửa nhà ga phóng mắt nhìn xuống – hàng trăm bạn trẻ mặc áo học sinh trắng kiên trì đứng dày đặc. Dòng người đổ về, chì chân, không khoan nhượng.

Lượng người kéo đến Pathumwan – điểm biểu tình gần trung tâm mua sắm Siam Paragon ngày càng đông khiến hệ thống tàu ga BTS và MRT phải tiếp tục đóng nhiều trạm.

Cuối cùng, cảnh sát đã xịt vòi rồng để giải tán đám đông. Những bộ đồng phục của học sinh, sinh viên co lại dưới làn đạn nước.

Người biểu tình chỉ có dù, áo mưa đứng sát vào nhau. Các bạn trẻ ấy có thể chọn bỏ chạy nhưng họ vẫn đứng lại, bung dù đỡ làn đạn nước. Mỗi người phải là một “mainstay” – trụ đỡ phong trào này.

Người biểu tình đối đầu với cảnh sát đêm 16/10
Chụp lại hình ảnh,Người biểu tình đối đầu với cảnh sát đêm 16/10

Đêm đó, nhiều người không về nhà, nhiều người đã bị bắt.

Nước mắt đã rơi. Nỗi sợ lấp ló. Thế nhưng tinh thần phản kháng cũng tăng lên.

Ngày hôm sau, họ vẫn tiếp tục biểu tình, kiên định giơ cao ba ngón tay thể hiện ý chí bất phục tùng. Trên đường ra điểm biểu tình, tôi vẫn gặp các bạn rất trẻ đeo khẩu trang mặc đồng phục. Vai họ nhấp nhô giữa hàng ngàn đôi vai lô xô bước về điểm tập trung. Những đôi vai 17 tuổi, 20 tuổi, 30 tuổi ấy – đang nhận trách nhiệm đấu tranh vì dân chủ.

Thủ lĩnh biểu tình nổi tiếng Mike Rayong cầm loa hô giữa dòng người: “Giống như những con chó bị dồn vào chân tường, chúng tôi chiến đấu cho đến chết”.

Mike nói với đám đông: “Chúng ta sẽ không lùi bước. Chúng ta sẽ không bỏ chạy”.

Trời mưa và vòi rồng vẫn xịt. Bạn tôi đùa, hồi tháng 4, do dịch Covid nên người Thái chưa được chơi Lễ hội Songkran, giờ họ chơi bù, chơi hết mình, vì ước muốn dân chủ cho đất nước này.

Cuộc chiến giữa các thế hệ

Cuộc biểu tình mà thế giới chứng kiến tại Thái Lan không chỉ diễn ra trên đường phố mà còn ở trong mỗi gia đình Thái Lan: sự chia rẽ giữa bố mẹ và con cái.

Cũng giống như ở Việt Nam, chính trị là chủ đề nhạy cảm trong gia đình. Khi bạn muốn đi biểu tình, bố mẹ sẽ trăm lần ngăn cản vì lo sợ.

Điều đó cũng đang diễn ra trong lòng nước Thái. Những bạn trẻ Thái Lan đang phải đối đầu trực diện với bố mẹ mình. Họ đang đối đầu với chính ông bà nội ngoại, cha mẹ, những người đã quỳ trước sân hoàng gia bốn năm trước khóc thương nhà vua Bhumibol. Họ đối mặt với xung đột thế hệ lớn chưa từng có ở Thái Lan – vấn đề về Hoàng Gia.

Khác với thế hệ trước, họ được tiếp cận nhiều thông tin hơn, dũng cảm hơn và hiểu được ước muốn của bản thân hơn. Họ nói với tôi rằng họ “không thể chịu đựng thêm sự cường quyền và độc tài của chế độ hiện tại.”

Lướt giữa dòng người biểu tình hầu hết các gương mặt đều là các bạn trẻ 17 – 18 tuổi. Tôi chợt nhớ bản thân khi bằng tuổi họ, dường như chỉ nghĩ xem ăn gì, đi chơi đâu.

Panusaya Sithijirawattanakul
Chụp lại hình ảnh,Panusaya Sithijirawattanakul đọc bản tuyên ngôn 10 điểm kêu gọi cải cách chế độ quân chủ

Vậy mà Thái Lan, cô gái Panusaya Sithijirawattanakul, ở tuổi 21 tuổi đã đọc bản tuyên ngôn 10 điều cần cải cách – đả động đến hoàng gia và chính quyền.

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Panusaya cũng phải đối mặt với sự căng thẳng tột độ với bố mẹ mình. Mẹ cô kinh hoàng trước phát biểu của Panusaya và nài nỉ cô đừng tham gia biểu tình. Chiến tranh lạnh trong gia đình cũng bùng nổ.

Tôi hỏi một cậu bạn 15 tuổi tham dự biểu tình ở Lat Phrao hôm 17/10 về sự chia rẽ trong gia đình, cậu nói:

“Em thương và kính trọng bố mẹ nhưng không phải vì thế mà hy sinh những giá trị cốt lõi của bản thân. Bố mẹ tổn thương vì em đi biểu tình, em cũng tổn thương vì bố mẹ không ủng hộ. Điều đó nghĩa là mọi người rất yêu thương nhau, chỉ là bất đồng quan điểm. Em nghĩ trong gia đình, sự bất đồng có thể tìm cách nối kết miễn còn có tình yêu, nhưng phải từ bỏ bản thân để vui lòng bố mẹ thì đó không còn là gia đình”.

Điều này khiến tôi nhớ lại cuộc biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, vào ngày 5/7/2019, hàng ngàn bố mẹ đến tọa kháng tại khu công viên nhỏ Chater Garden để ủng hộ con mình.

Nếu có được sự ủng hộ của bố mẹ, liệu người trẻ Việt nam có mang nỗi sợ hay nghi hoặc bản thân khi lên tiếng về các vấn đề xã hội?

Bạn biết không, vấn đề không phải chúng ta nói đúng hay sai, mà chúng ta dám đặt câu hỏi, chất vấn để tìm câu trả lời. Quá nhiều rào cản của việc “biết gì mà bàn” đã chặn họng và cướp đi tiếng nói của người trẻ Việt Nam.

Trên Instagram của mình, Hoa hậu hoàn vũ Thái Lan 2017 - Maria Lyn Ehren đã đăng hình ảnh cô ở tại Victory Monument cầm bảng ủng hộ người biểu tình.
Chụp lại hình ảnh,Trên Instagram của mình, Hoa hậu hoàn vũ Thái Lan 2017 – Maria Lyn Ehren đã đăng hình ảnh cô ở tại Victory Monument cầm bảng ủng hộ người biểu tình.

Ở Thái những ngày này mới thấu được khúc hùng ca của tự do. Ngay cả người đẩy xe trái cây bán trên đường cũng cảnh báo cho người biểu tình biết cảnh sát đến. Những chú xe ôm mà bạn thấy trong phim Bad Genius cũng đợi chờ đón người biểu tình về nhà. Các nhà sư, giới nghệ sĩ cũng lên tiếng, treo avatar ủng hộ.

Người biểu tình ở Thái Lan – họ không đơn độc.

Sự tự trọng của báo giới

Trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ, giới chức Thái Lan đã ra lệnh điều tra bốn tờ báo nổi tiếng: Prachatai, Voice TV, The Reporters và The Standard – những kênh đã tường thuật liên tục về cuộc biểu tình.

Tại thời điểm cảnh sát bắn vòi rồng vào người biểu tình, livestream của The Reporters đã thu hút hơn 200.000 người xem trực tiếp – một con số đáng nể phục và gây lo lắng cho nhà cầm quyền. Nhà báo của Prachatai đêm 17/10 đã bị bắt trong một buổi tường thuật trực tiếp.

Nhiều người lo ngại về an nguy của các nhà báo. Nhưng những đồng nghiệp của tôi ở Bangkok, họ lại vẫn tiếp tục xuống đường, tiếp tục tường thuật.

Phóng viên có mặt giữa cảnh sát và người biểu tình
Chụp lại hình ảnh,Phóng viên có mặt giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 15/10

Nhiều người trong số họ đã treo avatar màu đen vào đêm xảy ra đụng độ, như một cách để tang cho nền dân chủ Thái Lan.

Số khác treo avatar “Journalism is not a crime” (Báo chí không phải là tội) để củng cố tự do báo chí.

Bạn tôi bảo, chúng ta là nhà báo, cần giữ trung lập nhưng không phải là làm ngơ trước sự tàn bạo của cảnh sát. Bạn nói: “Mình phẫn nộ vì người biểu tình toàn bọn trẻ, chúng không có vũ khí gì hết để chống lại với lực lượng cảnh sát đầy súng ống. Mình thực sự khóc khi thấy gương mặt hoảng loạn của mấy đứa nhỏ chạy vào trường đại học để trú thân”.

Theo quan sát của tôi, ở lằn ranh giữa người biểu tình và cảnh sát thường là nơi dễ xảy ra bạo lực nhất. Nhưng trong cuộc biểu tình hôm 15/10, ngay lằn ranh ấy, chỉ cần có tiếng la hét đụng độ là phóng viên ào tới. Các ống kính đủ loại, hàng chục smartphone chĩa trực diện vào cảnh sát và họ vô tình che chắn cho người biểu tình. Ở các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn, có khi lượng phóng viên ngang ngửa số người biểu tình.

Người biểu tình tụ tập ở Lat Phrao hôm 17/10 tiếp tục đưa ra yêu cầu đối với chính phủ.
Chụp lại hình ảnh,Người biểu tình tụ tập ở Lat Phrao hôm 17/10 tiếp tục đưa ra yêu cầu đối với chính phủ của họ

Điều này dường như khác hẳn ở Việt Nam. Khi các cuộc biểu tình phản đối Formosa, biểu tình chống Luật An ninh mạng và Luật đặc khu nổ ra ở Sài Gòn, nhiều nhà báo đã được nhắc nhở không tham gia. Số khác vẫn đi, họ bị bắt và không được các tòa soạn nơi họ làm việc bảo lãnh kịp thời.

Hầu hết các thông tin, hình ảnh của cuộc biểu tình đều từ người dân. Báo chí ít khi đả động đến. Một số nhà báo được “chỉ thị” viết bài Sài Gòn bình yên dù cuộc biểu tình đã có người đổ máu. Nhiều người bị bắt và đánh đập vì đi biểu tình. Trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Tôi còn nhớ bài báo tựa đề “Công an TP HCM khẳng định Việt Tân tổ chức gây rối” đã khắc họa một bạn trẻ có tiền án, là thành phần kích động. Sau cuộc đối chất của bạn và người viết bài, nội dung này được gỡ bỏ nhưng chưa bao giờ tờ báo lên tiếng xin lỗi đến bạn trẻ kia hay độc giả.

Trong khi đó ở Thái Lan, tờ Bangkok Post hôm 18/10 có bài “Protesters hit Bangkok train station” với hàm ý người biểu tình đã làm tê liệt hệ thống tàu công cộng. Nhưng thực chất chính phủ đã ra lệnh đóng tàu nhằm cản trở người dân biểu tình. Ngay khi vấp phải làn sóng chỉ trích, Bangkok Post đã đính chính và xin lỗi bạn đọc. Đó là sự sòng phẳng của báo chí với người đọc của mình.

image.png

Bangkok Post đính chính và xin lỗi về bài viết tường thuật về cuộc biểu tình

Cuộc biểu tình ở Thái Lan sẽ còn tiếp diễn. Nhưng để có được dân chủ, cần nhiều hơn một ý tưởng vĩ đại.

Để có dân chủ cần có hàng chục nghìn người tin vào giá trị của nó mà bất chấp mưa gió, lệnh cấm để biểu tình.

Để có dân chủ cần những bố mẹ có thể lắng nghe con cái dù không đồng tình với chúng.

Để có dân chủ cần những phóng viên tự trọng và dũng cảm đưa tin không khoan nhượng.

Để có dân chủ cần những hiệu phó như ở đại học Chiang Mai, đại học Chulalongkorn, biểu tượng của những thầy cô tuyên bố sẽ bảo vệ sinh viên mình.

Để có dân chủ cần tất cả mọi người – như tượng đài Dân Chủ – một tượng đài nhỏ và đơn độc – nhưng không khuất bóng trong tâm thế của hàng chục nghìn người đổ xuống đường trong mưa gió.

Theo BBC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?