ĐIỂM BÁO PHÁP

Sau Sotchi, Nga quay lại ván cờ Ukraina

Ngươi biểu tình lập hàng rào bảo vệ trước Quốc hội Ukraina - AFP /Sergei Supinsky
Ngươi biểu tình lập hàng rào bảo vệ trước Quốc hội Ukraina - AFP /Sergei Supinsky

Theo RFI 25/2/2014
Minh Anh

Hồ sơ Ukraina chiếm trọng tâm các trang báo Pháp số ra ngày hôm nay, 25/02/2014. Tương lai nào cho đất nước sau khi đã lật đổ ông Victor Ianukovitch ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có đáp ứng được mong mỏi của những người biểu tình Ukraina hay không ? Chính phủ mới có khả năng đưa đất nước thoát khỏi bờ vực phá sản và bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ hay không ?

Một loạt các câu hỏi được đưa ra trong khi Nga, sau một thời gian im hơi lặng tiếng để tập trung cho lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Sotchi 2014 , hôm qua đã bắt đầu cao giọng chống lại chính phủ mới tại Kiev và Liên Hiệp Châu Âu.
Mặc dù một chính phủ lâm thời đã được thành lập để điều hành đất nước chờ đến ngày bầu cử tổng thống 25 tháng Năm sắp tới, nhưng nhiều người biểu tình vẫn tiếp tục bám trụ tại quảng trường Độc Lập. Những gì họ hy vọng hiện giờ là chính phủ mới phải đưa ra những chương trình cải cách thật sự. Báo La Croix trong một bài viết đề tựa « Mong rằng Châu Âu xem chúng tôi như là những thành viên trong gia đình », cho thấy là người dân vẫn chưa đủ tin tưởng vào chính quyền mới, rằng họ vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ các vị chính khách. Bởi vì, theo họ, « Những ai mới trở lại hôm nay chưa hẳn là tốt hơn những kẻ vừa ra đi… ».

Ioulia Timochenko đã là người của quá khứ

Điều này như cũng muốn ám chỉ đến sự xuất hiện của cựu thủ tướng Ioulia Timochenko trên quảng trường Độc Lập tối thứ bảy 22/02 vừa qua. Đối với nhiều người biểu tình, bà Timochenko đã thuộc về quá khứ và họ không muốn thấy bà trở lại chính trường trong vai trò thủ tướng. Một quan điểm cũng được nhiều tờ báo khác đồng chia sẻ. Người biểu tình muốn có một sự thay mới và một sự thay đổi về thái độ của giới chính khách.

Các báo quan sát thấy rằng sự xuất hiện của nữ cựu thủ tướng trên quảng trường Độc Lập tối thứ bảy được đám đông biểu tình đón tiếp trong bầu không khí khá ôn hòa. Cho đến ngày hôm nay việc bà có quay lại chính trường hay không vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng có một điều chắn chắc là con đường trở lại sẽ rất vất vả vì bà phải vượt qua một con dốc « mất lòng dân » khá là thẳng đứng.

Tổng thống bị phế truất Ianukovitch hiện trốn ở đâu?

Tung tích của cựu tổng thống bị phế truất, Victor Ianukovitch cũng gây tò mò cho nhiều tờ báo Pháp. Chính quyền mới tại Kiev đã ban hành lệnh truy nã ông Ianukovitch về tội « giết người hàng loạt » trên toàn quốc, dù rằng cho đến giờ chưa ai biết được ông đang ẩn náu ở nơi nào.
Các báo quan tâm cho số phận của vị tổng thống thất sủng này. Nếu ông bị phát hiện, chính quyền mới sẽ làm gì ? Bắt giữ ông ta ư ? Le Monde đặt câu hỏi. Người biểu tình thì muốn điều đó. Nếu như vậy phải có cơ sở pháp lý, trong khi điều tra chỉ vừa mới được mở ra. Tờ báo còn lưu ý là việc bắt giữ ông Ianukovitch còn là một vấn đề chính trị rất khó xử, giữa một bên là khát vọng công lý và bên kia là nhu cầu trấn an những người dân phía Đông và phía Nam Ukraina.
Nhiều tin đồn đãi cho là ông này đã được đưa lên một chiếc chiến hạm, dưới sự hộ tống của các thủy thủ Nga, đang neo đâu ngay tại khu bờ biển Crimée, theo như thông tin của tờ báo phát miễn phí Direct Matin.

Trợ giúp Ukraina, Châu Âu vẫn còn dè chừng

Thách thức lớn nhất hiện nay của Ukraina hiện nay là làm thế nào tránh cho đất nước rơi vào tình trạng « mất khả năng thanh tóan ». Theo ước tính của chính phủ tạm thời, đất nước hiện cần đến 25 tỷ euro cho hai năm tài khóa 2014 và 2015. Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, « Ukraina đang thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển tiếp để tránh phá sản ». Còn nhật báo Công giáo La Croix thì cho rằng « Nền kinh tế Ukraina phải tìm cho ra một giải pháp thay thế với Nga ».
Theo nhận định của La Croix, tình hình kinh tế Ukraina còn nhiều điểm yếu như xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào nguyên nhiên liệu và nông nghiệp, đồng tiền bị giảm giá, tăng trưởng bằng số không. Trong bối cảnh đó, Ukraina không còn lựa chọn nào khác là dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù tuyên bố đi đầu trợ giúp Ukraina, nhưng theo nhận định của Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu có vẻ khá dè dặt. Bruxelles tỏ ra không mấy vội vã và tìm cách trì hoãn các khoản trợ giúp cho đến sau ngày bầu cử 25/5 tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có quan điểm khá lạc quan cho rằng việc hỗ trợ cho Ukraina lại là một « Cơ hội», đó cũng là một cái « lợi » cho Châu Âu. Vì như vậy, « Châu Âu nhận thức được về chính mình và về những ý tưởng của mình, về vai trò địa chính trị, lịch sử và văn hóa, những giá trị đã đánh thức được người dân Ukraina », như nhận xét của ông Pierre Rigoulot, giám đốc Viện lịch sử xã hội. Ít ra là điều đó còn cho thấy Châu Âu vẫn còn làm cho nhiều người mơ tưởng đến.
Trong cùng ý tưởng đó, bài xã luận trên tờ Le Figaro cũng khuyến cáo rằng Liên Hiệp Châu Âu không nên lỡ « Cuộc hẹn tại Kiev », đó cũng là tựa đề bài viết. Tờ báo chỉ ra ba thách thức lớn Châu Âu cần phải vượt qua. « Thứ nhất là tài chính. Bởi vì, nếu quốc gia này sụp đổ, Ukraina sẽ là một cái « ổ dịch » bất ổn ngay trước cửa ngôi nhà chung Châu Âu. Thách thứ hai cũng là thách thức quan trọng nhất, đó là địa chính trị. Châu Âu buộc phải tìm kiếm được một sự đồng thuận với Nga. Thương thuyết, nhưng cũng phải cứng rắn : Vladimir Putin phải hiểu rằng Ukraina có thể là chiếc cầu nối hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với Nga. Cuối cùng, thách thức về đạo đức. Le Figaro cho rằng EU nhất thiết phải trung thực không nên gây ảo ảnh cho người dân Ukraina rằng, việc gia nhập vào EU cũng không tạo ra được một tương lai sáng lạng nào. Sự thành thật sẽ giúp thúc đẩy người dân Ukrâina lẫn cả Nga tìm ra một giải pháp thay thế có thể chấp nhận được ».

Nga bắt đầu cao giọng với Châu Âu

Thế nhưng, thái độ cẩn trọng của Châu Âu cũng được giải thích phần nào bởi phản ứng mạnh mẽ của Matxcơva, được đưa ra trong ngày hôm qua, thứ Hai 24/02/2014. « Putin trở lại với cuộc chơi » là hàng tựa nhận định trên trang nhất tờ báo phát miễn phí Direct Matin. « Ukraina : Nga cảnh cáo Châu Âu » tít lớn trên trang nhất tờ Le Figaro.
Le Figaro nhận thấy là « Matxcơva lên giọng chống lại Kiev và Liên Hiệp Châu Âu ». Không những chính quyền của ông Putin không công nhận chính quyền mới tại Kiev, mà còn chỉ trích sự ủng hộ của Châu Âu khi cho đó là « những tính toán địa chính trị đơn phương », rằng thái độ của Châu Âu là « sai lệch ».
Hành động cảnh cáo của Nga trùng khớp với sự kiện người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton có chuyến thăm tại Kiev. Theo Le Figaro, thái độ của Nga buộc bà Ashton phải cẩn trọng trong ngôn từ và hành động. Một mặt, Châu Âu chỉ chấp nhận tháo khoán gói trợ giúp 2-3 tỷ euro với sự đồng thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế, sau khi có kết quả bầu cử vào ngày 25/5. Với điều khỏan trói buộc là phải tiến hành các chính sách cải cách. Về phần mình, Nga tuyên bố ngưng chuyển khoản thứ hai trong tổng số tiền viện trợ hứa hẹn là 15 tỷ đô-la.
Trong tình hình đó, Bruxelles buộc phải trì hoãn khả năng ký kết thỏa thuận « thương mại và đầu tư » song phương đến sau ngày bầu cử. Thậm chí, Ủy ban Châu Âu cũng không dám sử dụng đến thuật ngữ « thỏa thuận liên kết » được đưa ra trước khi xảy ra biến cố.
Nhật báo kinh tế Les Echos lại nhận thấy rằng « Nga quay lại thế tấn công, nhưng các biện pháp gây áp lực thì hạn chế ». Ván cờ địa chính trị giờ đây là nằm tại Kiev. Matxcơva sau khi trích mạnh mẽ phe đối lập Ukraina là « những kẻ khủng bố » và đánh giá « thái độ sai lệch » của EU, đã cho triệu hồi đại sứ tại Kiev về nước. Nga tỏ ra quan ngại cho những khu vực thân Nga thuộc vùng Crimée và phía đông Ukraina.
Mặc dù bắt đầu xuất hiện nỗi sợ có sự can thiệp quân sự trong các khu vực này dưới những cái cớ như là Matxcơva đã từng làm với Gruzia vào năm 2008 nhằm bảo vệ cộng đồng thân Nga, nhưng Les Echos nhận định rằng kịch bản đó khó có thể diễn ra vì sẽ dẫn đến những bất ổn có thể lan sang cả nước Nga.
Hơn nữa, sự ra đi của Victor Ianukovitch cho thấy giấc mộng hình thành với Kiev không gian kinh tế tập trung các quốc gia cựu Liên Xô tan thành mây khói. Trong một chừng mực nào đó, giả như bà Ioulia Timochenko có trở lại cầm quyền, tổng thống Putin chắc chắn sẽ phải bắt tay với bà. Bởi vì, Kremly sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bàn với bà Timochenko về hồ sơ khí đốt, một vũ khí ngoại giao hạng nặng của Matxcơva.
Trước mắt, tạm thời Nga đóng băng gói trợ giúp thứ hai. Thế nhưng, đó cũng có thể là dấu hiệu của chủ nghĩa thực dụng Nga, Les Echos nhận xét, bởi vì đằng sau những lời tuyên bố dữ dội đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế có nói « gói cứu trợ đó sẵn sàng được tháo khoan ngay khi chúng tôi biết được rằng ai sẽ là người đối thoại ».

« Phụ nữ giải sầu » : Nhật Bản chối bỏ lịch sử ?

Thời sự Châu Á sáng nay khá tản mạn trên các mặt báo Pháp. Tờ L’Humanité trong trang cuối có một bài viết nhỏ quan tâm đến xu hướng chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng tại Nhật Bản qua hàng tựa « Nhật Bản theo chủ nghĩa phủ nhận lịch sử không công nhận phụ nữ giải sầu ».
Xu hướng phủ nhận lịch sử dường như ngày càng rõ nét tại Nhật Bản. Đầu tháng hai năm nay, các viên chức thuộc kênh truyền hình nhà nước đã phủ nhận vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 và xem thường hiện tượng cưỡng bức tình dục phụ nữ, cho đây là « hiện tượng thường thấy tại các quốc gia có chiến tranh ». Vụ việc chưa kịp đi vào quên lãng, chính phủ Nhật Bản mới đây lại bồi thêm một cú mới, khi tuyên bố tiến hành xem xét lại lời chứng của 16 phụ nữ Nam Hàn, cựu « phụ nữ giải sầu » cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Chưa hết, hồi cuối tuần rồi, một tờ nhật báo theo phe bảo thủ Sankei Shimbun có đăng tải một kết quả thăm dò cho biết 59% số người được hỏi thiên về việc xét lại những lời xin lỗi của đất nước đối với các « phụ nữ giải sầu ». Thăm dò này được thực hiện sau khi một trong những người tham gia biên soạn « Tuyên bố Kono » năm 1993 giải thích là các lời chứng của 16 phụ nữ Hàn Quốc đã không được kiểm chứng.
Cũng không phải đợi lâu những quốc gia châu Á có liên quan đã lên tiếng phản ứng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng « Mọi hành động của Nhật Bản nhằm chối bỏ những tội ác và lịch sử xâm lược sẽ gây ra một sự phản đối mạnh mẽ tại các quốc gia nạn nhân ở Châu Á và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi long trọng đề nghị Nhật Bản hãy đối mặt với quá khứ xâm lăng và hãy xử lý các vấn đề lịch sử chưa được giải quyết một cách thích hợp ».
L’Humanité nhận định sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc xảy ra trong ý đồ xem xét lại Hiến pháp hòa bình, tăng ngân sách quốc phòng và những ý định nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí.

Mạng Vi Bác Trung Quốc sắp lên sàn chứng khoán New York

Nhìn sang Trung Quốc, nhưng trên lãnh vực kinh tế, phụ san báo Les Echos cho biết « Twitter Trung Quốc có thể sẽ đươc đưa lên sàn chứng khoán New York ». Nếu đúng như thế, đây sẽ là mạng xã hội thứ hai của Trung Quốc được đưa lên sàn chứng khoán New York. Theo thông tin từ « Financial Times », tập đoàn Sina có lẽ đang nhắm đến việc đưa chi nhánh Sina Weibo (mạng Vi Bác) lên sàn chứng khoán.
Với việc đưa lên sàn chứng khoán, tập đoàn Sina hy vọng huy động được 500 triệu đô-la vốn. Chiến dịch lên sàn dự kiến có thể sẽ diễn ra trong sáu tháng cuối năm nay. Được thành lập vào năm 2009, mạng Vi Bác giờ đây trở thành một trang mạng xã hội thật sự với hơn 500 triệu người sử dụng. Nếu chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm rồi, doanh thu của mạng Vi Bác đã đạt được 117 triệu đô-la, trong đó 80% đến từ quảng cáo, phần còn lại là từ các trò chơi trên mạng và các dịch vụ trả tiền.
Như vậy, với việc đưa lên sàn chứng khoán, mạng Vi Bác đã khẳng định tham vọng quốc tế của mình. Tờ báo nhận định, dù được đa số dân trong nước sử dụng, nhưng tập đoàn cũng phải đi tìm sức tăng trưởng mới ở bên ngoài. Không những thế, cạnh tranh trong nước cũng ngày càng khốc liệt hơn. Đó là chưa kể đến việc mạng Vi Bác còn bị chính quyền giám sát rất chặt chẽ : làn sóng kiểm duyệt nhắm vào cư dân mạng đã khiến cho lượng người sử dụng mạng Vi Bác tụt giảm đáng kể hồi năm rồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?