Tin khắp nơi – 29/10/2020

 Tin khắp nơi – 29/10/2020

Nếu đắc cử, ông Joe Biden sẽ tham khảo

ý kiến các đồng minh về tương lai

của thuế Hoa Kỳ đối với Trung Cộng

Tin từ WASHINGTON/NEW YORK – Vào hôm thứ Tư (28/10), các cố vấn hàng đầu của ông Joe Biden cho biết ông sẽ ngay lập tức tham khảo ý kiến của các đồng minh chính của Hoa Kỳ trước khi quyết định về tương lai của thuế Hoa Kỳ đối với Trung Cộng, tìm kiếm một “đòn bẩy tập thể” để tăng cường sức mạnh chống lại Bắc Kinh nếu ông đắc cử tổng thống.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters sáu ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, hai phụ tá của ông Biden cho biết xuất phát điểm sẽ là không lặp lại sai lầm của Tổng thống Trump khi ông đơn phương áp thuế lên hàng hóa châu Âu và Canada như một phần trong chương trình nghị sự “America First”, làm phật lòng các đối tác chính của Hoa Kỳ.

Các cố vấn từ chối cho biết liệu ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, nếu được bầu, có hướng đến việc dỡ bỏ các mức thuế lớn đối với Trung Cộng mà tổng thống Trump sử dụng để thúc đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không.

Tranh chấp thương mại gay gắt này chỉ là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, hai quốc gia có quan hệ đạt mức suy thoái nhất trong nhiều thập niên vì nhiều vấn đề, bao gồm coronavirus, Hồng Kông, trộm cắp tài sản trí tuệ, nhân quyền, Đài Loan và Biển Đông.

Trung Cộng là một trọng tâm chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Trong các cuộc vận động chính trị, tổng thống Trump thường tuyên bố rằng ông Biden sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Cộng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/neu-dac-cu-ong-joe-biden-se-tham-khao-y-kien-cac-dong-minh-ve-tuong-lai-cua-thue-hoa-ky-doi-voi-trung-cong/

Chiến dịch tranh cử bị chia rẽ,

ông Biden không còn được ưu ái?

Hương Thảo

Tác giả Chu Hiểu Huy đã có bài phân tích trên Epoch Times, cho thấy nhiều nhân viên trong chiến dịch của ông Biden đã thay đổi lập trường.

Cho đến nay, vụ bê bối của gia đình ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẫn tiếp tục “lên men”. Theo báo cáo của New York Post về Hunter Biden, con trai Joe Biden đã lợi dụng tư cách phó tổng thống của cha mình để thực hiện các giao dịch mua bán quyền lực với các công ty nước ngoài, bao gồm cả công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Trung Quốc Hoa Tín. Sau khi bị lộ hàng chục nghìn email, hàng

nghìn bức ảnh và nhiều video cùng 3 nhân chứng dùng tên thật, Hunter đã bị điều tra về ít nhất hai khía cạnh: nghi án khiêu dâm trẻ em và rửa tiền xuyên quốc gia.

Tony Bobulinsky, đối tác cũ của Hunter, cũng đã làm chứng công khai, xác nhận rằng tin tức trên New York Post là đúng sự thật và ông Joe Biden đã biết về giao dịch của con trai mình. Sau đó, những video khiếm nhã của Hunter được công khai, và đoạn ghi âm chứng thực rằng anh ta kinh doanh với đối tác đầu tư gián điệp của Cộng sản Trung Quốc cũng bị lộ.

Trước những email, video, bản ghi âm và những nhân chứng hùng hồn, các công ty công nghệ cao như Twitter, Facebook và nhiều phương tiện truyền thông chủ lưu ủng hộ đảng Dân chủ đang cố gắng đến kiệt sức để che đậy sự thật, chúng ta cũng nhận thấy sự thiếu tự tin trong lời phủ nhận của chính Biden và nhóm vận động của ông ta, cũng như sự bối rối của lão tướng của đảng Dân chủ Adam Schiff khi lời dối trá đổ lỗi vụ việc cho Nga bị xé toạc.

Đối với những người Mỹ đã ủng hộ Biden và thậm chí yểm trợ cho Biden trong chiến dịch của ông ta, khi nhìn thấy tất cả những điều này, liệu họ có còn tin vào sự lựa chọn của mình?

Sự gia tăng của nội dung tìm kiếm “Tôi có thể thay đổi phiếu bầu của mình không?” (Can I change my vote?) xuất hiện trên công cụ Google trong những ngày gần đây đã đưa ra câu trả lời. Theo thống kê từ Google Trends, các khu vực có lượt tìm kiếm liên quan tăng mạnh chủ yếu ở Utah, Idaho và Pennsylvania, tiếp theo là New Mexico, Michigan, Arizona, Missouri, Nevada, Minnesota và Wisconsin. Trong số các tiểu bang nói trên, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania và Arizona nằm trong sáu “tiểu bang chiến trường” quan trọng nhất.

Hiện tại, có bảy tiểu bang, bao gồm Wisconsin, Michigan và Minnesota, cho phép cử tri thay đổi phiếu bầu của họ. Không nghi ngờ gì nữa, những người muốn thay đổi phiếu bầu là những cử tri đã bỏ phiếu cho Biden. Ngoài những cử tri trung lập, những cử tri này không loại trừ là những cử tri cánh tả ôn hòa. Điều khiến họ thay đổi chỉ có thể là vụ bê bối đang liên tục “lên men” của Biden và con trai ông ta, cho dù đó là những video khiếm nhã hay bằng chứng về sự cấu kết chính trị, thương mại ngày càng gia tăng, đặc biệt là sự câu kết bí mật với ĐCSTQ.

Những điều này chắc chắn đã tạo thành xung kích cự đại đến tâm lý của họ. Đương nhiên, họ không thể yên tâm rằng đất nước sẽ bị điều khiển bởi một người như vậy. Suy ra từ đó, có bao nhiêu cử tri chuẩn bị bỏ phiếu cho Biden sẽ từ bỏ phiếu, hoặc chuyển sang Trump? Điều này sẽ tạo thành ảnh hưởng như thế nào đến cuộc tổng tuyển cử?

Vào ngày 25/10, một bài đăng ẩn danh được cho là từ những người trong chiến dịch tranh cử của Biden đã xuất hiện trên Internet, tiết lộ tin tức gây sốc.

Bài đăng đầu tiên nêu rõ: “Không ai bàn luận về điều này, nhưng biểu hiện của mọi người tự nói lên tất cả. Chiến dịch này đã kết thúc. Tôi cảm thấy xấu hổ khi tham gia vào chiến dịch của Joe, và tôi không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. Có một số nhân viên và tình nguyện viên chiến dịch đã lựa chọn ra đi, đã mấy ngày nay không còn thấy ai, nơi đây hoang vắng như một thị trấn ma. Đăng xong bài này, tôi cũng bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa. Joe thật đồi bại. Gia đình ông ta có vấn đề nghiêm trọng”.

Điều được tiết lộ giữa các dòng trong đoạn văn này là sự thất vọng và xấu hổ của các nhân viên chiến dịch bầu cử của Biden, và chính những vụ bê bối tham nhũng của Biden và các thành viên trong gia đình ông ta đã khiến họ cảm thấy như vậy. Bất kể Biden phủ nhận điều này như thế nào, thì đại đa số các nhân viên bên cạnh ông ta khi đối diện với sự thật đều không thể giả vờ nhìn không thấy. Rốt cuộc, họ lớn lên theo hệ thống dân chủ Mỹ và có khả năng cơ bản để phân biệt đúng sai. Điều này có thể lý giải ít nhiều tại sao chiến dịch của Biden gần đây vắng bóng người. Hãy thử tưởng tượng, ngay cả những nhân viên bên cạnh Biden cũng tiêu tan nhiệt tình, làm sao họ có thể tổ chức hiệu quả và thu hút được nhiều người ủng hộ hơn?

Bài đăng sau đã tiết lộ một bí mật lớn, đó là: “Dù sao thì Joe cũng không thể thắng cuộc bầu cử này. Chúng tôi đã gọi điện quá nhiều và đi gặp quá nhiều người. Nhiều người đã đuổi thẳng chúng tôi đi, nhưng hầu hết những người khác, họ chẳng qua chỉ lắng nghe chúng tôi trong vài giây, nói với chúng tôi rằng họ không quan tâm lắm, nhưng cách họ nói cho thấy những người này sẽ không bao giờ chọn Joe. Tất cả những điều này là quá bất thường. Đã mười năm kể từ khi tôi tham gia chiến dịch, và năm nay mọi người đã phản ứng với chúng tôi theo một cách rất khác. Bất kể thế nào, tôi nghĩ bạn nên nguyện ý lắng nghe cảm thụ của những người đã chứng kiến. Trước khi triệt để ly khai khỏi chiến dịch Biden, ít nhất tôi cũng có thể có một chút cống hiến để phơi bày hết thảy những lời dối trá”.

Rõ ràng, nhiều nhân viên trong chiến dịch Biden đã trải qua các hoạt động chiến dịch trước đây, thông qua tiếp xúc cự ly gần với người dân Mỹ, họ sớm đã lý giải được rằng suy nghĩ thực sự của nhiều người Mỹ rằng họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho Biden, và điều này có được cả trước khi vụ bê bối gia đình Biden bị phanh phui. Điều này là “quá bất thường”. Nó cho thấy nhiều người Mỹ có con mắt thật tinh tường. Họ đã nhìn thấy những cam kết và nỗ lực của Tổng thống Trump trong ba năm qua, cảm nhận được lợi ích của sự phục hồi kinh tế và nhận ra rằng Tổng thống Trump đang bảo vệ các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Họ cũng mệt mỏi với thói đạo đức giả và dối trá của các chính trị gia Washington và sự che đậy sự thật của các phương tiện truyền thông chủ lưu của Mỹ.

Sự bất thường như vậy dễ khiến các ứng cử viên của Biden đi đến kết luận rằng, dù thế nào thì Joe cũng sẽ không thắng cử, nhất là sau khi vụ bê bối bị phanh phui. Biden đáng thất vọng như thế nào, và các lãnh đạo cao nhất của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ đã xác thực cảm nhận điều đó.

Trái ngược với sự chia rẽ của phe Biden và những tiếng nói không mấy lạc quan về Biden, các cuộc thăm dò của Tổng thống Trump tiếp tục tăng lên, và ngày càng nhiều người Mỹ ủng hộ ông. Gần đây, đã có hai phương tiện truyền thông chủ lưu chuyển hướng công khai ủng hộ Tổng thống Trump. Có thể không còn nhiều hồi hộp về việc ai sẽ thắng cử ở Hoa Kỳ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chien-dich-tranh-cu-bi-chia-re-ong-biden-khong-con-duoc-uu-ai.html

Bầu cử Mỹ: Biden và Trump

cùng vận động cử tri tại bang Florida

Trọng Thành

Bốn ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hai ứng cử viên nỗ lực vận động cử tri. Bang Florida là một đấu trường chính. Hôm nay, 30/10/2020, Donald Trump và Joe Biden cùng vận động tranh cử tại Tampa, thành phố lớn thứ ba của bang miền cực nam Florida. Lần đầu tiên Biden và Trump vận động cử tri tại cùng một thành phố trong cùng một ngày.

Florida được coi là bang quyết định. Theo nhiều thăm dò dư luận, tổng thống mãn nhiệm gần như không cửa thắng, nếu không giành được đa số phiếu tại bang chiến lược này. Năm 2016, ông Trump đã từng thắng bà Clinton với chênh lệch 1,2% phiếu bầu. Các thăm dò dư luận cho đến nay đưa ra kết quả trái ngược.

Theo tổng hợp của truyền thông Pháp, nhiều thăm dò cho thấy Joe Biden dẫn trước 4 điểm, nhưng một số thăm dò khác, khẳng định Donald Trump đang thắng thế. Cũng có thăm dò dự đoán kết quả sẽ sít sao, dẫn đến tranh chấp, phải đưa ra tòa phân xử.

Arizona, một bang « chiến trường » khác

Cộng đồng gốc Mỹ Latinh được coi là một chìa khóa của thắng lợi, bởi chiếm đến 17% trong tổng số 14 triệu cử tri Florida. Ngày hôm qua, hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng vận động tại bang miền tây nam Arizona. Đây cũng là một bang đông người gốc Mỹ Latinh. Ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris, và cựu tổng thống Barack Obama đều có mặt tại đây. Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump cũng có hai buổi vận động cử tri ở Arizona, nơi mà theo đa số các thăm dò dư luận, ông Trump đang bị đối thủ dẫn trước khá xa. Tại Arizona, ứng viên Donald Trump tập trung kêu gọi người gốc Mỹ Latinh đi bầu.

Phóng sự của hai đặc phái viên của RFI, Marie Normand và Julien Boileau, gửi về từ Arizona.

« Sân bay Goodyear là điểm vận động thứ hai của Donald Trump tại bang Arizona, riêng trong ngày thứ Tư 28/10/2020, và là lần thứ 7 ông Trump tới bang này kể từ đầu mùa tranh cử. Bang Arizona có thể mang lại cho tổng thống mãn nhiệm 11 đại cử tri.

Ứng cử viên Donald Trump kêu gọi: Hãy bầu cho tôi ! Bầu cho tôi để nộp thuế ít hơn, biên giới được bảo vệ tốt hơn, nhiều đầu tư hơn cho cảnh sát. Tuy nhiên, tổng thống mãn nhiệm cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công ăn việc làm, mối quan tâm số một của các cử tri.

Ứng cứ viên Donald Trump không quên kêu gọi cộng đồng người gốc Mỹ Latinh đi bầu. Donald Trump nói : Tôi đã làm nhiều cho người Mỹ gốc Latinh, nhiều hơn tất cả các tổng thống tiền nhiệm.

Cộng đồng người gốc Mỹ Latinh chiếm một tỉ lệ lớn tại bang Arizona. Chính cộng đồng này, cách nay bốn năm, đã bỏ phiếu đông đảo cho phe Dân Chủ. Ông Trump nói : Chúng ta sẽ có được sự ủng hộ của đông đảo cử tri gốc Mỹ Latinh. Chúng ta sẽ đạt được kết quả mà chưa bao giờ đảng Cộng Hòa với tới ! Thậm chí còn hơn cả kỷ lục của phe Dân Chủ ! Chắc chắn là sẽ bất ngờ !’’.  Ông Trump nhấn mạnh đây là cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, còn quan trọng hơn cả cuộc bầu cử 2016.

Ứng viên đảng Cộng Hòa châm biếm : Tôi từng mong ít nhất Biden cũng là một ứng cử viên giỏi, và như vậy, nếu có thua, thì ta có thể tự nhủ là mình đã thua một ứng cử viên giỏi. Làm thế nào mà ta lại có thể thua trước một ứng viên tồi như vậy ! Trong cuộc mít tinh tranh cử này, một đoạn video ông Trump chế giễu đối thủ đảng Dân Chủ, về chứng mất trí nhớ, đã được chiếu lại.

Ứng cử viên Donald Trump khẳng định: Bầu cho Biden, có nghĩa là làm chậm lại việc phổ biến vac-xin. Hiện tại, dịch Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng bùng trở lại ».

Đại dịch khiến hơn 227.000 người Mỹ thiệt mạng có thể gây tác động lớn đến thái độ của nhiều cử tri. Hôm qua, tại Wilmington, bang miền bắc Delaware, ứng viên Joe Biden nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền tổng thống mãn nhiệm trong việc để xảy ra thiệt hại như vậy. Ông Biden hứa, nếu đắc cử, ngay từ ngày đầu, sẽ có các biện pháp để cải thiện tình hình. Covid-19 có xu hướng gia tăng tại Mỹ, với 805 người thiệt mạng hàng ngày, so với mức trung bình 719 người cách nay hai tuần.  

Tình hình dịch bệnh cũng tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow Jones mất hơn 900 điểm. Trong cuộc vận động tranh cử hôm qua tại Arizona, ứng cử viên Donald Trump đã bỏ qua, không nhắc đến thông tin bất lợi này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-biden-v%C3%A0-trump-c%C3%B9ng-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%AD-tri-t%E1%BA%A1i-bang-florida

Bầu cử 2020 trong thời ‘Nước Mỹ là trên hết’

Nguyễn Sĩ Bình

Năm 2020 cả thế giới lần đầu tiên cảm nhận được bầu không khí của sự sợ hãi, hư thực bao phủ lên hiện thực. Thế giới trong đại dịch COVID-19 quay cuồng và hỗn loạn như thách thức hệ thống niềm tin của nhân loại về một tương lai tốt đẹp. Và giữa tâm điểm đó có một sự kiện quan trọng quy mô lớn diễn ra, bầu cử Mỹ.

Bà Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ

Mạng xã hội có thực sự có thành kiến với đảng Cộng hòa?

Tại sao nhiều người Việt ở Mỹ ủng hộ Trump và chống Trung Quốc?

Tầm ảnh hưởng của nước Mỹ lên cục diện thế giới trong nhiều lãnh vực là chuyện không thể phủ nhận nên vị thế của nước Mỹ ở cấp độ toàn cầu rất đặc biệt. Hiển nhiên, vị trí Tổng Thống Mỹ là vị trí lãnh đạo không chỉ có công dân Mỹ quan tâm mà còn có lãnh đạo và người dân các quốc gia khác chú ý.

Có hai vị thế để nước Mỹ là trên hết: trên về tình cảm công dân Hợp Chủng quốc và trên về vị trí vai trò quốc tế. Để có được hai vị thế đó, nước Mỹ cần đoàn kết và tinh tế hơn.

Cử tri Hợp chủng quốc nhưng nhiều mâu thuẫn nội tại

Nước Mỹ giàu tinh thần tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, cấu thành nền tảng chính trị quốc gia vững chắc. Sự kiện một người da màu bị cảnh sát đè chết, một bộ phận công dân biểu tình phản đối, trong đó không ít biến thành bạo động đốt phá. Điều đó cho thấy trong lòng nước Mỹ đang chất chứa không ít mâu thuẫn xã hội.

Về phân tầng, Hoa Kỳ chủ yếu có 3 thành phần cử tri: 30% lao động, 50% trung lưu, 20% thượng lưu, trong đó 1% là giàu nhất giữ 40% tài sản quốc gia và có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội (theo Washington Post 06/12/2017). Thống kê trên được dùng để tác động, săn kiếm phiếu bầu ủng hộ với các hứa hẹn về y tế, giáo dục, việc làm…

Một phân tích của Gallup (analysis) cho thấy chỉ có 3% người Mỹ tự nhận mình là tầng lớp trên, và 15 % là trung lưu trên (upper-middle class), 43% là trung lưu, 30% là giới lao động bình dân và 8% tầng lớp dưới (lower class).

Một số “cử tri giàu tiền của” gây quỹ ủng hộ tranh cử cho đảng mình để không muốn tiếp tục thấy ông chủ Nhà Trắng thuộc đảng có khuynh hướng khác. Tiền của cá nhân, nhưng được sử dụng cho việc trọng đại quốc gia thành gây ảnh hưởng lên tiếng nói chung.

Hiện nay bảng ghi danh cử tri cho thấy Đảng Cộng hòa khoảng 25%, Đảng Dân chủ khoảng 30% và cử tri độc lập khoảng 40%. Lịch sử nhiều kỳ bầu cử hai đảng đan xen những vùng “chiến địa”, “sân nhà” từng đảng ở các bang thường là những nơi quyết định kết quả bầu cử.

Dư luận còn dự báo nếu chuỗi sản xuất và cung ứng di dời từ Trung Quốc về lại thì người lao động tăng sẽ tạo thành khu vực lá phiếu tiềm năng. Những sự kiện lớn như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, sắc dân chia rẽ làm cho kỳ bầu cử tổng thống lần này thêm phần sóng gió hơn.

Trong mùa đại dịch, bầu cử tự do hay thủ tục bầu cử đang bị thử thách. Nỗi lo cuộc tranh cử bị truyền thông mạng xã hội và thuyết âm mưu thao túng gây nhiễu loạn nhằm giằng co lôi kéo cử tri cũng đang hiển hiện. Khách quan mà nói nếu có sự cố hay lỗi lầm nào thì nguyên nhân sâu xa không phải trực tiếp từ cử tri. Ở Hợp Chủng quốc (có cách viết khác là Hợp Chúng quốc) thì cử tri mang tư tưởng đa dạng và có nhu cầu khác biệt đối với nhà nước.

Bài học lịch sử nước Mỹ

Tổng thống Mỹ là Tổng thống của toàn dân Mỹ, không phải Tổng thống của một đảng chính trị. Chia rẽ quốc gia là hành động không ai chấp nhận được, không thể một bên đoàn kết và một bên chia rẽ, một bên cuồng ủng hộ và một bên cuồng chống.

Trong lịch sử, khi kết thúc nội chiến, hai tướng Nam – Bắc bắt tay xóa bỏ thù địch. Vậy mà hôm nay lên bục tranh cử, hai ứng viên vì lý do giãn cách dịch bệnh không bắt tay nhau mở đầu tối thiểu nhưng cần phải bảo đảm nhiệm kỳ tới hai chính đảng sẽ bắt tay vì một hợp chủng quốc.

Abraham Lincoln (1809 – 1865) là tổng thống tiêu biểu. “Người giải phóng vĩ đại” đã vượt qua hiềm thù nội chiến để tái thống lãnh thổ, mở ra thời đại mới để có nước Mỹ hôm nay. Ban đầu không ai tin ông vì xuất thân từ tầng lớp nghèo. Nhiều lần ứng cử thất bại vẫn kiên định, khi làm tổng thống thì phái bảo thủ còn công kích chính sách.

Nhưng tinh thần vì nước Mỹ đoàn kết đã giúp ông thu phục sự ủng hộ, dần đặt nền móng chính trị bền vững. Nếu nói trước đây “thời thế tạo anh hùng”, hoàn cảnh lịch sử đặt ra nhiệm vụ và xuất hiện con người giải quyết; thì nay thời thế khác đang đến và cần lãnh đạo với tư duy khác để thay đổi.

Truyền thông rầm rộ, cả nước Mỹ và thế giới quan tâm, vẫn chưa thấy ứng viên nào hoàn toàn xứng tầm. Tổng thống chính nghĩa phục vụ nước Mỹ và dẫn đầu thế giới đi tới thì không chính trị hóa kế hoạch tranh cử mà cần đưa ra sách lược rõ ràng.

Tranh cử giờ đây chỉ tập trung lo ngại gian lận phiếu bầu, chỉ trích cháy rừng, hủy hoại kinh tế, ứng xử với tội phạm, vấn đề bảo hiểm y tế, nhân sự tòa án tối cao… Điều đó cũng cần nhưng là sự vụ ngắn hạn rời rạc. Không ứng viên nào dự đoán chiều hướng quốc gia lâu dài và có quốc sách xử lý các vấn đề lớn thực tế đặt ra.

Tranh biện không chấp nhận đối đầu, ngắt lời, áp đảo, vạch lông tìm vết chuyện cá nhân, bôi đen dìm đối thủ, tung tin sai, đấu khẩu thoá mạ…Theo cách nhìn của tôi, đó không phải là tranh luận ở thế thượng phong.

Tôi thấy nước Mỹ luôn cần và vào giai đoạn này lại càng cần một tổng thống mạnh mẽ, đáng tin cậy, không phải chỉ vì phe phái. Đó là tổng thống quyết định rõ ràng và kiên quyết, đoàn kết quốc gia và hợp tác quốc tế. Tổng thống có tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho nhu cầu toàn dân và hướng cho toàn cầu đi tới.

Hoa Kỳ là điển hình của một nhà nước uy tín, luôn cần lãnh đạo chính trực. Như vậy sẽ tạo con người bình đẳng, hạn chế thấp nhất bạo lực cảnh sát và bạo loạn đường phố. Vì thịnh vượng xã hội và không quên hài hòa con người, vì lợi ích quốc gia và không bỏ qua phát triển quốc tế. Tổng thống ý thức sẽ không thách thức, biết nhận trách nhiệm sẽ không đổ lỗi và kể công.

Nước Mỹ vì mục tiêu toàn cầu

Nước Mỹ nỗ lực rất lớn, sự hùng mạnh không phải từ cá nhân hay qua một vài năm mà kế thừa liên tục nhiều thế hệ hơn 200 năm.

Đại chiến thế giới lần 2 mang lại cho Mỹ nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Buôn bán vũ khí lợi tức cao, hầu hết tinh túy trí tuệ liên tục tập trung sản xuất và nâng cấp. Nguyên tắc xác lập qua nhiều đời tổng thống là điểm nóng xung đột toàn cầu càng xa càng tốt nhưng điều đó chỉ tốt cho giới bán vì vũ khí. Binh sĩ và người dân tại các điểm nóng chiến sự trong đó có cả binh sĩ Mỹ đều nhận lấy tang thương sau các trận chiến.

Điều chỉnh thương mại toàn cầu theo thị trường tự do là cần thiết. Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thương thảo hay gây áp lực để xác lập sòng phẳng mậu dịch sẽ không dừng lại với tổng thống nào nắm quyền. Sẽ có cách xử lý khác linh hoạt quy mô, thời điểm, hạn chế thiệt hại mà vẫn đạt hiệu quả. Quốc gia không thể bị quyết định bởi một nhóm, biến người đứng đầu thành độc tài tai hại.

Người Mỹ nhận thức cần có đoàn kết quốc gia, liên kết quốc tế cho hòa bình và phát triển, do đó chính trị gia cần đặt quyền lợi chung lên trên chức vụ và quyền lực cá nhân. Mỹ vẫn phải ngoại giao củng cố liên minh, nhưng không phải vì quyền lợi nhất thời, lập phe phía chống đối mà phối hợp từng bước cho thế giới đi tới. Không có quốc gia nào mà người dân là thù địch, chỉ có các lãnh đạo độc tài mới hiếu chiến.

Khi nước Mỹ không còn kỳ thị con người thì con người ở các quốc gia khác không có lý do gì kỳ thị người Mỹ. Sứ mạng và ảnh hưởng của tổng thống không chỉ để “America first”, nước Mỹ thời gian dài nữa vẫn phải chủ chốt tầm nhìn chung cho nhân loại.

Tôi thấy rằng nước Mỹ cần đi cùng hòa bình phát triển thế giới, người Mỹ cần đi bỏ phiếu cho kỳ bầu cử trọn vẹn và ủng hộ tổng thống phấn đấu vì mục tiêu trên.

Cố tổng thống JF Kennedy từng nhận định: “Nước Mỹ là ngọn hải đăng hy vọng cho bao người khác trên thế giới”. Để tiếp tục là ngọn hải đăng, nước Mỹ trước hết cần đoàn kết quốc gia, tổng thống phục vụ cho toàn thể người Mỹ và phối hợp với toàn thể thế giới đi tới.

Nói chuyện bầu cử Mỹ thì cũng nên nhìn về Việt Nam và không phải nói nhiều, nhưng đến khi nào đất nước sẽ có bầu cử tự do và công bằng, các ứng cử viên được tranh luận để nhân dân được chọn người lãnh đạo đất nước, như ở Hoa Kỳ hiện nay thì chúng ta mới thực sự kiến tạo ra một nhà nước uy tín, nhà nước đáng tự hào của mọi thành phần và qua mọi thế hệ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đáp ứng mục tiêu quốc gia lâu dài, xây dựng một nền chính trị cân bằng và xã hội hài hòa, ổn định.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Sĩ Bình, một nhà bất đồng chính kiến người Việt, từng là lãnh đạo một tổ chức có tên Đảng Dân chủ Việt Nam, hiện sống tại California, Mỹ.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54732932

Bầu cử Mỹ 2020:

Một cuộc bầu cử không giống cuộc bầu cử nào khác

Hoài Hương-VOA

Tại thời điểm còn một tuần nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, giữa lúc hai ứng cử viên Tổng thống còn đang ráo riết vận động, thì hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, báo hiệu cuộc bầu cử có tính cách quyết định này sẽ đạt tỷ lệ cử tri đi đầu phiếu cao kỷ lục.

Theo Dự án Bầu cử Mỹ, môt cơ sở dữ liệu chuyên thu thập thông tin về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu do Giáo sư Michael McDonald /Đại học Florida điều hành, số phiếu bầu sớm năm nay vượt xa số phiếu bầu sớm năm 2016.

Giáo sư McDonald nói:

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến số phiếu bầu sớm tăng nhanh chưa từng thấy. Chưa gì số liệu này đã vượt qua số phiếu bầu sớm của bất cứ cuộc bầu cử nào trong lịch sử.”

Ông nêu lên quan tâm rằng những phiếu bầu gửi qua đường bưu điện có thể được gửi đi hàng loạt vào lúc sắp kết thúc giai đoạn bầu cử sớm, làm các quan chức bị quá tải. Vì vậy việc cử tri chọn đi bầu trực tiếp nhưng sớm hơn giúp trải dài công việc của các giới chức bầu cử, giảm bớt gánh nặng khi công việc bị dồn lại trong cùng một lúc.

“Đây là một tin vui, bởi vì chúng tôi rất lo lắng về làm thế nào để tổ chức một cuộc bầu cử giữa trận đại dịch.”

Năm 2019, Giáo sư McDonald tiên đoán khoảng 150 triệu người sẽ đi đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, tượng trưng cho tỷ lệ 65%, con số cao nhất tính từ năm 1908.

Nhưng bây giờ, ông công nhận rằng con số 150 triệu được dự báo có thể là một con số quá thấp và vào cuối tuần này, ông sẽ phải nâng cao số dự báo.

Tỷ lệ cử tri đi bầu có triển vọng phá kỷ lục

Tại Texas chẳng hạn, tính cho tới ngày Chủ nhật 25/10, gần 7,4 triệu phiếu bầu sớm đã được ghi nhận, đánh dấu 82% tổng số phiếu bầu của bang này vào năm 2016.

Giáo sư McDonald đơn cử trường hợp bang Washington là ví dụ cho thấy rõ nhất những thay đổi trong hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử năm nay bởi vì bang này tổ chức bầu cử hầu hết qua đường bưu điện trong cả cuộc bầu cử 2016 và 2020. Cho tới nay, tiểu bang Washington báo cáo đã nhận được hơn 2 triệu phiếu bầu qua bưu điện, gấp 3 lần tỷ lệ bỏ phiếu năm 2016.

Tại quận Miami-Dade của bang Florida, một giới chức bầu cử cho biết 42% đã bỏ phiếu, cao gần gấp 3 tỷ lệ đi bầu năm 2016.

Ông Rodriguez nói với đài NPR:

“Thông thường một cuộc bầu cử Tổng thống đạt tỷ lệ từ 68% tới 73%. Năm nay, chúng tôi dự kiến tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ đạt 80%, dựa trên con số người đi bầu vừa nhận được.

Trong số các tiểu bang báo cáo số liệu bầu cử, cử tri yêu cầu 87 triệu phiếu bầu qua đường bưu điện, theo Giáo sư McDonald, ước lượng sơ khởi 41 triệu phiếu bầu đã được gửi qua đường bưu điện.

Hiện nay, phe Dân chủ dẫn trước với tỷ lệ 2/1 trên các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện. Nhưng Giáo sư McDonald cảnh báo rằng các số liệu ban đầu không vẽ ra một bức tranh toàn cảnh.

“Thông thường câu chuyện về một cuộc bầu cử tiêu biểu trong những năm gần đây là kiểm phiếu giai đoạn đầu thường ngả về Đảng Dân Chủ và các phiếu bầu trong ngày bầu cử ngả về Đảng Cộng hòa,” ông nói, “và mặc dù theo các dâu hiệu bề ngoài, câu chuyện năm nay có thể cũng vậy, nhưng chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong ngày bầu cử trước khi chúng ta có thể đoan chắc điều gì sẽ xảy ra.”

Tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu tăng vọt

Giới trẻ từ 18 tới 29 tuổi đi bầu sớm đông đảo chưa từng thấy.

Theo các dữ liệu của một trung tâm nghiên cứu của Đại học Tufts, con số cử tri trẻ tuổi đi bầu sớm tăng vọt, đặc biệt tại các bang thiết yếu đối với ông Biden và ông Trump, như Michigan, Florida và North Carolina.

Tính cho tới ngày 21/10, gần 258.000 cử tri trẻ tuổi ở Florida đã đi bầu, 214.000 người nhiều hơn số cử tri trẻ đi bầu vào cùng thời điểm năm 2016.

Tại Texas, gần 500.000 người từ 18 tới 29 tuổi đã đi bầu. Tuy nhiên tại bang này, không có dữ liệu từ 2016 để có thể so sánh tỷ lệ đi bầu trong giới trẻ.

Giới trẻ có thể nắm trong tay quyền lực chính trị đáng kể. Millenials- sinh từ năm 1980 tới 1995, và một số từ Thế hệ Z –năm 1996 tới 2012/2015, tổng cộng chiếm tới 37% số cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, tương đương với thế hệ Baby Boomers (1946-1964) và thể hệ lớn tuổi hơn, Viện Brookings phân tích dựa trên các dữ liệu của cuộc kiểm tra dân số.

Trong nhiều thập niên, giới trẻ tỏ ra lơ là với bầu cử, nhưng năm nay, các nhóm vận động cử tri tham gia bầu cử đã tăng cường nỗ lực để thay đổi con số thống kê này.

Cảnh sát, Vệ binh Quốc gia và Quân đội chuẩn bị cho Ngày Bầu cử

Trong một nền dân chủ tôn trọng lá phiếu của người dân như là “ý trời”, thì cảnh sát mặc quân phục thường không được lảng vảng quanh các địa điểm bỏ phiếu, và Ngũ Giác Đài tuyệt đối không muốn phải dính líu trong ngày bầu cử. Thế mà năm nay, các lực lượng này phải chuẩn bị cho tình huống xấu, phòng hờ tình hình có thể vuột tầm kiểm soát, nguy cơ bạo động xảy ra.

Thông thường nhân viên phòng phiếu là tuyến phòng thủ đầu tiên nếu xảy ra xung đột giữa các cử tri, mặc dù họ được sự hậu thuẫn của nhân viên an ninh tư nhân. Quận King ở bang Washington cho biết đã sắp xếp một số nhân viên để canh gác các thùng phiếu mà mọi năm không cần được canh gác.

Một số đơn vị bầu cử không có kế hoạch huy động cảnh sát mặc quân phục tại các phòng phiếu bởi vì truyền thống và luật pháp địa phương không muốn sự hiện diện của cảnh sát hay binh sĩ mặc quân phục có thể được diễn giải như để hăm dọa cử tri.

Xét những căng thẳng đã xảy ra trong năm nay, sau một số trường hợp người dân không vũ trang bị ngược đãi, sự hiện diện của cảnh sát tại các địa điểm bỏ phiếu đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Tại Miami, các thành viên Đảng Dân Chủ khiếu nại về vụ một nhân viên cảnh sát mặc quân phục, mang khẩu trang in ảnh ông Trump, xuất hiện tại một địa điểm bầu cử sớm. Họ cho rằng đây là một động thái có tính trấn áp tinh thần cử tri ngay tại phòng phiếu. Nhân viên cảnh sát trong cuộc đang đối mặt với biện pháp kỷ luật từ các cấp chỉ huy.

Sự hiện diện của cảnh sát mặc quân phục cũng là đề tài tranh cãi theo phe phái, tại các bang New Jersey và North Carolina khi Hội đồng Bầu cử ra thông tư nhắc nhở nhân viên cảnh sát mặc quân phục nên tránh xa phòng phiếu, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại tiểu bang, ông Paul Newton, nói rằng Hội đồng Bầu cử vốn do Đảng Dân Chủ kiểm soát, đã “vượt quá quyền hạn” của mình, ông cho rằng hội đồng này không có quyền ra lệnh cho cảnh sát.

Một vấn đề khác đã được nêu lên tại Michigan, về liệu công dân có quyền công khai mang vũ khí vào phòng phiếu hay quanh địa điểm bỏ phiếu hay không. Luật cho phép tư nhân công khai mang vũ khí được áp dụng tại tiểu bang này, nhưng Tổng thư ký bang Michigan Jocelyn Benson ra chỉ thị cấm mang vũ khí một cách lộ liễu tại các phòng phiếu và các văn phòng bầu cử khác trong năm nay.

Các sở cảnh sát đang có kế hoạch chuẩn bị để tăng cường đội ngũ cảnh sát túc trực trong ngày bầu cử, đặc biệt tại các thành phố nơi đã xảy ra nhiều bất ổn trong năm nay.

Vai trò của quân đội?

Các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia trên khắp nước sẽ tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử, kể cả an ninh mạng, hỗ trợ các giới chức địa phương chống lại sự can thiệp của các chính quyền nước ngoài toan can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng quân đội hiện dịch không muốn trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh tại các phòng phiếu.

Các quan chức quân sự nói với đài NPR rằng quân đội muốn duy trì lập trường phi đảng phái, không tham gia tranh cãi chính trị phe phái, và rằng binh sĩ mặc quân phục xuất hiện ở các phòng phiếu có thể khiến quân đội bị quy là thiên vị một ứng cử viên, chống lại ứng cử viên nọ.

Nhưng khi được yêu cầu, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ đến giúp các tiểu bang trong tư cách là nhân viên phòng phiếu- mặc thường phục, và thực hiện các nhiệm vụ bình thường của nhân viên phòng phiếu.

Dịch Covid-19 đã khiến các phòng phiếu thiếu nhân viên làm việc, vì thông thường nhân viên phòng phiếu là những người cao niên, và trong đại dịch, họ không thể tiếp xúc với nhiều người vì sợ bị lây nhiễm.

Các quan chức quân đội không dự kiến sẽ xảy ra xung đột tại các phòng phiếu, nhưng họ nói sau một chiến dịch vận động tranh cử cay đắng, các cuộc biểu tình và sự xuất hiện của các nhóm vũ trang, bạo động có thể xảy ra sau bầu cử, bất chấp ứng cử viên nào đắc cử.

Tổng Thống Trump đã làm tăng lo ngại khi ông nhiều lần ngỏ ý ông có thể không chấp nhận kết quả bầu cử “trừ phi nó công bằng”. Lời phát biểu này dẫn tới đồn đại rằng Tổng Thống Trump có thể cố bám víu lấy quyền hành nếu ông thất cử, và quân đội có thể được huy động.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Mark Milley, mạnh mẽ bác bỏ ý tưởng đó trong cuộc phỏng vấn với đài NPR.

“Nếu bầu cử bị thách thức, vấn đề này sẽ được các tòa án và quốc hội giải quyết theo đúng quy trình. Quân đội không có vai trò nào trong việc xác định kết quả bầu cử. Hoàn toàn không có bất cứ vai trò nào”.

https://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-my-2020-mot-cuoc-bau-cu-khong-giong-cuoc-bau-cu-nao-khac/5639200.html

Một cựu quan chức Mỹ tự nhận là “người ẩn danh”

đã viết bài chỉ trích TT Trump

Mai Vân

Một cựu chánh văn phòng của một bộ trưởng trong chính quyền của tổng thống Trump, vào hôm qua, 28/10/2020, cho biết ông chính là tác giả bài viết ẩn danh công bố vào năm 2018, đả kích kịch liệt hành vi sai trái của tổng thống Mỹ.

Trong một diễn đàn đăng trên siteweb Medium và tựa đề “Tại sao tôi không còn là người vô danh nữa”, ông Miles Taylor, cựu chánh văn phòng của bộ trưởng An Ninh Nội Địa John Kelly tuyên bố: “Chúng ta không phải chịu im lặng cho tổng thống. Chúng ta phải nói sự thật cho dân chúng Mỹ và tổng thống biết”.

Việc tiết lộ danh tánh này đã khiến báo New York Times bị chỉ trích gay gắt, do đã đăng diễn đàn trước đây và cho biết đó là một nhân vật cao cấp trong chính quyền.

Trong bài đăng trên Medium, Miles Taylor đảm bảo ông là một người “Cộng Hòa” và đã muốn tổng thống “thành công”. Tuy nhiên ông đã ghi nhận: “Nhiều lần trong lúc khủng hoảng, Donald Trump đã cho thấy ông là người không có tư cách và những khuyết điểm của ông ta đã dẫn tới những thất bại trong quá trình lãnh đạo, được đo lường bằng sinh mạng của người Mỹ”.

Miles Taylor đã làm việc ở bộ An Ninh Nội Địa từ tháng 1/2017 đến hè 2019. Ông khẳng định là nhiều người trong chính quyền cũng nghĩ như ông, nhưng “đa số đã không lên tiếng vì sợ bị trả đũa”. Ông cũng giải thích tại sao ông chọn việc ẩn danh: Đó là vì ông muốn người ta tập trung trên lập luận của ông hơn là tạo cơ hội để tổng thống đánh lạc hướng bằng những lời thóa mạ.

Đang vận động tranh cử ở Arizona, tổng thống Trump đã mỉa mai “về một kẻ đã chưa bao giờ làm việc ở Nhà Trắng và viết một quyển sách dối trá, một người lẽ ra phải bị truy tố”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-c%E1%BB%B1u-quan-ch%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%B1-nh%E1%BA%ADn-l%C3%A0-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BA%A9n-danh-vi%E1%BA%BFt-b%C3%A0i-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-trump

Bầu cử Mỹ 2020: Nga bắt cá hai tay

dù vẫn thích Trump hơn Biden

Trọng Nghĩa

Cho đến gần đây, trong số hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, Matxcơva được cho là vẫn ủng hộ Donald Trump. Thế nhưng, ngày 25/10/2020 vừa qua, tổng thống Nga Putin đã gián tiếp bác bỏ một cáo buộc của ông Trump nhắm vào đối thủ Biden và có dính líu đến Nga. Theo giới phân tích, đây là một động thái phản ánh một thay đổi quan điểm của Nga, không còn tuyệt đối ủng hộ người mà cách nay 4 năm được cho là đã được Matxcơva tiếp sức để đắc cử.

Theo hãng tin Anh Reuters, trên truyền hình Nga, ông Putin đã được hỏi về một phát biểu của ông Trump, theo đó thì tổng thống Nga có quan hệ chặt chẽ với cựu thị trưởng Matxcơva, mà người vợ đã chi tiền cho Hunter Biden, con trai út của ông Joe Biden. Trên vấn đề này, ông Vladimir Putin cho biết là ông không thấy hành vi phạm tội nào trong các quan hệ làm ăn trong quá khứ giữa Hunter Biden với Nga hoặc Ukraina.

Tổng thống Nga đã tuyên bố nguyên văn như sau: “Đúng, ở Ukraina, ông ấy (Hunter Biden) đã hoặc có thể vẫn có các hoạt động kinh doanh, tôi không thể biết chính xác. (Nhưng) điều đó không liên quan đến Nga mà liên quan đến người Mỹ và người Ukraina. Nhưng tôi không thấy bất cứ hành vi phạm tội nào, hay ít ra là chúng tôi không biết về những hành vi phạm tội này nếu có”.

Putin phớt lờ vụ làm ăn của Hunter Biden

Đối với Reuters, bị đối thủ dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri, tổng thống Mỹ đã đưa ra những cáo buộc kể trên trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Joe Biden, nhấn mạnh đến những vụ làm ăn của Hunter Biden thời ông Biden còn giữ chức phó tổng thống Mỹ để làm khó đối thủ.

Trước đó, ông Trump cũng đã nhiều lần cáo buộc ông Biden và con trai Hunter đã có các hoạt động bất chính tại Ukraina, nhưng không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh các lời tố cáo, vốn đã bị ông Biden cho là vô căn cứ.

Theo ghi nhận của Reuters, trong quá khứ ông Putin từng ca ngợi ông Trump, vì lãnh đạo Mỹ ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Nga. Ông Putin cũng từng gọi ông Joe Biden là “người có tư tưởng chống Nga kịch liệt”. Thế nhưng hiên thời, tổng thống Putin lại nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng hợp tác với bất cứ ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 03/11 sắp tới.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng tỏ ra kém thân thiện hơn đối với ông Trump và một số nhà phân tích cho rằng phát biểu của tổng thống Nga về vụ Biden là nhằm tranh thủ cảm tình của phe Dân Chủ tại Mỹ. Và để đạt mục đích, ông đã không ngần ngại cho hiểu rằng ông xem những cáo buộc của tổng thống Trump đối với hai cha con ông Biden là những điều ngụy tạo.

Nga đã ngấm ngầm ủng hộ ông Trump ?

Sự thay đổi thái độ của Matxcơva diễn ra trong bối cảnh cho đến gần đây, Điện Kremlin được cho là vẫn ngấm ngầm ủng hộ một nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump, một người được cho là dễ nắm bắt hơn là ông Biden.

Trong một bài phân tích ngày 27/10 vừa qua về cuộc bầu cử Mỹ nhìn từ Nga, nhật báo Pháp Le Monde đã ghi nhận rằng dù quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ đến nay, nhưng Matxcơva vẫn “bầu” cho đương kim tổng thống Mỹ.

Đối với Le Monde, quả đúng là dưới thời Donald Trump, chính sách trừng phạt do Barack Obama đề xuất càng lúc càng được tăng cường. Từ vấn đề Ukraina, Libya, cho đến nghi án Nga can thiệp vào bầu cử của Mỹ năm 2016, các cáo buộc tấn công mạng, làm gián điệp, rồi vụ đường ống dẫn khí Nord Stream 2…, các chủ đề gây bất đồng đã tăng lên gấp bội, kéo theo chu kỳ trừng phạt và trả đũa.

Matxcơva đã ghi nhận 46 văn kiện lập pháp của Mỹ được thông qua trong 4 năm nhằm thiết lập các biện pháp trừng phạt mới hoặc mở rộng các biện pháp sẵn có. Và vào đầu năm 2020, đề xuất của Nga về một hội nghị thượng đỉnh gồm 5 thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ, được gọi là “P5”, đã bị Washington phớt lờ.

Cho dù vậy, ngày 07/10 vừa qua, bản thân ông Putin cũng ghi nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông Trump đã có những “ý định” hữu hảo với Nga, nhưng điều đó không thức hiện được “phần lớn là do sự nhất trí lưỡng đảng” ở Washington vốn theo xu hướng chống Nga,  và do sức ì của chính quyền Mỹ.

Theo giới quan sát, thái độ xí xóa của ông Putin dành cho ông Trump cho thấy là Nga vẫn hy vọng là ông Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 này, và điều đó sẽ có lợi cho Nga nhiều hơn.

Le Monde trích dẫn một nhà bình luận nổi tiếng ở Matxcơva giải thích rằng: “Ông ấy (tức là tổng thống Trump) thích Putin và nói rõ điều đó, ông ấy rất dễ bị lung lạc trong các cuộc gặp trực tiếp và không quan tâm đến dân chủ, nhân quyền và những thứ vô nghĩa như thế”.

Trong 4 năm qua, Matxcơva đã có thể thu lợi từ tình trạng lộn xộn và khoảng trống do nhiệm kỳ tổng thống Trump tạo ra. Việc Mỹ rút ra khỏi các vấn đề thế giới, sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và quan hệ với các nước châu Âu đã giúp Nga tăng cường ảnh hưởng ở mọi nơi, từ Trung Đông, Châu Phi cho đến vùng Balkan.

Ác cảm đối với Biden

Trái ngược với thiện cảm dành cho ông Trump, Điện Kremlin lại rất có ác cảm với ông Joe Biden. Trước hết, ứng cử viên đảng Dân Chủ đã làm phó cho ông Obama, người đã thúc đẩy một chính sách có thể nói là không mấy thân thiện với Nga.

Bản thân ông Biden, vào năm 2011, từng tuyên bố ngay tại Matxcơva rằng ông Putin không nên trở lại ghế tổng thống, một phát biểu mà cho đến nay ông Putin vẫn xem là một hành vi xúc phạm cá nhân khó có thể tha thứ.

Bên cạnh đó, với chủ trương đa phương được tuyên bố, nếu trở thành tổng thống, ông Biden sẽ củng cố lại liên minh xuyên Đại Tây Dương xung quanh mục tiêu chung là kiềm chế tham vọng của Nga.

Cho dù vậy, thực tế cuộc vận động tranh cử tại Hoa Kỳ, với việc ông Joe Biden vươn lên chiếm thượng phong trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã buộc tổng thống Nga phải thay đổi thái độ. Nhật báo Anh The Guardian trong số ra ngày hôm nay, 29/10 đã xem phát biểu của ông Putin “bênh vực” ông Biden hôm 25/10 vừa qua là một động thái nhằm dự phòng khả năng ông Biden đắc cử.

Nhìn chung, theo các nhà quan sát, dù tân chủ nhân Nhà Trắng là Trump hay Biden, quan hệ song phương Nga-Mỹ cũng khó có thể được cải thiện. Ông Igor Ivanov, ngoại trưởng Nga từ năm 1998 đến năm 2004 mới đây đã dự đoán rằng Matxcơva và Washington đều đã “sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trường kỳ”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-2020-nga-b%E1%BA%AFt-c%C3%A1-hai-tay-d%C3%B9-v%E1%BA%ABn-th%C3%ADch-trump-h%C6%A1n-biden

Doanh số bán bánh quy cho thấy ông Trump đang thắng

Phụng Minh

Và cách dự báo bằng doanh số bánh quy của cửa hàng này đã chính xác trong 3 kỳ bầu cử gần đây, khi cửa hàng bắt đầu thực hiện bán “bánh quy ứng cử viên”.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã bước vào thời điểm đếm ngược cuối cùng. Mặc dù những bê bối của gia đình của ứng cử viên đảng Dân chủ Biden đã bùng nổ, nhiều cuộc thăm dò hiện vẫn cho thấy Biden có cơ hội chiến thắng cao hơn. Tuy nhiên, cách dự đoán chính xác kết quả của ba cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ trong quá khứ của một tiệm bánh được coi là “con bạch tuộc trong ngành bánh quy” ở Pennsylvania đã cho thấy điều ngược lại.

Khoảng cách giữa số bánh quy hiện tại mang biểu tượng của ông Trump và ông Biden bán ra là 4 lần và họ tin rằng Trump có cơ hội thắng cử cao hơn.

Theo CBC của Philadelphia, vào cuối tuần áp chót trước ngày bầu cử, bên ngoài cửa hàng bánh Lochel’s Bakery ở Pennsylvania, một trong những tiểu bang quan trọng, đã xuất hiện một hàng dài bất thường những người xếp hàng chờ mua những chiếc bánh quy. Đó là loại “bánh quy ứng cử viên” đặc biệt có in tên ông Donald Trump hoặc Joe Biden và được trang trí bằng cốm đường màu đỏ và xanh dương đại diện cho các Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.

Không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh số bán bánh quy của Lochel’s Bakery – một con bạch tuộc trong ngành bánh quy (ý chỉ dự báo chính xác kết quả bầu cử Mỹ), đã tăng 16 lần so với năm 2016.

Các loại bánh quy ứng cử viên rất đắt, với giá chào bán khoảng 5 đô la Mỹ (hơn 115.000 đồng). Mặc dù một số người phàn nàn rằng bánh quy “không ngon chút nào”, nhưng bánh quy vẫn luôn khan hiếm và thường được bán hết trước khi đóng cửa vài giờ.

Lý do khiến bánh quy được ưa chuộng như vậy là do trong ba cuộc tổng tuyển cử trước đây của Hoa Kỳ, những chiếc bánh quy của ứng cử viên nào bán chạy nhất cuối cùng đều trở thành người chiến thắng. Và năm nay, doanh số bán bánh quy dự đoán rằng ông Trump sẽ là tổng thống tiếp theo.

Trong một cuộc phỏng vấn, Kathleen Lochel, chủ tiệm bánh cho biết, cô bắt đầu làm “bánh quy ứng cử viên” từ năm 2008. Ban đầu, cô chỉ nghĩ nó vui và coi ý tưởng này như một “trò đùa”, nhưng cô không ngờ ý tưởng lại thành công. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử đã làm cho tiệm bánh trở nên nổi tiếng.

Lochel chỉ ra rằng những chiếc bánh của hai ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên mà cô làm chỉ bán được vài chục chiếc, nhưng năm 2016 doanh số bán hàng đã tăng lên khoảng 1.000 chiếc. Lochel cho biết: “Doanh số bán bánh quy năm nay tăng mạnh. Hiện doanh số bán bánh quy của ông Trump khoảng 13.000 chiếc, hơn hẳn con số 3.000 chiếc của Biden, khoảng cách gấp 4 lần”.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò nhìn chung cho thấy Biden có phần thắng lớn hơn. Theo dự báo mới nhất của YouGov, một nhà thăm dò ý kiến ​​trực tuyến của Anh, Biden sẽ có 356 phiếu đại cử tri và đánh bại 182 phiếu đại cử tri của Trump để vào Nhà Trắng, đồng thời cũng giành chiến thắng ở các bang “chiến trường” Pennsylvania , Florida, Bắc Carolina, Arizona , Wisconsin, Michigan…

Khi được hỏi làm thế nào lại có khoảng cách lớn giữa các con số thăm dò và xu hướng bán bánh quy, Lochel nói đùa: “Nhiều người mua bánh quy vì họ đói, hoặc các con số (trong cuộc thăm dò) không

chính xác”. Nhưng cô thừa nhận rằng kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ chính xác. Cô ấy chỉ có thể nói rằng thực sự có rất nhiều người mua bánh quy Trump.

Doanh số bán bánh quy có thể thực sự đóng vai trò như một công cụ dự đoán kết quả bầu cử không?

Có một điều đáng suy nghĩ, Pennsylvania là nơi dẫn đầu của ông Biden và nó cũng là quê hương của thời thơ ấu của Biden. Đáng lẽ doanh số bán bánh quy của ông Biden nên nhiều hơn của ông Trump, hoặc ít nhất là khoảng cách không nên khác biệt lớn như vậy. Đó là do người hâm mộ ông Trump quá nhiệt tình mua bánh quy, hay các cuộc thăm dò không phản ánh đúng tình hình?

Pennsylvania, với 20 phiếu đại cử tri, là một trong những bang quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay. Tổng thống Trump và đối thủ Biden đều đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri địa phương.

https://www.dkn.tv/the-gioi/doanh-so-ban-banh-quy-cho-thay-ong-trump-dang-thang.html

Ông Pompeo lại công kích Trung Quốc

trước thềm bầu cử Mỹ

Có mặt tại Indonesia hôm 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái tục các lập luận của chính phủ Tổng thống Trump, tấn công Trung Quốc giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.

Với Trung Quốc là chủ đề chính trong chiến dịch của Tổng thống Trump để giành thêm một nhiệm kỳ thứ hai trong vỏn vẹn 5 ngày nữa, ông Pompeo đả kích hành động hung hăng của Trung Quốc trong Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng nhỏ hơn; ông cũng chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý đại dịch Covid-19 và chính sách đàn áp các tôn giáo thiểu số.

Tại Jakarta, ông Pompeo ca ngợi sự lãnh đạo của Indonesia trong khối ASEAN vì đã đẩy lùi những yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc. Ông ca ngợi việc Jakarta kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, và gọi Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai của tự do tôn giáo”.

Đọc một bài diễn văn về tự do tôn giáo tại thủ đô của đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, ông Pompeo lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính sách quy mô ngược đãi các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Ộng bác bỏ lập luận của các giới chức Trung Quốc là “hoang tưởng” khi nói rằng người thiểu số Hồi giáo Uighur nóng lòng từ bỏ bản sắc sắc tộc, tôn giáo và văn hóa của họ để trở nên ‘hiện đại’, và hưởng những lợi ích của phát triển do Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu.”

Ông Pompeo tới Indonesia từ quần đảo Maldives, nơi ông loan báo Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ mở đại sứ quán tại Maldives, một động thái phản ánh quan ngại của Hoa Kỳ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi đe dọa vô pháp luật của họ”, ông Pompeo nói tại Male, vài giờ sau khi ông tố cáo Trung Quốc là một “ác thú” trong chặng dừng chân ở thủ đô Colombo của Sri Lanka.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc là ác thú”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Phản ứng trước phát biểu của ông Pompeo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói ý định thực sự của Ngoại trưởng Mỹ là “để cho Trung Quốc tụt hậu để trở về thời kỳ nghèo khó và thiếu phát triển, và để cho thế giới rơi xuống vực sâu của đối đầu và chia rẽ”.

Ông Uông nói với các ký giả:

“Đó là mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Rất tiếc, ông Pompeo sinh ra không đúng thời. Xu hướng hòa bình, phát triển, hợp tác và tất cả các bên đều thắng là xu hướng không thể cưỡng lại trong thời đại này”

https://www.voatiengviet.com/a/pompeo-lai-cong-kich-trung-quoc-truoc-them-cuoc-bau-cu-tt-my/5640237.html

Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Trung

bàn về liên lạc khi có khủng hoảng

Trong tuần này, các vị đứng đầu quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ họp bàn về trao đổi thông tin khi có khủng hoảng, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường quân sự ở Biển Đông gia tăng trong năm nay, với việc Hoa Kỳ bác bỏ một báo cáo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Cuộc họp bàn diễn ra vài ngày trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ, và trùng vào dịp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper có chuyến công du châu Á với Ngoại trưởng Mike Pompeo, ở đó, họ kêu gọi các nước

hợp tác với Hoa Kỳ để đối đầu với các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc gây ra, một quan điểm mà Trung Quốc đã chỉ trích, gọi đó là thứ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tư duy “được ăn cả, ngã về không”.

Hai quân đội của Trung Quốc và Hoa Kỳ tổ chức một cuộc họp qua đường truyền video về liên lạc khi có khủng hoảng vào ngày 28-29/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết hôm thứ Năm 29/10.

Theo ông Ngô, Bộ trưởng Esper bác bỏ thông tin trên báo chí nói rằng Hoa Kỳ đang nghiên cứu kế hoạch tấn công các đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông bằng máy bay không người lái MQ-9 trong trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ không có lợi cho Tổng thống Donald Trump.

Ông Esper nói Hoa Kỳ “không có ý định gây ra khủng hoảng quân sự với Trung Quốc”, theo ông Ngô.

Ông Ngô phát biểu: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ tiến hành đàm phán, giữ lời hứa và thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc khiêu khích quân sự trên không và trên biển của Trung Quốc”, đồng thời, người phát ngôn này nói thêm rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả nếu bị khiêu khích bằng một cuộc tấn công trên biển.

Cả hai quân đội sẽ trao đổi quan điểm thông qua hội nghị bằng đường truyền video về viện trợ nhân đạo vào giữa tháng 11 và về an ninh hàng hải trước cuối năm nay, ông Ngô nói.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-bo-truong-quoc-phong-tq-my-ban-ve-lien-lac-khi-co-khung-hoang/5640221.html

Mỹ rút khỏi thoả thuận

hợp tác cấp địa phương với Trung Quốc

Mỹ ngày 28/10 tuyên bố đã chỉ định chi nhánh ở Mỹ của một tổ chức do chính phủ Trung Quốc kiểm soát là một phái bộ nước ngoài và rút khỏi thỏa thuận tăng tiến hợp tác ở cấp địa phương giữa hai nước.

Quyết định được Ngoại trưởng Mike Pompeo loan báo là bước đi mới nhất để ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc tại Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11, theo đó Tổng thống Donald Trump đã xem sự cứng rắn đối với Trung Quốc là chủ đề chính trong chính sách ngoại giao.

Một tuyên bố của ông Pompeo nói rằng tổ chức được chỉ định, Hiệp hội Quốc gia về Thống nhất Hòa bình Trung Quốc (NACPU) do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc kiểm soát, là một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiệm vụ loan truyền ảnh hưởng và tuyên truyền ở nước ngoài.

“Mục đích của hành động này là soi sáng tổ chức này và làm rõ là những thông điệp của tổ chức đến từ Bắc Kinh,” tuyên bố nói.

Vẫn theo tuyên bố, Mỹ cũng ngưng tham dự vào một bảng ghi nhớ năm 2011 giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc liên hệ đến việc thành lập một Diễn đàn Mỹ-Trung nhằm Tăng tiến Hợp tác cấp Dưới Quốc gia.

Tuyên bố nói kể từ khi ký bản ghi nhớ, Hiệp hội Hữu nghị với Nước ngoài của Trung Quốc (CPAFFC) đã “tìm cách ảnh hưởng trực tiếp và với ý đồ xấu” lên các nhà lãnh đạo địa phương và tiểu bang Mỹ để thúc đẩy lịch trình toàn cầu của Trung Quốc.

Tuần trước, ông Pompeo loan báo Bộ Ngoại giao chỉ định 6 công ty truyền thông Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ là phái bộ nước ngoài, một động thái mà ông nói nhằm đẩy lùi tuyên truyền cộng sản.

Trung Quốc thề sẽ trả đũa và Bộ Ngoại giao nước này ngày 26/10 nói đã ra lệnh cho 6 công ty truyền thông Mỹ báo cáo về những hoạt động của họ tại Trung Quốc trong vòng 7 ngày.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-r%C3%BAt-kh%E1%BB%8Fi-tho%E1%BA%A3-thu%E1%BA%ADn-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-c%E1%BA%A5p-%C4%91%E1%BB%8Ba-ph%C6%B0%C6%A1ng-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c/5639852.html

Năm “điệp viên” Trung Quốc tại Mỹ bị bắt giữ

về tội truy lùng các nhà đối lập

Mai Vân

Chính quyền Mỹ đã cho biết: Năm “điệp viên” Trung Quốc đã bị bắt ngày hôm qua, 28/10/2020 tại Mỹ vì vai trò của họ trong chiến dịch gọi là “săn cáo” được Bắc Kinh khởi động, mượn danh nghĩa là chống tham nhũng để nhằm triệt hạ các nhà đối lập.

Theo lời trợ lý bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, John Demers, số bị bắt này nằm trong tổng số “8 điệp viên Trung Quốc đã bị truy tố vì chiến dịch cảnh sát bất hợp pháp đó”. Cũng theo quan chức Mỹ, ba người chưa bị

bắt có lẽ vẫn còn ở Trung Quốc, trong lúc năm người còn lại đã bị bắt tại các bang California, New Jersey và New York và sẽ đưa ra trình diện thẩm phán trong ngày.

Ông Demers nói rõ thêm những nhân vật này bị tố cáo là nhân viện thuộc các “đội đặc trách đưa người về nước, đã vào Mỹ nhưng không phối hợp” với chính quyền Mỹ. Một khi trên đất Mỹ thì họ đã “theo dõi những người bị Bắc Kinh cho là đã bỏ trốn, và đã sử dụng biện pháp hù dọa để buộc họ về Trung Quốc”.

Theo ông Demers, một số người bị truy tìm “có lẽ đã phạm vào các tội danh bị cáo buộc nhưng trong nhiều trường hợp, đó là những người chống đối chủ tịch Tập Cận Bình, những đối thủ, những nhà đối lập hay những nhà phê phán chế độ”..

Một cách cụ thể, bản cáo trạng nêu rõ là những người nói trên đã sách nhiễu một nạn nhân, mà tên vẫn chưa được công bố. Những người này đã tổ chức cho cha của nạn nhân đến Mỹ, quay phim người con gái, để rồi gây sức ép lên ông và hù dọa.

Mỹ rút khỏi một thỏa thuận hợp tác địa phương với Trung Quốc

Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào hôm qua, 28/10/2020, cho biết đã xác định một chi nhánh tại Mỹ của một tổ chức do chính phủ Trung Quốc kiểm soát là “phái bộ nước ngoài” và tuyên bố là Mỹ rút khỏi một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác cấp địa phương giữa hai nước.

Ông Pompeo tố cáo Hiệp Hội Hữu Nghị Đối Ngoại Nhân Dân Trung Quốc (CPAFFC) là đã “tìm cách ảnh hưởng trực tiếp và với ý đồ xấu” lên các nhà lãnh đạo địa phương và bang Mỹ để tăng cường sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết Hoa Kỳ cũng đã ngừng tham gia vào biên bản ghi nhớ năm 2011 giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến việc thành lập Diễn Đàn Thống Đốc Hoa Kỳ-Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác cấp địa phương.

Đây là động thái mới nhất nhằm hạn chế hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Kỳ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào thứ Ba tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-n%C4%83m-%C4%91i%E1%BB%87p-vi%C3%AAn-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-gi%E1%BB%AF-v%E1%BB%81-t%E1%BB%99i-truy-l%C3%B9ng-c%C3%A1c-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Việt Nam

nhằm củng cố quan hệ chiến lược song phương

Thanh Phương

Việc ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ thêm Việt Nam vào lộ trình chuyến công du châu Á chính là nhằm củng cố quan hệ chiến lược Mỹ-Việt, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang vận động thiết lập một liên minh ở châu Á để chống Trung Quốc.

Trước hết, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam, chuyến thăm của ngoại trưởng Pompeo hôm nay là một tín hiệu tốt, bởi lẽ trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến hai nước không thể tổ chức các cuộc gặp trực tiếp, và điều này ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển quan hệ song phương.

Do ông Pompeo vào giờ chót mới thêm chặng Việt Nam, hai bên khó mà đề ra một chương trình nghị sự chi tiết cho các cuộc gặp của ngoại trưởng Mỹ với các lãnh đạo Hà Nội. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm qua, ông Pompeo đến Việt Nam theo lời mời của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh chỉ là « nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ nói chung chung là ngoại trưởng Pompeo đến Hà Nội để « tái khẳng định sự vững chắc của Quan hệ Toàn diện Mỹ Việt Nam và cam kết chung của hai nước về một vùng thịnh thượng và hòa bình ».

Nhưng dựa theo những phát biểu trước đây của ông Mike Pompeo tại cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại trưởng ASEAN và Hoa Kỳ ngày 09/09, tại Đối thoại 2+2 Ấn Độ-Hoa Kỳ ngày 27/10 và tuyên bố của ông tại Indonesia hôm nay, giáo sư Carl Thayer dự đoán là ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu lên 3 ưu tiên trong chuyến thăm Việt Nam : Hợp tác Mỹ-Việt để thúc đẩy một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở », hợp tác song phương phòng chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cho sự tham gia của Mỹ vào các cuộc họp thượng đỉnh vào cuối năm của khối ASEAN, mà Việt Nam hiện là chủ tịch luân

phiên.  Cũng theo giáo sư Thayer, tại Việt Nam, ông Pompeo có thể nêu lên việc hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước để chống nạn đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 28/10, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore, cũng nhận định chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Pompeo là biểu hiện của mối quan hệ đang được thắt chặt giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng chiến lược gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cũng dựa trên những chủ đề mà ông Pompeo nêu lên tại các nước khác trong chuyến công du Châu Á lần này, ông Lê Hồng Hiệp dự đoán là hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và chiến lược, đẩy mạnh hợp tác song phương theo cái nhìn chung của hai nước về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ».

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cũng ghi nhận là lộ trình chuyến công du châu Á lần này (Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, Việt Nam) cho thấy là Hoa Kỳ đang cố thiết lập một hệ thống các đồng minh và đối tác khu vực để yểm trợ cho chiến lược của họ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Do Việt Nam nằm ở một vị trí chiến lược, đang tăng cường khả năng quân sự, và từ lâu vẫn đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, cho nên rõ ràng là Hoa Kỳ xem Việt Nam là một quốc gia rất đáng được đưa vào hệ thống các đồng minh và đối tác đó.

Vào tuần trước, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông. Tại Hà Nội, thủ tướng Suga cũng đã tuyên bố Việt Nam có vai trò « thiết yếu » trong chiến lược của Tokyo hướng tới một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Nhật, hai nước cũng đã cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, đồng thời đã « cơ bản » đạt được thỏa thuận về việc xuất khẩu công nghệ và thiết bị quốc phòng của Nhật Bản cho Việt Nam.

Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, những điều đó cho thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang phối hợp với nhau để kéo Việt Nam vào một cơ chế « Quad plus » (Bộ tứ cộng). Quad là nhóm 4 nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, tức là bốn cường quốc dân chủ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cho dù lo ngại phản ứng của Trung Quốc, việc tham gia không chính thức vào « Quad plus » có tính chất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đối đầu với các áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201029-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-pompeo-th%C4%83m-vi%E1%BB%87t-nam-nh%E1%BA%B1m-c%E1%BB%A7ng-c%E1%BB%91-quan-h%E1%BB%87-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-song-ph%C6%B0%C6%A1ng

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ tìm “phương cách mới”

để hợp tác với Indonesia ở biển Đông

Tin từ JAKARTA, Indonesia – Vào hôm thứ Năm (29/10), ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ tìm ra những phương cách mới để hợp tác với Indonesia ở Biển Đông và tôn trọng những nỗ lực của Jakarta trong việc bảo vệ vùng biển của chính họ trong khi bác bỏ các tuyên bố chủ quyền “trái pháp luật” của Trung Cộng trong khu vực.

Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Retno Marsudi của Indonesia, ông ca ngợi “hành động dứt khoát” của Jakarta để bảo vệ chủ quyền của họ ở vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Trung Cộng cũng tuyên bố chủ quyền. Ông Pompeo cho biết tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng là “bất hợp pháp”.

Bà Retno cho biết bà muốn có một Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng. Ông Pompeo đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm thứ Năm, cũng như phát biểu trước một nhóm thanh niên Hồi giáo. Trước chuyến thăm Indonesia, ông Pompeo đến thăm Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives. Ông dự kiến sẽ bay đến Việt Nam vào cuối ngày thứ Năm (29/10). (BBT)

https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-hoa-ky-tim-phuong-cach-moi-de-hop-tac-voi-indonesia-o-bien-dong/

VN trả tự do công dân Mỹ Michael Nguyễn:

‘Thắng lợi về nhân quyền’?

Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Việt Kiều Mỹ Michael Nguyễn (còn gọi là Michael Phương Minh Nguyễn) sau hai năm giam giữ, ngay trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Pompeo.

Theo thông cáo báo chí của văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal, ông Micheal Nguyễn đã đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, California hôm Chủ nhật. Việc ông Micheal được trả tự do “đánh dấu một thắng lợi về nhân quyền và một bước tiến tích cực trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ”.

Việt Kiều Mỹ bị tuyên 12 năm tù tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’

Việt kiều Mỹ bị bắt cùng 4 nhà bất đồng chính kiến

Cũng theo thông cáo, Dân biểu Porter là người đã đấu tranh ‘không mệt mỏi’ trong suốt hai năm để ông Michael được trả tự do.

Dân biểu Porter được trích lời trong thông cáo, nói:

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì Michael đã được đoàn tụ với vợ, Helen và bốn cô con gái của họ. Michael và cả gia đình họ Nguyễn đã thể hiện sức mạnh và sự kiên trì đáng kinh ngạc. Việc ông ấy trở về nhà vào Chủ nhật là một cuộc đoàn tụ được mong đợi từ lâu.”

Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu trong thông cáo được gửi đi hôm 28/10:

“Tôi rất phấn khởi khi nghe tin ông Michael Nguyễn, công dân Mỹ bị bắt giam, tuyên án, và cầm tù một cách sai trái bởi chính quyền Cộng sản Việt Nam đã được trả tự do, trở về với gia đình và cộng đồng tại Mỹ. Tôi cảm kích sự tận tâm và nỗ lực vận động của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Mỹ, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Tôi cũng cảm ơn các vị Dân biểu đã hết lòng hỗ trợ vận động cho Michael Nguyễn được trở về với gia đình.”

Dân biểu Brad Sherman bày tỏ:”Trong một thời gian dài, các thành viên lưỡng đảng của Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả tôi, đã kêu gọi trả tự do cho Michael Nguyễn. Tôi đã tổ chức các cuộc gặp với các Đại sứ Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, gửi thư cho chính quyền, gặp các quan chức trong chính quyền, và hoan nghênh Helen Nguyễn đến điều trần trước Tiểu ban Châu Á để vận động thay cho Michael.”

“Việc trả tự do cho ông Nguyễn sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự vận động của Dân biểu Porter. Đây thực sự là một chiến thắng đáng kinh ngạc về nhân quyền, và là một bước tiến quan trọng trong phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ “.

Gia đình ông Michael Nguyễn cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thành viên Quốc hội, Bộ Ngoại giao, nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trong nỗ lực đưa ông trở về.

‘Đấu tranh suốt 2 năm’

Trong suốt thời gian làm Đại diện cho Quận 45 của California, Dân biểu Porter đã liên tục ủng hộ việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn ngay lập tức và an toàn. Bà đã mời vợ của ông Michael làm khách của mình tại State of the Union vào năm 2019 để nâng cao nhận thức về việc ông Michael bị giam cầm.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump với Kim Jong Un tại Hà Nội vào năm ngoái, Dân biểu Porter là người khởi xướng một lá thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống có thêm hành động để đảm bảo việc thả ông Michael.

Tháng 11/2019, bà tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện để báo cáo trực tiếp với Bộ Ngoại giao Mỹ về trường hợp của Michael.

Bà Porter cũng viết một bài phân tích trên Orange County Registrar về việc cần khẩn cấp đưa ông Michael về Mỹ. Đầu năm nay, bà đã cùng các thành viên khác của phái đoàn quốc hội Quận Cam đón tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink tại một tòa thị chính ở địa phương.

‘Tư pháp Việt Nam vận hành một cách khó hiểu’

Trong bài báo Vietnam Justice Works in Strange Ways đăng trên Asiasentinel, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam David Brown viết:

“Ông Nguyễn hẳn không thuộc kiểu người chế tạo bom dưới tầng hầm nhà riêng. Có vẻ như là, ông ấy chỉ là người thích tụ tập với bạn bè, uống vài cốc bear và mơ tưởng về việc lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cảnh sát Việt Nam thì ông ấy đã cố gắng thực hiện những điều ông tưởng tượng. Chỉ có điều là thời điểm ông thực hiện nó lại rất tồi, rõ ràng là vụng về, giống như cách ông đảm bảo an ninh cho mình.”

“Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không phải là đại diện của cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của chế độ Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã có cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền.”

“Bảo đảm việc trả tự do cho ông Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên đang gần như gói lại sự việc, thì Phạm Đoan Trang bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Và, không giống như Michael Nguyễn, khi những người bất đồng chính kiến sing sống tại Việt Nam bị bắt, họ bị từ chối cho người đến thăm hoặc nhận đồ gửi từ nhà, trừ khi họ thú nhận ý định phạm tội của mình.”

So sánh trường hợp ông Nguyễn và Phạm Đoan Trang, ông David Brown viết rằng họ không thiếu bạn đồng hành trong tù. Thời điểm ông Micheal Nguyễn bị bắt năm 2018, có 147 tù nhân chính trị trong nhà tù Việt Nam. Vào tháng 10/2020 khi Phạm Đoan Trang bị bắt, con số đã tăng lên 254 người.

“Gia đình ông Nguyễn và những người hàng xóm của ông tị nạn sang Mỹ sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ, hiện định cư ở Nam California. Họ đã làm việc chăm chỉ, thịnh vượng và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể “trở về nhà,” ông David Brown viết.

Ông Micheal Nguyễn là ai?

Ông Michael Nguyễn được cho là đến Việt Nam thăm người thân vào tháng 6/2018. Ông bị bắt vào 7/7 cùng năm, sau đó bị giam tám tháng tại Trại giam Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi bị đưa ra xét xử.

Trong phiên tòa kéo dài 4 giờ ngày 26/4/2019, ông Michael Nguyễn bị tuyên 12 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 1, Khoản 109 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC Tiếng Việt sau phiên tòa rằng ông Michael Nguyễn tại tòa rất ‘điềm đạm’ và ‘khai nhận tất cả những gì ông làm’, và rằng ông “không biết hành vi muốn giúp ích cho quê hương của ông lại vi phạm pháp luật Việt Nam.”

Trước đó, ông Michael là doanh nhân sinh sống ở Quận Cam, bang California, Mỹ. Ông thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54729124

Các tổng giám đốc Facebook, Twitter, Google

bị chất vấn tại Thượng Viện

Tin Washington DC – Các tổng giám đốc Facebook, Twitter, và Google đã đối mặt với nhiều chỉ trích dữ dội từ các thượng nghị sĩ Cộng Hòa và cả Dân Chủ vào thứ Tư, 28 tháng 10, trong phiên điều trần liên quan đến đạo luật Internet số 230.

Phe Cộng Hòa nói luật 230 giúp bảo vệ các hãng kỹ thuật tránh khỏi trách nhiệm về những nội dung do người dùng đăng trên mạng xã hội, tuy nhiên, các hãng kỹ thuật cũng đang lợi dụng đạo luật này để kiểm duyệt các bài viết không giống với chính kiến của họ.

Các nhà lập pháp Dân Chủ cũng chỉ trích luật 230, nói rằng Facebook, Twitter, Google, và các hãng kỹ thuật khác, vẫn chưa cố gắng ngăn chận tin giả và các thông điệp kỳ thị. Mối lo ngại về nạn kiểm duyệt trên mạng xã hội gia tăng sau khi Twitter và Facebook chận đường dẫn tới bài viết của tờ New York Post, vốn đăng các tin tức bất lợi cho ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden.

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Ted Cruz đã chỉ trích tổng giám đốc Twitter Jack Dorsey, nói rằng ông Dorsey không phải là viên chức dân cử và ông không có quyền quyết định về việc các hãng truyền thông được đưa tin gì, và người Mỹ được phép xem các nội dung gì.

Đối với Facebook, Tổng giám đốc Mark Zuckerberg nói hãng này đã có nhiều hành động để chống lại các thông điệp kỳ thị, nhưng ông cũng thừa nhận Facebook vẫn cần kiểm soát thêm về các nội dung được giới thiệu cho người dùng. So với Twitter và Faceook, tổng giám đốc Google Sundar Pichai trải qua phiên điều trần một cách khá nhẹ nhàng.

Ông chỉ bị chất vấn về ảnh hưởng của Google đối với các hãng truyền thông nhỏ, làm giảm thu nhập từ quảng cáo của các hãng này. Nhìn chung, cả 3 tổng giám đốc đều bảo vệ luật 230, nói rằng bất kỳ thay đổi nào trong đạo luật đều có thể khiến các mạng xã hội không thể tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/cac-tong-giam-doc-facebook-twitter-google-bi-chat-van-tai-thuong-vien/

Hunter Biden và các đối tác đã lên kế hoạch tham gia

cùng CEO Facebook trong thương vụ hàng triệu đô la

Hương Thảo

Sau khi hàng nghìn tài liệu liên quan đến việc kinh doanh quốc tế khổng lồ trong bóng tối của con trai Joe Biden được tiết lộ, một tài liệu khác đã chỉ ra những kế hoạch của một trong những đối tác của Hunter Biden tham gia cùng Mark Zuckerberg, CEO của Facebook.

Trong email của mình, đối tác của Hunter Biden, Devon Archer, nói với Jason Galanis, một trong những đối tác khác của anh ta, về triển vọng kinh doanh mà Giám đốc điều hành của Facebook trình bày với họ, theo The Post Millennial vào ngày 27/10.

“Điều này thật tuyệt. Tôi sẽ sớm sửa đổi một số điểm. Một [sửa đổi] lớn là Zuckerberg đang đầu tư vào khu vực cựu chiến binh. Chúng tôi sẽ sở hữu 50% công việc kinh doanh tại BTC Global Hold mà chúng ta đang đồng đầu tư, nhưng anh ấy sẽ sở hữu 50% của mảng bên PTSD (Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Sau chấn thương Hoa Kỳ) trong phần lợi nhuận của anh ấy và các đối tác của anh ấy”, Archer viết.

Sau khi Galanis hỏi Archer liệu anh ta có đang nói về CEO của Facebook hay không, Archer xác nhận rằng đúng vậy.

“Vâng. Họ đang thảo luận và chúng tôi sẽ giữ bí mật khi chúng tôi chốt thỏa thuận và bắt tay vào làm”, Archer nói thêm.

Đáng chú ý là sau khi thông tin về bê bối của nhà Biden được tiết lộ trong các bài báo trên tờ New York Post, Facebook đã nhanh chóng kiểm duyệt việc chia sẻ tin tức thông qua nền tảng của mình.

Facebook lập luận rằng họ đã làm như vậy trong khi chờ xác nhận tính xác thực của nó, khi mà thủ tục thông thường chỉ cần phương tiện truyền thông chịu trách nhiệm xác nhận tính xác thực của thông tin là đủ điều kiện.

Cả Archer và Galanis đều bị bắt vì tội gian lận và hầu tòa, cùng với Bevan Cooney. Cả ba đều bị kết án và Cooney hiện đang ngồi tù.

Cooney sau khi vào tù đã cho phép xuất bản hàng nghìn email cho thấy Hunter cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh gây tranh cãi, theo The BL.

Bản án 189 tháng tù của Galanis được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) công bố vào ngày 24/9. Điều thú vị là bản án của Archer đã bị trì hoãn.

“Galanis, cùng với đồng phạm Gary Hirst, John Galanis, hay còn gọi là ‘Yanni’ Hugh Dunkerley, Michelle Morton, Devon Archer và Bevan Cooney, đã tham gia vào một âm mưu gian lận để biển thủ số tiền thu được từ trái phiếu do Tập đoàn Cộng đồng Hồ Wakpamni phát hành (WLCC), một thực thể bộ lạc người Mỹ bản địa”, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết.

Các công việc làm ăn của Hunter liên quan đến những người này, trong các doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quốc gia khác, và cha anh ta phủ nhận việc biết về những doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, các tài liệu được New York Post tiết lộ không chỉ cho thấy Joe Biden cũng tham gia vào các hoạt động tài chính đó, với tư cách là phó chủ tịch, mà ông ấy còn yêu cầu 50% thu nhập kiếm được từ chúng, theo The BL.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hunter-biden-va-cac-doi-tac-da-len-ke-hoach-tham-gia-cung-ceo-facebook-trong-thuong-vu-hang-trieu-do-la.html

Philadelphia ban hành lệnh giới nghiêm

toàn thành phố để dập tắt tình trạng bất ổn

sau khi một người da đen bị cảnh sát bắn chết

Tin từ Philadelphia – Vào thứ tư (ngày 28 tháng 10), các viên chức Philadelphia đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố nhằm tìm cách ngăn chặn tình trạng bạo lực đã xảy ra hai đêm liên tiếp sau khi một cảnh sát bắn chết một người da đen.

Các con phố trên khắp Philadelphia, thành phố lớn nhất tiểu bang Pennsylvania, đã trở nên căng thẳng kể từ khi anh Walter Wallace, 27 tuổi, bị hai cảnh sát bắn chết vào thứ hai (ngày 26 tháng 10) khi họ nhận được điện thoại từ người thân của nạn nhân nói rằng họ cần hỗ trợ đối với tình trạng tâm thần của anh.

Cái chết của anh Wallace đã khởi đầu cho hai đêm cướp bóc và các cuộc giao tranh định kỳ giữa cảnh sát trong trang phục chống bạo động và những người biểu tình chỉ trích vụ nổ súng là trường hợp mới nhất về tình trạng kỳ thị chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của Hoa Kỳ.

Cảnh sát Philadelphia đã bắt 172 người, và 53 cảnh sát đã bị thương trong hai đêm bắt đầu bằng các cuộc biểu tình ôn hòa nhưng nhường chỗ cho việc cướp phá các cửa hàng lớn và các cơ sở kinh doanh khác. Các viên chức thành phố cho biết có tới 1,000 người đã tham gia cướp bóc ở một góc của thành phố vào đêm thứ Ba, khiến lực lượng cảnh sát không kịp trở tay.

Lệnh giới nghiêm từ Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney có hiệu lực từ 6 giờ tối ngày thứ tư. Một cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào khoảng thời gian này đã bị hoãn lại, sau đó bị hủy, sau khi có ít hơn một chục người tham dự. Bốn cá nhân sau đó đã bị bắt giữ vì vi phạm lệnh giới nghiên.

Thống đốc tiểu bang Pennsylvania Tom Wolf cho biết ông đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia của tiểu bang để hỗ trợ lực lượng hành pháp và nhân viên khẩn cấp địa phương cho đến khi trật tự được khôi phục. Vệ binh dự kiến sẽ bắt đầu đến thành phố vào thứ Sáu (ngày 30 tháng 10).

https://www.sbtn.tv/philadelphia-ban-hanh-lenh-gioi-nghiem-toan-thanh-pho-de-dap-tat-tinh-trang-bat-on-sau-khi-mot-nguoi-da-den-bi-canh-sat-ban-chet/

Mỹ: Nhà thờ của người Việt

bị nhóm BLM đốt cháy ‘hoàn toàn’

Lục Du

Nhà thờ Baptist của người gốc Việt ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã bị đốt cháy “hoàn toàn” trong các cuộc biểu tình và bạo loạn của nhóm người Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng đáng giá – BLM) vào tối thứ Ba (27/10), theo Breitbart.

Các cuộc biểu tình của những người BLM bùng lên ngay sau vụ việc cảnh sát băn một người đàn ông da đen có tên Walter Wallace, Jr. vào thứ Hai (26/10). Walter đã bị bắn khi anh ta đang cầm dao để tấn công cảnh sát.

Theo BP, mục sư gốc Việt Philip Phạm nhận được một cuộc gọi thông báo về việc nhà thờ bị nhóm người BLM đốt vào tối thứ Ba từ một tín hữu, mà bạn của người này đã nhìn thấy ngọn lửa và bảy xe cứu hỏa vây quanh nhà thờ.

“Tôi không biết tại sao họ lại tấn công nhà thờ của chúng tôi”, Ông Phạm nói. “Họ đốt nó từ mái nhà. Họ ném hóa chất dễ cháy lên mái nhà và [ngọn lửa] bùng lên thiêu cả mái nhà” và lan xuống phần còn lại của tòa nhà.

Ông Phạm thông tin thêm rằng nhà thờ của cộng đồng người Việt đã bị nhóm người BLM phá “hủy hoàn toàn”.

Mối quan tâm hàng đầu của ông Pham là tình trạng của ba ổ cứng máy tính sau vụ phóng hỏa của nhóm người BLM. Kể từ trước khi mua tòa nhà để làm nơi sinh hoạt tôn giáo vào năm 2005, nhà thờ Baptist Việt Nam đã hoạt động như một trung tâm cộng đồng mỗi ngày trong tuần, cung cấp những hỗ trợ về thủ tục giấy tờ nhập cư, thuế và thậm chí cả tư vấn hôn nhân.

Philadelphia đã trở nên yên bình hơn sau các lệnh giới nghiêm, mặc dù vẫn còn xuất hiện một số các hành vi bạo lực lẻ tẻ của nhóm người BLM vào đêm thứ Tư.

Tình hình ở Washington, DC, cũng trở nên bất ổn khi có một số sĩ quan cảnh sát bị thương sau khi họ bị những người BLM tấn công bằng pháo hoa. Ngoài ra còn có các cuộc đụng độ khác giữa người biểu tình và cảnh sát.

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-nha-tho-cua-nguoi-viet-bi-nhom-blm-dot-chay-hoan-toan.html

‘New York Times’ trở thành

‘Thời báo Hoàn cầu’ phiên bản Mỹ

Vũ Dương

Có ý kiến bày tỏ, New York Times từ sớm đã là chi nhánh Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vậy nên lời lẽ đương nhiên cần phải nhất quán với “chủ” của nó rồi.

Ngày 24/10, tờ New York Times đã đăng bài viết của Kevin Roose, cố gắng đưa ra những cáo buộc sai lầm hòng làm mất uy tín của Thời báo The Epoch Times.

Theo New York Times, The Epoch Time (phiên bản tiếng Anh của Epoch Times) đã mượn dùng chiến lược Facebook “rất công kích” để truyền bá thông tin sai lệch của cánh hữu và đã phát triển thành một “đế chế truyền thông” quan trọng “chống Trung Quốc” và ủng hộ Tổng thống Trump.

Tác giả Thiên Bách Độ trên Epoch Times đã có lời rằng, New York Times lần nữa đã thừa nhận bản thân đóng vai “đồng đội” của ĐCSTQ.

Bài viết của New York Times công kích The Epoch Times vừa được đăng tải vài phút, ngay lập tức vô số nền tảng truyền thông tiếng Trung tại Hoa Kỳ đã đăng tải bài viết đó dưới dạng phiên bản tiếng Trung.

Đây rõ ràng là một lần tấn công đã được phối hợp hết sức nhuần nhuyễn, hoặc là họ đã biết trước rằng có một bài viết như vậy sẽ được đăng tải, nên đã bố trí một nhóm dịch giả chờ đợi sẵn; hoặc là họ đã có được bài viết đó và phiên dịch nó ra trước cả khi bài viết đó được đăng tải.

New York Times đang đặt định mình vào vị trí là phiên bản Hoa Kỳ của “Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times) – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.

Bài viết của New York Times đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng mạng, cho thấy uy tín của chi nhánh “Thời báo Hoàn Cầu” New York Times đã mất sạch. Sau đây là phản hồi của dư luận với động thái của New York Times.

//LIFETIME视界: New York Times công kích The Epoch Times chỉ vì The Epoch Times không hùa theo New York Times ủng hộ Joe Biden. Còn việc chụp mũ The Epoch Times là “chống Trung Quốc” thì có vẻ như New York Times rất thiếu chuyên nghiệp. “Chống ĐCSTQ” có đồng nghĩa với “chống Trung Quốc” không? Việc đánh đồng những người “chống ĐCSTQ” với “chống Trung Quốc” là luận điệu tuyên truyền xưa nay của ĐCSTQ.

// nishangyuyi: New York Times từ sớm đã là chi nhánh của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vậy nên lời lẽ đương nhiên cần phải nhất quán với “chủ” của nó, đây là những gì Sư phụ của nó luôn làm: nào là các thế lực chống Trung Quốc, nào là phần tử ly khai… không có gì đáng ngạc nhiên cả. Quan trọng là khi nào đưa các kênh truyền thông cánh tả ra tòa xét xử tội ác chống lại loài người?

@ mikezhang0: “Chống Trung Quốc” là thuật ngữ quen dùng của chính quyền ĐCSTQ, điều này cho thấy New York Times đã là cơ quan truyền thông đại diện chính thức ở nước ngoài của ĐCSTQ, tuyệt đối đừng trông mong vào nó nữa.

Về vấn đề này, ông Tào Trường Thanh (Cao Changqing) – chuyên gia các vấn đề thời sự chính trị người Hoa hiện đang sinh sống tại Mỹ, cho hay: “Phiên bản tiếng Anh của Epoch Times đã phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây và trở thành một trong những tiếng nói chống ĐCSTQ mạnh mẽ nhất trong các kênh truyền thông tiếng Anh, phơi bày cho độc giả tiếng Anh thấy được hàng loạt các tội ác phi nhân tính của ĐCSTQ.

Đồng thời, The Epoch Times còn tôn vinh và thúc đẩy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nước Mỹ. Tất cả mọi người ở phương Tây đều đã thấy được các thứ của ‘cánh tả’ đáng sợ như thế nào, vậy nên điều quan trọng không chỉ là xây dựng một đất nước Trung Quốc dân chủ, mà bảo vệ các giá trị truyền thống cốt lõi cũng quan trọng không kém”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/new-york-times-tro-thanh-thoi-bao-hoan-cau-phien-ban-my.html

Bão Zeta đổ bộ Louisiana,

mang đến gió mạnh và các đợt sóng nguy hiểm

Vào thứ tư (ngày 28 tháng 10), Bão Zeta đã đổ bộ vào Louisiana với sức gió 110 dặm/giờ, đi kèm với những đợt sóng nguy hiểm. Đây là cơn bão thứ ba đổ bộ vào tiểu bang này vào năm nay. Những cơn gió nguy hiểm của Zeta đã tấn công một đoạn bờ biển vùng Vịnh từ Louisiana đến Mississippi.

Với sự xuất hiện của Zeta, đây là lần thứ hai Louisiana có ba cơn bão xuất hiện trong chỉ một năm, lần trước là vào 15 năm trước. Zeta đã di chuyển rất nhanh qua Vịnh Mexico, di chuyển với vận tốc 20 dặm/giờ.

Theo Trung tâm Bão Quốc gia (NHC), những đợt gió nguy hiểm từ Zeta sẽ đến New Orleans, cách Cocodrie, Louisiana khoảng 98 dặm về phía đông bắc và thổi qua các phần của miền đông nam Mississippi, Alabama, và phía bắc Georgia. Đến thứ năm (ngày 29 tháng 10), dãy núi Appalachian ở phía nam tiểu bang sẽ phải hứng chịu những đợt gió giật mạnh.

Những đợt sóng do Zeta mang đến có thể cao đến 9 feet từ Port Fourchon, Louisiana, đến cửa sông Pearl, ở Mississippi. Các đợt sóng có khả năng sẽ tràn qua các con đê bảo vệ một số vùng phía đông của tiểu bang. NHC cho biết sẽ có những đợt mưa từ 2 đến 4 inch từ bờ biển vùng Vịnh đến trung tâm Dãy núi Appalachian. Hiện tại, Thống đốc tiểu bang Louisiana John Bel Edwards đã kêu gọi người dân đến nơi trú ẩn, đồng thời cam kết sẽ có viện trợ và phục hồi ngay sau khi cơn bão rời khu vực đông nam.

Trong khi đó, New Orleans đã tạm dừng các dịch vụ chuyển hàng, đồng thời khuyến cáo những cư dân sống bên ngoài hệ thống đê bảo vệ của tiểu bang nên đến vùng đất cao hơn. Các cộng đồng ven biển và vùng trũng dọc theo bờ biển đã nhận được lệnh di tản bắt buộc. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu và khí đốt đã di tản 231 cơ sở sản xuất ngoài khơi và đóng cửa các giếng sản xuất 2/3 sản lượng dầu và 45% sản lượng khí đốt tự nhiên của khu vực ngoài khơi. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bao-zeta-do-bo-louisiana-mang-den-gio-manh-va-cac-dot-song-nguy-hiem/

Khủng hoảng biếm họa Pháp – Thổ:

Liên Hiệp Quốc kêu gọi « tôn trọng lẫn nhau »

Trọng Thành

Vụ các biếm họa liên quan đến đạo Hồi, xuất bản tại Pháp, tiếp tục khiến cho quan hệ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi. Hôm qua, 28/10/2020, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách đối thoại giữa các nền văn hóa kêu gọi các bên « tôn trọng lẫn nhau », « tránh để bạo lực gây tổn hại cho các thường dân vô tội ».

Ông Miguel Angel Moratinos, đứng đầu Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách các hoạt động quốc tế chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thông qua thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo (UNAOC) ra thông báo, nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc « theo dõi, với sự quan ngại sâu sắc, các căng thẳng gia tăng và các hành động bất khoan dung, bùng phát sau việc xuất bản các biếm họa liên quan đến nhà tiên tri Mohamet, mà các tín đồ Hồi giáo coi như là hành động báng bổ, gây xúc phạm sâu sắc ». Thông báo không trực tiếp nhắc đến phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bảo vệ quyền vẽ tranh biếm họa, với đối tượng là các biểu tượng tôn giáo, như nhà tiên tri đạo Hồi, được đưa ra hồi tuần trước, trong lễ tưởng niệm nhà giáo Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại, sau khi giới thiệu với học sinh về biếm họa nhà tiên tri Mohamet.

Hôm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lên án một tranh biếm họa liên quan đến tổng thống Erdogan của tuần báo Pháp Charlie Hebdo, và tố cáo đó là kỳ thị văn hóa và gây thù hận, và coi đó là kết quả của chính sách chống đạo Hồi của tổng thống Emmanuel Macron. Ankara dọa sẽ có « hành động về tư pháp » cũng như « ngoại giao » để đáp trả. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong việc lên án tranh biếm họa nhà tiên tri đạo Hồi. Từ một tuần nay, tại nhiều quốc gia Hồi giáo, nhiều lời kêu gọi biểu tình và tẩy chay hàng Pháp được tung ra. 

Liên Âu đoàn kết với Pháp

Cũng ngày hôm qua, người phát ngôn của chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, nhấn mạnh nước Pháp « sẽ không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc và giá trị của mình », bất chấp «  các hành động gây bất ổn và đe dọa ». Người phát ngôn chính phủ Pháp khẳng định Liên Âu hết sức đoàn kết  bảo vệ các giá trị chung. Quốc vụ khanh phụ trách các sự vụ châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune, cho biết sẽ thúc đẩy để Liên Âu có « các biện pháp mạnh, bao gồm cả trừng phạt » đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã tố cáo việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cố tình để cho truyền thông tại các quốc gia theo Hồi giáo, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đã bóp méo các thông điệp của tổng thống Pháp, cố tình loại bỏ sự khác biệt giữa « Hồi giáo cực đoan » và « đạo Hồi », khiến công chúng lầm tưởng là tổng thống Pháp chống lại đạo Hồi.

Tiếp theo các ủng hộ của giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, đến lượt Đan Mạch khẳng định đoàn kết với nước Pháp. Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod khẳng định trên kênh truyền hình TV2 : « Tự do ngôn luận là giá trị nền tảng của một nền dân chủ ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-bi%E1%BA%BFm-h%E1%BB%8Da-ph%C3%A1p-th%E1%BB%95-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-t%C3%B4n-tr%E1%BB%8Dng-l%E1%BA%ABn-nhau

COVID: Pháp đóng cửa trở lại,

Mỹ nhiều nơi số nhập viện tăng

Mỹ

Bệnh viện Đại học Y tế UW tại Madison, Wisconsin, khẩn trương biến những chỗ trống thành các phòng dành cho bệnh nhân COVID-19, vào lúc các cơ sở y tế tiểu bang đang chật vật theo đà các ca lây nhiễm mới.

Trong nỗ lực này, Bệnh viện UW mở thêm một khu chăm sóc hồi sức trong tuần, trước thời biểu, và nơi đây nhanh chóng đầy bệnh nhân COVID.

“Chúng ta đang ở một thời điểm thiết yếu khác trong việc đáp ứng với đại dịch,” Đô đốc Brett Giroir, trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ nói trong chương trình “Today” của NBC. “Các ca đang gia tăng tại hầu hết các tiểu bang trên toàn quốc.”

Ngày 27/10 có hơn 44.000 bệnh nhân virus corona nhập viện tại Mỹ, con số cao nhất kể từ ngày 15/8 và tăng 40% trong tháng 10. Nước Mỹ báo cáo hơn 74.000 ca mới vào ngày 27/10 và gần 1.000 ca tử vong mới.

Con số nhập viện gia tăng lớn nhất là tại Texas với gần 1.000 ca mới vào hôm 27/10, tăng 20% so với tuần trước.

Với số ca tăng mạnh làm bệnh viện địa phương quá tải, thành phố El Paso ở Texas đã chuyển một trung tâm hội nghị thành một bệnh viện dã chiến để chữa thêm người bệnh.

Mười hai tiểu bang có bệnh nhân nhập viện kỷ lục vì COVID-19 vào ngày 27/10 là Arkansas, Indiana, Iowa, Kentucky, Minnesota, Nebraska, New Mexico, Ohio, South Dakota, West Virginia, Wisconsin và Wyoming.

Tại Wisconsin, nơi phá kỷ lục về số ca lây nhiễm và tử vong trong một ngày, hôm 27/10, các giới chức tiểu bang yêu cầu cư dân tự nguyện cách ly nếu có thể, mang khẩu trang và chớ tụ tập xã hội hơn 5 người.

Châu Âu

Pháp đóng cửa toàn quốc trở lại bắt đầu tuần này nhằm chế ngự đại dịch COVID-19 đang đe dọa vượt quá mức kiểm soát, Tổng thống Emmanuel Macron loan báo trong một thông điệp gởi quốc dân ngày 28/10.

Theo những biện pháp mới Tổng thống Macron loan báo, có hiệu lực vào ngày 30/10, mọi người phải ở nhà trừ khi đi mua hàng hóa cần thiết, đi khám bệnh hay đi tập thể dục một giờ mỗi ngày.

Người dân có thể được phép đi làm nếu chủ nhân thấy rằng nhân viên không thể làm việc tại nhà-khác biệt so với đợt đóng cửa vào tháng 3 trước đây-hầu hết các trường học vẫn mở cửa, ông Macron loan báo.

Biện pháp mới phản ánh 8 tuần đóng cửa Pháp từng thực hiện vào mùa xuân, khi con số nhập viện và tử vong vì dịch bệnh COVID-19 đạt đỉnh điểm.

Đợt đóng cửa đó hữu hiệu trong việc chế ngự được dịch bệnh, nhưng COVID bắt đầu lây lan trở lại sau khi quy định được nới lỏng vào ngày 11/5 khi mọi người bắt đầu tụ tập trong lớp, trường đại học, quán rượu và tiệm ăn.

Ngày 27/10, Pháp báo cáo 523 ca tử vong mới vì virus corona trong 24 giờ qua, cao nhất hàng ngày kể từ tháng 4, khi virus lên cao nhất. Bác sĩ cảnh báo là những đơn vị chăm sóc đặc biệt có nguy cơ trở nên quá tải.

Với số người chết trên 35.000, Pháp đứng hàng thứ bảy trên thế giới, theo dữ liệu của Reuters.

Trước đây trong tháng, ông Macron loan báo giới nghiêm về đêm tại Paris và những thành phố lớn khác, nhưng các giới chức công nhận là biện pháp này không đủ để làm giảm tỉ lệ lây nhiễm và đòi hỏi những đáp ứng mạnh mẽ hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/covid-ph%C3%A1p-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-nhi%E1%BB%81u-n%C6%A1i-s%E1%BB%91-nh%E1%BA%ADp-vi%E1%BB%87n-t%C4%83ng-/5639829.html

Liên minh châu Âu hỗ trợ 1.3 triệu Euro

cho người dân miền Trung vùng bão lụt

Tin Vietnam.- Ngày 28 tháng 10 năm 2020, trên trang Fanpage European Union in Vietnam của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thông báo sẽ cung cấp một khoản viện trợ trị giá 1.3 triệu Euro tương đương với 35.6 tỷ đồng để trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho người dân miền Trung bị bão lụt. Những người được nhận hỗ trợ là các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt lũ lụt gây ra ở miền Trung từ đầu tháng 10 đến nay, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Ông Olivier Brouant, phụ trách chương trình ứng phó nhân đạo của EU tại khu vực sông Mekong nói rằng, “Khoản viện trợ này là thông điệp cho sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Việt Nam, mà nhiều người trong số họ đã bị mất nhà cửa, sinh kế và đồ đạc trong sự tàn phá của những đợt lũ”. Đồng thời, khoản viện trợ sẽ giúp các đối tác của EU trong việc trợ giúp những người bị tổn thương, bảo đảm cho họ có đủ phương tiện để trải qua thời điểm khó khăn.

Khoản viện trợ sẽ được chương trình Công cụ Ứng phó Khẩn cấp quy mô Cấp tính của EU hỗ trợ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, Save Children, và World Vision thực hiện công tác cứu trợ. 3 tổ chức này sẽ phân phát các bộ thiết bị làm sạch vệ sinh, và các vật dụng cứu trợ cần thiết khác, bảo đảm tiếp cận nước sạch, các thiết bị làm sạch. Còn tiền mặt thì sẽ được trao cho người dân để giúp họ mua thực phẩm cũng như những thứ cần thiết trong đời sống.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/lien-minh-chau-au-ho-tro-1-3-trieu-euro-cho-nguoi-dan-mien-trung-vung-bao-lut/

Phát hiện tình tiết mới

trong vụ 39 thi thể trong xe container ở Anh

Tài xế xe tải đã không báo cảnh sát ngay khi phát hiện 39 người Việt chết trong thùng xe container tại Anh.

Theo tin AFP loan tải hôm 29/10, khi phiên tòa xét xử vụ án này diễn ra tại tòa án Old Bailey ở London ngày 28/10, tài xế xe tải người Anh Maurice Robison 26 tuổi, bị một công tố viên cáo buộc, thay vì báo cảnh sát, ông này đã thực hiện nhiều cuộc gọi điện thoại cho những đối tượng khác liên quan vụ buôn người này.

Trong đoạn video trích xuất từ CCTV ngày 23/10/2019, tài xế xe tải Maurice Robinson đã phát hiện các thi thể trên xe từ lúc 1h13, nhưng đã lái xe tải đi vòng quanh khu công nghiệp gần đó trong khoảng 23 phút trước khi báo cảnh sát.

Trước đó, các công tố viên cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy, chủ công ty vận tải Ronan Hughes thông qua một tin nhắn Snapchat, đã chỉ đạo Maurice ngay khi tiếp nhận container ở Purfleet, phải nhanh chóng cho những người bị nhốt trong đó không khí để thở nhưng không để họ ra ngoài.

Tại phiên xử, tài xế Maurice Robinson khai, đã tiếp nhận một container đóng kín từ cảng Purfleet ở Đông Nam nước Anh, được vận chuyển từ tàu chở hàng xuất phát từ Zeebrugge, Bỉ. Tuy nhiên, khi đi qua cửa và đến phía bên trái của xe đầu kéo, ông ngửi thấy một mùi nồng nặc giống mùi phân hủy. Ông gọi những người bên trong nhưng không ai trả lời.

Phiên xét xử bắt đầu trong tháng này và dự kiến kéo dài 6 tuần. Hai bị cáo Ronan Hughes và Maurice Robinson, đã nhận tội ngộ sát và tham gia hoạt động buôn người.

Các bị cáo khác gồm Eamonn Harrison, 23 tuổi, là người lái xe tải tới Zeebrugge, Georghe Nica, 43 tuổi, Valentin Calota và Christopher Kennedy đều không nhận tội danh ngộ sát và tham gia âm mưu buôn người.

39 nạn nhân người Việt nhập cư lậu vào Anh bỏ mạng trên một chiếc xe container đông lạnh và được cảnh sát Essex, Anh phát hiện hôm 23/10/2019.

Tỉnh có đông nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người, tiếp theo là Hà Tĩnh với 10 người, còn lại là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/new-evidence-in-the-case-of-39-bodies-in-a-container-truck-in-the-uk-10292020090808.html

3 người chết gồm một phụ nữ

bị chặt đầu ở Pháp

Một kẻ tấn công khua dao và hô to “Allahu Akbar!” (Thượng Đế vĩ đại), đã chặt đầu một phụ nữ và giết hai người khác trong một hành động nghi là khủng bố tại một nhà thờ ở thành phố Nice của nước Pháp hôm 29/10.

Sau vụ tấn công ở Nice vài giờ, cảnh sát bắn chết một người đàn ông dùng súng ngắn đe dọa người qua đường ở Montfavet, gần thành phố Avignon ở miền nam nước Pháp. Người đàn ông này cũng hô to “Allahu Akbar”, theo đài phát thanh Europe 1.

Trong khi đó ở Ả rập Xê út, đài truyền hình nhà nước tường trình một người đàn ông Ả rập Xê út đã bị bắt giữ tại thành phố Jeddah ở Biển Đỏ sau khi đương sự tấn công và gây thương tích cho một nhân viên canh gác lãnh sự quán Pháp ở đó.

Đại sứ quán Pháp cho hay đương sự đang nằm trong bệnh viện, và không bị nguy hiểm tới tính mạng.

Thị trưởng Nice, Christian Estrosi, nói cuộc tấn công xảy ra bên trong hoặc gần nhà thờ Notre Dame ở Nice, và tương tự như vụ chặt đầu một thầy giáo ở Paris hồi đầu tháng, sau khi nhà giáo dùng các ảnh biếm họa vẽ nhà tiên trị Mohammad trong một lớp giáo dục công dân.

Thị trưởng Estsrosi nói kẻ tấn công ở Nice đã nhiều lần hô to “Allahu Akbar”, ngay cả sau khi bị cảnh sát bắt.

Một trong 3 người bị giết bên trong nhà thờ được tin là một ủy viên quản lý tài sản của giáo hội, theo Thị trưởng Estrosi. Ông cho biết thêm là một phụ nữ đã chạy thoát sang một quán rượu ở đối diện ngôi nhà thờ xây theo kiến trúc gothic vào thế kỷ 19.

Thị trưởng của Nice cho các nhà báo biết nghi can thực hiện cuộc tấn công bằng dao đã bị bắn trong khi bị câu lưu, lúc đó ông này đang trên đường tới bệnh viện.

“Đã quá đủ rồi. Bây giờ là lúc nước Pháp nên miễn trừ các luật lệ hòa bình để xóa sạch chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo ra khỏi đất Pháp”.

Sau vụ tấn công ở Nice, Thủ tướng Jean Castex nâng mức báo động an ninh lên cấp cao nhất, ông nói rằng đáp ứng của chính phủ phải cứng rắn và nghiêm khắc.

Các cuộc tấn công hôm thứ Năm 29/10, nhằm ngày sinh của nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad, xảy ra vào thời điểm khi mà sự phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo đang tăng về hành động của Pháp, bảo vệ quyền phổ biến các bức biếm họa, và trong khi những người biểu tình lên án nước Pháp trong các cuộc tuần hành tại nhiều nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Các phóng viên của Reuters có mặt tại hiện trường nói rằng cảnh sát trang bị vũ khí tự động đã giăng dây chung quanh nhà thờ trên đại lộ Jean Medecin, khu thương mại chính của vùng Riviera. Xe cứu thương và chữa lửa cũng có mặt tại hiện trường.

Ở Paris, các nhà lập pháp dành một phút mặc niệm để tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói rằng cư dân Nice có thể “trông cậy vào sự hậu thuẫn của thành phố Paris và cư dân Paris”.

Một đại diện của Hội đồng đạo Hồi ở Pháp mạnh mẽ lên án vụ tấn công. Người đại diện nói:
“Trong một cử chỉ để tưởng niệm và đoàn kết với các nạn nhân và thân nhân, tôi kêu gọi tất cả các tín đồ Hồi giáo tại Pháp hãy hủy bỏ tất cả mọi lễ lạc mừng ngày nghỉ Mawlid”.

Ngày nghỉ này là để mừng sinh nhật nhà tiên tri Mohammad, được tổ chức trong ngày thứ Năm.

Vụ tấn công ở Nice cũng bị lên án bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Anh quốc, Hà Lan, Điện Vatican và Ủy hội Châu Âu.

https://www.voatiengviet.com/a/ba-nguoi-chet-gom-mot-phu-nu-bi-chat-dau-o-phap/5640427.html

Covid-19: Toàn bộ nước Pháp bị phong tỏa

trong 4 tuần kể từ ngày 30/10

Mai Vân

Trước số lây nhiễm và số người nhập viện vì Covid-19 tăng vọt, tràn ngập các khoa chăm sóc đặc biệt, và nhất là số hàng trăm người chết vì Covid-19 mỗi ngày, vào tối hôm qua, 28/10/2020, đích thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên truyền hình loan báo biện pháp mạnh nhất để chống dịch: Phong tỏa toàn quốc, trước mắt là trong 4 tuần, từ 0 giờ ngày 30/10 tới ngày 01/12.

Rút kinh nghiệm hồi tháng 3, lần phong tỏa này bớt nghiêm ngặt hơn: Các trường học trung-tiểu học và nhà trẻ, mẫu giáo đều được mở cửa, các viện dưỡng lão cũng được tiếp đón người đến thăm, trong lúc các cửa hàng và siêu thị bán hàng thiết yếu vẫn được hoạt động. Các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, các dịch vụ công cộng thiết yếu, các phương tiện chuyên chở cũng vẫn hoạt động.

Thế nhưng việc đi lại, tụ tập bị hạn chế gắt gao, kể cả trong nhà riêng với người ngoài, những ai ra đường đều phải có giấy tự khai ghi rõ ngày giờ xuất phát, địa chỉ và lý do theo mẫu có sẵn…

Giải thích về lý do phải quyết định tái phong tỏa, tổng thống Pháp công nhận:

“Chúng ta có làm tốt không ? Không, và tôi đã nói cách đây 15 ngày, chúng ta vẫn có thể cải tiến, làm tốt hơn, nhưng chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm được và tôi tin là chiến lược của chúng ta, dựa trên những thông tin chúng ta có được, là tốt.

Đó cũng là chiến lược của tất cả những nước châu Âu. Chúng ta có thể đi nhanh hơn, lúc đầu trên vấn đề xét nghiêm, nhưng từ mấy tuần qua chúng ta là một trong những nước châu Âu đã xét nghiệm nhiều nhất. Lẽ ra chúng ta, trong tư cách là một tập thể, phải tôn trọng nhiều hơn những cử chỉ rào cản trong gia đình, hay với bạn bè, tại những nơi bị lây nhiễm nhiều nhất. Bây giờ có nên tự trách hay không ?

Tuy nhiên trên hết phải thừa nhận là cũng như tất cả các láng giềng, chúng ta đã bị tràn ngập do đà tăng nhanh đột ngột của dịch bệnh, với một con virus có vẻ mạnh mẽ lên thêm với mùa đông sắp đến và nhiệt độ xuống thấp. Một lần nữa chúng ta phải biết khiêm tốn. Tất cả chúng ta, ở châu Âu, đều sững sờ trước chuyển biển của con virus”

Tổng thống Pháp tuy nhiên chỉ nêu những nét đại cương về kế hoach phong tỏa mới. Còn chi tiết sẽ được thủ tướng Jean Castex loan báo trong một cuộc hợp báo mở ra chiều nay, lúc 18 giờ 30.

Covid-1 : Thêm 244 ca tử vong, hơn 3000 bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt

Đà lây nhanh của virus corona ở Pháp ngày càng rõ. Theo bộ Y Tế Pháp vào hôm qua, 28/10/2020, số ca tử vong đã tăng thêm 244 người ở bệnh viện trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đưa tổng cộng ca tử vong tại Pháp lên 35.785 người tính từ đầu mùa dịch bệnh.

Số bệnh nhân Covid-19 nghiêm trọng phải đưa vào các khoa hồi sức đặc biệt cũng tăng mạnh, và đã ngưỡng 3000 người, một mực độ chưa từng thấy từ tháng 5.

Từ hôm thứ Ba, bệnh nhân Covid-19 đã chiếm một nửa số giường hồi sức, trong lúc Pháp hiện có 5800 giường.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201029-covid-to%C3%A0n-b%E1%BB%99-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p-b%E1%BB%8B-phong-t%E1%BB%8Fa-trong-4-tu%E1%BA%A7n

Covid-19: Ngành phân phối phim Âu Mỹ bị điêu đứng

Tuấn Thảo

Sự kiện nước Pháp phong tỏa trở lại toàn bộ lãnh thổ làm cho ngành văn hóa nói chung và ngành phân phối phim nói riêng hoàn toàn lâm vào bế tắc. Các nước láng giềng như Bỉ, Đức, Ai Len đều có những biện pháp tương tự. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, nhiều rạp chiếu phim buộc phải ngưng hoạt động do không có phim mới để thu hút khán giả.

Bất kể có lệnh giới nghiêm trong hai tuần lễ vừa qua, nhưng hai bộ phim ‘‘ADN’’ của Maïwenn và ‘‘Adieu les cons’’ của Albert Dupontel đều lọt vào danh sách 10 bộ phim Pháp ăn khách nhất trong tuần lễ khởi chiếu, kể từ một thập niên gần đây. Chỉ trong những ngày đầu, các bộ phim này đã thu hút hơn nửa triệu lượt người xem. Điều đó cho thấy là có một sự chờ đợi rất lớn nơi khán giả Pháp, họ mong muốn được xem các tác phẩm mới cho dù tình hình dịch bệnh vẫn áp đặt nhiều ràng buộc.

Bản thân các đạo diễn kiêm diễn viên Pháp Maïwenn và Albert Dupontel cho biết họ đã từng đắn đo, do dự trong việc có nên hay chăng cho ra mắt phim mới trong thời điểm này. Trong một tình huống khác, hẳn chắc cả hai bộ phim ‘‘ADN’’ của Maïwenn và ‘‘Adieu les cons’’ của Albert Dupontel sẽ càng thành công nhiều hơn nữa so với thời điểm hoàn toàn không thuận lợi như hiện nay.

Các rạp chiếu phim Pháp lại bị đóng cửa

Rốt cuộc, phim cũng đã được trình làng, bởi vì cả hai đạo diễn này đều muốn bày tỏ tình đoàn kết của họ với các đoàn làm phim cũng như với giới phân phối, phát hành. Các nhà quản lý các rạp xinê đều cho biết là việc công chiếu tác phẩm mới đem lại cho họ hơn một nửa lượng khán giả đi xem phim ở rạp, mặc dù lệnh giới nghiêm đã khiến cho suất chiếu phim quan ttọng nhất vào lúc 8 giờ tối bị hủy bỏ, và như vậy tự động hạn chế ngay từ đầu lượng người xem.

Việc nước Pháp ra lệnh phong tỏa lần thứ nhì đã làm tiêu tan mọi hy vọng của giới chuyên ngành điện ảnh tại Pháp. Các nhà phân phối đặt nhiều hy vọng vào việc giới thiệu phim mới để kích hoạt trở lại hệ thống các rạp chiếu phim ở Pháp. Thế nhưng, lệnh giới nghiêm trong hai tuần qua rồi sau đó lệnh phong tỏa lần thứ nhì buộc các rạp chiếu phim Pháp lại phải đóng cửa ít nhất là trong vòng một tháng, khiến cho ngành điện ảnh Pháp một lần nữa rơi vào vòng lẩn quẩn, cho dù có cố găng cách mấy nhưng cũng không tìm ra được một giải pháp.

Cineworld đóng cửa hơn 600 rạp phim

Trong khi đó tại Mỹ, tình hình cũng chẳng có gì là sáng sủa hơn. Nếu như chuỗi rạp hát Cinemark, lớn hàng thứ hai ở Hoa Kỳ tìm cách duy trì hoạt động của 260 rạp chiếu phim (tức là khoảng  80%) trên tổng số 332 rạp, thì ngược lại tập đoàn Cineworld lại buộc phải thông báo đóng cửa hơn 600 rạp chiếu phim.

Được thành lập vào năm 1995, Cineworld là một tập đoàn của Anh bao gồm khoảng 800 rạp chiếu phim tại 10 quốc gia trên thế giới. Tính tổng cộng, doanh thu của Cineworld được ước tính là 4 tỷ rưỡi hàng năm và trong năm 2019 đã lên tới mức kỷ lục 4,8 tỷ euro. Thế nhưng, ban giám đốc tập đoàn này vừa thông báo việc đóng cửa 663 rạp chiếu phim Cineworld, kể cả các rạp hát tại Anh cũng như tại Mỹ.

Quyết định đóng cửa các rạp xinê của Cineworld được cho là tạm thời, nhưng tập đoàn này vốn đã gặp một số khó khăn tài chính trong mùa dịch Covid-19, kể từ tháng 03/2020. Do vậy giới chuyên ngành không mấy lạc quan và hy vọng rằng Cineworld sớm tìm được các nguồn tài chính hỗ trợ khẩn cấp (như trường hợp trước đây của AMC Theatres buộc phải vay thêm vốn để có thể tồn tại) chừng nào tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Trước mắt, quyết định tạm ngừng hoạt động trong mùa dịch liên quan tới 127 rạp hát Cineworld tại Anh cũng như chi nhánh Regal, gồm 536 rạp chiếu phim tại Hoa Kỳ. Ngược lại, chuỗi rạp chiếu phim Cineplex, vốn là chi nhánh của tập đoàn Cineworld tại Canada tạm thời duy trì hoạt động. 

Nổi tiếng là một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành phân phối điện ảnh, việc tập đoàn Cineworld thông báo đóng cửa nhưng vẫn chưa biết chừng nào sẽ được mở lại, tác động trực tiếp đến tổng số 45.000 nhân viên, trong đó có tới 85% là người Mỹ làm việc cho tập đoàn này.

Khó khăn tài chính của Cineworld một lần nữa cho thấy quan hệ tương tác mật thiết giữa hai ngành sản xuất và phân phối. Hệ thống các rạp chiếu phim cần có các bộ phim mới ‘‘ra lò’’ tựa như một nguồn ‘‘năng lượng’’ không thể thiếu để vận hành guồng máy khổng lồ. Việc chiếu lại phim cũ, dù là với giá thật mềm (25 xu thay vì 12 đô la) như AMC Entertainment đã từng làm, vẫn không đủ để tạo luồng dưỡng khí cần thiết.

Tin xấu dồn dập tạo hiệu ứng domino

Sở dĩ tập đoàn Cineworld buộc phải tạm ngừng hoạt động là vì các hãng phim lớn của Mỹ đều đã gác lại toàn bộ kế hoạch ra mắt phim mới trong đó có nhiều phim thương mại có kinh phí cao, còn gọi là dòng phim blockbuster. Trên danh sách các bộ phim đã nhiều lần bị dời lại có tập 9 của loạt phim ‘‘Fast and Furious’’, phim khủng long ‘‘Jurassic World : Dominion’’ cũng không thể thống trị thế giới chừng nào còn virus corona. Ngay ra mắt phim này bị dời lại cho đến mùa hè năm 2022, tức là trễ hơn 18 tháng theo dự kiến ban đầu.

Bộ phim Dune (Xứ Cát) dựa vào thiên truyện cùng tên của Frank Herbert cũng như Matrix 4 hay là Nữ thần chiến binh Wonder Woman tập nhì cũng bị lùi lại hơn một năm và làm đảo lộn toàn bộ lịch ra mắt phim của tập đoàn Warner Bros. Phiên bản mới của thám tử Hercule Poirot trong ‘‘Án mạng trên sông Nile’’ tiếp nối dòng phim phóng tác từ truyện trinh thám của Agatha Christie, hay là bộ phim ca nhạc West Side Story, phiên bản 2020 qua góc nhìn của Steven Spielberg cũng đều bị trễ thêm ít nhất là một năm.

Trước đà tiến của dịch Covid-19, dòng phim siêu anh hùng (đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Hollywood) cũng đành phải ‘‘triệt thoái’’. Phim Người Dơi ‘‘Batman’’ của Matt Reeves, Tai chớp ‘‘The Flash’’, phim mới ‘‘Black Adam’’ hay là tập kế tiếp của ‘‘Shazam, Fury Of The Gods’’ một là bị hoãn chiếu cho tới đầu năm 2022 hay giữa năm 2023, hai là bị dời lại luôn mà không biết chừng nào mới được phát hành.

Phim James Bond, giọt nước làm tràn ly

Sự kiện các hãng phim lớn ngưng kế hoạch ra mắt phim đã tạo ra hiệu ứng domino. Dòng phim Marvel dự được mở ra với một chu kỳ mới rốt cuộc cũng đành phải gác lại cho tới cuối năm 2021 hai phim blockbuster có khả năng hái ra bạc tỷ là ‘‘Eternals’’ và ‘‘Black Widow’’. Thế nhưng, trong trường hợp của tập đoàn Cineworld, giọt nước làm tràn ly vẫn là bộ phim James Bond ‘‘No Time To Die’’. Ngày ra mắt tập phim thứ 25 của điệp viên 007 đã ba lần bị dời lại, mặc dù phim đã được quay xong. Cineworld đã trông cậy rất nhiều vào James Bond như một đầu tàu của dòng phim blockbuster tạo cho tập đoàn này cơ hội bội thu.

Tin xấu cứ dồn dập, giới chuyên ngành như bị bó tay. Điều đó khiến cho nhiều tên tuổi lừng danh của làng điện ảnh phải lên tiếng. Phát biểu nhân kỳ liên hoan phim quốc tế Toronto, đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese đánh giá là nghệ thuật thứ bảy đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong mùa dịch Covid-19, quan điểm kinh tế được coi trọng hơn so với công sức sáng tạo của giới làm phim. Về điểm này, đạo diễn Pedro Almodovar lại càng bi quan hơn nữa về nền điện ảnh nước nhà. Theo ông, so với nước Pháp, chính phủ Tây Ban Nha đã không có biện pháp đáng kể nào để hỗ trợ điện ảnh nói riêng, ngành văn hóa nói chung. Từ Âu sang Mỹ, nhiều người trong giới chuyên ngành điện ảnh đang đi tìm những phương cách để trỗi dậy, rốt cuộc lại bị ném vào ‘‘vực sâu không đáy’’.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201029-covid-19-ng%C3%A0nh-ph%C3%A2n-ph%E1%BB%91i-phim-%C3%A2u-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-%C4%91i%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9ng

Ngoại trưởng Đức cảnh báo nhà vua Thái Lan

Vũ Dương

Hôm thứ Hai (26/10), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass đã cảnh báo hoàng gia Thái Lan bằng một giọng điệu hiếm hoi, rằng ông cảm thấy không thể kiên nhẫn với hành vi của nhà vua Thái Lan ở Đức thêm nữa, theo RTI.

Các cuộc biểu tình gần đây đã xuất hiện trên khắp đường phố Bangkok, Thái Lan với thông điệp cải cách hoàng gia và yêu cầu thủ tướng từ chức. Vua Rama 10 (Maha Vajiralongkorn), vị vua thứ 10 của vương triều Chakri, Thái Lan đã sống một cuộc sống xa hoa ở Đức trong nhiều năm, điều này đã dấy lên bất mãn cao độ trong người dân Thái Lan và trở thành một trong những ngòi nổ của các cuộc biểu tình ở đất nước chùa vàng.

Tờ Bild của Đức đưa tin rằng vua Thái Lan Vajiralongkorn, người được hưởng đãi ngộ ngoại giao ở Đức, thường mặc áo hở bụng để đi mua sắm, du sơn ngoạn thủy và sống cuộc sống xa hoa. Vậy nên, quốc vương Thái Lan để lại cho người ta ấn tượng về lối sống buông thả, không màng đến an nguy của người dân trong nước.

Xúc phạm và sỉ nhục hoàng gia là trọng tội ở Thái Lan, hầu hết người dân dám giận nhưng không dám lên tiếng. Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình không ngừng lan rộng, hành vi của quốc vương Thái Lan đã dần khơi dậy bất mãn của chính phủ Đức.

Đầu tháng này, một thành viên của Quốc hội trong lúc chất vấn đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ Đức phải tiếp tục dung thứ cho “hành vi bất hợp pháp” như vậy.

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass bày tỏ quan điểm rõ ràng với Thái Lan rằng họ không nên xử lý các công việc của chính phủ Thái Lan ngay trên lãnh thổ nước Đức, và nước Đức không chấp thuận việc “các vị khách của đất nước chúng tôi giải quyết chính trị quốc gia của họ ở nơi đây”.

Trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 26, ông Heiko Mass thậm chí còn thẳng thừng cảnh báo chính phủ Thái Lan rằng Đức nắm rất rõ “hành vi” của hoàng gia Thái Lan. “Trong mắt chúng tôi, nếu vi phạm pháp luật sẽ có hậu quả ngay lập tức”, ông cho biết.

Tờ báo Suddeutsche Zeitung của Đức hôm thứ Ba (27/10) đã có bài phân tích về một nguyên thủ quốc gia bị nghi ngờ vi phạm luật pháp quốc tế khi thực thi quyền lực ở nước ngoài trong thời gian dài, đặc biệt các vị khách nước ngoài cũng cần phải tuân thủ luật pháp của Đức khi họ còn ở tại Đức, vậy nên Đức đã phá vỡ thông lệ ngoại giao, thẳng thừng cảnh báo nhà vua Thái Lan rằng họ không thể nhẫn chịu hành vi ở nước Đức của nhà vua.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-duc-canh-bao-nha-vua-thai-lan.html

Xung đột Thượng Karabakh: Azerbaijan yêu cầu

Tòa án Nhân quyền châu Âu can thiệp

Trọng Thành

Hôm qua, 28/10/2020, chính quyền Azerbaijan kêu gọi Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH / ECHR) có các biện pháp khẩn cấp, để ngăn chặn việc Armenia oanh kích vào các khu vực dân sự.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu ra thông báo cho biết đã nhận được « yêu cầu » của chính quyền Baku, căn cứ trên điều 39 trong Quy chế hoạt động của Tòa CEDH, cho phép Tòa ban hành « các biện pháp khẩn cấp » trong trường hợp có « nguy cơ sắp xảy ra các tổn hại không thể bù đắp được ».  Azerbaijan và Armenia đều là thành viên của Hội Đồng Toàn Châu Âu.

Đại diện Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế, phụ trách khu vực Âu – Á, hôm qua, ra thông điệp khẳng định oanh kích nhắm vào các khu vực dân sự ở cả hai bên chiến tuyến, khiến nhiều người chết, người bị thương, và gây tổn thất lớn. Hội Chữ Thập Đỏ lo ngại bạo lực hiện nay có xu hướng leo thang « vượt tầm kiểm soát ». Thông báo của đại diện Hội Chữ Thập Đỏ cũng cho biết một tình nguyện viên của Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ, người Azerbaijan, thiệt mạng trong các oanh kích.

Theo một số thống kê sơ bộ, xung đột giữa hai quốc gia Liên Xô cũ bùng lên từ ngày 27/09/2020, tại vùng Thượng Karabakh và nhiều khu vực phụ cận, khiến gần 1.120 người chết, trong đó có khoảng 100 thường dân. Chính quyền Nga nêu ra con số 5.000 người chết. Cho đến nay, ba nỗ lực đàm phán hưu chiến giữa Azerbaijan và Armenia, của Nga, Pháp và Mỹ, đều bất thành. Hai bên đổ trách nhiệm cho nhau về các thất bại.

Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia khiến tình hình căng thẳng ngay tại Pháp. Tối hôm qua, cảnh sát phải can thiệp để ngăn cản hàng chục thành viên cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ « hành hung » người Armenia ở Décines-Charpieu, ngoại ô thành phố Lyon, một trung tâm của người gốc Armenia tại Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ủng hộ Azerbaijan trong xung đột hiện nay.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-xung-%C4%91%E1%BB%99t-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-azerbaijan-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-t%C3%B2a-%C3%A1n-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-can-thi%E1%BB%87p

Nhà hoạt động Tony Chung ra tòa ở Hồng Kông

sau khi bị bắt giữ gần Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ

Nhà hoạt động Hồng Kông Tony Chung đến Tòa West Kowloon của Hồng Kông vào hôm thứ Năm (29/10), hai ngày sau khi anh bị cảnh sát an ninh quốc gia của thành phố bắt giữ. Anh Chung, người bị các nhân viên mặc thường phục đưa đi khỏi một quán cà phê gần tòa lãnh sự Hoa Kỳ, là một trong ít nhất ba người bị bắt giữ trong chiến dịch của cảnh sát vào hôm thứ Ba (27/10).

Các nhà chức trách không nêu tên các nghi phạm bị bắt vào hôm thứ Ba, nhưng nhóm ủng hộ độc lập Studentlocalism trước đó cho biết 3 thành viên của nhóm, bao gồm anh Tony Chung, một cựu lãnh đạo của tổ chức, nằm trong số họ.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng anh Chung được cho là đang chuẩn bị nộp đơn xin tỵ nạn. Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc, trở lại quyền cai trị của Trung Cộng vào năm 1997 và bị chấn động bởi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong những năm gần đây.

Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với thành phố tự do nhất của họ vào ngày 30 tháng 6, một hành độn bị các chính phủ phương Tây và các nhóm nhân quyền lên án. Luật này trừng phạt những gì Bắc Kinh định nghĩa chung là ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức án lên đến tù chung thân. Giống như các tổ chức chống chính phủ khác, Studentlocalism giải thể trước khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia.

https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-tony-chung-ra-toa-o-hong-kong-sau-khi-bi-bat-giu-gan-toa-lanh-su-hoa-ky/

Trung Cộng tố cáo Hoa Kỳ ‘bắt nạt’ trước chuyến thăm

của ngoại trưởng Mike Pompeo đến Sri Lanka

Tin từ Colombo – Trung Cộng đã lên tiếng khuyến cáo Hoa Kỳ không nên “ép buộc và bắt nạt” Sri Lanka khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thăm quốc đảo này. Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ yêu cầu Colombo đưa ra sự lựa chọn “khó khăn” đối với mối quan hệ giữa quốc gia này và Trung Cộng.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường đầu tư và hậu thuẫn ngoại giao đối với Sri Lanka. Trước đó ông Pompeo đã có chuyến thăm Ấn Độ, tại đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều tuyên bố chống Trung Cộng – đây được xem là chủ đề chính của chuyến công du châu Á lần này.

Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ tại Nam Á, ông Dean Thompson cho biết ông Pompeo sẽ yêu cầu Sri Lanka xem xét các lựa chọn do Washington đưa ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Gamini Peiris đã bác bỏ nhận định của phe đối lập rằng mục đích của chuyến thăm lần này nhằm hoàn tất một hiệp ước quân sự gây tranh cãi cho phép quân đội Hoa Kỳ tự do tiếp cận Sri Lanka.

Theo các viên chức Hoa Kỳ, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hôm thứ Tư (29 tháng 10), ông Pompeo sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Sri Lanka với tư cách là một đối tác về các vấn đề an ninh và kinh tế tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Hồi đầu tháng này, Ủy viên bộ chính trị Trung Cộng Dương Khiết Trì đã cam kết giúp đỡ kinh tế nhiều hơn cho Sri Lanka trong chuyến thăm nước này. Colombo đã phụ thuộc rất nhiều vào Trung Cộng trong các khoản vay và hỗ trợ ngoại giao để chống lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đặc biệt là trong những tháng cuối cùng của cuộc nội chiến kéo dài hàng thập niên vào năm 2009. (BBT)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-to-cao-hoa-ky-bat-nat-truoc-chuyen-tham-cua-ngoai-truong-mike-pompeo-den-sri-lanka/

ĐCSTQ đốt sách Phật giáo,

thay bằng sách tư tưởng Tập Cận Bình

Lục Du

Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã tịch thu các tài liệu của các ngôi chùa và đền thờ, trong khi những tài liệu này không bị nhà nước cấm trên danh nghĩa, theo Bitterwinter.

Đền Ganlu ở quận Linhe của thành phố Bayannur là ngôi đền Phật giáo Trung Quốc lớn nhất ở Khu tự trị Nội Mông. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, các quan chức từ Cục Văn hóa địa phương, và văn phòng Công Cộng và các cơ quan chính phủ khác đã kiểm tra ngôi đền hai lần.

Một nhà sư trong chùa nói với Bitter Winter rằng các quan chức đã tịch thu hàng trăm nghìn tài liệu in, đĩa CD và sách, bao gồm cả sách của Hòa thượng Chin Kung và các tác phẩm kinh điển của Phật giáo, và Kinh Phật giáo Trung Quốc. Tất cả những tài liệu này được sản xuất bởi các công ty không được chính phủ Trung Quốc cấp phép.

“Những cuốn sách này dạy mọi người phải từ bi; nó không phải là chính trị gì cả”, nhà sư nói. “Chính phủ tịch thu chúng nhằm mục đích kiểm soát tôn giáo”.

Các tài liệu Phật giáo của chùa Daguangming cũng bị tịch thu. Một nhà sư ở ngôi chùa này cho biết hiện tại ngôi chùa không có đủ kinh sách để những người hướng Phật đọc.

Kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã tăng cường các hoạt động nhằm xóa bỏ tất cả các tài liệu Phật giáo mà không được chính quyền phê duyệt là “ấn phẩm bất hợp pháp”.

Vào đầu tháng Ba, chính quyền thị trấn Zhouji ở quận Liangyuan của thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, đã tịch thu và đốt tất cả các ấn phẩm chưa được phê duyệt được tìm thấy trong chùa Lingtai.

“Các nhà sư của chùa không bao giờ xúi giục người dân chống lại chính phủ,” một Phật tử địa phương nói. “Hành động của chính phủ là đáng khinh bỉ”.

Vào ngày 2/8, chính quyền địa phương đã ra lệnh đốt sách của Sư phụ Chin Kung và Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chùa Ciyun ở thành phố Lingyuan của tỉnh Liêu Ninh. “Những cuốn sách đã được đưa lên 7 chiếc xe bán tải và mang ra khỏi ngôi chua. Chúng bị đốt cháy cho đến 8 giờ tối ngày hôm sau”, một nhà sư trong chùa nhớ lại.

Trụ trì một ngôi chùa ở Đông Cương, một thành phố cấp quận ở Liêu Ninh, nói rằng các quan chức đã yêu cầu ngôi chùa của ông xóa bỏ tất cả các yếu tố tôn giáo và thay thế chúng bằng các tài liệu có nội dung trích dẫn tư tưởng Tập Cận Bình và một số tài liệu liên quan tới văn hóa Trung Quốc.

“Đảng Cộng sản hoàn toàn kiểm soát tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc. Nếu chúng tôi chống lại Tập Cận Bình, ngôi chùa của chúng tôi sẽ bị phá bỏ”, một nhà sư ở tỉnh Cát Lâm nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dcstq-gia-tang-dot-sach-phat-giao-thay-bang-sach-tu-tuong-tap-can-binh.html

9 tháng giông bão sẽ khiến Trung Quốc

thay đổi ngôi vị và triều đại?

Triệu Hằng

Mục lục bài viết          

Tập Cận Bình phát động Chiến dịch ‘Sạch Đĩa’ vì lường trước nạn đói?

Đại Nhảy vọt và Diệt chim sẻ đã dẫn đến 3 năm đắng cay

Ngoại giao Chiến binh sói nhằm chuyển hướng chú ý vấn đề trong nước

Lợn ‘bay’ và trứng ‘thăng thiên’

Nếu thực phẩm được vũ khí hóa, Trung Quốc sẽ sống phụ thuộc

Năm nay, không phải là một năm tốt đẹp đối với Trung Quốc. Đây là bình luận của Scott B. MacDonald trong một bài viết đăng trên The Diplomat ngày 30/9. Bình luận của MacDonald nêu một sự thật hiển nhiên: Trung Quốc đã trải qua 9 tháng đầy giông bão theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 6,8% vào quý I, khi Trung Quốc bị giáng một đòn mạnh do sự bùng phát của đại dịch virus corona vào hồi đầu năm.

Trong quý II, Trung Quốc phục hồi kinh tế 3,2%, nhưng mức này vẫn cho thấy một sự suy yếu trầm trọng ở quốc gia đông dân nhất nhì thế giới.

Quan hệ với Hoa Kỳ vẫn căng thẳng và phức tạp. Ngoài ra, mưa lớn đã gây ra lũ lụt lớn đã quét sạch hàng tỉ đô la của cải của Trung Quốc, cuốn trôi các nhà máy, nhà cửa và đất nông nghiệp theo làn bọt nước trong một sự hủy diệt.

Điều quan trọng sau chót, mặc dù Trung Quốc phải nuôi sống hơn 1,4 tỉ dân, chiếm khoảng 20% dân số thế giới, nhưng nước này chỉ có hơn 12% diện tích đất canh tác, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Mưa lớn và lũ lụt đã đủ tồi tệ, thêm vào đó là sự tái bùng phát của bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở một số vùng phía nam Trung Quốc dẫn đến câu hỏi về an ninh lương thực là một vấn đề cần phải quan tâm.

Tập Cận Bình phát động Chiến dịch ‘Sạch Đĩa’ vì lường trước nạn đói?

Hồi tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một sáng kiến mới gọi là chiến dịch “Sạch Đĩa” nhắm vào thức ăn bị bỏ mứa ở đất nước, củng cố sự quan tâm ngày càng tăng của chính quyền đối với thực phẩm.

Trong bài bình luận của mình, MacDonald gợi ra một nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi triều đại trong quá khứ là bởi thể chế mục ruỗng đi kèm suy yếu kinh tế, tác giả cho biết: “Lương thực, dân số lớn và quản trị tốt đã gắn vào lịch sử của Trung Quốc. Lịch sử quốc gia thường được xác định bởi một chu kỳ triều đại mà trong đó trật tự cũ trở nên mục nát, không duy trì được các cơ sở hạ tầng quan trọng như kênh mương và thủy lợi, và cuối cùng không thể giữ trật tự công cộng hoặc bảo vệ biên cương. Nền kinh tế sụp đổ cũng dẫn đến những yếu tố giúp cho việc hình thành triều đại mới. Nạn đói, những tên cướp và những kẻ nổi loạn gây thêm khốn cùng cho những bậc Thiên mệnh của triều đại cũ. Từ cục diện hỗn loạn đó, một nhà lãnh đạo mới xuất hiện, phân định trái phải và đặt nền móng triều đại tiếp theo, và chu trình tiếp tục vận hành”.

Thiên mệnh, có nghĩa là mệnh lệnh của Trời, đây là một đặc điểm trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Theo thuyết này, Trời là đấng giao quyền cho một người chính trực làm vua cai quản thiên hạ, được gọi là Thiên tử, triều đình của vị này được gọi là Thiên triều. Nếu người này trở thành hôn quân bạo ngược, thất đức và không còn xứng với ngôi cao Trời sẽ trao Thiên mệnh cho người khác. Người thời xưa tin rằng, khi đất nước bị thiên tai hoành hành hoặc gặp nạn đói, đó là dấu hiệu Trời ban ra thể hiện sự không vừa lòng với vương triều đang cai quản thiên hạ và truyền tin rằng triều đại này đã đánh mất Thiên mệnh, khả năng sẽ có biến loạn đòi hỏi thuận thiên và thay đổi ngôi vị và triều đại.

Và, MacDonald nhấn mạnh: “Những người Cộng sản Trung Quốc không lạ gì nạn đói. Chiến dịch Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông được phát động trong giai đoạn 1959-1960 đã đặt ra mục tiêu nhanh chóng công nghiệp hóa Trung Quốc, nhưng thay vì thế, nó đã đẩy đất nước vào một cuộc biến động ý thức hệ đã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn. Những kẻ mù quáng tư tưởng Mao và nỗi sợ hãi mà hầu hết các đảng viên cảm thấy khi nói cho ông ta biết sự thật về sự thiếu hụt lớn thực phẩm trong các mục tiêu sản xuất lương thực đã đẩy đất nước vào Nạn đói lớn giai đoạn 1959-1961, được cho là đã giết chết hàng triệu người Trung Quốc”.

Đại Nhảy vọt và Diệt chim sẻ đã dẫn đến 3 năm đắng cay

Vào những năm đó, các chính sách kinh tế như Đại Nhảy vọt, cùng với thiên tai hoành hành đã khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, gây ra nạn đói tại nhiều vùng ở Trung Quốc.

Diệt chim sẻ (Đả ma tước vận động) là một trong những hành động đầu tiên trong kế hoạch Đại Nhảy vọt từ năm 1958 đến năm 1962. Trong chiến dịch này, bốn loại con vật cần phải bị diệt trừ là chuột, ruồi, muỗi, và chim sẻ.

Chim sẻ bị liệt kê vào trong danh sách diệt trừ vì có lý giải rằng chúng ăn hạt thóc lúa, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Từ quyết định đó, tất cả các nông dân Trung Quốc được khuyên rằng nên đập gõ nồi niêu và rượt đuổi chim sẻ để khiến chúng sợ mà bay đi. Các tổ chim sẻ bị phá, trứng bị đập vỡ, các chim non trong tổ bị giết chết. Mùa vụ năm sau thu hoạch được khá hơn năm trước vì không còn chim sẻ, nhưng họ đã quên rằng chim sẻ ăn châu chấu. Sau đó châu chấu tràn ngập các vùng miền quê và phá hoại mùa màng, kéo theo sau là một nạn đói lớn xảy ra tại Trung Quốc.

Sử gia Hà Lan Frank Dikötter, người đã được cho phép đặc biệt để tới Trung Quốc nghiên cứu tài liệu trong văn khố ở đó và đã viết cuốn sách Nạn đói lớn do Mao gây ra (Mao’s Great Famine), tổng kết

rằng số nạn nhân bị chết ít nhất là 45 triệu người do chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông và ĐCSTQ đưa ra trong thập niên 1960 ở Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà báo Trung Quốc Dương Kế Thằng, tác giả cuốn Tấm bia mộ: Chuyện chưa kể về Nạn đói lớn của Mao (Tombstone: The Great Chinese Famine, 1958-1962) cho rằng khoảng 36 triệu người chết vì đói, nhưng có khoảng 40 triệu thai nhi bị mất vì sảy thai, cho nên tổng số dân chúng mất trong Nạn đói lớn là 76 triệu. Các cụm từ “ba năm khó khăn kinh tế” và “ba năm đắng cay” dùng để chỉ giai đoạn thảm khốc này. Đại Nhảy vọt đã trở thành Đại Thảm họa kinh tế trong lịch sử hiện đại Trung Quốc

Chỉ sau khi Mao bị lật đổ một thời gian ngắn, Trung Quốc mới trở lại có thể tự nuôi sống mình bằng cách cho phép một số biện pháp khuyến khích sản xuất lương thực. Và bây giờ, đang thời ông Tập nắm quyền, liệu Trung Quốc có đối mặt với tình trạng ý thức hệ tương tự?

MacDonald cho rằng, có lẽ do ông Tập không thích những quan điểm bất đồng, điều này đã tạo ra một hệ thống gọi là “từ trên – xuống” gây ra khó khăn cho các tác nhân ở đáy kim tự tháp quyền lực trong việc nhanh chóng báo hiệu các vấn đề trong chuỗi mệnh lệnh. Sự bùng nổ của dịch viêm phổi ở Vũ Hán có tất cả các dấu hiệu của điều này: Các nhà lãnh đạo địa phương tìm cách giải quyết một vấn đề vượt quá khả năng của họ và trong lúc làm vậy họ đã đàn áp thông tin, đè bẹp bất kỳ cuộc tranh luận nào về các lựa chọn chính sách và trì hoãn thời điểm mà các tin tức quan trọng nên được đưa lên hệ thống phân cấp đệ trình chủ tịch nước.

Phạm vi của vấn đề an ninh lương thực mà Trung Quốc phải đối mặt rất phức tạp. Mặc dù Trung Quốc có lượng dự trữ ngô, gạo và lúa mì đáng kể, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu và thiếu hụt thịt lợn, một loại thực phẩm chủ lực truyền thống. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã buộc phải tiêu hủy đàn lợn ở Trung Quốc vào năm 2019 và lũ lụt năm 2020 đã làm tổn hại đến nỗ lực tái đàn. Và trong khi Trung Quốc đã đa dạng hóa nguồn đậu nành, bao gồm các nhà sản xuất như Brazil và Argentina thì nước này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ngoại giao Chiến binh sói nhằm chuyển hướng chú ý vấn đề trong nước

MacDonald nhìn nhận rằng, chính sách ngoại giao “chiến binh sói” hiếu chiến hơn của Trung Quốc, thể hiện qua các động thái hung hăng của Bắc Kinh dọc biên giới Ấn Độ, Biển Đông, cũng như mối quan hệ không vui với 3 trong số các nhà cung cấp thực phẩm quan trọng nhất gồm Úc, Mỹ và Canada có thể là một phần trong nỗ lực chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước như mất an ninh lương thực và các biến động khác. Đây là một chiến thuật được Mao sử dụng vào năm 1962, sau hậu quả của Nạn đói lớn, để chuyển hướng sự chú ý từ những rắc rối nội trong Trung Quốc ra các biên giới.

Trong khi Trung Quốc liên tục thọc vào biên giới của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý, thì ngày 26/8 Trung Quốc quyết định phóng 4 quả tên lửa đạn đạo được mệnh danh là “sát thủ hàng không mẫu hạm” hoặc “kẻ hủy diệt Guam” từ Biển Đông khiến đã gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ, nhưng hoạt động này phù hợp với một mô hình từ lâu Mao đã sử dụng để khơi mào những rắc rối bên ngoài đất nước trong khi đối phó với những thách thức bên trong. Do đó, việc phóng hỏa tiễn của Trung Quốc có phần chỉ để biểu diễn.

Lũ lụt ở lưu vực sông Trường Giang (sông Dương Tử), nơi vốn là nguồn cung cấp phần lớn gạo cho người dân trong nước của Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến sản xuất và giao thông vận tải và đã nhấn chìm một lượng lớn đất canh tác dưới nước.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng 22,7% lên đến 74,51 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Bảy so với cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu lúa mì và ngô so với cùng kỳ đã tăng đáng kể. Quan trọng không kém là nhập khẩu ngũ cốc có thể sẽ kéo dài suốt năm.

Sản xuất lương thực của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi côn trùng. Theo Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, vào tháng 6, các cây ngô đã trở thành nạn nhân của một đợt phá hoại dữ dội của sâu xanh mùa thu, một loài sâu bệnh chuyên ăn ngô cùng các cây trồng chủ lực khác.

Vành đai kinh tế sông Dương Tử là thế mạnh của Trung Quốc nhưng đây cũng lại là một điểm yếu. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 40% dân số Trung Quốc (khoảng 600 triệu người) và chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu và 45% GDP (theo China Water Risk). Như Anjani Trivedi của hãng Bloomberg đã lưu ý: “Tự thân khu vực này có thể là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới”. Có thể nói rằng, đối với Vành đai kinh tế sông Dương Tử cũng như đối với Trung Quốc. Dân số gia tăng và đô thị hóa quá mức khiến khu vực này sẽ ngày càng bị đe dọa bởi lũ lụt.

Lợn ‘bay’ và trứng ‘thăng thiên’

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng tốc lên tới 2,7% vào tháng Bảy từ 2,5% trong tháng Sáu, được thúc đẩy bởi giá thực phẩm tăng. Áp lực này đến từ các vấn đề của phía nguồn cung, đặc biệt thể hiện rõ ở giá thịt lợn và trứng khi chúng được gọi là “lợn bay” và “trứng thăng thiên”, cho thấy giá của hai loại thực phẩm “nhạy cảm về mặt xã hội” tăng vùn vụt.

MacDonald đoán rằng có khả năng là ông Tập sắp tiến hành một cuộc thanh trừng mới của đảng, bởi lẽ có những dự đoán về bối cảnh kinh tế đầy thách thức hơn ở phía trước cũng như nhằm ngăn chặn sự bất đồng quan điểm ngày càng tăng trong đảng về chính sách của ông.

Đã có những xì xào về một “chiến dịch chỉnh phong“, một chiến thuật được Mao sử dụng để thanh trừng những kẻ thù của mình trong đảng. Chiến dịch chỉnh phong Diên An do Mao phát động năm 1942 kéo dài ba năm đã làm cho 10.000 người chết, 10% đảng viên bị khai trừ.

Bất chấp triển vọng ngắn hạn ảm đạm, Trung Quốc sẽ không rơi vào nạn đói. Ít nhất không phải bây giờ, bởi lẽ các nhà chức trách Trung Quốc nhận thức sâu sắc về các diễn biến của lịch sử và không muốn đánh mất Thiên mệnh của họ.

Vào ngày 17/8/2020, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã lưu ý rằng “không cần phải lo lắng” khi đất nước có đủ lương thực. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng trừ khi các cải cách nông nghiệp lớn được thực hiện Trung Quốc có thể đối mặt với một tình trạng “thiếu hụt lương thực” vào năm 2025. Động lực đằng sau điều này là dân số già và sự di chuyển dân số liên tục chuyển đến các thành phố dẫn đến lực lượng lao động nông thôn ngày càng giảm. Điều này đưa chúng ta trở lại câu chuyện chiến dịch sạch đĩa.

Nếu thực phẩm được vũ khí hóa, Trung Quốc sẽ sống phụ thuộc

Theo MacDonald, lý do đằng sau sáng kiến của Tập gắn liền với nhu cầu bắt đầu để bắt đầu thông minh hơn trong việc sử dụng thực phẩm. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc càng phải nhập khẩu lương thực nhiều thì càng phải phụ thuộc vào các nước khác.

Nếu thực phẩm được vũ khí hóa, sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nhập khẩu lương thực có thể làm giảm khả năng của chính họ trong việc theo đuổi các chính sách nhất định, chẳng hạn như các động thái củng cố vị thế của mình ở Biển Đông và kiểm soát Hồng Kông. Nó cũng có thể gây áp lực lên giá cả của lương thực, một điều gì đó mà ĐCSTQ rất nhạy cảm khi coi đây là một trong những yếu tố giúp châm ngòi cho cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Chính phủ Trung Quốc đang giáng đòn trừng phạt trên dân số của họ thông qua việc làm xấu mặt người dân vì ăn quá nhiều và tấn công xu hướng ăn uống vô độ để bảo tồn nguồn lương thực dự trữ, khiến người dân Trung Quốc nghĩ về thức ăn như một mặt hàng đắt đỏ và tạo tiền đề, nếu cần thiết, cho các biện pháp cứng rắn hơn để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm.

Nhà phân tích chính sách đối ngoại Joshua Keating kiêm cây viết của tờ Slate đã có bình luận rằng: “Người dân có thể bỏ phiếu với cái ví dày, nhưng ở mọi trường hợp, họ nổi dậy do cái bụng. Nếu bạn muốn dự đoán nơi nào có bất ổn chính trị, cách mạng, các cuộc đảo chính hoặc nội chiến sẽ xảy ra, yếu tố tốt nhất cần theo dõi không phải là GDP, chỉ số phát triển con người hay giá năng lượng.”

“Nếu tôi phải chọn một chỉ số duy nhất – kinh tế, chính trị, xã hội – tôi nghĩ rằng mách bảo chúng ta biết nhiều hơn bất kỳ chỉ số nào khác, thì đó sẽ là giá của ngũ cốc”, Slate dẫn lời Lester Brown, cây viết về chính trị và kinh tế thực phẩm kể từ những năm 1950, cho biết.

Xem xét lịch sử Trung Quốc, đảng cầm quyền và Tập Cận Bình nên quan tâm. Khi tham vọng bành trướng toàn cầu của Trung Quốc gia tăng nhưng lũ lụt nghiêm trọng, đô thị hóa quá mức và dân số già hội tụ, e rằng Thiên mệnh của ĐCSTQ đang phải đối mặt với những biến động mới.

https://www.dkn.tv/the-gioi/9-thang-giong-bao-se-khien-trung-quoc-thay-doi-ngoi-vi-va-trieu-dai.html

Bắc Kinh tiếp tục cho máy bay quấy nhiễu

vùng trời Đài Loan

Lục Du

Máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hai lần vào thứ Tư (28/10), đưa số lần Không quân Trung Quốc xâm phạm vùng trời quốc đảo kể từ ngày 16/9 lên 27 vụ, theo Taiwan News.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), một máy bay tác chiến điện tử Thiểm Tây Y-9 đã bay vào khu vực phía tây nam của ADIZ vào sáng thứ Tư, trong khi một máy bay tác chiến điện tử Thiểm Tây Y-8 đã xâm nhập vào khu vực tương tự vào buổi tối. Trong cả hai trường hợp, MND đã điều máy bay chiến

đấu, phát cảnh báo vô tuyến và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi máy bay Trung Quốc.

Chuỗi xâm nhập mới nhất của Không quân Trung Quốc vào không phận Đài Loan bắt đầu vào ngày 16/9 khi hai chiếc Y-8 đi vào khu vực phía tây nam của ADIZ. Vào ngày 18/9, Bắc Kinh đã cử 18 máy bay chiến đấu – bao gồm máy bay ném bom H-6, máy bay chiến đấu J-10, J-11 và J-16 chia thành 5 nhóm – để thực hiện các vụ khiêu khích ở eo biển Đài Loan, trong đó có một số máy bay ngang ngược băng qua đường trung tuyến trên eo biển.

Ngày hôm sau, Quân đội Trung Quốc đưa thêm 19 máy bay, bao gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra, bay từ sáu hướng khác nhau xâm nhập vùng trời phía tây bắc Đài Loan và khu vực phía tây nam của ADIZ, trong đó cũng có một số máy bay băng qua đường trung tuyến của eo biển.

Một đến ba máy bay Trung Quốc cũng vi phạm ADIZ vào các ngày 21, 22, 23, 24 và 29 tháng 9 và một số máy bay theo lệnh của Bắc Kinh cũng đã có hành vi tương tự vào các ngày 1, 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15, 16, 17, 21, 25, 26 và 27 tháng 10.

Vào ngày 22/10, một máy bay không người lái của Trung Quốc cũng bay vào góc tây nam của ADIZ, theo ông Khâu Thụ Hoa, Phó tham mưu trưởng MND.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-tiep-tuc-cho-may-bay-quay-nhieu-vung-troi-dai-loan.html

Khảo sát toàn cầu: 80% được hỏi cho rằng

ĐCSTQ đã gây ra đại dịch và che đậy sự thật

Tâm Thanh

Con số cao nhất lên tới 98%…

Mới đây, truyền thông Anh The Guardian đã thiết kế một cuộc khảo sát cho thấy, trong số 26.000 người tại 25 quốc gia trên thế giới, trung bình có hơn 80% số người được hỏi cho rằng, đại dịch viêm phổi Vũ Hán bắt nguồn từ Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm về việc này.

Ngoài ra, tại các nước như Vương quốc Anh và Nhật Bản, 80% người dân cho rằng ĐCSTQ đã che đậy sự thật về đại dịch năm nay.

Cuộc khảo sát quốc tế do Guardian khởi xướng và được lấy mẫu từ Dự án Toàn cầu hóa Cambridge của cơ quan phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường Anh “YouGov”. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, trung bình hơn 80% số người trên thế giới được hỏi nói rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Báo cáo chỉ ra rằng, quốc gia có tỷ lệ lên án đại dịch ĐCSTQ cao nhất là Nigeria, với 98% người dân Nigeria cho rằng ĐCSTQ là nguồn gốc của đại dịch đang hoành hành trên toàn thế giới, và ĐCSTQ cũng là nguyên nhân gây ra đại dịch.

Tiếp đến là Hy Lạp và Nam Phi (đều đạt 97%), Tây Ban Nha với 96%, và sau đó là Úc, gần 95%.

Tại Ý, Canada và các quốc gia khác, hơn 90% người ủng hộ quan điểm này. Trong số những người Đức được hỏi, khoảng 90% người cho rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc gây ra đại dịch.

Ngoài ra, những người được hỏi ở hầu hết các quốc gia cũng cho rằng, ĐCSTQ đã che giấu dịch bệnh. Tỷ lệ này cao nhất là ở Nhật Bản với 84% người dân tin rằng ĐCSTQ đã cố gắng che giấu sự thật của dịch bệnh. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ trên là 82%. Anh quốc là 80%. Tại các nước châu Âu khác, con số này là 80%.

Nhiều người đã chỉ trích rằng chính phủ Trung Quốc vốn có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhưng họ đã không làm. Tại Anh, 67% số người được hỏi cho rằng, nếu chính phủ Trung Quốc phản ứng nhanh hơn, sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán ra toàn cầu đã không nghiêm trọng như hiện nay.

Cuộc khảo sát cũng cho hay, 84% người dân Hoa Kỳ được hỏi đồng ý rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Ngoại trừ Trung Quốc ra, quốc gia có tỷ lệ này thấp nhất là Ả Rập Saudi với 83%.

Riêng tại Trung Quốc, chỉ có 52% người Trung Quốc được hỏi đồng ý với vấn đề nguồn gốc của dịch bệnh được bắt nguồn từ Trung Quốc và 12% người nói rằng họ không biết nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh. Gần một phần ba số người Trung Quốc được hỏi cho biết, loại virus này lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra, có 88% người Trung Quốc nói với các cơ quan điều tra rằng, họ tin chính quyền Bắc Kinh đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo quốc tế tốt nhất trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Tại hơn 20 quốc gia khác, ngoại trừ Ý, khoảng 15% người dân đồng ý với quan điểm này.

88% người Trung Quốc tin chính quyền của mình đã lãnh đạo tốt nhất trong thời kỳ đại dịch toàn cầu (cao nhất trong các quốc gia được hỏi), 52% đồng ý nguồn gốc của đại dịch là từ Trung Quốc (thấp nhất trong các quốc gia được hỏi). Ảnh: Chụp màn hình The Guardian.

Bình luận viên Hà Húc của đài Sound of Hope cho rằng: “Kết quả như vậy không nằm ngoài dự đoán. Khi người Trung Quốc chấp nhận các cuộc phỏng vấn công khai, bất kể quan điểm thông thường của họ là như thế nào, thì tại những vấn đề then chốt, họ phải tự bảo vệ mình và coi đó là trả lời kiểu mẫu được ĐCSTQ công nhận. Đó là lý do tại sao gần 90% người Trung Quốc được hỏi đã ca ngợi sự lãnh đạo quốc tế của ĐCSTQ. Chỉ có thể nói rằng, mô hình giáo dục tiêu cực của ĐCSTQ đã đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vẫn có 5 người lớn đồng ý với quan điểm rằng, chính quyền ĐCSTQ là nguyên nhân gây ra đại dịch, điều này thực sự rất đáng quý”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/khao-sat-toan-cau-80-duoc-hoi-cho-rang-dcstq-da-gay-ra-dai-dich-va-che-day-su-that.html

Covid-19 ở Ấn Độ: 8 triệu ca nhiễm, chỉ thấp hơn Mỹ

Số ca nhiễm virus gây ra dịch Covid-19 được xác nhận tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 8 triệu ca hôm 29/10, trong khi con số các ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất trong tuần này, và đang có nhiều lo lắng về mùa lễ hội lớn của Ấn Độ giáo sắp tới trong khi tiết trời đang vào đông.

Ấn Độ đang trên đà sắp bắt kịp nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, là Hoa Kỳ, nước có 8,8 triệu ca nhiễm.

Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 49.881 ca nhiễm và 517 ca tử vong, nâng số tử vong toàn quốc lên tới 120.527 ca.

Sinh hoạt tại Ấn Độ đang trở lại mức độ trước dịch Covid-19 với các cửa tiệm, doanh nghiệp, xe lửa và rạp chiếu bóng mở cửa trở lại, và bang Bihar, bang đông dân thứ 3 Ấn Độ có dân số 122 triệu người, sắp sửa tổ chức bầu cử.

Nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng chán chường với các biện pháp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội dần dần bắt rễ, dẫn tới nguy cơ xảy ra một đợt lây nhiễm mới.

Ấn Độ chứng kiến các ca lây nhiễm tăng vọt trong tháng Bảy vừa rồi, tăng thêm hơn 2 triệu ca vào tháng Tám, và thêm 3 triệu ca vào tháng 9. Nhưng đà lây nhiễm chậm lại từ trung tuần tháng 9 khi mà các ca nhiễm mới hàng ngày đạt 97.894 ca, với số tử vong cao nhất là 1.275 ca.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hơn 7,3 triệu người Ấn Độ đã hồi phục sau khi lâm bệnh Covid-19.

Tuy nhiên giữa lúc các ca nhiễm mới bắt đầu giảm trên toàn quốc, thủ đô của Ấn Độ lại chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt. New Dehli báo cáo ngày tệ hại nhất với 4.853 ca nhiễm hôm thứ Tư, sau khi số ca nhiễm giảm xuống dưới mức 1.000 ca một ngày vào tháng trước.

Với dân số 1,4 tỉ dân, Ấn Độ đang có kế hoạch cung cấp vắc-xin cho 250 triệu người trước tháng 7/2021.

Chính phủ Ấn Độ nói họ dự tính sẽ nhận từ 450 triệu tới 500 triệu liều vắc-xin, và sẽ bảo đảm vắc-xin được phân phối một cách “công bằng.”

https://www.voatiengviet.com/a/covid19-o-an-do-8-trieu-ca-nhiem-chi-thap-hon-my/5640358.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?