Quốc tế bất bình ông Trump về chính sách người tị nạn

VOA
29/01/2017

Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump.
Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump.

Đã bắt đầu có phản ứng quốc tế đối với sắc lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người dân từ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.
Bên cạnh việc ngăn chặn người dân Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cấm vĩnh viễn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cấm trong 120 ngày đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của tất cả những người tị nạn khác.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm Chủ nhật, 29/1, rằng bà Merkel "tin rằng ngay cả cuộc chiến kiên quyết và cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng không biện minh cho việc nghi ngờ chung chung người dân có xuất thân ở một nước cụ thể hoặc theo một đức tin cụ thể".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump khi bà gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Nghị sĩ Anh Jeremy Corbyn nói "Bà Theresa May lẽ ra đã phải bảo vệ Vương quốc Anh và các giá trị của chúng ta bằng cách lên án hành động của ông Trump. Đất nước chúng ta phải lấy làm buồn lòng khi bà quyết định không làm như vậy... Sau những hành động xấu của ông Trump và việc bà May đã không lên án, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng ta là nói với người tị nạn tìm kiếm một nơi an toàn rằng họ sẽ luôn luôn được chào đón ở Anh".
Ông Trump có kế hoạch đến thăm Anh vào thời gian sau này trong năm nay, nhưng nghị sĩ Anh Sarah Wollston cho rằng không nên mời nhà lãnh đạo Mỹ đến phát biểu trước Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về lệnh cấm của ông Trump: "Việc chào đón người tị nạn, người chạy trốn chiến tranh và áp bức là một phần trong nghĩa vụ của chúng tôi".
Người đồng nhiệm của ông Ayrault ở Đức là Sigmar Gabriel nói: "Hoa Kỳ là quốc gia nơi mà truyền thống Kitô giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương người láng giềng của mình là một giá trị quan trọng trong Kitô giáo và điều đó bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người".
Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng không nằm trong số các quốc gia mà người dân phải đối mặt với những hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông điệp trên truyền thông xã hội: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chính sách đó".
Tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammas Java Zarif cho biết nước ông sẽ không hành động tương tự đối với người Mỹ: "Không giống như Hoa Kỳ, quyết định của chúng tôi là không hồi tố. Tất cả những ai có thị thực hợp lệ của Iran sẽ được chào đón vui vẻ".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên Twitter để bày tỏ thái độ của đất nước mình đối với người tị nạn. Ông viết: "Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. #Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?