Hoa Kỳ không hiểu nổi ông Tập

Posted by adminbasam on 27/09/2015
Lê Phan (viết theo The New York Times)
26-9-2015
Khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh tụ Trung Cộng vào cuối năm 2012, nhiều người ở Washington đã thở phào nhẹ nhõm. Sau cả thập niên của người tiền nhiệm của ông, ông Hồ Cẩm Đào, các viên chức Hoa Kỳ chào đón một vị chủ tịch nước có vẻ tự tin hơn.
Nhưng tuần này, khi ông Tập đến Washington trong một cuộc công du chính thức từ hôm thứ năm, tình hình giữa hai chính phủ hết sức căng thẳng, và chính phủ Obama không biết nghĩ sao về chủ tịch nước của Trung Cộng. Ít ai dám nghi ngờ về sự chế ngự nhanh chóng mà ông đã đạt được đối với hệ thống hành chánh song hành, nhưng thay vì có được một nhà canh tân về kinh tế như mọi người chờ đợi, ông Tập bị coi như là giáo điều hơn, khó hiểu hơn và có tiềm năng nghi ngờ các công ty ngoại quốc.
Ông Ken Lieberthal, cựu viên chức của Tòa Bạch Ốc, nay ở Viện Nghiên Cứu Brookings Institution, giải thích, “Chúng tôi đã tưởng chúng tôi có thể ‘đọc’ ông ta được và chúng tôi chờ đợi ông ta năng động hơn, tiếp cận hơn và có tiềm năng có thể thúc đẩy qua những cải tổ hơn là người tiền nhiệm của ông ta. Nay tôi nghĩ chúng ta đang có vấn đề làm sao hiểu ông Tập là ai?”
Chính Phủ Obama đã thận trọng tìm cách liên lạc và tìm hiểu ông Tập trước khi ông lên làm chủ tịch kiêm tổng bí thư. Phó Tổng Thống Joe Biden đã trải qua hơn 20 tiếng đồng hồ với ông Tập hồi 2012, trong một chuyến viếng thăm Trung Quốc và trong chuyến trở về khi người lúc đó là phó chủ tịch nước của Trung Quốc đến thăm Hoa Kỳ, nơi mà ông đi xem một game của đội Los Angeles Lakers và chụp hình chung với David Beckham và Magic Johnson.
Các viên chức Hoa Kỳ có liên hệ đến hai chuyến đi đó nói ông Tập đã không để lộ tí nào hết về những ý kiến chính trị của ông nhưng có vẻ rất muốn trình bày mình là dễ tiếp cận hơn và có đôi khi, vui vẻ hơn là ông Hồ, người mà các cuộc gặp gỡ đã trở thành một nghi thức tẻ nhạt với những câu trả lời soạn sẵn được đọc một cách buồn nản.
Cách đây hai năm, Tổng Thống Barack H. Obama đã mời ông Tập đến khu nghỉ Sunnylands Estate ở California để cho một “cuộc họp thượng đỉnh mặc áo sơ mi” trong cố gắng xây dựng một liên hệ cá nhân. Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia, thì nói về liên hệ giữa hai ông là “Nhưng tiếp cận xây dựng nhất là khi họ có thể thảo luận nhiều tiếng đồng hồ qua bữa cơm mà không có nghị trình chính thức.”
Nhưng ngay cuộc gặp gỡ ở Sunnylands và một cuộc gặp gỡ khác ở chính Trung Cộng hồi năm ngoái cũng không phải là không có những lúc khó khăn giữa hai lãnh tụ. Lúc đầu người ta nghĩ ông Tập là một người vừa có tinh thần quốc gia chủ nghĩa cao hơn là người tiền nhiệm nhưng có quyết tâm hơn để cải tổ kinh tế. Và khi ông nhanh chóng thâu tóm quyền lực trong hệ thống chính quyền ở Hoa Lục, một số người lạc quan đã nghĩ là ông sẽ thực hiện loại mở cửa thị trường mà Washington hằng yêu cầu.
Ông Richard Fontaine, cựu cố vấn cho Thượng Nghị Sĩ John McCain, nay đang ở Trung Tâm Nghiên Cứu Center for a New American Security, một cơ quan nghiên cứu lưỡng đảng, giải thích, “Có rất nhiều người ở Washington coi ông Tập Cận Bình cao đến 10ft.”
Nhưng kể từ khi đó, ông Tập đã không sử dụng cái vốn liếng chính trị của mình theo chiều hướng mà Washington chờ đợi. Tuy ông chưa bao giờ được cho là một nhà cải tổ chính trị tự bản chất, Chính Phủ Obama đã sửng sốt khi ông bắt đầu đàn áp các tổ chức phi chính phủ, và ngạc nhiên hơn nữa trước những lời tuyên bố gay gắt về nguy cơ của các giá trị Tây phương.
Đồng thời ông Tập đã làm một số người thất vọng về mức độ của việc cải tổ kinh tế. Một số công ty ngoại quốc hoạt động ở Trung Cộng sợ là lời kêu gọi của ông cho thị trường một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế không bao gồm thêm chỗ cho các công ty đa quốc. Ông Hank Paulson, cựu bộ trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ, vốn vẫn rất tiếp tục theo dõi chặt chẽ liên hệ Mỹ Trung, giải thích, “Điều quan trọng nhất mà các công ty muốn biết là chuyện gì đã xảy ra cho cải tổ. Liệu Trung Quốc chỉ tính chuyện mở cửa cho khu vực tư ở Hoa lục, hay là cho các công ty đa quốc nữa.”
Sự phân vân đó đã được phơi bày hôm thứ tư khi một trong những tên tuổi lớn nhất của kỹ nghệ Hoa Kỳ, kể cả ông Tim Cook của Apple và ông Mark Zuckerberg của Facebook, đã tụ tập ở Seattle cho điều sau cùng là một cuộc giảng bài của ông Tập. Khi giấy mời được đưa ra, một số những người tham dự đã hy vọng có được một cuộc đối thoại cởi mở về các vấn đề từ tấn công tin tặc đến ăn cắp sở hữu trí tuệ của họ bởi các công ty Trung Cộng. Sau cùng thời biểu chỉ có đủ thời giờ để họ nghe bài diễn văn của ông chủ tịch.
Chính Phủ Obama cũng lâu nay không tìm ra được ai là cố vấn của ông Tập cho chính sách ngoại giao. Các viên chức nói họ không biết rõ về ảnh hưởng của ông Dương Khiết Trì, quốc vụ khanh mà trên nguyên tắc lãnh đạo ngành ngoại giao trong chính phủ Trung Cộng. Trong khi ông Tập được nghĩ là đã tự quyết định về nhiều chính sách ngoại giao, những người thân ông Tập nghĩ là có một ảnh hưởng lớn gồm có ông Vương Hộ Ninh, một nhà cựu khoa bảng nay đang ở Bộ Chính Trị, và ông Sái Tề, một cựu bí thư thành ủy Hàng Châu, hiện nay là viên chức cao cấp của Ủy Ban Chứng Khoán Quốc Gia. Ngay cả các nhà học giả Trung Cộng, vốn có liên hệ nhiều với bang giao Mỹ Trung và thường xuyên giải thích cho giới lãnh đạo cũng công nhận họ không biết phương thức ông Tập xác định chính sách ngoại giao.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Cộng của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) cũng phải chỉ ra, “Thật khó cho Chính Phủ Obama khi họ muốn gửi đến quan ngại hay là trông đợi của họ cho cấp cao nhất của hàng lãnh đạo Trung Quốc.” Một nhà khoa bảng thuộc viện đại học Bắc Kinh thì bảo “nhiều nhà khoa bảng nói là họ hiểu ông Tập đoán sai hết.”
Đến chính phủ Hoa Kỳ còn không hiểu ông Tập thì các nhà kinh doanh Hoa Kỳ lại càng mù mịt. Khi mời các lãnh tụ trong các ngành kỹ thuật cao, cùng với những tổng quản trị của nhiều ngành kỹ nghệ đến một buổi họp vào ngày thứ nhì khi ông Tập đến Seattle, được coi là để chứng minh cho sự quan trọng của các công ty Hoa Kỳ về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ông Tập đã dùng bài diễn văn để trấn an các lãnh tụ doanh nghiệp Hoa kỳ về các vấn đề kinh tế và thương mại, khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trừng phạt những tội phạm Internet cũng như khoe kiến thức của ông về văn hóa Hoa Kỳ, nhắc đến Sleepless in Seattle, House of Cards của Netflix và The Old Man and the Sea của Ernest Hemingway. Xin đừng hỏi tại sao một cuốn phim, một chương trình TV và cuốn sách đầy triết lý của Hemingway có cái gì giống nhau.
Thực ra, theo các chuyên gia về Trung Cộng thì các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng bi quan về việc đầu tư ở đó. Cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh ông Jon Huntsman giải thích, “Trong suốt 35 năm theo dõi liên hệ Mỹ Trung và tham gia trong đó, tôi chưa hề thấy lúc nào mà cộng đồng kinh doanh, khu vực tư của liên hệ đó, lại chán đời hơn bây giờ.”
Điều tốt nhất đạt được trong chuyến viếng thăm của ông Tập đối với các nhà kinh doanh Hoa Kỳ là một loạt những liên minh kỹ thuật, mặc dầu những liên minh này không hứa hẹn cho các công ty Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Các công ty như Google không thèm đến dự, bởi họ biết là không ích lợi gì.
Kết quả là từ các doanh nghiệp đến chính phủ Hoa Kỳ, mặc cho những nghi thức ồn ào và ngoạn mục, kể cả 21 phát đại bác và quốc yến tại Tòa Bạch Ốc, nhưng đằng sau những nghi thức đó, ông Tập sẽ đối diện với một Hoa kỳ đang muốn có một lý do để có một thái độ đối đầu hơn với Bắc Kinh về cả thương mại lẫn an ninh.
Từ Ngũ Giác Đài đến bộ tư pháp, chính phủ Obama đang chuẩn bị những biện pháp nghiêm khắc hơn chống lại Trung Cộng từ tin tặc đánh cắp bí mật nghề nghiệp đến cố gắng của Bắc Kinh để kiểm soát Biển Đông. Cho đến nay, Chính Phủ Obama vẫn còn cố gắng để đi tìm một giải pháp ổn thỏa. Ngay như việc phản ứng về Biển Đông chẳng hạn. Ngũ Giác Đài và các ông tướng đã nhiều lần đòi được quyền đi tàu vào vùng hải phận 12 hải ký và không phận của những hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nhưng cho đến nay tòa Bạch Ốc từ chối cho phép họ làm vậy.
Giáo Sư Thời Ân Hoằng, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ của Viện Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh lo ngại, “Theo mọi chỉ dấu, Trung Quốc của ông Tập vẫn muốn làm chủ trong toàn thể Biển Đông. Những chiến thắng nhỏ từng bước một có thể làm cho Hoa Kỳ sau cùng nói ‘đủ rồi.’ Những kế hoạch chiến lược và tiệm tiến này có thể chính lại là điều động viên được Hoa Kỳ và các đồng minh phản ứng mạnh hơn.”
Thành ra, dầu có hiểu hay không hiểu ông Tập, đến một lúc nào đó chính phủ Hoa Kỳ phải hành động.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?