Tin khắp nơi – 31/01/2017
LHQ hy vọng lệnh cấm cửa người tị nạn của Mỹ chỉ là tạm thời
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm đặt việc bảo vệ người tị nạn trở lại nghị trình làm việc, sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh trong 120 ngày.
Nói chuyện với các nhà báo tại một hội nghị của Liên minh châu Phi hôm thứ Hai tại Addis Ababa, ông Guterres nói:
“Hoa Kỳ có một truyền thống lâu đời trong việc bảo vệ người tị nạn, tôi hy vọng lệnh cấm này chỉ là tạm thời”.
Ông Guterres, từng là Cao uỷ trưởng Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói “bảo vệ người tị nạn là một công tác rất cần thiết.”
Ông Filippo Grandi, Cao uỷ trưởng Tị nạn LHQ (UNHCR), hôm thứ Hai nói người tị nạn đang rất “lo lắng, bối rối và đau khổ” vì sau khi đã làm xong hết các thủ tục giấy tờ, tốn rất nhiều thời giờ, nay lại không được phép nhập cảnh Hoa Kỳ.
UNHCR ước tính có đến 20.000 người tị nạn đang trong “hoàn cảnh bấp bênh” như thế, họ lẽ ra được di dân sang Mỹ trong thời gian 120 ngày lệnh cấm có hiệu lực.
Toà Bạch Ốc gạt ý kiến phản biện
của nhân viên Ngoại giao Mỹ về lệnh cấm di dân
Steve Herman
Các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ có ý kiến bất đồng với sắc lệnh siết chặt di trú của Tổng thống Trump có hai sự chọn lựa, “đó là thực thi sắc lệnh của Tổng thống, hoặc là ra đi”, theo lời người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer. Hôm thứ Hai ông Spicer khẳng định với các nhà báo rằng “sắc lệnh này có mục đích bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ.”
Ông Spicer thừa nhận sự hiện diện của một tài liệu nội bộ được phổ biến giữa các giới chức ngoại giao và các nhân viên khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ là một kênh hợp pháp để bày tỏ những vấn đề quan tâm. Nhưng ông Spicer cho rằng chống đối sắc lệnh của tổng thống cấm du hành áp dụng đối với cư dân của 7 quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, đã bị “phóng đại và thổi phồng.”
Tài liệu nội bộ truyền qua Kênh Bất đồng phản đối sắc lệnh hạn chế du hành và nhập cảnh đối với người di dân, cho rằng hành động của chính phủ Trump “sẽ không đạt được mục đích đề ra & và có phần chắc sẽ phản tác dụng.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Bộ có biết về tài liệu nội bộ này, nhưng từ chối bình luận về nội dung của tài liệu đó.
Đài VOA đã được xem một bản thảo cho biết là tài liệu này bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của lệnh cấm, nói rằng lệnh sẽ không đạt được mục tiêu “bảo vệ người dân Mỹ chống lại các cuộc tấn công khủng bố do những người nước ngoài được phép nhập cảnh Hoa Kỳ thực hiện.”
Tài liệu nội bộ còn cảnh báo rằng lệnh cấm “lập tức làm xấu đi quan hệ” với các đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì công dân của những nước này giờ bị hạn chế, không được nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tài liệu này còn đề xuất các giải pháp thay thế như tăng cường công tác sàng lọc các hồ sơ xin thị thực và di trú.
Kênh Bất đồng trong Bộ Ngoại giao Mỹ được lập ra vào năm 1971 giữa lúc đang có tranh cãi về các chính sách liên quan tới chiến tranh Việt Nam, để cho phép các nhà ngoại giao tự do nói lên những quan tâm của mình về chính sách đối ngoại.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ thông thường có từ 4 đến 5 thông điệp truyền qua Kênh Bất đồng mỗi năm.
Những người sử dụng Kênh ý kiến bất đồng được bảo vệ chống các hành động trả đũa, các biện pháp kỷ luật hoặc bị trừng phạt vì sử dụng kênh này mà không được phép, theo các quy định của chính phủ được ghi trong Cẩm nang của Bộ Ngoại giao.
Các nhà lập pháp Dân chủ
tham gia phản đối sắc lệnh di trú của TT Mỹ
ĐIỆN CAPITOL —
Các nhà lập pháp thuộc Ðảng Dân chủ Mỹ hôm thứ Hai cực lực phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, tạm thời cấm công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ. Vụ phản đối của các nhà lập pháp Mỹ tại các bậc thềm của Tối cao Pháp viện là đỉnh điểm của làn sóng chống đối sắc lệnh di trú của ông Trump, đã bắt đầu từ cuối tuần qua trước Tòa Bạch Ốc và tại các phi trường trên khắp nước.
Các nhà lập pháp Dân chủ phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump trước tiền đình Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ. Họ tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc chiến đầu tiên với tân tổng thống vừa nhậm chức.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện, phát biểu:
“Chúng tôi sẽ không để cho sắc lệnh xấu xa này làm xói mòn các giá trị Mỹ của chúng ta. Chúng tôi sẽ chống đối cho tới cùng, và chúng tôi sẽ thắng.”
Các nhà lập pháp đã tập trung ở Điện Capitol một ngày sau khi xảy ra các cuộc biểu tình làm tê liệt giao thông trên đoạn đường từ Tòa Bạch Ốc đến Quốc hội. Những người biểu tình cho rằng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump không phản ảnh các giá trị của Mỹ.
Dân biểu Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số ở Hạ viện, nói đây là khởi điểm của tiến trình dỡ bỏ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump:
“Điều tổng thống Trump làm là vi hiến. Quả vậy, đối với rất nhiều người trong chúng ta, hành động đó trái với đạo đức.”
Nhiều đại biểu Dân chủ đã tham gia các cuộc tập họp của những người biểu tình hồi cuối tuần. Và họ đã lên tiếng trên mạng truyền thông xã hội.
Sáu Thượng nghị sĩ Ðảng Cộng hòa và 9 đại biểu Quốc hội cũng công khai chỉ trích sắc lệnh của tổng thống.
Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng hòa vẫn giữ im lặng hoặc, nói rằng lệnh cấm này là những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông Clay Higgins, dân biểu Cộng hòa đại diện bang Louisiana, phát biểu:
“Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, nói một cách đơn giản, đã vãn hồi lối nhận thức lành mạnh về chính sách di trú của Mỹ.”
Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan trước đây đã chỉ trích đề nghị của ông Trump về lệnh cấm này khi ông Trump còn vận động tranh cử. Chủ tịch Paul Ryan:
“Một số đồng minh lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là người Hồi giáo.”
Nhưng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, ông Ryan đã lên tiếng ủng hộ ông Trump.
Sau khi Tổng thống Trump lên tiếng bênh vực quyết định của mình, Tòa Bạch Ốc không nhượng bộ hôm thứ Hai trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với truyền thông báo chí kể từ khi sắc lệnh được ban hành.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói:
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói:
“Tôi lấy làm tiếc là có một số người sẽ phải chờ đợi khá lâu, nhưng tôi nghĩ rằng tổng thống không muốn phải điện thoại cho ai đó bị sát hại bởi vì một người nào đó đã được phép nhập cảnh vào nước này để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố.”
Nhưng Phe Dân chủ, hiện vẫn mang một vết thương chưa lành vì thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử, đang tìm một lý do để chống lại chính phủ mới của Đảng Cộng hoà, và sẽ cùng những người ủng hộ giận dữ đã rủ nhau tham gia các cuộc xuống đường để phản đối.
Iran sẽ cấm cửa công dân Mỹ, trả đũa Trump
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo du hành tới Mỹ, Iran hôm thứ Bảy loan báo sẽ cấm nhập cảnh công dân Mỹ hầu trả đũa.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Iran viết rằng ‘Dù tôn trọng người Mỹ và không gộp chung người Mỹ với các chính sách thù địch của chính phủ Mỹ, nhưng Iran sẽ thực thi nguyên tắc có qua có lại cho tới khi nào các hạn chế của Mỹ chống lại công dân Iran được dỡ bỏ.’
Thông cáo nhấn mạnh các hạn chế cấm người Hồi giáo du hành tới Mỹ là chống lại thế giới Hồi giáo nói chung và quốc gia Iran nói riêng, và điều này sẽ được xem như là những món quà đối với các phần tử cực đoan.
Lệnh cấm ông Trump vừa ban hành sẽ khiến bà con, thân hữu của khoảng 1 triệu người Mỹ gốc Iran không được du lịch tới Hoa Kỳ.
Cùng ngày thứ bảy, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, cũng lên tiếng chỉ trích việc xây dựng các bức tường biên giới và hủy bỏ các thỏa thuận tự do thương mại thế giới, dù ông không nêu đích danh Tổng thống Donald Trump.
Đối thoại Mỹ – Mexico ‘chưa gãy đổ’
Có dấu hiệu chính phủ Mỹ đang có quan điểm uyển chuyển hơn về cách chi trả cho bức tường biên giới với Mexico do Tổng thống Trump đề xướng và sẽ sớm diễn ra các cuộc họp bàn về bang giao song phương trong tương lai, theo loan báo của một giới chức Mexico ngày 30/1.
Các mối quan hệ giữa đôi bên trong tuần rồi bị lung lay khi cuộc họp thượng đỉnh đã lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, bị hủy sau khi Mỹ nói rằng Mexico nên bỏ ý định gặp gỡ nếu không chịu chi trả cho bức tường thành biên giới.
Ông Trump muốn xây bức tường ở đường biên giới phía Nam Hoa Kỳ để chặn người tị nạn bất hợp pháp từ Mexico tràn vào Mỹ và đánh tiếng rằng Mexico sẽ phải trả tiền xây tường trong khi Mexico kiên quyết không chấp nhận.
Hôm thứ sau, lãnh đạo hai nước đã điện đàm xoa dịu căng thẳng và Ngoại trưởng Mexico cho biết chính phủ đôi bên đang liên lạc chặt chẽ với nhau và sẽ ngồi xuống bàn thảo trong tuần này.
Ngoại trưởng Luis Videgaray tuyên bố ‘Đối thoại chưa gãy đổ. Đây là mối quan hệ cực kỳ quan trọng đối với Mexico.’
Dù chưa xác định thời điểm để lãnh đạo đôi bên gặp nhau, nhưng các cuộc họp giữa giới chức chính phủ hai nước có thể diễn ra trong vài ngày tới, theo lời Ngoại trưởng Mexico. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng Tòa Bạch Ốc đang điều chỉnh quan điểm về việc chi trả bức tường biên giới.
Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc ngày 29/1 cho hay việc chi trả xây tường vẫn đang còn trong vòng bàn bạc, đồng thời đề cập tới khả năng của các biện pháp tài chính và áp thuế biên giới.
Ông Trump ký sắc lệnh giảm luật, lệ lên doanh nghiệp
Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng ngày 30/1 ký thêm một sắc lệnh hành pháp mà ông nói sẽ ‘giảm đáng kể các luật lệ liên bang’ áp đặt lên giới doanh nghiệp.
Trong cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ, ông Trump loan báo sẽ giảm gánh nặng luật lệ và các hiệu ứng gây phương hại của chúng đối với các doanh nghiệp nhỏ, nền kinh tế, và tinh thần kinh doanh của nước Mỹ.
‘Giấc mơ Mỹ đã sống dậy, chúng ta sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ mà chúng ta chưa từng có trong nhiều chục năm nay,’ ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Trump cho hay sắc lệnh vừa ký chỉ thị rằng cứ mỗi luật lệ mới mà các cơ quan liên bang muốn thực thi, thì có hai quy định hiện hành phải bị cắt giảm. Ông Trump nói đây là đợt tinh giảm luật lệ lớn nhất từ trước tới nay.
Ông Trump, một doanh nhân tỷ phú trở thành Tổng thống Mỹ, trong thời kỳ tranh cử đã hứa hẹn sẽ cắt giảm luật lệ liên bang mà ông cho rằng lâu nay là gánh nặng cho giới doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Sắc lệnh vừa ban hành là một bước nữa thực hiện các lời cam kết của ông Trump lúc tranh cử, tiếp theo sau sắc lệnh gây tranh cãi ban hành hôm thứ sáu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, cũng như cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somallia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Theo ABC News – REUTERS
Washington sẽ kiện sắc lệnh di trú của Tổng Thống Trump
Chưa đầy nửa tháng nhậm chức tân Tổng thống nhưng ông Donald Trump đang phải đối diện với áp lực gia tăng do các sắc lệnh hành pháp ‘mạnh tay’ đối với di dân và người tị nạn.
Sau khi ông Trump ký sắc lệnh hôm thứ sáu vừa qua cấm những người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, ngày 30/1, tiểu bang Washington loan báo sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, cũng loan báo sẽ ra dự luật tìm cách chấm dứt lệnh cấm này dù nỗ lực của ông không có nhiều cơ may được Quốc hội, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, thông qua.
Cùng với các đồng minh của Mỹ từ Iraq tới Đức, Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sắc lệnh của ông Trump cấm người tị nạn vào Mỹ và không cho người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo được du hành tới Hoa Kỳ.
Washington sẽ là tiểu bang đầu tiên thách thức sắc lệnh hành pháp mà tân Tổng thống vừa ban hành. Bang này loan báo đang tìm cách đâm đơn kiện lên tòa án liên bang.
Thống đốc bang, ông Jay Inslee, một người thuộc đảng Dân chủ, nói với báo giới ‘Đây là một sự xúc phạm và là mối nguy đối với toàn thể dân chúng bang Washington, thuộc mọi đức tin tín ngưỡng.’
Người đứng đầu bang Washington nhấn mạnh quan trọng là chính quyền của ông Trump đối mặt với các vụ kiện do chính bang đệ nạp hơn là các vụ kiện lẻ tẻ từ những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông Trump.
Giới chuyên môn cho biết vụ kiện sẽ bao gồm các tố cáo ông Trump vi phạm Hiến pháp, vi phạm những điều khoản bảo vệ công bằng và Tu chính án thứ nhất. Những lập luận này cũng có trong các đơn kiện khác hồi cuối tuần qua được đệ nạp nhân danh những cá nhân bị cầm giữ tại các phi trường Mỹ.
Sắc lệnh của Tổng thống theo đảng Cộng hòa, Donald Trump, yêu cầu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somallia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Tổng thống nói hành động này sẽ bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố nhưng những người chỉ trích cho rằng sắc lệnh đó loại ra một bên những người Hồi giáo một cách bất công, vi phạm luật pháp và Hiến pháp Hoa Kỳ, và làm phương hại thanh danh lâu nay của nước Mỹ là vùng đất chào đón di dân.
Tin cho hay các công ty công nghệ như Amazon.com và Expedia Inc có trụ sở tại vùng Seattle, bang Washington, sẽ hậu thuẫn vụ kiện của bang.
Giới chuyên môn của các bang khác, bao gồm California và New York, cho hay đang cân nhắc việc đâm đơn kiện riêng.
Cựu Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump, qua lời một phát ngôn nhân, cho biết ông không đồng ý với việc phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo.
Người Úc song tịch không bị cấm vào Mỹ
Những người Úc mang song tịch sẽ không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh hành pháp do tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành không cho du khách từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, theo loan báo của Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull, ngày 30/1.
Sắc lệnh của ông Trump ra lệnh cấm tạm thời trong 3 tháng các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Mỹ đã gây ra một số cảnh hỗn loạn cuối tuần qua trong khi các giới chức biên giới và hải quan chật vật đưa vào áp dụng trên thực tế.
Thủ tướng Úc tuyên bố ‘Những người cầm trong tay passport Úc sẽ được du hành tới Mỹ y như trước khi có sắc lệnh vừa ban hành.’ Ông Turnbull cho biết ông vừa nhận được xác nhận chính thức như vậy.
Cùng với Canada và Anh, Úc lọt vào danh sách được miễn trừ đối với những công dân mang song tịch, trong khi Thủ tướng New Zealand Bill English cho hay ông kỳ vọng cũng sẽ đạt được thỏa thuận tương tự cho nước ông.
Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ cũng đặt 120 ngày tạm ngưng cho người tị nạn vào Mỹ và một lệnh cấm vô thời hạn đối với những người tị nạn từ Syria.
Indonesia ‘lấy làm tiếc’ về sắc lệnh di trú Mỹ
Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi, hôm 29 tháng 1 tuyên bố quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo này lấy làm tiếc về các sắc lệnh di trú mới của Mỹ “thanh lọc nghiêm ngặt” không cho dân từ một số quốc gia Hồi Giáo vào Hoa Kỳ.
Trong sắc lệnh có tầm áp dụng rộng rãi ký hôm thứ Sáu tuần rồi làm dấy lên xáo trộn và lúng túng, ông Trump ra lệnh tạm ngưng 4 tháng không cho người tị nạn vào nước Mỹ và tạm thời cấm những người từ Syria và từ 6 quốc gia khác có đa số dân theo đạo Hồi không được nhập cảnh Hoa Kỳ.
Indonesia, quốc gia có số người theo Hồi Giáo đông nhất thế giới, không nằm trong danh sách 7 nước bị hạn chế. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch “thanh lọc nghiêm ngặt” của ông Trump, Ngoại trưởng Marsudi nói trong một tin nhắn truyền thông xã hội gởi cho Reuters rằng “Chúng tôi hết sức lấy làm tiếc về chính sách này.”
Vào tháng 12 năm 2015, ông Trump kêu gọi cấm tất cả người Hồi Giáo vào Mỹ. Ý kiến gây bão công luận vì gợi ý một cuộc trắc nghiệm về tôn giáo đối với di dân mà phe chỉ trích cho rằng vi phạm Hiến pháp nay đã biến thành một đề nghị “thanh lọc nghiêm ngặt.”
Hầu hết 220 triệu dân Hồi Giáo Indonesia theo một hình thức Hồi Giáo ôn hòa, dù nước này có một số tổ chức Hồi Giáo cực đoan và trong quá khứ đã hứng chịu những cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến.
Indonesia có mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ và nhiều công dân nước này đánh giá cao cựu Tổng thống Barack Obama, người từng trải qua một phần thời thơ ấu tại Indonesia.
Kremlin: Putin và Trump có thể gặp nhau trước G20
Hôm thứ Hai, Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt Nga, nhưng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước hội nghị G20 vào tháng Bảy.
Ông Putin và ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho các nhà báo biết đó là một cuộc trao đổi tốt đẹp.
Ông Peskov nói: “(Nhưng) khó có thể nói về bất kỳ thỏa thuận nào (về lệnh trừng phạt)”.
Phát ngôn viên điện Kremlin nói thêm: “Để bắt đầu, chúng tôi phải sắp xếp được ngày giờ cho cuộc họp giữa hai vị tổng thống. Hiện các phụ tá đang làm việc này”. Ông cho biết cuộc họp có thể diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra tại Hamburg vào ngày 7 và 8/7.
Ông Peskov nói ông Putin và ông Trump chưa thảo luận về các biện pháp trừng phạt trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nhậm chức.
Nhưng ông Peskov cho biết: “Chúng tôi đã thấy có sự sẵn sàng giải quyết những vấn đề khó khăn thông qua đối thoại, điều mà Tổng thống Putin đã từ lâu kêu gọi và rất tiếc là trong những năm trước đã không nhận được sự phản hồi”.
Ông Trump sắp đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố đề cử một thẩm phán cho Tối cao Pháp viện vào cuối ngày thứ Ba.
Tòa án với 9 thành viên đã bị khuyết 1 ghế kể từ khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời hồi năm ngoái. Ông Scalia là một người có quan điểm bảo thủ đã giữ chức thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ 30 năm.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử thẩm phán tòa phúc thẩm Merrick Garland để điền khuyết vị trí trên. Nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối xem xét đề cử ông Garland và nói muốn để cho tổng thống kế tiếp đề cử.
Ông Trump đã xem xét một vài thẩm phán bảo thủ cho vị trí này.
Tin cho hay những người đứng đầu danh sách đề cử gồm các thẩm phán liên bang Neil Gorsuch, Thomas Hardiman và William Pryor.
Hong Kong trả xe bọc thép cho Singapore
Singapore ngày mùng 3 Tết Đinh Dậu đã nhận lại 9 chiếc xe bọc thép của Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) bị Hong Kong chặn giữ từ ngày 23/11 năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Singapore loan báo 9 xe bọc thép Terrex cùng các quân cụ khác đã được trả về hôm 30/1.
Đoàn xe bị chặn giữ khi quá cảnh Hong Kong trên đường được tàu vận chuyển về lại Singapore sau một cuộc diễn tập quân sự tại Đài Loan.
Tờ South China Morning Post dẫn lời hải quan Hong Kong nói rằng chủ tàu vận tải không xuất trình giấy phép hợp lệ cho đoàn xe.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho hay đoàn xe này sẽ được chuyển tới doanh trại để kiểm tra kỹ lưỡng.
Hôm 24/1, Bộ Ngoại giao Singapore cho hay nhà chức trách Hong Kong đã hoàn tất điều tra và sẽ trả lại toàn bộ đoàn xe cùng các quân cụ thu giữ thông qua công ty vận tải thương mại chủ tàu vận chuyển.
Theo Asia One/SCMP
LHQ lên án vụ ám sát luật sư đảng cầm quyền Myanmar
Các giới chức Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ sát hại một cố vấn pháp lý của đảng cầm quyền Myanmar và kêu gọi một cuộc điều tra “phù hợp, hiệu quả, công bằng” vụ giết người.
Ông Ko Ni, một thành viên nổi tiếng của người thiểu số Hồi giáo Myanmar, đã bị bắn chết hôm Chủ nhật khi ông đang đợi taxi bên ngoài sân bay quốc tế Yangon. Ông vừa trở lại Myanmar sau một chuyến đi nước ngoài.
Một tài xế taxi đã bị thương trong vụ tấn công. Các quan chức cho biết tay súng đã bị bắt.
Bà Yanghee Lee, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, nói: “Tôi bị rúng động vì vụ giết chết một cá nhân rất hiểu biết và được tôn trọng, người mà tôi đã gặp gỡ trong tất cả các chuyến thăm của tôi đến đất nước này, trong đó có chuyến thăm gần đây nhất chỉ mới hơn một tuần trước”.
Bà nói cái chết của ông Ko Ni là một “mất mát to lớn đối với những người bảo vệ nhân quyền và với Myanmar”.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Myanmar cho biết kẻ nghi can tấn công đang bị thẩm vấn. Hiện chưa rõ về động cơ của cuộc tấn công.
Canada truy tố kẻ tấn công vào đền Hồi giáo ở Quebec
Cảnh sát thành phố Quebec đã truy tố một sinh viên đại học người Canada gốc Pháp về tội sát nhân sau một cuộc tấn công đẫm máu vào một đền Hồi giáo ở thành phố Quebec.
Alexandre Bissonnette, 27 tuổi, bị truy tố vào đêm thứ Hai 30/1 về 6 tội cố sát và 5 tội mưu sát trong vụ nổ súng.
Có 8 người bị thương trong vụ tấn công vào Trung tâm Văn hóa Hồi giáo ở Quebec vào khuya Chủ nhật. Trong đó có 5 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Phát biểu tại Quốc hội hôm thứ Hai, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng các nạn nhân bị tấn công chỉ vì lý do tôn giáo:
“Tôi muốn nói với hơn 1 triệu người Canada theo đức tin Hồi giáo rằng – Chúng tôi luôn đồng hành cùng quý vị, 36 triệu trái tim cùng chia sẻ nỗi đau của quý vị. Chúng tôi rất tôn trọng quý vị. Quý vị đã góp phần làm giàu cho đất nước chung của chúng ta. Nơi này là quê hương của quý vị.”
Cảnh sát đã bắt một nghi can thứ hai, nhưng bây giờ người này được coi như một nhân chứng.
Cảnh sát không nói rõ động cơ dẫn đến cuộc tấn công và cũng không rõ liệu có bất cứ ai khác tham gia vào vụ nổ súng hay không.
Văn phòng Thủ tướng Trudeau cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai đã gọi điện chia buồn, và đề nghị cung cấp bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào.
Iran thử tên lửa, Hội đồng Bảo an họp khẩn
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp khẩn hôm nay, thứ Ba 31/1, để phản ứng trước một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo do Iran thực hiện.
Hoa Kỳ đề nghị mở cuộc họp này sau khi Iran bắt đầu phóng thử nghiệm một tên lửa tầm trung hôm Chủ nhật vừa rồi. Hiện chưa rõ chính xác loại tên lửa nào đã được phóng đi và khả năng của tên lửa này ra sao.
Vào năm 2015, Hội đồng Bảo an đã ra một nghị quyết nghiêm cấm Iran thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế để có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Trong một cuộc họp báo ở Tehran hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif không xác nhận hay phủ nhận vụ thử nghiệm đã được thực hiện, nhưng nhắc lại lập trường của Iran rằng các tên lửa của Iran không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Hussein Banai, chuyên gia phân tích các vấn đề Iran thuộc đại học Indiana, nói ông tin rằng động cơ đằng sau cuộc thử nghiệm này chủ yếu là chính trị, và Iran đã rút ra bài học “về cách ứng xử như thế nào với một chính phủ Mỹ hung hăng hơn.”
Ông Banai nói với đài VOA:
“Tôi nghĩ rằng Iran đã thực hiện cuộc thử nghiệm để gửi một tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không từ bỏ các hoạt động bình thường đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, và mặt khác, Iran không muốn tỏ ra hoà hoãn hoặc bị coi là nhút nhát khi đối mặt với những lời lẽ cứng rắn từ Washington.”
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, ông nói rằng các cường quốc thế giới đã nhân nhượng quá nhiều trong khi Iran không nhượng bộ bao nhiêu. Trong một cuộc điện đàm hồi trong tuần với Quốc vương Salman của Ả Rập Xê-út, ông Trump nói ông sẽ “mạnh mẽ” buộc Iran phải thực thi thỏa thuận hạt nhân.
Quốc hội Anh tranh luận cách đón tiếp ông Trump
Quốc hội Anh sẽ mở tranh luận liệu có đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng nghi thức cao nhất, sau khi có thư kiến nghị thu hút gần 1,7 triệu chữ ký.
Lá đơn này chỉ mới có 60 chữ ký thứ Bảy tuần rồi nhưng nay đã có hơn 1,68 triệu chữ ký.
Đơn này đề nghị vẫn đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng Anh quốc không dùng nghi thức chuyến thăm nhà nước vì sẽ “làm xấu mặt cho Nữ hoàng”.
Quốc hội Anh sẽ tổ chức tranh luận về đơn này vào ngày 20/2.
Cùng ngày, các nghị sĩ Anh sẽ thảo luận về đơn thứ hai, ủng hộ ông Trump thăm Anh, hiện có hơn 100.000 chữ ký.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm thời cấm công dân của bảy quốc gia có đa số dân Hồi giáo vào Mỹ.
Việc này gây ra các cuộc biểu tình, trong đó có biểu tình ở Anh.
Walesa ‘làm đặc tình cho cộng sản Ba Lan’
Giới chức Ba Lan nói hôm 31/1 rằng phân tích chữ viết tay chứng tỏ cựu tổng thống Lech Walesa hợp tác với mật vụ cộng sản đầu thập niên 1970.
Viện Hồi ức Quốc gia của Ba Lan, nơi truy tố tội phạm của thời Đức quốc xã chiếm đóng và thời cộng sản, nói người nhận giải Nobel hòa bình đã ký thỏa thuận hợp tác, và có hóa đơn nhận tiền của an ninh.
Ông Walesa đồng sáng lập Công đoàn Đoàn kết dẫn tới sự chấm dứt chế độ cộng sản không đổ máu ở Ba Lan năm 1989.
Suốt nhiều năm ông chịu cáo buộc này và khăng khăng bác bỏ.
Cuối tuần rồi, khi báo chí Ba Lan bắt đầu đưa tin này, ông Walesa nhắc lại đây là “dối trá”.
Viện Hồi ức Quốc gia của Ba Lan nói việc giám định hồ sơ công an thời cộng sản được các chuyên gia phân tích tại thành phố Krakow.
Họ so sánh hồ sơ với chữ viết tay của Walesa trong các văn bản như đơn xin cấp hộ chiếu, thẻ căn cước, giấy lái xe.
Ông Walesa đã từ chối nộp bản mẫu chữ viết tay cá nhân.
Viện Tưởng nhớ Quốc gia nói có 17 biên nhận nhận tiền tổng cộng là 11.700 đồng zloty từ 1971 đến 1974.
Người có mật danh Bolek, được cho là Walesa, đã nộp 29 báo cáo viết tay cho an ninh.
Năm 2000, một tòa án từng nói rằng không có căn cứ để nghi ngờ Walesa.
Nhưng năm 2016 lại xuất hiện cáo buộc sau khi Viện Hồi ức Quốc gia thu giữ hồ sơ an ninh từ góa phụ của một bộ trưởng thời cộng sản Czesław Kiszczak.
Một cuốn sách năm 2008 của Viện Tưởng nhớ Quốc gia cáo buộc rằng ông Walesa cộng tác với công an tháng 12/1970 nhưng đến tháng Sáu 1976 thì cắt liên lạc vì “không chịu hợp tác”.
Ông Walesa được trao Nobel hòa bình năm 1983 và là tổng thống Ba Lan từ 1990 đến 1995.
Sự thật ‘chỉ một phần’
Hiện phe thiên hữu thuộc Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) ở Ba Lan bị phê phán rằng họ đang muốn hạ bệ hoàn toàn thần tượng Lech Walesa của Công đoàn Đoàn kết trong nỗ lực viết lại lịch sử.
Sự thật của giai đoạn đấu tranh chống chế độ toàn trị tại Ba Lan trước 1989 có vẻ như phức tạp hơn chuyện ông Walesa cộng tác với an ninh thời đó, theo nhà sử học Jan Skorzynski trả lời báo Wyborcza 31/01/2017.
Theo sử gia này, vào tháng 12/1970, khi tham gia tổ chức đình công, ông Walesa đã bị bắt và bị ép làm đặc tình cho công an.
Ông đã đồng ý nhưng thường chuyển cho an ninh cộng sản Ba Lan các thông tin chứng tỏ cuộc đấu tranh không khoan nhượng của công nhân Nhà máy Đóng tàu Lenin ở Gdansk.
Cùng lúc, ông tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình.
Vẫn theo Jan Skorzynski, trong các năm 1973 và 1975, ông Walesa đã tìm cách cắt đứt quan hệ với an ninh.
Sau đó, vì thất vọng bởi sự hợp tác không hết lòng, an ninh Ba Lan đã ra lệnh cho nhà máy đóng tàu đuổi việc ông.
Jan Skorzynski thừa nhận Walesa là con người phức tạp, có lúc yếu đuối nhưng đã vượt lên bản thân và trở thành lãnh tụ một phong trào công nhân to lớn, đưa chế độ cộng sản Ba Lan đến chỗ phải đàm phán chia sẻ quyền lực
Mỹ – Hàn cam kết lắp đặt THAAD trong năm nay
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng nhiệm Hàn Quốc cam kết sẽ thúc đẩy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có tên THAAD trên đất Hàn trong năm nay, bất chấp những phản đối gay gắt từ Trung Quốc. Khẳng định này được đưa ra trong cuộc điện đàm vào hôm qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis và bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo.
Hai nước lần đầu tiên công bố kế hoạch triển khai hệ thống THAAD vào năm ngoái tiếp theo sau một loạt những vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa từ Bắc Hàn.
Cuộc nói chuyện giữa hai vị Bộ Trưởng Quốc phòng diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn hôm thứ hai đồng ý sẽ tăng cường khả năng phòng thủ chung giữa hai nước.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối kế hoạch này vì lo sợ hệ thống THAAD sẽ làm yếu đi khả năng đạn đạo của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ đến thăm Hàn Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trong cương vị mới từ ngày thứ năm đến thứ 6 tuần này. Sau đó ông sẽ đến Nhật Bản.
Trung Quốc sắp hoàn thành hàng không mẫu hạm thứ nhì
Sau gần 3 năm chế tạo, Trung Quốc sắp hoàn thành chiếc hàng không mẫu hạm mang tên Sơn Đông do hải quân nước này tự đóng.
Tin này vừa được truyền thông Trung Quốc loan tải, nhưng không cho biết rõ đến khi nào sẽ hạ thủy.
Trước đây, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan tin hàng không mẫu hạm Sơn Đông được đóng tại cảng Đại Liên, là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, sau chiếc Liêu Ninh được mua lại từ Ukraine.
Đầu năm nay, chiếc Liêu Ninh và đoàn tầu hộ tống đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, đi qua vùng biển phía Nam của Nhật Bản và vòng qua eo biển Đài Loan, trước khi về lại Trung Quốc, cặp bến ở Hải Nam.
Tự đóng hàng không mẫu hạm là kế hoạch được Bắc Kinh đưa ra với mục đích hiện đại hóa hải quân, tăng cường sức mạnh quân sự trên biển.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng phải mất nhiều năm nữa hải quân Trung Quốc mới có thể sử dụng nhuần nhuyễn các hoạt động trên hàng không mẫu hạm.
Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc xây kho vũ khí tại Philippines
Hôm nay trong bài nói chuyện đọc ở Manila, ông Sung Kim, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Philippines khẳng định quân đội Mỹ không hề xây kho võ khí trên đất Phi như Tổng Thống Rodrigo Duterte cáo buộc.
Theo ông đại sứ Mỹ, Hoa Kỳ chỉ xây kho chứa vật dụng mà binh sĩ 2 nước cùng sử dụng vào mục đích chống thiên tai, nhấn mạnh những kho hàng này được xây với sự đồng ý của chính phủ nước bạn.
Phát biểu được đưa ra vài ngày sau khi Tổng Thống Phi lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ tự ý xây các kho võ khí, chưa cả xe tăng, trên lãnh thổ Phi mà không xin phép.
Ông Đại Sứ Mỹ cũng nói đã nói chuyện với các viên chức của Phi, kể cả ông bộ trưởng quốc phòng để giải tỏa những hiểu lầm.
Vẫn theo Đại Sứ Kim Sung, chuyện này không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa 2 quốc gia.
Quyền bộ trưởng Tư Pháp Mỹ bị cách chức
vì chống sắc lệnh cấm nhập cư
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ chống lại sắc lệnh nhập cư, tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng biện pháp mạnh để trả đũa. Nạn nhân nổi bật là bà Sally Yates, quyền tổng chưởng lý Hoa Kỳ – một chức vụ tương đương với bộ trưởng Tư Pháp. Tổng thống Mỹ ngày 30/01/2017 cách chức bà Yates chỉ ít lâu sau khi bà cho biết là cơ quan của bà sẽ không thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Trong một tuyên bố công khai, bà Yates nói thẳng, sắc lệnh của tổng thống không hợp pháp, do vậy : « Ngày nào mà tôi còn là quyền tổng chưởng lý nước Mỹ, ngày đó bộ Tư Pháp sẽ không thực thi mệnh lệnh hành chính của tổng thống ».
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tổng thống Donald Trump đã có phản ứng. Một thông báo của Nhà Trắng xác định là tổng thống Trump đã cách chức bà Sally Yates với lý do bà Yates đã « phản bội » bộ Tư Pháp khi từ chối thi hành một « mệnh lệnh pháp lý nhằm bảo vệ công dân Mỹ ».
Người được cử thay thế bà Sally Yates trong chức vụ quyền tổng chưởng lý nước Mỹ là ông Dana Boente, chưởng lý Quận Đông Virginia. Nhân vật này đã nhanh chóng hủy bỏ lệnh yêu cầu không thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh do người tiền nhiệm đưa ra.
Bà Sally Yates đã được bổ nhiệm làm quyền tổng chưởng lý Hoa Kỳ dưới thời ông Obama từ khi tổng chưởng lý Janet Reno từ chức. Bà vẫn giữ chức vụ này cho đến hôm qua trong khi chờ đợi người được ông Trump bổ nhiệm làm tổng chưởng lý nước Mỹ là thượng nghị sĩ Jeff Sessions chính thức nhậm chức.
Theo hãng tin Mỹ AP, quyết định cách chức bà Yates là một lời cảnh cáo của tân tổng thống Mỹ đối với tất cả những ai dám chống lệnh của ông.
Hạ viện Anh xem xét dự luật cho phép
khởi động đàm phán Brexit
Ngày 31/01/2017, Hạ viện Anh bắt đầu xem xét dự luật cho phép chính phủ khởi động tiến trình đàm phán về việc nước này rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Văn bản mang tên « Dự luật về Liên Hiệp Châu Âu » rất ngắn gọn, đề nghị các nghị sĩ « trao quyền cho thủ tướng thông báo về ý định của nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chiểu theo điều 50 của Hiệp định Lisboa ».
Các nghị sĩ Anh xem xét dự luật trong ngày hôm nay và ngày mai, sau đó, sẽ tiến hành thảo luận trong các ngày mồng 6, 7, 8 tháng Hai trước khi biểu quyết.
Theo AFP, dự luật có thể được nhanh chóng thông qua, như mong muốn của chính phủ, nhưng đã có 5 kiến nghị sửa đổi nhằm « giết từ trong trứng » văn bản này. Các đề nghị sửa đổi được đăng trên website của nghị viện. Có kiến nghị kêu gọi không xem xét dự luật vì văn bản này không bảo đảm được việc nước Anh tiếp tục tham gia thị trường chung châu Âu. Một kiến nghị khác cũng kêu gọi tương tự nhưng với lý do là các hội đồng dân biểu cấp địa phương không được hỏi ý kiến về dự luật này hoặc thủ tướng Anh không có chiến lược đàm phán về Brexit.
Tuy nhiên, các kiến nghị khó được chấp nhận. Đảng bảo thủ Anh có được đa số tại Hạ viện và Công đảng Anh thuộc phe đối lập cũng đã cam kết không ngăn chặn dự luật này.
Sau khi được bỏ phiếu tại Hạ viện (House of Commons-Viện Thứ Dân), dự luật sẽ được trình lên Thượng viện (House of Lords-Viện Quý tộc) và sau đó được chuyển tới Nữ Hoàng Anh để xin chấp thuận.
Theo bộ trưởng Anh phụ trách Brexit David Davis, thì đây chỉ là một dự luật cho phép áp dụng một quyết định đã được thông qua, cụ thể là người dân Anh đã quyết định là ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Anh Theresa May đã cam kết khởi động thủ tục đàm phán về Brexit vào cuối tháng 3/2017.
Hoa hậu Hoàn vũ được bao nhiêu tiền thưởng ?
Bạn có biết là vào năm 1953, nước Pháp từng được vinh danh hai lần trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Cô Denise Perrier đã giành lấy chiếc vương miện Hoa hậu Thế giới. Còn cô Christiane Martel đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ. Sau hai giải này, các hoa khôi của Pháp không còn được xướng tên trong các kỳ thi quốc tế.
Mãi tới hơn 6 thập niên sau, Iris Mittenaere mới giúp cho nước Pháp ngời sáng trở lại, nhân vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ hôm 30/01/2017. Iris Mittenaere, 24 tuổi, chiều cao 1,72m, vòng ngực 90C hiện là sinh viên chuyên ngành nha khoa tại trường Đại học Lille II. Ngoài một vẻ đẹp tự nhiên và những chỉ số hấp dẫn, cô còn đã chứng tỏ bản lãnh trí tuệ trong phần thi ứng xử, nổi trội hơn hai đối thủ đáng gờm là Andrea Tovar (Hoa hậu Colombia) và đặc biệt là Raquel Pelissier (Hoa hậu Haiti).
Một khi được đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ, Iris Mittenaere coi như là đã ký hợp đồng một năm với Tổ chức quản lý Miss Universe Organization. Câu hỏi được đặt ra là phần thưởng cho một Hoa hậu Hoàn Vũ thời nay là bao nhiêu ?
Theo mạng thông tin Business Insider, các hợp đồng ‘‘hoa hậu’’ thường ít khi nào được tiết lộ, do hai bên thường có thỏa thuận tránh công bố những con số cụ thể. Nhưng có thể nói là các hoa khôi trúng giải đều nhận được rất nhiều phần thưởng kể cả hiện kim lẫn hiện vật.
Nhờ vào các đối tác thương mại, các nhà tài trợ cũng như các thương hiệu có hợp đồng quảng cáo với Tổ chức Miss Universe Organization, Hoa hậu Hoàn vũ sẽ nhận được một gói quà mà trị giá có thể lên tới ít nhất là hàng trăm ngàn đô la trong một năm, từ trang sức mỹ phẩm, quần áo và phụ kiện thời trang, giầy thể thao …… Bên cạnh đó còn có các dịch vụ sắc đẹp như chăm sóc làn da, đầu tóc, móng tay.
Hoa hậu Hoàn vũ còn được cung cấp một căn hộ tại trung tâm thành phố Manhattan New York đối diện với công viên Central Park, một chiếc xe hơi có tài xế và tất cả các chi phí trong vòng một năm đều được trang trải. Ngoài ra, còn có các phần thưởng qua hình thức “học bổng” để được đào tạo thêm về cách ăn nói, ứng xử bằng ngoại ngữ, chưa kể tới các lớp dạy thêm các bộ môn nghệ thuật, trong trường hợp hoa hậu có nhiều năng khiếu. Gói quà này coi vậy mà có nhiều giá trị hơn là hiện vật, bởi vì nó có thể là bàn đạp giúp cho một tên tuổi thành danh trong làng giải trí, kể cả truyền hình hay sân khấu điện ảnh.
Về các phần thưởng bằng hiện kim, nhà báo chuyên ngành giải trí Thierry Moreau tiết lộ là chỉ riêng tại Pháp một hoa hậu thường nhận được khoảng 5.000€ mỗi tháng. Thay vì tặng trọn gói, tiền thưởng được chia đều ra thành 12 tháng như tiền lương, một cách để buộc hoa hậu phải tôn trọng hợp đồng, thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện lớn nhỏ, các hoạt động từ thiện, cũng như tham gia các buổi lễ do các nhà tài trợ hay mạnh thường quân tổ chức. Theo nhà báo Thierry Moreau, trong trường hợp của Hoa hậu Hoàn vũ, phần thưởng bằng hiện kim có thể được nhân lên gấp 4 hay gấp 5 lần …..
Về phần mình, cô Daisi Jo Pollard Sepulveda, người đã từng đoạt 3 giải Hoa hậu Jamaica, để rồi đại diện cho quốc đảo này trong vòng 10 năm liền tại các kỳ thi sắc đẹp quốc tế, thì ‘‘khoảng tiền lương’’ dành Hoa hậu Hoàn Vũ ít nhất là khoảng 20.000 đô la Mỹ một tháng. Theo cô, các giải hoa hậu quốc tế từ lâu đã trở thành một ngành hái ra tiền, bản thân cô đã từng đạt tới mức 300.000 đô la một năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét