Bắc Kinh sẽ sử dụng máy bay không người lái để ám sát?


Trung Quốc muốn dùng máy không người lái để triệt hạ Naw Kham ?

Trung Quốc muốn dùng máy không người lái để triệt hạ Naw Kham ?
REUTERS/China Daily

Thụy MyThông tín viên của nhật báo cánh tả Libération có bài viết về máy bay không người lái của Trung Quốc. Theo tác giả, cái ngày mà chính quyền Bắc Kinh điều các máy bay này ra nước ngoài để sát hại những người bị quy là « tội phạm », thậm chí là « kẻ khủng bố » người Duy Ngô Nhĩ hay người Tây Tạng không còn xa nữa.

Tờ báo trích lời Liu Yuejin, người đứng đầu cơ quan chống ma túy của công an Trung Quốc, hôm thứ Ba 19/2 đã tiết lộ với tờ Global Times là, lần đầu tiên, Trung Quốc nghiêm túc nghĩ đến việc sử dụng một trong những máy bay không người lái tại Miến Điện. Mục tiêu là Naw Kham, một ông trùm ma túy Miến Điện, bị nghi ngờ là đã giết 13 thủy thủ Trung Quốc trên đoạn sông Mêkông biên giới giữa Miến Điện và Trung Quốc vào cuối năm 2011.
Ông Liu kể rằng Bắc Kinh dự định sử dụng máy bay không người lái để tấn công vào địa điểm nghi là nơi trú ẩn của Naw Kham. Nhưng cuối cùng vào tháng Tư vừa qua, Naw Kham đã bị một đội biệt kích Trung Quốc & Lào bắt được trong rừng rậm thuộc khu vực Tam giác vàng. Sau đó ông trùm này bị kết án tử hình tại Trung Quốc và sắp bị hành quyết.
Viên chức cao cấp trên của công an Trung Quốc không giải thích vì sao đã không sử dụng đến máy bay không người lái. Vì lý do ngoại giao hay kỹ thuật ?
Các máy bay không người lái của Trung Quốc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh « made in China » mới ra đời là Bắc Đẩu, có lẽ chưa hoàn chỉnh. Bắc Kinh có hai loại máy bay không người lái, sao chép theo kiểu Reaper và Predator của Mỹ. Các phi cơ này lần đầu tiên được triển lãm vào năm ngoái tại Hội chợ hàng không Chu Hải. Giá cả rất cạnh tranh của chúng có thể thuyết phục nhiều nước mua loại vũ khí có mục đích thám báo hay ám sát này. Theo báo chí chuyên ngành, thì Bắc Kinh còn có một mẫu máy bay không người lái cỡ lớn, copy theo mẫu chiếc RQ-4 Global Hawk của quân đội Hoa Kỳ.
Cũng có thể quyết định của Bắc Kinh không dùng máy bay không người lái để giết Naw Kham, là do không đúng theo luật pháp quốc tế. Nhưng nếu thế, theo Dennis Gormley, một chuyên gia về máy bay không người lái của trường đại học Pittburgh, được báo Los Angeles Times trích dẫn, thì « Trung Quốc có thể dễ dàng núp sau những tiền lệ của người Mỹ ».
Việc sử dụng những « cỗ máy giết người » này bên ngoài chiến trường để sát hại những nhân vật bị xem là « khủng bố » vốn được chính quyền Obama thường xuyên sử dụng. Năm ngoái, tờ New York Times đã tiết lộ rằng đích thân Tổng thống Mỹ duyệt danh sách đen những cái tên cần trừ khử, trong một cuộc họp đặc biệt trong tuần tại Nhà Trắng.
Hôm qua, thượng nghị sĩ Lindsey Graham xác nhận và hoan nghênh việc CIA đã dùng máy bay không người lái tiêu diệt 4.700 nghi can tại nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên ông cũng lấy làm tiếc là có hàng trăm thường dân đã thiệt mạng trong các vụ tấn công này.
Viễn cảnh u ám của bầu cử Quốc hội Ý
Nhìn sang nước Ý, nhật báo công giáo La Croix bày tỏ sự lo ngại trước viễn cảnh đất nước này sẽ trở nên hỗn loạn sau cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào Chủ nhật và thứ Hai tới.
Trong bài viết mang tựa đề « Sự chán ngán của người Ý sẽ được cảm nhận tại các thùng phiếu », tờ báo nhận định, kết quả bầu cử rất khó đoán. Chiến thắng của đảng trung tả cách đây ba tháng được cho là chắc chắn, nay khó có hy vọng với sự trở lại của ông Silvio Berlusconi và sự cất cánh bất ngờ của thủ lãnh phản kháng Beppe Grillo. Thông tín viên của tờ báo tại Roma nhận xét, các biện pháp khắc khổ của ông Mario Monti dường như đã gây phản tác dụng.
Chỉ mới ba tháng trước, mọi chuyện có vẻ diễn tiến tốt đẹp. Nhân vật tai tiếng Berlusconi biến mất trên chính trường. Ông Pier Luigi Bersani của đảng Dân chủ (trung tả) được dự đoán sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội, còn ông Mario Monti nhiều hy vọng sẽ thay thế Tổng thống Giorgio Napolitano. Tuy nhiên thay đổi đã đến rất nhanh.
Ông Berlusconi đã gây ngạc nhiên khi « tái xuất giang hồ », với nghệ thuật xuất hiện trên tất cả các đài truyền hình, trước hết là những đài do ông làm chủ, giúp cho đảng Nhân dân Tự do (PDL) của ông tăng thêm số người ủng hộ. Tiếp đó, ông Beppe Grillo của Phong trào 5 Sao cũng lên vùn vụt – phong trào này chống mọi thứ, từ giai cấp, định chế cho đến tham nhũng và tỏ ra hoài nghi với châu Âu.
Theo La Croix, một lần nữa ảnh hưởng của truyền hình tỏ ra quyết định trong chiến dịch tranh cử. Nếu chiến thắng, lãnh tụ trung tả Pier Luigi Bersani không còn cách nào khác ngoài việc liên kết với phe cấp tiến và cánh trung. Nhưng nếu việc này có thể thực hiện được ở Hạ viện, thì tại Thượng viện lại rất khó vì ba vùng quan trọng nhất không ủng hộ cánh tả. Và nước Ý có thể rơi vào cảnh hỗn quân hỗn quan, trong khi phải tiếp tục kế hoạch khắc khổ để tiết kiệm 235 tỉ euro trong vòng ba năm từ 2011 đến 2014.
Hạn chế xe hơi vào trung tâm thành phố : Luân Đôn không thành công
Liên quan đến xứ sở sương mù Anh quốc, nhật báo Le Monde trong bài « Luân Đôn muốn đi xa hơn việc hạn chế xe hơi vào trung tâm thành phố », đã nhận định, quy định được đưa ra đúng mười năm trước, đã không làm giảm được tình trạng ô nhiễm không khí. Chính quyền Luân Đôn đang cân nhắc những biện pháp triệt để hơn.
Ngày 17/02/2003, khi áp đặt biện pháp trên, Đô trưởng Ken Livingstone đã cho rằng đây là một thay đổi mang tính cách mạng. Tuy nhiên sau 10 năm, dù lưu lượng xe vào khu trung tâm có giảm đi, nhưng nạn kẹt xe vẫn tồn tại, và chất lượng không khí vẫn không hề được cải thiện.
Từ 7 giờ đến 18 giờ, các xe hơi vào khu trung tâm Luân Đôn sẽ phải trả 10 bảng Anh (tương đương 12 euro), các bảng số xe được 1.900 caméra và hệ thống kiểm tra xem có trả tiền hay không. Taxi, các loại xe « sạch » (thải dưới 100g CO2/km), xe hai bánh và xe cấp cứu được miễn phí, còn ban đêm và cuối tuần cũng được miễn lệ phí.
Ngay sau đó số lượng xe hơi vào trung tâm đã giảm 15%, và trong thập kỷ vừa qua, Tòa Đô chính Luân Đôn đã thu vào 1,2 tỉ bảng Anh (1,4 tỉ euro). Số tiền này được đầu tư cho việc cải thiện hệ thống vận chuyển công cộng. Tuy vậy tình trạng kẹt xe và ô nhiễm không khí hiện nay cũng y như hồi năm 2003.
Có hai lý do được nêu ra. Một là xe hơi cá nhân bị thay thế bằng taxi và xe buýt, hai loại xe này thường chạy bằng diesel ô nhiễm hơn xăng. Bên cạnh đó, khu vực hạn chế chỉ chiếm có 3,5% lưu lượng, nên tác động rất ít. Thế nên mô hình Luân Đôn hiện nay, ngoại trừ Stockholm, hầu như không được thành phố nào khác áp dụng.
Kể từ năm 2008, chính quyền Luân Đôn đã quy định các xe tải lưu thông trên khu vực xa lộ vành đai phải tôn trọng các tiêu chuẩn khí thải, nếu không sẽ bị phạt 230 euro mỗi ngày. Thành phố còn loan báo sẽ đi xa hơn, với một khu vực « khí thải siêu thấp » : bắt đầu từ năm 2020, chỉ có những xe cộ thuộc loại « sạch » nhất mới được di chuyển vào trung tâm thành phố. Một đại biểu đảng Xanh còn đề nghị các chủ xe phải trả phí theo loại đường và giờ di chuyển – đi trên đại lộ trong giờ cao điểm sẽ phải trả giá đắt, còn trên những con đường nhỏ vào ban đêm thì miễn phí.
Một cuốn sách tiếp tục « truyện dài DSK »
Quay lại với nước Pháp, « Một cuốn sách gây xì-căng-đan, nối dài thêm feuilleton DSK », đó là tựa đề bài báo trên Le Figaro, nói về tác phẩm « Người đẹp và quái thú » của nữ luật sư kiêm nhà văn gốc Achentina Marcela Iacub, viết về khoảng thời gian quan hệ với cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn. Nhật báo cánh tả Libération mà bà Iacub là cộng tác viên, thì dành đến ba trang báo, và chạy tựa trang nhất « Mối liên hệ nguy hiểm », theo tên một tác phẩm cổ điển đã nhiều lần được dựng thành phim.
Không hề nhắc đến cái tên DSK dù chỉ một lần mà sử dụng các từ như « con heo », « vua của loài heo », tác giả thuật lại bảy tháng quan hệ tình ái với nhân vật tai tiếng này, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm 2012. Đây là một cú gây chấn động của nhà xuất bản Stock, cũng như tuần báo Le Nouvel Observateur đã đưa lên trang nhất, trích đăng một số đoạn và phỏng vấn tác giả. Sự ra đời của cuốn sách được giữ bí mật cho đến phút chót. Còn các phóng viên của tuần báo Le Nouvel Observateur cũng không hay biết về bài viết « đinh » này, không một tờ nào được phát hành trước để tránh rò rỉ.
Cuốn sách dày 120 trang được viết với văn phong lôi cuốn, mà theo giám đốc biên tập của tuần báo trên, thì « Đây là một trong những tác phẩm hay nhất về DSK ». Ngược lại, phía ông DSK rất phẫn nộ. Ông tố cáo « cách cư xử của một phụ nữ, quyến rũ để viết sách, lấy cớ tình cảm yêu đương để kiếm tiền ». Còn nhà báo Anne Sinclair, người vợ đã ly thân của ông cũng cho rằng tác giả là « một phụ nữ độc địa và bất lương », có mục đích thủ lợi.
Tựa chính báo Pháp
Nhân hội chợ nông nghiệp Pháp sẽ khai mạc ngày mai, nhật báo cộng sản L’Humanité đả kích hiện tượng lợi dụng chính sách tự do của châu Âu để trục lợi bằng mọi giá, với tựa chính trên trang nhất : « Thực phẩm không lành mạnh - Họ đã kiếm tiền như thế nào ». Le Monde quan tâm đến « Thâm hụt ngân sách : Paris chịu áp lực », còn nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến lãnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì chỉ trích việc chính phủ sắp bỏ quy định công chức khi nghỉ bệnh sẽ bị trừ một ít ngày lương. Việc này, theo Le Figaro, làm thiệt mất 200 triệu euro của công quỹ và làm tăng khoảng cách với khu vực tư nhân. Tờ báo chạy tựa: « Công và tư : Phân biệt đối xử trong chính sách khắc khổ ». Cũng tại nước Pháp, nhật báo cánh tả Libération với hàng tựa lớn « Mối liên hệ nguy hiểm » nói về một cuốn sách mới xuất bản liên quan đến truyện dài DSK. Riêng nhật báo La Croix nhìn sang nước Ý sắp bước vào cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tuần này với chủ đề: « Tại Ý, cử tri phẫn nộ ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?