Biển Đông sẽ căng thẳng hơn sau khi Tập Cận Bình thăm Mỹ


Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Trường Sa. Hình minh họa.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Trường Sa. Hình minh họa.

Hồng Thủy

Thông tấn xã Đài Loan ngày 26/9 đưa tin, trong hội nghị thượng đỉnh Trung – Mỹ ngày 25/9, Tổng thống Obama và người đồng nhiệm Tập Cận Bình đã “giao tranh” về vấn đề Biển Đông. Học giả Đài Loan chuyên nghiên cứu về Biển Đông Tống Yên Huy bình luận, Obama và Tập Cận Bình ai nói nấy nghe, nguy cơ xung đột ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục và thậm chí có khả năng nghiêm trọng hơn.
Từ năm 2014 trở lại đây, việc Trung Quốc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã khiến các quốc gia trong khu vực bất an, đồng thời uy hiếp trực tiếp đến chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ. Obama cho biết, ông đã nói với Tập Cận Bình về những quan ngại nghiêm trọng xung quanh hoạt động bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo và đe dọa tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Tập Cận Bình thì nhắc lại cái gọi là “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông và khăng khăng nói rằng hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa “không nhằm vào và không ảnh hưởng đến quốc gia nào!”. Ông Bình nói, Trung Quốc vẫn ủng hộ quản lý tranh chấp thông qua đối thoại và bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do qua lại ở Biển Đông.
Những phát biểu này của Tập Cận Bình chỉ là nhắc lại những gì ông đã nói với tờ The Wall Street Journal trước khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Tống Yên Huy cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nhắc đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng mỗi nước đều tìm kiếm những gì có lợi cho mình trong luật pháp quốc tế để bảo vệ, luật pháp quốc tế không thể xử lý được vấn đề tranh chấp chủ quyền phức tạp (?!).
Trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với ông Obama, ông Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ sớm hoàn thành đàm phán ký kết COC. Tuy nhiên thực tế Trung Quốc và ASEAN mới chỉ đạt được nhận thức chung về COC chứ không có bất kỳ tiến triển nào tiến tới ký kết bộ quy tắc này (vì Bắc Kinh tìm mọi cách chây ỳ, né tránh).
Tống Yên Huy nhận định, Bắc Kinh đang ra sức thúc đẩy cái gọi là Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 liên quan đến các nước ven Biển Đông. Sự thúc đẩy này của Trung Quốc cùng với chiến lược an ninh quốc gia mới, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ khống chế Biển Đông. Trong khi đó dưới áp lực từ quốc hội Hoa Kỳ và bầu cử Tổng thống năm tới, nhiều khả năng Washington cũng sẽ có biện pháp cứng rắn hơn trên Biển Đông.
Ngày 17/9 Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ lại một lần nữa hối thúc Nhà Trắng cho Lầu Năm Góc điều tàu chiến, máy bay quân sự qua lại phạm vi 12 hải lý vùng biển và không phận quốc tế xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp và xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa.
Trong tình huống này học giả Tống Yên Huy nhận định, nguy cơ xung đột ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục. Các nước ven Biển Đông sẽ liên kết chặt chẽ với Mỹ – Nhật – Úc chống lại xu hướng bành trướng của Bắc Kinh.
H.T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bien-Dong-se-cang-thang-hon-sau-khi-Tap-Can-Binh-tham-My-post162067.gd

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?