Công an giết người, mức án nhẹ hơn trẻ con gây thương tật công an

Bởi Admin
28/11/2015
Người Buôn Gió
Điều 16 của hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định.
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vừa qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 toà án Long An đã thể hiện sự "bình đẳng" trong hiến pháp đó bằng cách xét xử một bị cáo 15 tuổi với tội danh "cố ý gây thương tích".
Nguyên nhân sự việc là chính quyền Long An tiến hành cưỡng chế đất của gia đình em Mai Trung Tuấn. Bất bình trước việc cưỡng chế này, em Mai Trung Tuấn ở tuổi 15 đã dùng a xít hắt vào trung tá công an Nguyễn Văn Thuỷ.
Em Tuấn bị khép vào khoản 3 của điều 104 tội cố ý gây thương tích. Ở khoản này hình phạt là 5 đến 15 năm tù giam. Mức án bốn năm rưỡi tù giam là dưới khung hình phạt này để thể hiện cho tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với trẻ em.
Nhưng nếu sự thật chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói. Thứ nhất báo chí Việt Nam gọi sự có mặt của ông Thuỷ hôm đó là ở trong đoàn '' vận động cưỡng chế ''. Thực chất đây là một đoàn cưỡng chế có lực lượng vũ trang tham gia vào ngày xảy ra vụ việc. Không phải là cuộc vận động, nói chuyện bình thường. Báo chí đưa từ '' vận động '' vào để làm tăng nặng thêm tội cho Mai Trung Tuấn và làm giảm nhẹ hành vị bạo lực của đoàn cưỡng chế. Và ông Nguyễn Văn Thuỷ, trưởng công an xã có mặt để chỉ huy lực lượng công an dùng vũ lực để cưỡng chế, phá huỷ nhà của gia đình Mai Trung Tuấn chứ không phải ông có mặt để thực hiện mục đích ôn hoà là '' vận động''
Theo kết luận của giám định thì ông Nguyễn Văn Thuỷ, trung tá công an bị tổn hại 35% sức khoẻ. Ông Thuỷ ra toà với sức khoẻ hoàn toàn bình thường, thậm chí là còn khoẻ mạnh so với người bình thường. Luật sư Nguyễn Văn Miềng hoài nghi về kết quả giám định thương tổn của ông Thuỷ, sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở khi nhận định thương tật từ những vết sẹo chấm trên người ông Thuỷ ở phần lưng và cả sẹo ở phần ngực. Biên bản giám định thương tật không hề đề cập đến nguyên nhân của các vết sẹo từ đâu ra, chỉ tính sẹo trên tất cả cơ thể ông Thuỷ để kết luận thành tổn thương 35%. Đây là hành vi chủ ý của chính quyền, cốt kê khai để nhằm mục đích đạt mức 35% tổn thương. Vì phải đạt 35% mới đưa em thiếu niên Mai Trung Tuấn vào tội cực nghiêm trọng theo khoản 3 điều 104, qua đó xét xử em với mức án nặng nề.
Trong một vụ tạt a xít khác chúng ta có thể đối chiếu với vụ này, toà án Đồng Tháp vào ngày 19 tháng 8 năm 2014 xét xử thầy giáo Nguyễn Minh Tiên vì tội tạt a xít vào đồng nghiệp. Các hành vi của Tiên được mô tả thì có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động đi mua a xít, tìm mọi cách để thực hiện hành vi đến cùng, chủ động tìm người bị hại để ra tay, tạt cả vào những người can ngăn, hất thẳng vào mặt ở cự ly gần mà người bị hại hoàn toàn bất ngờ không phòng bị. Thế nhưng Nguyễn Minh Tiên chỉ bị kết án có 4 năm tù, ít hơn em Mai Trung Tuấn.
Đối chiếu hai vụ tạt a xít trên, chúng ta hoàn toàn thấy khái niệm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật chỉ là trò đùa. Thực ra giáo trình luật của trường đại học Việt Nam đã chỉ rõ, luật pháp nhằm bảo vệ chế độ nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trong khi đó thì hiến pháp gọi lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực để bảo vệ chế độ CHXHCN Việt Nam. Ở đây ông Nguyễn Văn Thuỷ là công cụ để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, cho nên việc xâm phạm đến ông Thuỷ là xâm phạm đến chế độ CHXHCNVN, xâm phạm đến Đảng.
Bản án dành cho Mai Trung Tuấn, thiếu niên 15 tuổi này không chỉ là tội cố ý gây thương tích, vì nếu quy chiếu với vụ án tạt a xít gây thương tích của thầy giáo Nguyễn Văn Tiên, thì em Tuấn không thể nào bị kết án nặng hơn ông thầy giáo này. Ở tuổi 15, hành động vô thức trong lúc bị kịch động, a xít có sẵn trong nhà do nghề nghiệp gia đình, nạn nhân chủ ý mò đến nhà Tuấn để cưỡng chế nhà cửa của gia đình cháu Tuấn. Giám định thương tật mơ hồ, không có kết luận thương tật vĩnh viễn ảnh hưởng đến sức khoẻ, lao động. Cháu Tuấn bị kết án nặng hơn thầy giáo Tiên, vì cháu xâm phạm đến Đảng, đến chế độ CNXH mà ông Thuỷ là người đại diện. Đây mới là bản chất thực của vụ án này.
Đối chiếu một vụ án khác xảy ra năm 2012 tại Hà Nội, trung tá Vũ Văn Ninh trong khi xử lý vi phạm giao thông, đã bẻ cổ ông Trịnh Xuân Tùng vật xuống đất và đánh đập, sau đó mang về đồn khoá xích lại. Ông Tùng nôn mửa, gia đình đến xin đưa cấp cứu và cho ăn. Trung tá Ninh không cho mang đi và còn nói ông Tùng giả vờ.. 5 tiêng sau ông Tùng hôn mê công an mới đưa đi cấp cứu thì ông Tùng đã tử vong do bị chấn thương đốt sống cổ. Hành vi của trung tá Vũ Văn Ninh là cực kỳ man rợ, là người có vũ thuật được đào tạo, có quyền lực do chế độ cung cấp. Ông trung tá Vũ Văn Ninh đã dùng những thứ được đào tạo và cung cấp để giết chết một người dân thường. Ở vụ án này tuy gây chết người bằng hành vi cố ý, nhưng ông trung tá Vũ Văn Ninh chỉ có bị kết án 4 năm tù, dưới cả mức án mà cậu bé Mai Trung Tuấn bị toà Long An tuyên.
Công an giết người mức án nhẹ hơn trẻ con gây thương tật nhẹ cho công an, đến nay thì ông Nguyễn Văn Thuỷ người được cho là thương tật 35% do bé Tuấn gây ra vẫn công tác bình thường, không hề có dấu hiệu suy giảm sức khoẻ khiến ông ta mất sức lao động.
Tất cả các tình tiết của các vụ án nếu trên, dẫn đến kết quả cho thấy điều 16 của hiến pháp nước CHXHCN VN là lừa đảo, dối trá như những điều khác trong bản hiến pháp này. Thực tế cách hành xử , áp dụng luật của nhà nước Việt Nam luôn đi ngược lại những gì hiến pháp quy định. Sự phân biệt trắng trợn trong vụ án xét xử em bé Mai Trung Tuấn mới 15 tuổi là vết bẩn nhơ nhuốc nhất, rõ ràng nhất quệt vào bản hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Chế độ XHCN do Đảng CSVN cai trị đã bất chấp quyền trẻ em, bất chấp sự khách quan, công bằng để chà đạp nên bất cứ ai có hành động phản kháng lại chế độ. Và bản án cho Mai Trung Tuấn là bản án dành cho người dám phản kháng lại chế độ chứ không phải là bản án cho người cố ý gây thương tích thông thường.
Thông điệp mà chế độ CSVN gửi đi đến dân chúng ngày càng tàn bạo và man rợ. Trong thông điệp gửi đến nhân dân qua việc xét xử Mai Trung Tuấn, CSVN muốn nói rằng đến cả trẻ con chúng cũng sẵn sàng tìm mọi cách để nâng tình tiết cho tội nặng thêm, cũng như chúng đã từng bịa đặt ra tình tiết để khép tội phụ nữ, người già trong những vụ án có tính chất chính trị.
Trước kia trong thời kỳ đóng cửa, bị cô lập cấm vận. Những hành động trắng trợn chà đạp lên pháp luật như thế này được chế độ công an trị sử dụng tràn lan, rộng rãi, công khai. Nhưng đến nay Việt Nam đã hội nhập với thế giới, thông tin đã rộng mở, đa chiều. Đem sự bất công, thủ đoạn để hành pháp như ngày trước vào thời đại mới là việc làm ngu xuẩn. Chính những hành động ngu xuẩn thế này khiến cho xã hội bất an hơn. Nó cũng cho thấy chế độ CSVN đang bế tắc không tìm ra được cách văn minh, tiến bộ nào để bảo vệ mình trước thời đại mới. Buộc phải dùng đến những thủ đoạn cũ kỹ, man rợ từ hàng chục năm trước áp dụng vào thời cuôc ngày nay. Càng chứng tỏ CSVN đang đi đến sự giãy dụa, suy tàn của những con ác thú đến ngày tận số.
[*] Tiêu đề do Ban Biên Tập đặt
- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151128/cong-an-va-tre-con#sthash.YMfcGEYb.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn