Điểm báo Pháp ngày 26-11-2015



media

Cảnh sát đứng gác chung quanh trụ sở Tổng nha Phản gián Pháp ở Levallois, gần Paris ngày 08/01/2015. AFP PHOTO / KENZO TRIBOUILLARD

Năm lỗ hổng trong ngành tình báo Pháp


Vụ khủng bố thảm khốc tại Paris cách đây hai tuần vẫn còn ám ảnh các báo Pháp số ra ngày 26/11/2015. Sau đợt tòa soạn báo trào phúng « Charlie Hebdo » bị tấn công hồi đầu năm nay và bất chấp các báo động trong những tháng gần đây, các cơ quan tình báo Pháp đã bất lực trong việc giám sát những tên khủng bố ngày 13/11/2015. Libération trên trang nhất bức xúc đặt câu hỏi : « Tình báo: Vì sao chúng ta để chúng lọt lưới ? ».  
Thủng từ trong hệ thống
Tờ báo dành ra bốn trang để điểm ra « Những mắc lưới thủng của ngành tình báo », mà theo nhật báo có đến tổng cộng 5 lỗ thủng. Thứ nhất, « Những mắc lưới thủng ngay trong hệ thống ». Đây chính là hệ quả của việc sáp nhập hai cơ quan giám sát : Nha An ninh Quốc gia (Direction de la Sûreté de l’Etat-DST) và Tổng cục Tình báo (Renseignements généraux – RG) để thành lập Tổng nha Phản gián (Direction centrale du Renseignement intérieur – DCRI) năm 2008.
Cựu Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy muốn chấm dứt sự trùng lắp và thiết lập một hệ thống theo dõi « FBI theo kiểu Pháp ». Hệ quả là sự sáp nhập đó đã làm tan rã những mắc lưới do RG thiết lập từ nhiều năm qua.
Một chuyên gia phân tích lấy làm tiếc rằng : « Tổng cục tình báo RG đã có nhiều mối liên hệ với người dân. Họ có nhiều mối giao tiếp khác nhau (các giáo sĩ, các chủ doanh nghiệp, nhân viên trợ giúp xã hội, láng giềng…) và họ có thể nói chi tiết đôi khi từng con phố một, từng tòa nhà một, nếu như có những vấn đề tồn tại ». 
Còn theo đánh giá của cựu nhân viên tình báo khác, « Phá vỡ RG là một sai lầm chiến lược. Cả một kho dữ liệu về thế hệ khủng bố tiềm tàng đã bị thất lạc, hồ sơ theo dõi bị hủy, các nhóm cảnh sát từng làm việc chặt chẽ với nhau cũng bị phân tán, và ngày nay chúng ta đang trả giá đắt cho sự việc đó ». 
Hệ thống theo dõi lạc hậu
Cánh tay thì cụt mà tầm với lại quá cao. Tầm mức các đối tượng theo dõi gần như vô số kể. Một nguồn tin chính phủ buộc phải thốt lên là : « Ngày nay, chúng ta không chỉ phải để mắt đến những tên trộm cướp cực đoan hóa, mà còn phải chú ý cả những tên điên có khả năng tấn công một căn cứ hải quân bằng dao, những cựu chiến binh thánh chiến thoắt ẩn thoắt hiện, những kẻ vừa ra tù, các em thiếu niên bị cô lập, và có thể kể từ giờ còn phải theo dõi cả người tị nạn nữa… Thật tình mà nói, điều đó đã vượt quá sức cho một Tổng nha phản gián duy nhất ». 
Trong bối cảnh đó, hệ thống theo dõi của Pháp vẫn còn quá mang đậm « một nền văn hóa được kiến tạo từ thời chiến tranh lạnh ». Đó chính là lỗ hổng thứ hai của ngành tình báo Pháp. Tiền thân của Tổng nha phản gián DGSI là DST chỉ chuyên chống gián điệp, chứ không phải là chống khủng bố.
Giữa hai hình thức này có một sự khác biệt rõ nét : Phản gián đòi hỏi nhiều thời gian, xử lý thông tin kiên nhẫn và có một văn hóa bí mật. Trong khi đó, chống khủng bố lại đòi hỏi xử lý nhanh và chia sẻ thông tin. DGSI của Pháp từ hơn 30 năm nay được nuôi dưỡng theo kiểu chiến tranh lạnh và bị ám ảnh bởi hình mẫu gián điệp Nga hay Iran.
Quá lệ thuộc vào công nghệ
Lỗ hổng thứ ba đến từ « Cái bẫy của việc tất cả đều công nghệ hóa ». Cũng trong năm 2008, dưới thời Tổng thống Sarkozy, Pháp quyết định tiến hành cuộc đua công nghệ. Sách Trắng quốc phòng trong năm đó đã tăng chi tiêu cho đầu tư công nghệ trong ngân sách hàng năm của các cơ quan tình báo. Thế nhưng, việc giám sát hàng loạt các dữ liệu giao tiếp, đang dần thay thế cho việc thu thập thông tin từ nguồn nhân lực, đã tỏ ra kém hiệu quả.
Về điểm này, ông Claude Moniquet, cựu nhân viên Tổng cục tình báo DGSE, có giải thích với nhật báo như sau : « Xin ngân sách cho một chiếc siêu máy tính còn dễ hơn là cho người làm tại địa bàn ». Nhưng ông Moniquet cũng không quên nhấn mạnh là : « Ngành tình báo đầu tiên hết là con người. Còn kỹ thuật chỉ là công cụ hỗ trợ ». Nhất là khi phải đối phó với những tên khủng bố không sử dụng các phương tiện giao tiếp điện tử, như Oussama Ben Laden là một ví dụ điển hình.
Thiếu một đội ngũ chuyên gia phân tích
Quá dựa vào công nghệ nhưng lại « thiếu hẳn khả năng phân tích » là lỗ hổng thứ tư. Ngành tình báo Pháp hiện đang thiếu các chuyên gia có thể diễn giải và phân tích các thông tin thu thập được. Một lỗ hổng thường xuyên bị chỉ trích. « Họ cứ lẫn lộn giữa thu thập và phân tích ». 
Một cựu nhân viên an ninh cho biết : « Tổng cục tình báo từng là một bộ phận rất tinh thông kỹ thuật phân tích, giờ lại trở thành một cơ quan kỹ thuật, nhưng có một năng lực phân tích kém cỏi. Trong khi đó, họ rất cần chuyên gia phân tích để hỗ trợ lẫn nhau ». 
Châu Âu nói nhiều làm ít
Lỗ hổng cuối cùng nhật báo điểm ra chính là « Tại Châu Âu : sự hỗ tương chỉ là tối thiểu ». Các nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu (EU) đề ra rất nhiều biện pháp hợp tác, nhưng vẫn còn xa mới thực hiện được. Mặc dù là EU có cả Europol , trụ sở tại La Haye, nhưng Libération cho rằng vẫn còn xa cơ quan này mới thành « FBI của Châu Âu ». 
Bởi vì tình báo, cảnh sát, tư pháp và quốc phòng vẫn còn là chuyện nội bộ của từng nước thành viên. Cho đến giờ, việc chia sẻ các thông tin giữa các nước với nhau vẫn còn gặp khó khăn. Phải đợi đến tháng Giêng năm 2013 và nhất là sau vụ tấn công « Charlie » ở Paris đầu năm 2015, các nước thành viên mới bắt đầu trao đổi danh sách các nghi can theo dõi.
Pháp đơn độc chống khủng bố ?
Pháp sau vụ khủng bố đang cố vận động thành lập một liên minh lớn chống Daech. Chỉ trong mấy ngày Tổng thống Pháp đã tiếp Thủ tướng Anh David Cameron tại Paris, gặp đồng nhiệm Mỹ tại Washington, và hôm nay gặp đồng nhiệm Nga tại Matxcơva. Thế nhưng, theo quan sát của báo Le Monde, « Liên minh lớn chống IS đang gặp bế tắc ». 
Bế tắc là vì « Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS », mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc Ankara bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga. Sự việc cũng đặt ông « Hollande vào thế kẹt giữa Obama và Putin » như tựa đề bài viết trên trang 3.
Giữa một bên là liên quân gồm 65 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu, trong đó có Pháp cũng như các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Một liên quân rộng lớn với những ưu tiên khác nhau, không có một chiến lược chung nào. Đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là mắc xích yếu nhất trong liên minh.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, là điểm trung chuyển của quân thánh chiến về nhân lực, tài chính và vũ khí. Nhưng trong cuộc chiến chống IS này, Ankara có hai mục tiêu rất rõ ràng : kềm hãm sự đi lên của vùng tự trị Kurdistan ngay trước cửa nhà mình và hạ bệ ông Bachar al-Assad.
Nhưng vì cũng cần đến căn cứ không quân tại Incirlik, Hoa Kỳ buộc phải dàn xếp với đồng minh Thổ, bằng cách giảm bớt việc giao vũ khí cho quân Kurdistan tại Syria. Trong khi đó, Paris lại rất muốn dựa vào đội quân này để tiến hành phản công vào Raqqa, thủ phủ quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Bên kia là liên quân Nga-Iran, kích cỡ tuy nhỏ hơn, nhưng quyết tâm hơn và có chiến lược rõ ràng hơn. Nga bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện của họ tại Syria. Do đó, Matxcơva quyết định ủng bộ chế độ Damas và đè bẹp cùng lúc quân nổi dậy và quân thánh chiến IS.
Le Monde lưu ý là ý định rõ ràng đó chưa chắc đảm bảo được một sự thành công tại một đất nước Syria Hồi giáo phần đông theo hệ phái Sunni, và rất căm ghét gia tộc Assad thuộc hệ phái Alawite hiện đang cầm quyền.
Paris, sau vụ khủng bố hôm 13/11 vừa muốn xích lại gần Nga, nên không còn đặt sự ra đi của Bachar như là một điều kiện tiên quyết nữa, vừa lại muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ. Thế nhưng Washington lại tỏ ra ngờ vực Matxcơva.
Cuộc hội đàm Hollande-Obama đã cho thấy rõ là một liên quân toàn cầu khó mà thực hiện được. Vụ bắn rơi chiến đấu cơ Nga đã chứng tỏ là ai cũng khư khư giữ lấy lợi ích riêng của mình trong khu vực. Le Monde kết luận : Đây quả là « Cuộc đua việt dã ngoại giao đầy khó khăn của ông Hollande ».
Chưa biết sáng kiến liên minh chống Daech của ông Hollande rồi sẽ đi đến đâu, chỉ biết là « Châu Âu đang khép cửa với người tị nạn ». Theo La Croix, kiểm soát các đường biên giới giữa các nước đã được tái lập. Còn tại các nước vùng Balkan, công tác sàng lọc người xin tị nạn đã được tiến hành theo từng quốc tịch. La Croix nghi ngại các biện pháp trên có những tác động nghiêm trọng lên người tị nạn.
2015 : Năm nóng nhất chưa từng có
Kể từ thứ Hai 30/11/15 tới lãnh đạo 195 quốc gia họp tại Paris cho thượng đỉnh về khí hậu COP21. Các báo Pháp hôm nay nhân sự kiện này bắt đầu đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến khí hậu. La Croix công bố một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố một báo cáo cho rằng, « năm 2015, năm nóng nhất chưa từng có ».
Nhưng với Le Monde, có lẽ chính việc diện tích rừng « Amazonia giảm : động cơ của hiện tượng trái đất ấm dần ». Rừng Amazonia đang lâm nguy. Từ nhiều năm nay và có thể cho nhiều năm nữa, khu rừng lớn nhất hành tinh, lá phổi xanh của Trái Đất , trải rộng trên một diện tích 6,5 triệu km², đi từ Brazil, bọc qua Bolivia, Peru, Guyane…) đang bị tàn phá dần.
Khu rừng ngày càng thu hẹp lại dần để lấy đất cho nông nghiệp hay để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hay giao thông. Diện tích rừng hẹp lại cũng khiến cho « lá phổi xanh » ngày càng khó giữ được vai trò điều chỉnh khí hậu quan trọng của mình.
Les Echos cũng không mấy lạc quan hơn khi thông báo : « Thượng đỉnh về Khí hậu : những tin tức xấu liên tiếp dành cho điện Elysée ». Sau Hoa Kỳ, đến phiên Trung Quốc cho biết sẽ không đề xuất những nhượng bộ mới hay mục tiêu cải thiện tại bàn đàm phán. Về phần Ba Lan kiên quyết bảo vệ nguồn năng lượng than đá của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?