Việt Nam: Số người bị nghi nhiễm virus corona mới tăng vọt

RFI
Trọng Thành
27/02/2020



Phun thuốc khử trừ virus cho xe hơi trên đường phố ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 07/02/2020 REUTERS/Kham
Hôm nay, 27/02/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo, số người bị nghi nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) tăng vọt từ 31 hôm trước, lên thành 92 người . Cùng lúc với việc nâng số người phải cách ly theo dõi nghiêm ngặt, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đối phó với ''bước ngoặt lây lan'' dịch Covid-19 ra toàn cầu.
''Siết chặt phòng tuyến'' trước dịch Covid-19, ''chủ quan là tự sát'', sẵn sàng đối phó với ''các ca nhiễm mới''… là các hàng tựa nổi bật trên báo chí trong nước hôm nay. Ngày 25/02, dường như nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm sau khi chính quyền Việt Nam thông báo toàn bộ 16 trường hợp nhiễm virus corona mới đã khỏi bệnh, hôm 25/02. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra ngoài Trung Quốc đang ngày càng rõ rệt, đặt Việt Nam vào một tình thế mới.
Báo chí chính thức trong nước hôm nay đăng tải rộng rãi thông tin về 92 trường hợp bị cách ly nghiêm ngặt. Bộ Y Tế Việt Nam không cho biết số người bị cách ly nói trên là ở tại các khu vực nào. Cho đến nay, ngày 11/02 được ghi nhận số ca bị nghi nhiễm cao nhất, với 97 trường hợp. Vào lúc đó, Việt Nam có 15 người mắc bệnh.
Hoài nghi về số lượng dương tính với virus quá thấp
Theo bộ Y Tế Việt Nam, tính đến ngày 26/02/2020, tổng số người ''có tiếp xúc gần hoặc đi về từ vùng dịch'' đang được cách ly để theo dõi sức khỏe là 5.474. Tổng số ''mẫu đã xét nghiệm'' 1.381 (mẫu dương tính: 16, mẫu âm tính: 1.365). Về số lượng ca được coi là chính thức nhiễm virus, không ít người hoài nghi về số lượng rất thấp nói trên, trong bối cảnh tại Việt Nam, có rất đông người Trung Quốc làm việc, sinh sống, và số người Việt Nam từ Trung Quốc trở về lọt lưới hàng rào kiểm dịch có thể là không ít.
Chính quyền Việt Nam cũng thông báo tăng cường chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm virus corona mới. Cho đến nay, đã có 6 cơ sở được chính thức công nhận, trong đó có ba cơ sở được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế. Bộ Y Tế Việt Nam hôm 25/02 cho biết hơn 20 cơ sở khác cũng sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trẻ em đến trường có an toàn hơn ở nhà ?
Có được một chính sách đối phó với dịch bệnh phù hợp với mỗi địa phương là một thách thức hàng đầu với Việt Nam. Hôm nay, trong một cuộc họp với ngành y tế Hà Nội, tân bí thư thành ủy Vương Đình Huệ thừa nhận nguy cơ dịch xảy ra là rất lớn, và có thể phải tính đến ''phương án cách ly cả khu phố''.
Tình hình đặc biệt căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh. Về mặt chính thức, thủ phủ kinh tế của Việt Nam vẫn trong tình trạng dịch. Hiện tại, lo ngại hàng đầu của chính quyền thành phố là nguy cơ lây nhiễm với trẻ em. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học cho đến giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, về vấn đề này, có nhiều quan điểm ngược lại. Viện trưởng viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Trọng Lân, cho rằng chính việc đến trường sẽ giúp cho các em được ''an toàn hơn'', vì hiện tại, theo các số liệu chính thức, gần như không có tình trạng trẻ em bị lây nhiễm tại học đường, thêm vào đó, số người nhiễm virus dưới 10 tuổi chỉ chiếm 1% trong tổng số.
Trong khi đó, bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo là không nên lạc quan thái quá về năng lực điều trị của hệ thống y tế với Covid-19, ''đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người'' là điều không nên, bởi cần rất nhiều người để chăm sóc, chữa trị người mắc bệnh dịch Covid-19. Theo lãnh đạo thành phố, địa phương này sẽ quá tải khi phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân nhiễm virus corona mới.
Tâm trạng hoang mang
Để tâm trạng hoang mang lấn át có thể ảnh hưởng nặng nề đến khả năng đối phó với dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, lưu ý đến việc nhiều người mua sắm khẩu trang quá nhiều, trong lúc phần lớn khẩu trang này rất có thể sẽ không được sử dụng. Báo chí trong nước ghi nhận tình trạng ''khẩu trang, nước rửa tay khô cháy hàng, tăng giá phi mã trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người khốn đốn có lẽ là một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của sự hoảng loạn quá mức này''.
Vào thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện, ngày 31/01/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 06CT-TTg, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các ''nơi công cộng''. Cụm từ ''nơi công cộng'' không được xác định cụ thể rất có thể đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng khẩu trang tràn lan tại Việt Nam. Ngày 05/02, lãnh đạo bộ Y Tế đã có thông báo điều chỉnh lại cách hiểu sai lạc này, tuy nhiên, nội dung nói trên trong Chỉ thị của thủ tướng hiện vẫn chưa được sửa đổi.
--------------
Mỹ đưa Việt Nam vào mục 'có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng' nghĩa là gì?
Tác giả : Nhật Đăng Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Ngày đăng: 2020-02-27
Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không đưa ra khuyến nghị cho du khách Mỹ du lịch tới Việt Nam do virus corona. Hiểu thế nào về danh sách “có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng"?


Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Atlanta, bang Georgia (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Một số thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng Mỹ đang đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia "có dịch đang lây lan trong cộng đồng". Những luồng quan điểm này dựa trên một danh sách cảnh báo CDC đưa ra cách đây vài ngày.
Vậy, nên hiểu đúng về danh sách này như thế nào?
Các mức cảnh báo của CDC
Trước tình hình lây lan của dịch COVID-19, các cơ quan y tế và Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã có nhiều động thái khuyến cáo công dân khi ra nước ngoài.
Những khuyến nghị này được đưa ra với sự liên kết giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và đánh giá tình hình từ CDC.
Nội dung khuyến nghị và phân tích tình hình được trình bày trong phần đánh giá trên website của CDC, trong đó CDC đưa ra thang xếp loại mức độ cảnh báo gồm 3 bậc khi di chuyển tới các địa điểm bị đưa vào danh sách tương ứng: cao nhất là Warning level 3; tiếp đến là Alert level 2; và sau cùng là Watch level 1. Cụ thể:
Warning level 3 (màu đỏ): Tránh tất cả những cuộc di chuyển không cần thiết tới địa điểm này. Sự bùng phát dịch đang có nguy cơ cao đối với du khách và không biện pháp phòng ngừa nào hiện nay đang sẵn sàng bảo vệ chống lại rủi ro gia tăng đã được xác định.
Alert level 2 (màu vàng): Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nâng cao đối với địa điểm này. Cảnh báo y tế du lịch mô tả các biện pháp phòng ngừa bổ sung, hoặc xác định một số lượng người cụ thể đang gặp nguy cơ.
Watch level 1 (màu xanh lá): Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường đối với địa điểm này, như mô tả trên cảnh báo y tế du lịch và/hoặc trên website về điểm đến. Điều này bao gồm việc cập nhật tất cả các văcxin được khuyến cáo cũng như thực hành biện pháp tránh muỗi thích hợp.
Việt Nam không nằm trong danh sách cảnh báo
Đài NHK của Nhật ngày 23-2 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo lên mức "màu vàng" cho công dân đi tới Nhật Bản và Hàn Quốc, liên quan tới tình hình bùng phát dịch COVID-19 ở hai nước Đông Á này.
Theo đó, Mỹ kêu gọi những người già và người có vấn đề về sức khỏe cân nhắc về việc hoãn những chuyến đi không cần thiết tới hai quốc gia nêu trên.
Trên website, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông báo về tình hình dịch, cung cấp thông tin về các địa điểm ở Nhật và Hàn xuất hiện trường hợp nhiễm virus chủng corona mới, lưu ý rằng việc lây lan dịch "đang diễn ra".
Thang cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với công dân ở nước ngoài có 4 bậc. Bậc 2 như hiện nay nghĩa là chưa tới mức kêu gọi công dân hủy chuyến đi nước ngoài, chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo và cân nhắc.
Đối với danh sách 3 bậc của CDC, hiện nay Trung Quốc đang ở bậc cảnh báo màu đỏ (số một), đồng nghĩa CDC khuyến cáo công dân Mỹ nên tránh mọi chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc.
Đáng chú ý, do dịch COVID-19 đang lây lan và thu hút dư luận, CDC có xếp thêm một bậc thấp hơn nữa với tên gọi "Other destinations with apparent community spread" (tạm dịch "Những điểm đến khác có biểu hiện lây lan trong cộng đồng").
Danh sách này bao gồm 5 quốc gia/vùng lãnh thổ là Việt Nam, Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Nhiều người lập tức cho rằng CDC đã đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia "có dịch lây lan trong cộng đồng". Tuy nhiên theo mô tả trên website CDC, đây thực tế là các địa điểm có biểu hiện lây nhiễm nhưng không nằm trong thang cảnh báo và do đó không có khuyến cáo, cảnh báo công dân du lịch đến các địa điểm này như trong 3 mức cảnh báo nêu trên.
CDC có giải thích thêm như sau: "Lây truyền trong cộng đồng có nghĩa có người dân đã bị nhiễm virus, bao gồm một người không chắc họ bị nhiễm từ đâu và nhiễm như thế nào. Ở thời điểm này, mức độ lây lan của virus không kéo dài hay lan rộng đủ để ra tiêu chí cảnh báo du lịch. Nếu điều này thay đổi, CDC sẽ cập nhật trong trang này".
Như vậy có thể nói, nhóm 5 quốc gia/vùng lãnh thổ được nêu tên hiện chưa phải những địa điểm mà công dân Mỹ cần nhận cảnh báo du lịch, thậm chí còn dưới mức nhẹ nhất (Watch level 1).
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật khi đưa tin về việc Mỹ nâng mức báo động cho công dân tới Nhật Bản cũng lưu ý cụm từ "sustained community spread" (lây lan kéo dài trong cộng đồng).
Để so sánh, CDC đã dùng cụm từ "apparent community spread" (có biểu hiện lây lan trong cộng đồng) khi đề cập tới Việt Nam, Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Báo Taiwan News ngày 20-2 khi đưa tin về việc Đài Loan xuất hiện trong danh sách "apparent community spread" cũng khẳng định CDC không đưa ra cảnh báo du lịch cho công dân khi tới hòn đảo này.
NHẬT ĐĂNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?