Đọc báo Pháp – 26/02/2020
Covid-19: Trung Quốc chơi trò dọa nạt Đông Nam Á
Tú Anh
Hiểm họa virus corona tiếp tục là chủ đề số một của báo chí Pháp hôm nay: Thảm họa đại dịch không tránh khỏi, kinh tế toàn cầu lên cơn sốt, châu Âu trang bị đối phó hai mối đe dọa y tế và kinh tế. Trung Quốc tê liệt vì khủng hoảng, bài học nào cho Đông Nam Á và châu Âu ?
Vẫn chưa phải đại dịch ?
Thế giới đang đứng bên bờ đại dịch hay đã thấy ánh sáng cuối đường hầm ? Không một nhật báo Pháp nào tán đồng các tuyên bố lạc quan của người điều hành Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO về khả năng chống dịch của Bắc Kinh .
Cụ thể, Le Monde dành tám trang để báo động : Ổ dịch từ Trung Quốc lây lan khắp nơi… Hàn Quốc, Iran, Ý, làn gió hốt hoảng làm chao đảo thị trường chứng khoán. Tại Pháp, học sinh đi nghỉ từ các vùng dịch được lệnh tự cách ly hai tuần trước khi trở lại lớp.
Trong bài « Đại dịch khó tránh », nhật báo độc lập điểm qua các ổ dịch xuất hiện tại hơn 30 nước, khéo léo làm nổi bật những lời trấn an giáo điều của Tổ Chức Y Tế Thế Giới như là « các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc đã mang lại kết quả, là thông điệp cốt lõi tạo ra niềm hy vọng và niềm tin đến tất cả các nước, là có thể ngăn chận được siêu vi, thật như thế, vì nhiều nước đã làm được ».
Tuyên bố khích lệ này làm nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Mỹ là giáo sư Marc Lipsitch, đại học Harvard đặt câu hỏi : « Nước nào đã chận được dịch và đâu là những bằng chứng vững chắc ? ». Lời từ chối « chưa công nhận đại dịch » của giám đốc WHO, bác sĩ người Ethiopia, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng gây kinh ngạc. Theo báo cáo của Đại học Hoàng Gia Luân Đôn thì bất chấp các biện pháp cách ly, phong tỏa từ hơn một tháng nay, « hai phần ba trường hợp Covid-19 từ Hoa lục lây khắp địa cầu đã không được phát hiện và sẽ tiếp tục lây lan một cách âm thầm từ người sang người ».
Thẩm định này hoàn toàn phù hợp với một kết quả nghiên cứu khác của đại học Sorbonne, Paris : Người mang virus có thể lây cho người khác trước khi phát bệnh.
Về phần chính quyền Trung Quốc, Tập Cận Bình lần đầu tiên nhìn nhận là trong bộ máy Đảng có vấn nạn che giấu thông tin, để rồi khẳng định để « đánh thắng giặc » Covid-19, cần phải « tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ». Tuyên bố này mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, rõ ràng Tập Cận Bình không muốn làm Gorbatchev như trong vụ nổ Tchernobyl. Tuy ông Tập nhìn nhận có tệ nạn « bịt mắt trung ương », không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc được bật đèn xanh đưa bất cập này ra thảo luận.
Sự kiện thứ hai là lần đầu tiên Quốc Hội Trung Quốc phải dời khóa họp thường niên cho đến thời điểm vô hạn định. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh không dự đoán được khi nào hết dịch cũng như không muốn để cho dân Trung Quốc nhìn thấy cảnh đại biểu hai viện (Quốc Hội và Chính Hiệp) và quan khách, khoảng 8000 vị, bịt mặt họp bàn quốc sự, thật là không đẹp chút nào.
Trung Quốc : yếu tố chia rẽ Đông Nam Á
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tê liệt vì Covid-19, bài xã luận của Le Monde phân tích thái độ trịch thượng của Bắc Kinh, dọa nạt một số quốc gia Đông Nam Á nhân hội nghị ASEAN- Trung Quốc tại Vientiane.
Trong cuộc họp ngày 20/02/2020 tại thủ đô nước Lào, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi đối tác Đông Nam Á cùng hợp tác chặt chẽ kiểm soát và ngăn chận dịch Covid-19.
Vì là bạn hàng số một của ASEAN, khủng hoảng tại Trung Quốc tác hại nghiêm trọng cho kinh tế, du lịch các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố bề mặt ủng hộ Trung Quốc, các nước ASEAN không thiếu những ẩn ý.
Các chế độ ở Thái Lan, Cam Bốt, Lào đã chọn làm đồng minh với Bắc Kinh, nhưng cũng có những nước bang giao với Trung Quốc khá phức tạp. Việt Nam đóng biên giới với Trung Quốc. Indonesia, Philippines và Singapore cấm hành khách đến từ Hoa lục nhập cảnh. Tại Vientiane, ngoại trưởng Trung Quốc chấm điểm từng nước. Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Singapore Vivian Balakrishnan, Vương Nghị gián tiếp công kích các biện pháp « hạn chế » công dân Trung Quốc nhập cảnh. Với hơn 85 người bị nhiễm, Singapore là quốc gia Á châu đứng hàng thứ tư, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị dịch Covid-19.
Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng siêu vi Corona, chưa biết bao giờ chấm dứt, là cơ hội tốt để các nước ASEAN xét lại, suy ngẫm về mô hình phát triển của Trung Quốc. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng để kinh tế quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nhất là đại cường này có chiến lược tranh đoạt biển đảo với Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines gây căng thẳng trong khu vực.
Le Monde trích nhận định của Trịnh Lê, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Úc, như sau : « Đối với Đông Nam Á, thì Trung Quốc vừa là một đối tác vừa là một mối đe dọa cho ổn định khu vực ». Dự án « Một vành đai Một con đường » với lời hứa đầu tư vào hạ tầng cơ sở cho những nước nghèo như Lào nghe rất cám dỗ. Nhưng mặt khác là nỗi sợ gánh nợ quằn lưng.
Xue Gong, một chuyên gia chính trị ở Singapore cảnh báo : Dự án Con đường tơ lụa của Bắc Kinh được thương lượng riêng rẽ với từng nước là nguồn chia rẽ các thành viên Đông Nam Á, làm cho hiệp hội ASEAN suy yếu.
Covid-19 : Cơ hội để châu Âu học khôn
Đây không phải là bài học dành riêng cho những nước nhỏ tại châu Á. Khủng hoảng virus corona còn là cơ hội để châu Âu xét lại tình trạng lệ thuộc vào các công ty gia công tại Hoa lục.
Với bốn trang phóng sự, Libération đo thân nhiệt kinh tế thế giới : « Kinh tế toàn cầu bị lây nhiễm, cơ sốt lan đến các sàn giao dịch, đe dọa tăng trưởng thế giới. Công nghệ cao, du lịch, thời trang, thương mại đều bị ốm ». Để chứng minh, Libération đưa độc giả đến hai nơi. Tại Bắc Kinh, giới doanh nghiệp than thở « nếu dịch kéo dài thì công việc làm ăn của chúng tôi sẽ rất phức tạp ». Tại Aubervilliers, ngoại ô bắc Paris, nơi có khu chợ bán sỉ của người Hoa với 1500 cửa hiệu và 100.000 người làm việc. Bình thường hàng quán sinh hoạt tấp nập nay vắng như « chùa bà Đanh ». Một chủ hiệu bán ví tay giải thích : « khách hàng không đến vì chúng tôi là người Á châu ».
Trong bầu không khí lo âu này, Le Figaro và Les Echos điểm qua các biện pháp mà nước Pháp đã chuẩn bị để đối phó với dịch : thiết bị xét nghiệm, khẩu trang, cơ sở y tế cách ly… mức độ báo động tại Pháp đã tăng lên một nấc từ khi virus corona xuất hiện tại Ý.
Bài xã luận của Le Figaro kêu gọi tránh các biện pháp thái quá như đóng cửa biên giới như một vài nhân vật cực đoan hoặc mị dân kêu gọi, bất chấp ý kiến của giới y tế. Nhật báo cánh hữu, trái lại, rất lo « virus corona là tia lửa điện gây khủng hoảng kinh tế địa cầu ».
Về kinh tế, nguy cơ tăng trưởng của Pháp
bị tác hại ngày càng rõ nét.
Trả lời phỏng vấn của La Croix, quốc vụ khanh kinh tế tài chính Agnès Panner-Runacher nhìn nhận nguy cơ này do hai lý do : Một là nhiều dây chuyền sản xuất có nguy cơ thiếu linh kiện do Trung Quốc sản xuất, trong lãnh vực xe hơi chẳng hạn. Thứ hai là do lượng du khách Trung Quốc giảm và người tiêu thụ Trung Quốc cũng giảm mua sắm hàng xa xỉ của Pháp.
Tuy nhiên, theo viên chức chính phủ này, điều mà nước Pháp và châu Âu có thể chủ động khắc phục là đem về lại châu Âu những ngành sản xuất chiến lược để bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc.
Hosni Moubarak : quyết tâm ổn định cho đến lúc bị lật đổ
Cái chết của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak là cơ hội để báo chí đưa độc giả trở lại 30 năm cầm quyền của người được mệnh danh là « pharaon » Ai Cập cho tới khi phải từ chức trước áp lực đường phố. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập tại Ai Cập chính là hệ quả tất yếu của chủ trương « bám trụ để ổn định chính trị ».
Liberation dành một bài dài cho cựu tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak từ trần hôm thứ Ba, thọ 91 tuổi. Điều ám ảnh nhà lãnh đạo này trong suốt 30 năm cai trị là làm sao cho Ai Cập luôn ổn định. Đó là lý do vì sao ông được Mỹ ủng hộ và viện trợ dồi dào.
Tuy nhiên, nhân vật ủng hộ chính sách hòa bình với Israel và ủng hộ Israel hoà giải với Palestine có một khuyết điểm : đó là ù lì không chấp nhận cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Ông đã làm cho dân Ai Cập chìm trong nghèo khó suốt 30 năm. Chuyện gì phải đến đã đến vào năm 2011, với ngọn gió cách mạng Mùa Xuân Ả Rập.
Nhân quyền : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thiếu gan ?
Trong khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị nghi ngờ nhượng bộ Bắc Kinh thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bị tố cáo đầu hàng trước các nhà lãnh đạo độc tài. Le Monde lo sợ cho tình trạng nhân quyền trên thế giới mà chiều hướng suy thoái bắt đầu từ trước thời Antonio Guteres .
Le Monde đưa ra một loạt trường hợp từ Tân Cương, Trung Quốc cho đến Syria, từ Nga cho đến Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nào các nhà độc tài biểu lộ uy quyền thì nơi đó Liên Hiệp Quốc lùi bước viện lý do « tiến hành chiến lược ngoại giao bí mật ».
Đó là chưa kể vụ nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út Jamal Khashogi bị « mất tích » trong toà lãnh sự của Ryad tại Istanbul. Theo giới nhân quyền, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ chối dùng uy tín của mình để thúc đẩy điều tra tận gốc cho dù ai cũng nghi ngờ thái tử nối ngôi là kẻ chủ mưu.
Một chuyện đáng được chú ý nữa là Liên Hiệp Quốc nhanh chóng lên án chính sách đàn áp phong trào xã hội ở Chilê nhưng lại phản ứng rất « nhu mì » trước cảnh phong trào dân chủ ở Hồng Kông bị đàn áp thô bạo.
Tin tổng hợp
(AFP) – Trump chuẩn bị thượng đỉnh với ASEAN.
Sau khi từ chối đến Bangkok dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11 năm ngoái, giờ đây tổng thống Mỹ Donald Trump đang sửa soạn đón lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đến Las Vegas dự cuộc gặp thượng đỉnh vào giữa tháng 3 tới. Được hỏi về thượng đỉnh Mỹ- ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/02/2020, khẳng định đã chuẩn bị kỹ dù dịch virus corona đang hoành hành ở nhiều nước châu Á. Từ trước đến giờ, Washington chưa hề khẳng định công khai tổ chức hội nghị. Trước đó tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã cho biết ông từ chối lời mời của tổng thống Donald Trump đến Mỹ dự hội nghị.
(Reuters) – Ấn Độ : Bạo động liên tôn giáo, 20 người chết tại New Delhi.
Các vụ bạo động giữa người Hindu và người Hồi Giáo xung quanh bộ luật công dân gây tranh cãi đã nổ ra tại New Delhi liên tục trong vài ngày qua đã làm ít nhất 20 người chết và hơn 200 người bị thương, theo thống kê ngày 26/02/2020 của cơ quan Y tế Ấn Độ. Các vụ đụng độ bạo lực dữ dội bùng lên từ hôm Chủ nhật (23/02), một ngày trước chuyến thăm Ấn Độ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại New Delhi có ít nhất hai nhà thờ Hồi Giáo bị phóng hỏa. Tình hình đã trở lại tạm yên ngày hôm nay.
(AFP) – Virus corona: Không có kịch bản hoãn Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020.
Ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo 2020, một lần nữa tuyên bố không dự tính khả năng hủy sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này, trong khi mà chính phủ Nhật đã yêu cầu hủy hoặc rút gọn quy mô của các cuộc tập hợp lớn trong những tuần tới vì lo ngại dịch covid-19 lây lan. Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto, hôm 26/02/2020, khẳng định như trên trong một cuộc họp báo tại Tokyo. Các nhà tổ chức Nhật cũng khẳng định cuộc rước đuốc Olympic bắt đầu từ ngày 26/3 từ Fukushima dọc theo đất nước vẫn diễn ra như dự kiến. Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra từ 24/07 đến 09/08.
(AFP) – Sau Brexit, hộ chiếu Anh lại mang màu xanh.
Những hộ chiếu của công dân Anh sẽ tìm lại màu xanh trước đây vào tháng tới, thay vì màu bordeaux của châu Âu sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một trong những yêu sách của những người chủ trương Brexit. Điều mỉa mai là passport mới do tập đoàn Pháp Gemalto sản xuất.
(AFP) – Hoàng tử Harry quay về Anh để thực hiện những nghĩa vụ cuối cho Hoàng gia.
Hoàng tử Harry từ Canada đã trở về Anh để hôm nay 26/02/2020 bắt đầu tham gia một loạt hoạt động công chúng, trước khi bước sang một trang mới. Vị hoàng tử 35 tuổi tại Edimbourg cùng với tổ chức Travalyst xúc tiến một hệ thống đánh giá tác động môi trường của các chuyến đi bằng máy bay và du lịch. Thứ Sáu 28/2, Harry dự buổi ghi âm của ca sĩ Jon Bon Jovi, thu một bài hát cho Invictus Games, cuộc thi thể thao cho thương binh khắp thế giới từ sáng kiến của Hoàng tử.
(Reuters) – Quốc Hội Scotland bước đầu thông qua việc miễn phí băng vệ sinh phụ nữ.
Quốc Hội Scotland hôm qua 25/02/2020 đã tiến thêm một bước trong việc miễn phí các loại băng vệ sinh cho công dân nữ, dự kiến sẽ phân phối tại các nhà thuốc tây, câu lạc bộ…Ước tính chi phí hàng năm khoảng 28 triệu euro. Dự luật được 112 phiếu thuận, 1 vắng mặt và không có phiếu chống, sẽ chuyển sang giai đoạn hai để các nghị sĩ có thể sửa đổi, bổ sung. Từ 2008, Scotland đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phát miễn phí các vật dụng thiết yếu này cho nữ sinh.
(AFP) – Một phụ nữ Mỹ nhận tội để ngực trần trước mặt chồng.
AFP hôm nay 26/02/2020 cho biết bà Tilli Buchanan ở bang Utah, bị khởi kiện vì chỉ mặc đồ lót khi cùng với chồng sửa chữa ga ra, đã nhận tội công xúc tu sĩ trước một người thành niên, dù đó là chồng bà. Như vậy bà Buchanan tránh được việc bị khởi tố và cho vào danh sách quấy rối tình dục, vì lúc đó có sự hiện diện của ba đứa con chồng từ 9 đến 13 tuổi, và các trẻ em này đã mách với mẹ chúng.
Điểm tin thế giới sáng 26/2:
Dịch châu chấu đang tàn phá châu Phi
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (26/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
LHQ: Dịch châu chấu đang tàn phá châu Phi
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết, dịch châu chấu đã tàn phá nhiều vùng ở Đông Phi và dịch này bắt đầu vươn tới Congo và Uganda, hai quốc gia thuộc miền trung châu Phi. Thiệt hại do châu chấu khiến Liên Hợp Quốc phải tăng mức viện trợ cho châu Phi từ 76 triệu đô la lên 135 triệu đô la, Fox News đưa tin hôm thứ Ba (25/2).
Những con châu chấu theo luồng gió đã tới được phía tây của hồ Albert, nằm giữa hai nước Uganda và Congo, vào thứ Sáu tuần trước, đánh dấu lần đầu tiên những con côn trùng phàm ăn được nhìn thấy ở hai quốc gia Trung Phi kể từ năm 1944.
Chính phủ Uganda hôm thứ Ba cho hay, họ đang cố gắng kiểm soát dịch châu chấu và sẽ cần nhiều nguồn lực hơn cho việc này. Các binh sĩ Uganda diệt châu chấu bằng cách sử dụng máy xịt thuốc diệt côn trùng cầm tay, trong khi các chuyên gia cho biết phun xịt từ trên không là biện pháp kiểm soát châu chấu hiệu quả duy nhất.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng châu chấu nếu không được kiểm soát hiệu quả có thể sinh sôi rất nhanh và tăng số lượng của chúng lên gấp 500 lần vào tháng Sáu.
Costa Rica: tranh chấp đất, thêm một thủ lĩnh bản địa bị sát hại
Một thủ lĩnh người bản địa ở Costa Rica đã bị sát hại vào tối thứ Hai (24/2) trong một cuộc tranh chấp đất đai dữ dội giữa nhóm sắc tộc bản địa với nhóm người mới, cảnh sát nói với Reuters hôm thứ Ba.
Yehry Rivera, một thủ lĩnh của dân tộc Broran, đã chết vì những vết thương do súng bắn ở vùng Terraba, một năm sau vụ sát hại một thủ lĩnh thổ dân khác ở khu vực Salitre lân cận, cảnh sát cho biết.
Ông Rivera bị giết trong khi ông cố gắng yêu cầu nhóm người chiếm một phần đất được nhà nước cấp cho thổ dân, nhà chức trách địa phương nói.
Tổng thống Costa Rica, Carlos Alvarado, đã lên án vụ việc và bày tỏ sự hối tiếc về các hành động bạo lực trong khu vực xảy ra tranh chấp đất.
Thứ trưởng Bộ y tế Iran nhiễm SARS-COVID-2
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran, Iraj Harirchi, hôm thứ Ba (25/2), thừa nhận rằng ông bị dương tính với virus SARS-COVID-2, theo Business Insider.
Ông Iraj Harirchi tỏ ra mệt mỏi khi xuất hiện trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Hai để thông báo cho giới truyền thông về tình hình dịch COVID-19 ở Iran. Cuộc họp báo được tổ chức nhằm xua tan tin đồn rằng Iran giấu diếm thông tin về dịch.
Theo cập nhật của Worldometers, tính tới 22:45 GMT, ngày 25/2, Iran đã có 16 người tử vong vì chủng mới của virus corona và 95 người nhiễm loại virus nguy hiểm này, trong đó có 25 người được ghi nhận đã hồi phục.
Thiếu tiền, chính phủ Cuba bán xe hơi cũ
Reuters đưa tin, vì thiếu tiền mặt, chính phủ Cuba hôm thứ Ba (25/2), lần đầu tiên, đã quyết định bán các loại xe hơi qua sử dụng tại một cửa hàng duy nhất ở thủ đô Havana.
Vào năm 2014, chính phủ Cuba lần đầu tiên hợp pháp hóa việc mua bán xe hơi được sản xuất sau cuộc cách mạng năm 1959. Hiện tại chính quyền Cuba vẫn duy trì sự độc quyền trong ngoại thương và bán lẻ.
Trước đây, những chiếc xe mới và đã qua sử dụng ở Cuba có giá cao hơn bốn lần so với giá xuất xưởng. Chính phủ Cuba cho biết họ sẽ giảm giá 10% so với giá cũ khi mở thêm cửa hàng bán xe.
Nền kinh tế Cuba đang trải qua một cuộc khủng hoảng thanh khoản, một phần do việc Mỹ thắt chặt các lệnh cấm vận thương mại với nước này, đặc biệt dưới thời Trump, Hoa Kỳ cho rằng Cuba ủng hộ chính phủ thiên tả ở Maduro ở Venezuela nên các biện pháp cấm vận đối với Havana đã được đẩy lên cao hơn.
Ấn Độ mua gói thiết bị quân sự 3 tỷ đô của Mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, hôm thứ Ba (25/2), thông báo rằng Ấn Độ sẽ mua của Mỹ gói thiết bị quân sự trị giá 3 tỷ đô la. Reuters nhận định, đây là một nỗ lực của Ấn Độ nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Ấn Độ và Hoa Kỳ cũng đang đạt được tiến bộ trong một thỏa thuận thương mại lớn, ông Trump cho hay. “Các nhóm của chúng tôi đã đạt được tiến bộ to lớn về một hiệp định thương mại toàn diện và tôi
lạc quan rằng chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận có tầm quan trọng lớn đối với cả hai nước”, ông chủ Nhà Trắng cho biết thêm.
Hôm thứ Ba, ông Trump đã có cuộc hội đàm một – một với Thủ tướng Ấn Độ Modi, vấn đề được thảo luận giữa hai vị nguyên thủ được cho là tập trung nhiều vào thương mại và hợp tác quân sự bao gồm việc New Delhi mua khí tài quân sự Mỹ.
Điểm tin thế giới chiều 26/2:
Lính Mỹ tại Hàn Quốc nhiễm COVID-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (26/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Lính Mỹ tại Hàn Quốc nhiễm COVID-19
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) hôm nay thông báo một lính lục quân 23 tuổi nhiễm COVID-19 tại căn cứ Carroll, nằm cách thành phố Daegu khoảng 20km về phía Bắc.
Đây là lính Mỹ tại ngũ đầu tiên nhiễm virus corona tại Hàn Quốc, người này đang tự cách ly ở nhà riêng ngoài căn cứ. Quân đội Mỹ không tiết lộ tình trạng sức khỏe của người lính nhiễm bệnh.
Algeria ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Theo AFP, chính quyền Algeria ở Bắc Phi hôm 25/2 công bố trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch bệnh trên thế giới lên 43.
“Trường hợp dương tính với nCoV này là một trong hai người nghi nhiễm mang quốc tịch Italy”, Bộ Y tế Algeria hôm 25/2 cho hay, xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên ở nước này là một công dân Italy nhập cảnh hôm 17/2.
Thư ký của phó thị trưởng Daegu nhiễm COVID-19
Tờ Kookmin Ilbo cho biết, Lee Seung-ho, thư ký của phó thị trưởng thành phố Daegu, và một đồng nghiệp được xác định nhiễm COVID-19, khiến tòa thị chính bị phong tỏa một phần.
Chính quyền thành phố Daegu, Đông Nam Hàn Quốc, cho biết thư ký Lee Seung-ho có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona vào hôm qua. Cùng ngày, một nữ nhân viên trong văn phòng của phó thị trưởng Daegu cũng được xác nhận nhiễm virus.
Mỹ trừng phạt 13 thực thể nước ngoài vì hỗ trợ chương trình tên lửa Iran
Chính quyền Mỹ hôm 25/2 thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 13 pháp nhân và cá nhân nước ngoài ở Trung Quốc, Iraq, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì đã hỗ trợ chương trình tên lửa Iran.
Reuters dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực đối với 3 công ty Trung Quốc, 1 cá nhân Trung Quốc và 1 công ty Thổ Nhĩ Kỳ.
Cá nhân Trung Quốc bị trừng phạt là Luo Dingwen. Ba công ty Trung Quốc cũng nằm trong danh sách là: dịch vụ doanh nghiệp Baoding Shimaotong Enterprises Services, công ty công cụ Gaobeidian Kaituo Precise Instrument và công ty xuất nhập khẩu Wuhan Sanjiang Import and Export.
Công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt là công ty thương mại công nghiệp Eren Carbon Graphite Industrial Trading.
Nhận xét
Đăng nhận xét