Ẩn họa từ cầu treo, cầu tạm
Sự cố sập cầu treo ở Lai Châu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối hiểm họa từ những cây cầu treo, cầu tạm khác tại các địa phương.
Gió giật mạnh cũng có thể sập
Tỉnh Đăk Nông hiện có 164 công trình cầu tạm, cầu treo. Các công trình trên chủ yếu được làm bằng gỗ, không có lan can bảo vệ và được xây dựng trên các khe suối nhỏ. Nhiều công trình hiện xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi có người đi qua là cây cầu lại rung lên, chòng chành gây cảm giác như… sắp sập. Đường nối dẫn xuống cầu thường có độ dốc cao nên rất nguy hiểm cho người đi qua.
Tương tự, tỉnh Đăk Lăk cũng có hàng chục cây cầu treo được xây dựng qua các con suối ở các huyện Krông Bông, Lak, Buôn Đôn, Ea Kar, Ea Sup… Riêng huyện Krông Bông có sáu cầu treo được xây dựng nhiều năm nay. Nhiều vụ tai nạn liên quan đến cầu treo đã từng xảy ra. Năm 2012, cầu treo buôn Khanh, xã Cư Pui (Krông Bông) bị sập, rất may không có thiệt hại về người.
Cầu này được đưa vào sử dụng năm 2002, có tải trọng 1,8 tấn, nhưng không được sửa chữa, tăng cáp hay bảo trì, bảo dưỡng mà chủ yếu được người dân trong xã thay ván mặt cầu theo kiểu thủ công. Nguyên nhân khiến cầu sập được xác định là do quá tải và do gió giật mạnh thường xuyên. Gần đây, ngày 26/9/2013, một vụ sập cầu treo khác xảy ra tại thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông khiến ông Nguyễn Hữu Sơn (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar) bị thương nặng. Lãnh đạo địa phương cho biết, thời điểm bị sập, cầu này mới chỉ đang trong quá trình xây dựng, nhưng đã bị tuột dây cáp treo.
Bên cạnh những vụ sập cầu trên, phần lớn các công trình còn lại cũng đang bị xuống cấp. Cầu treo buôn Tliêr sau 5 năm sử dụng, vừa bị hư hỏng, người dân phải góp tiền sửa chữa. Ông Y Wí Byă – Bí thư chi bộ buôn Tliêr (huyện Krông Bông, Đăk Lăk) cho biết: “Đã có gần 50 con bê lọt xuống cầu, trong đó có 20 con bị chết, dân bèn tự nguyện đóng góp vật liệu và hàng chục triệu đồng để làm lại mặt cầu”. Ông Nguyễn Công Xuân, Trưởng phòng Quản lý giao thông (thuộc Sở Giao thông vận tải Đăk Lăk) cũng cho biết, các cầu treo trên địa bàn tỉnh do các xã trực tiếp quản lý, ít được đầu tư bảo dưỡng nên nhiều công trình xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào.
Hư ván, lót sắt vào!
Tại Quảng Nam, cầu treo tập trung nhiều nhất ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, khoảng 40 chiếc, được xem là nơi có số lượng cầu treo nhiều nhất miền Trung. Các cầu treo trên được xây dựng từ nguồn của chương trình 135, 30 A, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.
Ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, các cầu trên khi thi công được giám sát chặt chẽ, bảo hành một năm, hết thời hạn bảo hành thì huyện, xã duy tu bảo dưỡng, trích từ nguồn của quỹ bảo trì đường bộ. Theo ông Kích, cầu treo ở miền núi chỉ dùng cho xe máy, đi bộ, tuổi thọ cũng chỉ năm-mười năm, nên không bền vững. Cách đây hai năm, cầu treo nối thị trấn Trà My sang xã Trà Sơn của huyện Bắc Trà My bị hư ván, đã có người rớt xuống sông. Điều khá nguy hiểm là hầu hết các cầu khi hư ván sàn thì lại được thay thế bằng tấm sắt. Người ta không tính đến độ chịu lực của mố cầu, dây neo, bởi sắt nặng gấp nhiều lần ván.
Tại thôn 2 và thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, cầu treo do thiếu bảo dưỡng, người dân không có ý thức bảo vệ, nên hư hỏng. Có cầu tại thôn 4 đã bị bỏ đi, địa phương đã làm cầu tạm cho dân đi lại. Cây cầu tạm này cũng khá… kinh hãi, bởi nói là cầu nhưng thực chất đó là vài cây tre bắc qua, hai bên hành lang được đan bằng dây sắt. Đã có nhiều vụ tai nạn do lối đi quá nhỏ khiến người đi rớt xuống sông. Mùa mưa lũ, qua lại cây cầu này càng nguy hiểm. Ông Nguyễn Đình Tân, Trưởng phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Nam Trà My cho hay, mỗi năm huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/10 xã mua dây sắt để dân tự làm cầu.
THEO PHỤ NỮ
Read more: http://www.ttxva.net/an-hoa-tu-cau-treo-cau-tam/#ixzz2uTNUFc6G
Nhận xét
Đăng nhận xét