Yêu nước, thật giản dị, có nghĩa là phải biết xấu hổ trước đã.
Đào Tuấn
Cuộc vật lộn thường nhật với câu chuyện áo cơm khiến chúng ta không bao giờ tự đặt ra và trả lời những câu hỏi về thứ tình cảm thiêng liêng, xuất hiện có khi như một luồng điện chạy dọc sống lưng mỗi độ chúng ta đặt tay lên ngực trái và hát “Đoàn quân Việt Nam đi…” trên một sân vận động nào đó ngập tràn màu cờ tổ quốc.
Nhưng yêu nước cũng chẳng phải điều gì quá xa vời, không thể định nghĩa.
Ở Sài Gòn, một chàng trai đã có sáng kiến in bản đồ Việt Nam với khẳng định độc lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lên phong bào lì xì ngày tết. Chuyện rất đơn giản khi chàng trai chứng kiến, và thấy khó chịu với chỉ “toàn là phong bao lì xì hàng Trung Quốc với những nội dung ngôn ngữ và hình ảnh văn hóa Tàu”. Anh nói anh thấy buồn. Bởi trong ngày tết truyền thống, đến cái phong bao mừng tuổi trẻ con mà “cũng phải lệ thuộc vào hàng Tàu”.
Ở phường Đằng Giang, Hải Phòng, chính quyền ra thông báo đề nghị không treo đèn lồng do “nước ngoài” sản xuất có các dòng chữ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. “Hiện trên thị trường thành phố đang có bán đèn lồng do nước ngoài sản xuất, trong đèn lồng có viết chữ nước ngoài nội dung tuyên truyền trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước”- văn bản viết, và khuyến cáo người dân “không mua đèn lồng do nước ngoài sản xuất”. Bản thông báo, được kèm các tờ rơi in các chữ tiếng Trung trên đèn lồng và phiên dịch sang tiếng Việt. Đó là các từ Tam Sa, Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa).
Ở nhiều nơi trên đất nước này, như khắp nơi trên thế giới, có những cô gái mở những cửa hàng “No China”, kiên quyết nói không với hàng Trung Quốc kém chất lượng mà bài học rành rành là những chiếc áo ngực lạ, chứa chất lạ.
Trên facebook, cơn giận dữ của cộng đồng mạng bùng nổ khi phát hiện những ngôi sao người Việt quảng cáo cho wechat, một ứng dụng trên smartphone ngấm ngầm đưa “Đường lưỡi bò” vào bản đồ.
Cũng ngay trước tết, GS nổi tiếng Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi: Một nước 90 triệu dân mà cho đến nay chưa làm được 1mg nào chất kháng sinh, vitamin, hormone và hàng loạt thuốc chữa bệnh thông thường khác. Người bệnh phải mua thuốc ngoại với giá ngày càng cao. Các mặt hàng thiết yếu khác cũng như vậy. Vào siêu thị thấy quá vô lý khi ta phải nhập cả đũa, cả tăm, cả bông ngoáy tai…
Tự làm phong bao lì xì Việt Nam; mở những cửa hàng “No China”. Đó không phải là “bài Trung”. Khuyến cáo người dân dùng đèn lồng trong nước. Phản đối câu chuyện vô lý phải bỏ ngoại tệ nhập cả bông ngoáy tai. Đó không phải là “tẩy ngoại”.
Phát biểu của vị Giáo sư lừng lẫy; Văn bản của ông Chủ tịch phường và việc làm giản dị của những người trẻ tuổi, không thể gọi khác hơn: Đó chính là những hành động yêu nước.
Năm 2012, lần đầu tiên sau 19 năm Việt Nam xuất siêu hàng hóa, dù với giá trị khiêm tốn 284 triệu USD. Nhưng cũng trong chính con Rồng này, thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng lên đến mức kỷ lục: 16,7 tỷ USD. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đổ bộ chưa từng thấy của hàng hóa Made in China, qua cả những thống kê nhà nước và luồn lách khắp dải biên giới qua cái gọi là “tiểu ngạch”. Mà đó đâu phải là phi thuyền hay tàu ngầm. Đó là cuộc đổ bộ của những chiếc “bông ngoáy tai”, của “đũa”, “tăm” và “phong bì lì xì”.
Yêu nước, thật giản dị, có nghĩa là phải biết xấu hổ trước đã.
Nhận xét
Đăng nhận xét