Tin Biển Đông – 31/01/2017

Tin Biển Đông – 31/01/2017

Trung Quốc sẽ tuần tra vùng biển phía Nam Philippines?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho biết ông đã lên tiếng nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống các phiến quân Hồi Giáo bằng cách đưa tàu đến tuần tra ở khu vực phía Nam Philippines.
Nói với những tướng lĩnh mới được bổ nhiệm của Philippines vào hôm qua, ông Duterte cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc đưa tầu đến tuần tra ở vùng nước quốc tế mà không nhất thiết xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của các nước khác. Ông cũng nhấn mạnh các tàu tuần tra này không nhất thiết phải là tàu hải quân. Theo ông Duterte đây cũng là cách mà Trung Quốc đã từng làm hồi năm 2009 khi điều một tàu hải quân đến vịnh Aden để bảo vệ các tàu của Trung Quốc trước sự tấn công của hải tặc Somali.
Tổng thống Philippines không cho biết Trung Quốc đã có phản ứng với lời mời này hay chưa.
Chính phủ Philippines cho biết các nhóm phiến quân Hồi giáo tại nước này đang tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm khu vực đảo Mindanao ở miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf gần đây đã tiến hành bắt cóc các thủy thủ và tấn công các tàu trở hàng trong vùng nước giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.

Việt Nam và hoạt động quân sự ở Trường Sa

Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, có bài đánh giá về các hoạt động quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong bài đăng trên trên trang policyforum.net vào ngày 30/01/2017, tác giả nhận định rằng các hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông mặc dù không có quy mô như Trung Quốc nhưng đều được triển khai trước tiến độ và nhằm duy trì cán cân quyền lực trong vùng.
Ông Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm, nhận định việc Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự tại Trường Sa được truyền thông quốc tế quan tâm đăng tải nhiều trong khi chính báo chí, giới chuyên gia an ninh hay giới học thuật ít để ý tới nỗ lực của Việt Nam gia cố 21 cấu trúc mà Hà Nội kiểm soát tại đây.
Trong số 21 kết cấu Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa, 9 là các đảo nổi, 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.
Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây. Điều này nhiều khả năng là tính gộp cả 15 nhà giàn mà Hà Nội gọi là “các cấu trúc dịch vụ kỹ thuật” tại Bãi Tư Chính mặc dù Việt Nam không coi Bãi Tư Chính thuộc Trường Sa.
Hiện không rõ số quân nhân Việt Nam trên 21 cấu trúc là bao nhiêu và người ta ước tính có thể trong khoảng từ vài trăm tới 1000 lính.
Vào năm 2007, Hà Nội đưa ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm kết nối kinh tế miền biển với tài nguyên thiên nhiên, như dầu và khí đốt, trong Vùng Kinh tế Đặc quyền ở phạm vi 200 hải lý.
Trong giai đoạn 2009-2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam lắp các hệ thống radar và viễn thông ở 15 cấu trúc và nâng cấp phòng vệ cho 18 điểm khác.
Trong giai đoạn 2010-2012, Việt Nam xây các tòa nhà hành chính, năm cơ sở quân sự nhiều tầng và một hải đăng tại Đá Tây và trong khoảng 2011-2015, Việt Nam xây bãi đáp trực thăng tại 6 điểm.
Trong khoảng tháng 8/2011 và tháng 02/2015, Việt Nam nâng cấp đáng kể hạ tầng tại Sơn Ca và từ 2014 tới 2015 Việt Nam xây các lô cốt, bến đậu, nhà tại Đảo Núi Le.
Vào ngày 07/05/2015, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa hình ảnh vệ tinh nói rằng Việt Nam đã có thêm 65 ngàn mét vuông [26,304 ha] đất ở Đảo Đá Tây.
Một năm sau cũng tổ chức này đưa tin rằng họ đã kiểm tra 21 cấu trúc Việt Nam kiểm soát và “có chứng cứ rằng 10 trong số này được cải tạo, bồi đắp@.
Hình ảnh được AMTI đưa ra nói rằng Việt Nam tạo ra hơn 120 mẫu [48.6 ha] đất mới ở Biển Đông, phần lớn là tại Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây.
Phần lớn công việc này đã được triển khai trong hai năm qua.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tạo ra gần 3.000 mẫu [1.214 ha] đất mới tại bảy cấu trúc họ kiểm soát tại Trường Sa.
Theo tác giả Carl Thayer, hoạt động xây cất của Việt Nam không chỉ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc mà còn ít phá hoại môi trường, vì không nạo vét quy mô lớn các rạn san hô nơi mà Hà Nội kiểm soát.
Ba diễn biến quan trọng
Giáo sư Carl Thayer cho rằng có ba diễn biến đáng chú ‎y trong năm 2016.
Thứ nhất, vào ngày 09/8/2016 truyền thông đưa tin “trong những tháng gần đây” Việt Nam đã triển khai các giàn tên lửa di động (EXTRA) tại 5 cấu trúc ở Trường Sa.
EXTRA có tầm bắn 150 km và có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu các sân bay của Trung Quốc. Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam bác bỏ tin nói Việt Nam triển khai hệ thống này ở quần đảo Trường Sa “nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào như vậy.”
Thứ hai, ngày 15/11/2016, hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 760 mét đến 1,2 km và đang xây dựng hai nhà để máy bay lớn. Việc mở rộng sân bay mới sẽ cho phép Việt Nam để triển khai phi cơ tuần tra trên biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.
Thứ ba, ngày 30/11/2016, hình ảnh vệ tinh cũng khẳng định Việt Nam bắt đầu nạo vét Đá Lát để mở một kênh mới cho cho các tàu thuyền đánh cá và tàu cung ứng ra vào.
Tác giả cho rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bảo vệ lập trường xây dựng các đảo nhân tạo với l‎y do rằng họ đang làm theo những gì quốc gia tuyên bố chủ quyền đã và đang làm.
“Tuy nhiên các hoạt động của Trung Quốc đã lấn át và tiến xa hơn theo hướng quân sự hóa toàn diện khi so với bất kỳ quốc gia nào đang tuyên bố chủ quyền,” ông Thayer viết.
Trong khi việc Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn để hỗ trợ máy bay tuần tra hàng hải và giàn phóng tên lửa di động EXTRA (nhưng không phải tên lửa) tại năm cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước đi đáng kể trong động thái quân sự hóa, tác giả đánh giá bước đi này không thể sánh với quy mô hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam chỉ bằng 4% tổng diện tích Trung Quốc “cải tạo đảo”.
Tác giả kết luận rằng chính sách của Việt Nam tại vùng Biển Đông có tranh chấp là triển khai một chương trình tự gia cố về quốc phòng (Việt Nam vừa nhận tàu ngầm Kilo thứ sáu và tàu cuối cùng), trong khi dùng các kênh đối thoại với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ (cũng như các cường quốc khác – Nga, Ấn Độ và Nhật Bản) để duy trì sự cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?