Chợ nổi hoa kiểng ở Sài Gòn
VOA
28/01/2017
Cứ đến gần Tết, bến Bình Đông lại nhộn nhịp, cảnh mua bán trên bến dưới thuyền mang đậm chất Nam Bộ của người dân nơi đây.
Hàng năm, cứ vào tuần lễ cuối của tháng Chạp là có hàng trăm ghe xuồng từ miền tây nhộn nhịp chở hoa kiểng cập dọc kênh Tàu Hủ, tạo thành chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền rất thú vị tại bến Bình Đông này. Phần lớn ghe hoa kiểng ở đây là của nông dân xứ Cái Mơn, Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Nét chân chất, quê mùa của người bán thể hiện ngay trong cách trò chuyện với khách, khi mà anh thanh niên xứ Cái Mơn than đi ghe cực do con nước bị cạn, nhưng khuôn mặt luôn tươi roi rói với nụ cười.
“Cái quảng đường từ ở dưới đi lên đây có cái trở ngại là nước. Thì nước cũng hơi bị cạn nên đi nó hơi trễ, thì rồi vô bến thì ghe nhiều quá thì mấy ghe trễ vô bến cực dữ lắm. Ghe năm nay, ghe tắc nó lớn quá, ghe em vô khó vô dữ lắm vô. Bị ghe lô, thì lô mua có bề ngang có 3 mét, mà đi ghe tới 6 mét hoặc 7 mét lận…”.
“Nói thì phải cực rồi, rất là cực luôn. Công đoạn cây mai làm ra cái sản phẩm thì phải để từ 3 năm đến 4 năm mới được thành phẩm một cây mai. Năm rồi thì cũng có được như em muốn, nhưng năm nay thì chưa biết ra sao. Thì giá thành hiện nay ở đây thì giá so mọi năm chắc hổng hơn nỗi”.
Ông chủ ghe tên Khanh, cũng cười roi rói khi thấy người mua đông đúc: “Tăng, tăng hơn mọi năm. Thấy người ta mua hơn mọi năm đó!”.
Chẳng ai rõ chợ hoa Tết ở bến Bình Đông có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi tàu thuyền trên kênh Tàu Hủ lưu thông vào Chợ Lớn, dịp Tết đến là hoa trái khoe sắc trên bến lẫn dưới thuyền. Công bằng mà nói thì bến Bình Đông ngày Tết không hẳn là chợ nổi trên sông, nhưng nó lại vừa mang vẻ đẹp của một chợ hoa truyền thống ở đồng bằng Nam Bộ, vừa mang nét đẹp dung dị của khu chợ nổi trên vùng sông nước miền Tây thân thuộc được hòa vào trong không gian nhộn nhịp và chật chội của đô thị Sài Gòn.
Thương hồ hoa kiểng chia sẻ với VOA rằng miệt Bến Tre vừa rồi chịu cảnh hạn mặn kéo dài, nên mấy chủ ghe cứ sợ khách chê, khi nhiều loại cây kiểng bày bán có phần không ưng ý lắm.
Ông Khanh, than: "Nước mặn, nước nổi quá nên hổng làm được suông sẻ, chị. Khó khăn nhất là nước mặn mà nhà nước chưa có đê bao nên mình làm hổng được suông sẻ."
Ông chủ ghe xứ Cái Mơn, tình thiệt nói rằng, “Cái khó đó là năm nay thời tiết nó hơi nghịch. Mưa gió quá, mai cũng hổng được đạt gì mấy so với mọi năm trước. Mong muốn làm sao cây mai nó rất đẹp, và nở hoa đúng tết cho bà con ở năm sau em cũng lên bán tiếp tục vậy đó”.
Đêm cuối ở chợ hoa kiểng bến Bình Đông, ông Khanh mong mỏi: “Yêu cầu cái sản phẩm của mình làm ra thì yêu cầu làm sao mình bán được hết là mình mừng rồi”.
29 Tết là đêm cuối cùng của mùa hoa kiểng bán Tết Đinh Dậu ở bến Bình Đông. Cây kiểng vẫn còn tràn ngập chợ. Mấy năm gần đây do tiền bạc không còn được rộng rãi như trước, nên người Sài Gòn thường để đến sáng 30 khi hoa kiểng đại hạ giá, người ta mới tranh nhau mua. Thế nhưng năm nào cũng vậy, dân thương hồ vẫn cứ ước mong mùa Tết tới sẽ đông khách chơi hoa kiểng hơn. Và trong niềm hy vọng đó, trưa 30 Tết, các chủ ghe bắt đầu rời kênh Tàu Hủ, tạm biệt Sài Gòn để xuôi con nước về quê chuẩn bị cho cúng giao thừa.
Nhận xét
Đăng nhận xét