Việt – Lào: Hoài niệm quá khứ và khúc nhôi tương lai
Việt – Lào quả là một dạng quan hệ quốc tế “hiếm có khó tìm” đúng như sự vinh danh được nhấn mạnh trong dịp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith thăm Việt Nam từ 28 – 29/6. Nhưng “sòng bài” các cường quốc đang “chơi” hiện nay trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực, đặt ra cho tình anh em keo sơn Lào – Việt nhiều thách thức không dễ vượt qua.
RFA - Bài bình luận của TS. Đinh Hoàng Thắng
2021-06-30
Ngày 28/6/2021, tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào (TBT, CTNL) Thongloun Sisoulith và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác song phương. Các hiệp định và thoả thuận ấy bao gồm: 1. Chiến lược hợp tác giữa chính phủ hai nước; 2. Hiệp định Hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2021 – 2025; 3. Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch – Đầu tư Lào; 4. Thỏa thuận hợp tác giữa hai Văn phòng Trung ương hai đảng; và 5. Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực thông tin giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào.
Tài sản chung vô giá
Tầm quan trọng về chuyến thăm của TBT, CTNL Thongloun Sisoulith hẳn nhiên không chỉ nằm ở năm văn kiện quan trọng nói trên. Tại buổi quốc yến tối 28/6, hai nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng và Thongloun Sisoulith đều nhấn mạnh đến ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; đều đánh giá đó là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước. Hai bên cũng khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cũng sẽ quyết tâm cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt ấy ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Hiếm có diễn văn đáp từ nào biểu đạt hơn lời của TBT, CTNL khi ông phát biểu: “Tôi xin thông báo các đồng chí, cuộc hội đàm của chúng ta hôm nay đã thành công tốt đẹp, hai bên đã nhất trí ra Tuyên bố chung, ký kết các văn kiện quan trọng nhằm tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị cao độ để tiếp tục tăng cường, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta ngày càng không ngừng phát triển bền vững mà không có thế lực nào phá hoại được”. Vâng, nhưng xin hỏi thế lực nào có thể phá hoại được tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững ấy?
Phải chăng một trong những “chính danh thủ phạm” ở đây trước hết là những thay đổi trong môi trường quốc tế và quốc nội mỗi nước? Một cách ước lệ, liệu có thể lấy cái mốc ngày 9/4/1945, Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đang ở Vinh ra Hà Nội, coi đó là những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt – Lào? Rồi tiếp đến những năm tháng trùng điệp của chiến tranh tàn khốc trên toàn cõi Đông Dương, cả ĐCSVN lẫn ĐNDCML đều mặc nhiên coi bang giao giữa hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt, với vai trò như là đồng minh chiến lược của nhau, nhưng không hề có bất cứ một văn bản cam kết đồng minh nào, ít nhất trên giấy trắng mực đen.
Trong bối cảnh bấy giờ, hiển nhiên phía Lào không thể có sự lựa chọn nào khác. Những năm tháng thời chiến đã hình tượng hoá mối bang giao thành quan hệ “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Đúng là đặc biệt của đặc biệt! Tuy nhiên, “miếng pho mát miễn phí duy nhất chỉ nằm trên cái bẫy chuột mà thôi!”. Điều này thì cả lãnh đạo Việt Nam lẫn lãnh đạo Lào đều ngấm ngầm cảm nhận một cách chậm chạp nhưng “bền vững” không kém tình anh em keo sơn thuở nào. Đặc biệt là các phức cảm chính trị bắt đầu va đập nhau chan chát kể từ khi “người láng giềng khổng lồ phương Bắc” xuất hiện trên bàn cờ địa-chính trị toàn cầu cũng như tại khu vực.
Trong một phân tích ngày 21/6/2021 trên “Tạp chí Việt Nam” của đài RFI, tác giả Thanh Phương đã chỉ rõ cái nhân tố địa-chính trị có khả năng làm lệch đường ray truyền thống của quan hệ Việt – Lào [1]. Đó là vào lúc Trung Quốc bành trướng thế lực về phía nam thông qua sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Việt Nam lại cố duy trì ảnh hưởng khu vực của mình. Trong khi đó, Hà Nội không thể tranh đua với Bắc Kinh về mặt đầu tư và vốn vay. Kết quả, Hà Nội rất sợ Vientiane cũng sẽ đi theo con đường giống Campuchia, ngày càng “giãn” và “thoát” Việt, đồng thời lún sâu vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển, Lào càng có lý do để vui mừng trước sự trưởng thành trong quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc.
Là một đoạn trong tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc với Singapore, cung đường Trung – Lào được truyền thông bạn ca ngợi, vì đưa Lào từ một nước bị phong tỏa trở thành quốc gia kết nối của khu vực. Tuyên bố chung Hà Nội tối 29/6 vẫn nhấn mạnh: “Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào… trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, dành ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau cùng phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới”.
Đường xa nghĩ nỗi sau này…
Nhưng để thực thi “tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng…” là vấn đề không đơn giản. Không chỉ Biển Đông, hàng loạt các khúc nhôi khác: từ các đập thuỷ điện trên sông Mekong đến vấn đề phân định ranh giới quốc gia, thậm chí cả khát vọng đổi mới thể chế… tất cả ngày càng tỏ ra là những “khúc xương” khó nuốt cho cả anh lẫn em. Chưa nói, ở đây cần một sự minh định, “ai là anh, ai là em”? GS-TS Trương Giang Long từng tiết lộ, có bạn Lào đã đặt câu hỏi như thế! Văn hoá Lào là vậy, khiêm tốn, hiền hoà và không bao giờ phản ứng gay gắt, quyết liệt. Là các Phật tử thuần thành, ông em biết ông anh “lực bất tòng tâm”, nhưng không thể giam hãm nhân dân các bộ tộc Lào trong đói nghèo và lạc hậu để mơ về một ý thức hệ hão huyền. Túng đành phải tính! [2]
Mà đâu chỉ có tính một mình với Trung Quốc. Giờ đây, Lào đang mở rộng quan hệ với Nga. Theo tin từ Xieng Khouang, lực lượng quân đội Nga đang kiểm tra diện tích khoảng 500 ha ở tỉnh này xem có phù hợp để xây dựng căn cứ không quân hay không. Nga bắt đầu rà phá vật liệu chưa nổ và bom mìn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh này để giúp xây dựng một kế hoạch mới nhằm mở rộng viện trợ quân sự cho Lào. Lực lượng của Nga và Lào đang làm việc cùng nhau để xây dựng sân bay mới và sẽ biến nơi đây thành một sân bay hiện đại bậc nhất khu vực. Việc triển khai lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở đây cũng có thể là một đòn giáng khá mạnh vào uy tín của Mỹ và phương Tây ở Đông Nam Á.
Sự mở rộng quan hệ của Lào với Trung Quốc và Nga là hệ quả tất yếu của những chuyển động địa-chính trị trong khu vực. Sự mở rộng này, nhìn từ góc độ an ninh xứ sở, có khi bị cắt nghĩa như là chỉ dấu của sự bất an. Nhưng bất an và đáng báo động hơn chính là cái tư duy “quan toàn quyền” từ thuở mồ ma thực dân còn sót lại trong não trạng một số giới chức Việt Nam? Chẳng ngẫu nhiên mà cách đây mấy năm, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, lão tướng kiêm nhà ngoại giao, từng là cố vấn cho Lào và làm đại sứ nước ta ở Trung Quốc 13 năm có lẻ, được rạng danh với câu đối: “Làm cố vấn miền Tây, ghi lời Bác không làm ‘lão Toàn quyền’, luôn nhớ chữ ‘Chủ quyền’ của Bạn/ Đi Đại sứ nước Tàu, thuận lòng Dân chẳng ngại ‘người Đại quốc’, giữ trọn điều ‘Quốc thể về Ta’”.
Đối với Lào cũng như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, chủ quyền là vấn đề thiêng liêng. Không thể “ăn mày dĩ vãng”, kể lể công trạng giúp bạn trước đây, mà thật ra cũng chính là giúp mình, để lấn át tinh thần “độc lập, tự chủ” của Lào ngày nay. Cũng như đối với các đại cường, không phải vì họ là những nước lớn mà ta đánh mất “quốc thể” trong mỗi ứng xử. Vào những năm 1980, đứng trước cuộc khủng hoảng ở mỗi nước, Lào và Việt Nam đã buộc phải điều chỉnh chính sách, về đối ngoại cố gắng phá vỡ thế bị cô lập. Việt Nam bắt đầu nới lỏng sức ép đối với Lào, trong khi Lào lại phát huy vai trò làm cầu nối cho quá trình bình thường hóa Việt – Trung.
Việt – Lào từ nay liệu có đủ ý chí chính trị để nâng tầm quan hệ lên một chất lượng cao hơn trước hay không là thách thức của cả hai Đảng, hai Nhà nước và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp mỗi nước. Vẫn biết, Việt Nam hiện là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan. Tính đến tháng 12/2020, đầu tư của Việt Nam vào Lào đạt 4,1 tỷ USD, theo báo chí trong nước. Tuy nhiên, 4,1 tỷ USD này khi nào sẽ được hoàn thiện trên thực tế? Những hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào liệu mất bao nhiêu thời gian mới xoá hết được hình ảnh tiêu cực liên quan đến việc huỷ hoại rừng nguyên sinh nói riêng và môi trường nói chung trên đất bạn?
Những câu hỏi gai góc này không thể giải quyết trong chuyến thăm nguyên thủ quốc gia. Bang giao quốc tế giống như quan hệ giữa con người với nhau. Để bạn nể mình, tôn trọng mình, chứ không phải do e ngại hay sợ hãi, mà bạn nói những lời “có cánh” về ta. Quan hệ hai nước rồi đây có khép lại được chương cũ, để chuyển sang bản hợp xướng mới – Hợp xướng của “Đồng thuận Việt – Lào”? Tôn trọng độc lập, chủ quyền của bạn; tôn trọng các quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại; không can thiệp vào công việc nội của Lào. Việt – Lào, mỗi bên tự chủ, tự cường, phát huy tối đa năng lực và sức mạnh nội sinh, hoà đồng bộ trong một cấu trúc khu vực tự do và rộng mở. Tương lai tươi sáng, nhưng con đường tới đó còn không ít gian nan./.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét