Bản tin tối 31-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Trung Quốc sẽ không dừng lại trên Biển Đông, Mỹ đã tính kéo tên lửa đến khu vực. Nhà báo Bill Hayton phân tích: Sau khi chiếm đá Vành Khăn, Trung Quốc đã biến thực thể này “thành hòn đảo nhân tạo với đường băng dài 3 km cùng các tòa nhà to lớn và tháp ra đa…Trung Quốc đang cố gắng để chiếm mọi cấu trúc địa lý ở Biển Đông và chiếm ưu thế trên tất cả các nguồn lực”.
Báo Tuổi Trẻ bàn về cẩm nang sống cạnh một siêu cường. Thượng nghị sĩ Philippines, ông Benigno Aquino IV nhận định: “Điều đáng lo ngại là các căn cứ quân sự của Trung Quốc gần như đã hoàn thành trên biển. Trong khi tàu chiến của họ đang vào trong vùng biển của chúng ta rồi”. Còn Chính phủ Úc thì “phản đối những sửa đổi nhân tạo hoặc quân sự hóa các hòn đảo hoặc các cấu trúc trên biển; ủng hộ tự do hàng hải và hàng không”.
Vụ Mobifone mua AVG
Báo Người Lao Động đưa tin: Bộ trưởng TT-TT yêu cầu MobiFone sớm chấm dứt hợp đồng mua AVG. Theo đó, Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn đã gửi văn bản đến HĐTV và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Mobifone về chuyện chấm dứt hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG. 
Bên cạnh đó, MobiFone “đã có công văn gửi Bộ TT-TT về việc báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về xử lý thu hồi tiền thanh toán mua 95% cổ phần AVG và hủy hợp đồng với đại diện Nhóm cổ đông AVG”.
Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi MobiFone. Nguồn: NLĐ
Vụ “Út trọc”
Báo Đất Việt đưa tin: Bộ Quốc phòng điều tra vụ “Út trọc”: ĐBQH hoan nghênh. Về chuyện Bộ Quốc phòng đang điều tra vụ án kinh tế liên quan đến thượng tá Đinh Ngọc Hệ, tức “Út trọc”, Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết: “Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, chứ không có du di”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: “Ngoài ra một Thượng tá đã sai phạm như vậy, còn có ai vi phạm nữa hay không? Cơ quan điều tra cần xác minh, xử lý tìm ra các đối tượng sai phạm khác nếu có để xử lý”.
Các vụ án có liên quan tới NHNN
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình bị truy tố? Theo bài viết, ông Bình đã không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng mà “dùng bút phê của mình, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ ngân hàng Đại Tín, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội”.
Hành vi của ông Bình đã “dẫn đến hậu quả kể từ khi nhóm cổ đông của Phạm Công Danh quản trị, điều hành VNCB, hoạt động của ngân hàng này ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng rất cao”.
Mạng xã hội vs “mặt trận” truyền thông của đảng
Trang Người Làm Báo dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu: Cần tạo thành “mặt trận thông tin” mạnh mẽ vì sự phát triển chung của xã hội, trong Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 8, vòng IV. Ông Lợi đề nghị báo Đảng các địa phương cần “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền”.
Quan chức CSVN thích lạm dụng từ “mặt trận”, thậm chí ngay cả trong… lĩnh vực truyền thông. Họ vẫn giữ tư duy ra trận, thời còn đánh giặc của thế kỷ trước: Một bên là “mặt trận” mà họ mạo xưng là “của dân”, chống lại cái gọi là “thế lực thù địch” với “thông tin xấu, độc”. Họ không hiểu rằng, chính vì phải cố gắng tuyên truyền mà báo chí trong nước không thể theo kịp mạng xã hội.
Trong vụ Vũ “nhôm”, một sự kiện liên quan đến nội bộ công an và tình hình an ninh Việt Nam, đến đầu tháng 1/2018, báo chí trong nước mới bắt đầu đưa tin chuyện Vũ “nhôm” bị giữ ở Singapore, trong khi thông tin này đã xuất hiện trên mạng xã hội từ trước
Trong vụ tướng Nguyễn Thanh Hóa bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ, sau khi ông Hóa bị bắt ngày 11/3/2018, báo chí trong nước mới bắt đầu đưa tin về ông tướng này. Tuy nhiên, thông tin nói về tướng Hóa bị bắt đã xuất hiện trên trang Facebook của bà Lê Nguyễn Hương Trà từ đầu tháng 1/2018.
Giá xăng và lộ trình “tận thu”
Bộ Tài Chính nói về chuyện 1 lít xăng cõng 4.000 đồng tiền thuế: Đa số ý kiến đồng tình, báo Dân Việt đưa tin. Theo đó, trong buổi báo cáo giải trình về dự án Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất đẩy mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu lên khung cao nhất kể từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính khẳng định: “Đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo”.
Theo đề xuất tăng thuế này, giá xăng sẽ tăng “lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít”, kéo theo đó là sự tăng giá của các loại hàng hóa. Một đề xuất tác động tới toàn xã hội như vậy nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính nói như không có chuyện gì xảy ra: “Đa số ý kiến nhất trí”. Họ sử dụng cụm từ “đa số” nhưng không cho điều tra, thống kê, hỏi ý kiến người dân. Họ tin rằng, chỉ cần “có bác”, “có đảng” là người dân sẵn sàng chấp nhận bước vào thời kỳ tăm tối của giai đoạn “tận thu” mới.
Trước đó, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: 1 lít xăng sắp phải cõng 4.000 đồng tiền thuế. Bài báo cho biết: Bộ TC đã bác bỏ lộ trình tăng thuế môi trường đối với giá xăng từ nay đến năm 2020 và chọn giải pháp áp thuế ngay đầu tháng 7/2018, với lý do “mặt hàng xăng tăng 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít là đảm bảo trong khung mức thuế BVMT và phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế BVMT”
Trang Tiêu Dùng có bài: Phân tích các yếu tố làm tăng giá, kiềm chế tốc độ tăng giá 9 tháng cuối năm. Bài viết cảnh báo: “Trong 9 tháng còn lại của năm 2018, rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới”.
Gánh nặng BOT
Trạm BOT thứ 20 bắt đầu thu giá tự động không dừng ở Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cam Ranh, Khánh Hòa, theo báo Giao Thông. Phó Tổng cục trưởng TCĐB VN Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Thu giá tự động không dừng đang là đòi hỏi cấp thiết của xã hội. Theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2019 toàn bộ các trạm thu giá trên toàn quốc phải áp dụng thu giá không dừng”.
Ông Cường nói sai rồi. Chuyện thu giá không dừng hoàn toàn không phải là “đòi hỏi cấp thiết của xã hội”, mà chỉ là “đòi hỏi cấp thiết” của những người có lợi ích liên quan, những người muốn tiếp tục bòn rút những đồng tiền xương máu của người dân, thông qua hệ thống BOT và lộ trình tăng thuế, phí. Nếu chuyện thu phí BOT thật sự là “đòi hỏi cấp thiết” của xã hội thì cánh tài xế đã chẳng phải đấu tranh phản đối BOT.
VTC đưa tin: Tài xế xông vào cabin đánh nhân viên thu phí BOT ở Thái Bình. Theo đó, các nhân viên thu phí ở trạm BOT Thanh Nê, Quốc lộ 39, huyện Kiến Xương, Thái Bình, cho biết, chuyện thu phí tại đây “diễn ra phức tạp, tài xế không được miễn giảm bức xúc, lao vào đánh nhân viên thu phí”.
Trang Nhà Báo và Công Luận bàn về BOT đường thủy: “Mượn tay” để tận thu phí và bài học còn chưa nguội. Bài viết nhận định: “Sự lúng túng của việc đơn vị chủ quản về việc thu phí, tiếp đó là việc nhờ các cảng vụ thu hộ giá BOT chính là việc mượn tay cơ quan quản lý nhà nước làm một việc không đúng chức năng nhiệm vụ của họ khiến nguy cơ vỡ trận BOT đường thủy lại hiện hữu”.
Cấm các ca khúc miền Nam Việt Nam trước năm 1975
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về ca khúc trước 1975: bỏ cấp phép, lập danh sách cấm? Bộ VH-TT-DL vừa đưa ra dự thảo hồ sơ đề nghị “bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm (nếu đi ngược lại lợi ích của dân tộc)”.
Thêm một đề xuất thể hiện nỗi bất an của các ông quan văn hóa, đó là không chỉ dừng cấp phép, mà còn cấm các lưu hành các nhạc phẩm ở miền Nam Việt Nam trước 1975 “nếu đi ngược lại lợi ích của dân tộc”. Có những ca khúc ở miền Nam trước 1975 thể hiện sự tự do và tinh thần nhân bản chỉ có dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mà phải ngụy biện bằng khái niệm “lợi ích dân tộc”.
Chính các ông quan văn hóa của Bộ VH-TT-DL đã duyệt chiếu phim “Điệp vụ Biển Đỏ” thể hiện mưu đồ bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, một hành động “đi ngược lại lợi ích của dân tộc“, nối giáo cho giặc. Bây giờ họ lại dùng khái niệm “lợi ích dân tộc” để giết chết các nhạc phẩm miền Nam trước 1975.
Hình minh họa. Nguồn: internet
Cháy nổ ở Việt Nam
Báo Thanh Niên đưa tin: Cháy tan hoang chợ Quang, gần khu đô thị Linh Đàm. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 2 giờ chiều nay, “ngọn lửa bùng phát rồi nhanh chóng lan rộng thiêu rụi chợ Quang ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, rất gần với khu đô thị Linh Đàm”. Khoảng 3h30 chiều, “đám cháy cơ bản được khống chế… Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định do chập điện ở khu vực tầng 2 của chợ. Rất may, đám cháy không có thiệt hại về người, nhưng tài sản bị thiêu rụi lên đến cả tỉ đồng”.
Trang Người Tiêu Dùng đặt câu hỏi về vụ cháy chết người tại chung cư Carina Plaza: Chủ đầu tư vẫn quanh co, chối bỏ trách nhiệm? Theo đó, sau vụ cháy, Công ty 577 và ban quản lý chung cư Carina Plaza “lại im hơi lặng tiếng. Theo các cư dân, đây là một sự im lặng đến ghê sợ, sự im lặng thể hiện thái độ thờ ơ với nỗi đau các cư dân, thái độ thể hiện sự vô cảm”.  
Giáo dục Việt Nam: Nhà dột từ nóc
Báo Lao Động đưa tin: Mua “suất dạy học” 300 triệu đồng và hơn 26 ngàn cử nhân thất nghiệp. Bài báo phân tích: “Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ, ‘mua’ hay ‘chạy’ là một loại bệnh mãn tính nhưng có lây lan với tốc độ khủng khiếp trong xã hội trong gần hai thập niên trở lại đây và đang có biểu hiện lờn thuốc”.
Báo Giáo Dục Việt Nam điểm danh những hiệu trưởng từng vướng vòng lao lý. Bài viết bàn về các trường hợp hiệu trưởng nhận tiền chạy việc, lạm thu của phụ huynh học sinh, thậm chí có hành vi lừa đảo, quấy rối tình dục.
Vụ hàng trăm giáo viên mất việc
VTC đưa tin: Hiệu trưởng chạy việc ở Đắk Lắk bị bắt, nạn nhân khóc ròng. Sau khi ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây bị bắt, một cô giáo bày tỏ với VTC nỗi lo “sẽ không thể đòi lại số tiền 160 triệu đồng” đã đưa ông B để chạy việc. 
Cô giáo này cho biết: “Sau khi không được bố trí giảng dạy, gia đình chúng tôi đến nhà ông Bê để lấy lại tiền nhưng ông Bê luôn lẩn tránh, không chịu trả. Giờ thì ông Bê bị công an bắt rồi, không biết làm sao đòi lại được 160 triệu gia đình đã chạy vạy vay mượn để đưa cho ông ta?”
“Đất tặc”, “cát tặc” lộng hành
Chuyện ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định: Công ty TNHH Tân Lập biến sông thành đường để khai thác, vận chuyển cát, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Trong 3 năm qua, Công ty Tân Lập đã “cày nát, làm đường trên sông để khai thác, vận chuyển cát khiến con sông bị sạt lở nghiêm trọng, biến dạng không còn hình hài một con sông”.
Bài báo cho biết: “Một con đường dài nằm giữa dòng sông, hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, tre bị ngã đổ, đất ven sông xâm thực vào đất nhà dân, con sông biến dạng, nham nhở”.   
Thêm đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi: Trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa bị triệt phá tại TP HCM là ai? Đó là ông Nguyễn Thanh Hùng, người cầm đầu đường dây “đánh bạc trên trang bong88.com có quy mô gần 1.200 tỉ đồng”.  Ông Hùng khai “đã cấp 40 tài khoản loại đại lý cho các đối tượng khác trong đường dây. Bộ Công an làm rõ có 176 tài khoản vận hành qua đường dây đánh bạc này”.
***
Thêm một số tin Việt Nam: Tại Cuba: Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam biện minh cho kinh tế thị trường (RFI). – Thomas Bass: ‘Phạm Xuân Ẩn không đưa tin giả’  —  VN: Con thuyền ‘không bến’ hay ‘nhiều bến’? (BBC). – Việt Nam tất yếu phải đổi thay (TD). – CSVN nợ ngập đầu làm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông  —  Trung Quốc ‘siết’ nhập cảng nông sản Việt Nam (NV). – Bộ Công thương và Thaibev ‘giằng co’ nhân sự điều hành Sabeco (VOA). – Tuyên bố đáng sợ từ một diễn đàn: Lưu vực Mekong lâm cảnh khốn cùng (DV). – Sau 20 năm ‘hy sinh’, người cha dắt đàn con nheo nhóc quay về (Zing). – Khi Bộ trưởng muốn “lắng nghe” — Răng vẩu và “bóng ma ngực lép” (LĐ). – Sao cứ mãi đùn đẩy trách nhiệm? (Thanh Tra).

Tin thế giới

Chống tham nhũng ở Mỹ
Thêm một thành viên trong nội các của Trump sắp bị mất chức. Đó là ông Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Báo New York Times đưa tin, Scott Pruitt, Giám đốc EPA thuê nhà của vợ nhà vận động hành lang về năng lượng. Trong suốt năm qua, ông Pruitt thuê căn hộ ở Washington DC với giá $1.500/ tháng, trong khi giá thị trường của căn hộ này được cho thuê là $6000/ tháng. Ông Pruitt chỉ trả tiền thuê nhà bằng 1/4 giá thị trường.
Căn nhà đó do vợ chồng ông J. Steven Hart làm chủ. Ông Hart là một nhà vận động hành lang, đã lấy tiền thuê nhà giá rẻ, một hình thức hối lộ để tìm cách gây ảnh hưởng đến các quyết định của ông Pruitt và cơ quan EPA. EPA có thể ra những quyết định liên quan tới việc sử dụng than, khai thác dầu mỏ và các quyết định liên quan đến ngành giao thông. Trong khi ông Hart là nhà vận động hành lang chuyên về năng lượng, vợ chồng ông Hart đã chọn đúng người để giảm giá thuê nhà.
Ông Trọng và đảng CSVN muốn chống tham nhũng, hãy qua Mỹ học và hãy để cho báo chí được tự do điều tra, sẽ lôi ra hết bọn tham nhũng ra ngay từ khi chúng mới manh nha, như trường hợp của ông Scott Pruitt. Số tiền tham nhũng ở Mỹ thường rất ít, chỉ vài chục ngàn, cao lắm là vài trăm ngàn, thay vì vài triệu hay vài chục triệu Mỹ kim như ở Việt Nam. Lý do là, tham nhũng đã được khám phá ngay khi mọi người nhận ra dấu hiệu bất thường, báo chí vào cuộc, điều tra, xử lý ngay.
Tin nước Mỹ
BBC có bài: Xin visa Mỹ, có thể phải khai lý lịch mạng xã hội. Đề xuất yêu cầu những người xin visa vào Mỹ phải cung cấp chi tiết về tài khoản Facebook và Twitter của họ, cũng như họ phải tiết lộ tất cả tài khoản mạng xã hội được sử dụng trong 5 năm qua.
Các nhà hoạt động nhân quyền lên án đề nghị này vì cho rằng, nó vi phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng đến tự do ngôn luận. Cô Hina Shamsi, thuộc Hiệp hội các Quyền tự do dân sự Mỹ, nói: “Giờ đây mọi người phải tự hỏi liệu những gì họ nói trên mạng có bị một quan chức chính phủ hiểu nhầm hay hiểu sai. Chúng tôi cũng quan ngại về cách chính phủ Trump định nghĩa ‘các hoạt động khủng bố’ một cách mơ hồ và chung chung, vì nó có ý nghĩa chính trị và có thể bị lạm dụng để phân biệt đối xử với những người nhập cư vô tội”.
***
https://baotiengdan.com/2018/03/31/ban-tin-toi-31-3-2018/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù