“Máu xương của nhân dân sao mà rẻ mạt vậy?”


Gò Cỏ May

12-chot-d372c


Đó là lời than cay đắng của một độc giả với BBC tiếng Việt. Khi thấy, “Không hề có một lời nhắc nhở nào trên các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam trong ngày 17/2 này…”.

Trên BBC ngày hôm nay (17.02) còn đưa tin: “… một đoàn các nhân sỹ, trí thức và quần chúng có sự hiện diện của một cựu bộ trưởng và một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, đã không được phép mang vòng hoa với băng đen tưởng niệm vào hành lễ ở một đài tưởng niệm quốc gia ngay trước lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh…. không được phép chụp hình lưu niệm ở tượng đài với băng tưởng niệm ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ chống Trung Quốc xâm lược” và “Tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận chống quân Trung Quốc xâm lược”. Bởi lý do (như lời một nhân viên an ninh), những việc như thế là phải “đăng ký trước” và “qua thủ tục kiểm tra vòng hoa”…

Trên trang Anh Ba Sàm cũng có đôi lời về chuyện này như sau:

“Cách nay đúng 34 năm, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới Việt – Trung để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến đó đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người lính Việt, vừa là lính vừa là thường dân, biến nhiều khu vực ở biên giới phía Bắc thành bình địa…

Chỉ có một điều đáng để ý, vì chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam là sau đó, những người lính, người dân Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc ở biên giới Việt – Trung, đã cố tình bị vùi chôn vào quên lãng do Đảng CSVN muốn thực thi “tinh thần 4 tốt”, đề cao “16 chữ vàng”.

Nghĩ mà đượm buồn. Lại nhớ câu nhận xét rất chí lý của nhà báo Huy Đức: “báo chính thống đưa tin ba sàm. Báo Ba Sàm lại đưa tin chính thống”. Nên độc giả nào còn ưu tư tới vận nước, nhờ các trang phi chính thống (như Trang Ba Sàm là ví dụ) lại được ôn lại những âm hưởng hào hùng của các nhạc phẩm: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới và Những đôi mắt mang hình viên đạn của hai nhạc sỹ tài danh Phạm Tuyên và Trần Tiến đã một thời như tiếng kèn xung trận cho cả dân tộc đứng lên bảo vệ non sông bờ cõi.

516410

Thế mà nghe nói, có dạo người ta đã yêu cầu nhạc sỹ Phạm Tuyên sửa lại lời bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Cũng may, dù được đề nghị với số tiền thù lao khá cao, người nhạc sỹ già trọng danh dự đã dứt khoát khước từ. Để chúng ta còn được nghe lại (dù chất lượng âm thanh còn khiêm tốn) cái khí thế của một thời khó quên.

Tối hôm qua (và cả ngày hôm nay) thấy VTV4 phát sóng tiết mục ”Mười hai con Giáp” (do VTV3 dàn dựng) khá hoành tráng. Trong các khách mời tên tuổi trong làng showbiz nổi tiếng, thấy có nhạc sỹ Trần Tiến, tôi đã mừng thầm.

Nhưng cái bài mà Trần Tiến trình bày lại là một bài về ẩm thực vỉa hè  Hà Nội (“cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi,… tình người thôi”) chứ tuyệt không hề có bóng dáng về cái “đoàn quân… đi về biên giới” phía Bắc đánh giặc giữ nước mang đầy khí phách tráng ca trong sáng tác để đời của nhạc sỹ, ca khúc  ” Những đôi mắt mang hình viên đạn“, vào đúng ngày này của 34 năm về trước?

anh-1

Cũng chả thể trách cá nhân anh Trần Tiến làm gì cho phải tội. Vì khi Lại Văn Sâm (phụ trách VTV3) và Trần Bình Minh (Tổng GĐ VTV) mà không đồng ý thì một Trần Tiến chứ mười Trần Tiến cũng đành bótay.com thôi.

Chỉ tội nghiệp cho những người lính, người dân lành nơi biên ải. Khi máu xương của họ nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung đã không được trân trọng. Cho dù nhờ đó mới góp phần tạo dựng nên non sông gấm vóc này. Nhưng một khi cái đất nước chung ấy đã biến thành vật thế chấp cho những chiếc ghế quyền bính để vinh thân phì gia cho một nhóm người. Thì máu xương của người dân trở thành ”rẻ mạt” là điều ai cũng có thể cảm nhận được trong cái ngày đau thương này!

Theo blog Gocomay

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?