Ðiểm Báo Pháp – 30/6/21
Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cỗ máy viết lại lịch sử
Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế. Tuy nhiên chế độ ngày càng độc tài hơn, cố tình xóa đi những chương đen tối trong lịch sử và trở thành mối đe dọa cho các láng giềng.
Cổ vũ chích ngừa để ngăn một làn sóng dịch mới, đầu tư quy mô cho ngành y tế, cuộc đua vào điện Elysée sắp tới, thất bại của đội tuyển bóng đá Pháp là các chủ đề chính của báo chí Paris hôm nay 30/06/2021. Trung Quốc cũng là đề tài rất được chú ý.
Trung Quốc: Mối đe dọa cho thế giới tự do
Bắc Kinh tưng bừng kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do một nhóm trí thức thành lập vào tháng Bảy năm 1921 tại Thượng Hải, dưới sự giám sát chặt chẽ của Matxcơva. Bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « Các nền dân chủ trước thách thức Trung Quốc » nhận định, từ đó đến nay, học trò đã qua mặt ông thầy. Đảng Cộng Sản của Liên Xô cũ chẳng bao giờ có dịp kỷ niệm 75 năm cuộc cách mạng 1917, còn ĐCSTQ cầm quyền từ 71 năm qua, chưa bao giờ mạnh như thế.
Cũng không có đảng nào lãnh đạo bằng ấy người lâu như vậy. Trong vòng 40 năm, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, mỗi ngày lại đào sâu thêm khoảng cách với đối thủ Ấn Độ và nhanh chóng tiến gần với Hoa Kỳ. Kinh tế Trung Quốc thậm chí còn có thể vượt qua Mỹ trước cuối thập niên này, và việc ngăn chận được đại dịch Covid làm gia tăng uy tín của đảng nơi người dân.
Tuy nhiên theo Le Monde, thành công này chưa hoàn hảo. Bởi vì kèm theo đó là vi phạm nhân quyền trầm trọng, ngăn trở các quyền tự do. Bởi vì dựa một phần vào mô hình phát triển không bền vững, và vì Trung Quốc xáo trộn trật tự quốc tế, bác bỏ đa phương mỗi khi thấy không có lợi.
Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhấn mạnh đến « tính chất Trung Hoa » trong « chủ nghĩa xã hội » của họ, và cũng không cho thấy ý định xuất khẩu. Thế giới, may thay, sẽ không bị Hán hóa. Nhưng thành công của Trung Quốc là thách thức cho phương Tây. Trừ phi có một sự đảo lộn – mà hiện chưa thấy dấu hiệu nào – Trung Quốc sẽ không trở thành một quốc gia dân chủ. Phần còn lại của thế giới sẽ phải sống chung với một Trung Quốc hùng mạnh, dân tộc chủ nghĩa, đầy đe dọa, ít nhất là đối với các láng giềng.
Trước người khổng lồ mới này, sức nặng của mỗi nước đều không đáng kể, trừ Hoa Kỳ. Do Bắc Kinh tìm cách chia rẽ cộng đồng quốc tế, lời đáp phải là các liên minh địa lý đa dạng về kinh tế cũng như chiến lược. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Trước thách thức Trung Quốc, các nền dân chủ phương Tây, nhất là Liên Hiệp Châu Âu, không chỉ nên tự hài lòng với các tố cáo vi phạm nhân quyền mà cần chứng tỏ sự thành công của mô hình dân chủ.
Đảng chính là Tập Cận Bình, đứng trên tất cả
Trong bài « Các thách thức của một đảng bách niên », Le Monde cho rằng ĐCSTQ đối mặt với xu hướng độc tài toàn trị.
Bắc Kinh đang sống với nhịp độ dồn dập : Mở lại một bảo tàng thường trực chuyên về đảng hôm 22/06, bắn pháo bông tại sân vận động Olympic Bắc Kinh hôm 28/06 trước 90.000 khán giả, trao huy chương cho 29 đảng viên ưu tú ngày 29/06, trình diễn ánh sáng ở Thượng Hải kể từ ngày 30/06…Và cái đinh của đợt kỷ niệm là buổi lễ cho tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trì tại quảng trường Thiên An Môn ngày 01/07, nhưng nội dung là gì thì vẫn còn bí mật.
Các nhà quan sát phương Tây từ vài năm qua nhận thấy cả một chế độ được huy động để phục vụ cho một con người và mục tiêu của người đó : biến Trung Quốc thành đại cường số một thế giới từ nay đến 2049. Nghịch lý nằm ở chỗ, Trung Quốc tự tách biệt với một thế giới mà nước này muốn trở thành trung tâm.
Tập Cận Bình tuyên bố « đảng đứng trên tất cả » nhưng thực tế đảng chính là ông Tập. Hỏi một ngàn người Trung Quốc, chưa chắc có một người nói ngay được tên bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị. Không biết có diễn binh hay không, nhưng những ngày gần đây tiêm kích, trực thăng bay đầy trên bầu trời Bắc Kinh. Từ khi thành lập năm 1927, quân đội chỉ tuân lệnh của đảng, và Tập Cận Bình không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc nhở ông không chỉ là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước mà còn là chủ tịch Quân ủy trung ương. Chính với chức vụ duy nhất này mà Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh thảm sát các sinh viên ngay trên quảng trường Thiên An Môn.
Độc tài toàn trị và số phận Hồng Kông, Đài Loan
Ngày mai chắc hẳn Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh đến « phép lạ » thành công của đảng, thành tích « xóa đói giảm nghèo » và về công nghệ – một số triển lãm còn mang lại ấn tượng chắc chắn người Trung Quốc sẽ lên đến tận Hỏa tinh. Nhưng đây không phải là lúc để « ăn năn » về nhân quyền.
Khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 12/2001, Hoa Kỳ tin rằng nước này sẽ trở nên dân chủ. Ngược lại, vào dịp kỷ niệm 100 năm, Trung Quốc gởi đi thông điệp « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa » là thành tựu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Một năm sau khi áp đặt luật an ninh, Bắc Kinh thậm chí còn chẳng cần giả vờ tôn trọng nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ » ở cựu thuộc địa Anh. Sau Hồng Kông sẽ đến Đài Loan ? Sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu Tập Cận Bình không nêu ra số phận hòn đảo 23,5 triệu dân mà chế độ cộng sản chưa bao giờ « thu hồi » được. Đó là thất bại duy nhất mà Bắc Kinh nhìn nhận. Ông Tập sẽ dùng từ thống nhất « hòa bình » hay không ? Ông ta biết rằng một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ có thể làm thay đổi số phận của mình, nhưng những người dân tộc chủ nghĩa thì vẫn sục sôi.
Một nguy cơ khác đối với Tập Cận Bình là việc kế tục. Năm 2018 ông ta đã chấm dứt quy tắc giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm do Đặng Tiểu Bình lập ra từ 1982 nhằm tránh những sai lầm mao-ít và tôn sùng lãnh tụ. Nhiều người cho rằng ông Tập sẽ còn trị vì đến 2027 hay tận 2032. Nhà sử học Michel Bonnin nhận định : « Cho đến thời Hồ Cẩm Đào, là độc tài không hoàn chỉnh ; nhưng giờ đây có nguy cơ chế độ toàn trị Trung Quốc trở nên quá hoàn hảo và mất đi tính linh hoạt ».
Xóa bỏ quá khứ nạn đói, thanh trừng thời Cách mạng văn hóa
Cũng về ĐCSTQ, Le Monde đăng bài đầu tiên trong loạt ba bài phóng sự công phu nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, mang tựa đề « ĐCSTQ, một cỗ máy viết lại lịch sử ».
Nếu đảng là bậc thầy trong nghệ thuật tuyên truyền về những thành công của mình, đảng cũng không để cho ai viết về lịch sử của mình, thậm chí tùy tiện viết lại theo ý thích.
Trong khi vô số hoạt động văn nghệ, triển lãm…diễn ra nhân dịp này, chỉ có mỗi một cuốn sách được ra đời. Đó là cuốn « Lịch sử tóm tắt của ĐCSTQ », do chính đảng xuất bản hồi tháng Hai. Có đến hơn một phần tư, tức 146 trên tổng số 531 trang sách được dành cho tám năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Chỉ vỏn vẹn 12 trang nói chung chung về cả một thập niên 1966-1976 trong đó Cách mạng văn hóa chiếm chưa đầy 2 trang và không hề nói đến việc đàn áp tàn bạo giới trí thức.
Cũng không có một chữ nào về nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử loài người (1958-1961), chỉ nhìn nhận rằng năm 1962 « tình hình rất khó khăn do Đại nhảy vọt ». Đảng hoàn toàn im lặng về Sách Đỏ – in hơn 1 tỉ cuốn từ 1964 đến giữa thập niên 70, đã gây tác động trên toàn thế giới, dịch ra khoảng 60 thứ tiếng và phổ biến tại hơn 150 nước. Cuốn sách mà mọi người Trung Quốc đều phải nhập tâm và mang theo bên mình, đã bị cấm bán từ tháng 2/1979, ngày nay chỉ có thể tìm được ở vài chợ bán đồ cũ.
Lờ đi vụ thảm sát Thiên An Môn, tô hồng Vạn lý Trường chinh
Nếu phong trào sinh viên 1989 được ghi sơ qua trong lịch sử, là để giải thích rằng một nhúm người đã lợi dụng các sai lầm của đảng và chính phủ để « nổi dậy phản cách mạng » khiến đảng phải có những biện pháp để « tái lập trật tự ».
Những cái chết thảm khốc của những người trẻ ? Xin đừng mơ được nhắc đến ! Ngược lại, cuộc Vạn lý Trường chinh của Mao từ Giang Tây đến Thiểm Tây để chạy trốn quân đội Quốc dân đảng, từ tháng 10/1934 đến tháng 10/1935, được nhuốm lên màu sắc huyền thoại.
Bị tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy vào cảnh khó khăn, Tập Cận Bình hồi tháng 5/2019 đã đến Giang Tây để kêu gọi người dân Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc « Vạn lý Trường chinh mới », nhưng không hề nói hồi đó từ 100.000 quân khi đến nơi chỉ còn chưa đầy 8.000 người sống sót. Tập Cận Bình nhắc nhở « khi muốn hủy diệt một dân tộc, điều đầu tiên là hủy diệt lịch sử », có nghĩa mọi câu chuyện khác với lịch sử chính thức đều phải bị lên án. Cơ quan tuyên truyền của đảng hồi tháng Tư đã lập đường dây nóng để tố cáo những « sai lạc » và đến giữa tháng Năm, hai triệu nội dung « tiêu cực » đã bị xóa khỏi internet.
Áp lực Bắc Kinh lên các trường đại học Úc
Le Figaro chú ý đến « Các trường đại học Úc dưới ảnh hưởng Trung Quốc ». Human Rights Watch (HRW) lên án việc Bắc Kinh sử dụng các sinh viên để gây áp lực lên các khoa.
Hôm 24/0/2019 tại trường đại học Queensland ở Brisbane, vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia mới được thông qua, đánh dấu hồi kết của nền dân chủ Hồng Kông. Khoảng vài chục sinh viên biểu tình ôn hòa để ủng hộ người Hồng Kông, nhưng họ nhanh chóng bị cả trăm người dân tộc chủ nghĩa lao vào giựt biểu ngữ và hành hung. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhà trường không kiện cáo, và cũng không phản ứng gì khi hôm sau tổng lãnh sự Trung Quốc ở Brisbane hoan nghênh « thái độ yêu nước ».
Giọt nước tràn ly, Drew Pavlou, một sinh viên 22 tuổi bị hành hung trong vụ này liên tục lên tiếng tố cáo mối quan hệ của trường với Bắc Kinh. Cũng như nhiều nơi khác, khoa của anh rất lệ thuộc vào nguồn tiền từ đông đảo sinh viên Trung Quốc (160.000 người năm 2020), chiếm đến 40% du học sinh. Riêng trong năm 2019, các trường đại học Úc thu được 12 tỉ euro, chiếm 27% tổng ngân sách. Hệ quả là nhiều giảng viên phải tự kiểm duyệt về các chủ đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ…
Pavlou nhận thấy luật im lặng về Trung Quốc đã trở thành nguyên tắc trong trường. Dù là sinh viên giỏi, anh bị đuổi học một năm ; rất tích cực trên mạng xã hội, anh nhận được hàng trăm lời dọa giết. Đối với sinh viên người Hoa, phân nửa số người được HRW hỏi chuyện cho biết đã từng bị các sinh viên Trung Quốc khác sách nhiễu, hăm dọa ; các sinh viên này « đỏ » đến nỗi một chỉ trích nhẹ nhàng cũng bị coi là đối đầu.
Đồng nhân dân tệ ảo: Công cụ của Trung Quốc để chống bitcoin
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận định e-yuan, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là công cụ để chống bitcoin, giúp Bắc Kinh trở thành bá chủ về tiền ảo.
Trung Quốc ngày càng không muốn dung túng cho đồng tiền ảo vô chính phủ, tự do, phi tập trung và khó trị. Nhân dân tệ ảo được chính quyền quản lý và kém minh bạch, đi ngược hẳn với blockchain, công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin. Đối với Bắc Kinh, các sáng tạo về tiền tệ phải nhằm tăng cường việc kiểm soát của chính quyền đối với nền kinh tế và các công dân, còn bitcoin nhằm vượt khỏi các ngân hàng, thiết lập một trật tự tiền tệ mới.
Tuy nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi tự do, nhưng tháng 10 năm ngoái 10 triệu đồng e-yuan (1,2 triệu euro) đã được phân phát cho 50.000 cư dân Thâm Quyến để chi tiêu tại 3.300 cửa hàng thí điểm. Trong 6 giai đoạn để lập ra tiền ảo, Trung Quốc đã ở giai đoạn 5, trong khi châu Âu và Hoa Kỳ mới vượt được một giai đoạn và đang còn tranh cãi.
Nếu đồng đô la dựa vào sức mạnh toàn cầu của Wall Street và đồng bảng Anh nhờ danh tiếng của thị trường tài chính Luân Đôn, đồng nhân dân tệ 2.0 phải nhờ vào thị trường tài chính Thượng Hải. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh cố gắng quốc tế hóa đồng tiền của mình để đua chen với đô la và euro, và mục tiêu là 15 đến 20 năm nữa.
Thụy My
Nhận xét
Đăng nhận xét