TIN VIỆT NAM

Tàu chiến Trung Quốc ‘chĩa súng’ vào tàu Việt Nam — Đài Loan tìm kiếm một vai trò trong vụ tranh chấp Biển Đông
Trung Quốc “điều khoảng 10 người mặc quân phục, dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, báo chí trong nước dẫn lời các nhân chứng cho biết như vậy.
Lời kể của thuyền trưởng Trần Văn Nga được đăng tải trên truyền thông trong nước hôm 26/11, 13 ngày sau khi vụ việc xảy ra.
Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc công ty bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo cũng được dẫn lời xác nhận tàu Hải Đăng 05 của công ty này đã bị “hai tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa ngày 13/11”, khi tàu này đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây hiện do Việt Nam kiểm soát.
Theo lời kể của ông Nga, không chỉ vây ép mà tàu chiến của Trung Quốc cũng “bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi”. Báo chí Việt Nam đã cho đăng hình ảnh cũng như một đoạn video về sự cố trên.
Trong khi đó, ông Hiết cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bị tàu của Trung Quốc vây ép như vậy.
Hồi tháng 10 năm nay, theo ông, một tàu khác của công ty cũng đã lâm vào tình huống tương tự khi đi tiếp tế cho công nhân tại các trạm hải đăng ở Trường Sa.
Các tàu của Việt Nam thời gian qua thông báo nhiều vụ bị tàu của Trung Quốc “vây ép, rượt đuổi” ở biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện nhiều hành động khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.
Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam “phải tăng cường quốc phòng, an ninh” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. – VOA
***
Đài Loan là một trong những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính phủ ở Đài Bắc lâu nay vẫn bị gạt qua bên lề của vụ tranh chấp sôi nổi này vì bị Trung Quốc che phủ. Giờ đây, trong lúc Philippines thách thức những yêu sách của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế ở La Haye, Đài Bắc đang tìm cách khẳng định những yêu sách của mình một cách rõ ràng hơn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Khi còn là một viên sĩ quan trẻ trong lực lượng hải quân của Trung hoa Dân quốc, ông Miêu Vĩnh Khánh đã tham gia một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và ghé vào đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình).
Vị cựu đô đốc từng giữ chức tư lệnh hải quân Đài Loan thuật lại như sau:
“Hai năm sau khi tôi ra trường vào năm Dân quốc thứ 55 (1966), tôi làm phó hạm trưởng chiến hạm Thái Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là tu bổ bia chủ quyền trên những hòn đảo mà chúng tôi được cho biết đã bị Philippines phá hoại”.
Ông Miêu cho biết không có vụ đụng độ nào xảy ra trong chuyến công tác đó. Nhưng ông nói rằng việc khẳng định những yêu sách chủ quyền của Đài Loan hiện nay vẫn quan trọng y như trước.
“Nước nào cũng phải kiên quyết 100% trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng lịch sử”.
Đảo Ba Bình, phần nổi bật nhất của những yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, giờ đây có một sân bay cùng với các cơ sở quân sự và khí tượng, nhưng những công trình này không phải được xây trên đất đai được bồi đắp, như Trung Quốc đã làm hồi gần đây ở Biển Đông.
Trong lúc Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về các yêu sách chủ quyền, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đến đảo ba Bình trong tháng 12 để tái khẳng định yêu sách của Đài Loan.
Ông William Stanton, cựu giới chức ngoại giao Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết những hành động của Đài Loan sẽ được theo dõi rất kỹ vì họ có những yêu sách giống như Bắc Kinh. Nhưng ông nói thêm rằng so với Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng hơn trong việc tuân hành một phán quyết của tòa án quốc tế.
“Vì Đài Loan muốn tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh hơn, họ thường tuân hành các quyết định của Liên Hiệp Quốc mặc dù họ không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ đặt Đài Loan vào một vị thế rất khó khăn”.
Những yêu sách chủ quyền của Đài Loan cũng là một vấn đề đang được bàn tới trong những cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng ở đảo quốc này.
Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của phe đối lập, là người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Bà đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại với những nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc. Nhưng hiện nay, mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và kinh tế của Đài Loan là những vấn đề chính, và vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục là một mối quan tâm thứ yếu đối với cử tri Đài Loan. – VOA
Lãnh đạo Việt Nam phải tuyên thệ ‘trung thành với dân’
Thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phải “tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp” khi nhậm chức.
Đây là một trong các nội quy kỳ họp quốc hội sửa đổi mới được thông qua sáng 24/11 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016.
Theo đó, người tuyên thệ “quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và phải đứng trước quốc kỳ tuyên thệ với thời gian không quá 3 phút”.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói thêm với VOA Việt Ngữ về nội quy trên.
“Khi mà quốc hội mới bầu ra các chức danh như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao, thì sẽ có tuyên thệ nhậm chức. Trong hiến pháp thì quy định như thế còn trong cái nội quy kỳ họp của quốc hội thì quy định cụ thể hơn thôi, trình tự, thủ tục phải làm như thế nào. Quy định như thế để thực hiện việc tuyên thệ theo tinh thần của hiến pháp. Các nước họ làm nhiều rồi, như là tổng thống nhậm chức họ làm rồi, còn Việt Nam từ xưa tới nay thì chưa”.
Một số nhà quan sát cho VOA Việt Ngữ biết rằng điều đáng chú ý là “không có đảng trong phần phải tuyên thệ trung thành”.
Hồi tháng Bảy vừa qua, phát biểu tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng quân đội Việt Nam “phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam..”, khác với các tuyên bố trước đó của các nhà lãnh đạo khác, đặt đảng lên đầu.
Nội quy sửa đổi trên được thông qua trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra đại hội đảng lần thứ 12, và tại kỳ họp này, các vị trí chủ chốt trong chính quyền Việt Nam sẽ được xác định.
Hồi đầu năm nay, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội thứ 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.
Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”. – VOA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?