Mỹ : Nhiều nhà ngoại giao chống sắc lệnh cấm nhập cư của tổng thống
RFI
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh di trú gây nhiều tranh cãi. Ảnh ngày 27/01/2017.REUTERS/Jonathan Ernst
Cả trăm nhà ngoại giao Mỹ đã bất ngờ dùng một kênh thông tin « ly khai » nội bộ để lên tiếng chống lại sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Ngày 30/01/2017, quyền phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner tiết lộ nhiều cán bộ ngoại giao đã sử dụng « kênh thông tin ly khai » để truyền đi « một thông điệp liên quan đến sắc lệnh Bảo vệ quốc gia chống quân khủng bố ngoại quốc xâm nhập Hoa Kỳ ».
Ông Toner không cho biết nội dung cụ thể cũng như số người ủng hộ hay ký tên vào thông điệp, nhưng trang blog Lawfare được AFP trích dẫn, đã nói đến « hàng trăm người » sẵn sàng ký tên vào văn bản có nội dung tố cáo « một chính sách đóng cửa đối với hơn 200 triệu người đi lại chính đáng, với hy vọng ngăn không cho một bộ phận rất nhỏ dùng visa vào Mỹ để tấn công người Mỹ ». Đối với các nhà ngoại giao này, điều đó « không đáp ứng mục tiêu tăng cường an ninh » cho Hoa Kỳ.
Các nhà ngoại giao còn tố cáo sắc lệnh của ông Trump « đi ngược lại các giá trị cơ bản của nước Mỹ là không phân biệt đối xử, đón nhận một cách nồng hậu khách nước ngoài và người nhập cư ».
« Kênh ly khai » là một phương tiện thông tin nội bộ của bộ Ngoại Giao Mỹ, được thành lập năm 1971, thời chiến tranh Việt Nam, cho phép các nhà ngoại giao chính thức bày tỏ ý kiến bất đồng với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhà Trắng đã phản ứng gay gắt trước phong trào phản đối này. Phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ Sean Spicer đã ra tối hậu thư cho các nhà ngoại giao ly khai : « Hoặc là chấp nhận chương trình được đề ra, hoặc là từ chức ».
Ngược lại, quyền phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Toner lại lên tiếng bảo vệ « kênh ly khai » mà theo ông là một phương tiện thông tin có từ lâu, cho phép các nhà ngoại giao bày tỏ ý kiến và đường hướng khác về chính sách đối ngoại.
Lần cuối cùng mà kênh này được sử dụng là vào năm 2016, khi khoảng 50 nhà ngoại giao Mỹ đòi phải tấn công quân sự vào Syria và chỉ trích mạnh mẽ ông Obama không muốn can thiệp mạnh vào cuộc chiến này.
Tuy nhiên, việc các cán bộ ngoại giao chính thức lên tiếng phản đối chính quyền, vỏn vẹn 10 ngày sau lễ nhậm chức của tân tổng thống, thậm chí khi tân ngoại trưởng chưa chính thức đảm nhận chức vụ, là điều chưa từng thấy.
Obama khích lệ phong trào phản đối sắc lệnh nhập cảnh
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/01/2017 lên tiếng về sắc lệnh cấm người từ 7 quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Không lên tiếng trực tiếp mà thông qua ông Kevin Lewis, tùy viên báo chí của ông, Barack Obama khuyến khích người Mỹ tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ dân chủ, hoan nghênh mức độ vận động hiện nay.
Dù không nêu đích danh ông Donald Trump, thông cáo khẳng định: « Tổng thống Obama bất đồng sâu sắc với việc phân biệt đối xử tùy theo tín ngưỡng hay tôn giáo ». Đối với ông Obama, sắc lệnh đóng cửa nước Mỹ đối với người tị nạn và công dân 7 nước Hồi Giáo đi ngược lại những giá trị cơ bản của nước Mỹ.
Trước khi nhường lại chiếc ghế ở Nhà Trắng, ông Barack Obama từng khẳng định là sẽ không can thiệp vào cuộc tranh luận chính trị ngoại trừ trường hợp « một số lằn ranh đỏ bị vượt qua ».
Trong cuộc họp báo ngày 18/01, ông đã nói chi tiết những yếu tố có thể thúc đẩy ông can thiệp : sự phân biệt, kỳ thị, việc cản trở quyền bỏ phiếu, các mưu toan bịt miệng báo chí hay các tiếng nói bất đồng, hoặc việc trục xuất trẻ em nước ngoài đã lớn lên trên đất Mỹ.
Nhận xét
Đăng nhận xét