BÌNH AN TRONG GIÔNG BÃO

 

Tác giả Nguyễn Tường TuấnNguồnDiễn Đàn Trái ChiềuNgày đăng: 2020-10-27
Mùa bầu cử Tổng thống năm 2020 sôi động hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đây! Cả thế giới chăm chú theo dõi. Đúng là một năm đầy sóng gió, giông bão, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Chúng tôi nghe, và nhận khá nhiều chia sẻ của quý vị phụ huynh về các "cậu ấm, cô chiêu" hùng hồn biện hộ cho Black Lives Matter (BLM), lên án Cảnh sát, và không thích Tổng thống Donald Trump. Theo suy nghĩ riêng, con số đó thật sự không nhiều, nhưng trong gia đình, gặp gỡ cha mẹ thường xuyên, khiến nhiều người nghĩ tất cả tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ đều như vậy. Gia đình chỉ là một phân tử rất nhỏ của xã hội, không thể cho rằng cả xã hội đều giống gia đình mình. Hình ảnh, rất đông người Việt thuộc đủ mọi lứa tuổi tràn ngập ra đường để đón đoàn xe Tổng thống Donald Trump tại California là một chứng minh. Có thể nói California đang đổi mầu từ xanh qua đỏ?
Cộng đồng Việt Nam tại Mỹ vẫn còn nhiều người trẻ, học thức, vô cùng tỉnh táo, không ai trong chúng ta không khỏi hãnh diện. Một Trần Mai Cô với những hiểu biết pháp luật, lập luận vững chắc. Khuôn mặt khả ái và xinh đẹp của Sonia Ohlala, bên một Hasuko sắc xảo, mang đến những tin tức mới nhất, hoặc cô bé non trẻ Cheyrea Hà Nguyễn dùng tiếng Anh để chinh phục bạn đồng lứa trên Youtube. Lớp trung niên, có Trần Nhật Phong và Trương Quốc Huy ... vừa thành công trong việc tổ chức người Việt đi xuyên qua các Tiểu bang về Thủ đô Washington, D.C., ủng hộ Tổng thống Trump. Xa xôi bên trời Âu, có Đặng Thế Nguyên với "Riêng một góc nhìn" hướng về Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump với tất cả lòng kính trọng. Người Việt dù ở đâu trên thế giới, sẽ không bao giờ quên sự đóng góp của những chiến binh trẻ, can trường, hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà... Tuổi trẻ Việt Nam vẫn còn đây, khi quê hương thứ hai cần.
Bài viết, xin được tặng riêng cho quý phụ huynh trăn trở về những khác biệt chính kiến trong gia đình giữa hai thế hệ, với lời cầu chúc "Bình an trong Giông bão". Quý vị không cô đơn, vì chính kẻ viết bài này cũng ở trong trường hợp của quý vị.
A. HIỂU TÂM LÝ TUỔI TRẺ
A.1. Tuổi trẻ là như thế.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhà văn nổi tiếng Mark Twain thú nhận, "Năm 14 tuổi, cha tôi ngớ ngẩn đến mức khó có thể chịu đựng, khi đứng bên cạnh ông. Nhưng đến tuổi 21, tôi rất ngạc nhiên về những gì mà cha mình đã học được trong bảy năm". (When I was a boy of 14, my father was so ignorant I could hardly stand to have the old man around. But when I got to be 21, I was astonished at how much the old man had learned in seven years). Vâng, chính chúng ta khi ở tuổi đôi mươi cũng suy nghĩ giống như thế! Tâm lý, biết nhiều, biết mọi thứ hơn cả cha mẹ là căn bệnh đương nhiên của tuổi trẻ. Khi chín mùi, hạt lúa sẽ trĩu xuống để thấy thế gian không phải chỉ có riêng mình!
A.2. Sinh con
Sinh con không có nghĩa là thông minh hơn nó. Nhiều phụ huynh vẫn còn bị ảnh hưởng trong huyết quản về văn hoá Khổng Mạnh từ ngàn năm trước. Ông Khổng Tử chết từ kiếp nào đến giờ, nhiều giáo điều của ông đã lỗi thời với thế giới @ hôm nay. Cha mẹ lúc bực tức, thường mắng con "ai đẻ ra mày?" Câu này vô duyên tận cùng. Chính kẻ viết bài cũng đã dùng khi mắng cậu con trai đầu lòng năm cháu học tiểu học ở trường Mỹ, và thằng bé lúc đó khoảng lớp 4 hay 5 gì đó, tỉnh bơ trả lời: "Bố chỉ cần 15 phút để đẻ ra con!" Úi chao! Tối hôm đó kể cho vợ nghe, và cả hai chúng tôi học bài học này thấm thía vô cùng, nhớ đến già! Đừng dựa vào tuổi tác để bị hố to như kẻ ngu dốt này.
A.3. Con hơn cha là nhà có phúc!
Chúng ta hơn con cái về kinh nghiệm sống, những đau thương trải qua trong lao tù cộng sản, vất vả lo cơm áo gạo tiền, nuôi chúng nên người. Đừng kể công lao! Cha mẹ chẳng từng nuôi chúng ta và các cụ có nề hà gì đâu. Kinh nghiệm con cái không giống mình, chúng được huấn luyện trong học đường Mỹ. Nhiều em sinh trưởng ngay trên quê hương thứ hai, được giáo dục tại nhà trường 8 tiếng mỗi ngày, thời gian thật sự gần gũi với bố mẹ chưa được 2 tiếng. Bài vở, nhiều phụ huynh không thể giúp con cái vì trở ngại ngôn ngữ. Thậm chí, có những gia đình phải nhờ con làm thông dịch viên khi tiếp xúc với xã hội Mỹ ... Điều này, không ít thì nhiều khiến các em có suy nghĩ, cha mẹ là đồ cổ, nhiều lúc đúng đấy! Chấp nhận thực tế, chớ dại suy nghĩ là mình thông minh, hiểu biết mọi điều hơn chúng.
A.4. Tại sao con cái lại có khuynh hướng thiên tả?
Trong nhiều năm qua, nền giáo dục Mỹ đào tạo các thầy cô tại học đường với những triết lý tự do khá cực đoan, và thiên tả! Mọi việc đổ tội lên đầu nước Mỹ, từ đó mới có một Obama đi xin lỗi cả thế giới. Nước Mỹ là nguồn cơn của nô lệ da đen! Thủ phạm tạo ra chiến tranh Việt Nam! Đốt cờ Mỹ là quyền tự do ngôn luận! Đạp đổ mọi thần tượng tôn giáo lẫn lịch sử! Phá thai là quyền của người phụ nữ! Mỗi ngày, con em chúng ta ngồi trong lớp vài tiếng, bị đầu độc bằng những suy nghĩ như trên. May là chúng chưa điên cuồng đến ôm bom liều chết như bọn khủng bố ISIS! Vladimir Lenin từng nói, "Giao cho tôi huấn luyện bọn con nít trong bốn năm, và những hạt giống tôi gieo sẽ không bao giờ bị đào thải" (Give me four years to teach the children and the seed I have sown will never be uprooted). Bạn tính xem con cái mình mỗi ngày ngồi trong lớp bao nhiêu giờ, lên đến đại học bao nhiêu năm? Đó là thời gian các em bị "tẩy não".
B. CHINH PHỤC NHƯ THẾ NÀO?
B.1. Chấp nhận ý kiến khác biệt.
Bạn không thể thay đổi suy nghĩ của người khác nhanh chóng như mong muốn. Càng chống đối, phản ứng càng mạnh. Tranh luận về chính trị hoặc tôn giáo là hai điều nhanh chóng gây ra xung đột. Cha mẹ chọn Tổng thống Trump, con cái thì chúng không như thế. Không sao cả, đừng đỏ mặt tía tai. Chăm chú lắng nghe xem các em nói gì, đừng cắt lời. Nếu bạn để yên cho con cái nói, không khí sẽ bớt căng thẳng hơn là nhẩy vào đốp chát tay đôi. Khi bạn tập trung 100% lắng nghe, các em cảm thấy được tôn trọng, và khi bạn nói chúng cũng sẽ học bài học "lắng nghe 100%" của bạn. Nhớ đến định luật Newton về phản hồi "Định luật thứ ba về chuyển động của Newton đối với mọi hành động, đều có một phản ứng ngược chiều như nhau" (Newton's third law of motion states that for every action, there is an equal opposite reaction). Không cần phải đồng ý tất cả, hãy chọn những điểm mình có thể chấp nhận và cho các em biết. Như vậy sẽ giảm đi sự chống đối. Chấp nhận suy nghĩ của con cái sẽ làm cho không khí bớt căng thẳng, dễ nói chuyện cùng nhau.
B.2. Biết kiểm soát cảm xúc
Theo dõi truyền hình, ai cũng thấy Tổng thống Donald Trump rất giỏi về nghệ thuật này. Ông từng là một thương gia thành công và thất bại có đủ, thương trường còn nguy hiểm gấp nhiều lần chiến trường, một quyết định sai lầm vài tỷ USD bốc hơi nhanh chóng. Khi làm Tổng thống, trong bốn năm liên tục ông phải đối đầu với đảng Dân chủ, báo chí truyền thông hơn 95% chống đối, những lần họp báo tại Toà Bạch Cung bọn phóng viên thiên tả tấn công cá nhân ông như bầy "Linh cẩu" (Hyena) đói khát, và ông đứng vững, điềm tĩnh, đáp trả. Trong khi Joe Biden, chỉ cần một câu hỏi ông ta không thích là nổi máu Trương phi ngay. Buổi tranh luận đầu tiên. Joe Biden đã xúc phạm Tổng thống Trump, và mất điểm với cử tri! Đừng quên, cha mẹ có thể hy sinh cả mạng sống cho con cái, khác biệt chính kiến không phải là lý do để nặng lời cùng nhau! Hãy nhẹ nhàng cho con bạn biết suy nghĩ khác biệt của mình về vấn đề gì đó, nhưng không xúc phạm chửi bới con cái.
B.3. Tấn công vào vấn đề, không tấn công cá nhân
Không đồng ý với nhau là chuyện thường tình. Vấn đề khó là nhiều người không kiểm soát được nóng giận, quay ra chửi bới, thậm chí văng tục hoặc đập phá đồ đạc xung quanh! Chửi thề, văng tục, giận cá chém thớt, bạn đang xúc phạm đến con mình! Nếu cảm thấy áp huyết tăng cao, tạm ngưng cuộc tranh luận, và cho các em biết, bố hay mẹ cần thời gian để suy nghĩ thêm và chấm dứt. Bạn không thể chinh phục khi tấn công hay xúc phạm đến người đối thoại.
B.4. Đừng bận tâm chuyện nhỏ
Sai lầm quan trọng nhất của cả phụ huynh lẫn con em là chúng ta chỉ nhìn vào một khác biệt nhỏ, và quên đi bức tranh lớn. Thí dụ, có người không thích Tổng thống Trump vì ông ta chống phá thai, ăn nói không giống một chính trị gia "chuyên nghiệp" quá thẳng thừng, bộp chộp ... Đó là những chi tiết NHỎ. Một Tổng thống , đứng đầu 328 triệu dân, làm việc với gần 200 quốc gia, còn cả trăm việc khác để chúng ta thẩm định. Tôi ghét Trump vì ông ta coi thường phụ nữ (không có bằng chứng, ngoài vài câu nói vu vơ của đàn ông trong lúc vui đùa. Các cô, bà chẳng lẽ không hề nói xấu sau lưng đám đàn ông chúng tôi?). Hoặc bố mẹ nói tôi thích Trump vì ông ta chống cộng. Thật ra, tất cả chỉ là một vài nét chấm phá trong toàn bộ bức tranh! Đa số cả hai phía rơi vào cái bẫy này! Không một Tổng thống nào có thể đáp ứng được mọi đòi hỏi của chúng ta. Tại sao cả hai không nhìn vào những gì Tổng thống Trump làm trong bốn năm qua? Ông đã thực hiện được bao nhiêu % điều mình hứa khi tranh cử? Trước ông, có vị Tổng thống nào làm được nhiều như thế trong nhiệm kỳ đầu? Không cần biết ông đã quen bao nhiêu phụ nữ, mấy lần ăn bánh trả tiền, tôi không bầu Đức Giáo Hoàng! Tôi phải chọn một người có thể đối đầu với Tập Cận Bình, một người sẵn sàng dọn dẹp đám đầm lầy trong chính trị Mỹ, một người biết phục hồi nền kinh tế, một người lưng đứng thẳng và đầu gối không biết quỳ. Tuỳ theo hoàn cảnh và trường hợp, cũng có lúc dùng bức tranh nhỏ để lôi kéo người khác tránh xa những sai trái lớn! Thí dụ, ngày Thứ hai 19/10, chỉ còn 15 ngày nữa là đến ngày bầu cử (mặc dù hiện nay đã có một số tiểu bang cho bầu trước). Vấn đề Joe Biden đối đầu lớn nhất trong lúc này là hơn 26,000 e-mails của cậu ấm Hunter Biden tham nhũng với công ty Burisma của Ukraine, việc làm ăn hằng tỷ USD với Tầu cộng, và ông bố Joe Biden ăn chia 50%. Chuyện lem nhem này lớn gấp ngàn lần vụ Watergate khiến Tổng thống Nixon phải từ chức. Joe Biden may hơn là có đám báo chí, truyền thông che dấu, nhưng sẽ không được bao lâu, khi Uỷ ban Tư pháp Thượng viện công khai đòi FBI điều tra. Để lấp liếm chuyện này, ban vận động của Joe Biden tuyên bố, ông ta sẽ công bố lập trường của mình trước ngày 3/11 về việc bổ nhiệm thêm Thẩm phán vào Tối cao Pháp viện (packing court) nhằm lấy phiếu cho đảng Dân chủ. Xưa rồi Diễm ơi, lúc này ai thèm để ý đến chuyện đó! Trừ khi ăn gian phiếu, không cách nào Joe Biden thắng được. Họ muốn chúng ta quên đi cậu ấm Hunter Biden, và áp dụng chiến thuật lôi kéo sự chú ý vào chuyện NHỎ. Đừng rơi vào chiếc bẫy này. Cả hai, hãy nhìn vào bức tranh lớn, thay vì bấu víu vào điểm khác biệt nhỏ.
B.5. Tập trung vào một đề tài
Bạn có thật sự hiểu mình muốn nói gì không? Điều này vô cùng quan trọng. Người chiến binh trước khi ra trận phải chuẩn bị, biết địch, biết ta, trăm trận đánh, trăm trận thắng. Tìm hiểu qua lắng nghe, để biết đề tài nào con bạn chú tâm nhất? Chống hay ủng hộ phá thai? Kinh tế hay quyền sở hữu súng? Công ăn việc làm hay di dân bất hợp pháp? Đừng tham lam, tấn công mọi vấn đề, cả hai sẽ bị lạc vào mê hồn trận, đi xa và không tìm ra lối thoát!
Thay đổi suy nghĩ của bất cứ ai, trong hay ngoài gia đình không phải là một buổi nói chuyện có thể làm được, trừ khi bạn rất nổi tiếng, như Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hoặc Tổng thống, và ngay cả những vị này, cũng sẽ có người không đồng ý. Hãy tập trung ngắn gọn vào một chủ đề. Thí dụ, gia đình chúng tôi, hai vợ chồng bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Cậu con lớn chưa biết, cậu thứ hai và cô vợ Mỹ có khuynh hướng theo Dân chủ nhưng không khoái Joe Biden, cậu út thì ghét Trump. Biết thế, nên vợ chồng chúng tôi không muốn tranh luận để thay đổi ý kiến các con. Thay vào đó, vợ tôi chỉ nói MỘT ĐIỀU duy nhất, và chỉ MỘT thôi. Mẹ là người Công giáo, và chống phá thai. Nếu mẹ phá thai, thì giờ này đâu có các con? Chừng đó là đủ rồi, để các con suy nghĩ. Tập trung vào một vấn đề, cả hai cùng lưu ý sẽ dễ thuyết phục hơn. Tranh luận nhiều đề tài, sẽ lạc vào "mê hồn trận" của "cảm xúc" và đưa đến bất hoà gia đình.
B.6. Nhường chuyện nhỏ để thắng trận lớn
Đừng bao giờ đòi hỏi mình phải thắng tất cả, làm việc đó, bạn sẽ đẩy con cái vào con đường giống như mình, chúng cũng muốn chiến thắng 100% đưa đến gia đình tan vỡ. Những gì con cái có lý, chấp nhận. Khi các con thấy ý kiến của chúng được tôn trọng, không khí sẽ nhẹ nhàng và giúp các con dễ đồng ý với mình ở những điểm khác. Tình cảm gia đình là quan trọng, chính yếu, bất đồng chính kiến là chuyện nhỏ, không thể đánh đổi với hạnh phúc gia đình.
B.7. Đất nước trên đảng phái
Chúng ta có thể ghi danh vào đảng chính trị khác nhau. Cha mẹ Cộng hoà, con Dân chủ, hoặc Độc lập. Điều đó không có nghĩa là phải trung thành với đảng mình. Ông Thái Bá Tân một nhà thơ trong nước nhắn nhủ: "Vất mẹ cái khẩu hiệu - Còn đảng là còn mình - Lỡ mai kia đảng chết - Chẳng lẽ mày quyên sinh?".
Người Mỹ thực tế hơn, họ đổi đảng không chút vấn vương. Nếu đảng Cộng hoà hay Dân chủ, đi ngược lại niềm tin và mong muốn của tôi. Xin chia tay, chào tạm biệt! Có người vẫn ở trong đảng, nhưng lại bầu cho ứng cử viên đối lập! Một số đông người Việt vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn này, cho rằng mình phải bầu cho người trong đảng! Sai lầm lớn lao! Bạn có muốn một Tổng thống như Joe Biden, trở thành mafia khi ra nước ngoài, dùng tiền viện trợ Mỹ đến từ thuế của chúng ta để câu lợi cho con trai, và hưởng 50% trong số tiền bất chính? Bạn có muốn một Tổng thống Mỹ đi xin lỗi cả thế giới, cúi gập đầu trước lãnh tụ ngoại quốc, chở cả tỷ USD trên máy bay đi hối lộ cho Iran như Barrack Obama? Bạn có bầu cho một ứng cử viên không dám nói một lời đến Antifa, Black Lives Matter hay Anarchy? Chúng ta phải vượt qua cái hàng rào "đảng". Yêu nước, chứ không yêu đảng!
Bản thân tôi, ghi danh Cộng hoà, và nếu ông Joe Biden thuộc đảng Cộng hoà, dí súng vào đầu tôi cũng không bầu cho ông! Và nếu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Dân chủ, bằng cả trái tim tôi sẽ bầu cho ông. Chúng ta chỉ bầu cho những ai thật sự có khả năng lĩnh đạo đất nước, bất kể Cộng hoà hay Dân chủ! Quên đảng đi và đặt đất nước lên trên đảng.
B.8. Đồng ý điều không đồng ý
Tôi có người bạn Mỹ, chị từng làm Tổng Giám đốc một công ty giầy lớn nhất Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong công việc cả hai đồng ý với nhau rất nhiều điểm, trở nên thân thiết vì thế. Nhưng nói đến chính trị, 180 độ trái ngược. Chị là người Dân chủ và mỗi tháng chúng tôi đi ăn với nhau một lần, lại chỉ nói chuyện chính trị! Không hề tranh luận, mỗi bên tha hồ trình bầy suy nghĩ của mình, cuối cùng cả hai nâng ly chúc mừng "Đồng ý trong cái không đồng ý". Lý Tiểu Long có câu triết lý ngắn gọn, "Hãy trở thành nước" (Be a water). Nước chẩy, đá mòn. Thay đổi con người không dễ. Nếu không thuyết phục được con cái hôm nay, đừng hờn giận mất vui. Chấp nhận và để thời gian làm nước thay đổi các em. Tránh xa những vấn đề chính trị, tôn giáo, có thể tạo ra xung đột lớn. Hãy cho mọi người trong nhà biết, cha mẹ chấp nhận suy nghĩ của các con, và mong rằng các con cũng sẽ tôn trọng bố mẹ. Không việc gì mà phải cãi nhau chí tử, hạnh phúc gia đình là trên hết. Nguyên tắc này gọi là "Chấp nhận điều không chấp nhận" (Agree to Disagree).
----------------
Còn đúng 13 ngày nữa! Chúng ta hãy chiến đấu cùng Tổng thống Donald Trump. Riêng năm nay, đảng Dân chủ trong thời gian qua đã không còn nhân tài, cứ nhìn vào Chuck Schumer, Nancy Pelosi, Adam Schiff, Jerold Nadler, Maxine Waters ... Bộ tứ "quái thai" (squad) toàn bọn "ăn hại đái nát". Hãy giúp Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai bằng cách đưa bọn Dân chủ giả hiệu này về vườn, lấy lại quyền kiểm soát hai viện. Hãy bầu cho Cộng hoà tại các chức vụ dân cử từ trung ương đến địa phương. Nếu họ không được việc, hai năm sau tống cổ về vườn.
Giông bão còn xẩy ra, nhưng chúng ta sẽ bình an! Xin Thượng Đế bảo bọc chúng ta và quê hương Hoa Kỳ qua giông bão!
Nguyễn Tường Tuấn
tuan@1teamConcept.com 21/10/20
 
----------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?