"BẠN LÀ TÀI SẢN CỦA NƯỚC MỸ"


Theo Dân Quyền VN

 

Việc đưa thẳng bà Tạ Phong Tần từ nhà tù Việt Nam sang tới Mỹ vào hôm 19/9, mà trước đó đã có rất nhiều trường hợp tương tự, gần đây nhất là trường hợp của Điếu Cày, đã cho thấy Mỹ rất sẵn lòng "hốt" tù nhân lương tâm ở Việt Nam qua làm công dân Mỹ. 
Xem xét quá trình để đưa một tù nhân lương tâm ở Việt Nam sang Hoa Kỳ là cả một quá trình khó khăn lâu dài về mặt ngoại giao và chính trị. Cũng từ đó chúng ta sẽ tự hỏi tại sao Mỹ lại đi làm công việc khó khăn này và lợi ích mà Mỹ nhận được là gì khi theo đuổi chính sách này?
 


Tôi đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này qua trường hợp một cô bạn của tôi, khi tôi đón cô ấy ở sân bay khi từ Mỹ trở về VN. Được sự đồng ý của cô ấy, tôi muốn chia sẽ với các bạn một câu chuyện. Câu chuyện này sẽ phản ảnh cho mối quan hệ tay ba giữa chính quyền Mỹ- chính quyền VN- và người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Chuyện là như vầy: 
Bạn tôi là một người con gái ngoài tuổi 30, kiên trung và mạnh mẽ, hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Cô ấy được nhiều Đại sứ quán các nước tại VN viết thư đề cử cho học bổng danh giá nghiên cứu về Dân chủ và Nhân quyền tại một trường đại học ở Mỹ. Và cuối cùng cô ấy được cấp suất học bổng toàn phần này. Tới Mỹ, họ cấp cho cô ấy một tòa biệt thự trên một ngọn đồi. Không gian sống ở đây theo cô ấy miêu tả là cứ như thiên đàng. 
Vài tháng trước khi cô ấy hoàn thành xong chương trình học, Bộ Ngoại giao Mỹ mời ở lại Mỹ để tiếp tục nghiên cứu và sinh sống ở đây. Tuy nhiên cô ấy đã từ chối lời mời với một trong các lý do là "không muốn làm gánh nặng cho nước Mỹ". 

Phía Mỹ đã phản hồi lại rằng: "Không. Bạn không phải là gánh nặng. Bạn là tài sản của nước Mỹ." (No, you're not a burden. You are an asset for the US.)

Cuối cùng, cô ấy vẫn quyết định trở về Việt Nam. Khi vừa đặt chân xuống sân bay ở quê nhà, cô đã bị an ninh câu lưu và thẩm vấn. Trong lúc thẩm vấn, một nhân viên an ninh đã nói với cô ấy rằng: "Sao không ở lại bên đó luôn đi, chứ về lại đây làm chi nữa?". 
Cô ấy đáp: "Tôi chỉ có một đất nước!".
 

Sau khi lục soát vali, một viên an ninh hỏi: "Đi Mỹ về có thế này thôi à? Iphone đâu cả rồi?". 

"Tôi không thích công nghệ, không quan tâm". Cô ấy trả lời. 

Viên an ninh này liền nói: "Giá như chị cứ đam mê công nghệ cho chúng tôi được nhờ... Về nước rồi thì thôi đi, đừng có viết lách về chính trị nữa".

Qua câu chuyện này, bạn đánh giá ra sao về chính sách của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam đối với những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền? Có phải chính sách này đã làm nên một quốc gia cường quốc hoặc đẩy một quốc gia trở thành nhược tiểu hay không? 

"Bạn là tài sản của nước Mỹ?”. Thật vậy, nước Mỹ không thể giàu mạnh nếu như họ không xây dựng, duy trì và bồi đắp tài sản của mình là các thành tố làm nên hệ thống dân chủ và nhân quyền như ngày hôm nay. 

Không chỉ riêng Mỹ, mà các quốc gia Phương Tây vẫn theo đuổi chính sách nhất quán và đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này. Sẵn sàng theo đuổi chính sách bền bỉ dù khó khăn, chấp nhận bị nghe chửi là "can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam", để giải cứu từng tù nhân lương tâm, và sẵn sàng đưa các tù nhân này sang nước mình. 

Trong khi đó hàng trăm ngàn người tỵ nạn Syria đã đứng chờ sẵn ở biên giới của các quốc gia này, thì họ lại đóng cửa biên giới, đùn đẩy cho nhau mà không cho vào. 
Đơn giản vì họ phân biệt được đâu là tài sản và đâu là gánh nặng. 
Nhìn lại Việt Nam thấy thật đáng tiếc, khi chính quyền VN không những không trân trọng mà sẵn sàng vứt bỏ nguồn tài sản giá trị này.

P.L.V.C.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?