Võ Phiến, những lần gặp sau cùng
Nhà văn Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc.
Theo VOA blog
Nguyễn Hưng Quốc
01.10.2015
Mỗi lần có dịp qua Nam California, một trong những người đầu tiên tôi đến thăm bao giờ cũng là Võ Phiến. Chủ yếu là vì tình thân. Tôi quen với khá nhiều người cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng người tôi gần gũi nhất có lẽ là Võ Phiến. Gần, chủ yếu là vì, trong thời gian viết cuốn Võ Phiến(2006), tôi đọc ông nhiều và rất kỹ; và cũng vì, trong suốt thời gian chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách ấy, kéo dài cả mấy năm, tôi và Võ Phiến thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Thư, thoạt đầu, khá khách sáo; sau, cứ dần dần thân thiết. Sự thân thiết, thoạt đầu, giống như tình bạn, thứ bạn vong niên trong văn nghệ, dần dần, giống như tình gia đình: Tôi xem Võ Phiến như một ông bác. Khi đã xem như bác, việc thăm viếng trở thành một cái lễ, một thứ bổn phận.
Nói đến khái niệm “lễ” hay “bổn phận”, tự dưng nhớ đến Nguyễn Mộng Giác. Năm 1989, khi từ Pháp qua Chicago dự một cuộc hội nghị về văn học, Nguyễn Mộng Giác rủ tôi bay về California chơi với anh vài ngày. Vừa ra khỏi phi trường Los Angeles, Nguyễn Mộng Giác bảo đứa con gái, người ra đón chúng tôi, chở thẳng đến nhà Võ Phiến; tối, về nhà anh, ăn cơm xong, Nguyễn Mộng Giác lấy xe chở tôi đến thăm Mai Thảo. Trên đường, anh nhỏ nhẹ bảo, đó là cái lễ đối với các bậc trưởng thượng trong làng văn. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Tôi vẫn kính trọng cả Võ Phiến lẫn Mai Thảo và xem hai người như những đại thụ có nhiều thành tựu và đóng góp không những cho văn học ở miền Nam trước năm 1975 mà còn cả cho văn học Việt Nam ở hải ngoại sau năm 1975. Nhưng tôi không xem việc thăm viếng họ như một bổn phận. Với tôi, chỉ có bổn phận trong văn học chứ không có bổn phận về phương diện xã hội. Và trong văn học, cách bày tỏ sự kính trọng tốt nhất đối với các thế hệ cầm bút đi trước, ngay cả với những người tài hoa nhất, là đọc họ rồi vượt qua họ, kể cả chống lại họ, hoặc nếu không, viết khác họ.
Mà kể cũng lạ. Trong giới cầm bút nổi danh trước năm 1975 sau này sống ở hải ngoại hầu như chỉ với Võ Phiến là tôi xem như một ông bác. Với những người khác, ngay cả với Mai Thảo, chỉ nhỏ hơn Võ Phiến một tuổi, tôi chỉ xem như là anh. Nói chuyện với Mai Thảo, theo đề nghị của chính ông, tôi gọi bằng “anh” và xưng “em”. Không những vậy, có lúc tôi còn xem ông như một đứa em nữa là khác. Đó là những lần, lúc tôi còn ở Paris, ông bay từ California sang chơi. Sau khi ăn uống hay đi dạo phố, đưa ông xuống trạm xe điện ngầm để về nhà Trần Thanh Hiệp, nơi ông ở trọ, sau khi dặn dò đường đi nước bước, rồi nhìn cái ánh mắt lúc nào cũng mơ mơ màng màng, cái dáng người cao lêu khêu và cái bước chân hơi xiêu xiêu của ông, tự dưng tôi thấy bất an. Sợ ông đi lạc. Sợ ông băng qua đường ẩu, xe đụng. Sợ vu vơ đủ thứ. Như sợ cho một đứa em ngơ ngác giữa phố lạ. Những lúc ấy, tôi quên bẵng là ông đã từng qua Paris nhiều lần và rất giỏi tiếng Pháp. Với Võ Phiến, chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy. Nhìn ông và nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như đang đối diện với một ông lão mới từ quê lên. Từ dáng dấp đến vẻ mặt, có vẻ gì hơi hơi thật thà, hơi hơi quê mùa, nhưng đôi mắt của ông thì khác: Lúc nào cũng tinh anh, cũng nhanh nhẹn, toát lên vẻ gì vững vàng, có thể đương đầu với mọi tình huống và mọi bất trắc.
Chuyến đi Mỹ thứ hai của tôi là vào cuối năm 2007. Tôi đi với Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh. Ông bà Võ Phiến khăng khăng mời tôi về nhà ở. Từ chối mấy cũng không được, tôi bèn giao hẹn: Chỉ ở hai ngày đầu, sau đó, sẽ ra ở khách sạn với bạn bè để được tự do và thoải mái, có thể đi sớm về khuya bất cứ lúc nào cũng được, không áy náy về việc gây phiền hà cho người khác. Ông bà đồng ý. Khi chúng tôi đến, ông bà rất mừng rỡ, nói chuyện huyên thuyên, sau, dẫn chúng tôi lên lầu và chỉ phòng: “Phòng này là của anh Hoàng Ngọc-Tuấn; còn phòng này là của anh Nguyễn Hưng Quốc.” Trong lúc chúng tôi dọn dẹp đồ đạc và thay quần áo sau chuyến bay dài dằng dặc mười mấy tiếng đồng hồ từ Úc sang, hai ông bà xuống tầng dưới ngồi uống trà chờ. Khoảng 15 phút sau, khi tôi từ trên lầu bước xuống, Võ Phiến đang ngồi trên chiếc ghế mây ở phòng khách, đứng bật dậy, nhào đến cầm tay tôi lắc lắc, mừng rỡ: “Anh Quốc, anh mới ở Úc qua hả? Trời ơi, lâu quá!” Tôi hơi giật mình, nhưng vội giữ vẻ bình thản, đáp: “Vâng, cháu mới qua. Bác khỏe không?” Suốt ngày hôm ấy cũng như ngày hôm sau, cứ mỗi lần tôi đi ra ngoài chơi, trở về nhà, ông cũng đều chào đón một cách rất niềm nở ngay từ cửa: “Anh Quốc, anh mới ở Úc qua hả?” Lúc ấy, lần đầu tiên tôi nhận ra chứng bệnh của ông: bệnh mất trí nhớ (Alzheimer’s). Có lẽ chỉ ở giai đoạn sơ khởi: mất trí nhớ ngắn hạn. Nói chuyện, ông vẫn kể vanh vách các kỷ niệm liên quan đến Chế Lan Viên và Lam Giang lúc ông còn học ở Qui Nhơn, đến Hoài Thanh và Đào Duy Anh lúc ông học ở Huế. Ông nhắc đến thơ Đường, thơ Tống, tranh Tề Bạch Thạch, các trào lưu văn học ở Pháp trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chỉ có điều là ông hay lặp lại các câu chuyện ông mới kể. Có lúc, trong một buổi ăn trưa, ông kể chuyện tranh của Tề Bạch Thạch đến hai ba lần. Lần nào cũng say sưa, mạch lạc, rất sinh động và cũng rất sâu sắc.
Sau đó, hầu như năm nào tôi cũng sang California và năm nào cũng ghé thăm Võ Phiến. Thân thể ông vẫn khỏe mạnh, da dẻ ông vẫn hồng hào, nụ cười ông vẫn hiền lành, giọng nói ông vẫn chất phác, nhưng tai ông càng lúc càng nặng và bệnh mất trí nhớ càng lúc càng trầm trọng. Ông ít nói hẳn. Trong các buổi họp mặt hay ăn uống chung, ông chỉ ngồi lặng lẽ cười, lâu lâu cất lên lời than thở: “Tôi lú lẫn rồi anh ơi! Tôi là người bỏ đi rồi!” Vừa nói vừa lắc đầu, đôi mắt ánh lên vẻ buồn rười rượi. Đến thăm, tôi chỉ nói chuyện với bà Võ Phiến là chính; còn ông, sau những cái bắt tay mừng rỡ và nồng ấm, lại ngồi lặng lẽ. Lâu, lâu lắm, mới góp tiếng. Thường là những câu chuyện cũ. Và những lời than vãn. Than không viết được. Rồi than không đọc được.
Giữa năm 2013, tôi sang California và thăm Võ Phiến. Gặp, ông vẫn mừng rỡ cầm tay tôi lắc tới lắc lui. Ông nhận ra tôi nhưng ông không nhớ tên tôi. Chủ yếu tôi chỉ nói chuyện với bà. Chưa bao giờ tôi thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chăm sóc cho chồng một tận tụy, chi li và tỉ mỉ như bà Võ Phiến. Bà lo cho ông từng miếng ăn, từng tách trà, từng viên thuốc. Bà đánh máy từng trang bản thảo viết tay của ông. Bà lo cho danh tiếng và sự nghiệp của ông. Bà quan tâm đến từng lời khen tiếng chê chung quanh. Đọc những bài báo có ác ý về ông, bà tức lồng lộn, vừa kể vừa chì chiết. Còn Võ Phiến thì vẫn ngồi lặng lẽ, miệng vẫn cười hiền lành nhưng ánh mắt thì nhìn vào khoảng không trước mắt, buồn buồn, xa vắng. Lâu lâu ông chép miệng thở dài: “Tôi lú lẫn quá rồi anh ơi!”
Lần ấy, bà Võ Phiến đưa tôi bức thư ông Võ Phiến viết ròng rã trong mấy tháng trước đó nhưng chưa kịp (hoặc quên) gửi. Thư không đề ngày. Toàn bộ nội dung như sau:
Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc,
Rốt cuộc rồi tôi cũng đi tới một quyết định: Phải viết cho được một lá thư gửi tới một số anh em chí thiết.
Tự dưng hơn nửa năm nay tôi phát lú. Rồi lú nặng. Quên thật mau dĩ vãng của mình. Quên lung tung, thật mau. Từ lâu tôi nặng một tai; năm bảy năm nay chỉ nghe được một tai. Gần đây, tai ấy cũng nghỉ luôn.
Một người ngẩn ngơ, nghe được ít, lấy làm khó chịu mỗi khi gặp có người khác: Tôi trốn lần, trốn lần. Nhà tôi đại diện, bận bịu quá trời.
Điếc, quên – cả cặp ấy xúm nhau biến tôi thành kẻ ngớ ngẩn.
Tôi trốn tiếp xúc với người, lẩn thẩn đọc sách. Đọc mỗi lúc một thêm vất vả: đọc đâu quên đó. Dần dần sách nào cũng hoá khó hiểu. Sợ sách, rồi ngán luôn cả báo.
Tôi thành đứa vất đi rồi anh ơi.
Tôi tìm nguyên do. Nhớ lại mười mấy năm trước, hồi còn ở xóm Glendale bên Los Angeles – xóm nhỏ - đa số là dân da đen. Một hôm, độ bảy tám giờ tối gì đó, tôi đi dạo trước mặt nhà, gặp chỗ vắng, thiếu ánh sáng, thình lình bị một tên da đen đánh mạnh vào mặt. Tôi ngất. Nó lục túi lấy chẳng bao nhiêu (vì mình đi dạo bộ cho tiêu cơm trước mặt nhà). Tỉnh ra, tôi được đưa đi bệnh viện. Rồi yên. Nhưng đầu óc hư hỏng – chắc là từ đó.
Bây giờ càng lúc càng tệ. Trí óc hết xài.
Nhà tôi khổ sở vì tôi, vất vả quá trời.
Tôi năm nay 86 tuổi ta. Già quá rồi. Nay mai, chịu hết thấu, ra đi cũng phải thôi.
Cả tháng nay tôi yên trí là mình đang lủi thủi đi về cõi khác. Định đi êm, không nên kể lể vớ vẩn với ai làm gì. Chuyện xoàng quá. Không đáng trầm trồ.
Nhưng rốt cuộc rồi thấy nên để dăm ba kẻ thân thiết. Chuyện nhảm mà trịnh trọng bảo mật, e kỳ cục.
Thân chúc anh chị và các cháu mọi sự an lành.
Võ Phiến
Đọc, tôi thấy buồn hiu hắt. Có cảm tưởng như nghe một lời trối trăng. Chuyến ấy, tôi ở Nam California chỉ có khoảng hơn một tuần, nhưng tôi vẫn tranh thủ ghé đến thăm ông bà Võ Phiến đến ba lần. Tôi sợ, khi về lại Úc, sẽ không còn cơ hội để gặp ông lần nữa. Lần thăm cuối cùng, ông bà dẫn tôi đi ăn trưa ở một tiệm Mỹ trong cái công viên gần nhà. Suốt bữa ăn, Võ Phiến hỏi tôi mấy câu. Hỏi đi rồi hỏi lại.
“Văn học trong nước hiện nay có gì lạ không, anh?”
Tôi đáp: “Cũng chả có gì lạ bác ạ. Không thấy xuất hiện cây bút nào thật mới và thật hay.”
Ông tặc lưỡi: “Cả nước đến mấy chục triệu người mà không có ai viết hay cả. Lạ nhỉ? Tôi không biết gì cả. Tôi lú lẫn rồi anh ơi!”
Rồi ông ngồi im, nhìn mông vào quãng trống trước mặt. Năm mười phút sau, ông lại hỏi:
“Chế Lan Viên bây giờ ra sao, hả anh?”
Tôi đáp: “Chế Lan Viên mất lâu rồi, bác ạ.”
Ông lại tặc lưỡi: “Vậy hả? Tôi nghiệp quá! Tôi lú lẫn rồi, không nhớ gì nữa cả.” Rồi ông lại hỏi:
“Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?”
Tôi đáp: “Có chứ. Một cuốn sách của bác mới được in lại ở trong nước, được nhiều đọc và nhiều người khen lắm.”
Ông lại tặc lưỡi: “Lạ nhỉ? Không ngờ người ta lại cho in lại sách của tôi.”
Im lặng một lát, ông lại hỏi:
“Anh thấy văn học ở trong nước bây giờ thế nào hả anh?”
Tôi lại đáp: “Không có gì đặc biệt cả, bác ạ.”
Và ông: “Lạ nhỉ. Nước đến mấy chục triệu người mà không ai viết hay. À, mà Chế Lan Viên bây giờ sao, hả anh? Ổng còn viết lách được gì nữa không?”
“Không. Ổng mất năm 1989, hơn 20 năm rồi, bác ạ.”
“Ồ, tội nghiệp quá! Tôi lú lẫn quá, không nhớ gì nữa cả. À, mà bây giờ ở trong nước có ai còn đọc tôi nữa không, anh?”
“Có chứ, bác. Sách bác mới được in lại ở trong nước đó.”
“Lạ nhỉ. Nhưng văn học ở trong nước có gì lạ không, anh?”
Cứ thế, chừng ấy câu hỏi, trong suốt buổi ăn trưa, được ngắt quãng bởi những lúc trầm ngâm im lặng và ngó mông vào khoảng trống. Với mỗi câu hỏi, để trả lời, tôi cứ lặp lại, thật ngắn gọn, nhấn mạnh từng chữ, phát âm thật to để ông có thể nghe được. Bà Võ Phiến nhìn tôi, rươm rướm nước mắt, có lẽ vừa thương chồng vừa áy náy cho tôi. Trên đường về nhà, bà thì thầm với tôi, giọng nghẹn ngào: “Bác thương bác trai quá. Một người thông minh sắc sảo đến như vậy mà bây giờ đâm ra nghễnh ngãng, lẩn thẩn, thật tội nghiệp!” Tôi vừa an ủi bà vừa nghĩ ngợi bâng quơ về các câu hỏi của ông. Chúng tiết lộ những ám ảnh sâu xa không ngừng day dứt trong tiềm thức của ông ngay cả khi ông không còn nhớ gì cả. Ông nhớ những người bạn, những người thầy, những người quen biết cũ. Ông loay hoay muốn biết về tình hình văn học Việt Nam. Ông tò mò về sức sống của những gì ông đã viết. Và ông cũng không ngớt dằn vặt về những cái quên ngớ ngẩn của mình. Nét tâm lý đầu phổ biến đối với mọi người lớn tuổi; hai nét kế tiếp phổ biến trong giới cầm bút; nét thứ tư mang tính đặc thù của Võ Phiến: ý thức tự giác rất cao, lúc nào cũng tự quan sát chính mình như một người ngoại cuộc. Trước, lúc còn khỏe, thói quen tự quan sát ấy biến ông thành một trong vài nhà văn có khả năng phân tích giỏi nhất của Việt Nam thời kỳ 1954-75. Bây giờ, khả năng tự quan sát ấy chỉ làm cho ông bất an. Trước, qua việc tự quan sát, thấy những cái yếu đuối của con người được phản ánh qua tâm hồn của chính mình, ông đâm ra yếm thế và hay châm biếm; bây giờ, thói quen tự quan sát ấy chỉ biến ông thành một người đầy mặc cảm: lúc nào ông cũng sợ lộ vẻ ngớ ngẩn dưới mắt người khác, do đó, ông tránh né đám đông; khi không thể tránh né được, ông chỉ ngồi lặng lẽ tự gặm nhấm những nỗi khổ của một người tự thấy mình đang trôi dần trôi dần vào cái chết.
Võ Phiến không mất trí nhớ hẳn. Thường, ông chông chênh, chòng chành và lãng đãng giữa nhớ và quên. Cái ông hay quên nhất có lẽ là những cái mới. Mới, thoạt đầu, từ câu nói vừa thốt đến công việc vừa làm; sau, dần dần bao gồm cả nhiều năm hoặc có khi nhiều thập niên về trước. Một lần, trong bữa ăn trưa tại nhà ông, nhà văn Ngự Thuyết nghịch, hỏi Võ Phiến tên của những người ngồi cùng bàn. Tên tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn: ông không nhớ. Tên của ba người bạn ở ngay tại California và thường xuyên đến thăm ông, Ngự Thuyết, Trúc Chi và Phạm Phú Minh: Ông cũng không nhớ. Ông chỉ nhớ được tên hai người: Đỗ Quý Toàn và Lê Tất Điều, hai người ông quen biết ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Cuối năm 2013, tôi gửi tặng ông cuốn Văn học Việt Nam tại Úc: Chính trị và thi pháp của lưu vongmới xuất bản tại Úc qua nhà văn Phạm Phú Minh. Mấy tuần sau, Phạm Phú Minh email cho tôi, kể:
“Quốc thân,
Hôm nay nhân Thành Tôn và ông Văn Nghệ có việc đến nhà ông bà Võ Phiến, anh đã nhờ họ mang cuốn sách của Quốc cho ông bà.
Thành Tôn kể lại, ông Võ Phiến cầm cuốn sách xem rất kỹ rồi hỏi: ông Nguyễn Hưng Quốc này là ai mà in sách đẹp đẽ sang trọng quá thế này? Thành Tôn nói ông ấy dạy đại học bên Úc thì ông Võ Phiến nói: Hèn gì!”
Đọc, tôi không ngạc nhiên, nhưng vẫn buồn. Buồn đến độ mãi đến ngày mồng 8 (tức ngày 7 tháng 2 năm 2014), tôi mới gọi được cho ông để chúc Tết một cách muộn màng. Lạ, lần này, ông lại tỉnh táo một cách lạ thường. Khi bà Võ Phiến chuyển điện thoại và bảo Nguyễn Hưng Quốc gọi, ông rối rít:
- Anh Quốc hả? Trời ơi, anh ở Úc hay đang ở Mỹ vậy?
- Dạ, cháu đang ở Úc.
- Trời ơi, ở xa vậy mà gọi điện thoại, quý quá. Nhưng tốn tiền lắm, anh ơi.
- Không sao đâu, bác ạ. Bây giờ gọi điện thoại viễn liên rẻ lắm.
- Tháng 7 này anh có qua Mỹ không?
- Dạ, không. Tháng 12 cháu mới qua.
- Ồ, còn cả 10 tháng nữa, không biết tôi có còn hay không. Năm nay tôi đúng 90 rồi, bết bát lắm, anh ơi. Tôi chẳng còn đọc hay viết gì được nữa cả. Hỏng hết rồi.
- Thôi, cũng đâu cần đâu, bác. Bác đọc và viết cả đời rồi. Bây giờ bác cố nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe.
- Anh định sống luôn ở Úc hay có về Việt Nam sống không?
- Khi nào Việt Nam có tự do, có lẽ cháu về chứ.
- Tôi thì hết hy vọng rồi. Chỉ có chết ở Mỹ thôi.
- Cũng chẳng sao, bác ạ. Về bằng tác phẩm được rồi. Gần đây, ở trong nước, người ta bắt đầu in lại sách của bác, tổ chức hội thảo về bác đó. Ai cũng khen cả.
- Vậy hả, anh? Trời, tôi chẳng biết gì cả. Bây giờ tôi lú lẫn, đọc ít lắm. Những điều anh vừa nói, tôi mới nghe lần đầu. Lạ quá, phải không anh?
Cứ thế, dù giọng ông hơi yếu, nhưng câu chuyện vẫn trôi chảy mạch lạc, không có dấu hiệu gì lẫn cả.
Tháng 12 năm 2014, tôi sang California và ghé thăm ông bà Võ Phiến mấy lần. Chỉ nói chuyện được với bà. Còn ông thì ngồi im lặng ngó lung về phía trước. Không thể đoán được lúc ấy ông đang nhìn gì và nghĩ gì. Chỉ thấy xa vắng và cùng với sự xa vắng, sự mênh mông, ở đó, tôi đoán, ông không thấy ai trước mặt, không thấy khung cửa kính trong suốt, không thấy hàng cây xanh lá đang lao xao với gió, không thấy bầu trời đầy nắng và thưa thớt mây; ông chỉ thấy khoảng trống thăm thẳm, vời vợi, không cùng. Ý tứ, chưa bao giờ tôi hỏi ông có sợ không. Nhưng trong một bức thư nào đó gửi tôi, ông bày tỏ: Không. Ông diễn tả một cách dí dỏm, đại khái, ông Trời tinh tế lắm: Ổng làm cạn kiệt sức sống trước khi lấy hẳn đi sự sống của con người. Sự mệt mỏi khiến người ta bớt sợ. Không sợ nhưng tôi đoán, vẫn lo. Trước cuộc viễn du vào cõi vô tận ấy, tôi nghĩ, ai cũng lo. Người thường lo cho con, cho cháu, cho chắt. Người cầm bút còn thêm một nỗi lo khác: các tác phẩm của mình. Với người cầm bút, bất cứ người cầm bút nào cũng vậy, điều mong muốn đầu tiên bao giờ cũng là được đọc; điều mong muốn lớn nhất và tha thiết là được đọc lại, đọc lại mãi, không phải bởi một người hay một số người mà là bởi nhiều thế hệ, những thế hệ, nói theo Trần Tử Ngang, nhà thơ thời sơ Đường, “lai giả”, những kẻ mình không bao giờ gặp và biết. Khi Nguyễn Du viết “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”, thật ra, tự thâm tâm, ông chỉ muốn hỏi: sau này, mấy trăm năm sau, có ai còn đọc Truyện Kiều của ông không? Võ Phiến, với căn bệnh Alzheimer’s quái ác, có thể không nhớ tên bạn bè thân thiết, không nhớ ai còn ai mất, không nhớ những gì ông đã viết và đã xuất bản, không nhớ ngay những gì ông vừa mới nói, vẫn đau đáu một ám ảnh: Có ai còn đọc ông không?
Nhận xét
Đăng nhận xét