Tin khắp nơi – 30/01/2017
TQ coi Mỹ, Bắc Hàn và Nhật là mối đe dọa
Giới phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi Hoa Kỳ và Bắc Hàn là các mối đe dọa hàng đầu và quan ngại xung đột ở Biển Đông, Kyodo News nói.
Tài liệu phân tích mà hãng thông tấn Nhật Bản đọc được cho thấy mặc dù hai láng giềng có truyền thống quan hệ ngoại giao thân thiện, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc coi Bắc Hàn là mối đe dọa khi xét đến việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tài liệu được in vào tháng 5/2016, là hướng dẫn thao tập thời chiến để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù giả tưởng.
Phân tích này nói về tình huống Trung Quốc phải đối mặt, các chiến lược gia trích dẫn “năm mối đe dọa tiềm năng”, với Hoa Kỳ và chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ là nghiêm trọng nhất.
Được đề cập hàng thứ hai là Bắc Hàn, và các nhà phân tích lưu ý việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân và đã lập nhiều cơ sở hạt nhân gần biên giới với Trung Quốc.
Nếu chiến tranh nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu này nói, thì sẽ gây ra một “mối đe dọa lớn” đến phía bắc và đông bắc của Trung Quốc.
Nhật Bản được đề cập tới là mối đe dọa thứ ba, với các chiến lược gia nói về thực trạng hai nước có tranh chấp các đảo mà Nhật Bản kiểm soát tại Biển Hoa Đông.
Với phi cơ và tàu của hai nước ra vào khu vực này, xung đột quân sự có thể xảy ra.
Đứng thứ tư là Nam Hải (Biển Đông) là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố về chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác.
Giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc ghi nhận việc nước này đang mở rộng sức mạnh quân sự của mình trong khu vực này, chẳng hạn như bằng cách triển khai radar phòng không trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh chỉ có thể kiểm soát hiệu quả một số nơi và do đó “không thể lạc quan.”
Ấn Độ, là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và đang tăng cường lực lượng quân sự của mình, được nhắc tới như mối đe dọa đứng ở vị trí thứ năm.
Bolt EV nổi bật tại triển lãm xe hơi Washington
Triển lãm xe hơi Washington 2017 khai mạc hôm 27/1 ở thủ đô Hoa Kỳ, với một số mẫu xe mới thú vị được trưng bày. Các nhà sản xuất cố mê hoặc những khách hàng tiềm năng với động cơ điện, hiệu suất tốt hơn, sự tiện nghi và phong cách. Và các mẫu xe mới tiếp tục tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trên thực tế, người tiêu dùng dường như ngày càng chú ý đến những chiếc xe mới, hoàn toàn chạy bằng điện hoặc xe lai (hybrid) có chạy bằng điện.
Sau thành công ban đầu với xe sedan chạy bằng ắc-qui là Chevy Volt, hãng GM nay giới thiệu chiếc Bolt EV mới, cỡ nhỏ, giá cả phải chăng hơn. EV là chữ viết tắt của xe chạy điện.
Joe Lamuraglia, Giám đốc Truyền thông của Chevrolet, nói về các lợi ích: “Mỗi lần xạc, xe chạy được 380 km, giá khởi điểm là 37.495 đôla trước mức ưu đãi thuế, như vậy, bạn có thể có một chiếc xe chạy điện đi được đường dài và có giá cả phải chăng”.
Đến tháng 9, Bolt EV sẽ được bán trên toàn nước Mỹ cũng như ở châu Âu, ở đó nó sẽ có tên Opel Ampera E, và cũng có tầm hoạt động lên đến 380 km.
Chevrolet cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển ô tô tự lái, và kết hợp với các dịch vụ đi chung xe Lyft, họ sẽ sử dụng Bolt EV để tung ra công nghệ mới.
Các nhà sản xuất khác, như Ford, vẫn cho rằng người Mỹ còn mê đắm lâu dài với các chiếc xe lớn và mạnh mẽ.
Chiếc Ford Mustang tiết kiệm nhiên liệu nhất, với động cơ Eco Boost 2,3 lít, có công suất 310 mã lực, nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 10 lít nhiên liệu cho 100 km khi đi trong thành phố.
Đối với những người thích xe thể thao đa dụng, Chrysler-Fiat cung cấp xe Jeep Compass được thiết kế lại với hệ thống quản lý lực kéo, cho phép người lái xe chọn các chế độ như đi trên tuyết, cát, bùn và đá.
Xe Compass có mức giá cho phiên bản thấp nhất là 20.000 đôla.
Hãng Toyota đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với việc cho ra mắt mẫu xe Camry 2018. Trong nhiều thập kỷ, đây là dòng xe sedan gia đình bán chạy nhất trên đất Mỹ.
Toyota đang cố gắng thu hút khách hàng trẻ tuổi, họ có một số thay đổi quan trọng để làm cho chiếc xe thú vị khi lái.
Amanda Mccoy, chuyên gia về sản phẩm của Toyota, nói: “Chúng tôi đã hạ thấp trọng tâm, chúng tôi mở rộng thân xe, chúng tôi lắp hệ thống giảm sóc có càng kép mới ở bánh sau, do đó, xe vững chãi hơn, phản ứng tốt hơn và có phong cách hoàn toàn bất ngờ”
Cuộc triển lãm ở Washington cũng trưng bày các loại xe bán tải, xe tải và xe thể thao thông thường cũng như một số mẫu thiết kế mang tính tương lai. Về phần xe ô tô tự lái, chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Trung Quốc nhẹ giọng với lệnh di trú của ông Trump
Hôm thứ Hai, Trung Quốc đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh nói chính sách nhập cư là quyền của mỗi quốc gia nhưng “những quan ngại hợp lý” cần phải được xem xét.
Ông Trump đã ký lệnh cấm vào thứ Sáu. Nhiều đảng viên Dân chủ và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa ở Mỹ đã đả kích động thái trên. Các lãnh đạo nước ngoài cũng lên án lệnh cấm giữa lúc tòa án tạm dừng lệnh cấm và hỗn loạn xảy ra tại các sân bay Mỹ.
Ông Trump nói sắc lệnh của ông “không phải về tôn giáo” nhưng là để giữ an toàn cho nước Mỹ. Ông Trump đã đưa ra chính sách trên như là một cách để bảo vệ nước Mỹ khỏi sự đe dọa của các chiến binh Hồi giáo.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ đã ghi nhận các báo cáo về quyết định của chính quyền Hoa Kỳ.
Bộ này nói: “Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư, nhập cảnh và xuất cảnh nằm trong phạm vi chủ quyền của mỗi nước”. Nhưng tuyên bố nói thêm rằng “Đồng thời, những động thái liên quan cũng phải xem xét đến những mối quan ngại hợp lý của các quốc gia liên quan”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phân tích thêm chi tiết.
Trung Quốc đang trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán. Các cơ quan chính phủ không làm việc cho đến ngày thứ Sáu.
Trung Quốc đã rất nỗ lực để có vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Đông. Nước này có mối quan hệ đặc biệt gần gũi với Iran và Sudan, hai trong bảy quốc gia nằm trong danh sách bị cấm của ông Trump.
Trung Quốc cũng là quê hương của khoảng 20 triệu người Hồi giáo, trong đó có sắc tộc thiểu số Uighur ở Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc nói họ cũng đang phải đối diện với các chiến binh Hồi giáo.
Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sách đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm kiểm soát đạo Hồi, là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn đã giết chết hàng trăm người trong vài năm qua.
Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ sự đàn áp nào và nói nước này đảm bảo quyền tự do tôn giáo.
Du khách 7 nước gặp khó khi nhập cảnh Mỹ
WASHINGTON —
Giới hữu trách tại các phi trường Mỹ bắt đầu thực thi sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhắm ngăn chặn khủng bố vào Hoa Kỳ. Mấy trăm hành khách bị giữ lại ở phi trường khi họ đáp máy bay đến Mỹ hôm thứ Bảy và Chủ nhật. Một làn sóng biểu tình chống đối bùng lên ở Mỹ và ở nước ngoài. Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump chỉ nhắm vào 7 nước là Iraq, Syria, Iran, Yemen, Sudan, Libya và Somalia, và không cho phép công dân từ 7 nước đó nhập cảnh Hoa Kỳ.
Nhiều hành khách từ 7 nước nêu trên không được lên các chuyến bay đến Mỹ.
Ông Nail Zain, một hành khách mang hộ chiếu Syria không được cho lên chuyến bay đến Los Angeles tại phi trường Ataturk ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật. Thị thực nhập cảnh Mỹ của ông mới có hiệu lực được hai ngày cũng chẳng giúp ích gì cho ông. Ông nói:
“Vợ và con trai tôi đang ở Mỹ. Con trai tôi có quốc tịch Mỹ. Chúng tôi mong chờ ngày được đoàn tụ suốt hai năm qua. Cuối cùng khi tôi được cấp thị thực, thì họ lại cấm người mang hộ chiếu Syria như tôi đến Mỹ.”
Bà Fatma Abul Qassem, quốc tịch Sudan, phải quay trở lại Sudan sau khi giới hữu trách ở Qatar không cho bà lên máy bay đến Mỹ:
“Tôi nghĩ quyết định đó của Tổng thống Trump là bất công với người Hồi giáo và công dân Sudan. Nếu nước Mỹ bảo vệ nhân quyền, họ cũng phải xét đến các quyền của chúng tôi.”
Những người được phép thường trú hợp pháp ở Mỹ, hay còn gọi là người có thẻ xanh, từ 7 nước này không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh tạm thời này. Nhưng những ai đã đi ra khỏi nước Mỹ trong lúc sắc lệnh này được ban hành nay đang lo sợ không trở về lại Mỹ được.
Bà Bayan Ahmed, người Iraq, nói:
“Cháu tôi vừa từ Mỹ về thăm nhà. Cháu tôi trước đây là một thông dịch viên cho Mỹ ở Iraq và được cấp quy chế tị nạn ở Mỹ. Bây giờ cháu gái tôi đang lo sợ không biết có được phép trở về Mỹ hay bị bác theo lệnh nại lý do ngăn chặn khủng bố này.”
Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Ali Larijani, hôm Chủ nhật gọi lệnh cấm nhập cảnh này là “phân biệt chủng tộc.”
“Để tên Iran trên danh sách nại cớ lo ngại về những hành động khủng bố nghe như là một trò đùa. Iran đã kiên quyết chống khủng bố suốt mấy năm qua không phải là một bí mật, và sau đó còn có nhiều nước tham gia với Iran chống khủng bố.”
Còn tại Israel, nước thù địch của Iran lâu nay, nhiều người biểu tình tập trung trước Ðại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv hôm Chủ nhật để lên tiếng phản đối lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Tòa Bạch Ốc bảo vệ quyết định thực thi lệnh cấm nhập cảnh này, và cho biết trong 325.000 người đến Hoa Kỳ hôm thứ Bảy, chỉ có 109 người bị tạm giữ.
Luật sư hàng đầu của Miến Điện bị ám sát
Một cố vấn về pháp lý cho Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã bị bắn chết hôm 29/1 bên ngoài sân bay quốc tế bận rộn nhất của Miến Điện ở Yangon.
Ông Ko Ni, 65 tuổi, bị bắn vào đầu sau khi từ Indonesia trở về nước. Một tài xế taxi cũng bị bắn khi tìm cách cản tay súng.
Một nghi can đã bị bắt, nhưng chưa có thông tin chi tiết về động cơ vụ tấn công, theo Reuters.
Luật sư xấu số là một trong số ít những tín đồ Hồi giáo nổi bật tại một quốc gia có đa số tín đồ đạo phật. Tuy nhiên, chưa rõ đó có phải là lý do dẫn tới vụ ám sát ông hay không.
Ông Ko Ni từng là một nhà hoạt động sinh viên trong cuộc nổi dậy năm 1988. Ông sau đó trở thành một tù nhân chính trị, và sau khi được trả, ông làm luật sư và cố vấn cấp cao cho NLD.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi màu hồng đi sandal và mặc quần sóc nhắm khẩu súng lục vào phía sau đầu của ông Ko Ni khi ông đang bế một đứa trẻ. Một người họ hàng nói rằng ông Ko Ni bế cháu trai của ông khi bị giết.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, được dẫn lời cho biết “đã bắt giữ và thẩm súng tay súng để tìm hiểu xem lý do vụ bắn giết, ai đứng đằng sau ông ta hoặc ai trả tiền để ông ta thực hiện vụ đó”.
Một nhân viên cảnh sát nói với Reuters rằng nghi can là một công dân Miến Điện 53 tuổi từ thành phố Mandalay ở miền trung.
Ông Ko Ni là một chuyên gia về luật hiến pháp. Ông từng lên tiếng về vai trò lớn của quân đội trong việc lãnh đạo Miến Điện, dù đã trao quyền cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Tư năm ngoái.
Nổ súng đền thờ Hồi giáo Quebec, 6 chết
Các tay súng đã tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Quebec, Canada, vào khuya Chủ nhật, giết chết 6 người và làm bị thương 8 người khác.
Một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết hai nghi phạm đã bị bắt, nhưng không cung cấp thêm thông tin về danh tính hay động cơ của họ.
Người đứng đầu Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Quebec cho biết khi xảy ra nổ súng, nhiều người đang tụ họp cầu nguyện buổi tối. Cảnh sát cho biết có 53 người có mặt trong buổi cầu nguyện này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án vụ nổ súng là “vụ tấn công khủng bố vào người Hồi giáo”. Trong một tuyên bố, ông nhấn mạnh Canada là quốc gia coi trọng sự đa dạng và bao dung tôn giáo.
Ông Trudeau nói: “Những người Hồi giáo Canada là một phần quan trọng trong kết cấu quốc gia của chúng ta, và những hành vi vô nghĩa không có chỗ đứng trong các cộng đồng, thành phố và đất nước chúng ta”.
Vào tháng 6 năm 2016, một chiếc đầu heo đã bị bỏ trên ngưỡng cửa của nhà thờ Hồi giáo này.
Sau vụ nổ súng hôm Chủ nhật, Thị trưởng Bill de Blasio của thành phố New York ở Mỹ cho biết cơ quan cảnh sát thành phố này đã tăng cường bảo vệ cho các nhà thờ Hồi giáo trong thành phố.
Philippines ‘tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy’
Cảnh sát Philippines tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát “tham nhũng” được”thanh lọc”.
Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa hôm thứ Hai nói các đơn vị phòng chống ma túy sẽ bị giải tán.
Tuyên bố được đưa ra sau vụ một thương gia Nam Hàn bị giết chết bên trong trụ sở cảnh sát. Ông này bị cảnh sát phòng chống ma túy bắt cóc và giết chết.
Hơn 7.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nước này tiến hành cuộc trấn áp tội phạm ma túy.
Con số người chết và quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterge đối với ma túy đã khiến các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích gay gắt, tuy ông tổng thống vẫn nhận được mức độ ủng hộ cao từ phía người dâ Philippines.
Phát biểu hôm thứ Hai, ông Dela Rosa nói ông Duterte “bảo chúng tôi phải làm trong sạch tổ chức trước cái đã”.
“Chúng tôi sẽ làm trong sạch hàng ngũ của mình… rồi có thể sau đó, chúng tôi sẽ nối lại cuộc chiến chống ma túy.”
Tổng thống Duterte đã đưa mục tiêu chống tội phạm ma túy vào nhiệm vụ trung tâm của mình.
Ban đầu, ông cam kết sẽ tiễu trừ xong tội phạm chậm nhất là vào tháng Mười Hai, sau kéo dài thời hạn cho đến tháng Ba năm nay.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, ông nói với các phóng viên: “Tôi sẽ tiến hành cuộc chiến này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ… không còn chuyện chỉ đến tháng Ba nữa.”
Nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022.
Ông nói trước đây ông đã đánh giá thấp mức độ trầm trọng của tệ nạn ma túy.
“Tham nhũng tới tận lõi”
Ông Duterte hôm Chủ Nhật cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát và nói cương quyết “thanh lọc” lực lượng này, sau vụ sát hại ông Jee Ick-joo.
Ông Jee Ick-joo bị bắt tại tư gia ở thành phố Angeles, gần Manila, trong một vụ giả bố ráp ma túy, Bộ Tư pháp nói.
Sau khi bóp cổ ông tới chết, những kẻ sát hại ông giả vờ rằng ông vẫn còn sống để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.
“Cảnh sát các anh là tham nhũng nhất. Các anh tham nhũng tới tận lõi. Nó nằm trong hệ thống của các anh,” ông Duterte nói, và nhận xét thêm rằng ông nghĩ có tới 40% cảnh sát quen với việc tham nhũng.
Trước đây, ông Duterte đã từng tuyên bố ông sẽ ân xá cho các nhân viên cảnh sát nếu họ giết chết tội phạm và dân thường trong quá trình thi hành nhiệm vụ.
“Khi tôi nói tôi sẽ bảo vệ cảnh sát thì có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ cảnh sát. Nhưng tôi không bảo vệ sự dối trá,” ông nói.
Nhật – Mỹ sẽ thảo luận nhiều vấn đề vào tháng tới
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ viếng thăm Nhà Trắng vào ngày 10 tháng hai tới. Tuần trước, tin từ văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho hay Thủ tướng Abe và Tổng Thống Trump sẽ thảo luận với nhau về nhiều vấn đề, từ tình hình khu vực cho đến quan hệ chiến lược song phương và những điều hai nước có thể làm để phát triển quan hệ thương mại.
Trích dẫn tin từ các giới chức chính phủ Nhật, tờ báo kinh tế Nikkei phát hành tại Tokyo cho hay thứ Bảy vừa rồi trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Thống Trump có nói tới mục tiêu ông muốn đạt được là tạo thêm việc làm cho người dân Hoa Kỳ, yêu cầu các công ty xe hơi Nhật tham gia bằng cách mở thêm cơ xưởng hoạt động tại Mỹ.
Bản tin của hãng thông tấn Reuters viết rằng trong tuần này Thủ Tướng Abe sẽ gặp thành viên hội đồng lãnh đạo đại công ty Toyota để bàn thảo về để nghị của Tổng thống Mỹ. Tin này chưa đưa xác nhận bởi một nguồn tin độc lập khác.
Xoay trục về Châu Á
vẫn là trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ
Mặc dù Tân Tổng Thống Donald Trump sẽ có chính sách ngoại giao mới, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng ở Châu Á- Thái Bình Dương để đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ cũng như của các nước đồng minh.
Điểm vừa nêu được ông John Hennessey-Niland, tham tán chính trị của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đưa ra trong cuộc thảo luận về quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật Bản và Úc, mới diễn ra ngày hôm nay tại Canberra.
Trong bài phát biểu, ông Hennessey-Niland nói rằng chính sách có thể thay đổi nhưng quyền lợi của Mỹ và đồng minh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ không thay đổi, hứa hẹn những cuộc thao diễn chung và mức độ chia sẻ tin tức sẽ gia tăng.
Trong lúc còn vận động tranh cử, Tổng Thống Trump có nói là những quốc gia Châu Á phải tự bảo vệ an ninh quốc phòng thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ, đồng thời cũng chỉ trích liên minh NATO là một tổ chức lỗi thời.
Tuy nhiên thứ Sáu tuần trước khi đón nữ Thủ Tướng Anh Quốc Theresa May ở Nhà Trắng, Tổng Thống Trump lại cho biết ông ủng hộ NATO 100%.
Dựa vào sự kiện đó, bà Amy Searights, người từng nắm giữ chức vụ trợ lý tổng trưởng quốc phòng đặc trách Nam Á và Đông Nam Á của chính phủ Barack Obama cho rằng không nên quá chú trọng đến những gì Tổng Thống Trump đã nói lúc vận động tranh cử, bằng chứng là tháng tới, tân tổng thống Mỹ sẽ đón Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bàn thảo về quan hệ đồng minh chiến lược.
Bà cũng nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Mỹ Nhật Bản và Úc trong kế hoạch chuyển trục về Châu Á mà Tổng Thống Obama thực hiện, gọi đó là kế hoạch vẫn còn hữu lý để ngăn chận mức bành trướng quân sự của Trung Quốc.
Vẫn theo bà Searight, Tổng Thống Trump có kế hoạch giúp Hải Quân Hoa Kỳ tăng số tầu chiến từ 270 chiếc lên thành 350 chiếc, điều đó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ đưa thêm chiến hạm vào hoạt động ở Thái Bình Dương và tại Biển Đông.
Mỹ cam kết tiếp tục là cường quốc Thái Bình Dương
Trong một hội thảo tại trường Đại học Quốc gia Úc, ở Canberra, ngày hôm nay, 30/01/2017, các quan chức Mỹ khẳng định cho dù có những thay đổi chính sách dưới thời chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương.
Theo AFP, cuộc hội thảo có nội dung nói về liên minh của Hoa Kỳ với Úc và Nhật Bản. Cố vấn chính trị sứ quán Mỹ tại Úc, ông John Hennessey-Niland nói rằng các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể yên tâm là Thái Bình Dương vẫn có vai trò chủ chốt trong các lợi ích của Mỹ, dưới thời Donald Trump. Các hợp tác, huấn luyện chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.
Đại diện sứ quán Mỹ khẳng định : « Chúng tôi đang ở trong giai đoạn thay đổi và chuyển tiếp. Các lợi ích của Hoa Kỳ không thay đổi. Vì lợi ích của mình, nước Mỹ sẽ tiếp tục là một cường quốc Thái Bình Dương, hỗ trợ và tăng cường các quan hệ song phương, ba bên và đa phương ».
Bà Amy Searight, nguyên là quan chức cấp cao Mỹ, phụ trách quốc phòng khu vực Nam và Đông Nam Á, nhận định, dường như Donald Trump đã thay đổi, không có những phát biểu chỉ trích nhắm các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến thăm Washington vào tháng Hai tới của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Theo bà Searight, Hoa Kỳ có kế hoạch nâng số tàu chiến từ 270 lên thành 350 và do vậy, sẽ có nhiều tàu chiến Mỹ hiện diện ở vùng châu Á-Thái Bình Dương và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn với các đồng minh. Theo quan chức này, chính sách xoay trục sang châu Á, được khởi xướng và thực hiện dưới thời Obama – vẫn đang được tiến hành.
Tranh tổng thống Pháp:
Benoit Hamon đại diện của đảng Xã Hội
Thuộc xu hướng « bất mãn » trong phe đa số, dân biểu Benoit Hamon trở thành đại diện cho đảng Xã Hội tranh ghế tổng thống Pháp. Trong vòng hai sơ bộ ngày Chủ nhật, cựu bộ trưởng Giáo Dục thắng rõ nét cựu thủ tướng Manuel Valls với tỷ lệ 58,87% -41,13% theo kết quả gần như chính thức trên tổng số 2 triệu cử tri tham gia.
Nhiệm vụ khó khăn của ứng cử viên « về ngược » 49 tuổi này là « đoàn kết cánh tả » trong khi điểm tín nhiệm chỉ đứng hàng thứ tư, không đủ vào chung kết bầu tổng thống vào tháng 5 tới đây.
Đảng Xã Hội nói riêng và cánh tả nói chung bị chia rẽ chưa từng thấy kể từ khi được François Mitterrand chấn chỉnh trong thập niên 1970 để rồi 10 năm sau nước Pháp đưa vào điện Elysée một vị tổng thống thuộc đảng Xã Hội đầu tiên.
Nhìn nhận thất bại, cựu thủ tướng Manuel Valls chúc mừng và chúc đối thủ thành công trong bước kế tiếp.
Nếu tin vào kết quả thăm dò thì xác suất Benoit Hamon vào được vòng chung kết rất thấp. Người chiến thắng bầu sơ bộ trong đảng Xã Hội bị hai đối thủ Marine Le Pen, cực hữu, François Fillon, cánh hữu và một ứng cử viên cánh tả khác là Emmanuel Macron – đồng sự trong chính phủ Valls – bỏ xa.
Theo một số nhà phân tích, rất có thể một số cử tri đảng Xã Hội vì không muốn chiếc ghế tổng thống rơi vào tay một trong hai đảng cánh hữu sẽ quay sang ủng hộ ứng cử viên cánh tả độc lập Emanuel Macron.
Theo kết quả của viện Kantar-Sofres- Onepoint, ở vòng một vào tháng 5 tới, Marine Le Pen về nhất với 25%, François Fillon 21%, Emmanuel Macron 20%, Benoit Hamon 13%.
Nhưng trong trường hợp Emmanuel Macron vào được vòng hai thì cựu bộ trưởng Tài Chính của tổng thống François Hollande sẽ đắc cử vẻ vang (58-42 nếu gặp François Fillon và 65-35 nếu đối thủ là Marine Le Pen).
Ukraina : Chạm súng giữa quân đội và phe nổi dậy,
làm 5 người thiệt mạng
Vào lúc lệnh hưu chiến vẫn có hiệu lực, thì các vụ chạm súng quyết liệt giữa quân đội Ukraina và phe nổi dậy đã xẩy ra ngày hôm qua, 29/01/2017, ở miền đông nước này. Bốn lính Ukraina và một chiến binh phe nổi dậy thiệt mạng. Đây là vụ xung đột đẫm máu nhất kể từ cuối tháng 12/2016. Trong khi đó, chính quyền Kiev lo ngại là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump tỏ ra thân thiện hơn với Nga.
Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert cho biết thêm thông tin :
« Các vụ chạm súng và oanh tạc diễn ra hàng ngày trên chiến tuyến. Nhưng hiếm khi xẩy ra các vụ tấn công có quy mô lớn như ngày hôm qua, 29/01. Vào lúc sáng sớm, các lực lượng Nga và thân Nga đã thực hiện một vụ tấn công được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhắm vào khu công nghiệp của thành phố Aviidvka, gần Donetsk.
Nhà máy sản xuất đồ uống ở đây luôn là mục tiêu tấn công từ nhiều tháng qua. Cuộc tấn công thất bại nhưng hai bên đều thiệt hại nặng.
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng trên chiến tuyến, cho dù có lệnh hưu chiến được đưa ra hồi tháng 12/2016. Vùng đệm ngăn cách các vị trí quân sự của hai bên, theo thỏa thuận hòa bình Minsk, ngày càng trở thành nơi diễn ra các vụ đột kích quân sự.
Các cuộc hòa đàm không tiến triển và bị chỉ trích với việc nhậm chức của chính quyền Donald Trump cũng như các thay đổi trong chính sách của Tây Âu.
Ukraina lo ngại phương Tây bãi bỏ cấm vận đối với Nga và không ủng hộ chính quyền Kiev nữa. Lại một lần nữa, tình hình ở phía đông Ukraina dường như đang ở bên bờ vực thẳm, có nguy cơ bùng phát ».
TT Duterte tố cáo
kho vũ khí Mỹ tại Philippines đe dọa an ninh quốc gia
Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Manila, ngày hôm qua, 29/01/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tố cáo chính quyền Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự, kho vũ khí trên lãnh thổ Philippines mà không hề xin phép chính quyền nước này.
Nguyên thủ Philippines nói : «Người Mỹ đang xây dựng các kho và họ đưa vũ khí vào Philippines, vào Palawan, Cagayan de Oro và Pampanga. Tôi sẽ không cho phép họ làm như vậy».
Ông Duterte cũng nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, được ký năm 2014, không cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự thường trực trên lãnh thổ Philippines.
Hàm ý nói đến nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Duterte bày tỏ lo ngại : «Thậm chí tôi không biết là có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở trong các kho chứa này hay không ».
Theo tổng thống Duterte, « các hành động này của Washington đe dọa an ninh của Philippines ».
Duterte : « Chống ma túy đến hết nhiệm kỳ »
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố « cuộc chiến chống ma túy » sẽ không kết thúc vào tháng
Ba năm nay như đã loan báo, mà sẽ kéo dài cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Lần đầu tiên « Donald Trump » châu Á nhìn nhận lực lượng cảnh sát có toàn quyền sinh sát trong chiến dịch này đã bị tham ô lũng đoạn.
Ba năm nay như đã loan báo, mà sẽ kéo dài cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Lần đầu tiên « Donald Trump » châu Á nhìn nhận lực lượng cảnh sát có toàn quyền sinh sát trong chiến dịch này đã bị tham ô lũng đoạn.
Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 30/01/2017 tại Manila, tổng thống Philippines cho biết cuộc chiến chống ma túy mà tính chất thô bạo làm công luận trong và ngoài nước lo ngại, sẽ kéo dài cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2022.
Nhậm chức vào tháng 6/2016 với nhiệm kỳ sáu năm, tổng thống Duterte nhiều lần xác quyết sẽ tận diệt ma túy trong vòng 6 tháng . Từ đó đến nay, 2500 « nghi can » bị hạ sát không kể 4000 người bị giết trong những điều kiện không giải thích được.
Tổng thống Duterte cũng nhìn nhận có nhiều vấn đề tham ô nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát trong bối cảnh nhiều tiếng nói tố cáo an ninh Philippines hành động sai trái, phạm tội ác mà không sợ bị nghiêm trị.
Hàng loạt vụ hành quyết người vô tội nhân danh bài trừ ma túy và bắt cóc hay cướp bóc doanh nhân, du khách Hàn Quốc mà một nạn nhân chết trong trụ sở cảnh sát quốc gia đã được báo chí đăng tải trong những ngày gần đây.
Bị các phóng viên chất vấn, tổng thống Duterte lần đầu tiên nhìn nhận « 40% nhân viên an ninh » là những kẻ tham ô, bê bối. Trước đây trong những lần bị công kích, tổng thống Duterte luôn đáp trả bằng lời lẽ thô bạo. Theo AFP, lần này ông công nhận sự thật « cảnh sát Philippines bị tham ô xâm nhập đến tận xương tuỷ » và ông hứa sẽ « xem xét từng trường hợp bị tố cáo và trừng trị từng thủ phạm ».
Không rõ là lời tuyên bố « trong sạch hóa » này sẽ được thực hiện tới đâu vì tổng thống Philippines luôn luôn khuyến khích cảnh sát viên thẳng tay hạ sát « con buôn » ma túy mà không sợ bị pháp luật điều tra.
Mỹ và Ả Rập Xê Út đồng ý lập các vùng an toàn tại Syria
Theo Reuters, ngày hôm qua, 29/01/2017, Nhà Trắng thông báo là trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump, vua Ả Rập Xê Út Salman đã ủng hộ ý kiến của tổng thống Mỹ về việc thành lập các khu vực an toàn tại Syria và Yemen, nhằm bảo vệ những người tị nạn.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, cuộc điện đàm kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Lãnh đạo Mỹ và Ả Rập Xê Út đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến đấu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Thông cáo viết : « Tổng thống đã nêu ra câu hỏi và nhà vua đã tán đồng, ủng hộ việc thành lập các vùng an toàn ở Syria và Yemen, cũng như các ý kiến khác nhằm giúp đỡ nhiều người tị nạn ».
Trong điện đàm, vua Salman đã đề nghị ông Trump hãy đi đầu trong các nỗ lực đánh bại khủng bố ở Trung Đông và đóng góp vào việc xây dựng một tương lai kinh tế, xã hội mới cho Ả Rập Xê Út cũng như cho khu vực.
Một nguồn tin Ả Rập Xê Út cho biết lãnh đạo hai nước đã đồng ý với nhau về việc tăng cường đấu tranh chống khủng bố, hợp tác quân sự và quan hệ kinh tế.
Mỹ-Hàn : Trump cam kết bảo vệ Hàn Quốc
Trong cuộc điện đàm chiều Chủ nhật 29/01/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump và quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn đồng thuận về « nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ » đối phó với đe dọa của Bắc Triều Tiên. Washington trấn an Seoul trong bối cảnh Bắc Kinh từng bước lấn tới tại châu Á còn Bình Nhưỡng liên tục khiêu khích.
Theo thông báo của Nhà Trắng, chiều Chủ nhật vừa qua, tổng thống Donald Trump đã điện đàm với quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn : hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thi hành những biện pháp nhằm tăng cường khả năng phòng vệ hỗn hợp chống lại đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh thái độ dấn thân tuyệt đối bảo vệ Đại Hàn Dân Quốc, gia tăng phương tiện răn đe cũng như sẵn sàng huy động toàn bộ khả năng quân sự.
Theo AFP, động thái cụ thể đầu tiên của tân chính quyền Mỹ là chuyến viếng thăm của tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tại Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày thứ tư 01/02 đến 03/02/2017.
Hàn Quốc cũng kỳ vọng vào hệ thống lá chắn THAAD bắt đầu được bố trí.
Trong cuộc vận động tranh cử hồi năm ngoái, Donald Trump nhiều lần nói đến khả năng giảm quân Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Những lời tuyên bố này làm hai quốc gia đồng minh Á châu lo ngại Hoa Kỳ xét lại chính sách an ninh tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự còn Bắc Triều Tiên không ngừng hăm he đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đức : Cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu
ra tranh cử lập pháp và chỉ trích phe dân túy
Hôm qua, 29/01/2017, tại Berlin, trong diễn văn đầu tiên với tư cách là ứng viên của đảng Xã Hội Dân Chủ, ông Martin Schulz, nguyên là chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã hứa hẹn tái lập công bằng xã hội và chỉ trích mạnh mẽ đảng dân túy AfD.
Từ thủ đô Đức, thông tín viên Nathalie Versieux gửi về bài tường trình :
« Các cuộc thăm dò dư luận thật đáng khích lệ đối với ông Martin Schulz. Kể từ khi ông cho biết sẽ ra tranh cử, hôm thứ Ba, 24/01, tỷ lệ cử tri có thể bỏ phiếu cho đảng Xã Hội Dân Chủ đã tăng thêm 4 điểm, đạt mức 24%.
Quyết tâm tận dụng đà tiến này, ứng viên đảng Xã Hội Dân Chủ trong cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức vào tháng Chín tới đây đã hứa sẽ bảo vệ các tầng lớp bình dân và những lo âu thường nhật của họ. Ông hướng tới cơ sở của đảng Xã Hội Dân Chủ. Tại Đức, cũng như ở châu Âu, tầng lớp này có xu hướng quay sang đảng dân túy AfD.
Trong bài diễn văn hôm qua, 29/01, ông Martin Schulz đã tấn công mạnh mẽ xu hướng dân túy, chỉ trích đảng AfD mà ông coi là một sự hổ thẹn của nền cộng hòa. Ứng viên đảng Xã Hội Dân Chủ cũng phê phán Donald Trump, tố cáo nguyên thủ Mỹ có dự án chống nhập cư. Ông cảnh báo là tại Đức, người ta đã biết là chủ nghĩa quốc xã mù quáng có thể dẫn đến hậu quả ra sao.
Ông Martin Schulz có tỷ lệ được lòng dân cao gần bằng bà Angela Merkel. Thế nhưng, trong các cuộc thăm dò dư luận thì đảng CDU của thủ tướng Merkel tiếp tục dẫn đầu, bỏ xa đảng SPD ».
Mỹ: Tư pháp 16 tiểu bang lên án
sắc lệnh di trú của tổng thống
Tổng chưởng lý 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngày 29/01/2017 đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật phản ánh đà tăng tốc của phong trào tại Mỹ chống lại quyết định của tân chính quyền Trump cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, vào lúc các cuộc biểu tình của người dân phản đối sắc lệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.
Trong thông cáo chung của mình, tổng chưởng lý của 16 tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania đã xác định là sẽ « sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn » để chống lại sắc lệnh mà tổng thống Donald Trump đã ký hôm 27/01. Lãnh đạo tư pháp của các tiểu bang Mỹ này đã đánh giá là « vi hiến » lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày của tổng thống Trump.
Các tổng chưởng lý nói trên đã công khai phản đối chính quyền Trump vào lúc thẩm phán ở nhiều thành phố như New York, Boston, Seattle… cũng ra phán quyết hủy bỏ một số điều khoản trong sắc lệnh của tổng thống Trump.
Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington, phong trào chống sắc lệnh của tổng thống Donald đang tăng tốc, với sự nhập cuộc của các tổ chức bảo vệ dân quyền, trong lúc giới chuyên gia đang xem xét khả năng kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư là vi hiến.
“ Phán quyết chống sắc lệnh di trú của nhiều thẩm phán Liên bang đã ngăn chặn được việc trục xuất những người đến Mỹ với visa hợp lệ, và cho phép họ có luật sư bảo vệ.
Nhưng đối với việc cấm người tị nạn nhập cảnh thì không có gì thay đổi, cũng như đối với những người đang đợi visa ở 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh. Muốn thay đổi thì phải chứng minh là sắc lệnh đi ngược lại với Hiến Pháp.
Những vụ kiện sắc lệnh đang gia tăng. Tổ chức mang tên Hội Đồng Quan Hệ Mỹ – Hồi Giáo sẽ đệ đơn kiện về kỳ thị tôn giáo. Theo phát ngôn viên của Hội đồng, ông Ibrahim Hooper, thì « ông Trumpđã nói người Syria Thiên Chúa Giáo có thể vào Mỹ, còn người Syria Hồi Giáo thì không. Chính miệng ông Trump nói ra và đấy là kỳ thị tôn giáo. »
Công tố viên một số bang và đại biểu dân cử đảng Dân Chủ đang nghiên cứu cách chống lại sắc lệnh. Theo họ, tựa đề của văn kiện chẳng hạn : « Bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố quốc tế » – điều đó tương tự như một bản án không thông qua xét xử đối với các nước liên can, và điều đó đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.
Sau cùng, đối với các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền công dân, việc thiếu chuẩn bị trong việc thực hiện sắc lệnh cũng là một lý do để hủy bỏ văn kiện này.
Dĩ nhiên là ông Trump đã phủ nhận các cáo buộc và đỗ lỗi cho truyền thông nói sai.
Nhà Trắng thì vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm : « Vào Mỹ không phải là một quyền và không có gì bị đình chỉ cả ». Còn đảng Cộng Hòa thì vô cùng kín đáo. Bị chất vấn, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa ở Thượng Viện đã trả lời một cách mập mờ khó hiểu là các tòa án sẽ thực hiện công việc của mình.”
Một cách cụ thể, tổng thống Donald Trump hôm qua đã khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhắm tới khủng bố, vì sự an toàn của nước Mỹ.
Vào lúc Mỹ có quyết định đột ngột đóng cửa biên giới, nước láng giềng Canada đã có cử chỉ rất hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nhập Cư Canada vào hôm qua cho biết sẽ cấp quyền tạm trú cho những người đang bị kẹt tại Canada do bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Quốc vương Jordan, lãnh đạo Ả Rập đầu tiên
đến Washington thảo luận với chính phủ Trump
Arlington, Virginia. (Reuters) – Quốc vương Jordan Abdullah mở cuộc hội đàm tại Ngũ Giác Đài vào sáng nay 30 tháng 1.
Quốc vương là lãnh đạo Ả Rập đầu tiên đích thân tới Washington để gặp gỡ một số thành viên trong tân chính phủ của ông Trump. Trong buổi sáng, ông Abdullah tổ chức buổi điểm tâm riêng với phó tổng thống Mike Pence, và sau đó gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis tại Ngũ Giác Đài. Quốc vương Abdullah hoàn thành chuyến đi thăm Nga trước khi đi thăm Hoa Kỳ.
Tại cuộc gặp ở Điện Kremlin, Tổng thống Putin cảm ơn Quốc vương và chính phủ Jordan vì sự ủng hộ cho tiến trình hòa bình Syria. Jordan là một thành viên của chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ dẫn dắt, để chống lại phiến quân ISIS ở Syria. Chưa đầy tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump tuyên bố trong một buổi phỏng vấn rằng ông sẽ tạo một khu vực tuyệt đối an toàn cho người tị nạn chạy trốn bạo lực. Ông cũng cho rằng châu Âu đã phạm sai lầm khi chấp nhận hàng triệu di dân Syria.
Việc tạo một khu vực tuyệt đối an toàn sẽ buộc quân đội Hoa Kỳ can thiệp nhiều hơn vào Syria, thực hiện bước nhảy vọt trước chính sách tiếp cận thận trọng của cựu tổng thống Obama. Nếu ông Trump quyết định thực hiện khu vực cấm bay, chắc chắn không lực đồng minh sẽ được yêu cầu tăng cường, hoặc lực lượng bộ binh phải luôn có mặt để bảo vệ thường dân. (Mai Đức)
Bộ trưởng bộ Nội An
giải thích cho thường trú nhân hợp pháp vào Hoa Kỳ
Washington DC. (CBS) – Bộ trưởng Bộ Nội An John Kelly phát hành một tuyên bố vào hôm qua 29 tháng 1, liên quan đến việc cho thường trú nhân hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Hai ngày sau khi ông Trump ban hành lênh cấm người từ 7 quốc gia vào Hoa Kỳ, ông Kelly cho biết khi áp dụng quy định cấm của tổng thống, ông nhận thấy việc cho thường trú nhân hợp pháp vào Hoa Kỳ nằm trong lợi ích quốc gia. Do đó, tình trạng thường trú nhân hợp pháp là một yếu tố quyết định để giải quyết từng trường hợp. Michael McCaul là chủ tịch ủy ban Nội An Hạ Viện, cũng phát hành một tuyên bố sau đó. Tuyên bố cho biết Hoa Kỳ không bác bỏ những người có visa hợp lệ, hoặc có loại thẻ giống thẻ xanh, những người liều lĩnh tính mạng khi phục vụ cho quân đội Mỹ ở ngoại quốc, hoặc gọi nước Mỹ là quê hương của họ. Bộ Nội An sẽ kiểm tra kỹ để loại trừ nghi can khủng bố, đồng thời tạo điều kiện để người yêu chuộng hòa bình, tự do của mọi tôn giáo nhìn thấy Hoa Kỳ là ngọn hải đăng của niềm hy vọng.
Tuyên bố thú nhận sắc lệnh của tổng thống chưa rõ ràng nên mang lại nhiều nhầm lẫn, do đó, sắc lệnh này sẽ được chỉnh sửa. Tuyên bố cho biết trong tương lai, những sự thay đổi chính sách như thế này sẽ phối hợp tốt hơn với Quốc Hội và các cơ quan thực hiện, để sắc lệnh được hiểu đúng nghĩa cũng như không gây tổn hại cho thanh danh quốc gia. (Mai Đức)
Nhận xét
Đăng nhận xét