Ai sẽ hỗ trợ kinh tế cho Ukraine?
Ai sẽ hỗ trợ kinh tế cho Ukraine?
Cập nhật: 16:52 GMT - thứ
hai, 24 tháng 2, 2014
Các sự kiện đã diễn ra một cách nhanh chóng
tại Ukraine trong mấy ngày vừa qua, nhưng sự bất định về tương lai
chính trị và kinh tế của nước này thì vẫn còn đó.
Hiện vẫn đang còn có những ngờ vực về việc ai, nếu có, sẽ đứng
ra cung cấp những hỗ trợ kinh tế mà Ukraine cần có để tránh bị vỡ
nợ đối với các khoản vay nước ngoài.Tình hình chính trị thay đổi sau khi có những dấu hiệu cho thấy châu Âu, Hoa Kỳ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có lẽ sẵn lòng hỗ trợ kinh tế.
Bộ tài chính nước này nói Ukraine cần có một khoản 35 tỷ đôla trong vòng hai năm tới.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Olli Rehn, nói rằng khoản viện trợ đáng kể sẽ được đưa ra bàn thảo.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Jacob Lew nói cách tiếp cận tốt nhất là "có sự ủng hộ quốc tế, thông qua IMF và sự hỗ trợ song phương".
Ukraine hiện đang có một chương trình vay 15 tỷ đôla từ Nga, và đã nhận được khoản vay đầu tiên trong thỏa thuận này, trị giá một phần năm tổng khoản vay. Nhưng các khoản giải ngân tiềp theo từ Nga có vẻ sẽ khó xảy ra nếu như Ukraine có một chính phủ mới hướng theo EU.
Nếu như EU và Hoa Kỳ lấp vào chỗ trống, thì gần như chắc chắn là họ sẽ đòi thực hiện theo một chương trình chính sách đồng ý với IMF.
Nhưng những trải nghiệm của Ukraine với IMF thời gian gần đây thì không lấy gì làm dễ chịu.
Chương trình cho vay trước đây, IMF nói, "đã đi trật đường ray bởi giới chức đã ngưng thực hiện các chính sách đã thỏa thuận".
Trong việc rà soát lại giai đoạn đó, IMF thậm chí còn gợi ý là trong các chương trình cho vay sau này, nên có "cơ chế chấm dứt đối với các hợp đồng đi trật đường ray".
Vấn đề năng lượng
Một vấn đề trung tâm là chuyện Ukraine ngần ngại trong việc tăng giá năng lượng.Đây là lĩnh vực mà IMF mô tả là "mập mờ và không hiệu quả." Việc trợ giá tạo thêm gánh nặng tài chính cho chính phủ, vốn đã bị dàn trải quá mức, và khiến các gia đình, các doanh nghiệp không quan tâm tới việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm.
Cải tổ năng lượng cũng là một phần quan trọng trong thỏa thuận đàm phán với EU. Thỏa thuận này đã không được cựu tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovych, ký kết, từ đó dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối.
Cho nên có thể nói bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ phương Tây sẽ đều cần cam kết từ Ukraine, theo đó cắt giảm việc trợ giá năng lượng và hướng tới mức giá thị trường.
Bất kể các lập luận kinh tế có mạnh tới đâu đi nữa, thì bất kỳ chính phủ Ukraine nào cũng sẽ thấy đây là một bước đi khó khăn về mặt chính trị.
Vấn đề có lẽ sẽ trở nên đặc biệt cấp bách nếu như hãng cung ứng khí đốt của Nga, Gazprom, tăng giá bán cho Ukraine, và hiện đã có những đồn đoán là điều đó có thể xảy ra.
Các quan chức Gazprom nói hiện chưa có kế hoạch trước mắt nào như vậy.
Gánh nặng kinh tế
Những khó khăn kinh tế hiện nay của Ukraine bắt nguồn từ quá trình yếu kém từ lâu.Khi nền kinh tế tập trung Soviet chấm dứt và Liên Xô tan rã, các nền kinh tế kế thừa đã bị thu nhỏ lại một cách nhanh chóng.
Điều này xảy ra ở hầu hết các quốc gia vệ tinh của Liên Xô ở trung và đông Âu.
Nhưng hầu hết các nước đã phát triển trở lại, vượt qua mức thời trước khủng hoảng.
Nhưng Ukraine thì không. Kinh tế Ukraine vẫn nhỏ hơn của thời 1992.
Ba Lan là một câu chuyện có thể đem ra so sánh.
Hồi 1992, nền kinh tế hai nước có quy mô tương tự, với Ukraine có phần nhỉnh hơn một chút.
Nay, kinh tế Ba Lan lớn hơn gấp hai lần so với quốc gia láng giềng.
Nhận xét
Đăng nhận xét