Tin Việt Nam – 31/01/2017

Tin Việt Nam – 31/01/2017

Hai nhà hoạt động:

Hình ảnh Tổng bí thư chúc Tết trông giả tạo

Báo chí chính thống và mạng xã hội ở Việt Nam chiếu cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết dân ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Theo tường thuật của truyền thông, hôm 28/1 tức mùng 1 Tết Đinh Dậu, ông Trọng đã cùng một số quan chức đi xe buýt, sau đó đi bộ, thắp hương tại các di tích lịch sử, chúc Tết người dân, bế và mừng tuổi một vài em nhỏ ở vườn hoa Lý Thái Tổ.
Một số người viết trên mạng xã hội rằng việc làm của ông Trọng là “hình ảnh đẹp đầu xuân”. Một số người khác nói “cần có nhiều hơn” những chuyến vi hành của các vị lãnh đạo “vào cả những ngày bình thường nữa” để họ “hiểu hơn thực trạng của đất nước”.
Trong khi đó, có nhiều người khác xem việc ông Trọng và các lãnh đạo Hà Nội đi chúc Tết là những hình ảnh “kịch cỡm”, “giả tạo”.
Anh Trịnh Bá Phương, một nhà đấu tranh về quyền đất đai, nói với VOA:
“Đây là một vở diễn để gần dân. Ông Trọng bế những đứa trẻ như thế, nhưng thực tế là trong những ngày giáp Tết, có nhiều đứa trẻ phải xa mẹ của nó như trường hợp của hai đứa con của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những con nhỏ của chị Nga. Cả chị Thúy Nga và chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì đang ở trong tù. Nhà nước cộng sản họ bắt bỏ tù những người mẹ để họ cách ly những đứa con ra khỏi mẹ là những tội ác. Trong khi những người bị bắt hoàn toàn vô tội. Họ chỉ đòi quyền căn bản của con người thôi”.
Hai bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga đã bị nhà chức trách Việt Nam lần lượt bắt vào tháng 10/2016 và tháng 1/2017, với cáo buộc là hoạt động “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nhà hoạt động vì dân chủ Lã Việt Dũng cũng chung suy nghĩ với anh Phương. Anh bình luận thêm:
“Công an dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản đã bắt người ta ngay trước Tết, không cho những đứa trẻ đấy được ăn Tết, mà ông Trọng lại thể hiện hình ảnh là ông ta rất là yêu nhi đồng. Đó là hình ảnh tương phản. Một lãnh đạo Đảng Cộng sản có vẻ rất thương yêu nhi đồng trong khi cấp dưới đã bắt những người mẹ chỉ vì họ lên tiếng phản đối những chính sách của Đảng Cộng sản”.
Anh Dũng cho rằng các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cần gặp gỡ những người dân khác, trong các hoàn cảnh khác để thực sự gần dân và hiểu được những gì người dân đang phải trải qua:
“Ông ý nên đi thăm dân oan. Bây giờ thì ở Trung tâm tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở Hà Đông thì dân oan họ vẫn cơ cực, họ vẫn ở đấy. Thì ông ấy nên đi thăm để ông ấy hiểu cuộc sống người ta khổ như thế nào, và ông ý cũng như Đảng Cộng sản họ có cái phương hướng giải quyết một cách triệt để cho người dân, cho dân oan thì hơn. Ông ý cũng có thể đi những nơi người dân họ nghèo khổ nhiều hơn là ông ý đi trên một chiếc xe buýt long lanh như vậy”.
Nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương chỉ ra rằng nhiều người dân ở vùng Dương Nội, Hà Đông gặp nhiều bất công khi đất đai lâu đời của họ bị lấy để phục vụ các dự án phát triển đô thị. Giờ đây họ bị thất nghiệp và nghèo khó. Anh nói “nếu muốn tạo hình ảnh gần dân”, ít nhất ông Trọng “phải đến gặp những người dân oan như chúng tôi”.
Ở một bình diện rộng hơn, anh Phương nói về những việc chính quyền cần làm để tạo lòng tin trong nhân dân:
“Lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi tất cả các cơ chế, thay đổi chính sách, phải thay đổi luật đất đai, để trả cho người dân quyền tư hữu đất đai. Một lãnh đạo, một chính phủ phải là do người dân bầu lên. Tôi có lời khuyên cho họ là hãy cứ để bầu cử tự do để dân lựa chọn ra những người có tâm, có tầm, có tài đức. Chắc chắn lúc đó những người nào hoàn thành tốt nhiệm vụ dân giao thì người đó sẽ được dân tin nhiệm. Hiện nay họ tự bầu với nhau. Họ phải trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam”.
Anh Phương khẳng định hiện nay người dân vẫn đang ở trạng thái “bị cai trị” chứ không phải là những người làm chủ đất nước.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức nhất quyết ‘không đi lưu vong’

Gia đình của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tới thăm ông vào buổi sáng ngày 29/1 tức mùng 2 Tết Đinh Dậu, tại một trại giam ở Nghệ An. Em trai của ông Thức là Trần Huỳnh Duy Tân cho VOA biết ông Thức kiên định về lập trường cố hữu, là sẽ không ra nước ngoài tị nạn.
Sáu người gồm cha, 2 chị gái, em trai và vợ con ông Thức đã đến thăm ông tại Trại số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Theo lời kể của ông Tân, trong buổi thăm kéo dài 1 tiếng đồng hồ, gia đình đã nhắc đến việc nhà đấu tranh Đặng Xuân Diệu mới đây đã được ra tù trước hạn rồi đi Pháp ngay lập tức, nhưng ông Thức kiên quyết khẳng định sẽ không làm như vậy. Ông Tân nói:
“Anh nghiêm mặt lại và ảnh nói với gia đình đừng có nói cái chuyện đi nữa. Ảnh nói sự thay đổi sẽ rất là nhanh chóng mà không có gì ngăn cản sự thay đổi đâu. Anh rất kiên định trong vấn đề anh ở lại, không có đi tị nạn”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, hiện đang thụ án 16 năm về cáo buộc là có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tính đến thời điểm này, ông đã trải qua hơn 7 năm rưỡi trong tù.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho hay ông Thức không được nhà chức trách xem xét giảm án vì ông Thức vẫn khẳng định ông “không có tội để phải nhận tội”.
Cũng trong buổi thăm, giây phút xúc động nhất là khi ông Thức nhận món quà tinh thần từ gia đình. Ông Tân kể lại:
“Gia đình chuẩn bị một bài hát là bài ‘Tình mẹ mênh mông’. Bài này là do anh Thức viết thơ, nhạc của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, được nhạc sĩ Trần Hưng và Tuấn Khanh phối âm. Gia đình cũng mang cái máy MP3 vào cho ảnh nghe. Được cán bộ trại giam họ tạo điều kiện cho anh Thức nghe cái bài hát đó, cái bài hát của ảnh đó. Thì ảnh thấy cũng giống như món quà đối với ảnh, thì cũng có niềm vui cho ảnh”.
Em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức tả lại rằng về mặt tinh thần ông “rất là vui” khi được cha, chị em và vợ con vào thăm trong ngày Tết. Về mặt sức khỏe, ông Thức “cũng bình thường, không có gì khác thường”, theo lời của ông Tân.
Ông Tân cho biết từ nơi giam giữ, ông Thức có một số thông điệp gửi đến những người bên ngoài, tuy nhiên, do thư từ của ông Thức vẫn phải qua quá trình kiểm duyệt của chính quyền nên gia đình chưa nhận được những bức thư đó:
“Thông qua gia đình, ảnh nhắn lời chúc Tết của ảnh cho tới mọi người ở bên ngoài. Ảnh có nói với gia đình trong thư số 81 ảnh gửi về nhà, nhưng mà gia đình chưa nhận được cái thư đó. Trong cái thư đó ảnh có nói ảnh chúc Tết mọi người. Đồng thời, ảnh có bức thư ảnh gửi ông [Tổng bí thư] Nguyễn Phú Trọng, thì gia đình cũng chưa biết nội dung như thế nào. Cái thư 82 sau đó thì ảnh nói ảnh cũng gửi cái thư đó cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước mình đó. Sau khi gia đình nhận được cái đó thì cũng sẽ công bố cho mọi người biết. Ngoài ra, anh có bài thơ Táo quân, ảnh gửi ra trực tiếp cho gia đình nhưng mà bên phía công an họ giữ lại. Họ nói là bài thơ này phải qua kiểm duyệt mới cho gia đình nhận”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Ông Thức nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế. Các ông Định, Trung và Long đều đã ra tù trong mấy năm trước đây.
Giữa tháng 5 năm ngoái, gia đình ông Thức cho biết ông bị “ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ” nhưng ông đã “bác bỏ ý định đi định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do”.

Ông Trần Đại Quang chúc Tết

gộp Tết Tây – Tết Ta làm một

Trong lúc có nhiều tranh cãi về việc có nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, hay bỏ hẳn Tết Ta, thì chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gộp lời chúc Tết Dương lịch 2017 và chúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu thàng một.
Hôm 28/01, báo Nhân Dân đăng nguyên văn thư chúc Tết của ông Trần Đại Quang, và đài Truyền hình VTV cũng phát sóng trực tiếp bài phát biểu của ông Quang vào đêm giao thừa, tức đêm 27/1, khi hàng triệu người dân hân hoan đón chào thời khắc thiêng liêng, mừng xuân Đinh Dậu.
Ít ai lưu ý rằng, thư chúc Tết “gộp” của ông Quang được đề ngày 1/1/2017, tức là ngày Tết Dương lịch. Bức thư này sau đó được Thông tấn xã Việt Nam đưa lên hệ thống mạng vào ngày 27/01/2017. Tuy nhiên, VTV đã phát hiện ra sự bất thường về cách đề ngày và đã điều chỉnh từ ngày 1/1/2017 thành ngày 28/01/2017, nhưng nội dung không có gì thay đổi, tức là vẫn “gộp.”
Trong đoạn đầu tiên của bức thư chúc Tết vỏn vẹn có 344 chữ, ông Quang đã có ý chúc Tết Dương lịch và Tết Đinh Dậu cho cả người dân Việt Nam và người nước ngoài: “Nhân dịp năm mới 2017 và đón Tết cổ truyền Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào….tôi trân trọng chúc nhân dân các nước trên thế giới, bạn bè quốc tế một năm mới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng.”
Trước đó các trí thức Việt Nam như Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, và Kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng nên gộp Tết Ta vào Tết Tây lại để tránh gây lãnh phí, tập trung phát triển kinh tế, và con cháu những người Việt ở nước ngoài sẽ thuận tiện về thăm gia đình, họ hàng tại Việt Nam.
Nhà giáo Phạm Toàn ở Hà Nội, người đứng đầu nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh Việt Nam, nói với VOA rằng việc bỏ Tết Ta còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện lại cho rằng Tết Âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mùa vụ, lễ hội, cúng tế… hay tâm lý hướng về cội nguồn của người Việt. Vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, người rất gắn bó với lễ hội truyền thống của Việt Nam đã mở diễn đàn trên Facebook lấy ý kiến xoay quanh những tranh cãi này: “Một số người cho rằng Việt Nam, giống như Nhật Bản, nên gộp Tết Nguyên Đán với Tết Dương lịch. Họ cho rằng có hai kỳ nghỉ lễ gần nhau như vậy khiến mất đi quá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến năng suất làm việc tại các cơ quan. Những người khác thì tin rằng nên giữ gìn truyền thống và rằng hai kỳ nghỉ lễ vẫn nên tách biệt. Tôi rất muốn biết quan điểm của các bạn về vấn đề này.”
Khi các tranh cãi còn đang nóng trên diễn đàn, thì bức thư chúc Tết “gộp” của chủ tịch Trần Đại Quang có lẽ đã phần nào phản ánh quan điểm của giới lãnh đạo Hà Nội về việc có nên gộp Tết Ta vào Tết Tây hay không.

Thủ tướng Phúc ‘thăm và báo cáo’ hai vị tiền nhiệm

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm gia đình một số vị tiền nhiệm là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời ‘báo cáo tình hình’ với họ, theo VietnamNet (28/01/2017).
Trang báo chụp ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết nhà của hai cố thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt.
“Tới thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và gia đình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng với những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong giai đoạn ông giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ,” bài báo viết.
Ngoài chuyện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ mong muốn với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng:
“Bằng những kinh nghiệm của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những đóng góp quý báu, tâm huyết với Chính phủ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.”
Báo này cũng nói cả hai ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng “đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo” trong năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm gia đình và thắp hương cho ông Phạm Hùng (1912-1988) người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008).
‘Không thu xếp được lịch’
Đây là một dịp hiếm có trong nhiều tháng qua kể từ lần cuối báo chí đưa tin về ông Nguyễn Tấn Dũng, người làm Thủ tướng Việt Nam một thời gian dài, từ 2006 đến 2016.
Hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã đưa tin khác nhau về công tác của ông Nguyễn Tấn Dũng làm ‘giảng viên’ cho một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin hôm 19/09 “nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM” tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM”.
Nhưng sang ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, lại viết ông Nguyễn Tấn Dũng “không dạy lớp cán bộ TP. HCM” và trích ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên cho biết:
“Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch.”
Ông Ngân cũng giải thích sự việc hôm trước chỉ là ông Dũng “tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường”.
Hồi cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.
Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
“Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh,” truyền thông Việt Nam cho hay.

Cảnh sát Pháp phá vỡ một đường dây

đưa người Việt sang Anh bất hợp pháp

Nguồn tin từ giới điều tra, ngày 30/01/2017 cho AFP biết : Một đường dây đưa người nhập cư Việt Nam từ Pháp sang Anh bất hợp pháp đã bị phá vỡ vào cuối tuần qua.
Hàng chục cảnh sát đã được huy động, với sự hỗ trợ của trực thăng và chó nghiệp vụ, đã phong tỏa một khu lán trại của người Việt, ở Angres, vùng Pas-de-Calais, miền tây bắc nước Pháp.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà điều tra thuộc cơ quan trấn áp nhập cư bất hợp pháp (Ocriest), cảnh sát đã câu lưu khoảng 15 người và tạm giữ 5 người trong đó có 4 người Việt và 1 lái xe taxi người Pháp.
Cuộc điều tra bắt đầu từ hồi tháng 3/2016 và cho thấy có một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp bắt nguồn từ vùng Paris. Những người Việt Nam tự đến Pháp và tại Paris, họ được chở bằng taxi đến Lens, sau đó được đưa vào khu lán trại ở Pas-de-Calais, chờ thời cơ đi sang Anh Quốc.
Những người này phải trả 700 euro để được nhập trại. Sau đó, họ phải chi từ 3500 đến 10 000 euro để được sang Anh. Một khoản tiền lớn trong số này được dùng để chi cho tài xế xe tải hạng nặng có giao kèo với mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp. Cũng có nhiều trường hợp người nhập cư được thả xuống các trạm nghỉ dọc đường và phải tự xoay xở.
Cuộc điều tra khá phức tạp bởi vì « cộng đồng người Việt sống rất khép kín ». Các nhà điều tra cho biết là từ một năm nay, mạng lưới đưa người này đã thực hiện được nhiều vụ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?