Làn sóng chỉ trích Việt Nam trên mạng xã hội Trung Quốc sau sự cố phân bổ vắc-xin
Người dùng mạng xã hội Weibo và Guancha ở Trung Quốc chỉ trích Việt Nam dữ dội, sau khi đại sứ quán nước này ở Hà Nội ra tuyên bố tố cáo chính phủ Việt Nam “thất hứa” trong việc ưu tiên tiêm chủng cho công dân Trung Quốc đang ở Việt Nam. Làn sóng chỉ trích này thổi bùng chủ nghĩa bài ngoại trong lòng xã hội Trung Quốc và phơi bày ác cảm mà nhiều người dân nước này có đối với Việt Nam.
Trường Sơn2021-06-28
Hôm 24 tháng 6, Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam đăng một tuyên bố trên mạng xã hội Weibo, trong đó tố cáo chính quyền Việt Nam đã “không tham vấn phía Trung Quốc trước khi phân phối vắc-xin” và thông tin rằng “các ban ngành có liên quan của chính quyền Việt Nam đã hứa sẽ huỷ bỏ kế hoạch ngay sau khi bị phía Trung Quốc nhắc nhở”.
Hôm 20 tháng 6, Việt Nam tiếp nhận 500 ngàn liều vắc-xin Sinopharm sản xuất bởi Trung Quốc, kèm theo điều kiện là phải ưu tiên tiêm chủng cho công dân Trung Quốc ở Việt Nam, người Việt Nam có kế hoạch học tập và làm việc tại Trung Quốc, và người Việt Nam sống ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Chính quyền Việt Nam ban đầu dự định phân bổ số vắc-xin trên cho các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, và một số tỉnh khác như Điện Biên, Nam Định, và Thái Bình. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị huỷ bỏ sau khi Đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng phản đối.
Thông tin được Đại sứ quán Trung Quốc đăng tải đã trở thành đề tài được bàn tán xôn xao nhất trên mạng xã hội ở Trung Quốc, tạo ra làn sóng chỉ trích Việt Nam dữ dội với các bình luận hằn học và mang tính miệt thị.
Chỉ bốn ngày sau khi được đăng tải, tuyên bố trên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam đã có 650 triệu lượt xem và hàng chục ngàn bình luận. Người dùng Weibo ở Trung Quốc đã sáng tạo ra hashtag #越南未兑现中国人优先承诺# (Việt Nam thất hứa ưu tiên người Trung Quốc), và đã trở thành hashtag phổ biển nhất trên mạng xã hội này.
Chó, Khỉ, Sói mắt trắng là những ngôn từ được nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc sử dụng để nói về Việt Nam, ám chỉ sự “vô ơn” trước những giúp đỡ từ Trung Quốc. Nhiều người cũng nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 để nhấn mạnh “bản chất vô ơn” của Việt Nam.
Hồ Tích Tiến, phóng viên của Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, viết nhận định về hiện tượng này trên trang Weibo của ông. Ông Hồ Tích Tiến cho rằng nguyên do người dân Trung Quốc phản ứng gay gắt đối với Việt Nam là vì nhiều lẽ, bao gồm việc Việt Nam “kéo Hoa Kỳ” vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, và cả việc Việt Nam “coi mình là ông chủ của bán đảo Đông Dương”.
Một người quan sát Trung Quốc nói với RFA với điều kiện giấu tên qua email rằng: “đối với người Việt Nam và nước khác thì chính quyền Trung Quốc nói là họ tặng vắc-xin, nhưng đối với người trong nước thì họ lại nói là số vắc-xin này thuộc chương trình tiêm chủng cho người Trung Quốc ở hải ngoại có tên “Spring Sprout”, điều này cho thấy họ có thể dễ dàng thao túng người dân trong nước, và sẵn sàng biến Việt Nam thành dê tế thần”.
Chương trình Spring Sprout (tạm dịch là Mầm Xuân) của chính phủ Trung Quốc bắt đầu vào tháng ba vừa qua với mục đích là để tiêm vắc-xin cho người Trung Quốc ở nước ngoài. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện tại đã có hơn 1,18 triệu người Trung Quốc ở hơn 150 quốc gia được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 bao gồm vắc-xin do Trung Quốc sản xuất và vắc-xin của các nước khác.
Cũng theo nhà quan sát này thì chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang ngày càng thịnh hành và chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm chính cho việc này. Trong vụ việc liên quan đến Việt Nam thì điều đó được bộc lộ rõ ràng.
“Sự việc hoàn toàn có thể được giải quyết một cách êm thấm thông qua đối thoại nội bộ mà không nhất thiết phải biến nó trở thành vấn đề to tát nhằm cổ xuý chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội rõ ràng là quan tâm đến việc phục vụ dư luận ở nước họ hơn là thể hiện một bộ mặt tích cực trước người Việt Nam. Đấy là lý do tại sao họ chỉ công bố câu chuyện này ở mạng xã hội Trung Quốc chứ không đưa tin ở mạng xã hội mà người Việt dùng”.
Việt Nam và Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Những căng thẳng giữa hai nước trong các năm qua liên quan đến Biển Đông đã có lúc dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc rầm rộ tại các thành phố ở Việt Nam.
Xã hội Việt Nam hiện tồn tại tâm lý dè chừng vắc-xin sản xuất bởi Trung Quốc. Ngày 2 tháng 6, Đài Á châu Tự do đã thực hiện khảo sát trên Facebook và kết quả cho thấy trong số 4.400 bình luận có đến 3.800 bình luận cho biết không muốn sử dụng vắc-xin có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét