Tin Việt Nam – 28/11/2015
Việt Nam sẽ tập trận chung với Nga lần đầu tiên vào năm 2016
Một trong những đơn vị vũ trang hỗn hợp của quân khu phía Đông của quân đội Nga sẽ tham gia tập trận chung với Việt Nam ngay trên lãnh thổ Việt Nam vào năm tới, người đứng đầu bộ phận báo chí của quân khu phía Đông của Nga cho biết hôm thứ Năm.
“Đây là kế hoạch điều động một trong các đơn vị vũ trang hỗn hợp đang đóng quân ở khu vực Amur”, Đại tá Alexander Gordeev cho biết.
Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa đưa ra thông tin liên quan đến cuộc tập trận này.
Quân khu phía Đông là một trong bốn tư lệnh chiến lược hoạt động của Các lực lượng Vũ trang Nga. Quân khu được thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống ký hồi tháng 9/2010.
Nga hiện đang thực hiện chương trình tái vũ trang với chi phí $325 tỷ USD để hiện đại hóa 70% quân đội vào năm 2020. – VOA
Khách ‘bị ngăn đến đám hỏi Thanh Nghiên’
Đám hỏi của nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã diễn ra ‘gần như trọn vẹn’ ở Hải Phòng dù một số khách mời ở Hà Nội bị an ninh ngăn không cho đi dự.
Bà Phạm Thanh Nghiên, 38 tuổi, từng bị án tù giam bốn năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước, mãn hạn tháng 9/2012.
Bà kết duyên với ông Huỳnh Anh Tú, cựu tù chính trị mãn án 14 năm tù năm 2013.
Bà kết duyên với ông Huỳnh Anh Tú, cựu tù chính trị mãn án 14 năm tù năm 2013.
Hôm 28/11, trả lời phỏng vấn của BBC, Phạm Thanh Nghiên nói: “‘Đám hỏi của tôi diễn ra gần như trọn vẹn, dù một số khách mời như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội… không đến được vì an ninh ngăn cản.”
Bà nói thêm là dù công an giao thông, mật vụ, an ninh… canh gác các ngả đường dẫn vào nhà bà nhưng ‘không có việc gì xảy ra ngoài ý muốn’.
“Tôi và anh Tú đến với nhau, ngoài chuyện cùng chung lý tưởng còn là tôn trọng nhân cách của nhau,” bà nói.
Những ‘kỷ lục’ buồn
Trước đó, bà Nghiên viết trên Facebook: “Nếu chính quyền ngăn chặn cả đoàn xe của chú rể thì tôi sẽ lập một số kỷ lục sau:
Người đầu tiên tọa kháng chống Tàu ngay trong nhà mình mà bị bắt và kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế
Một trong những người tù nhân lương tâm bị triệu tập nhiều nhất trong thời gian quản chế: khoảng 40 lần.
Mẹ tôi qua đời năm 2014 nhưng khi mang tro cốt xuống nghĩa trang thì chính quyền địa phương ra lệnh “không được chôn vì liên quan đến chính trị”.
“Cảm ơn vì đã lập kỷ lục cho tôi, những ‘kỷ lục’ không ai muốn lập và không một xứ tử tế nào muốn có.”
Hôm 24/11, ông Tú chia sẻ một status dành cho vợ: “Dù quen biết em chỉ hơn một năm, nhưng ít nhiều anh cũng cảm nhận được bao thăng trầm sóng gió mà em đã gánh chịu suốt mấy mươi năm trời. Tuy là thế, nhưng em luôn giữ được thái độ lạc quan yêu đời, luôn quan tâm và lo lắng đến mọi người. Với anh, em chính là món quà thiêng liêng mà Chúa đã ban tặng cho anh. Anh hứa sẽ trân trọng và gìn giữ món quà này bằng cả trái tim của mình.”
Hôm 27/11, luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những khách mời không đến được, gửi lời cáo lỗi và cho biết thêm trên Facebook: “Hai sĩ quan an ninh, một của bộ, một của sở mời tôi đi uống cà phê để vận động tôi không đi đám hỏi ở Hải Phòng. Tôi hỏi họ lý do tại sao? Thì họ trả lời do có đông người tới dự nên tình hình nhạy cảm và phức tạp.”
“Tôi nói với họ đám cưới nào cũng đông người cả, đám hỏi chị Nghiên chắc chỉ vài chục người là cùng. Tôi nói tiếp với họ: Các anh ngăn chặn tôi thế này vừa vi phạm Hiến pháp, pháp luật vừa đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam.”
“Họ im lặng chấp nhận là những người chà đạp hiến pháp và vi phạm đạo đức.”
Trong cuộc phỏng vấn trước đây với BBC, Phạm Thanh Nghiên nói bản án đối với bà là ‘bất công’ và nói thêm: “Tôi hoàn toàn vô tội. Những gì tôi nói hoàn toàn xuất phát từ sự thật và những gì tôi làm xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm.”
Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục các hoạt động như chiến dịch Nhân quyền 2015, Công dân tự do, Cà phê nhân quyền, Chúng tôi muốn biết…
Bà được tổ chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman/Hammett năm 2009. – BBC
Nhận xét
Đăng nhận xét