Mỹ - Nga đụng độ quyết liệt về cách giải quyết khủng hoảng Syria
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 28/9/2015.
Theo VOA
29.09.2015
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đụng độ quyết liệt hôm thứ Hai tại Liên Hiệp Quốc về việc làm thế nào để kết thúc bốn năm chiến sự ở Syria.
Trước một cuộc họp mặt đối mặt giữa hai nhà lãnh đạo thế giới diễn ra sau đó trong ngày, ông Obama nói với Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hàng năm rằng sau rất nhiều cảnh đổ máu và tàn sát, Syria không thể quay trở lại hiện trạng trước chiến tranh được nữa. Ông kêu gọi một "quá trình chuyển tiếp có kiểm soát" để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nhưng ông Putin, trong phát biểu đầu tiên của mình tại Liên Hiệp Quốc sau một thập niên, cảnh báo rằng sẽ là một "sai lầm hết sức to lớn" nếu không hợp tác với chính phủ Assad trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo Syria. Ông kêu gọi một "liên minh rộng lớn" chống lại những chiến binh Nhà nước Hồi giáo, giống như một liên minh "chống Hitler" chiến đấu cùng nhau trong Thế chiến thứ hai.
Ông Obama nói rằng "không có câu trả lời đơn giản" cho chiến sự tại Syria, nhưng cho biết ngoại giao phải được sử dụng để "tạo dựng một thỏa thuận (để người dân Syria) chung sống với nhau một cách hòa bình." Ông lên án ông Assad là nhà lãnh đạo đã "ném bom thùng xuống người dân của mình ... một cuộc tấn công nhắm vào tất cả nhân loại chúng ta."
"Thảm họa như ở Syria không diễn ra ở các nước nơi có nền dân chủ chân chính," ông Obama nói thêm.
Nhà lãnh đạo của Mỹ kêu gọi thế giới khước từ chiến tranh và xung đột và thay vào đó tham gia những nỗ lực ngoại giao mới để giải quyết những cuộc xung đột trên toàn cầu.
"Nếu chúng ta không thể hợp tác với nhau," ông Obama nói, "tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tất cả chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi chúng ta làm việc cùng nhau."
Tuy nhiên, ông Obama cũng bênh vực sức mạnh quân sự của Mỹ và những chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Ông cho biết Nhà nước Hồi giáo sẽ không bao giờ có một "nơi trú ẩn an toàn."
Ông chỉ trích Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine một năm trước và sự can dự của Nga hỗ trợ thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Ông nói những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Moscow là cần thiết vì không có nước nào có thể làm ngơ việc xâm chiếm Crimean "mà không bị trừng phạt."
"Nếu điều đó xảy ra mà không có hậu quả ở Ukraina, nó có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào tụ họp ở đây hôm nay," ông Obama nói.
Các quan chức chính quyền Obama đã nhiều lần nói rằng một quá trình chuyển tiếp chính trị không thể xảy ra ở Syria chừng nào ông Assad vẫn còn nắm quyền. Đó dự kiến sẽ là vấn đề trọng tâm trong cuộc hội kiến Obama-Putin, là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên của họ kể từ hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 năm 2013. Sự kiện này diễn ra sau nhiều lần yêu cầu của Moscow, theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest. Nó cũng được đưa ra giữa lúc Nga mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria.
"Tổng thống Obama sẽ nói rõ ràng một lần nữa rằng việc Nga tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ cho chế độ Assad là một ván cược cầm chắc phần thua," ông Earnest nói với các phóng viên hồi tuần trước.
Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Obama nói rằng khi các nhà lãnh đạo thế giới tin tưởng người dân nước họ và mở đường hướng đến dân chủ thì đó "không phải sự yếu ớt, mà sức mạnh"
"Lịch sử cho thấy những nước phớt lờ người dân của họ cuối cùng sẽ sụp đổ," ông nói.
Ông Obama chỉ ra những hiệp ước quốc tế đã hoàn tất hồi gần đây chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân làm ví dụ cho cách mà ngoại giao có thể hữu hiệu, trong khi các nước phải bị bắt chịu trách nhiệm vì vi phạm luật lệ quốc tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét