Điểm báo Pháp ngày 28-11-2015




Hiệu ứng nhà kính là một thực tế liên tục bị phủ nhận trong nhiều thập niênGETTYIMAGE

Trái đất bị hâm nóng : Nửa thế kỷ phủ nhận

Thượng đỉnh khí hậu sẽ khai mạc ngày thứ Hai tới tại Paris. Đe dọa khủng bố đè nặng lên sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nhân loại là quan tâm xuyên suốt các báo ra cuối tuần, 28/11/2015. « Paris được bảo vệ cao độ vì COP 21 » là tựa lớn trang nhất Le Figaro. Libération chạy tựa chính : « Thượng đỉnh bị siêu bao bọc ». Chủ đề chính của Phụ trương Văn hóa & Tư tưởng của Le Monde : « An ninh và các quyền tự do : thế nào là cân bằng ? ». Hiểm họa khủng bố cao độ không ngăn cản báo chí dành chú ý đặc biệt cho khí hậu. « Khí hậu : 50 năm bị phủ nhận » là tựa đề hồ sơ chính của phụ trương Le Monde.







Đại diện gần 200 quốc gia tụ hội tại Paris để tìm một đồng thuận toàn cầu nhằm giảm khí thải cacbon, ngăn chặn tốc độ Trái đất bị hâm nóng, với mục tiêu chung không để nhiệt độ tăng quá 2°C. Việc chính quyền các nước cuối cùng chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng về mục tiêu chung nói trên là kết quả của những nỗ lực vô cùng bền bỉ. Bài « Khí hậu : 50 năm bị phủ nhận » của Le Monde thuật lại một vài nét lớn của quá trình vô cùng gian nan này.
« Khí hậu : 50 năm bị phủ nhận » mở đầu với một thời điểm lịch sử : năm 1988, khi nước Mỹ phải đối mặt với đợt nắng hạn chưa từng có. Đại diện của NASA chuyên về khí hậu thừa nhận : khả năng 99% Trái đất đang bắt đầu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát ra từ các hoạt động của con người. 1988 cũng là năm đầu tiên khối G7, các cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới, yêu cầu Liên Hiệp Quốc lập ra GIEC, Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề Trái đất bị nóng lên do các hoạt động của con người được cảnh báo. Thực tế này đã được nhiều nhà khoa học báo động với giới chính trị ngay từ những năm 1950-1960, với nhiều bằng chứng. Người được coi là đã thông báo hiểm họa này đầu tiên trước Quốc hội Mỹ là nhà đại dương học Roger Revelle, vào năm 1956. Theo nhà xã hội học Stefan Aykut, đồng tác giả cuốn sách quan trọng « Liệu có thể quản trị được khí hậu ? », một loạt cảnh báo trong những năm 1960-1970, với các bằng chứng khoa học được tập hợp ngày càng nhiều hơn.
Tính chất nước đôi của các cường quốc
Việc thành lập nhóm GIEC năm 1988 cho thấy các cường quốc muốn quốc tế hóa vấn đề này, tuy nhiên, cùng lúc đó là nỗ lực kiểm duyệt các kết luận khoa học ngay trong chính GIEC. Bản báo cáo đầu tiên của GIEC ra đời hai năm sau đó khẳng định một quan điểm nước đôi : « Việc Trái đất bị hâm nóng là điều có thể dự kiến được, nhưng chưa được xác định một cách chắc chắn ».
Bài « Khí hậu : 50 năm bị phủ nhận » cho thấy nỗ lực đạt dến nhận thức chung về hiện tượng Trái đất bị hâm nóng đã liên tục bị ngăn chặn như thế nào. Phải đến năm 1995, cộng đồng quốc tế mới tổ chức được một thượng đỉnh đầu tiên (COP). Và phải đến ba năm sau nữa, thế giới mới đạt được một hiệp ước đầu tiên về khí hậu mang tính cưỡng chế tại Kyoto, năm 1997. Hiệp ước Kyoto được đánh giá là đầu voi, đuôi chuột, bởi chưa bao giờ thể thức cưỡng chế này được cụ thể hóa. Hoa Kỳ - nước phát thải lớn nhất lúc đó – đã không phê chuẩn Kyoto, và một loạt các quốc gia công nghiệp khác cũng từ bỏ.
Trong thời gian đó, lượng khí thải do các nước đang trỗi dậy phát ra tăng lên với tốc độ chóng mặt : năm 2012 tăng gấp ba so với năm 1990, vượt xa khối các nước công nghiệp phát triển (20 tỷ tấn CO2 - trong đó riêng Trung Quốc chiếm khoảng gần ½ - so với 13 tỷ của khối các nước công nghiệp).
Bài « Khí hậu : 50 năm bị phủ nhận » cũng điểm lại những nỗ lực kể từ thất bại của Thượng đỉnh COP 15 tại Đan Mạch, để cộng đồng quốc tế một lần nữa tụ hội trước một cơ hội lịch sử tại Paris, 60 năm sau lời báo động khẩn thiết của Roger Revelle trước Quốc hội Mỹ.
« Sau ngày 13/11 là một thế giới khác »
Thượng đỉnh khí hậu Paris diễn ra trong bối cảnh nguy cơ khủng bố bao trùm. « Sau ngày 13/11 là một thế giới khác » là hàng tựa lớn của tuần báo Le Courrier International.
« Châu Âu phải hành động tập thể » là tựa đề xã luận của tuần báo quốc tế Pháp, với nhận định : « Và cái đêm khủng khiếp ấy, một chút tin tưởng cuối cùng còn lại vào Châu Ấu đã mất đi ». Xã luận báo động : « Hiệp ước Schengen đã lập ra một không gian tự do lưu thông, nhưng tin tức tình báo lại không được chia sẻ. (…) Trong nhu cầu khẩn cấp hiện tại, nhiều nước – trong đó có Pháp – đã thiết lập việc kiểm soát biên giới, và ít nhất cũng có ý định xem xét lại hiệp ước Schengen. (…) Thiếu một trung tâm đủ mạnh, các lực ly tâm đang đe dọa xé Châu Âu ra thành nhiều mảnh nhỏ ».
Để giải quyết được bế tắc này, theo Le Nouvel Observateur (bài « Châu Âu trong hầm trú ẩn »), « không phải là một lần nữa lên án Châu Âu, hay cổ vũ cho một Châu Âu ít vai trò hơn nữa, mà ngược lại. (…) Việc lập nên một cơ quan điều tra kiểu FBI của Châu Âu chắc chắn không đơn giản hơn so với việc lập nên một ngân hàng trung ương Châu Âu (điều mà châu Âu đã làm được). Tuy nhiên, dù chậm còn hơn không ».
« Nước Pháp sẽ khải hoàn từ cơn nguy biến » 
Trong bối cảnh không khí chống khủng bố căng thẳng, L’Express có bài phỏng vấn Tổng thống Hollande với tựa đề chính trên trang nhất : « Khủng bố, Khí hậu. Nước Pháp sẽ khải hoàn từ cơn nguy biến ».
Xã luận tuần báo L’Express khẳng định : « Hành động kháng cự đầu tiên là không được liên tục nghĩ đến nguy cơ khủng bố, bác bỏ thiên hướng rơi vào hoang tưởng. (…) Điều đó không có nghĩa là phủ nhận nguy cơ và phủ nhận nỗi lo sợ ; nỗi sợ là yếu tố của tinh thần kháng cự, nó là nguồn lực của sự cảnh giác. Thái độ đúng đắn là không được sợ hãi cho bản thân mình, sống một cách bình thường, nhưng trước hết lo sợ cho những người mà mình yêu thương, và yêu thương hơn nữa, với niềm nhiệt thành cao gấp bội ».
L’Express cảnh báo tình trạng nhiều hoạt động tập thể bình thường (đặc biệt là hoạt động ở nhà trường) bị các cấp thừa hành hoãn lại với lý do nguy cơ khủng bố, trong khi đó « văn hóa, hội hè, hoạt động tập thể » là « các vũ khí chống khủng bố của nền dân chủ ». « Đi nhà hát, nghe hòa nhạc, đến nhà hàng » chính là các hành động kháng chiến.
COP 21 : An ninh và Tự do ngôn luận
Thượng đỉnh COP 21 chính là lúc mà nền dân chủ Pháp đồng thời phải đối mặt với thách thức về an ninh và thách thức bảo đảm các quyền tự do căn bản, đặc biệt là tự do ngôn luận. Tờ Le Figaro nhận định : với sự hiện diện của lãnh đạo 150 các quốc gia, thủ đô nước Pháp sẽ trở thành « một siêu cơ hội truyền thông » đối với mọi nhóm cực đoan đang tìm cơ hội khẳng định mình. Le Figaro nhấn mạnh : giả thuyết « khủng bố trả đũa » cần phải được các cơ quan an ninh nhìn nhận « nghiêm túc nhất ».
Libération cũng thừa nhận tình trạng an ninh được siết chặt vào dịp COP 21, nhưng đặc biệt lo ngại tình trạng khẩn cấp, với mức độ kéo dài và các biện pháp của nó, « trên thực tế ngăn cản quyền tự do biểu đạt của xã hội » về biến đổi khí hậu.
12 biện pháp để xã hội dân sự lên tiếng tập thể
Theo Libération, lệnh cấm biểu tình trong thời gian diễn ra thượng đỉnh sẽ bó hẹp quyền tự do biểu đạt của 14.000 đại diện chính thức của « xã hội dân sự ». Vậy làm thế nào để các đại diện này có thể nói lên quan điểm của mình ?
Tờ báo thiên tả dành hai trang để giới thiệu một cẩm nang với 12 kinh nghiệm, hay 12 hoạt động, nên tham khảo để có thể tác động được đến COP 21, trong tình trạng chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp, cấm biểu tình. Ví dụ như « biểu tình trên mạng », tham gia thượng đỉnh Các công dân vì khí hậu tại Montreuil (ngày 05-06/11/2015) ; tham gia dự án trồng cây công dân của hiệp hội Verges urbaine, tại nhiều địa điểm ở Paris ; tham gia cuộc diễu hành của hàng nghìn đôi giày tại quảng trường République (Cộng hòa) vào sáng ngày mai – như một hành động ủng hộ cuộc tuần hành tượng trưng vì khí hậu ; một dòng người nối tay nhau trên các vỉa hè nối liền hai quảng trường Cộng hòa và Dân tộc cũng là một hoạt động khác nhằm thay thế cho cuộc diễu hành ngày 29/11 bị hủy bỏ...
Trong cẩm nang của Libération cũng có một đề xuất, « biểu tình bất chấp lệnh cấm », với nguy cơ bị phạt tới 75.000 euro và án tù 6 tháng. Các thành viên hiệp hội Désobeissance kêu gọi mọi người lặng lẽ tới quảng trường Cộng hòa trưa Chủ nhật như dự kiến, với ý thức « tưởng niệm cùng lúc các nạn nhân khủng bố, và các nạn nhân của biến đổi khí hậu ».
Fabien Clain – đầu não mạng lưới khủng bố Pháp
Trở lại với vấn đề khủng bố, tuần báo Le Nouvel observateur có hồ sơ về « Fabien Clain, 15 năm thánh chiến nhãn hiệu Pháp ». Chuyên mục tập trung lột tả hình ảnh kẻ đứng đằng sau một loạt các vụ khủng bố trong những năm gần đây, bao gồm loạt khủng bố Paris 13/11, vụ tàu Thalys bị ngăn chặn, tấn công Charlie Hebdo hồi đầu năm… Các thông tin điều tra cho thấy, hàng chục kẻ khủng bố, bị bắt, bị giết, tự sát, đang trốn chạy hay đang có mặt tại Syria, đều có quan hệ xa gần với Fabien Clain, 37 tuổi, có biệt danh là « Omar ».
Theo nhiều nhân chứng, đây là một nhân vật có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đến nhiều thanh niên có xu hướng cực đoan hóa. Tìm hiểu hành trạng của Fabien Clain và các đệ tử chính là đi vào trung tâm lịch sử của hoạt động khủng bố tại Pháp từ hơn một thập niên nay. Phóng sự điều tra của Doan Bui đặc biệt chú ý đến các ảnh hưởng về mặt tôn giáo của thủ lãnh Daech tại Pháp đến các thiếu niên thành phố Toulouse.
Hiện tại, theo cơ quan an ninh, Fabien Clain đang có mặt tại Syria.
Báo độc lập Trung Quốc lột mặt con số tăng trưởng chính thức
Nhìn sang Trung Quốc, tuần báo Le Courrier International có bài viết đáng chú ý « Trung Quốc : một sự tăng trưởng dối lừa ». Bài viết được đăng tải trên một trang mạng độc lập có trụ sở tại Hồng Kông, Duanchuanmei/Đoan Truyền Môi (The Initium.com), lột trần sự giả dối của các con số thống kê chính thức, về mức độ tăng trưởng của Trung Quốc, tuy chậm lại, nhưng vẫn xấp xỉ 7%.
Theo ngòi bút độc lập Trung Quốc Wen Kejian, chính sách chấn hưng kinh tế của Trung Quốc (năm 2008) đã tạo ra một tình trạng sản xuất dư thừa, nợ nần chồng chất (đến hơn 250% GDP) và sự hình thành của nhiều thành phố ma. Tuy nhiên, vẫn theo bài viết, đa số công chúng hiện nay đã hiểu ra sự thật và tìm ra được cách đọc riêng cho mình về sự thật đằng sau các con số thống kê chính thức. Chỉ riêng trong quý 3/2015, việc khoảng 300 tỷ đô la vốn đã được chuyển ra khỏi Trung Quốc cho thấy « áp lực hết sức lớn đối với trị giá các cổ phiếu bằng tiền yuan », « nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng tiền tệ là chưa bao giờ lớn như vậy ». Bài viết dự báo Trung Quốc chưa bao giờ gần với "thời điểm Minsky" đến như vậy (thuật ngữ nói trên chỉ tình trạng các nhà đầu tư buộc phải bán ồ ạt cổ phiếu để trả nợ, do thiếu thanh khoản, làm tăng cao nguy cơ sụp đổ tài chính). 
Duanchuanmei.com là một trang mạng thông tin độc lập, thành lập tại Hồng Kông hồi tháng 8/2015, để tránh kiểm duyệt tại Hoa Lục. Trang mạng có mục tiêu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về thời sự Trung Quốc, đặc biệt với các điều tra, và việc phân tích các dữ liệu thống kê. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?