Philippines: Liên minh quân sự Mỹ-Phi vẫn nguyên vẹn

VOA - Reuters
26/1/2017


Từ trái: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, và Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Ricardo Visaya tại căn cứ không quân Philippines ở ngoại ô thành phố Pasay, đông nam Manila, 13/9/2016.
Từ trái: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, và Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Ricardo Visaya tại căn cứ không quân Philippines ở ngoại ô thành phố Pasay, đông nam Manila, 13/9/2016.


Mỹ sẽ nâng cấp và xây dựng các cơ sở tại các căn cứ quân sự ở Philippines trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines cho biết hôm thứ Năm. Động thái này nhằm mục đích củng cố liên minh Mỹ-Philippines đang trở nên căng thẳng vì Tổng thống Rodrigo Duterte chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước ông.
Ngũ Giác Đài đã bật đèn xanh để xúc tiến công tác này trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Philippines đạt được vào năm 2014. Trước đây, ông Duterte đe dọa sẽ huỷ bỏ hiệp định này với những phát biểu thù nghịch đối với Hoa Kỳ, cường quốc từng cai trị Philippines như một thuộc địa.
Lên tiếng trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định: “Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường vẫn được tiến hành”.
Gọi tắt là EDCA, hiệp định này cho phép mở rộng hơn nữa việc triển khai luân phiên tàu hải quân, máy bay và binh sĩ Mỹ trú đóng tại 5 căn cứ ở Philippines, và lưu trữ các thiết bị để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và kiểm tra an ninh hàng hải.
Ông Lorenzana cho biết Washington cam kết xây các nhà kho, doanh trại và các đường băng tại năm địa điểm đã thỏa thuận, và ông Duterte có biết về các dự án này, ông hứa sẽ tôn trọng các thỏa thuận đã có với Hoa Kỳ.
Tuần này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain, người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đề xuất kinh phí quân sự mới lên tới 7,5 tỷ đôla cho các lực lượng Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tình hình địa chính trị tại châu Á đã có nhiều biến chuyển bởi thái độ thù nghịch của Tổng thống Philippines đối với Washington, đề nghị của ông Duterte xích lại gần Trung Quốc, và cuộc bầu cử tại Mỹ, đưa ông Trump vào Toà Bạch Ốc. Ông Trump đã ra dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông sẽ cứng rắn hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Philippines khẳng định họ không muốn tham gia bất cứ cuộc đối đầu nào trên tuyến hải lộ chiến lược và mặt khác, cũng không phương hại tới những hứa hẹn của Trung Quốc, mở rộng thương mại và đầu tư và đề nghị cung cấp các thiết bị quân sự cho Philippines, điều mà ông Duterte đã vận động thành công, từ khi ông bất ngờ đảo ngược chính sách đối ngoại.
Ông Lorenzana cho biết Philippines đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp từ 2 đến 3 chiếc tàu cao tốc, 2 máy bay không người lái, súng bắn tỉa và một robot để xử lý bom, trong gói tặng phẩm trị giá 14 triệu đôla từ Trung Quốc.
Gói vũ khí sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chống nhóm cực đoan Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền nam Philippines.
Vẫn theo ông Lorenzana, Nga cũng đề nghị cung cấp các thiết bị như tàu, tàu ngầm, máy bay và trực thăng cho Philippines.
Cũng như với Trung Quốc, đây là kết quả của một cuộc “chiến dịch lấy lòng” của ông Duterte, khi ông ca ngợi Nga và tài lãnh đạo của lãnh đạo Nga. Năm ngoái, ông Duterte nói nếu Nga và Trung Quốc xây dựng một “trật tự mới” trên thế giới, ông sẽ là người đầu tiên tham gia.
Ông Duterte nổi giận khi Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về những vụ giết người không qua xét xử trong chiến dịch chống ma túy mà ông phát động, sau khi lên nhậm chức hồi tháng Sáu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?