SEA Games 31 tại Việt Nam, nên hoãn hay vẫn tổ chức?
BBC
Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng mây u ám lên Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, theo dự kiến sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Việt Nam hiện đang đối diện với sức ép phải trả lời sớm cho Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á về thời điểm tổ chức SEA Games 31.
Báo Thanh Niên hôm 27/6 cho biết Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra câu trả lời vào ngày 8/7.
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, hay còn gọi SEA Games 31, vốn dự kiến diễn ra tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận từ ngày 21/11 đến ngày 2/12/2021.
Ngân sách được duyệt để tổ chức sự kiện này vào khoảng 1.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm dậy lên những tranh luận về việc Việt Nam có nên tiếp tục tổ chức SEA Games 31 trong năm nay hay không.
Lo lắng vì bệnh dịch
Vào ngày 9/6, Văn phòng điều phối Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã họp trực tuyến để cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đông Nam Á cũng như nghe Việt Nam báo cáo về công tác chuẩn bị SEA Games 31.
Tại buổi họp, Việt Nam đề nghị lui giải sang năm 2022. Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được các nước thành viên khác đồng thuận.
Lý do mà các nước phản đối đưa ra là năm 2022 khó khả thi vì rất nhiều đại hội thể thao lớn và bản thân các đoàn thể thao cũng chỉ được chính phủ cấp kinh phí phục vụ cho SEA Games 31 trong năm nay.
Từ tranh luận này, phía Việt Nam nói rằng nếu năm 2022 không tổ chức được thì Việt Nam xin tổ chức sau năm 2023.
Một số đoàn nêu ý kiến nên đợi sau Olympic Tokyo xem chủ nhà Nhật Bản làm thế nào rồi Việt Nam áp dụng.
Tại Thế vận hội mùa hè 2021 sẽ diễn ra từ 23/7 đến 8/8, Nhật Bản dự kiến đón khoảng 90.000 người nước ngoài, gồm quan chức, nhà báo, quan khách …; con số trên chưa bao gồm khoảng 11.000 vận động viên. Đây là số lượng đã được hạn chế trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Tới ngày 24/6, trong cuộc họp trực tuyến của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, một trong những đề xuất được đưa ra để xem xét là dời SEA Games 31 tới tháng 4 hoặc tháng 5/2022.
Hiện nay, Việt Nam đang ở giữa đợt bùng phát thứ tư, được coi là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19.
Trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi hoãn SEA Games tới một thời điểm muộn hơn hoặc thậm chí hủy luôn sự kiện này.
"Ham hố gì cái giải ao làng SEA Games. Bình thường thì đã không nên tổ chức làm gì. Đằng này lại đang dịch thì càng nên hủy," một người dùng Facebook có tên Le Van Hung nêu ý kiến.
Một người tên Trung Trực viết trên Facebook cá nhân: "Hoãn SEA Games là hợp lý với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Bây giờ phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu đã."
Tuy nhiên, cũng có ý kiến theo chiều ngược lại.
Một người tên là Nguyễn Nam viết trên Facebook: "Olympic Tokyo vẫn diễn ra bình thường thì SEA Games cuối năm nên diễn ra bình thường. Hoãn vậy làm chậm nhịp của nền thể thao Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Dịch đã bắt đầu ổn định, vaccine đã và đang về số lượng nhiều, mình cứ nên tổ chức bình thường đi."
Chi phí tổ chức
Bên cạnh lý do dịch bệnh, kinh phí đăng cai tổ chức SEA Games rất lớn cộng với uy tín thấp của giải thể thao này khiến cho ý kiến phản đối ngày càng tăng.
"Một sự kiện tốn hàng ngàn tỉ đồng, lại đấu toàn môn không có trong danh sách Thế vận hội. Nước nào đăng cai thì cứ mặc sức đưa môn thế mạnh của mình vào. Việt Nam không nên tổ chức làm gì cho tốn kém; thậm chí hạn chế cử vận động viên tham dự mấy môn vô thưởng vô phạt," một người tên là Tiến Phát viết trên Facebook.
Gánh nặng kinh tế của việc tổ chức SEA Games đối với Việt Nam là điều dễ thấy. Trong thời đại dịch, khi ngân sách phải dồn cho công tác phòng chống dịch, việc chi tiêu hàng ngàn tỉ đồng là điều khiến giới chức đau đầu và người dân phản đối. Chưa kể một sự kiện thể thao có đông người tham dự có thể làm nguy cơ phát tán dịch bệnh tăng cao, trong bối cảnh Việt Nam đang chậm chân trong công tác tiêm vaccine.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ kinh tế, SEA Games cũng có thể tạo ra tác động tích cực.
"Đầu tư vào hạ tầng, đường sá phục vụ cho SEA Games có thể mang tới đổi thay cho địa phương. Lấy ví dụ, nhiều người thường phàn nàn TP HCM và khu vực phía nam ít được đầu tư hạ tầng so với phía bắc. Nếu tổ chức SEA Games tại TP HCM, chắc chắn địa phương này sẽ dễ được duyệt ngân sách hơn để đầu tư hạ tầng," một chuyên gia kinh tế giấu tên chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
"Tất nhiên, nếu tiền đầu tư chỉ để xây các nhà thi đấu hoành tráng sử dụng cho SEA Games rồi sau đó bỏ hoang hoặc ít dùng tới thì sẽ rất lãng phí. Cái gì cũng có hai mặt cả," ông lưu ý thêm.
Ông cũng đồng quan điểm rằng trong thời dịch bệnh này, việc hoãn tổ chức là cần thiết. "Bên cạnh các lý do mà ai cũng thấy, như kinh tế, như phòng chống dịch bệnh, thì việc hoãn SEA Games còn cho thấy tính nhất quán về mặt thông điệp chống dịch của chính quyền," ông nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét