Đọc báo Pháp – 27/10/2020

 Đọc báo Pháp – 27/10/2020

Covid-19 : Trước làn sóng dịch thứ 2,

Pháp không loại trừ trở lại phong tỏa

Anh Vũ


Nước Pháp chuẩn bị siết chặt thêm các biện pháp đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 ngày thêm dữ dội; căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ-Pháp lên cao, lợi ích của Pháp ở Trung Đông bắt đầu bị tấn công ; bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc đua của hai ứng cử viên Trump- Biden bước vào chặng nước rút gay cấn. Trên đây là những chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay.


« Covid : Pháp chuẩn bị siết chặt thêm »  là hàng tựa lớn trang nhất nhật báo le Figaro và cũng là tựa mà độc giả có thể bắt gặp ở khắp các phương tiện truyền thông Pháp hôm nay. Trước tình hình mỗi ngày có thêm hàng chục nghìn ca nhiễm, lệnh giới nghiêm dường như không đủ để ngăn chặn đà lây lan của virus corona, liên tiếp trong ngày hôm nay và ngày mai, tổng thống Macron triệu tập hai cuộc họp khẩn với Hội Đồng Quốc Phòng về y tế để tìm các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đối phó với đà lây lan của Covid -19.


Theo Le Figaro, cuối tuần qua, tổng thống Pháp Macron đã phát biểu rằng « không có sự lựa chọn nữa », tình hình y tế của cả nước đang nghiêm trọng, trước sự bùng lên của trận dịch « không còn  kiểm soát được ». Trong tuần này, chính phủ phải thông báo các biện pháp siết chặt hơn nữa để đối phó với làn sóng dịch thứ 2. Có nhiều kịch bản giải pháp đã được đặt lên bàn: Bắt đầu lệnh giới nghiêm sớm hơn ; Toàn bộ dân cư có thể bị phong tỏa trong những ngày cuối tuần ; Cho phong tỏa toàn bộ trong nhiều tuần ở các vùng dịch đang bùng nổ. Khả năng lựa chọn của chính phủ không nhiều, trong lúc họ phải cân nhắc giữa một bên là sức khỏe người dân và một bên là kinh tế. Nếu một lần nữa đặt cả nước trong phong tỏa thì sẽ là một « tai họa cho kinh tế ». Đây chính là điều khiến chính phủ đau đầu.


Nhật báo Les Echos  ghi nhận : « Covid : làn sóng dịch thứ 2 dữ dội buộc Macron ra các biện pháp thắt chặt mới ». Theo tờ báo thì tình hình chưa bao giờ nghiêm trọng như thế này kể từ đợt dịch thứ nhất mùa xuân vừa rồi. Làn sóng dịch thứ 2 mới bắt đầu đã tăng tốc mạnh chưa từng thấy, có ngày ghi nhận thêm 52 nghìn ca nhiễm mới, buộc chính phủ và tổng thống Macron phải hành động ngay. Còn báo Le Monde nhận thấy, « khi mối hoài nghi về các biện pháp xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ vẫn ngày càng lớn, tổng thống Macron buộc phải chứng tỏ là một tổng thống quyết đoán, thậm chí độc đoán ».


Làn sóng dịch thứ 2 dâng trào khắp châu Âu


Các báo cũng ghi nhận, không chỉ riêng nước Pháp đang phải hứng chịu đợt bùng phát dữ dội của virus corona mà cả châu Âu. Có thể nói là khắp châu lục, các nước đều đã và đang khẩn trương ban hành những biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời vẫn cố gắng tìm cách duy trì hoạt động kinh tế.


Phong tỏa, không còn là kiêng kỵ nữa. Một số nước như Ý đã áp dụng phong tỏa cục bộ từng vùng. Tây Ban Nha thì siết thêm lệnh giới nghiêm… Các báo đều có chung nhận xét « những tháng tới dự báo sẽ còn rất khó khăn ». Báo Le Monde chạy tựa : « Châu Âu căng thẳng trước viễn ảnh tái phong tỏa ». Căng thẳng với tốc độ bùng phát của dịch bệnh, lo lắng kinh tế đất nước suy sụp vì các biện pháp chống dịch, trong khi đó ở một số nước như Ý và Ba Lan, việc xử lý khủng hoảng y tế cùng các biện pháp giới hạn tự do bị chỉ trích, thậm chí còn bị một bộ phận dân chúng phản đối.


Khi Erdogan nhân danh người bảo vệ đạo Hồi


Chuyển qua với một thời sự khác đang nóng thêm từng ngày ở Pháp, nhưng liên quan đến ngoại giao. Vài câu lăng mạ của ông Recep Tyyip Erdogan nhắm vào đồng nhiệm Emmanuel Macron đã đẩy căng thẳng quan hệ Pháp – Thổ, vốn đã nhiều bất hòa, lên một nấc mới.


Nhiều tờ báo đều cố gắng lý giải « Vì sao Erdogan công kích thô bạo Macron », tựa chính của Le Monde. Trong khi La Croix đặt câu hỏi : Vì sao Erdogan nhằm vào nước Pháp ».


Quan hệ Paris – Ankara thời gian gần đây đã có không ít căng thẳng trên nhiều hồ sơ địa chính trị khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan không ngừng bành trướng ảnh hưởng, hành động ngạo mạn. Căng thẳng bùng lên khi tổng thống Erdogan liên tiếp có các phát biểu sỉ vả ông Emmanuel Macron bị thần kinh chỉ vì tổng thống Pháp khẳng định quan điểm bảo vệ tự do ngôn luận xung quanh các tranh biếm họa đấng tiên tri Mohamed của người Hồi Giáo liên quan đến vụ khủng bố chặt đầu thầy giáo Samuel Paty vừa xảy ra tại Pháp hôm 16/10 vừa qua.  


Xã luận báo Le Monde đặt câu hỏi : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm gì ? Trước tiên ông tìm cách khuấy thêm các xung đột ở bên ngoài và để xuất hiện trước dân chúng trong nước như là một người kiến tạo một đế chế Ottoman mới, trong lúc Erdogan đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị ở bên trong. Ở bên ngoài, Tayyip Recep Erdogan muốn chứng tỏ mình là người bảo vệ chính cho thế giới Hồi Giáo, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Ả Rập Xê Út.


Theo tờ báo, phản ứng thô lỗ của tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ còn thể hiện sự hậm hực trước việc Paris đang chuẩn bị một dự luật về Đạo Hồi, điều đó sẽ ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng trong cộng đồng người Hồi Giáo tại Pháp.


Theo Le Monde, « Pháp, trên tuyến đầu ở  Đông Địa Trung Hải, không thể bị đơn độc đối mặt với chính sách phiêu lưu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ». Các lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng bày tỏ đoàn kết ủng hộ Pháp, đây là điều quan trọng. Tờ báo kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là Đức, phải lên tiếng, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã tỏ lập trường cứng rắn hơn trước những hành động lệch lạc của Ankara trong liên minh này.


Cũng về hồ sơ này, nhật báo Công Giáo La Croix  đồng quan điểm với các báo khác, cho rằng việc « tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đả kích thô bạo ông Emmanuel Macron còn nhằm cố gắng chia rẽ châu Âu và che giấu những thất bại kinh tế, cũng như quân sự » . Xã luận La Croix khẳng định : Tất cả những việc làm thái quá, ngang ngược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua chỉ có thể được coi như là cơn bốc đồng của một lãnh đạo dân túy đang suy yếu.


Mặc dù bị lên án vì những phát ngôn thóa mạ đồng nhiệm Pháp, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không lùi bước. Ông còn khuấy động làn sóng bài Pháp ở khắp nơi trong thế giới Hồi Giáo và đặc biệt trong vùng Ả Rập.


Nhật báo Les Echos ghi nhận : « Kêu gọi tẩy chay : Ankara tiếp tục cuộc tấn công Paris ». Lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp của ông Erdogan đã kích động được ít nhiều ở các nước Hồi Giáo Ả Rập. Nhật báo Liberation nhận thấy phong trào bài Pháp ở các nước Ả Rập tuy quy mô mới manh nha, phản ứng ở từng nơi có khác nhau tùy theo tính chất quan hệ chính trị và ngoại giao với Paris. Ở chiều ngược lại đang hình thành ở khu vực Trung Cận Đông một trục chống Thổ bảo vệ Pháp, đi đầu là Ai Cập và Ả Rập Xê Út.


Bầu cử tổng thống Mỹ : Cuộc đua tập trung ở vài bang chủ chốt


Một chủ đề thời sự khác mà các báo Pháp không để bỏ qua lúc này là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, chỉ còn một tuần nữa sẽ chính thức diễn ra.


Le Figaro ghi nhận, trong chặng cuối cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, hai đối thủ Trump-Biden vẫn tiếp tục bám sát nhau. Nhưng hơn thua giữa hai đối thủ vẫn sẽ chỉ được phân định ở một vài bang.


Các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu của những ngày này vẫn cho kết quả ứng cử viên đảng Dân Chủ vượt trên ứng viên đảng Cộng Hòa với khoảng cách cả chục điểm trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng giống như kỳ bầu cử tổng thống 2016. Lần này cũng vậy, chiến trường phân định thắng thua vẫn chỉ ở một vài bang chủ chốt.


Nhưng theo Le Figaro, ở ít nhất 3 bang chủ chốt như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, Donald Trump đang thu hẹp khoảng cách, Joe Biden chỉ còn vượt trên Donald Trump có 3 điểm. Đây cũng là 3 bang mà ông Trump đã giành chiến thắng cách đây 4 năm. Ứng viên Dân Chủ cũng đang mất dần ưu thế ở 3 bang miền nam : Florida, Georgia và Bắc Carolina.


Tình hình ở các bang quyết định khác cũng đang biến động lên xuống khó lường. Chính vì thế mà cả hai ứng viên trong tuần qua đã dồn tổng lực vận động ở các bang chiến trường. Ông Trump thậm chí có ngày làm tới 2- 3 cuộc mít tinh tranh cử. Phe Dân Chủ huy động cả cựu tổng thống Obama vào cuộc. Đường đua càng ngắn lại thì càng thêm gay cấn. Không một dự báo nào có thể đáng tin cậy.


Xã luận của Le Figaro phân tích chút hy vọng cho cả 2 đối thủ. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu nước Mỹ có thay đổi so với kỳ bầu cử 2016 ? Thái độ miệt thị coi thường giới chính trị của ông Trump đã mất hẳn chưa ? Không có gì bảo đảm, nếu cứ nhìn vào sự phấn khích của những người ủng hộ vị tổng thống sắp mãn nhiệm thì thấy không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông Doanld Trump đang suy yếu. Tuy nhiên kỳ bầu cử này diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác cách đây 4 năm. Có điều cần ghi nhận: Trump vẫn là Trump, nhưng Joe Biden không phải là Hillary Clinton. Ứng viên Dân Chủ hiện tại không bị ghét bằng cựu ngoại trưởng của Barack Obama. Ý thức được điểm yếu, ông Biden tỏ kín đáo một cách khéo léo, tận dụng tối đa sự chán trường, mệt mỏi của người dân Mỹ. Trump lúc này đang phải chiến đấu với chính mình.


Còn nhật báo Les Echos thì đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dưới khía cạnh kinh tế qua bài viết ghi nhận bảng thành tích kinh tế của Trump bị Covid 19 phá hỏng. Kinh tế là vũ khí chủ đạo để giúp ông Donald Trump tái đắc cử. Thế nhưng, trận đại dịch virus corona tràn vào nước Mỹ đang cản trở tham vọng của ông Trump. Đồng thời, việc phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm mục tiêu là bảo hộ kinh tế Mỹ, nhưng chính nó đã làm thâm hụt ngân sách, tăng trưởng chậm lại và làm kinh tế Mỹ bị suy yếu, Les Echos dựa trên các số liệu của viện nghiên cứu Oxford Economic khẳng định.


Trong một bài viết khác, Les Echos cho rằng trong 4 năm làm tổng thống, ông Trump đã « không làm biến đổi được nước Mỹ như ông hứa hẹn nhưng ông đã thành công trong việc làm biến đổi diện mạo, cục diện thế giới ».


https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201027-covid-19-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-d%E1%BB%8Bch-th%E1%BB%A9-2-ph%C3%A1p-kh%C3%B4ng-lo%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%AB-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-phong-t%E1%BB%8Fa


Tin tổng hợp

(AP) – Việt Nam : Miền Trung lại chuẩn bị đón bão lớn.


Ngày 27/10/2020, khoảng 1 triệu người dân ở miền Trung đã được sơ tán để tránh bão Molave sắp đổ vào Việt Nam. Theo dự báo, bão Molave sẽ có sức gió lên đến 135 km/giờ vào sáng thứ Tư 28/10. Trước bão Molave, miền Trung Việt Nam vừa chịu hai cơn bão lớn (số 7 và 8) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Philippines, bão Molave đã khiến ít nhất 3 người dân thiệt mạng, 13 người mất tích và hơn 120.000 người phải sơ tán.


(Tass) – Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đầu tiên về hợp tác hàng hải và điều tiết đại dương. 


Diễn đàn sẽ diễn ra ngày 05-06/11/2020 tại đảo Hải Nam và do 3 tổ chức của Trung Quốc (Viện Quốc gia Thăm dò Biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc về Biển Đông, Trung tâm Nghiên cứu Trung-Mỹ) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đồng tổ chức. Nội dung được thảo luận gồm quy định toàn cầu về hợp tác hàng hải và thực tế khu vực, hợp tác về an ninh và quản lý rủi ro… Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích Biển Đông. Những yêu sách này bị đa số các nước ASEAN, kể cả những nước không có tranh chấp chủ quyền, phản đối, theo tiết lộ của một quan chức bộ Ngoại Giao Indonesia và được hãng thông tấn Antara đăng tải ngày 24/10.


(Reuters) – Nhật và Mỹ tập trận trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc gia tăng. 


Nhật Bản và Hoa Kỳ ngày 26/10/2020 đã bắt đầu các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ xung quanh Nhật Bản, để phô trương lực lượng trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Keen Sword là cuộc tập trận lớn đầu tiên kể từ khi ông Yoshihide Suga trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng trước. Mong muốn của tân thủ tướng Nhật vẫn là tiếp tục xây dựng quân đội nhằm chống lại Trung Quốc, nước đã tuyên bố chủ quyền trên các đảo do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận Keen Sword – kéo dài đến 5/11 – được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và 46.000 binh sĩ đến từ Nhật Bản và Hoa Kỳ.


(Business Insider) – Trung Quốc xét nghiệm toàn bộ 5 triệu cư dân một thành phố ở Tân Cương. 


Sau khi phát hiện một người có kết quả dương tính với Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu xét nghiệm toàn bộ 5 triệu cư dân ở thành phố Kashgar, kể từ Chủ Nhật, 25/10/2020. Tính đến sáng sớm thứ Hai, hơn 2,84 triệu người đã được xét nghiệm, và việc xét nghiệm số người còn lại sẽ được hoàn tất hôm nay, 27/10. Trước mắt, chính quyền đã phát hiện 137 người không có triệu chứng, nhưng lại cho kết quả dương tính với virus corona.


(Yonhap) – Máy bay do thám Mỹ áp sát bán đảo Triều Tiên. 


Một máy bay trinh sát Mỹ loại E-8C Joint Stars đã bay gần bán đảo Triều Tiên vào sáng sớm  27/10/2020 trên không phận Hoàng Hải. Một máy bay cùng loại cũng đã được nhìn thấy vào tối thứ Bảy trên vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Các máy bay này có vẻ thực hiện nhiệm vụ quan sát Bắc Triều Tiên trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ.


(Reuters) – Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ đến Bắc Kinh để bàn về kế hoạch tái thiết kinh tế Hồng Kông. 


Trung tâm tài chính thế giới đã bị suy yếu do tác động của đại dịch Covid-19 và phong trào đấu tranh dân chủ. Chuyến đi của bà LâmTrịnh Nguyệt Nga sẽ kéo dài 3 ngày. Trong cuộc họp báo hàng tuần ngày 27/10/2020, bà nhấn mạnh chuyến đi Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích kinh tế.


(AFP) – Belarus : Bất chấp áp lực từ chính quyền, phe đối lập thông báo phong trào đình công. 


Lãnh đạo phe đối lập, Svetlana Tikhanovskaia, ngày 26/10/2020 thông báo tổ chức phong trào đình công đòi tổng thống Loukachenko từ chức. Bà Tikhanovskaia cám ơn những người đình công, gọi họ là anh hùng và khẳng định người dân Belarus đã vượt qua được nỗi sợ bị chính quyền đàn áp. Bà nhấn mạnh phe đối lập sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi đạt được mục đích.


(AFP) – Mặt trăng có nhiều nước hơn mọi người vẫn nghĩ. 


Theo hai nghiên cứu mới được công bố ngày 26/10/2020 trên tạp chí Nature Astronomy, tổng diện tích nước trên Mặt trăng có thể lên tới 40.000 km2, trong đó 60% là ở cực nam của mặt Trăng. Nước đóng băng nằm dưới đáy sâu của vô số miệng núi lửa trên Mặt trăng. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này là rất giá trị, góp phần thực hiện các chuyến tham hiểm không gian trong tương lai.


(RFI) – Trợ cấp cho Boeing: EU chính thức được phép đánh thuế trên các sản phẩm của Mỹ.


Hôm thứ Hai, 26/10/2020, Tổ chức Thương Mại Thế Giới đã chính thức cho phép Châu Âu đánh thuế lên hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa khoản trợ cấp mà chính quyền Mỹ dành cho Boeing. Quyết định được đưa ra một năm sau một quyết định tương tự, nhưng có lợi cho Hoa Kỳ, vốn đã tố cáo Châu Âu tài trợ cho nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus. Trong số các mặt hàng Mỹ sẽ bị đánh thuế, có máy bay được sản xuất tại Hoa Kỳ, máy kéo, khoai lang, đậu phộng, thuốc lá, tương cà ketchup và thậm chí cả cá hồi Thái Bình Dương.


(RFI) – Syria: Gần 80 phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria bị tử thương trong các cuộc không kích ở Idlib.  


Gần 80 phiến quân Syria có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã    thiệt mạng ngày 26/10/2020 trong các cuộc không kích được cho là do Nga tiến hành, nhắm vào một trại huấn luyện ở Idlib. Đây là số thương vong cao nhất ở khu vực này trong tám tháng qua.


https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201027-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p


Điểm tin thế giới sáng 27/10:

Biden gọi nhầm TT Trump thành George Bush;

Bắc Kinh trả đũa truyền thông Mỹ

Hải Lam


Mục lục bài viết


•           Biden gọi nhầm Trump thành George Bush


•           Bắc Kinh trả đũa truyền thông Mỹ


•           Ấn – Mỹ hợp tác quốc phòng chống Trung Quốc


•           TT Trump tích cực vận động tranh cử, Joe Biden im hơi lặng tiếng


•           Đức cảnh báo Vua Thái Lan


Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (27/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:


Biden gọi nhầm Trump thành George Bush


Trong một sự kiện trực tuyến hôm 25/10, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã nói nhầm tên đối thủ của mình, theo Fox News.


“Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất – không phải vì tôi ra tranh cử mà vì đối thủ của tôi – đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong một thời gian rất dài”, ông Biden nói.


“Và những đặc điểm của nước Mỹ, theo quan điểm của tôi, phụ thuộc vào những lá phiếu bầu. Nước Mỹ của chúng ta sẽ trở thành điều gì? Thêm 4 năm nữa (trong nhiệm kỳ của) George… George, nếu Trump tái đắc cử, chúng ta sẽ ở một thế giới khác”, ông Biden phát biểu thêm.


Đoạn video ghi lại thông điệp trên đã được tổ chức ủng hộ đảng Cộng hòa RNC Research đăng tải trên Twitter. Tổ chức này cho rằng ông Biden dường như đã nhầm tên của ông Trump với cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.


Tổng thống Trump hôm 26/10 viết trên Twitter: “Hôm qua, Joe Biden đã gọi tôi là George. (Ông ấy) không thể nhớ nổi tên tôi”.


Bắc Kinh trả đũa truyền thông Mỹ


Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (26/10) yêu cầu sáu hãng truyền thông Hoa Kỳ báo cáo hoạt động trong vòng bảy ngày, sau khi Washington coi 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài.


Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các công ty truyền thông Hoa Kỳ bị Bắc Kinh siết hoạt động là American Broadcasting Corporation (ABC), Los Angeles Times, Newsweek, Feature Story News, Văn phòng các vấn đề quốc gia và Minnesota Public Radio.


Động thái này của phía Bắc Kinh nhằm trả đũa việc Washington đã đưa 6 cơ quan truyền thông vào danh sách cơ quan chính phủ Trung Quốc, buộc nhân viên của họ đăng ký như phái viên nước ngoài. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích động thái này đảm bảo người dân Mỹ có thể phân biệt giữa tin tức do “báo chí tự do” viết với “thông tin tuyên truyền” do những cơ quan truyền thông này đăng tải.


Ấn – Mỹ hợp tác quốc phòng chống Trung Quốc


Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 26/10 cho biết, New Delhi sẽ ký thỏa thuận quân sự chia sẻ dữ liệu vệ tinh nhạy cảm với Washington, khi hai bên bắt đầu đối thoại an ninh cấp cao nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.


Reuters cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã bay đến New Delhi để hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ.


Trước cuộc hội đàm chính thức vào thứ Ba (27/10), ông Esper đã gặp người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh và hai vị quan chức đã thảo luận về Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản về Hợp tác Không gian Địa lý.


“Hai bộ trưởng bày tỏ vui mừng rằng thỏa thuận sẽ được ký kết trong chuyến thăm”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.


Thỏa thuận sẽ cho phép Ấn Độ quyền truy cập vào một loạt dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không được coi là quan trọng để nhắm mục tiêu tên lửa và máy bay không người lái vũ trang.


Thoả thuận cũng sẽ cho phép Washington cung cấp các thiết bị hỗ trợ định vị và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến trên các máy bay do Hoa Kỳ cung cấp cho Ấn Độ.


TT Trump tích cực vận động tranh cử, Joe Biden im hơi lặng tiếng


Hôm 26/10, 8 ngày trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden có lịch trình trái ngược nhau: ông Trump tích cực vận động tranh cử ở Pennsylvania, còn Joe Biden không có sự kiện nào được lên lịch.


Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump thường xuyên chế nhạo Biden vì ông không tích cực tổ chức các sự kiện tranh cử. Hôm 26/10, ông Trump lại gọi đối thủ Dân chủ của mình là “Joe dưới tầng hầm”.


Theo Fox News, Tổng thống Trump dự kiến sẽ đến Pennsylvania vào sáng 26/10 để tham gia ba cuộc vận động tranh cử. Tổng thống sẽ bắt đầu bằng một sự kiện ở Allentown. Sau đó, ông Trump sẽ đến Lititz tham dự cuộc vận động tranh cử thứ hai trong ngày, dự kiến bắt đầu lúc 1:30 chiều. Sự kiện cuối cùng diễn ra ở Martinsburg.


Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Joe Biden không thông báo lịch trình của cựu phó tổng thống.


Đức cảnh báo Vua Thái Lan


Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Đức hôm 26/10 nói nước này đang theo dõi hành động của Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, cảnh báo sẽ có hậu quả nếu phát hiện “hành động bất hợp pháp”.


“Chúng tôi đang giám sát về lâu dài. Sẽ có những hậu quả ngay lập tức nếu chúng tôi phát hiện những hành động được đánh giá là bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu, đề cập việc Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian ở bang Bavaria, Đức. Tại đây, ông thuê nguyên một khách sạn sang trọng cho đoàn tùy tùng của mình.


Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người Thái Lan biểu tình trước đại sứ quán Đức ở thủ đô Bangkok, đồng thời gửi thư kiến nghị Berlin điều tra hành động sử dụng quyền lực khi ở Đức của Vua Vajiralongkorn.


Vua Vajiralongkorn, 68 tuổi, từ lâu đã thích sống ở Đức hơn Thái Lan. Berlin từng nói rằng sẽ không thể chấp nhận được nếu Vua Vajiralongkorn hoạt động chính trị từ Đức.


https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-27-10-biden-goi-nham-tt-trump-thanh-george-bush-bac-kinh-tra-dua-truyen-thong-my.html


Điểm tin thế giới tối 27/10:

Trump – Biden trái ngược khi nói về mối đe doạ với Mỹ;

Cảnh sát Canada bắt Mạnh Vãn Châu ra làm chứng

Hải Lam


Mục lục bài viết          


Trump – Biden trái ngược khi nói về mối đe doạ với Mỹ


Cảnh sát Canada bắt Mạnh Vãn Châu ra làm chứng


Bà Harris nhiều lần cười lớn, TT Trump nói bà có vấn đề


Mike Pompeo: Mỹ – Ấn phải tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc


Philippines tăng cường đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông


Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (27/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:


Trump – Biden trái ngược khi nói về mối đe doạ với Mỹ


New York Post cho biết, Tổng thống Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tối 25/10 (giờ Mỹ) đã trình bày những quan điểm trái ngược khi được hỏi quốc gia nào là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.


Trong cuộc phỏng vấn 60 Minutes của đài CBS, phóng viên Lesley Stahl đã hỏi Tổng thống Trump đâu là kẻ thù lớn nhất của Mỹ, ông Trump chỉ đích danh Trung Quốc, đổ lỗi cho quốc gia dưới sự cai trị của ĐCS đã xử lý yếu kém dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến thế giới gặp nguy hiểm.


“Họ là kẻ thù ở nhiều lĩnh vực, nhưng họ chính là kẻ thù. Tôi nghĩ những gì đã xảy ra thật đáng hổ thẹn, đáng lẽ chúng không nên xảy ra. Lẽ ra, họ không bao giờ được phép để bệnh dịch này vượt ra khỏi Trung Quốc và lan ra khắp thế giới. Một trăm tám mươi tám quốc gia. Đáng lẽ điều đó không bao giờ nên xảy ra”, Tổng thống Trump nói.


Trong khi đó, phóng viên Norah O’Donnell đã chất vấn ông Joe Biden rằng quốc gia nào gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.


“Tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ lúc này về việc phá vỡ nền an ninh và các liên minh của chúng tôi là Nga. Thứ hai, tôi cho rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Và tùy thuộc vào cách chúng ta xử lý, điều đó sẽ xác định liệu Mỹ – Trung là đối thủ cạnh tranh hay chúng ta sẽ kết thúc trong một cuộc cạnh tranh nghiêm trọng hơn liên quan đến vũ lực”, ông Biden nói.


Cảnh sát Canada bắt Mạnh Vãn Châu ra làm chứng


Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Winston Yep, sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada, ngày 26/10 đã ra làm chứng trong phiên tranh tụng tại tòa về vụ việc bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu.


Bà Mạnh bị giới chức Canada bắt giữ ngay tại sân bay Vancouver cuối năm 2018 theo đề nghị của Mỹ. Ông Yep cho biết, ông đã nhận được trát bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu “ngay lập tức” vào đầu tháng 12/2018. Tại tòa, ông Yep bị chất vấn về việc tại sao không bắt giữ bà Mạnh ngay khi bà đáp chuyến bay từ Hong Kong đến Vancouver mà để giới chức hải quan thẩm vấn trước trong nhiều giờ đồng hồ.


“Chúng tôi không biết chắc bà ấy đi cùng với ai và bà ấy có thể làm điều gì”, ông Yep đáp. Ông nói thêm rằng, vì trên chuyến bay còn có những hành khách khác và cảnh sát chưa bắt giữ bà Mạnh do lo ngại đe dọa đến sự an toàn của họ. “Chúng tôi không thể ập vào. Đó là một tình huống tiềm ẩn rủi ro”, ông Yep nói thêm để lý giải việc cảnh sát để cơ quan hải quan kiểm tra đồ đạc và thẩm vấn bà Mạnh trước.


Sĩ quan cảnh sát này cho biết, phía Mỹ đã yêu cầu thu giữ thiết bị điện tử của bà Mạnh và cho vào một túi chuyên dụng nhằm tránh nguy cơ nội dung trong thiết bị đó bị xóa từ xa. Ông Yep cho rằng, đề nghị của Mỹ là hoàn toàn bình thường.


Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh, ông Richard Peck, cho rằng việc giới chức hải quan Canada bắt giữ, thẩm vấn và tịch thu thiết bị điện tử và dữ liệu cá nhân của bà Mạnh Vãn Châu là một phần trong một cuộc điều tra hình sự không minh bạch có sự phối hợp giữa Mỹ và Canada. Nhóm luật sư của bà Mạnh cáo buộc, động thái đó nhằm thu thập bằng chứng theo đề nghị của phía Mỹ.


Bà Harris nhiều lần cười lớn, TT Trump nói bà có vấn đề


Theo New York Post, Tổng thống Trump hôm thứ Hai (26/10) cho biết Thượng nghị sĩ Kamala Harris thường xuyên bật cười trước những câu hỏi nghiêm túc và điều này cho thấy “có điều gì đó không ổn” với ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ.


Ông Trump đã mỉa mai cuộc phỏng vấn của bà Harris trong chương trình 60 Minutes được phát sóng hôm 25/10.“Mọi người có xem màn trình diễn của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong chương trình đó không? Điều gần như tệ hại nhất là tiếng cười của bà Kamala. ‘Haha, thật là nực cười. Hahaha’ Bà ấy tiếp tục cười. Tôi nói, “Có vấn đề gì với bà ấy không?”, ông Trump nói.


“Bà ấy sẽ không thể là nữ tổng thống đầu tiên, mọi người không thể để điều đó xảy ra. Tôi nói, “Có vấn đề gì với bà ấy không?” Bà ấy tiếp tục cười với những câu hỏi nghiêm túc”.


Bà Harris đã bật cười khi phóng viên Norah O’Donnell trong cuộc phỏng vấn “60 Minutes” nói về việc bà được đánh giá là thượng nghị sĩ “cấp tiến nhất”. “Cấp tiến” là từ được dùng để ám chỉ những người của đảng Dân chủ có tư tưởng tự do thái quá hoặc thiên tả. Bà ấy lại cười khi tự nhận mình là người thích hip-hop. Khi được hỏi bà có ủng hộ “quan điểm xã hội chủ nghĩa hay cấp tiến” không nếu trúng cử, phó tướng của ông Biden lại bật cười.


Mike Pompeo: Mỹ – Ấn phải tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc


Reuters cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 27/10 cho biết Washington và New Delhi cần phối hợp với nhau để đối đầu với mối đe dọa từ Trung Quốc.


“Hôm nay là cơ hội mới để hai nền dân chủ lớn như chúng ta xích lại gần nhau hơn”, ông Pompeo nói trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.


“Chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận hôm nay: Sự hợp tác của chúng ta đối với đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, để đối đầu với các mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với an ninh và tự do nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực”.


Philippines tăng cường đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông


Ông Jay Batongbacal – giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines, hôm 26/10 cho biết các lực lượng phi quân sự nước này sẽ được sử dụng để tăng cường giám sát và đối phó sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.


“Việc triển khai lực lượng dân quân là phản ứng của Philippines trước sự hiện diện đông đảo của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Nhu cầu thực sự cấp bách đối với Philippines là có quân số nhiều hơn trên thực địa nhằm giám sát Biển Đông”, ông Batongbacal nói trong chương trình “Matters of Fact” của ABS-CBN News.


Theo chuyên gia Batongbacal, việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân, tàu nghiên cứu và thăm dò dầu khí là một phần của chiến thuật vùng xám được Bắc Kinh sử dụng nhằm giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông.


Ông Batongbacal nhận định: “Đây là những cách mà họ có thể tối đa hóa các yêu sách của mình mà không cần dùng đến các lực lượng vũ trang”.


https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-27-10-trump-biden-trai-nguoc-khi-noi-ve-moi-de-doa-voi-my-canh-sat-canada-bat-manh-van-chau-ra-lam-chung.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn