Đập thủy điện Don Sahong in đậm dấu tay Trung Quốc
01.10.2015
“Sản xuất lúa gạo ĐBSCL bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong ngay trước khi đổ vào vùng Thác Khone, sẽ làm giảm [thay đổi] dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphadone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn". Gs Võ Tòng Xuân, 2013
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
NGÔ THẾ VINH
QUỐC HỘI LÀO BẬT ĐÈN XANH
Theo tạp chí The Diplomat [Sep 04, 2015] Quốc Hội Lào đã chính thức thông qua Dự án Đập Don Sahong, một dự án từ bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi. Dự trù ban đầu con đập được Công ty Xây dựng Mã Lai MegaFirst khởi công vào cuối năm nay 2015. Do tiềm năng thuỷ điện của con Sông Mẹ - Mea Nam Khong, là tên Lào Thái của con sông Mekong, nhà nước Lào bất chấp mọi chỉ trích và với lời kêu gọi của các quốc gia láng giềng Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, là ngưng dự án Don Sahong và Lào vẫn kiên quyết đi tới thực hiện cho bằng được kế hoạch phát triển thuỷ điện của mình.
NGUỒN THUỶ ĐIỆN SÔNG MEKONG
Với chiều dài hơn 4,800 km, Mekong là con sông lớn thứ ba Châu Á và là thứ 11 của thế giới. Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ. Tiềm năng thuỷ điện của sông Mekong khoảng 60,000 MW:
-- Lưu Vực Trên 28,930 MW với nửa khúc sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc; và chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm / Mekong cacades Vân Nam.
-- Lưu Vực Dưới 30,000 MW là khúc sông Mekong hạ lưu chảy qua 5 quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, với chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu chủ yếu nằm trong hai nước Lào và Cam Bốt.
THẢM HOẠ VẪN TỪ PHƯƠNG BẮC
Về phía Trung Quốc, nơi thượng nguồn Sông Mekong Bắc Kinh đã hoàn tất hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ/ Nuozhadu 5,850 MW và con Đập Mẹ Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lan Thương / Lancang Jiang, tên TQ của con Sông Mekong và theo Fred Pearce, Đại học Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của TQ. [3]
Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông Mekong Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam.”
Với sáu con đập lớn dòng chính đã hoàn tất trên trên khúc sông Mekong thượng nguồn, TQ đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập dòng chính còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, TQ cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.
LẠI CÓ DẤU TAY CỦA TRUNG QUỐC
Trong một bức thư ngày 2 tháng 2, 2015 của International Rivers Network / IRN Mạng Lưới Sông Quốc Tế gửi tới Sinohydro International Corporationbày tỏ quan điểm của tổ chức IRN chống lại Dự án Đập Thuỷ điện Don Sahong do những ảnh hưởng tác hại môi trường và xã hội trên dòng chính Sông Mekong.
Đoạn thư viết tiếp: "Chúng tôi được biết Sinohydro International được đấu thầu phần EPC/ Engineering Procurement Construction / thiết kế, quản lý và xây dựng cho Dự án Don Sahong, sự kiện ấy khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm về mối liên hệ của Trung Quốc tới Dự án này. Chúng tôi nhận định rằng Sinohydro, một tổ hợp của Nhà nước Trung Quốc khi ký một hợp đồng liên quan tới triển khai dự án, điều ấy sẽ can thiệp vào tiến trình thương thảo. Đây chính là thời điểm vô cùng nhậy cảm cho toàn vùng đối với cái giá phải trả cho việc phát triển thuỷ điện trên Sông Mekong. Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam". Hết trích dẫn.
Như vậy bức màn của sự thật đã được vén lên: MegaFirst của Mã Lai chỉ là nhóm chủ thầu đầu tư/ Investor vào Don Sahong, một công ty không có kinh nghiệm xây dựng hay điều hành nào về thuỷ điện nên rõ ràng họ làm một bình phong / một lá chắn cho Sinohydro đứng phía sau, thực hiện phần kỹ thuật xây đập bất chấp tác hại ra sao đối với dân cư trong lưu vực.
Ai cũng biết Sinohydro International là một công ty quốc doanh khổng lồ xây đập trên toàn cầu của Trung Quốc, được xem là lớn nhất thế giới nhưng cũng đã từng mang rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại môi sinh. Và có thể nói mà không sợ sai lầm Don Sahong sẽ là một con đập Made in China. [1] Sau Don Sahong, Sinohydro còn trực tiếp nhận thầu hai dự án dòng chính khác là Pak Lay của Lào và Sambor của Cam Bốt.
Tệ hại hơn nữa là hai công ty Việt Nam cũng đồng loã trực tiếp nhận thầu xây 2 con đập dòng chính Luang Prabang của Lào và Stung Treng của Cam Bốt; có thể ví như hành động cầm súng tự bắn vào chân mình.
Điều đó giải thích được tại sao một nước Lào nhỏ bé nhất nhưng lại có thể hành động ngang ngược như vậy bất chấp mọi mối quan tâm của các quốc gia láng giềng [vốn thiếu nhất quán và chia rẽ] và cả đối với những khuyến cáo của các tổ chức hoạt động môi sinh. Lào đã có được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Bắc Kinh.
TỪ XAYABURI TỚI DON SAHONG
Cho dù có khuyến cáo 2011 của Ủy Hội Sông Mekong / MRC là nên hoãn triển khai tất cả các dự án đập thuỷ điện dòng chính hạ lưu ít nhất một thập niên tới năm 2020 để có thêm thời gian nghiên cứu, nhưng khuyến cáo ấy đã không được nhà nước Lào lắng nghe. Lào vẫn khởi công xây con đập dòng chính Xayaburi 1,285 MW là con đập đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Xayaburi đã được ví như quân cờ Domino đầu tiên đổ xuống, có hiệu ứng kéo theo những bước khai triển ồ ạt của những con đập hạ lưu khác.
Sau Xayaburi, Don Sahong là quân cờ Domino thứ hai đổ xuống. Cách đây gần hai năm, ngày 3 tháng 10, 2013, Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập-dòng-chảy / run-of-river dam trụ trên suốt chiều dài 5 km của hẻm nước /water channelHou Sahong nằm trên vùng Thác Khone, chỉ cách biên giới Cam Bốt 2 km. Don Sahong có công xuất 260 MW, nhỏ hơn rất nhiều so với cả những con đập phụ lưu của Lào.
Thác Khone vốn là một cảnh trí hùng vĩ của sông Mekong bao gồm nhiều ghềnh thác và hàng ngàn đảo nối tiếp nhau. Theo Ks Phạm Phan Long / Viet Ecology Foundation thì "nếu lưu lượng trung bình/ năm thác Niagara là 2400 m3/s, Victoria 1088 m3/s so với 10156 m3/s ở Pakse trạm quan trắc sát nhất thác Khone, như thế lưu lượng trung bình/ năm vùng thác Khone gần gấp 3 lần tổng số lưu lượng của con hai thác kia".
Năm 1886, Đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier đã khởi hành từ Sài Gòn ngược dòng sông Mekong đi tìm một thuỷ lộ giao thương với Trung Hoa qua ngả Vân Nam; sau khi ghé Angkor đi tiếp tới Thác Khone thuộc địa phận Nam Lào, họ đã phải kinh ngạc trước một cảnh tượng vô cùng hùng vĩ và ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ từ các ghềnh đá sủi bọt tung tóe. Đến đây thì họ nhận ra rằng không thể nào có thể dùng tàu thương mại từ Sài Gòn lên đến Lào, rồi tới Vân Nam Trung Quốc qua đường sông Mekong.
Thác Khone là phần hết sức kỳ lạ của con sông Mekong về phương diện đa dạng sinh học. Ngay dưới chân thác là một quần thể phong phú nhất về cá, với những loài cá nước ngọt không chỉ của Đông Nam Á mà là của cả thế giới: với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 2/3 thuộc loại di ngư / migratory fish, lội ngược dòng Mekong theo mùa và lên cả các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt là nguồn lương thực và trao đổi thương mại với sản lượng lên tới 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK, chưa kể tới những loại thuỷ sản khác như tôm cua rùa ốc và cả rong tảo.
Sông Mekong bấy lâu đã như "mạch sống" của ngót 70 triệu dân sống trong lưu vực; không phải chỉ có nguồn nước, nguồn phù sa, mà phải kể tới nguồn cá chiếm tới 80% lượng protein trong mỗi bữa ăn của cư dân Lào và Cam Bốt. Theo các chuyên gia môi sinh thì khúc sông Mekong nơi thác Khone thể coi là “ tử huyệt” của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.
Sông Mekong bấy lâu đã như "mạch sống" của ngót 70 triệu dân sống trong lưu vực; không phải chỉ có nguồn nước, nguồn phù sa, mà phải kể tới nguồn cá chiếm tới 80% lượng protein trong mỗi bữa ăn của cư dân Lào và Cam Bốt. Theo các chuyên gia môi sinh thì khúc sông Mekong nơi thác Khone thể coi là “ tử huyệt” của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.
DON SAHONG TÁC HẠI VÔ LƯỜNG
Thác Khone từng được ví như một một thế giới vi mô – microcosm của toàn hệ sinh thái sông Mekong, nơi để cho các nhà sinh học và ngư học nghiên cứu. Do tầm quan trọng độc nhất vô nhị ấy, TS Mark Hill đã kêu gọi bằng mọi giá phải bảo vệ sự toàn vẹn của vùng thác Khone trong những kế hoạch phát triển và xây các đập thủy điện trên sông Mekong.
Đã có rất nhiều chứng cớ là con đập Don Sahong, tuy chỉ cao khoảng 30m với công suất 260 MW [nhỏ nhất so với 11 dự án dòng chính hạ lưu] nhưng lại có tác hại vô lường trên toàn hệ thủy sinh thái sông Mekong, vì đây là điểm quy tụ tối đa của các đoàn di ngư. Phần lớn lượng cá mà ngư dân Lào và Thái lưới bắt được trên thượng nguồn là từ các đoàn di ngư lội ngược dòng từ thác Khone. Kể cả nguồn cá từ các phụ lưu sông Mekong cũng phụ thuộc vào các đoàn di ngư từ vùng thác Khone này.
Những quốc gia tài trợ cho Lưu vực Sông Mekong cũng như các nhà hoạt động môi sinh, trong đó có Hội Sinh Thái Việt / Viet Ecology Foundation đã gửi thư đề nghị chính phủ Lào ngưng xây đập Don Sahong nhưng Lào hầu như bất chấp.
Thấy được mối hiểm nguy của con đập Don Sahong trực tiếp đối với vựa cá của Cam Bốt nên cuối năm 2007, Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt cũng đã gửi thư phản đối tới chánh phủ Lào, nhưng “không được hồi âm”. Tháng 11, cũng năm 2007 tại Hội nghị Siem Reap, phái đoàn Cam Bốt và các tổ chức NGO một lần nữa lên tiếng phản đối dự án Don Sahong, và sau đó thì MRC cũng gửi bản lượng giá với “những nhận định chỉ trích” về con đập Don Sahong tới chánh phủ Lào, và một lần nữa bị chánh phủ Lào “coi như không có” và vẫn cứ tiến hành ký kết bản Hợp đồng Dự án Phát triển với công ty Mã Lai MegaFirst.
Thủ tướng Hun Sen cũng đã tới Lào [03/2008] thảo luận về dự án đập Don Sahong do ảnh hưởng di hại trực tiếp tới Cam Bốt. Nhưng sau đó, theo Milton Osborne với lý do thật khó hiểu là Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt nhận được chỉ thị là phải ngưng chỉ trích công khai dự án đập Don Sahong. [Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là Cam Bốt cũng có dự án đập thủy điện Sambor, cùng với Don Sahong, được coi như một “tử huyệt” thứ hai đối với các loài cá sông Mekong]
Và rõ ràng, như một mẫu ứng xử/ pattern nhất quán và liên tục của nhà nước Lào: không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành: đó không thể gọi là cách hành xử văn minh trong bang giao quốc tế ở thế kỷ 21. Chánh phủ Lào chứng tỏ là đã không tôn trọng tinh thần của Điều 7 trong Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: "Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.”
Lào đã và đang đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn nhưng với cái giá rất đắt phải trả của chính đất nước Lào và cả các quốc gia lân bang. Cho đến nay những khuyến cáo và khả năng điều hợp của Uỷ Hội Sông Mekong MRC đã hơn một lần tỏ ra là vô hiệu.
Từ con thuyền trên khúc Sông Mekong Nam Vang, người dân Cam Bốt giương biểu ngữ phản đối Đập Don Sahong [photo by Heng Chivoan] Đến bao giờ thì mới có được tiếng nói cư dân nơi ĐBSCL?
LÀO XỨ KUWAIT THUỶ ĐIỆN ĐÔNG NAM Á
Với những người Lào có học hiểu biết, họ thấy được tiềm năng thiên nhiên phong phú của đất nước Lào, giới lãnh đạo thế hệ mới ở Lào nuôi tham vọng khai thác tiềm năng thuỷ điện con sông Mekong để mong sao biến xứ Lào thành "Bình Điện Đông Nam Á/ the battery of Southeast Asia".
Những ai có theo dõi các bước khai thác thủy điện của Lào sẽ nhận ra ngay rằng không phải Tổng thống, Thủ tướng hay Ngoại trưởng Lào, nhưng là một tên tuổi khác, Viraphonh Viravong, nổi bật là trí tuệ của đất nước Lào. Viraphonh Viravong trong suốt hơn ba thập niên qua đã có những nỗ lực bền bỉ và kiên định với giấc mơ canh tân, biến đất nước Lào trở thành một xứ “Kuwait về thủy điện của Đông Nam Á".
Viraphonh Viravong thường xuyên thăm viếng suốt dọc con sông Mea Nam Khong tìm tới những nơi có thể xây thêm đập thủy điện, với thuyết phục người dân Lào nơi các khu xây đập về những lợi lộc do các con đập đem lại: họ sẽ có điện quanh năm, có thêm đường xá, nhà thương, trường học do lợi tức từ nguồn điện đem về. Viraphonh Viravong đã có kinh nghiệm về các con đập phụ lưu lớn của Lào và nay với con đập dòng chính đầu tiên Xayaburi, cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía nhưng Viraphonh Viravong lần lượt hóa giải những mũi dùi chống đối và không ngừng tiến hành triển khai con đập Don Sahong.
Ngày 15-10-2012 Viraphonh Viravong tới Viện Kỹ thuật Á châu, Bangkok, để duyệt xét mô hình đập Xayaburi, tại đây, ông khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.”
Ngày 15-10-2012 Viraphonh Viravong tới Viện Kỹ thuật Á châu, Bangkok, để duyệt xét mô hình đập Xayaburi, tại đây, ông khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.”
NHỮNG TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC
Nhà nông học Võ Tòng Xuân, là một trong số người tiên phong đưa giống Lúa Thần Nông vào ĐBSCL, đã phát biểu về tác hại của con đập Don Sahong: “Sản xuất lúa gạo ĐBSCL bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong ngay trước khi đổ vào vùng Thác Khone, sẽ làm giảm [thay đổi] dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphandone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn. Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào và các nhà đầu tư Mã Lai hãy tự tiết chế không gây tác hại thêm cho dòng chính Sông Mekong nhằm bảo vệ môi sinh và cư dân nơi hạ nguồn.” (26-10-2013)
Cũng để thấy rằng, thay vì kêu gọi các nhà đầu tư Mã Lai tự tiết chế nhưng nếu biết MegaFirst chỉ là đồng loã đứng tên và thủ phạm đích thực đứng phía sau dự án Don Sahong chính là tập đoàn Sinohydro của nhà nước Trung Quốc.
SẼ ĐI VỀ ĐÂU
Sông Mekong lẽ ra là sợi dây nối kết các quốc gia trong lưu vực chứ không phải là nguyên nhân gây chia rẽ; nhưng từ thập niên đầu của thế kỷ 21, ước vọng ấy đang bị đổ vỡ, do khủng khoảng niềm tin, khiến triển vọng hợp tác trong “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung để cùng nhau phát triển, cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng cho toàn vùng đã trở thành ngày một xa vời.
Chỉ mới đây thôi, vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, ông Đinh Hưng từ ĐBSCL đã gửi đến BBC một lời báo động mà nhà báo Tưởng Năng Tiến khi đang lênh đênh trên Biển Hồ đã cho là "muộn màng":
“Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km, và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Những tháng gần đây tại ĐBSCL, việc nước mặn tấn công ‘chưa từng thấy’ làm ‘đảo lộn cuộc sống’, không phải là bất ngờ mà là tất yếu theo dự đoán. Người dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải ‘chạy mặn’ từng ngày. Các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa cả trăm ngàn hecta đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái nằm trên nguy cơ xóa sổ, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Tất cả nguy hại đang đổ trên đầu người dân nơi đây.”
Chỉ riêng với ĐBSCL, bấy lâu với nguồn nước ngọt và trữ lượng phù sa phong phú từ con sông Mekong đã khiến Việt Nam là cái nôi sản xuất lúa gạo lớn thứ hai thế giới chỉ đứng sau Thái Lan; nhưng nay thì ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL đang trước nguy cơ: mất nguồn nước ngọt, mất nguồn phù sa, và cả vùng châu thổ phì nhiêu đang chìm dần trong biển mặn. Hậu duệ của những thế hệ dũng mãnh tiên phong khai phá trong cuộc Nam Tiến cách đây mới ba trăm năm, thì nay đang bị một chế độ toàn trị ức chế đến bất động, không được quyền cất lên tiếng nói ngay trên đất nước mình và đang cúi đầu chấp nhận lùi bước trước thảm hoạ bị xoá đi cả một nền Văn Minh Miệt Vườn và trong một tương lai không xa, rồi ra trên tầm vóc quốc gia, sẽ có những đợt tỵ nạn môi sinh/ ecological refugees vào giữa thế kỷ 21 nhưng họ sẽ đi về đâu?
NGÔ THẾ VINH
California Sep 28, 2015
Tham Khảo:
1) Is the world's biggest dam builder willing to change?
Peter Bosshard, ChinaDialogue, 16.12.2014
2) Dam promises are ‘a facade’, Daniel Pye and Laignee Barron, Phnom Penh Post Fri, 3 October 2014,
3) The Two Poles of Destruction from Nuozhadu to Don Sahong The Mekong in the Claw of Death. Ngô Thế Vinh, Ecology Foundation, Oct 25, 2014, http://vietecology.org/Article.aspx/Article/112
4) Global Ecology and the "Made in China's Dams. Ngô Thế Vinh. Viet Ecology Foundation, July 2010. http://vietecology.org/Article.aspx/Article/62
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét