Phải chăng vì kiều hối sụt giảm mạnh đến 3 tỷ USD nên chính quyền cần “hòa họp hòa giải”?…
31/01/2017
Vào đầu năm 2017, bắt đầu diễn ra vài động thái “lạ” từ phía chính quyền và khu vực tổ chức phi chính phủ, liên quan đến “hòa hợp hòa giải dân tộc”.
Buổi gặp mặt cựu binh và thân nhân Hoàng Sa - Gạc Ma, ngày 9/1/2017. (Nguồn: Facebook Truong Huy San) |
Tối 9/1/2017, đã diễn ra cuộc gặp mặt “Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma” nhân kỷ niệm 3 năm hoạt động của tổ chức phi chính phủ “Nhịp cầu Hoàng Sa”.
“Nhịp cầu Hoàng Sa” được xem là sáng kiến của một số thanh niên yêu nước, nhà báo, nhà văn, nghê sĩ, trí thức, nhà kinh doanh, nhà giáo, sinh viên trong và ngoài nước, được khởi xướng từ tháng 1 năm 2013. Mục đích của tổ chức này là biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của các quân nhân 2 miền, của quân đội VNCH, cũng như của quân đội CSVN từng chiến đấu chống quân xâm lược Trung cộng ở Hoàng Sa, Trường Sa, và vùng biên giới phía Bắc. Một hình thức thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Chi tiết đáng chú ý là buổi gặp mặt “Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma” trên lại diễn ra tại Dinh Độc Lập (chính quyền CSVN gọi là Hội trường Thống Nhất) ở Sài Gòn – một địa điểm được xem là rất nhạy cảm về chính trị và thường được sử dụng để tổ chức những buổi lễ chính trị và đón tiếp quan chức.
Đây là lần đầu tiên sự kiện “hòa hợp hòa giải” trên len vào được Dinh Độc Lập. Trong khi 3 năm trước, sự kiện này phải tổ chức tại một nhà hàng. Điều này cho thấy sự kiện này chắc chắn phải được nhiều cấp thẩm quyền của chính quyền phê duyệt, để có thể được tổ chức tại nơi mang ý nghĩa “Thống nhất”.
Buổi gặp mặt “Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma” trên lại diễn ra trùng với thời gian diễn ra một sự kiện khác còn “lạ” hơn: trong một hội nghị về văn học vào đầu năm 2017, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là ông Hữu Thỉnh đã bất ngờ thông báo rằng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3/2017, và “sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ cho chế độ cũ (tức Việt Nam Cộng Hòa).
Thông báo chưa từng có này ngay lập tức đã làm dấy lên nghi ngờ lớn trong dư luận, đặc biệt dư luận người Việt hải ngoại, về “thành tâm” của chính quyền CSVN.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: vì sao trong suốt 42 năm qua chính quyền CSVN đã chưa từng tổ chức một cái gì na ná như “hòa hợp dân tộc về văn học” mà phải đến lúc này mới nêu ra? Tại sao Nghị quết số 36 “về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” của bộ chính trị đảng CSVN, ban hành từ năm 2004, nhưng cho đến nay vẫn hầu như không một trí thức người Việt hải ngoại có được đất dụng võ ở Việt Nam. Thậm chí nhiều người trở về nước “theo tiếng gọi quê hương” nhưng đã bị công an theo dõi và gây khó khăn đủ đường?
Phải chăng vì lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2016 đã sụt giảm mạnh đến 3 tỷ USD nên chính quyền mới nhận ra đã đến lúc cần “hòa họp hòa giải”?…
Được biết trong buổi gặp mặt “Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma” có mặt nhà sử học Dương Trung Quốc, các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Quang Lập, các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, nhà khảo cổ Nguyễn Khắc Hậu, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, nhà kinh doanh Đặng Cao Thăng…
Trên bình diện khách quan, “Nhịp cầu Hoàng Sa” là một tổ chức phi chính phủ, nhưng không được xếp vào danh sách các tổ chức xã hội dân sự độc lập tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Lê Dung
(SBTN)
Nhận xét
Đăng nhận xét