Điểm Báo Pháp ngày 29/6/2021
Nhìn chung, các báo tập trung vào những hệ lụy của cuộc bầu cử địa phương lần này với chiến dịch lớn, bầu cử tổng thống Pháp 2022 sắp tới.
Le Figaro chạy tựa trang nhất « Cánh hữu đắc thắng tìm kiếm một nhà vô địch cho 2022 ». Các tờ báo chính đều tập trung phân tích cục diện chính trường Pháp sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi với sự thắng thế của hai phe tả và hữu. Nhiều nhân vật chiến thắng ở kỳ bầu cử này đang nổi lên được các báo đánh giá có thể sẽ là những đối thủ chạy đua tranh chức tổng thống Pháp trong 10 tháng tới.
Biến thể Delta cản trở kế hoạch mở cửa lại của Đông Nam Á
Một chủ đề lớn khác của các báo Pháp là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn ra căng thẳng với sự xuất hiện của biến chủng virus Delta, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Nhật báo Les Echos có bài « Covid : biến chủng Delta đang làm trật kế hoạch mở cửa lại của Đông Nam Á ». Les Echos cho biết những ngày qua, tình hình lây nhiễm Covid-19 tăng vọt khiến nhiều nước trong vùng phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Ban đầu khu vực này bị dịch Covid-19 nhẹ hơn nhiều so với các nước phương Tây, vì thế mà từ vài tháng trước, một số nước Đông Nam Á đã rục rịch chuẩn bị mở cửa trở lại hy vọng tận dụng tối đa cơ hội kinh tế Mỹ và châu Âu đang phục hồi lại. Thế nhưng biến chủng virus Delta xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh không ngờ đã làm hỏng hết kết hoạch của các nước này. Số ca nhiễm bùng lên mạnh ở một loạt các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ngay tại Singapore, nước đi đầu trong vùng về tiêm chủng cũng đang phải vất vả kiềm chế các ổ dịch mới.
Một điểm chung cho các nước Đông Nam Á đang bị dịch bùng phát là chiến dịch tiêm chủng triển khai rất chậm và vac-xin được dùng phổ biến là của Trung Quốc. Les Echos cho hay, các chuyên gia đang đặc biệt lo lắng về tình hình lây lan nhanh của biến thể Delta và đang đặt câu hỏi về hiệu quả của loại vac-xin Sinovac, đang được dùng chủ yếu trong chiến dịch tiêm chủng của Indonesia. Tờ báo cho biết, trong tháng 6 này, 10 trong số 26 bác sĩ bị tử vong vì Covid-19 lại là những người đã tiêm đủ 2 liều vac-xin Trung Quốc.
Một quốc gia khác cũng lệ thuộc nhiều vào vac-xin Trung Quốc là Malaysia đang là nước có biến chủng Delta bùng phát dữ dội những ngày qua, với số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình từ 4000 đến 5000 ca. Tương tự với Thái Lan, kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào mùa hè này đã bị phá sản vì mỗi ngày lại thêm hàng nghìn ca nhiễm.
Để khống chế được dịch thì chỉ có cách duy nhất là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong dân chúng để đạt miễn dịch cộng đồng ít nhất 70% dân. Thế nhưng hiện tại chưa đầy 10% dân các quốc gia Đông Nam Á được tiêm chủng đủ liều. Nhịp độ tiêm chủng như hiện nay khiến các nước này còn phải đóng cửa lâu dài trong khi phương Tây đang chuẩn bị bước vào hồi phục kinh tế.
Trung Quốc đạt ngưỡng tiêm được 1 tỷ liều vac-xin
Vẫn trong chủ đề tiêm chủng ngừa Covid-19, nhật báo Le Monde chú ý tới Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân hôm 21/06 vừa qua thông báo đã tiêm được tỷ liều vac-xin cho dân. Đây là một con số ấn tượng khi cả thế giới mới tiêm được 2,8 tỷ liều vac-xin ngừa Covid-19. Với nguồn vac-xin sản xuất trong nước, chính quyền Trung Quốc đã huy động tổng lực từ tuyên truyền, khuyến khích đến bắt buộc. Chiến dịch tiêm chủng đạt tốc độ trung bình 18 triệu liều tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc cần phải có được trên 2 tỷ liều vac-xin cho dân.
Như vậy chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc mới đi được một nửa chặng đường. Có được kết quả này là nhờ Trung Quốc tự chủ được nguồn vac-xin với 3 sản phảm của Sinopharm, Sinovac và Cansino. Tuy nhiên theo bài báo, dù đạt được tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn như vậy, việc mở cửa biên giới Trung Quốc vẫn còn phải chờ lâu hơn dự kiến nhiều. Lý do là công hiệu của các loại vac-xin Trung Quốc vẫn dừng ở mức 51% với Sinovac, 78% với Sinopharm hay 65% với loại vac-xin tiêm một liều Cansino. Các nhà bào chế vac-xin Trung Quốc khẳng định sản phẩm của họ có hiệu quả ngăn các ca nhiễm bệnh nặng lên tới 91%, nhưng gần đây nhiều nước tiêm chủng rộng rãi bằng vac-xin Trung Quốc như Chilê hay Mông Cổ, các đợt dịch mới vẫn tiếp tục bùng lên.
Cũng cùng chủ đề này, Le Monde cho biết thêm chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Belarus đang bị chững lại vì bị lệ thuộc vào vac-xin của Nga và Trung Quốc. Đất nước chỉ có hơn 9 triệu dân này không thể tiếp cận nguồn cung ứng vac-xin của cơ chế quốc tế Covax, hoàn toàn nhờ vào nguồn thuốc viện trợ của Trung Quốc và Nga, trong khi đó người dân hoài nghi các loại sản phẩm trên tìm cách từ chối tiêm phòng. Vì thế mà đến nay mới chỉ có chưa tới 6% dân Belarus được tiêm đủ 2 liều và gần 9% tiêm liều thứ nhất. Chính quyền Loukachenko đang cố gắng tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn vac-xin Sinopharm và Sputnik V bằng cách kêu gọi tự chế vac-xin, nhưng đó chỉ là quyết tâm chính trị không mấy ai tin vào chế độ đang trong khủng hoảng chính trị này sẽ thành công.
Chuyện như đùa nhưng lại rất nghiêm trọng
Chuyển qua Libération, tờ báo có bài viết đáng chú ý về vụ các tài liệu bí mật quốc phòng liên quan đến các vấn đề địa chính trị nóng đã được một người qua đường vô tình nhặt được ở một trạm xe bus ở thành phố Kent, miền nam nước Anh.
Hôm 22/06 vừa qua, một người dân đã nhặt được các tài liệu trên. Nhận thấy mình đang giữ một tài liệu nhay cảm, người này quyết định trao cho BBC và muốn giấu danh tính. Hôm 27/06, hãng truyền thông Anh đã công bố một phần nội dung của 50 trang tài liệu có nội dung liên quan đến các vấn đề « phản ứng của Nga với chiến hạm của Hải quân Hoàng Gia Anh khi qua vùng biển ngoài khơi Crimée » hay về « khả năng hiện diện quân sự của Anh tại Afghanistan sau khi NATO rút quân » hay về việc « cập nhật chiến dịch xuất khẩu vũ khí sang những vùng mà nước Anh đang cạnh tranh với các đồng minh châu Âu ».
Sự việc đã gây náo động trong dư luận tại Anh. Câu hỏi đặt ra là làm sao mà một tài liệu quan trọng như vậy lại có thể tìm thấy ở ngoài phố ? Một chuyên gia về quốc phòng ở Anh cho rằng « Có thể đó là do bất cẩn, ai đó đã để quên các tài liệu này, hoặc đó là ý đồ trao tài liệu cho ai đó nhưng không thành, hoặc khả năng, ít xảy ra, chính quyền Anh cố ý để lộ tài liệu ». Về phần mình, BBC cho rằng các tài liệu này có nguồn gốc từ văn phòng của một quan chức cao cấp bộ Quốc Phòng. Còn theo kênh truyền hình Sky News, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Anh cho biết một quan chức cao cấp đã báo để thất lạc tài liệu.
Vấn đề không còn đơn giản, chính quyền đã cho mở điều tra về vụ việc đang gây ồn ào làm tốn không ít giấy mực ở nước Anh.
Pháp rời khởi EURO 2020 trong tức tưởi
Một chủ đề thời sự khác được chú ý là thất bại cay đắng của đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp tại giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020. Đội quân đương kim vô địch thế giới tối qua 28/06/2021, đã bị tuyển Thụy Sĩ loại khỏi cuộc chơi ngay từ vòng 1/8.
Trận đấu kết thúc vào lúc nửa đêm, nỗi thất vọng đã chiếm kín các trang mạng Pháp, Le Figaro đã chờ lên khuôn để kịp đăng trên báo giấy ra hôm nay. Le Figaro chạy tựa không giấu được tiếc nuối « EURO : Đã là cửa ra cho các cầu thủ Áo Lam ».
Tờ báo viết : « Có những buổi tối mà các bạn còn nhớ trong nhiều năm với niềm vui thích hay buồn chán. Cái ngày 28/06/2021 này được ghi nhớ là ngày như thế. Câu chuyện buồn của đội tuyển Pháp, bị Thụy Sĩ loại bởi loạt đá luân lưu 11m (5-4) sẽ còn in dấu mãi mãi cho một thế hệ khát khao chiến thắng nhưng bất lực trước đội bóng xếp hạng 13 của thế giới. Đầu cúi gằm và trong nước mắt, các nhà vô địch thế giới rời khỏi EURO và Bucarest qua cánh cửa hẹp. Còn lại là thất bại lớn nhất trong lịch sử đội tuyển ».
Le Figaro nhắc lại trận đấu và nhận định thất bại này là sự phá sản chiến thuật của huấn luyện viên Didier Deschamps, khiến cho một đội quân đầy tài năng của Pháp không còn nhận ra được nữa. Tuy nhiên, phải thừa nhận là các cầu thủ Thụy Sĩ đã chơi một trận bóng quả cảm chưa từng thấy, họ là những người hùng xứng đáng với chiến thắng.
ttps://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20210629-covid-19-biến-thể-delta-ngăn-đông-nam-á-mở-cửa-trở-lại
Nhận xét
Đăng nhận xét