Syria đứng đầu nghị trình họp LHQ
Theo BBC
28 tháng 9 2015
Cuộc xung đột Syria là tâm điểm của các hoạt động ngoại giao ráo riết tại New York, nơi các lãnh đạo thế giới đang tới dự Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có các cuộc trao đổi hiếm hoi với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để nói về các đề xuất của mình.
Nga đã gợi ý những kế hoạch nhằm hình thành một nhóm liên lạc quốc tế về vấn đề Syria, gồm có Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Saudi và Ai Cập.
Nga là đồng minh then chốt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Lãnh đạo các nước phương Tây gần đây đã tỏ ra mềm mỏng hơn đối với ông Assad, và thừa nhận rằng ông có thể ở lại trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị.
Mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan và dòng người tỵ nạn Syria đổ vào châu Âu càng làm cho việc tìm kiếm thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này trở nên cấp bách hơn.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho rằng cả Nga và Hoa Kỳ cùng có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria và tháng tới, bên cạnh các nước Ai Cập, Iran, Ả-rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin RIA Novosti tường thuật.
Ông Putin đã tái khẳng định việc ông ủng hộ Tổng thống Assad, người mà các nước phương Tây và phe đối lập Syria nói là phải ra đi.
Ông Putin, người mạnh mẽ củng cố sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria, đã kêu gọi có một "cơ cấu phối hợp" trong khu vực để chống lại IS, và nói binh lính của Tổng thống Syria là "lực lượng quân đội chính quy hợp pháp duy nhất tại đó".
Ông nói Nga sẽ không tham dự vào bất kỳ chiến dịch triển khai binh lính nào tại Syria.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào thành của mình hồi năm ngoái và ủng hộ cho các phiến quân muốn ly khai ở miền đông Ukraine.
Ông Putin cũng sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề các phiên họp, Điện Kremlin được hãng tin Reuters dẫn lời.
Tổng thống Rouhani - một đồng minh then chốt của Tổng thống Assad tại khu vực - nói rằng chính quyền Damascus "không thể bị suy yếu" nếu các dân quân IS bị đánh bại.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói các nỗ lực "vẫn chưa được phối hợp với nhau" và Mỹ có "những quan ngại về việc chúng ta sẽ đi tới ra sao".
Nhận xét
Đăng nhận xét