Tin khắp nơi – 28/02/2020

Tin khắp nơi – 28/02/2020

Ngày ‘Siêu thứ Ba’ và thách thức của đảng Dân chủ

trong bầu cử tổng thống

14 bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày Siêu thứ Ba tuần tới (3/3), một sự kiện lớn có thể cho biết rõ hơn cử tri sẽ chọn những ứng cử viên nào của đảng Dân chủ ra thách thức Tổng thống Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11 tới.
Ứng cử viên nào đạt được mức cần thiết là 1.991 đại biểu ủng hộ, ứng cử viên đó sẽ được đảng Dân chủ đề cử tại đại hội quốc gia của đảng này vào tháng 7.
California và Texas có số đại biểu lớn nhất trong ngày Siêu thứ Ba, với số đại biểu lần lượt là 415 và 228.
Các bang khác sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 3/3 là Alabama, Arkansas, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Utah, Vermont và Virginia.
Việc bỏ phiếu cũng sẽ được tiến hành ở American Samoa, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ.
Trong cuộc đua vào Ngày Siêu thứ Ba, các ứng cử viên không chỉ đơn thuần đầu tư thời gian và tiền bạc vào một nơi để cố gắng giành phiếu bầu, mà họ phải có cơ sở vật chất và gây quỹ để làm quảng cáo trên truyền hình và có nhân viên vận động ở các bang trên toàn quốc.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đứng đầu các cuộc thăm dò dư luận ở California, nơi ông đang hy vọng tận dụng mọi khả năng của mình để tạo thế dẫn đầu với khoảng cách lớn.
Cựu phó tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ giành được chỗ đứng ở South Carolina, nơi ông dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 29/3.
Nhưng ông Biden và ông Pete Buttigieg, cựu thị trưởng South Bend, Indiana, đã chật vật trong cuộc đua với ông Sanders về gây quỹ, khiến họ khó cạnh tranh hơn trên quy mô rộng hơn.
Ngày 3/3 này cũng là lần đầu tiên ông Michael Bloomberg, Cựu Thị trưởng thành phố New York, có tên trên lá phiếu, có khả năng ông sẽ là ứng cử viên vượt qua ông Sanders.
https://www.voatiengviet.com/a/ngay-sieu-thu-ba-va-thach-thuc-cua-dang-dan-chu/5308327.html

Ban tranh cử của tổng thống Trump

kiện tờ New York Times

 vì một bài xã luận liên quan đến Nga

Hôm thứ tư (26/2), ban vận động tranh cử của tổng thống Trump kiện tờ New York Times vì tội phỉ báng liên quan đến một bài xã luận. Bên cạnh đó, ban tranh cử cũng cho rằng, tờ báo đưa ra những tuyên bố sai trái vào năm 2019 với mục đích làm tổn hại cơ hội tái tranh cử của tổng thống Trump trong năm 2020. Tờ New York Times đưa tin sai lệch về vấn đề liên quan đến một âm mưu với Nga. Bài xã luận này được viết bởi Max Frankel, xuất bản vào ngày 27/3/2019.
Ngoài ra, vụ kiện cáo buộc tờ báo tham gia vào một mô hình thiên vị có hệ thống chống lại chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump. Mô hình này được thiết kế để làm tổn hại danh tiếng của chiến dịch vận động. Theo tờ CNBC đưa tin, vụ kiện được đệ trình lên Tối cao pháp viện tiểu bang New York ở Manhattan. Yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến hàng triệu Mỹ kim nhưng số tiền cụ thể không được đưa ra. Trước sự việc này, phát ngôn viên tờ New York Times cho rằng, ban vận động tranh cử của tổng thống Trump dùng vụ kiện này nhằm cố gắng trừng phạt người đã đưa ra quan điểm mà họ thấy không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, luật pháp bảo vệ quyền đưa ra những đánh giá và kết luận của người dân Hoa Kỳ, đặc biệt là về các sự kiện có tầm quan trọng công cộng. Do đó, tờ New York Timei mong muốn được chứng minh điều này ngay trong sự việc trên. Ông Frankel, người viết bài xã luận từ chối đưa ra bình luận.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ban-tranh-cu-cua-tong-thong-trump-kien-to-new-york-times-vi-mot-bai-xa-luan-lien-quan-den-nga/

Cựu thị trưởng Baltimore nhận án tù 3 năm

vì gian lận kinh doanh

Tin Baltimore, Maryland – Bà Catherine Pugh, cựu thị trưởng thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, đã bị kết án 3 năm tù vào thứ Năm, 27 tháng 2, vì gian lận trong hợp đồng bán các cuốn sách trẻ em do bà tự xuất bản, và dùng số tiền thu được để tài trợ cho sự nghiệp chính trị. Vụ tai tiếng này đã gây chấn động Baltimore, thành phố lớn nhất Maryland, nơi từ lâu đã phải vất vả đối phó với tình trạng nghèo đói, sự hỗn loạn chính trị, tỷ lệ tội phạm cao, và cảnh sát lạm dụng quyền lực.
Bà Pugh đã ngồi im lặng trong suốt phiên tòa tuyên án hôm thứ Năm. Trong cuộc họp báo sau phiên tòa, Công tố viên liên bang Robert Hur nói rằng, việc giữ một chức vụ dân cử là một vinh dự, và hành động của bà Pugh đã phá hoại niềm tin của người dân vào chính phủ. Sau khi thi hành án tù, bà Pugh sẽ phải tiếp tục chịu 3 năm giám sát, và phải trả hơn $411,000 Mỹ kim tiền bồi thường. Bà Pugh được bầu làm thị trưởng Baltimore vào năm 2016, sau đó từ chức vào tháng 5, khi bị điều tra về việc bán cuốn sách Healthy Holly do bà xuất bản, vốn đã đem về cho bà hàng trăm ngàn Mỹ kim.
Cuốn sách được bà Pugh bán cho các tổ chức phi lợi nhuận, các hội từ thiện, và cả các cơ quan chính phủ, bao gồm cả hệ thống trường công lập Baltimore. Nhà chức trách liên bang cáo buộc bà Pugh, 69 tuổi, đã bán 1 lô sách cho nhiều tổ chức và sau đó không giao hàng. Bà Pugh dùng số tiền thu được để mua nhà mới và chi tiêu cho chiến dịch tranh cử chức thị trưởng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuu-thi-truong-baltimore-nhan-an-tu-3-nam-vi-gian-lan-kinh-doanh/

Quy định mới về an sinh xã hội

gây khó khăn cho người không nói tiếng Anh

Tin Washington DC – Chính phủ Trump đang chuẩn bị ban hành một quy định mới, có thể sẽ khiến những người không nói tiếng Anh gặp khó khăn trong việc xin phúc lợi An Sinh Xã Hội dành cho người tàn tật. Giám đốc An Sinh Xã Hội Andrew Saul nói, việc cập nhật chương trình phúc lợi cho người tàn tật là cần thiết, do thị trường lao động đã thay đổi và các quy định lỗi thời cần được sửa lại để phù hợp hơn với xã hội hiện nay.
Một trong các thủ tục để xin trợ cấp tàn tật là đánh giá trình độ học vấn của người làm đơn. Cho đến nay, khả năng nói tiếng Anh được coi là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực xin việc làm của người lao động. Quy định mới của chính phủ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 27 tháng 4, sẽ không công nhận việc không nói tiếng Anh là một rào cản khi xin việc làm, khiến những người không nói tiếng Anh
sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn nhận hỗ trợ. Quy định mới dự kiến sẽ ảnh hưởng khoảng 10,000 người.
Giám đốc Saul nói quy định mới được thực hiện sau một đợt đánh giá của Phòng tổng thanh tra của Sở An Sinh Xã Hội vào năm 2015. Quy định mới của Sở An Sinh Xã Hội là một trong hàng loạt đề nghị của chính phủ Trump nhằm cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội và y tế.
Đảng Dân Chủ đã ngay lập tức chỉ trích chính phủ Trump, nói rằng quy định mới đang nhắm vào nhóm người lao động gặp khó khăn nhiều nhất trong xã hội. Theo các chính trị gia Dân Chủ, chính phủ không cung cấp được bằng chứng nào cho thấy những người lao động này sẽ tự đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của họ mà không có sự trợ giúp của liên bang.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quy-dinh-moi-ve-an-sinh-xa-hoi-gay-kho-khan-cho-nguoi-khong-noi-tieng-anh/

Tòa án cho phép Tổng thống Trump giữ lại tiền

dành cho lực lượng an ninh , cảnh sát

của những thành phố trú ẩn

Tin từ New York – Vào hôm thứ tư (ngày 26 tháng 2), một tòa kháng án Hoa Kỳ đã phán quyết cho phép chính quyền Tổng Thống Trump giữ lại ngân quỹ dành cho lực lượng an ninh, cảnh sát trị giá hàng triệu mỹ kim đối với những tiểu bang và thành phố từ chối hợp tác với các cơ quan di dân liên bang. Phán quyết này đến từ Tòa kháng án Liên Bang khu vực 2, tạo ra một chiến thắng cho Tổng Thống Trump sau nhiều năm chống lại những thành phố trú ẩn.
Theo một chính sách vào năm 2017, các tiểu bang và thành phố sẽ được nhận các khoản tiền nói trên nếu họ cho phép các viên chức di dân liên bang sử dụng nhà tù và thông báo trước khi thả tự do một người di dân bất hợp pháp.
Sau khi chính quyền Tổng Thống Trump giữ lại ngân quỹ, các tiểu bang New York, Connecticut, Massachusetts, New Jersey, Rhode Island, Virginia và Washington và thành phố New York đã đệ đơn kiện tại ba tòa kháng án ở Chicago, Philadelphia và San Francisco. Ba tòa án nói trên đã yêu cầu Tổng Thống Trump cung cấp tiền cho các tiểu bang và thành phố kể trên. Tuy nhiên quyết định của Tòa Kháng Án liên bang khu vực Hai đã hủy bỏ phán quyết này, và vụ tranh chấp pháp lý này có thể đưa lên tối cao pháp viện Hoa Kỳ.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã gọi quyết định này là một chiến thắng quan trọng của người dân Hoa Kỳ trong việc công nhận quyền hạn của Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr để bảo đảm rằng những tiểu bang và thành phố nhận tiền không cản trở các ưu tiên hành pháp liên bang. (BBT)
https://www.sbtn.tv/toa-an-cho-phep-tong-thong-trump-giu-lai-tien-danh-cho-luc-luong-an-ninh-canh-sat-cua-nhung-thanh-pho-tru-an/

Quốc hội phê chuẩn luật chỉ định hành vi treo cổ

là một tội ác liên bang

Tin từ Washington, D.C. – 65 năm sau khi cậu bé Emmett Till 14 tuổi bị treo cổ ở Mississippi, Quốc hội đã phê chuẩn luật chỉ định hành vi này là tội ác kỳ thị chủng tộc theo luật liên bang. Dự luật, được công bố bởi Dân Biểu  Bobby Rush và được đặt theo tên của Till. Dự luật này xuất hiện 120 năm sau khi Quốc hội lần đầu tiên xem xét luật chống treo cổ và sau khi hàng chục nỗ lực tương tự không được thông qua.
Vào thứ tư (ngày 26 tháng 2), dự luật đã được thông qua với 410 phiếu thuận và 4 phiếu chống tại Hạ Viện, và sẽ được chuyển đến Tòa Bạch Ốc nơi Tổng Thống Trump dự kiến sẽ ký thành luật. Thượng viện đã đồng lòng thông qua dự luật này vào năm ngoái. Dự luật sẽ chỉ định hành vi treo cổ là tội ác kỳ thị liên bang với án phạt tù chung thân, phạt tiền, hoặc cả hai. Dân biểu Rush cho biết, dù muộn màng, sẽ mang đến công lý cho Till và hơn 4,000 nạn nhân bị treo cổ khác, hầu hết  là người Mỹ gốc Phi Châu. Till, một cậu bé người da đen, đã bị tra tấn dã man và giết chết vào năm 1955 sau khi một phụ nữ da trắng cáo buộc cậu đã ôm và huýt sáo với cô trong một cửa hàng tạp hóa ở Mississippi. Vụ giết người đã gây sốc cho cả Hoa Kỳ và tiếp lửa cho phong trào dân quyền lúc bấy giờ.
Lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer cho biết “không bao giờ quá trễ để làm điều đúng đắn và giải quyết những hành động kỳ thị chủng tộc khủng khiếp đã diễn ra trên khắp lịch sử Hoa Kỳ.”  Quốc hội đã thất bại trong việc thông qua luật chống treo cổ gần 200 lần, bắt đầu với một dự luật được giới thiệu vào năm 1900 bởi Dân Biểu George Henry White, thành viên da đen duy nhất của Quốc hội vào thời điểm đó.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-phe-chuan-luat-chi-dinh-hanh-vi-treo-co-la-mot-toi-ac-lien-bang/

Các viên chức y tế quận Cam, California tuyên bố

tình trạng khẩn cấp trước nguy cơ lây lan

của coronavirus

Vào hôm thứ tư (26 tháng 2), các viên chức y tế cho biết Quận Cam,  sẽ cùng với nhiều khu vực khác tại California tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương trước nguy cơ lây lan của coronavirus.
Quận Cam đã báo cáo một trường hợp nhiễm virus duy nhất: một phụ nữ đi du lịch đến thành phố Vũ Hán, Trung Cộng vào tháng trước. Cơ quan Chăm sóc Sức khỏe Quận Cam  đã xác nhận bệnh tình của người phụ nữ này vào ngày 25 tháng 1, và từ đó bà đã hồi phục hoàn toàn và được đưa ra khỏi khu vực cách ly.
Mặc dù vẫn chưa có trường hợp nào khác nổi lên tại Quận Cam, quận này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để được nhận các quỹ hỗ trợ của tiểu bang và liên bang phòng trường hợp nguồn lực chống dịch bệnh địa phương cạn kiệt.
Tuyên bố này cũng cho phép Viên chức Y Tế Nichole Quick một số quyền hạn để trực tiếp giải quyết bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào xảy ra trong khu vực. Bà cho biết bất kỳ cư dân Quận Cam nào nhập viện với các triệu chứng giống như cúm sẽ được xét nghiệm coronavirus cũng như bệnh cúm thông thường. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp được đưa ra vài ngày sau khi một thẩm phán liên bang ra lệnh dừng kế hoạch biến một tòa nhà ở Costa Mesa thành nơi cách ly bệnh nhân coronavirus.
Một phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 2 tháng 3. Quận Cam đã đứng về phía thành phố Costa Mesa trong đơn kiện nhằm chống lại kế hoạch biến tòa nhà Fairview Developmental Center tại thành phố này thành nơi cách ly. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-vien-chuc-y-te-quan-cam-california-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-truoc-nguy-co-lay-lan-cua-coronavirus/

Các trường học Mỹ lên kế hoạch

đối phó khả năng phát dịch virus corona

Các trường học trên khắp Hoa Kỳ đang hủy các chuyến ngoại khóa ở nước ngoài, chuẩn bị các bài học trực tuyến để chuẩn bị cho khả năng bùng phát virus corona mới (Covid-19) có thể bắt đầu lan rộng trong học đường, theo AP.
Tổng thống Donald Trump khuyên đừng quá sợ hãi vì con virus này, nhưng hôm 26/02, ông cũng khuyến nghị các trường nên bắt đầu lên kế hoạch cho sự xuất hiện của virus Covid-19 “để đề phòng”.
“Đây chính là lúc để các doanh nghiệp, hệ thống chăm sóc sức khỏe, trường đại học và các trường học xem xét các kế hoạch phòng chống đại dịch, và đảm bảo rằng mọi việc đã sẵn sàng”, ông Trump cho biết hôm 26/2 tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
XEM THÊM:
Ông Trump hạ giảm nguy cơ virus ở Mỹ, mâu thuẫn với giới chuyên môn
Khi các trường tiến hành công tác phòng ngừa, họ cũng bắt đầu chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Nhiều trường đang lên kế hoạch dạy học sinh trực tuyến trong trường hợp virus lây lan rộng đến mức các trường buộc phải đóng cửa. Các quan chức ngành giáo dục cũng đang xem xét các tình huống như số học sinh, giáo viên vắng mặt lớn vì virus này và làm thế nào để dạy bù.
Hôm 27/2, ít nhất một trường học tạm thời đóng cửa vì những nỗi sợ liên quan đến virus. Trường trung học Twoell, gần thành phố Seattle, đã hủy các lớp học sau khi một thành viên gia đình của nhân viên nhà trường bị cách ly vì có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.
Tại Miami, giới lãnh đạo hệ thống trường công lập cho biết họ đã sẵn sàng cung cấp 200.000 máy tính xách tay và máy tính bảng cho học sinh trong trường hợp trường đóng cửa và buộc các lớp học trực tuyến.
Các quan chức Miami đã chỉ đạo hủy bỏ các chuyến đi thực địa sắp tới ở Ý và Scotland, trong khi Hạt Fairfax ở Virginia tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến ngoại khóa đến các quốc gia có Covid-19 lây lan.
Các trường công lập ở San Francisco nói rằng họ đang chuẩn bị cho tình huống bùng phát bệnh Covid-19 trong khu vực dù hiện chưa có trường hợp nào được phát hiện.
Một số quận của Hoa Kỳ nói rằng họ đã có các hệ thống học tập trực tuyến có thể được sử dụng để cung cấp các lớp học trực tuyến, nhưng không phải tất cả các trường đều có công nghệ đó. Một số quận đã bắt đầu chuẩn bị các bài học để có thể gửi qua email cho học sinh thay vì gửi về nhà trong các phong bì như trước đây.
XEM THÊM:
Mỹ báo động về khả năng Covid-19 lây lan trong nước
Hôm 27/02, Hiệp hội các nhà quản lý trường học Hoa Kỳ đã ban hành một lá thư kêu gọi các trường học sử dụng các “chiến lược nhận thức chung” để tập trung vào công tác phòng ngừa.
Bức thư kêu gọi các quận tập trung vào vệ sinh cá nhân, xây dựng các quy trình báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh và xem xét hủy các chuyến đi đến bất kỳ khu vực nào ở Hoa Kỳ hoặc nước ngoài nơi đã có dịch.
“Lớp học là nơi cực kỳ thuận lợi cho virus sinh sản”, ông Dan Domenech, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà quản lý trường học Hoa Kỳ cho AP biết. Ông nói thêm: “Vì vậy chúng ta cần lên kế hoạch cho những gì chúng ta sẽ làm một khi có sự cố Covid-19 trong trường học và trong cộng đồng của chúng ta”.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-truong-hoc-my-len-ke-hoach-doi-pho-kha-nang-phat-dich-corona/5308189.html

Mỹ cân nhắc dùng quyền đặc biệt

 tăng sản xuất thiết bị bảo hộ chống corona

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét viện dẫn các quyền lực đặc biệt thông qua một luật gọi là Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để nhanh chóng mở rộng sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ trong nước để chống lại virus corona tại Mỹ, Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết.
Việc sử dụng luật, vốn được Quốc hội thông qua vào năm 1950 vào đầu Chiến tranh Triều Tiên, sẽ đánh dấu sự leo thang phản ứng của chính quyền đối với dịch bệnh. Virus COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc và kể từ đó đã lan sang các nước khác kể cả Mỹ.
Các quan chức y tế Hoa Kỳ đã kêu gọi dân Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho sự lây lan của COVID-19 tại Mỹ.
Luật pháp trao cho Tổng thống quyền mở rộng sản xuất công nghiệp các vật liệu hoặc sản phẩm chính yếu vì an ninh quốc gia và các lí do khác. Các nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất tại Mỹ bao gồm 3M Corp và Honeywell International Inc.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Alex Azar nói với các nhà lập pháp trong tuần này rằng Mỹ cần một lượng dự trữ khoảng 300 triệu khẩu trang N95 – thiết bị bảo vệ hô hấp – để chống lại sự lây lan của virus. Mỹ hiện chỉ có sẵn một phần của số đó để sử dụng ngay lập tức, Bộ trưởng Azar nói trong phần khai chứng.
Trong một cuộc gọi liên bộ hôm 26/2, các quan chức của HHS và Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã thảo luận về khả năng viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để sản xuất các “thiết bị bảo vệ cá nhân” có thể đeo/mặc để ngăn ngừa nhiễm trùng, Reuters dẫn lời một quan chức của DHS cho biết.
Những thiết bị như vậy có thể bao gồm khẩu trang, găng tay và đồ liền thân.
Bộ trưởng Azar phát biểu tại một phiên điều trần ở Quốc hội hôm 26/2 rằng Trung Quốc kiểm soát rất nhiều nguyên liệu thô cũng như năng lực sản xuất có liên quan đến khẩu trang.
“Rất ít những thứ này dường như được sản xuất tại Mỹ, vì vậy nếu chúng tôi phải sản xuất trong nước thì điều này có thể sẽ nhọc nhằn,” quan chức của DHS nói với Reuters.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận rằng chính quyền đang cân nhắc sử dụng luật này để thúc đẩy sản xuất đồ bảo hộ. Cả quan chức DHS và Nhà Trắng đều yêu cầu ẩn danh khi nói về vấn đề này.
Viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng là một trong một số lựa chọn đang được chính quyền xem xét để chống lại virus, các quan chức cho biết, và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Ông Trump đã viện dẫn luật này vào năm 2017 để giải quyết sự thiếu hụt công nghệ trong năng lực sản xuất vắc-xin và các mặt hàng khác như thiết bị vi điện tử.
Luật này trao cho Tổng thống thẩm quyền rộng lớn để “tăng tốc và mở rộng cung cấp tài nguyên từ cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ để hỗ trợ các chương trình quân sự, năng lượng, không gian và an ninh nội địa,” theo một bản tóm tắt trên website của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/my-can-nhac-dung-quyen-dac-biet-tang-san-xuat-thiet-bi-bao-ho-chong-corona/5307476.html

Ông Trump hạ giảm nguy cơ virus ở Mỹ,

mâu thuẫn với giới chuyên môn

Tổng thống Donald Trump đối diện với thử thách quan trọng khi ứng phó với dịch virus corona: yêu cầu người Mỹ tin lời ông sau khi ông và một số cố vấn hàng đầu mâu thuẫn với các nhà khoa học liên bang Hoa Kỳ trong việc hạ giảm tầm mức mối đe dọa này.
Nhận thức rõ mức độ rủi ro của Covid-19 không chỉ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn cho uy tín của mình, Tổng thống Trump tổ chức một cuộc họp báo chiều tối 26/2 nhằm trấn an mọi người rằng ông kiểm soát được cuộc khủng hoảng này.
Đứng quanh ông Trump là các chuyên gia y tế hàng đầu và ông khuyến khích người Mỹ chuẩn bị cho khả năng virus này lây lan.
Nhưng ông tiếp tục hạ giảm nguy cơ của virus khi nói rằng dịch “có thể lan rộng hơn một chút; có thể không lan rộng hơn nữa.” Và ông tiếp tục đi chệch khỏi quan điểm đã nêu ​ của các quan chức y tế công cộng rằng chuyện virus lây lan ở Mỹ là điều không thể tránh khỏi.
“Tôi không nghĩ là không thể tránh khỏi,” ông Trump nói tại cuộc họp báo, nơi ông tuyên bố Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dẫn đầu nỗ lực của chính quyền ứng phó với dịch. “Tôi nghĩ nó có thể trở nên trầm trọng hơn. Nhưng không có gì là không thể tránh khỏi.”
Ông cũng nói rằng ông vừa được biết là mỗi năm có hàng ngàn người chết vì cúm, so sánh con số đó với số người chết vì virus corona.
Trước cuộc họp báo, ông Trump hạ giảm tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh được xác nhận là đã giết chết 2.700 người trên toàn cầu. Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông, Larry Kudlow, hôm 25/2 cũng nói rằng Mỹ đã “khống chế” được mối đe dọa dịch bệnh bùng phát trong nước.
Các phát biểu của ông Trump và ông Kudlow mâu thuẫn với các cảnh báo từ các quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người cho rằng các cộng đồng ở Mỹ cần phải chuẩn bị ngay bây giờ cho tình huống bệnh bắt đầu lan rộng trong nước. Chỉ có 60 trường hợp nhiễm virus corona được xác nhận tại Mỹ.
“Thông điệp mà Nhà Trắng phát đi không hữu ích,” Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói, theo AP. “Điều mà Nhà Trắng đang làm là thể hiện sự tự tin thái quá. … Tất nhiên, chúng ta muốn giữ bình tĩnh nơi công chúng, nhưng [thông điệp của Nhà Trắng] trái ngược hoàn toàn với sự thật.”
Trong khi ông Trump hạ giảm tầm mức đe dọa của dịch bệnh, những lần trong quá khứ ông công kích các nhà khoa học của chính phủ về mọi thứ, từ dự báo bão đến biến đổi khí hậu, và việc ông phát biểu không đúng sự thật, đều ảnh hưởng đến mức độ khả tín của thông điệp của ông.
Ông Trump mùa thu năm ngoái đã dùng bút lông chỉnh sửa đường đi của Bão Dorian trên bản đồ dự báo thời tiết do các nhà khoa học và nhân viên chuyên nghiệp của chính phủ lập ra.
Ông Trump, trước đây từng chỉ trích Tổng thống Obama về cách thức ứng phó dịch Ebola, giờ cũng đối mặt với những chỉ trích rằng chính quyền của ông đang ứng phó thiếu thỏa đáng.
Ngân sách của ông Trump, vốn đề xuất cắt giảm ngân quỹ cấp cho y tế cộng đồng, bị Quốc hội bác bỏ và ngược lại ngân quỹ còn được tăng lên vì có sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-ha-giam-nguy-co-virus-o-my-mau-thuan-voi-gioi-chuyen-mon/5307462.html

Mỹ triển khai hệ thống laser

chống máy bay không người lái trên tàu chiến

Bộ Chỉ huy Các hệ thống Hải quân Mỹ (20/2) cho biết, nước này lần đầu tiên trang bị cho một tàu chiến với hệ thống laser phòng máy bay không người lái. Hệ thống cho phép Hải quân Mỹ tăng cường năng lực của các phương tiện trên biển trong việc đối phó với các mối đe dọa từ phương tiện không người lái.
Bộ Chỉ huy Các hệ thống Hải quân Mỹ (NAVSEA) cho biết, từ ý tưởng cho đến hiện thực hóa việc lắp đặt trong hai năm rưỡi, hệ thống laser làm lóa mắt ODIN trên khu trục hạm Dewey trở thành hệ thống hoạt động độc lập đầu tiên có chức năng như một máy chiếu. Hệ thống cho phép Hải quân Mỹ tăng cường năng lực của các phương tiện trên biển trong việc đối phó với các mối đe dọa từ phương tiện không người lái (USA). Trong khi đó, trang tin The Drive, thực chất tàu khu trục Dewey tiếp nhận hệ thống vũ khí ODIN từ tháng 11/2019. Tuy nhiên, NAVSEA giữ kín về khả năng của ODIN cũng như từ chối tiết lộ thông tin khi nào hệ thống sẽ được thử nghiệm.
Theo giới quan sát, ODIN là một trong số rất nhiều hệ thống laser mà Lầu Năm Góc đang thử nghiệm nhằm tăng cường khả năng phòng không và chống máy bay không người lái. ODIN là loại vũ khí năng lượng định hướng mới nhất triển khai trên tàu khu trục USS Dewey của Mỹ. Trước đó, vào năm 2014, Hệ thống Vũ khí Laser (LaWS) 30 kilowatt cũng đã được lắp đặt trên tàu đổ bộ USS Ponce, song đó không phải là một con tàu còn hoạt động. Được biết, ODIN là một trong số các thành viên thuộc Nhóm Hệ thống Laser Hải quân (NLFS) – một dự án nghiên cứu cho ra đời các loại vũ khí năng lượng định hướng đối phó với phương tiện không người lái và tên lửa.
Mỹ hiện là một trong những nước dần đầu về ứng dụng vũ khí laser trang bị cho tàu chiến. Được đặt trong một khối hình hộp trên nóc phòng cầu tàu của tàu Ponce, tổ hợp vũ khí laser (LaWS) đã được đưa vào trang bị cho Hạm đội 5 của Mỹ nhằm cung cấp những số liệu hoạt động đầu tiên, mở đường cho phát triển tiếp theo và có thể cho một chương trình tương lai. Rất có thể tổ hợp LaWS sẽ viết lên một số trang mới đầu tiên trong tác chiến hải quân. Vũ khí laser rất cuốn hút Hải quân Mỹ bởi vì những vũ khí này có chi phí cho mỗi phát bắn chưa đến 1 đô la, được xem là phương tiện vũ khí đạt hiệu quả chi phí cao để đối phó với những mối đe dọa không cân xứng giá trị thấp. So sánh với các vũ khí phòng thủ diệt ‘cứng’/phá hủy trang bị thông thường khác, như pháo và tên lửa có điều khiển, laser đem lại cơ số đạn gần như không giới hạn, chỉ tùy thuộc vào nguồn điện và chế độ làm mát. Các vũ khí laser năng lượng cao (HEL), do đó, có thể bổ sung cho các vũ khí động năng đạt hiệu quả kinh tế. Các laser có khả tạo ra sự phản ứng có kiểm soát và dần từng bước – mở rộng từ những lựa chọn phi sát thương như làm lóa mắt cho đến gây ra những ảnh hưởng đối với vật tư trang bị và phá hủy mục tiêu – phù hợp với các quy tắc giao chiến đặt ra.
Mặc dù Hải quân Mỹ đang đi đầu trong phát triển vũ khí HEL, nhưng không đơn độc trong tham vọng khai thác sử dụng tiềm năng của năng lượng định hướng. Một số lực lượng hải quân châu Âu cũng đang khai phá sự phát triển và tích hợp các vũ khí laser lên các phương tiện hải quân. Theo đánh giá của tạp chí Jane’s, ngoài châu Âu, các cường quốc hải quân như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga có lẽ cũng đang phát triển các chương trình khoa học và công nghệ laser nhằm vũ khí hóa laser để khai thác sử dụng trên tàu hải quân.
Các vũ khí laser năng lượng cao phá hủy mục tiêu bằng cách đốt nóng bề mặt mục tiêu tới mức làm cho cấu trúc bị suy giảm đi và hư hỏng hoặc đốt cháy bề mặt mục tiêu để phá hủy những thành phần và phân hệ quan trọng của mục tiêu. Các vũ khí laser còn được sử dụng để đánh vào vật liệu chứa năng lượng trong mục tiêu và gây ra sự kích nổ ở mức độ thấp. Chúng cũng có thể được sử dụng một cách hiệu quả để chống các xen xơ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả hủy diệt mềm (soft-kill) bên trong, khiến cho các xen xơ bị lóa nhưng có thể hồi phục; hủy diệt cứng (hard kill) bên trong, khiến cho các xen xơ bị lóa không thể khôi phục được; hủy diệt cứng bên ngoài, khiến cho các xen xơ bị phá hủy về mặt vật lý bởi năng lượng tác động.
Các vũ khí laser được xem là có một số ưu thế. Ít nhất về lý thuyết, chúng không có mối nguy hiểm của đạn dược, không lo ngại về tiêu hao đạn; giao chiến và chuyển đổi mục tiêu nhanh, tác dụng có thể điều chỉnh được và đảm bảo chính xác; và tác động lên mục tiêu nhanh.
Mặc dù những ưu thế về lý thuyết đã được nhận biết một cách rộng rãi, nhưng vũ khí laser năng lượng cao tồn tại một số khó khăn như khoảng không gian, khối lượng, nguồn điện và sự an toàn. Tính chất truyền lan vật lý đã tỏ ra là một thách thức lâu dài, nếu như muốn vũ khí laser hội tụ chính xác và dừng lại lâu tại một điểm xác định trên mục tiêu. Bài toán điểm ngắm còn phức tạp hơn nữa, bởi bản chất vật lý phức tạp và biến hóa của môi trường biển ẩm và mặn. Các tia laser còn bị tổn hại do nhiệt, xảy ra khi chùm tia laser được chiếu ra theo cùng một hướng trong một thời điểm nhất định đốt nóng không khí khi nó đi qua, khiến cho chùm tia bị phân tán và không còn hội tụ. Sự ăn mòn, nhiễm độc và sự che chắn cửa sổ quang trên chính hệ thống vũ khí, bởi hơi nước mặn và bụi cũng là những trở ngại, bởi vì luồng xoáy khí quyền dẫn đến các điều kiện thời tiết và môi trường thay đổi. Ngoài ra, việc tích hợp vào các phương tiện mang hải quân đặt ra những nhu cầu mới đối với cách bố trí nguồn phát và phân phối điện của phương tiện mang chủ, cùng với những nhu cầu kèm theo về các hệ thống quản lý nhiệt và làm mát. Tích hợp vào hệ thống chiến đấu rộng hơn cũng phải cần được xử lý. Tóm lại, cần phải tính đến những thực tế hoạt động về mặt sức khỏe và an toàn, quy tắc giao chiến và tính sát thương tiềm tàng.
Những nỗ lực khoa học và công nghệ về vũ khí laser đã có từ những năm 1960. Khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ, hiểu rõ được ảnh hưởng làm thay đổi thế trận tiềm tàng của vũ khí năng lượng định hướng, đã bắt đầu đầu tư cho nghiên cứu mang tính khai phá. Mặc dù, các khái niệm laser năng lượng cao ban đầu đều tập trung vào công nghệ laser khí động CO2, nhưng ngay sau đó sự chú ý đã chuyển sang các laser hóa học D2Cl sóng mang (continuous wave) trên cơ sở những laser này có thể điều chỉnh được tới mức công suất cao ở các bước sóng hồng ngoại giữa, cho phép truyền lan đi xa hơn, tốt hơn trong điều kiện khí quyển trên biển. Nỗ lực đầu tiên đối với thiết bị trình diễn thí nghiệm là Thiết bị chế thử laser hóa học tiên tiến Hải quân (NACL) do hãng TRW chế tạo, đi kèm với thiết bị đầu bám/thiết bị chỉ điểm hải quân (NPT) do hãng Hughes chế tạo trong vai trò của thiết bị điều khiển chùm tia. Tháng 3/1978, sự kết hợp của 2 thiết bị NACL và NPT đã thành công trong thử nghiệm bắn rơi một tên lửa TOW (đang bay ở tầng thấp, vận tốc cao và trên quỹ đạo bay cắt ngang qua).
Cuối những năm 1970, Hải quân Mỹ đã đầu tư vào thiết bị trình diễn laser năng lượng cao HEL D2Cl cỡ Mgw được biết đến là thiết bị laser hóa học tiên tiến dải hồng ngoại giữa (MIRACL). Hãng TRW chịu trách nhiệm chính về phát triển hệ thống, còn hãng Hughes là chủ thầu chính về thiết bị định hướng chùm tia SeaLite (SeaLite Beam Director). Thiết bị MIRACL và thiết bị định hướng chùm tia SeaLite đã được lắp đặt và tích hợp tại cơ sở kiểm nghiệm của trường thử tên lửa White Sand vào giữa những năm 1980 và được sử dụng cho các thí nghiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các hoạt động kiểm nghiệm hệ thống gồm có: phá hủy một bia bay không người lái BQM-34 Vandal bay ngang qua vào năm 1989. Tuy nhiên, một thử nghiệm chống mục tiêu tiếp cận gần đã không thành công, và sau đó hải quân Mỹ đã kết luận rằng sự rối loạn về nhiệt vẫn là một trở ngại, chưa thể khắc phục được. Họ cũng quyết định laser hóa học như loại MIRACL là không thích hợp cho sử dụng trên tàu hải quân, bởi chúng phụ thuộc vào các hóa chất có độc tính cao và gây ra những luồng ánh sáng nguy hiểm.
Những mối quan tâm của Hải quân Mỹ đến các vũ khí laser lại bùng lên vào những năm 1990, và lộ trình vũ khí laser năng lượng cao mới của hải quân đã được phòng Nghiên cứu Dahlgren của Trung tâm tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ (NSWC) phổ biến để định hướng phát triển. Lộ trình đặt ra 6 điểm đột phá cần lần lượt đạt được gồm: các yêu cầu hoạt động; tính sát thương của laser; sự truyền lan trong khí quyển; bám mục tiêu; tích hợp lên tàu và cuối cùng phát triển/trình diễn hệ thống laser. Vào giữa những năm 1990, Hải quân Mỹ đã bị choáng ngợp bởi công nghệ laser điện tử tự do (FFL). Một tổ hợp laser điện tử tự do (FFL) có thể gia tốc các điện tử (electron) tới gần vận tốc ánh sáng, và sau đó biến đổi năng lượng của những điện tử này thành ánh sáng khi chúng đi qua một từ trường biến thiên. Các nhà khoa học xem laser điện tử tự do, về dài hạn, có thể đem lại tiềm năng tốt nhất cho các ứng dụng vũ khí trên biển tương lai bởi vì, không giống như các laser khác, một tổ hợp FFL cho phép hoạt động ở các bước sóng chọn lọc nhằm tối ưu năng lượng chùm tia khi truyền qua môi trường khí quyển biển. Công nghệ này sẽ cho phép một vũ khí laser năng lượng cao HEL được tinh chỉnh đến bước sóng thích hợp nhất, phù hợp với môi trường truyền lan.
Tuy nhiên, bất lợi căn bản của một tổ hợp laser FFL là cơ sở bảo đảm hậu cần kỹ thuật lớn. Do vậy, trong thập kỷ qua, trọng tâm chính của nổ lực nghiên cứu đã chuyển sang các laser bán dẫn/thể rắn. Mặc dù, laser bán dẫn tạo ra công suất thấp hơn nhiều so với laser hóa học và không có khả năng tinh chỉnh như laser FFL, nhưng, để vận hành, laser bán dẫn chỉ đòi hỏi điện năng và làm mát. Sự thay đổi này phản ánh độ chín lớn hơn và khả năng sẵn sàng của công nghệ laser bán dẫn thương mại, điều này cũng hứa hẹn cho phép đưa vào hoạt động các vũ khí laser ứng dụng thực tế và giá cả phải chăng nhanh hơn.
Tiềm năng của công nghệ laser bán dẫn đã được minh chứng vào năm 2011 bằng Chương trình trình diễn laser trên biển (MLD) của Văn phòng nghiên cứu hải quân (ONR). Được lắp đặt trên tàu phương tiện mang thử nghiệm của tàu thử nghiệm tự vệ (SDTS) mẫu chế thử laser trình diễn trên biển (MLD) bán dẫn đã giao chiến thành công và vô hiệu hóa một tàu mục tiêu nhỏ trong các đợt thử nghiệm tại đảo San Nicolas, bang Ca li phoóc nia. Sự kiện này đánh dấu, lần đầu tiên một thiết bị laser HEL đã được đưa lên tàu hải quân, được tàu cấp điện và được dùng để chống mục tiêu ở một khoảng cách xa trong môi trường biển. Những ứng dụng khác gồm tích hợp công cụ laser MLD với hệ thống ra đa và dẫn đường của tàu, và bắn laser điện từ một phương tiện mang di động trên biển trong môi trường ẩm.
Thành công tiếp theo của chương trình tổ hợp vũ khí laser (LaWS), mà đỉnh cao là  đợt triển khai dự án laser bán dẫn có khả năng phản ứng nhanh (SSL-QRC) đang diễn ra, đã khẳng định niềm tin của Hải quân Mỹ đặt vào công nghệ laser bán dẫn. Đáng chú ý là mẫu chế thử tổ hợp vũ khí laser phần lớn được phát triển bởi ngân quỹ riêng của Cục các hệ thống trên biển hải quân Mỹ (NAVSEA), đặc biệt là Văn phòng chương trình hệ thống vũ khí điện và năng lượng định hướng (PMS 405), Văn phòng tác chiến năng lượng định hướng Phòng nghiên cứu NSWC Dahlgren và Văn phòng triển khai chương trình Các hệ thống tác chiến liên hợp. Ngoài ra, Văn phòng nghiên cứu Hải quân (ORN), Phòng thí nghiệm nghiên cứu Hải quân (NRL) và một số đối tác công nghiệp khác cũng tham gia hỗ trợ. Tổ hợp vũ khí laser (LaWS) đã được chế tạo mức chi phí tương đối thấp – Theo thông báo từ Hải quân Mỹ dự án được đầu tư khoảng 40 triệu đô la – nhờ sử dụng các phần cứng hiện có hoặc các phân hệ thương mại có sẵn ở mọi bộ phận có thể. Tuy nhiên, một số thành phần như bộ kết hợp chùm tia và phần lớn phần mềm hệ thống cần thiết cho hoạt động và bám mục tiêu, đều phải thiết kế, chế tạo và kiểm tra đặc biệt. Chính nhờ sử dụng một cách cải tiến một số thiết bị laser sợi quang (fibre) được kết hợp một cách ‘rời rạc/riêng rẽ’ (‘incoherently’) đã cho phép Hải quân Mỹ tiến bộ nhanh và không tốn kém trong phát triển tổ hợp vũ khí laser LaWS đạt đến thời điểm đưa vào hoạt động thực tế trên biển hiện nay. Tổ hợp vũ khí mẫu chế thử sử dụng 6 thiết bị laser sợi quang 5,4 kW riêng rẽ, thay vì hợp lại thành một chùm tia duy nhất, để chiếu lên mục tiêu (do vậy chúng kết hợp một cách rời rạc/riêng rẽ). Hoạt động này được thực hiện qua một bộ kết hợp chùm tia do Phòng thí nghiệm nghiên cứu Hải quân (NRL), sử dụng các gương điều chỉnh tia một cách riêng rẽ, để ngắm vào cùng một điểm trên mục tiêu.
Tổ hợp vũ khí laser bắn/chiếu tia thông qua bộ điều khiển tia được đặt trên giá thiết bị bám KINETO K433, cùng với một loạt các xen xơ quang điện tử lắp kèm, hỗ trợ cho nhận dạng, bám, và đo cự ly mục tiêu; cụ thể là camera hồng ngoại bước sóng trung dùng để bám sơ bộ; máy đo xa laser cung cấp tham số đo cự ly chính xác nhằm hội tụ chùm tia; một kính tiềm vọng độ phân giải cao 50 cm lắp trên giá đỡ quang của mặt mở chính để bám mục tiêu chính xác; và một camera truyền hình để đánh giá thiệt hại sau đòn đánh.
Việc điều khiển tổ hợp vũ khí laser được thực hiện bởi một trắc thủ, thông qua bộ điều khiển cầm tay, tương tự như thiết bị điều khiển của trò chơi điện tử và được đặt tại bàn điều khiển có 3 màn hình bên dưới boong tàu. Một hệ thống an toàn tranh va chạm dự báo trước kết hợp do Phòng nghiên cứu NSWC Dahlgren phát triển, được tích hợp để giải quyết xung đột hoạt động của hệ thống laser với các xen xơ và phương tiện mang quân nhà.
Hiện tổ hợp vũ khí LaWS đã được lắp đặt lên tàu Ponce vào tháng 8/2014; gói khí tài được đóng trong hộp được lắp đặt lên sân boong cầu tàu, còn thiết bị định hướng chùm tia được bố trí bên trong không gian kín chống chịu được điều kiện thời tiết sẽ mở ra và thu vào trước khi hoạt động. Cục NAVSEA đã lắp đặt thêm một tổ máy phát điện diezenl 500 kW lên tàu, cùng với các hệ thống làm mát, để đảm bảo tổ hợp vũ khí LaWS có đủ điện và các điều kiện môi trường cần thiết. Mục tiêu chính của việc đưa vào hoạt động dự án SSL-QRC là nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá vũ khí laser bán dẫn trong các điều kiện hoạt động khó khăn thách thức (trong môi trường biển ở vùng Vịnh – nơi có nhiệt độ cao và độ ẩm, và còn phức tạp hơn bởi mật độ hạt bụi và cát trong khí quyển); cũng như kiểm tra tác dụng của hệ vũ khí này trong phòng vệ tàu, đối phó với những đám thuyền nhỏ cao tốc, các phương tiện bay không người lái, cũng như các xen xơ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo (ISR). Mục tiêu đặt ra ở giai đoạn này là: tổ hợp laser chỉ đóng vai trò phương tiện bổ sung chứ không thay thế cho các tổ hợp vũ khí tự vệ động năng.
Ngoài chống tàu thuyền nhỏ, chống máy bay không người lái và chống khả năng trinh sát, giám sát và thu thập tình báo (ISR) đã qua kiểm chứng, tổ hợp vũ khí LaWS còn trình diễn giá trị của nó như một công cụ ISR mạnh. Trao đổi với phóng viên tạp chí Jane’s, các thủy thủ trên tàu Ponce cho biết: tổ hợp cho phép giám sát và nhận dạng bằng khí tài quang học độ phân giải rất cao, hỗ trợ cho nắm bắt tình hình chung trong điều kiện giao thông trên biển đông đúc.
http://biendong.net/bien-dong/33268-my-trien-khai-he-thong-laser-chong-may-bay-khong-nguoi-lai-tren-tau-chien.html

Mỹ yêu cầu toàn bộ tàu chiến

từng thăm các nước Thái Bình Dương tự cách ly

Mỹ đã yêu cầu mọi tàu chiến từng thăm các nước ở khu vực Thái Bình Dương tự cách ly trên biển trong 14 ngày để theo dõi các thủy thủ có triệu chứng nhiễm virus Covid-19 hay không.
CBS ngày 27/2 dẫn thông báo của phát ngôn viên hải quân Mỹ James Adam cho biết, động thái trên của quân đội Mỹ nhằm đề cao cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ông Adam nói rằng Hạm đội Thái Bình Dương đang áp dụng các biện pháp nhằm giúp các thủy thủ trên các tàu chiến không bị nhiễm Covid-19 cũng như theo dõi các thủy thủ từng di chuyển tới các khu vực có rủi ro cao.
Ông Adam cho biết: “Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy bất cứ nhân sự nào của hải quân Mỹ nhiễm virus corona chủng mới”. Tuy nhiên, động thái của hải quân Mỹ được xem là nhằm đề phòng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan trên thế giới.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino đã yêu cầu các tàu hải quân khởi hành từ các quốc gia trong khu vực “tiếp tục ở trên biển trong ít nhất 14 ngày trước khi đến một cảng khác, để theo dõi các thủy thủ xem có triệu chứng mắc Covid-19 hay không”.
Lệnh tự cách ly là một trong những động thái mới nhất mà Lầu Năm Góc thực hiện để bảo vệ lực lượng của họ không bị nhiễm virus. Mầm bệnh hiện đã lây lan tới khoảng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc, và ảnh hưởng tới hoạt động của quân đội Mỹ tại châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Mỹ cũng quyết định hủy tập trận quân sự với Hàn Quốc vì lo ngại về virus Covid-19. Ngày 26/2, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ đã hạn chế các chuyến đi không cần thiết của quân nhân, nhà thầu quốc phòng Mỹ, nhân viên Lầu Năm Góc tới Hàn Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng ban hành lệnh hạn chế với việc di chuyển của các quân nhân nước này ở Trung Đông.
CNN dẫn thông báo ngày 26/2 của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay, một quân nhân của lực lượng Mỹ đã bị xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Theo Yonhap, đây là trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên của quân đội Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33262-my-yeu-cau-toan-bo-tau-chien-tung-tham-cac-nuoc-thai-binh-duong-tu-cach-ly.html

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang theo dõi hành vi

quan chức Trung Quốc đối với dịch COVID-19

Hương Thảo
Theo nhiều nguồn tin cho biết, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nghi ngờ về hành vi của các quan chức Trung Quốc và đang thu thập dữ liệu về hành vi của họ liên quan đến dịch COVID-19.
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới gần đây lên tiếng hoan nghênh về những nỗ lực của các quan chức Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 ở nước này, thì các cơ quan tình báo Mỹ lại nhìn mọi thứ theo một chiều hướng khác.
“Hành vi của Trung Quốc là nguyên nhân khiến cộng đồng tình báo phải điều tra”, một cựu quan chức tình báo cho biết.
Cựu quan chức tình báo chỉ ra rằng vấn đề quan trọng nhất đang được theo dõi là, rất có khả năng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách để duy trì hoạt động cơ bản của nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Cuộc khủng hoảng có thể khiến các nhà lãnh đạo cấp cao rời khỏi đất nước hoặc tìm kiếm sự an toàn trong các nơi trú ẩn, “giống như các hầm trú ẩn hạt nhân của Hoa Kỳ”, cựu quan chức tình báo cho biết.
Một nguồn tin khác, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cho biết, họ đang nhìn thấy một số dấu hiệu các quan chức Trung Quốc đang thực hiện các kế hoạch dự phòng nào đó, cho thấy mức độ quan tâm của họ về vấn đề “trú ẩn”.
Sự tham gia của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ trong việc thu thập tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng thất vọng với sự thận trọng của nước này trong việc nhận hỗ trợ từ quốc tế.
Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó có các chuyên gia Mỹ, cuối cùng đã được phép đến Trung Quốc vào ngày 24/2 để thực hiện nghiên cứu thực địa, nhưng hiện tại, sẽ không được đến thăm nơi bắt đầu dịch bệnh, với lý do là chính phủ thiếu thời gian và nguồn lực để tổ chức cho các chuyên gia quốc tế, theo lời các quan chức Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, Trung tâm Nhiệm vụ Toàn cầu và Tình báo Quốc phòng của CIA, Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia của Cơ quan Tình báo Quốc phòng đều đang hỗ trợ Lực lượng Đặc nhiệm Nhà Trắng về dịch COVID-19, theo các nguồn tin tình báo.
Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, với chức năng theo dõi sự bùng phát dịch bệnh và nguy hiểm tiềm tàng đối với quân đội Hoa Kỳ, cũng như sự chuẩn bị của các nhà lãnh đạo nước ngoài trong việc đối phó với đại dịch hoặc các cuộc tấn công liên quan khác. Một phát ngôn viên của quân đội nói với Yahoo News rằng cơ quan này “đang theo dõi chặt chẽ sự bùng phát của virus và phản ứng trên toàn thế giới đối với nó”.
Các nguồn tin nói với tờ The New York Times rằng, các cơ quan Hoa Kỳ sẽ sử dụng một loạt các công cụ tình báo, từ thông tin bí mật đến các công cụ nghe lén điện tử, để theo dõi tác động của dịch bệnh.
Dave Makichuk, Asia Times
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-co-quan-tinh-bao-hoa-ky-dang-theo-doi-hanh-vi-quan-chuc-trung-quoc-doi-voi-dich-covid-19.html

Hoa Kỳ đề nghị giúp Iran ứng phó dịch virus corona

Hôm 28/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị giúp đỡ Iran ứng phó dịch corona, nơi dịch bệnh khiến 34 người chết, và làm dấy lên nghi ngờ về sự sẵn sàng chia sẻ thông tin của Tehran, theo Reuters.
“Chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị tới Cộng hòa Hồi giáo Iran để giúp đỡ họ”, Ngoại trưởng Pompeo nói trong một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
“Cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của họ không mạnh; và cho đến nay, về việc họ có sẵn sàng chia sẻ thông tin về những gì thực sự xảy ra bên trong hay không … từ trước nay Iran không minh định và tôi rất lo ngại rằng …. Iran không chia sẻ thông tin”, ông Pompeo nói thêm.
Iran là quốc gia Hồi giáo duy nhất ở vùng Vịnh đã báo cáo các trường hợp tử vong do virus corona. Ở Kuwait, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Oman cũng có người đã bị nhiễm bệnh.
Tehran đã hủy bỏ lễ cầu nguyện vào thứ Sáu tại thủ phủ của 23 trong số 31 tỉnh của Iran vì dịch bùng phát, bao gồm cả đền thờ ở thủ đô Tehran và ở các thành phố Hồi giáo nhánh Shi’ite ở tỉnh Qom và Mashhad.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-de-nghi-giup-iran-ung-pho-dich-virus-corona/5308351.html

Mỹ và châu Âu bất đồng ngôn ngữ về Trung Quốc?

Những cảnh báo khốc liệt của Mỹ về mối nguy hiểm của Trung Quốc bị các nước châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich mới đây bỏ ngoài tai, một bài viết trên Foreign Policy nhận định.
Trong nhiều thập kỷ qua, Hội nghị An ninh Munich luôn đóng vai trò biểu tượng sức mạnh quyền lực của liên minh châu Âu. Nó quy tụ các lãnh đạo, nhà ngoại giao, các nhà soạn thảo chính sách ngoại giao quốc tế hàng đầu để bàn bạc về thách thức toàn cầu.
Thương chiến Mỹ Trung sẽ đi về đâu?
Trung Quốc: Hoa Kỳ ‘cần ngừng can thiệp’ ở Biển Đông
Việt Nam có đang xích lại gần Hoa Kỳ, xa TQ?
Nhưng năm 2020, nó cho thấy một sự đi xuống, trang Politico bình luận.
Nếu có điều gì mà ba ngày họp vào giữa tháng Hai phản ánh, thì đó là sự bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và các cường quốc châu Âu như Đức, Pháp, về Trung Quốc.
Chia rẽ trong quan điểm về Trung Quốc
Cả Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Mark Esper, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo, trong các bài phát biểu tại hội nghị, đều khiến người ta không còn nghi ngờ gì về việc Washington coi Trung Quốc là một thế lực bất chính trên thế giới. Đó là một quan điểm không được nhiều quốc gia trong EU chia sẻ, theo Politico.
Trong các bài phát biểu nối tiếp phát biểu, cả công khai lẫn riêng tư, các lãnh đạo châu Âu than phiền về sự không hợp tác của Mỹ cả trong khu vực lẫn trên trường thế giới nói chung.
Mỹ áp quy tắc mới với truyền thông nhà nước TQ
Liệu xung đột Trung-Mỹ có thể xảy ra?
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã khai mạc hội nghị bằng cáo buộc chính quyền Trump đã bác bỏ ý tưởng về một cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì phát biểu rằng những gì Châu Âu muốn không hoàn toàn giống với Hoa Kỳ.
Các quan chức Hoa Kỳ đã chết lặng, Politico tường thuật.
‘Ngôn ngữ’ của Mỹ về Trung Quốc…
Tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo các đồng minh của Mỹ rằng “đã đến lúc ‘thức tỉnh’ trước mối đe dọa của Trung Quốc”, và kêu gọi châu Âu hợp lực với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc, theo Foreign Policy.
Ngoại trưởng Mike Pompeo thì tuyên bố rằng phương Tây đã “chiến thắng” trong cuộc xung đột với Trung Quốc. Một quan chức cao cấp khác của Mỹ nói châu Âu ‘thiếu sót’ nếu họ không nhìn nhận Trung Quốc qua lăng kính ‘chúng ta chống lại họ’.
Người châu Âu lại cũng được nghe rằng virus corona đang hoành hành là một ‘cơ hội’ để khiến người dân Trung Quốc chống lại chính phủ của họ.
Rồi họ lại tiếp tục nghe Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mô tả tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei là “một hình thức xâm lược xảo quyệt”.
… ‘rơi vào tai điếc’ của châu Âu
Nhưng hầu hết những cảnh báo này rơi vào ‘bên tai điếc’ của châu Âu trong ba ngày hội thảo, Foreign Policy bình luận.
Những người chủ trì hội nghị lắng nghe những cảnh báo của Hoa Kỳ về Trung Quốc một cách lịch sự, Nhưng ông Wolfgang Ischinger, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức, một trong những người chủ trì, cũng không thể cưỡng lại việc phản bác Mỹ, bằng cách nhắc nhở khán giả rằng Trung Quốc đang trong thời gian đương đầu với virus corona, và việc họ đang làm có ý nghĩa cho toàn thế giới.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc xứng đáng với lòng trắc ẩn, sự hợp tác, những lời ủng hộ và khuyến khích thay vì chỉ trích,” ông Wolfgang Ischinger được trích lời trên Foreign Policy.
Người Mỹ cần bớt giọng điệu rằng ‘ủng hộ Mỹ’ hay ‘chống lại Mỹ’. Như Reinhard Bütikofer, một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu từ đảng Xanh của Đức, nói với Foreign Policy, và rằng các quan chức ở Washington vẫn nói về Trung Quốc với châu Âu như thể châu Âu ‘không hiểu gì’. Họ càng làm vậy, người châu Âu càng ít lắng nghe, ông nói.
Trong khi đó, Nicolas Burns, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO và là nhà ngoại giao lâu năm, hiện là giáo sư tại Trường Harvard Kennedy thì phát biểu rằng: “Bạn cần phải tìm ra khi nào bạn cần hợp tác với [Trung Quốc] và khi nào bạn cần cạnh tranh.”
Hệ quả từ ‘bất đồng ngôn ngữ’
Thực ra châu Âu và Hoa Kỳ cũng đồng ý với nhau về những điều họ không thích trong sự phát triển của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Những việc này gồm việc thị trường Trung Quốc chưa mở cửa cho đầu tư nước ngoài theo cách mà ông Tập đã hứa hơn ba năm trước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Nó bao gồm sự xuất hiện của một hệ thống giám sát độc tài đang được xuất khẩu sang các nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và hơn thế nữa. Nó bao gồm việc giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo ở khu vực phía tây Tân Cương. Và nó bao gồm các chiến thuật hăm dọa của Trung Quốc tại Hong Kong, Đài Loan và các nơi khác.
Họ cũng đồng ý về sự cần thiết phải đẩy lùi những hành động này. Cả hai bên đã phản ứng trước một loạt các vụ thâu tóm của Trung Quốc bằng cách đưa ra những hạn chế khó khăn hơn đối với đầu tư của Trung Quốc. Cả hai đã lên án hành động của Trung Quốc tại Tân Cương.
Cái mà họ không đồng ý là cách định nghĩa sự cạnh tranh này. Và cuối cùng, điều này sẽ rất quan trọng nếu cả Mỹ và châu Âu vượt lên trên sự hợp tác lỏng lẻo đang tồn tại hiện nay vớiTrung Quốc – bao gồm sự hợp tác trong khối NATO – và phát triển chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương.
Nhưng sự bất đồng giữa Mỹ và châu Âu khiến kỳ vọng về việc các bên có thể bàn thảo để tiến tới xây dựng một nghị trình xuyên Đại Tây Dương để đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thêm khó khăn, gần như không thể, Foreign Policy nhận định.
Ngoài ra, cũng cần một nỗ lực mới, đoàn kết hơn từ châu Âu để xây dựng một chính sách chung, mạch lạc và vững chắc đối với Trung Quốc. Và Đức hiện bị coi là nước chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Bất đầu từ việc Thủ tướng Đức Angela Merkel miễn cưỡng phản đối hoặc chọc giận Bắc Kinh, một cách tiếp cận đã thúc đẩy chính sách mở cửa của bà đối với Huawei và khiến chính phủ của bà đổ vỡ với Anh, Pháp và các nước Âu khác vào tháng trước. Bà cũng từ chối chúc mừng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khi bà này tái đắc cử.
Bà Merkel có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Leipzig vào tháng 9, nơi quy tụ ông Tập Cận Bình và tất cả 27 nhà lãnh đạo EU. Bà đang thúc đẩy Trung Quốc giành được thỏa thuận đầu tư toàn diện với EU và đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế ở châu Phi. Nhưng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đang diễn ra chậm chạp, và virus corona có thể sẽ làm khiến kết quả không như kỳ vọng.
Có ý kiến lo ngại rằng nếu Đức không cẩn thận, hội nghị này có thể hủy hoại, thay vì củng cố, sự hợp nhất củu châu Âu trong vấn đề Trung Quốc. Và rằng hội nghị này không được phép biến thành cơ hội để Tập Cận Bình khuyếch trương hình ảnh bản thân hai tháng trước kỳ bầu cử Mỹ.
Cho đến khi châu Âu có được được chính sách trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng châu Âu sẽ khó đạt được nhiều tiến bộ với Hoa Kỳ.
Bản thân ông Macron đã thử hai lần thuyết phục ông Trump hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu về vấn đề Trung Quốc, nhưng đều bị từ chối.
Nhưng nếu châu Âu phải phát triển một chiến lược hợp tác chặt chẽ hơn để đạt được chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương, thì Washington vẫn phải tìm cách nói năng một cách đáng tin cậy hơn, và với một giọng điệu khác với các đồng minh châu Âu, Foreign Policy bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51655071

‘Virus không quan tâm đến biên giới’ –

Khắp nơi trên thế giới tăng cường

các biện pháp ngăn COVID-19

Hải Lam
Trước diễn biến của COVID-19, Ả Rập Xê Út đã đóng cửa biên giới, tạm ngừng các hoạt động hành hương của người Hồi Giáo đến từ các vùng dịch bệnh, Hàn Quốc đã tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy định kiểm dịch và hàng loạt sân bay trên khắp châu Mỹ Latinh kiểm tra y tế với các hành khách.
Với số ca nhiễm bệnh và tử vong trên thế giới không ngừng tăng lên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã vượt qua lĩnh vực ngoại giao và chính trị, mối lo ngại sắp biến thành sự hoảng loạn ở nhiều nơi, như thể là không phần nào của thế giới có thể tránh được dịch bệnh.
“Virus không quan tâm đến biên giới”, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói. Nước này hiện là ổ dịch lớn nhất châu Âu và nhiều thị trấn đã bị phong tỏa.
Với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus corona, các nhà lãnh đạo trên thế giới dường như sẵn sàng thử bất cứ biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như nền kinh tế nước nhà.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi tạm thời đóng cửa các trường học trên cả nước đóng cửa đến cuối tháng 3, quyết định này có thể ảnh hưởng đến 12,8 triệu học sinh.
“Điều quan trọng bây giờ là ngăn chặn dịch bệnh. Vì thế, không có nhiều lựa chọn”, Norinobu Sawada, phó hiệu trưởng trường tiểu học Koizumi nói.
Ngoài ra, hai khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Disney tại Tokyo là Disneyland và DisneySea sẽ đóng cửa trong khoảng 2 tuần, từ 29/2 – 15/3. Nhà điều hành 2 khu du lịch nổi tiếng này, Công ty Oriental Land hôm nay cho biết họ hy vọng sẽ có thể tiếp tục hoạt động từ ngày 16/3.
Còn ở Hàn Quốc, đất nước có số người nhiễm COVID-19 lớn thứ hai thế giới với 2.337 ca tính đến chiều 28/2, 4 chợ ở Busan đã đóng cửa, trong khi quân đội cử hàng trăm bác sĩ và binh lính tới hỗ trợ điều trị và kiểm dịch. Nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng BTS đã hủy hàng loạt các buổi diễn ở Seoul vào tháng 4.
Dịch COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và đã vượt khỏi châu Á và lan rộng ở châu Âu và Trung Đông, khiến nhiều chuyến bay bị hủy bỏ và biên giới được kiểm soát chặt chẽ.
Tại Iran, quốc gia đầu tiên ở Trung Đông xuất hiện COVID-19, các quan chức đã nới lỏng quy định, cho phép nhập khẩu các mặt hàng từ nước ngoài như khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác. Các tay cầm trên cao ở tàu điện ngầm Tehran đã được loại bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Peru cử các chuyên gia trực tại sân bay lớn nhất của nước cả ngày lẫn đêm, trong khi Argentina đo thân nhiệt của các hành khách và El Salvador cấm du khách đến từ Ý và Hàn Quốc.
Dù Ả Rập Xê Út chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào nhưng quốc gia này quyết định tạm ngừng các hoạt động hành hương của người Hồi Giáo và tạm thời không làm thủ tục nhập cảnh cho các công dân vùng vịnh di chuyển bằng thẻ căn cước. Ả Rập Xê Út cũng cấm du khách tới thăm nhà thờ Hồi giáo Nhà tiên tri (Prophet’s Mosque) ở Medina.
Ngoài ra, các nước còn thắt chặt các biện pháp trừng phạt nếu người dân vi phạm các quy định kiểm dịch. Singapore đã buộc tội một người từng ở Vũ Hán nhiễm virus cùng vợ của anh ta vì đã nói dối về nơi ở của họ. Tại Colombia, nơi chưa báo cáo bất kỳ ca nhiễm nào, nhưng các quan chức cảnh báo người dân rằng họ có thể phải ngồi tù tới 8 năm nếu vi phạm các biện pháp kiểm dịch. Ở Hàn Quốc, quốc hội đã thông qua luật giúp ngăn chặn dịch bệnh, tăng hình phạt với những người nghi nhiễm không chịu cách ly lên gấp ba lần mức phạt trước đó và có thể ngồi tù 1 năm.
Theo AP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-khong-quan-tam-den-bien-gioi-the-gioi-tang-cuong-cac-bien-phap-ngan-covid-19.html

Ý và Iran vẫn là điểm nóng dịch COVID-19

ở châu Âu và Trung Đông

Triệu Hằng
Worldometers thống kê, tính đến sáng nay (28/2), thế giới có 83.362 ca nhiễm, 2.858 người chết vì COVID-19.
Hàn Quốc ghi nhận 2.022 ca nhiễm, với 256 ca nhiễm mới.
Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 78.832 ca nhiễm, với 335 ca nhiễm mới, thêm 43 ca tử vong.
Ý và Iran vẫn là điểm nóng bùng phát dịch COVID-19 ở châu Âu và Trung Đông. Ý thêm 185 ca nhiễm, Iran thêm 106 ca nhiễm.
Tờ Businessinsider (27/2) thông tin đã có 44 hãng hàng không hủy các chuyến bay qua lãnh thổ Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại nCoV lan rộng khắp thế giới.
Tất cả các quốc gia cần chuẩn bị để chiến đấu với virus corona, Reuters (27/2) dẫn lời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Năm, khi các nhà chức trách đang khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và Phố Wall dường như đã chuẩn bị cho sự sụt giảm lớn nhất hàng tuần kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Dịch bệnh đã lây lan sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 quốc gia mới gồm Estonia, Hà Lan, Đan Mạch, San Marino, Nigeria.
Quốc gia/Vùng lãnh thổ: Số ca nhiễm / Số ca tử vong
Hàn Quốc: 2.022 / 13
Nhật Bản: 214 / 4
Tàu Dimond Princess: 705 / 4 (neo ở cảng Yokohama, Nhật Bản)
Italy: 655 / 0
Iran: 245 / 0
Singapore: 96 / 0
Hồng Kông: 92 / 2
Mỹ: 60 / 0
Đức: 49/ 0
Kuwait: 43 / 0
Thái Lan: 40 / 0
Pháp: 38 / 1
Bahrain: 33 / 0
Đài Loan: 32 / 1
Tây Ban Nha: 25 / 0
Úc: 23 / 0
Malaysia: 22 / 0
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất: 19 / 0
Việt Nam: 16 / 0
Anh Quốc: 16 / 0
Canada: 14 / 0
Ma Cao: 10 / 0
Thụy Sĩ: 8 / 0
Iraq: 7 / 0
Thụy Điển: 7 / 0
Oman: 6 / 0
Áo: 5 / 0
Na Uy: 4/ 0
Philippines: 3 / 1
Croatia: 3 / 0
Ấn Độ: 3 / 0
Hy Lạp: 3 / 0
Phần Lan: 2/ 0
Israel: 3 / 0
Lebanon: 3 / 0
Pakistan: 2 / 0
Nga: 2 / 0
Afghanistan: 1 / 0
Algeria: 1 / 0
Bỉ: 1 / 0
Brazil: 1 / 0
Campuchia: 1 / 0
Ai Cập: 1 / 0
Estonia: 1 / 0
Georgia: 1 / 0
Lithuania: 1 / 0
North Macedonia: 1 / 0
Nepal: 1/ 0
Hà Lan: 1/ 1
Nigeria: 1/ 0
Romania: 1/ 0
San Marino: 1 / 0
Sri Lanka: 1 / 0.
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-va-iran-van-la-diem-nong-dich-covid-19-o-chau-au-va-trung-dong.html

Chuyên gia WHO nói ‘muốn được điều trị

tại Trung Quốc’ nếu nhiễm COVID-19

Băng Thanh
Theo Taiwan News, sau khi thị sát một số khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Tổ chức y tế Thế giới (WHO) hôm 25/2 đã
dành nhiều lời khen ngợi đến chính quyền Trung Quốc vì đã xử lý tốt dịch bệnh. Đồng thời, ông tuyên bố muốn được điều trị tại Trung Quốc nếu nhiễm bệnh, khiến báo giới ngạc nhiên vì phát biểu này.
Ông Aylward đã khen ngợi chính quyền Trung Quốc về những hành động “mạnh mẽ” trong việc giảm số lượng người nhiễm mới. Tuy nhiên, phần lớn sự “giảm” này được cho là do chính quyền Trung Quốc đã sửa đổi số liệu.
Theo các báo cáo rò rỉ từ Vũ Hán, việc giảm các ca nhiễm mới là kết quả của báo cáo không chính xác từ các bệnh viện. Trong một báo cáo của Fox News vào ngày 3/2, Gordon Chang, tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, cho rằng chính quyền nước này đã “không còn khả năng thu nhặt các thi thể” do quá nhiều người tử vong vì dịch bệnh.
Một nhân viên từ một nhà tang lễ ở Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh, tuyên bố số thi thể mà cô và đồng nghiệp phải vận chuyển và hỏa táng mỗi ngày cao gấp 4 đến 5 lần so với số lượng thông thường. Dựa trên lời cô nói, ước tính số thi thể trung bình hàng ngày nghi của người nhiễm virus tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán là 225, tương đương 4.725 thi thể trong khoảng thời gian từ 22/1 đến 12/2.
Có 8 nhà tang lễ tại Vũ Hán. Nếu lời của nhân viên nhà tang lễ là đúng, điều đó có nghĩa là có 1.628 người chết mỗi ngày trong thành phố Vũ Hán và tổng cộng đã có 34.200 ca tử vong từ 22/1 đến 12/2.
Ông Aylward còn cho biết chìa khóa cho “thành công” trong việc hạn chế dịch bệnh ở Trung Quốc là các khu vực khác nhau của nước này sử dụng vật tư y tế phù hợp nhằm tránh làm cạn kiệt tài nguyên của họ. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, vật tư y tế và giường bệnh tại Vũ Hán trong suốt đợt bùng phát.
Theo The Washington Post, WHO phải đối mặt nhiều chỉ trích về việc xử lý khủng hoảng dịch COVID-19. Đầu tháng này, các chuyên gia y tế chỉ trích tổ chức này vì tổng giám đốc WHO đã tạo ra cảm giác an toàn sai lầm khi khen ngợi chính quyền Trung Quốc trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dac-phai-vien-cua-who-noi-muon-duoc-dieu-tri-tai-trung-quoc-neu-nhiem-covid-19.html

Virus corona: Thêm 20 ca nhiễm mới,

Pháp lo ngại số trường hợp tiếp tục tăng

Mai Vân
Bộ trưởng Y Tế ngày 27/02/2020, Pháp đã có thêm 20 ca lây nhiễm virus corona, đưa tổng số người bị nhiễm tại Pháp lên đến 38 trường hợp. Điều đáng lo ngại là con số này còn có thể gia tăng, với nhiều ca nhiễm mới được phát hiện.
Trong cuộc họp báo thường nhật, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Veran xác nhận rằng số người nhiễm virus corona đã tăng thêm 20 trường hợp trong vòng 24 tiếng đồng hồ, làm cho tổng số người nhiễm virus này ở Pháp tăng gần gấp hai lần thành 38 trường hợp, trong đó có hai người đang trong tình trạng nguy kịch.
Tuy nhiên, bộ trưởng Pháp nói rõ là số lượng 38 ca lây nhiễm được xác nhận nói trên chỉ là thống kê tính đến lúc 19 giờ ngày 27/02, các cuộc điều tra vẫn tiếp diễn và con số tổng kết có thể thay đổi.
Trong số 38 ca lây nhiễm tại Pháp, đặc biệt có 4 trường hợp ở vùng Haute Savoie, miền đông, liên quan đến người Anh bị nhiễm virus ở Singapore trước khi đến Pháp, và nhóm 12 ca được phát hiện ở vùng Oise, phía bắc Paris, nơi những người từng tiếp xúc với 2 bệnh nhân đã được điều trị ở tỉnh Oise, một người đang nằm viện,và một người vừa qua đời đêm thứ Ba 25/2 rạng thứ Tư 26/2 sau khi được chuyển đến bệnh viện La Pitié-Salpêtrière, Paris.
Điều khiến giới y tế Pháp lo lắng là hiện vẫn chưa tìm được lý do bị nhiễm ở một số người chưa từng đi đến các vùng dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ưu tiên đặt ra là ngăn ngừa việc nhiễm virus lây lan, nhất là  trong học đường. Bộ trưởng giáo dục Jean-Michel Blanquer trên đài Europe 1 ngày 28/02/2020 cho biết có khoảng 2.000 học sinh chưa được trở lại trường sau kỳ nghỉ đông vì đã đi nghỉ tại một vùng bị nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, 364 sinh viên Học Viện Chính Trị Paris Sciences Po trở về từ những vùng đang bị dịch Covid-19 hoành hành như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hoặc miền bắc nước Ý…, đã phải cách ly ở nhà trong vòng 14 ngày kể từ thứ Hai 24/2 đầu tuần. Một hệ thống giảng dậy từ xa đã được thiết lập cho những sinh viên, học sinh này.
Trong một cuộc họp báo chiều hôm qua, thủ tướng Pháp Édouard Philippe khẳng định rằng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát nhưng khả năng dịch bệnh Covid-19 lan rộng hoàn toàn có thể xảy ra ở Pháp.
Tuy nhiên ông cũng trấn an là chính phủ đã chuẩn bị các biện pháp cần thiết nếu dịch bệnh bùng nổ như có đủ các cơ sở y tế đủ để tiếp nhận bệnh nhân, các lực lượng y tế sẵn sàng để cách ly và ngăn chặn đà lây lan.
Thủ tướng Pháp Philippe khuyến cáo mọi người là không có gì đáng lo sợ, và nên thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200228-covid-19-20-ca-nhi%E1%BB%85m-ph%C3%A1p-lo-ng%E1%BA%A1i

Virus corona :

“Cú đánh bất ngờ” vào ngành du lịch Pháp

Thùy Dương
Với gần 90 triệu du khách mỗi năm, Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, trước cả Tây Ban Nha (83 triệu) và Hoa Kỳ (80 triệu). Tuy nhiên, thu nhập của ngành du lịch Pháp từ nguồn khách quốc tế lại chỉ đạt 56 tỉ euro, thấp hơn so với Tây Ban Nha (60 tỉ) và Mỹ (196 tỉ). Từ vài năm nay, bộ Ngoại Giao Pháp – cơ quan quản lý ngành du lịch, đề ra chỉ tiêu thu hút mỗi năm 100 triệu du khách quốc tế và kích thích khách chi tiêu nhiều hơn nữa khi đi du lịch tại Pháp.
Để đạt được cả hai mục tiêu đó, người Trung Quốc là nhóm du khách mà ngành du lịch Pháp hướng đến, bởi trên thực tế, lượng khách Trung Quốc đến Pháp ngày càng tăng và đây cũng là nhóm « chi tiêu mạnh tay ». Nhiều trung tâm thương mại, khu mua sắm hàng hiệu cao cấp đã tuyển dụng nhân viên tư vấn, bán hàng nói được tiếng Hoa để thu hút khách Trung Quốc. Theo báo Le Monde ngày 12/02/2020, Atout France, cơ quan phát triển du lịch Pháp, đã có một chính sách đặc biệt để thu hút khách du lịch Trung Quốc, nhất là cho áp dụng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động, vốn rất quen thuộc với người Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của đài RFI Tiếng Việt, ông Jean-Pierre Mas, chủ tịch nghiệp đoàn Les entreprises du voyage (Các công ty du lịch), cho biết :
« Có hơn 2 triệu người Trung Quốc đến Pháp mỗi năm, chiếm 2-2,5% tổng số du khách nước ngoài đến Pháp. Khách Trung Quốc chiếm số đông nhất trong số du khách ngoài châu Âu, chỉ sau Mỹ. Như vậy là lượng khách Trung Quốc tại Pháp là khá lớn. Điều đáng lưu ý là dù chỉ chiếm 2-2,5% lượng khách quốc tế, nhưng du khách Trung Quốc mang lại tới 7% thu nhập cho ngành du lịch trên toàn nước Pháp. Điều này có nghĩa là khách du lịch Trung Quốc đến Pháp chi tiêu rất nhiều, họ chi tiêu hơn khách tới từ các nước khác rất nhiều ».
« Cú đánh đau » từ virus corona
Tuy nhiên, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (Covid-19) bùng lên tại Trung Quốc lại là một « đòn đau » giáng vào nền du lịch Pháp, hồi cuối tháng 01/2020, chính quyền Trung Quốc cấm các đoàn khách du lịch nước ngoài, các chuyến bay nối Trung Quốc với Pháp cũng bị hạn chế, lượng khách Trung Quốc đến Pháp và đặt phòng cho những tháng tới cũng giảm. Tuần báo L’Express ngày 07/02 cho biết mọi năm thường thì trong 6 tuần vào dịp Tết Nguyên Đán, nước Pháp thu được khoảng 200 triệu euro từ du khách Trung Quốc, cho dù đây là mùa thấp điểm. Chủ tịch nghiệp đoàn Les Entreprises du voyage, Jean-Pierre Mas, nhấn mạnh :
« Hiện nay, hầu như không còn có du khách Trung Quốc tại Pháp. Rất khó để đưa khách Trung Quốc đến Pháp. Hiện nay, chỉ còn rất ít tuyến hàng không nối với Trung Quốc, vì thế lượng khách Trung Quốc tại Pháp hầu như đã giảm xuống mức gần như bằng 0.
Có một điều chắc chắn là bây giờ chúng tôi không còn du khách Trung Quốc. Hiện nay, tại Trung Quốc, du khách không đặt vé đi du lịch ở Pháp vào mùa xuân và mùa hè nữa, có nghĩa là họ sẽ không đến Pháp vào mùa xuân và mùa hè, tùy vào việc dịch bệnh do virus corona gây ra kéo dài cho đến khi nào. Chúng tôi dự đoán số khách Trung Quốc đến Pháp sẽ giảm 1/3, tương đương với khoảng 1 triệu khách trong vòng nửa năm và 2 tỉ euro doanh thu bởi vì, khách du lịch Trung Quốc tiêu đến 4 tỉ euro/năm.
Đối với khách du lịch Trung Quốc, đây đang là mùa du lịch thấp điểm. Đây không phải là mùa họ thích đi thăm Pháp và châu Âu. Trái lại, hiện nay, thường thì họ đăng ký cho mùa cao điểm. Mùa cao điểm bắt đầu từ tháng Tư và kéo dài đến tháng Mười. Việc khách Trung Quốc hiện nay không đặt vé đi Pháp có ảnh hưởng đến lượng du khách Trung Quốc tại Pháp trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Mười, tức là tác động đến mùa cao điểm.
Tỉ lệ hủy chuyến, hủy phòng vào giai đoạn này hiện giờ rất là cao. Cũng có nhiều người hủy chuyến đi đã đăng ký cho các tháng 4-5-6, nhưng số này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện tại. Nếu còn lâu mới đến ngày đi du lịch, thì tỉ lệ hủy chuyến vẫn thấp. Nếu ngày đi đã gần đến, thì tỉ lệ hủy chuyến lại rất cao, bởi vì chẳng hạn đối với các chuyến du lịch vào tháng Ba sắp tới, khách Trung Quốc đến Pháp sợ nếu hủy chuyến muộn thì bị trừ tiền phòng hoặc không thể được đi, nên họ đã nhanh chóng hủy các chuyến đi dự kiến vào tháng Ba ».
Những vị khách « hầu bao rủng rỉnh »
Vắng nguồn khách Trung Quốc, thiệt hại của ngành du lịch Pháp chắc chắn sẽ rất lớn, bởi khách Trung Quốc vốn nổi tiếng là nhóm du khách “chịu chơi” nhất khi đi du lịch. Năm 2018, ngành du lịch Pháp thu được 4 tỉ euro từ du khách Trung Quốc (trên tổng số 56 tỉ euro). Chủ tịch nghiệp đoàn Les entreprises du voyage giải thích thêm :
« Du khách Trung Quốc chỉ lưu lại Pháp ít ngày. Trong chuyến thăm Pháp lần đầu tiên, họ chỉ ở khoảng 4 ngày. Họ có chuyến đi tham quan châu Âu trong khoảng 2 tuần. Rồi sau đó, khi họ trở lại Pháp, họ thường lưu lại lâu hơn và tiêu hết khoảng gần 2.000 euro/chuyến đi. Đây là mức chi tiêu rất cao so với du khách tới từ các nước khác. Họ chi tiêu như thế nào ?
Trước hết, đó là khoản chi thuê phòng khách sạn, nhà trọ, rồi đến khoản chi tiêu trong các khu mua sắm. Một số khu mua sắm còn đặc biệt tuyển nhân viên nói tiếng Hoa để phục vụ khách Trung Quốc. Và cuối cùng, họ tiêu khá nhiều tiền vào hàng hiệu cao cấp trên đại lộ Champs-Elysées, quảng trường Vendôme và các khu mua sắm xa xỉ tại Paris. Trong chuyến du lịch đầu tiên tại Pháp, khách Trung Quốc chủ yếu đi thăm vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Vì thế, việc du khách Trung Quốc không còn đến Pháp gây ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng Paris ».
Paris và vùng phụ cận thu hút tới 80-90% du khách Trung Quốc tại Pháp. Báo Le Monde trích dẫn ông Jean-Virgile Crance, chủ tịch GNC, Hiệp hội các chuỗi khách sạn tại Pháp, cho biết tỉ lệ hủy phòng của khách Trung Quốc đi theo đoàn trong tháng 01 và tháng 02/2020 lần lượt đã lên tới 80% và gần 100%. Tỉ lệ hủy phòng của khách đi riêng lẻ là 20% và tỉ lệ lùi chuyến là 25%. Đối với các khách sạn hạng sang tại Paris, trong khi tỉ lệ khách Trung Quốc hủy phòng tăng 20%, thì lượng khách Trung Quốc đặt phòng lại giảm tới 25%.
Còn báo Le Parisien ngày 13/02 dẫn lời ông Jean-Marc Banquet d’Orx, đại diện Liên đoàn các ngành nghề công nghiệp khách sạn, cho biết, tùy từng ngày, tỉ lệ khách Trung Quốc hủy phòng khách sạn là 20-30%, có những khách sạn chỉ trong một ngày mất 2-3 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 30 người. Những khách sạn lớn nằm ở ngoại ô Paris, vốn thường hay đón những đoàn khách Trung Quốc đông người, là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tại Paris còn coi dịch bệnh corona là « đòn đánh » thứ 3 mà ngành du lịch phải gánh chịu, sau nạn Áo Vàng 2018 và đình công 2019. Nhưng tác động từ virus corona nghiêm trọng như thế nào so với Áo Vàng và phong trào đình công ? Chủ tịch Nghiệp đoàn Les entreprises du voyage nhận định : « Việc so sánh tác động của phong trào đình công, dịch bệnh virus corona và phong trào Áo Vàng là vô cùng khó. Phong trào Áo Vàng chủ yếu tác động đến các hoạt động du lịch ở Paris và các thành phố lớn, nhưng ngành du lịch ở những nơi còn lại ở Pháp thì bị ảnh hưởng ít hơn.
Phong trào đình công, cũng như phong trào Áo Vàng, khiến người nước ngoài nghĩ rằng Pháp là một nước mất trật tự, thậm chí là đầy bạo lực. Điều này không tốt cho hình ảnh của nước Pháp, nhưng hiện nay, điều khiến lượng khách sụt giảm mạnh nhất chính là virus corona, nhất là đối với du khách Trung Quốc, có thể là với cả khách tới từ vài nước châu Á khác nữa, nhưng thường thì Trung Quốc mới là nước châu Á có đông khách du lịch đến thăm nước Pháp nhất ».
Chính sách giữ khách, hút khách Trung Quốc
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại, nhưng để « giữ khách » cho sau này – những vị khách Trung Quốc giàu có, lãnh đạo hiệp hội quốc gia các chuỗi khách sạn GNC đã yêu cầu các khách sạn thành viên nới lỏng các điều kiện thương mại, không đánh phí nếu trong tháng 02/2020 khách Trung Quốc hủy chuyến hoặc lùi chuyến. Còn Umih, Liên đoàn các ngành nghề công nghiệp khách sạn Pháp, cho biết trên báo Le Parisien ngày 13/02 là hồi đầu tháng họ đã nhận được văn bản chính thức từ nhà chức trách Trung Quốc. Bắc Kinh đề nghị các khách sạn không trừ tiền của du khách Trung Quốc nếu họ hủy phòng, kể cả dưới 48 tiếng trước khi đến ngày nhận phòng. Để giữ khách hàng Trung Quốc, các khách sạn buộc cố gắng hết sức đáp ứng yêu cầu nói trên, đồng thời có các chương trình khuyến mãi để thu hút thêm khách Trung Quốc quay trở lại sau khi hết dịch Covid-19.
Giờ đây, khi các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, công trình kiến trúc lịch sử … hầu như đều vắng bóng du khách Trung Quốc, ngành du lịch Pháp chỉ còn biết trông chờ những ngày đẹp trời sẽ sớm quay lại, virus corona sẽ biến mất để những du khách Trung Quốc lại « tái xuất».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200228-%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8B%E2%80%8Bvirus-corona-v%C3%A0-c%C3%BA-%C4%91%C3%A1nh-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-v%C3%A0o-ng%C3%A0nh-du-l%E1%BB%8Bch-ph%C3%A1p

Virus corona: Pháp và Ý kêu gọi đoàn kết chống dịch

Trọng Thành
Dịch Virus corona (Covid-19) bùng lên tại nhiều vùng ở nước Ý những ngày gần đây, trong khi ở Pháp, nhiều người lo dịch bệnh từ Ý tràn qua. Tại thượng đỉnh Pháp – Ý lần thứ 35, hôm 27/02/2020 ở Napoli, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Giuseppe Conte, khẳng định hai nước chung sức đối mặt với dịch bệnh.
Lãnh đạo Pháp, Ý đặc biệt nhấn mạnh đến sự đoàn kết và vai trò quan trọng của châu Âu.
Đặc phái viên Juliette Gheerbrant tường trình từ Napoli:
« Tại Ý cũng như Pháp, tình hình y tế hiện nay gây nhiều tranh luận, chính quyền liên tiếp bị chỉ trích. Ở thủ đô nước Ý, nhiều ý kiến sôi sục lên án chính phủ, phe đối lập – nhất là đảng Liên Đoàn – đòi thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia để đối mặt với các hậu quả của dịch bệnh.
Thủ tướng Ý cố gắng lập lại trật tự: Hiển nhiên là khi có tranh luận trong xã hội, sẽ có những người nói năng bạt mạng. Về phần mình, chúng tôi có nghĩa vụ, trách nhiệm duy trì sự đoàn kết của chính phủ, để bảo vệ sự đoàn kết quốc gia.
Ông Giuseppe Conte khẳng định chính phủ Ý đã tuân thủ các khuyến cáo khoa học, đồng thời nhắc lại là cuộc khủng hoảng hiện nay, về y tế và kinh tế, không chỉ giới hạn trong nước Ý.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: Các nước chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với tình hình hiện nay. Và cần phải đối phó dịch bệnh trong tinh thần bình tĩnh và có tổ chức, tuân thủ các khuyến cáo được giới y tế và các cơ quan chức năng đưa ra.
Tổng thống Pháp cũng nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu đã huy động nhiều nguồn lực về tài chính và phương tiện, và sẽ tiếp tục làm như vậy. Đáp lại lời kêu gọi của bà Marine Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) Pháp yêu cầu đóng cửa biên giới, nguyên thủ Pháp trả lời: Về vấn đề này, cần phải có ý kiến của giới khoa học. Điểm cần lưu ý là virus có lẽ sẽ không dừng chân ở biên giới.
Đối với các lãnh đạo Pháp – Ý, cuộc thượng đỉnh lần thứ 35 này đánh dấu cho sự khởi sắc trở lại của quan hệ đồng minh vững bền giữa hai nước ».
Thêm một số nước lần đầu tiên có người nhiễm virus
Ngoài số khoảng 40 quốc gia có người nhiễm virus corona mới được ghi nhận, hôm nay, 28/02/2020, dịch lan đến một số nước khác, theo số liệu chính thức. Lần đầu tiên xuất hiện một trường hợp nhiễm virus tại khu vực phía nam sa mạc Sahara (ở Nigeria). Người bị nhiễm là một người đàn ông Ý làm việc tại Nigeria, từ Milan (Ý), trở về từ ngày 25/02. Người nhiễm virus này không có các triệu chứng đáng lo ngại.
Litva cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus : một phụ nữ trở về từ một thành phố miền bắc nước Ý, ngày 24/02. Bệnh nhân nói trên cũng chỉ có các triệu chứng bệnh lý nhẹ.
Belarus và New Zealand ghi nhận hai người bị nhiễm virus, đều đến hoặc trở về từ Iran, một điểm nóng khác của dịch virus corona. Sinh viên Iran tại Belarus không có biểu hiện bệnh lý đáng ngại. Sức khỏe của công dân New Zealand trạc 60 tuổi trở về từ Iran cũng đã được cải thiện.
WHO : Thế giới ”đang ở thời điểm quyết định”
Tình hình diễn biến dịch bệnh dường như hoàn toàn đảo ngược, so với cách nay ít tuần, khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế (30/01), khi Trung Quốc là tâm dịch. Hôm nay, số người mắc virus mới trong ngày, bên ngoài Trung Quốc cao hơn người người nhiễm tại Hoa lục, theo các số liệu thống kê chính thức.
Hôm qua, trong cuộc họp báo hàng ngày, như thường lệ lãnh đạo WHO, ông Tedros Ghrebeyesus, một lần nữa nhấn mạnh là thế giới chưa sẵn sàng phòng chống dịch Covid-19. Ông lên tiếng kêu gọi có các biện pháp phù hợp để đối phó. Tổng giám đốc WHO cảnh báo các nước chưa có người nhiễm virus không chủ quan. Ông nêu rõ bốn kịch bản, từ nhẹ đến nặng, mà các quốc gia cần chuẩn bị để sẵn sàng
lần lượt đối phó : ”xuất hiện các ca nhiễm virus đầu tiên, xuất hiện các ổ dịch đầu tiên, các trường hợp lan rộng trong cộng đồng đầu tiên, và việc lây nhiễm diễn ra kéo dài”.
Xác định sớm những người nhiễm. Cách ly. Tìm ra những người tiếp xúc với họ. Chăm sóc người bệnh, người nhiễm virus. Bảo vệ các nhân viên y tế’‘. Trên đây là các biện pháp cần được thực hiện khẩn cấp. Cho dù xuất hiện một số trường hợp người mang virus, ”không mang triệu chứng”, gây lo sợ là dịch có thể truyền đi dễ dàng ngoài tầm kiểm soát, WHO cũng lưu ý là trong đến 90% các trường hợp, người nhiễm virus có biểu hiện sốt, 70% có triệu chứng đau họng.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200228-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-covid-19-ph%C3%A1p-%C3%BD-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt

Tổng thống Putin cảm kích khi Mỹ cứu nguy giúp Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (20/2) đã ca ngợi FBI về việc đã chia sẻ thông tin giúp Nga phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở St. Petersburg trong dịp năm mới.
Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Tổng thống Putin đã nói rằng, “chúng ta rất biết ơn các đối tác của mình về sự giúp đỡ cũng như là tình đoàn kết chuyên nghiệp của họ trong cuộc chiến chống mối đe dọa chung”.
Ông Putin khẳng định “chúng ta chắc chắn sẽ đền đáp họ”.
Các lực lượng an ninh Nga hồi cuối tháng 12 năm ngoái đã phá tan một âm mưu tấn công khủng bố vào năm mới 2020 nhằm vào thành phố St.Petersburg. Thành công này của Nga nhờ vào sự giúp đỡ đặc biệt quý giá từ cơ quan tình báo của Mỹ.
Hai kẻ tấn công khủng bố đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào thành phố St. Petersburg của Nga trong dịp lễ năm mới 2020. Tuy nhiên, chúng đã bị các lực lượng an ninh Nga bắt giữ kịp thời. Vụ bắt giữ của Nga đã được thực hiện nhờ vào sự mách nước từ các cơ quan tình báo của Mỹ.
Tổng thống Putin ngay sau đó đã gọi điện để cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng 12 năm 2017, ông Putin cũng đã cảm ơn người đồng cấp Trump về việc CIA cung cấp thông tin giúp Moscow phá vỡ âm mưu thực hiện một loạt vụ đánh bom của lực lượng khủng bố ở St. Petersburg.
Vụ việc mới nhất nói trên được xem là một tín hiệu vui trong quan hệ vốn đang gặp nhiều sóng gió giữa Nga và Mỹ. Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt mâu thuẫn, bất đồng khó hóa giải.
Nga và Mỹ vốn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước đang đối đầu nhau gay gắt vì một loạt vấn đề như khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vấn đề tấn công mạng, lá chắn tên lửa… Những cuộc đối đầu này đã đẩy hai cường quốc hàng đầu thế giới vào một “cuộc chiến trừng phạt” bế tắc và nguy cơ xung đột vũ trang cũng dần dần tăng lên.
Mới đây, Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Diễn biến này đẩy căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ leo thang trong những ngày qua.
Đề cập đến vụ việc trên, Tổng thống Putin đã bày tỏ với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton rằng, Nga đôi khi ngạc nhiên trước những động thái mà Washington thực hiện nhằm vào Moscow mà không hề bị khiêu khích.
Giới chức Nga hiện tại rất lo ngại viễn cảnh việc Mỹ rút ra khỏi INF sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Moscow đã đưa ra lời cảnh báo về việc hành động của Mỹ mang tính nguy hiểm, có thể gây hại cho an ninh toàn cầu. Cộng đồng quốc tế cũng lo ngại về quyết định của ông Trump bởi nó có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và nguy hiểm.
Trong tình thế như vậy, Tổng thống Putin nhiều lần thể hiện mong muốn gặp người đồng cấp Trump để có thể có hy vọng tháo gỡ tình hình đáng lo ngại hiện nay.
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump vốn có cái nhìn khá tích cực về nhau. Cả hai ông đều có nhiều phát biểu nói tốt về nhau. Khi ông Donald Trump lên cầm quyền, nhiều người đã hy vọng vào một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, đến nay quan hệ Nga-Mỹ vẫn không có chút cải thiện nào và Tổng thống Putin tin rằng, ông Trump có thiện chí phát triển quan hệ với Nga nhưng bị cản
trở mạnh mẽ bởi thế lực chống Nga hùng hậu trong chính quyền Mỹ. Vì vậy, cho đến nay, quan hệ Nga-Mỹ vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào nếu không nói là tiếp tục xấu đi.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33233-tong-thong-putin-cam-kich-khi-my-cuu-nguy-giup-nga.html

Lãnh đạo Nga, Thổ

đồng ý tìm biện pháp giảm căng thẳng Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhất trí với nhau trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu 28/2 rằng cần phải đưa ra các biện pháp mới để giảm căng thẳng và bình thường hóa tình hình ở tây bắc Syria, Điện Kremlin nói.
Tóm tắt về cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết hai ông Putin và Erdogan đã đồng ý tổ chức một cuộc họp cấp cao nhất để giải quyết tình hình ở tỉnh Idlib của Syria. Hai tổng thống nói rằng đây là vấn đề “vô cùng đáng quan ngại”.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc tấn công hôm 27/2 của lực lượng chính phủ Syria ở vùng Idlib, thuộc miền tây bắc của Syria.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nga-tho-dong-y-can-bien-phap-moi-de-giam-cang-thang-o-syria/5308453.html

Tỉnh Idleb – Syria: 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng,

 Ankara ồ ạt phản công

Trọng Thành
Ít nhất 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại tỉnh Idleb, miền tây bắc Syria hôm 27/02/2020. Theo Ankara, thủ phạm là không quân Syria. Đây là một trong các tổn thất nặng nề chưa từng có mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu trong những thập niên gần đây. Ankara tuyên bố đã phản công mạnh để trả đũa.
Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương họp khẩn ngày 28/02/2020, theo yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu lo ngại « đụng độ quân sự quốc tế trên quy mô lớn ». Lãnh đạo ngoại giao châu Âu kêu gọi khẩn cấp chấm dứt tình trạng « leo thang quân sự » hiện nay. Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :
« Theo chính quyền Hatay, tỉnh giáp biên với Idleb, nơi nhiều người bị thương đang được chăm sóc, thì không quân Syria đã tấn công các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Baluon, một địa điểm nằm ở phía tây nam của Saraqeb, một thị xã mà quân nổi dậy Syria – được Ankara hậu thuẫn – vừa chiếm lại trước đó từ tay Damas. Cho đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chính thức tố cáo các lực lượng của chế độ Damas (mà không nhắm vào Nga).
Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã trả đũa trực tiếp và mạnh mẽ. Theo người phụ trách bộ phận truyền thông của phủ tổng thống, toàn bộ các vị trí của Damas, được phát hiện, đã chìm dưới hỏa lực của các đơn vị lục quân và không quân của chúng ta.
Về phần mình, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã họp trong vòng hơn 6 giờ, với Hội đồng an ninh bất thường, để đưa ra quyết định, đặc biệt về việc tiếp tục các chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Idleb, nơi hàng nghìn binh sĩ được triển khai từ đầu tháng đến nay, nhưng không được không quân hậu thuẫn.
Ankara kêu gọi NATO có các hỗ trợ cụ thể, và một lần nữa đưa ra mối đe dọa di cư. Sau cuộc tấn công này, các nguồn tin chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không ngăn cản người tị nạn chạy sang châu Âu bằng đường bộ hay đường biển. Đây là một phương tiện để gây áp lực nhằm buộc phương Tây hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chế độ Damas – cùng đồng minh Nga – tại tỉnh Idleb ».
Nga trấn an Thổ Nhĩ Kỳ
Nga cũng tỏ ra lo ngại về chiến sự leo thang tại Idleb. Hôm nay, tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc điện đàm về tình hình tại Idleb. Phủ tổng thống Nga ra thông cáo cho biết lãnh đạo hai nước rất quan ngại về căng thẳng leo thang tại tỉnh tây bắc Syria, khiến ít nhất 33 quân
nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, đồng thời nhấn mạnh đến việc ”cải thiện hiệu quả” của các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước, và sẽ có ”các biện pháp bổ sung” để bình ổn tình hình.
Trước đó, trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã gửi lời chia buồn đến Thổ Nhĩ Kỳ, và bày tỏ mong muốn tránh ”các thảm kịch như vậy” tái diễn. Lãnh đạo ngoại giao Nga nhấn mạnh là Matxcơva ”làm tất cả để bảo đảm an toàn cho các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ”, triển khai tại Syria.
Trong tháng 2 này, tổng cộng có ít nhất 53 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idleb. Cộng đồng quốc tế lo ngại một thảm họa nhân đạo tại Idleb : Gần một triệu người dân chạy, trốn chiến tranh, đang bị kẹt lại tại một dải đất hẹp ở tỉnh này, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi xung đột tại Syria bùng nổ, năm 2011 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200228-idlib-syria-33-binh-s%C4%A9-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-thi%E1%BB%87t-m%E1%BA%A1ng

Syria: Bachar tấn chiếm Idleb,

trục Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ tan vỡ?

Minh Anh
Tuần trăng mật giữa Nga và Thổ phải chăng đang lâm nguy? Từ nhiều tuần qua, chiến sự bùng lên dữ dội giữa quân đội trung thành với chế độ Damas và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng tỉnh biên giới Idleb, khiến gần một triệu thường dân phải bỏ nhà cửa chạy sơ tán. Giới quan sát lo ngại những mục tiêu trái ngược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria dẫn đến một thảm kịch nhân đạo lớn chưa từng có.
Vùng Idlib hay còn gọi là Idleb, nằm ở phía tây bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1,5 triệu dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, đặc biệt là trồng cây ô liu. Năm 2015, tổng thống Syria, Bachar al-Assad từng tuyên bố: “Idleb sẽ là mồ chôn phiến quân”. Lời đe dọa này giờ có nguy cơ biến thành hiện thực. Từ tháng 12/2019, chế độ Damas mở các đợt tấn công nhắm vào Idleb, ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy chống chính quyền Bachar al-Assad.
Khu vực trước đây nổi tiếng yên bình giờ biến thành nơi tập trung nhiều nhóm nổi dậy chống chế độ cũng như các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan có tuyên thệ trung thành với Al Qaida. Theo nhật báo Công giáo La Croix, trước đà tiến quân của chế độ Damas, khoảng 3-4 triệu thường dân và chiến binh đang bị vây hãm và không có lối thoát nào nữa bởi vì không còn một khu vực nổi dậy nào khác để tiếp nhận họ. Idleb là thành trì thánh chiến cuối cùng, và Bachar al-Assad muốn thâu tóm lại toàn bộ lãnh thổ.
Chuyện gì xảy ra ở Idleb?
Điều trớ trêu là trong khuôn khổ “tiến trình Astana” do ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất, một thỏa thuận đã được Matxcơva và Ankara ký kết tại Sotchi năm 2018 nhằm giải quyết tạm thời cuộc xung đột ở Syria. Theo đó, nhiều “vùng giảm căng thẳng” được thành lập, trong đó có Idleb.
Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ được phép lập 12 chốt quan sát và triển khai quân. Và cho đến đầu tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra tương đối im lặng trước đà tiến quân của Damas dù rằng vẫn lên tiếng lấy làm tiếc rằng Nga “không tuân thủ” thỏa thuận được ký kết giữa hai nước.
Tuy nhiên, tình hình bỗng nhiên có những diễn biến bất ngờ. Ngày 03/2, quân đội Syria nã pháo vào các chốt gác của Thổ Nhĩ Kỳ làm 7 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Thổ đáp trả bằng pháo giết chết 13 quân nhân Syria. Kể từ hôm đó đến nay, các cuộc va chạm giữa hai bên tiếp tục xảy ra. Trong một diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một đợt oanh kích dữ dội trong đêm thứ Năm 27 rạng sáng thứ Sáu 28/2 nhắm vào các vị trí của Damas tại Idleb sau vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong một cuộc đọ súng hôm trước. Đây cũng là đợt thiệt hại nhân mạng nhiều nhất của phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai tuần qua, nâng tổng số binh lính bị thiệt mạng lên đến hơn 40 người.
Vì sao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu quân sự ở Idleb?
Rõ ràng các cuộc tấn công quân sự của Damas tại Idleb đã làm tan vỡ thỏa thuận Sotchi và có nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu giữa quân sự Nga và Thổ. Vì sao như thế? Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đó là vì giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những mục tiêu khác biệt tại Syria.
Nước Nga của ông Putin thì muốn tái chinh phục vị thế trung tâm ở Cận Đông bằng mọi giá, nên ủng hộ vô điều kiện chế độ Syria, vốn muốn chiếm lại vùng Idleb, thành trì cuối cùng của quân thánh chiến, nhằm có thể tuyên bố là đã thắng cuộc nội chiến kéo dài từ chín năm qua. Hơn nữa, phía Nga cũng cho rằng không chấp nhận khu vực này được dùng để làm nơi trú ẩn của quân khủng bố thánh chiến. Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov hôm thứ Ba, 25/2 tuyên bố thẳng thừng đó có thể sẽ là “một sự đầu hàng trước quân khủng bố”.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không ủng hộ chế độ Assad và hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Damas, lao vào Syria còn nhằm mục tiêu triệt hạ các lực lượng người Kurdistan, một mối họa hiện sinh bởi sự liên hệ của phe này với những người đòi ly khai Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Ankara quan ngại chiến sự ở Idleb sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn mới. Gần một triệu người dân đã bỏ chạy khỏi khu vực kể từ khi Damas mở chiến dịch tấn công, trong khi mà hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria trong những điều kiện ngày càng khó khăn hơn.
Theo một thăm dò mới nhất, cứ 5 người Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi có 4 người muốn trả số người tị nạn này về nước. Ankara tuy hy vọng rằng có thể từ từ hay cưỡng bức tái định cư số người tị nạn này ở vùng phía bắc Syria nhưng chỉ mới chiếm được 1/3 diện tích vùng lãnh thổ mong muốn.
Đâu là điểm cốt lõi căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ?
Chỉ có điều trong cuộc đọ sức này, quân đội Thổ ở trong thế yếu. Chế độ Damas nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga tiến như vũ bão và oanh kích vào các điểm được cho là có quân thánh chiến không phân biệt thường dân. Việc không quân Nga được quyền kiểm soát không phận Syria đã đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thế bị động, theo như phân tích của bà Agnès Levallois, chuyên gia về Trung Đông và Địa Trung Hải, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược với đài RFI.
Trên địa bàn, Nga đương nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Chính điều này đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng bởi vì chúng ta thấy rõ trong các cuộc đối đầu mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất rất nhiều binh sĩ, đây là điều mà tổng thống Erdogan khó có thể chấp nhận và ông không muốn là việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lao vào địa bàn Syria dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng như thế.
Trong mối tương quan lực lượng này, Nga dĩ nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì Nga đang kiểm soát không phận Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có ở mặt đất. Do vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có một phạm vi hoạt động rất hạn hẹp ngay cả trên phương diện quân sự. Bởi vì trong một cuộc xung đột, ai làm chủ không phận thì thống trị mặt trận.
Điều này giải thích vì sao căng thẳng xảy ra. Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ Assad và trong khuôn khổ thỏa thuận ký kết năm 2018, Nga chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm gì hạn chế hay tiêu diệt ảnh hưởng của quân thánh chiến ngay trong lòng vùng Idleb. Matxcơva cho rằng phần này của thỏa thuận đã không được Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng”.
Tuần trăng mặt Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã qua?
Căng thẳng này bùng phát trong bối cảnh Matxcơva và Ankara thời gian gần đây tỏ nhiều cử chỉ thân thiện kể từ sau sự cố quân sự năm 2015. Quan hệ hai bên được sưởi ấm còn thể hiện rõ qua việc chính quyền Erdogan mua tên lửa S-400 của Nga bất chấp các khuyên can của các nước thành viên trong khối NATO và Mỹ. Hay như việc cả hai nguyên thủ cùng có mặt làm lễ khánh thành hoành tráng đường ống dẫn khí đốt TurkStream đi từ Nga đến châu Âu qua ngả Hắc Hải.
Theo Les Echos, những sự kiện này đã không che giấu được một sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Cuộc chiến tại Syria gợi nhắc lại các cuộc đọ sức giữa đế chế Sa hoàng và Ottoman năm 1853, 1877 rồi Đệ Nhất Thế Chiến nhằm giành quyền ảnh hưởng tại vùng Trung Đông giàu dầu hỏa, vùng Balkan và nhất là vùng Hắc Hải. Đây chính là cửa ngỏ duy nhất cho phép Nga, cường quốc hải quân đi vào vùng biển nước ấm Địa Trung Hải.
Chỉ có điều, như ngạn ngữ có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Trong cuộc đối đầu này, người dân Syria là những nạn nhân đầu tiên. Tính từ đầu cuộc chiến Syria đến nay, gần 500.000 người chết hay bị mất tích, hơn 55% thường dân phải di tản (tương đương với khoảng 22 triệu dân). Nội chiến tại Syria thể hiện rõ tất cả những gì là ghê rợn nhất của chiến tranh: từ tấn công vũ khí hóa học, thành phố bị tàn phá, các cuộc thảm sát có tổ chức…
Trong khung cảnh hãi hùng này, 14 ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng kêu gọi các bên ngưng chiến tìm kiếm một thỏa thuận chính trị cho đất nước. Lời kêu gọi này cho thấy rõ sự bất lực của phương Tây trong trước những cuộc tàn sát được báo trước!
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200228-syria-bachar-idleb-nga-th%E1%BB%95-tan-v%E1%BB%A1

Nigeria xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Triệu Hằng
Nigeria đã xác nhận có ca nhiễm virus corona (COVID-19) đầu tiên, Reuters dẫn tin Bộ Y tế Nigeria cho biết trên Twitter hôm thứ Sáu (28/2), thông báo trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở châu Phi Hạ Sahara.
Bộ Y tế Nigeria cho biết người nhiễm bệnh ở bang Lagos.
Lagos là thành phố lớn nhất ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, với dân số khoảng 20 triệu người.
“Trường hợp được xác nhận vào ngày 27/2/2020 là ca nhiễm đầu tiên tại Nigeria kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 1/2020”, Bộ Y tế Nigeria thông báo trên Twitter.
Nigeria là nước thứ hai ở châu Phi sau Algeria ghi nhận có ca nhiễm COVID-19.
Sự kỳ vọng virus có thể bị khống chế ở Trung Quốc đã tan biến vào thứ Sáu khi dịch bệnh lây lan tới nhiều nơi hơn trên thế giới, khiến các quốc gia bắt đầu dự trữ thiết bị y tế và các nhà đầu tư tháo chạy trong bối cảnh sự suy thoái toàn cầu có thể diễn ra.
Theo Reuters
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nigeria-xac-nhan-ca-nhiem-covid-19-dau-tien.html

Sự yếu thế của BRI trong đại dịch Covid-19

là cơ hội cho sự trỗi dậy của Nhật Bản tại EU

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây cho Trung Quốc vô vàn những khó khăn, trong đó bao gồm cả việc triển khai các dự án hợp tác theo khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) do tâm lý e ngại lây lan dịch bệnh, thì Nhật Bản được giới quan sát đánh giá sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là tại châu Âu.
Tháng 10/2029, tại thủ đô Brussels của Bỉ, Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức Diễn đàn kết nối châu Âu với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và giới học giả ở cả trong và ngoài châu Âu. Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, thực hiện mục tiêu dài hạn là đưa ra các tiêu chuẩn chung, tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa EU và các khu vực khác về vận tải, năng lượng, tài chính, kỹ thuật số… Diễn đàn có chủ đề “Kết nối EU – châu Á: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững”, là bước đi cụ thể đầu tiên của chiến lược kết nối hai khu vực được EU triển khai cách đây một năm.
“Hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng và kết nối bền vững giữa EU và Nhật Bản” cạnh tranh trực tiếp với BRI của TQ
Tại diễn đàn này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch EC Juncker đã ký Hiệp định “Hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng và kết nối bền vững giữa EU và Nhật Bản”. Hiệp định này khẳng định tầm quan trọng của cam kết tăng cường quan hệ đối tác giữa EU và Nhật Bản; đồng thời khẳng định sự tham gia của Nhật Bản với dự án kết nối châu Âu và châu Á. Dự án kết nối hai khu vực sẽ được hỗ trợ bằng quỹ bảo đảm trị giá 60 tỷ Euro của EU, các ngân hàng phát triển và các nhà đầu tư tư nhân. Mặc dù không phải tất cả ngân sách sẽ được sử dụng cho các dự án tại châu Á, song EC sẽ đưa việc chi tiêu cơ sở hạ tầng nhằm kết nối với khu vực này thành chính sách chính thức trong ngân sách chung của EU. Thủ tướng Abe nhấn mạnh, EU và Nhật Bản sẽ góp phần tạo ra sự kết nối bền vững, dựa trên pháp luật từ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tới khu vực Tây Balkan và châu Phi. Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định tầm quan trọng của việc mở ra tuyến đường biển kết nối với Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Thủ tướng Abe bày tỏ hy vọng, Nhật Bản và EU sẽ cùng xây dựng kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ. Về phần mình, Chủ tịch J.Juncker khẳng định, EU muốn đóng góp nhiều hơn, củng cố liên kết Âu – Á và đem lại lợi ích thiết thực cho hai khu vực. Chủ tịch Juncker khẳng định, kết nối phải bền vững về mặt tài chính; đồng thời, cam kết hỗ trợ các quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng mà không tạo ra “hàng núi nợ” hoặc sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Hai bên nhất trí rằng, kỹ thuật số là một yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. EU và Nhật Bản tiếp tục hợp tác nhằm tăng cường kết nối và nâng cao tính an toàn giao thông. Bên cạnh đó, EU và Nhật Bản cũng mong muốn thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường nghiêm ngặt hơn. Kết nối là cần thiết trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau trên thế giới ngày càng gia tăng; các quốc gia đang đứng trước các cơ hội mới và phải đối mặt những thách thức chung; cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công
nghệ. Hiệp định giữa EU và Nhật Bản được xem là bước đi cụ thể đưa hai khu vực xích lại gần nhau hơn, thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung, từ duy trì trật tự đa phương dựa trên các quy tắc đến phát triển các tiêu chuẩn về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ…
Mối quan ngại “gánh nợ” từ BRI là lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản
Sáu tháng sau khi EU và Nhật Bản ký thỏa thuận hỗ trợ xây dựng “cơ sở hạ tầng chất lượng”, không bên nào đề cập đến Trung Quốc hay Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận và các bài phát biểu của các bên lại tràn ngập những lo ngại về BRI. Các điều khoản trong thỏa thuận và các phát biểu của các bên ký kết đều phản đối và lo ngại về kế hoạch BRI. Thứ nhất, “Tính kết nối phải bền vững về mặt tài chính” và không tạo ra “các núi nợ”. Đó là lời cảnh báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong bối cảnh lo ngại BRI tạo ra một gánh nặng không thể kiểm soát đè lên vai các quốc gia dễ bị tổn thương về mặt tài chính. Thứ hai, ông Juncker cho rằng cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra “những liên kết giữa tất cả các nước trên thế giới và không chỉ phụ thuộc vào một quốc gia”. Tuy nhiên, BRI thì ngược lại, sáng kiến này sẽ duy trì vị thế của Trung Quốc như một trung tâm thương mại toàn cầu. Thứ ba, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải trở nên “tự do và rộng mở” để kết nối hoạt động. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc đều lo ngại rằng chiến lược hàng hải đầy khiêu khích của họ sẽ xâm phạm vào các tuyến đường biển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động thương mại toàn thế giới, không đề cập đến hầu hết các nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản.
Cuối cùng về tính bền vững của môi trường, trong khi các nhà phê bình BRI cảnh báo rằng sáng kiến này sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn cao liên quan đến việc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng đa phương. Tất cả những mối lo ngại này đều không khiến các nhà lãnh đạo của các quốc gia đã tham gia ký kết chương trình cơ sở hạ tầng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải bất ngờ. Đối với các nước đang phát triển mà thiếu tiền mặt, tài chính của Trung Quốc đôi khi là sự lựa chọn duy nhất. Ba năm trước, Liên hợp quốc ước tính rằng thế giới mới nổi sẽ phải đầu tư 2.000 tỷ USD mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến năm 2030 “chỉ để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng dự kiến”. Có lẽ đó là một sự đánh giá quá thấp và thậm chí điều đó gần như là không thể đối với hầu hết các nước đang phát triển để quản lý các nguồn lực của mình. Do đó, đối với nhiều quốc gia, các dòng tín dụng và sự khiêu khích đúng lúc của Bắc Kinh có vẻ rất giống những lời đề nghị không thể khước từ. Ít nhất là khi chẳng có sự lựa chọn thay thế nào.
Nguồn tài chính phương Tây đáng lẽ nên trở thành một sự lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, thật không may, tài chính của các nước phương Tây lại đang tụt dốc, một phần là do các chính sách ngu ngốc và phản tác dụng ở trong nước. Chính sách tiền tệ trái khoáy và các quy định nghiêm ngặt về tài chính kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy các khoản tiết kiệm của phương Tây đang “dậm chân tại chỗ”, lãi suất kiếm được ít ỏi, trong khi nhu cầu thực sự lại xuất hiện ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, việc cho phép BRI hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường khi xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu, chẳng hạn như cho phép các nước nghèo xây dựng các nhà máy nhiệt điện đắt đỏ chỉ vì thiếu tài chính cho năng lượng tái tạo sẽ khiến cam kết chống lại biến đổi khí hậu của châu Âu trở nên gần như vô nghĩa.
http://biendong.net/bien-dong/33269-su-yeu-the-cua-bri-trong-dai-dich-covid-19-la-co-hoi-cho-su-troi-day-cua-nhat-ban-tai-eu.html

Virus corona: Một công dân Anh vừa tử vong ở Nhật

Một người đàn ông Anh, từng đi du thuyền Diamond Princess, đã chết vì virus corona, Bộ Y tế Nhật bản cho hay.
Ông là người Anh đầu tiên chết vì dịch viêm phổi cấp Covid-19, căn bệnh do virus corona gây ra.
Hàng trăm hành khách trên con tàu này đã bị nhiễm virus khi tàu đang bị kiểm dịch ở cảng Yokohama, và sáu người đã tử vong.
Số ca nhiễm virus corona ở Anh đã lên tới 19.
Bàn tròn BBC: Nói ‘hết dịch’, dân vẫn lo ‘vỡ trận’
Sự việc xảy ra trong bối cảnh ba ca lây nhiễm virus corona mới được xác nhận ở Anh quốc, trong đó có trường hợp đầu tiên ở xứ Wales.
Hai bệnh nhân mới nhiễm ở xứ Anh nhiễm virus khi đang ở Iran, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh nói hôm thứ Sáu.
Một nhóm 30 công dân Anh và hai công dân Ireland được đưa về Anh từ con thuyền hôm thứ Bảy tuần trước trên một chuyến bay.
Họ được đưa tới bệnh viện Arraw Park ở Wirral, nơi họ đang được cách ly trong hai tuần.
Du thuyền bị virus corona tấn công được đưa vào kiểm dịch ở Yokohama vào đầu tháng Hai sau khi một hành khách lên bờ ở Hong Kong bị phát hiện nhiễm virus.
Các hành khách lúc đầu bị cách ly trong cabin trên tàu, nhưng sau đó thi thoảng được lên khoang tàu.
Ít nhất 621 người trên con tàu này đã thử dương tính với virus corona chủng mới.
Bắc Ireland cũng vừa xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên hôm thứ Năm. Giới chức nói họ đã liên hệ với các hành khách ngồi gần người phụ nữ này trên chuyến bay từ miền bắc nước Ý tới Dublin.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp của Cobra, ủy ban đối phó khẩn cấp của chính phủ Anh trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng ở châu Âu.
Trong một bài phỏng vấn với kênh Sky News, thống đốc Ngân hàng Anh ông Mark Carney cảnh báo dịch virus corona có thể khiến mức phát triển kinh tế Anh bị tụt hạng.
Các chuyên gia cảnh báo về khả năng Anh phải thực hiện đóng cửa trường học và hủy các sự kiện thể thao, ca nhạc và lễ hội âm nhạc lớn ở Anh nhằm ngăn chặn sự lan tràn của virus.
Giám đốc Y tế Anh, GS Chris Whitty, nói hôm thứ Năm rằng chuyện lây nhiễm giữa những người sống ở Anh sẽ xảy ra và “chỉ là vấn đề thời gian”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch này đã lên tới “điểm quyết định” và có “tiềm năng trở thành đại dịch”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51678520

Nhật đóng cửa trường học toàn quốc để kiểm soát Covid-19

Nhật Bản sẽ đóng cửa các trường học trên toàn quốc để giúp kiểm soát Covid-19 lây lan, chính phủ thông báo hôm 27/2.
Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đóng cửa cho đến khi kì nghỉ xuân bắt đầu vào cuối tháng 3.
Biện pháp này ảnh hưởng đến 12,8 triệu học sinh tại 34.847 trường học trên toàn quốc, Bộ Giáo dục cho biết.
“Một hoặc hai tuần tới là khoảng thời gian cực kì quan trọng,” ông Abe nói. “Làm như vậy là để ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của trẻ em và có các biện pháp phòng ngừa để tránh nguy cơ lây nhiễm quy mô lớn cho nhiều trẻ em và giáo viên gặp nhau mấy tiếng mỗi ngày.”
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm virus không thể truy tầm được ở miền bắc Nhật Bản và các nơi khác. Nhật Bản hiện có hơn 890 ca, bao gồm 705 ca từ một du thuyền bị cách ly. Ca tử vong thứ tám tại Nhật vì Covid-19 được xác nhận hôm 27/2 trên đảo Hokkaido cực bắc của Nhật Bản, nơi được coi là một cụm điểm đang lây lan ngày càng nhiều.
Thông báo của ông Abe được đưa ra vài giờ sau khi một số chính quyền địa phương công bố quyết định của họ về việc đóng cửa trường học.
Nhà chức trách ở Hokkaido cho biết đã đóng cửa tất cả 1.600 trường tiểu học và trung học. Hokkaido hiện có 54 ca nhiễm được xác nhận, đông nhất ở bên ngoài chiếc tàu du lịch bị cách ly ở Nhật.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-dong-cua-truong-hoc-toan-quoc-de-kiem-soat-covid-19/5307460.html

Hàn Quốc cho phép lao động nước ngoài hết thị thực

ở lại thêm 50 ngày

Người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc nếu hết hạn hợp đồng sẽ được tiếp tục ở lại doanh nghiệp làm việc thêm tối đa 50 ngày.
Báo trong nước loan tin ngày 28/2, trích quyết định của Bộ Tư pháp Hàn Quốc cùng với Bộ Việc làm lao động, Bộ Thủy sản Hải dương.
Mục đích của việc ở lại thêm 50 ngày được nói là để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các doanh nghiệp khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại nước này.
Cụ thể, lao động nước ngoài ở Hàn theo visa E-9 và thuyền viên nước ngoài E-10 khi hết hợp đồng 4 năm 10 tháng sẽ được ở lại tối đa 50 ngày.
Những đối tượng được ở lại sẽ do Bộ Việc làm lao động, Bộ Thủy sản Hải dương lựa chọn và thông báo cho Bộ Tư pháp.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng người nhiễm COVID-19 cao đứng thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, nơi phát sinh dịch bệnh.
Báo trong nước ngày 24/2 loan tin cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở đường dây nóng và tổng đài bảo hộ công dân.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho báo chí trong nước biết cho đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp người Việt Nam nào tại Hàn Quốc bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID – 19.
Phía Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã có thông báo chính thức đến các công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện liên quan đến coronavirus sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công cộng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/skorea-allows-foreign-workers-who-have-their-visa-expired-to-be-stayed-in-korea-more-50-days-02282020081335.html

Virus corona: Ca nhiễm ở Hàn Quốc vượt quá 2000

Trọng Nghĩa
Theo số thống kê chính thức mới nhất vào hôm nay 28/02/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 571 trường hợp lây nhiễm virus corona trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đẩy tổng số ca nhiễm lên thành 2337.
Số liệu do Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Hàn Quốc công bộ xác nhận thêm chiều hướng bắt đầu xuất hiện từ hôm qua: Hàn Quốc đã vượt cả Trung Quốc với số lượng ca lây nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Hôm nay, Trung Quốc chỉ có thêm 327 ca lây nhiễm trong vòng 24 giờ qua.
Số ca nhiễm mới được xác nhận tại Hàn Quốc chủ yếu đến từ nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu phía nam nước này, kế đến là từ tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là hai nơi tập trung các biện pháp ngăn chặn đã được các cơ quan y tế Hàn Quốc triển khai.
Anh Trần Công, nghiên cứu sinh ngành Độc học, đại học Khoa Học Quốc Gia Hàn Quốc, tại Seoul cho biết thêm tình hình tại chỗ :
Nghiên cứu sinh Trần Công, tại Seoul:
« Ngày hôm nay (28/02/2020), sau khi xét nghiệm hơn 1.000 tín đồ tại Daegu, thì có tới hơn 80% tín đồ này bị nhiễm virus corona mới. Số lượng này sẽ tăng lên liên tiếp trong những ngày tiếp theo cho đến khi xét nghiệm được 100% tín đồ của giáo phái này.
Hiện tại, những người dân sống ở đây (Daegu), tâm trạng của họ đương nhiên là rất bất ổn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tuyên bố tin tưởng vào Nhà nước Hàn Quốc và các chính sách mà chính phủ đưa ra. Hiện tại có rất nhiều chương trình phát khẩu trang miễn phí do các nhóm tình nguyện phát động.
Họ đi treo các khẩu trang miễn phí tại cửa của các gia đình. Và rất nhiều nhà máy và tập đoàn đã ủng hộ, cũng như những ca sĩ, diễn viên. Ngoài ra, rất nhiều bác sĩ ở bệnh viện tư nhân đã đồng ý đến Daegu cùng với những bác sĩ ở Daegu, hiện rất mệt mỏi, để cùng dập dịch. Đã có khoảng hơn 500 bác sĩ tình nguyện.
Theo thông tin hiện tại ở Daegu, có một bệnh nhân 75 tuổi, có những biểu hiện bệnh từ trước, ông đã nhiều lần đến thăm khám. Tuy nhiên, ông vẫn chưa được nhập viện thì ông đã chết sau khi đến bệnh viện cấp cứu được 30 phút. Điều này gây hoang mang và gây sốc cho rất nhiều người đang bị cách ly ở Daegu.
Vì vậy, nhà chức trách sẽ thay đổi phương pháp cách ly, từ cách ly tất cả bệnh nhân sang việc những bệnh nhân ở thể nhẹ sẽ được cách ly tại nhà và sẽ được y tá kiểm tra nhiệt độ và các chỉ số sống 2 đến 3 lần/ngày cùng với thuốc thang. Còn những bệnh nhân bệnh nặng và đã có những tiền sử, những bệnh như cao huyết áp, suy tim, ghép gan, ghép thận, thì sẽ được cách ly tại bệnh viện và được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, cho thở ô xi hay cho cấp cứu ngay lập tức nếu như có bất kỳ chuyển biến xấu nào xảy ra ».
BTS: Họp báo trực tuyến và hủy bỏ biểu diễn
Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm của dịch virus corona (Covid-19), hôm nay, 28/02, nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là BTS đã thông báo hủy bỏ 4 buổi biểu diễn ở Seoul, dự trù vào trung tuần tháng Tư sắp tới.
Theo ban tổ chức, trong tình hình hiện nay, phải đặt ưu tiên cho vấn đề an toàn và sức khỏe của hơn 200 000 khán giả dự kiến của các show diễn đó.
Cũng hôm nay, BTS đã tổ chức “họp báo” để quảng bá album mới, nhưng chỉ trên mạng, chứ không có sự tham dự của bất kỳ nhà báo hay người hâm mộ nào.
Hàn Quốc càng lúc càng bị cô lập
Một trong những hậu quả của tình trạng dịch virus corona bùng nổ tại Hàn Quốc là nước này ngày càng bị phong tỏa dưới nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, tính đến hôm nay, 28/02/2020, đã có hơn 50 nước áp dụng các biện pháp hạn chế du khách đến từ Hàn Quốc bằng các lệnh cấm nhập cảnh hoặc các thủ tục kiểm dịch chặt chẽ hơn.
Cho đến hôm nay, theo bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, đã có 27 nước cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc và những ai đã đến nước này trong vài tuần lễ qua.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200228-covid-19-ca-nhi%E1%BB%85m-%E1%BB%9F-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qu%C3%A1-2000-ban-nh%E1%BA%A1c-bts-h%E1%BB%A7y-bi%E1%BB%83u-di%E1%BB%85n

‘Đài Loan hay Trung Quốc?’ – Hơn 83% nhận là Đài Loan

khi dịch COVID-19 bùng phát

Băng Thanh
Kết quả một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hơn 83% công dân Đài Loan nhận mình là người Đài Loan thay vì Trung Quốc, mức cao nhất kể từ năm 1991.
Cuộc thăm dò mới nhất của Quỹ ý kiến ​​công cộng Đài Loan, được công bố tại một cuộc họp báo vào ngày 24/2 cho thấy, 83,2% công dân Đài Loan coi mình là người Đài Loan. Đồng thời, tỷ lệ những người nghĩ mình là người Trung Quốc hoặc là người ‘Trung Quốc – Đài Loan’ đã giảm một nửa kể từ tháng 9/2019, đạt mức thấp nhất trong 30 năm.
Cuộc thăm dò với nội dung: “Bạn có nghĩ rằng bạn là người Đài Loan hay Trung Quốc, hay bạn thuộc một dân tộc nào khác không?” cho kết quả: 83,2% coi mình là người Đài Loan; 5,3% coi mình là người Trung Quốc; 6,7% cho rằng mình là người Đài Loan và Trung Quốc và 4,8% không có ý kiến ​​hoặc từ chối trả lời câu hỏi.
Ông Du Doanh Long, Chủ tịch Quỹ dân ý Đài Loan (TPOF) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy những người được hỏi nhận mình là người Đài Loan đã đạt mức cao nhất so với mức 83% vào năm 1991; tỷ lệ người coi mình là người Trung Quốc đã giảm xuống còn một nửa so với mức 10,9% vào tháng 9/2019. Đồng thời, tỷ lệ phần trăm coi mình là người Trung Quốc – Đài Loan đã giảm đáng kể so với mức 13,7% được ghi nhận vào tháng 9/2019, mức thấp nhất được thấy trong 30 năm.
Theo ông Du, sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào đầu năm 2019, trong đó ông này kêu gọi mô hình “một quốc gia, hai chế độ” cho Đài Loan và có thể sẽ sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo, tỷ lệ người coi mình là người Đài Loan ở mức 70%. Tuy nhiên, ông Du cho biết, sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, thì suy nghĩ của mọi người đã thay đổi rất nhiều. Ông nói rằng sự thay đổi lớn này không chỉ có ý nghĩa về mặt con số mà còn là “một khám phá lớn trong thực tế chính trị”.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về cách xử lý mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan của chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn trong dịch COVID-19, 72% người cảm thấy hài lòng; 18% không hài lòng.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 17/2 đến 18/2, dựa trên 1.079 phản hồi hợp lệ từ người lớn trên 20 tuổi qua điện thoại, (sai số cộng trừ 2,98%, độ tin cậy 95%).
Keoni Everington, Taiwan News
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-loan-hay-trung-quoc-hon-83-nhan-la-dai-loan-khi-dich-covid-19-bung-phat.html

Hong Kong bắt nhà tài phiệt Jimmy Lai,

chủ báo Apple Daily

Một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Hong Kong, nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh (Lai Chee-Ying, với tên tiếng Anh là Jimmy Lai), bị cáo buộc tội danh tụ tập trái phép và hăm dọa người khác.
Cáo buộc tụ tập trái phép liên quan tới một cuộc tuần hành chống chính phủ hôm 31/8, diễn ra khi không được giới chức cho phép. Ông Lê Trí Anh bị cáo buộc là đã tham dự sự kiện này.
Cáo buộc hăm dọa liên quan tới vụ va chạm với một phóng viên vào năm 2017.
Ghế nóng Hong Kong làm ông Lạc Huệ Ninh run?
2019: Một năm của các cuộc biểu tình
Carrie Lam: Dự luật dẫn độ ‘đã chết’
Tờ báo do ông Lê lập ra, Apple Daily, thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc.
Hai nhân vật ủng hộ dân chủ khác, các chính trị gia Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) và Dương Sâm (Yeung Sum), cũng bị bắt hôm thứ Sáu.
Họ cũng bị cáo buộc tội danh tụ tập trái phép, liên quan tới cùng vụ biểu tình năm ngoái.
Quan chức cao cấp của lực lượng cảnh sát, Hoàng Đông Quang (Wong Tung-kwong) nói rằng ba người này sẽ bị gọi lên tòa cấp quận Eastern Magistrate vào ngày 5/5 tới đây.
Đợt bùng phát virus corona đã khiến các cuộc tuần hành đòi dân chủ ở thành phố này tạm ngưng, nhưng cơn giận dữ chính phủ vẫn tồn tại rộng khắp.
Trước khi có đợt bùng phát, thành phố hầu như xảy ra các cuộc biểu tình hàng tuần, và các nhà hoạt động đưa ra hàng loạt những đòi hỏi, trong đó họ đòi phải có thêm dân chủ và giảm mức độ kiểm soát từ Bắc Kinh.
Theo một bài tường thuật của Apple Daily thì ông Lê, 71 tuổi, đã bị bắt tại tư gia và bị đưa tới một đồn cảnh sát ở khu vực Cửu Long.
Cảnh sát hồi 2018 đã nói chuyện với ông về vụ va chạm với phóng viên, nhưng việc điều tra không được tiếp tục thực hiện.
Hàng ngàn người xuống đường tham gia cuộc biểu tình hồi tháng Tám, phớt lờ lệnh cấm của chính quyền.
Người mà ông Lê bị cho là đã dọa dẫm là phóng viên của Oriental Daily, đối thủ cạnh tranh lớn của Apple Daily và là tờ báo được cho là ủng hộ Bắc Kinh.
Ông Lê, được Forbes hồi 2009 ước tính là có giá trị 660 triệu đô la, được biết đến là người chỉ trích chính quyền Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51664546

Mối liên hệ giữa Sáng kiến “Vành đai, con đường”

và việc Covid-19 bùng phát mạnh tại Italy hiện nay

Từng là nước tham gia mạnh mẽ nhất vào Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc tại châu Âu, hiện nay Italy lại là nước châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng không khó để nhận ra rằng có một mối liên hệ giữa yếu tố quan hệ với Trung Quốc, mà cụ thể ở đây là sự hiện diện của BRI và việc bùng phát dịch bệnh ở Italy.
Italy là nước đầu tiên trong Nhóm G7 tham gia BRI của TQ
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Italy kết thúc ngày 23/3/2019 với việc hai nước ký tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ (MoU) về việc Italy tham gia BRI. Các thỏa thuận được ký có giá trị ban đầu là 2,5 tỷ euro và có thể sẽ tăng lên tới 20 tỷ euro sau đó. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được đánh giá là càng thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là khi hai bên ký 10 thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như giao thông vận tải, năng lượng, thép, tài chính và đóng tàu. Đặc biệt, việc Italy trở thành nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên tham gia BRI của Trung Quốc.
Với Trung Quốc, việc thu hút được Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tham gia BRI, có thể coi là một thành công, mở cánh cửa để Bắc Kinh tiến sâu vào châu Âu. Tuy nhiên, cái bắt tay giữa lãnh đạo hai nước đang khiến một số nước Liên minh châu Âu (EU) quan ngại, cho rằng thỏa thuận giữa Italy và Trung Quốc có thể làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU bởi lâu nay EU vẫn chỉ trích BRI chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho các công ty của Trung Quốc
và có khả năng tạo nên các “bẫy nợ” ở những nước nghèo. Việc tham gia BRI cũng có khả năng làm gia tăng những căng thẳng giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Italy.
Cùng với mối quan hệ nồng ấm, sự hiện diện và qua lại của TQ ở Italy ngày càng gia tăng
Italy và Trung Quốc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2004. Kim ngạch thương mại song phương hai nước hiện đã vượt mức 50 tỷ USD. Với việc tham gia BRI, Italy có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng. Thỏa thuận BRI của Italy với Trung Quốc chắn chắn bao gồm một chương trình nghị sự. Nhưng giới phân tích đánh giá tầm quan trọng thực sự của nó không phải là về các khoản đầu tư, việc xây dựng các cảng biển, hay tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa của Trung Quốc. Italy không phải là đồng minh của Trung Quốc, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Rome có thể sẽ ít nhiều ngả theo hướng có lợi cho chương trình nghị sự chiến lược của Bắc Kinh. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện sở hữu tập đoàn Pirelli của Italy, một trong những nhà sản xuất lốp ô tô hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực Eurozone đang là một đối tác thương mại và đầu tư của Trung Quốc, dù nhỏ hơn so với những nước khác ở châu Âu. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhận định “Trung Quốc và Italy là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng”. Theo đó, ông Tập Cận Bình đặc biệt đề cập đến việc cải thiện sự qua lại giữa Italy và Trung Quốc, cùng “xây dựng các cảng” nhằm tạo ra “một kỷ nguyên mới của BRI” trong các lĩnh vực như vận tải hàng hải. Các cảng được nhắc tới đó là Trieste và Genoa nằm ở phía Bắc Italy.
Sau TQ, Italy trở thành ổ dịch Covid-19 mới ở châu Âu
Tính đến ngày 25/2, Italy đã ghi nhận thêm 72 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm lên 229. Vùng Lombardy, khu vực ở phía Bắc Italy với thủ phủ Milan, ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 172 trường hợp, trong đó 5 người tử vong. Ít nhất 10 thị trấn miền Bắc Italy với dân số khoảng 50.000 người đã bị phong tỏa từ ngày 23/2 để ngăn virus lây lan. Như vậy, Italy hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và du thuyền Diamond Princess. Chính quyền vùng Lombardy và Veneto, nơi dịch Covid-19 bùng phát và đang lây lan nhanh chóng, đã yêu cầu các trường học ngừng hoạt động trong ít nhất một tuần, đóng cửa bảo tàng, rạp chiếu phim, đồng thời hủy hai ngày cuối của lễ hội Venice. Trước tình hình này, một số quốc gia đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch và đình chỉ các hoạt động giáo dục tới Italy. Đến nay mặc dù giới chức Italy vẫn cho biết chưa xác định đường lây truyền Covid-19 tại nước này, song việc có nhiều người Trung Quốc sang làm ăn, sinh sống tại Italy và ngược lại từ Italy sang Trung Quốc trong bối cảnh hai bên đang thắt chặt quan hệ thì việc dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh là điều dễ hiểu.
http://biendong.net/bien-dong/33272-moi-lien-he-giua-sang-kien-vanh-dai-con-duong-va-viec-covid-19-bung-phat-manh-tai-italy-hien-nay.html

Quân đội Trung Quốc đặt mua

tới 1,4 triệu áo giáp chống đạn để làm gì?

Ngọc Mai
Gần đây, quân đội Trung Quốc đã đặt mua tới 1,4 triệu áo chống đạn, tổng giá trị lên tới 13,42 tỷ Nhân dân tệ (NDT).
Theo “Mạng thông tin mua sắm thiết bị toàn quân”, ngày 23/2, Bộ thiết bị ủy quyền quân đội đã đăng thông tin mời thầu cung cấp 930.000 bộ áo chống đạn đa năng và 467.000 bộ áo chống đạn gia cố. Tổng giới hạn tối đa của các giao dịch đạt tới 13,42 tỷ NDT (tương đương 1,91 tỷ USD). Yêu cầu giao hàng sau 24 tháng.
Công ty Cổ phần chứng khoán Quốc Thịnh (Guosheng Securities) dự đoán sau khi đàm phán, giá mua cuối cùng ước tính cho lô 1,4 triệu áo giáp này là từ 13 tỷ đến 14 tỷ NDT.
Việc mua áo giáp với quy mô lớn như vậy là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điều này gây ra sự lo ngại trong công chúng.
Một số ý kiến phân tích cho rằng tuổi thọ của áo giáp chống đạn không quá 5 năm. Nếu như trong thời bình, được bảo trì tốt, hiệu suất của loại áo này vẫn sẽ giảm khoảng 20% mỗi năm. Gần đây, quân đội Bắc Kinh tăng cao nhu cầu về áo giáp chống đạn, cho thấy họ đang thực hiện một số công tác chuẩn bị.
Ngày 26/2, nhà phân tích Trung Quốc David Ng (tài khoản Twitter AndrewC86186) cũng đăng trên Twitter với nội dung:
“Tin khẩn cấp, PLA (Giải phóng quân Trung Quốc) bất ngờ mua số lượng lớn áo chống đạn. Theo hình ảnh trực tuyến tổng cộng có 930.000 bộ áo chống đạn đa năng và 467.000 bộ áo chống đạn gia cố. Tổng số lượng gần 1,4 triệu chiếc. Đơn hàng lên tới 14 tỷ, yêu cầu hoàn thành giao hàng trong 24 tháng. Vì áo chống đạn Kevlar có thời gian sử dụng rất ngắn, chỉ vài năm, áo sẽ hết hạn, vì vậy chúng không phải để “dự trữ” mà là để sử dụng. Đã tới lúc chiến đấu!”
Trong bối cảnh quan hệ xuyên eo biển hiện tại đang căng thẳng, động thái này của ĐCSTQ làm dấy lên suy đoán đó là nhằm thể hiện sự răn đe đối với Đài Loan.
Ông Kim Sán Vinh, Phó Viện trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng nói rằng, “đối với vấn đề Đài Loan phải chuẩn bị cho cả hai phương án tốt nhất và tồi tệ nhất”.
Đồng thời, sau thông báo chính thức về việc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên vào ngày 25/9/2019, một con tàu cùng kiểu loại thứ hai của Trung Quốc mới đây cũng đã lộ diện tại Nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua ở Thượng Hải.
Việc giới thiệu tàu tấn công đổ bộ 075 được cho là để chuẩn bị cho “cuộc đấu tranh quân sự chống lại Đài Loan”.
Ngày 15/2 tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý từng nói, ngay cả khi dịch bệnh đạt đến mức này, nhiều người xung quanh Tập Cận Bình đề nghị ông nhanh chóng sử dụng Đài Loan để đánh lạc hướng sự chú ý. Truyền thông nước ngoài gần đây cũng nhận thấy rằng tên lửa Đông Phong (Dongfeng – DF) đã chuyển từ nội địa sang các tỉnh phía đông.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đã gửi thêm quân đến Hồ Bắc và các nơi khác để hỗ trợ đóng cửa thành phố. Vào thời điểm này, việc mua một số lượng lớn áo chống đạn cũng nhạy cảm không kém.
Trên trang web PTT của Đài Loan, một số cư dân mạng bình luận, nghi ngại chính quyền Bắc Kinh mua áo giáp chống đạn vào thời điểm này, sợ rằng họ sẽ “đàn áp Vũ Hán” và “duy trì sự ổn định”.
Trên thực tế, nhận định này rất có cơ sở, bởi trong quá khứ chính quyền ĐCSTQ từng đàn áp rất nhiều nhóm người có ý kiến bất đồng khi nhận thấy nguy cơ “khủng hoảng”. Điển hình có thể kể đến cuộc thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989 khi các học sinh, sinh viên tìm đến chính quyền để biểu đạt ý kiến; hay cuộc đàn áp tự do tín ngưỡng của những người tu luyện Pháp Luân Công, môn khí công Phật Gia theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, đã diễn ra suốt hơn 20 năm tại Trung Quốc. Ngày nay, khi những dân chúng Vũ Hán lên tiếng phơi bày thực trạng ở thành phố mình sinh sống, nhiều người trong số họ bị bắt giữ hoặc phải nhận các mức phạt vì tội “lan truyền tin đồn”.
Một người Đài Loan bình luận: “Bạn nói: Vũ Hán Trung Quốc rất nhiều người khốn khổ vì viêm phổi, hãy quyên tiền cho Vũ Hán. Kết quả sau khi quyên 500 triệu NDT và họ mua áo chống đạn với giá 10 tỷ NDT. Căn bản họ không thiếu tiền, bạn đã tặng tiền cho họ một cách ngu ngốc”.
Ngọc Mai (tổng hợp)
Tham khảo Secret China
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-doi-trung-quoc-dat-mua-toi-14-trieu-ao-giap-chong-dan-de-lam-gi.html

Các bác sĩ Trung Quốc nói

tái nhiễm COVID-19 rất nguy hiểm

Băng Thanh
Các bác sĩ thuộc tuyến đầu chống dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cho biết bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 có thể bị nhiễm lại lần nữa, và có thể dẫn đến tử vong do suy tim.
Một trong những bác sĩ làm việc tại thành phố Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh tiết lộ cho một người họ hàng sống ở Vương quốc Anh, và người này đã nói với tờ Taiwan News.
Người họ hàng và vị bác sĩ đều yêu cầu giấu tên, vì lo sợ họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt từ chính quyền Trung Quốc. Trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đưa ra cảnh báo về chủng mới của virus corona đã bị chính quyền đe dọa vì “truyền bá thông tin thất thiệt”. Sau đó, vị bác sĩ này đã qua đời vì chính loại virus mà anh lên tiếng cảnh báo.
“Người bệnh rất có khả năng bị tái nhiễm. Một số người đã hồi phục khi mắc bệnh lần đầu bằng hệ thống miễn dịch, nhưng các loại thuốc họ sử dụng đang làm hỏng mô tim của họ, và khi họ nhiễm bệnh lần thứ hai, kháng thể không giúp ích gì nhưng lại làm cho tình hình tồi tệ hơn và họ đột ngột qua đời vì suy tim”, theo thông tin tiết lộ với tờ Taiwan News.
Nguồn tin cũng cho biết người nhiễm virus có thể không biểu hiện các triệu chứng trong 24 ngày. Bác sĩ phổi Trung Quốc Zhong Nanshan cho hay thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, nhưng có thể mất ít nhất một ngày và lên đến 24 ngày để phát triển các triệu chứng.
Ngoài ra, nguồn tin cho biết các xét nghiệm âm tính giả đối với virus là khá phổ biến: “Nó có cho kết quả xét nghiệm sai – có những trường hợp, chụp CT cho thấy cả hai phổi đều bị nhiễm trùng hoàn toàn nhưng xét nghiệm lại âm tính bốn lần. Thử nghiệm thứ năm mới cho kết quả dương tính”.
Theo BBC và các phương tiện truyền thông khác, còn có bằng chứng về những người có tới sáu kết quả âm tính trước khi được chẩn đoán nhiễm virus.
Kết quả xét nghiệm của bác sĩ Lý Văn Lượng cũng âm tính nhiều lần trước khi cho kết quả dương tính.
Các xét nghiệm âm tính giả đặt ra câu hỏi về việc có bao nhiêu người nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán. Nhiều người tin rằng chính quyền Trung Quốc công bố số ca nhiễm virus và tử vong thấp hơn so với con số thực tế.
Theo Jules Quartly, Taiwan News
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-bac-si-trung-quoc-noi-tai-nhiem-covid-19-rat-nguy-hiem.html

Virus corona: Trung Quốc “gieo gió”

nhưng không muốn “gặp bão”

Trọng Nghĩa
Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bớt hoành hành tại Trung Quốc, chính quyền và dư luận nước này lại bắt đầu có tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại do việc con virus corona theo chân người nước ngoài du nhập vào Trung Quốc. Điều oái oăm ở chỗ con virus độc hại đó lại có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi được xem là cái nôi của dịch bệnh.
Hãng tin Pháp AFP ngày 27/02/2019 đã ghi nhận sự kiện là trong những ngày gần đây, cả chính quyền trung ương lẫn một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã loan báo ý định hay quyết định tăng cường kiểm soát du khách đến từ nước ngoài, đặc biệt nhắm vào những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Iran, Ý…
Ở cấp trung ương, theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này đang xem xét “các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát có đối tượng cụ thể”, nhắm vào những người nhập cảnh Trung Quốc.
Ở cấp địa phương, một số biện pháp cụ thể đã bắt đầu được thực hiện. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chẳng hạn, hôm 26/02 vừa qua, đã loan báo quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bị dịch bệnh “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không nói rõ đó là những nước nào.
Trong thực tế, hàng trăm hành khách đến từ Hàn Quốc đã bị cách ly ở phía đông Trung Quốc, sau khi phát hiện ra một số trường hợp nghi nhiễm bệnh Covid-19 trên hai chiếc máy bay.
Phản ứng lo ngại virus quay trở lại Trung Quốc cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhiều tờ báo đã yêu cầu chính quyền phải kiểm soát nghiêm ngặt người đến từ những nước có dịch khác. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc “không nên được đối xử ưu đãi, vì điều đó sẽ cho phép họ dễ dàng lọt qua mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo ghi nhận của AFP, phản ứng lo ngại đặc biệt dữ dội trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hôm 27/02, theo hãng tin Pháp, các mạng xã hội Trung Quốc đã dậy sóng sau khi có tin về việc một người quốc tịch Trung Quốc từ Iran trở về, đã bị nhiễm virus corona, nhưng vẫn tự do đi lại nhiều nơi, đến tận vùng Ninh Hạ ở miền bắc sau khi nhập cảnh ở Thượng Hải, thành phố phía nam. Sự kiện đó đã làm dấy lên vô số bình luận trên mạng xã hội Vi Bác, với ít nhất 100 triệu lượt xem.
Một cư dân mạng tỏ thái độ phẫn uất: “Chúng ta không thể phá hỏng tất cả những nỗ lực ở Trung Quốc, chỉ vì một người đến từ nước ngoài”.
Những yêu cầu hạn chế cũng như kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nước ngoài từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc phải nói là rất hợp lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, yêu cầu này có phần mỉa mai vì lẽ con virus mà một số nước hiện mắc phải được xác định là đã trực tiếp đến từ Vũ Hán Trung Quốc, từ lúc chính quyền nước này còn bưng bít thông tin về dịch bệnh.
Giới quan sát đều ghi nhận là khi dịch bệnh mới bùng lên, Bắc Kinh đã không ngần ngại gay gắt đả kích các nước đã nhanh chóng đóng cửa với Trung Quốc. Và ngày nay Bắc Kinh lại áp dụng cùng một biện pháp mà họ đã phản đối.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200228-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-gieo-gi%C3%B3-nh%C6%B0ng-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-g%E1%BA%B7p-b%C3%A3o

Chiến hạm Trung Quốc bị tố

chiếu laser vào phi cơ tuần tra Mỹ gần Guam

Trọng Nghĩa
Hải Quân Hoa Kỳ ngày 27/02/2020 tố cáo tàu chiến Trung Quốc đã chiếu laser vào một chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.
Đài truyền hình Mỹ Fox News trích dẫn thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương cho biết vụ việc xẩy ra vào ngày 17/2 tại một vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 380 hải lý (610 km) về hướng tây.
Chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A của Mỹ khi đang bay trên bầu trời khu vực thì bị trúng tia laser bắn đi từ một khu trục hạm Trung Quốc. Thông cáo nói rõ là tia laser mà Trung Quốc sử dụng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đã bị thiết bị cảm biến trên máy bay P-8A ghi nhận.
Đối với phía Mỹ, các “vũ khí” laser có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho phi hành đoàn, thủy thủ đoàn cũng như hệ thống máy móc trên máy bay hay tàu thuyền.
Hạm Đội Thái Bình Dương khẳng định rằng khu trục hạm của Hải Quân Trung Quốc đã có những “hành động không an toàn và không chuyên nghiệp”, đồng thời tố cáo Trung Quốc đã vi phạm quy tắc ứng xử trong trường hợp đối đầu không mong muốn trên biển CUES mà Hải Quân nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã đồng ý vào năm 2014.
Đối với Hải Quân Mỹ, Trung Quốc cũng vi phạm Biên Bản Ghi Nhớ giữa hai bộ Quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc quy định các quy tắc hành xử khi quân đội hai bên “gặp nhau” trên biển và trên không.
Theo đài truyền hình Mỹ CNN, một số quan chức quốc phòng Mỹ xin ẩn danh cho biết là Washington chuẩn bị gửi công hàm phản đối hành động của phía Trung Quốc.
Vụ chiếu laser lần này đã gợi lại một vụ việc xảy ra vào tháng 05/2019, khi một trực thăng trên tàu đổ bộ Úc HMAS Canberra nghi đã bị tàu cá Trung Quốc chiếu laser trên Biển Đông sau khi ghé thăm Việt Nam và trên đường sang Singapore.
Năm 2018, các quan chức Mỹ cũng tố cáo lực lượng Trung Quốc đồn trú tại Djibouti đã chiếu laser vào phi cơ Mỹ gây thương tích cho phi công.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200228-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-trung-qu%E1%BB%91c-laser-phi-c%C6%A1-tu%E1%BA%A7n-tra-m%E1%BB%B9

Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên của Malaysia:

Ý tưởng và Vận dụng

Viện Nghiên cứu Quốc phòng – An ninh Malaysia (24/2) đã tổ chức Đối thoại Perwira 2020 với chủ đề “Sách Trắng Quốc phòng (DWP) đầu tiên của Malaysia: Ý tưởng và Vận dụng”. Tại Đối thoại, giới chức nước này nhấn mạnh Malaysia cần tập trung đối phó với các vấn đề an ninh hàng hải.
Tham gia Đối thoại có lãnh đạo Bộ Quốc phòng Malaysia cùng nhiều quan chức, chuyên gia nghiên cứu Malaysia và các nước trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng Tư lệnh quân đội Malaysia, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Malaysia công bố Sách Trắng Quốc phòng (DWP), xây dựng định hướng chiến lược cho quốc phòng trong thời gian 10 năm tiếp theo. Văn bản này nhấn mạnh phương châm chia sẻ thịnh vượng chung của khu vực và các nước láng giềng, phù hợp với các nguyên tắc của Khu vực Hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN); nhận định một trong những điểm nhấn có giá trị nhất của DWP là khẳng định Malaysia là quốc gia biển và cam kết của chính phủ nước này trong việc theo đuổi ba trụ cột của chiến lược quốc phòng, gồm răn đe tập trung, an ninh toàn diện và quan hệ đối tác tin cậy trên cơ sở quan điểm của Malaysia là một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng.
Trong DWP, Malaysia cho rằng nước này cần tập trung đối phó với với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, tội phạm mạng và an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng. DWP nhận định các mối đe dọa khủng bố và cực đoan đang gia tăng cả về mức độ lẫn hình thức, trong đó có việc các phiến quân của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã đến Đông Nam Á, củng cố mối quan hệ với những phần tử khủng bố địa phương, phát triển lực lượng và chuẩn bị cho các âm mưu khủng bố mới. Bên cạnh tội phạm xuyên quốc gia, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, Bộ Quốc phòng Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng khi có mối đe dọa an ninh quốc gia. Cùng với đó, DWP cũng đề cập tới những mối đe dọa tới sự tiến bộ của công nghệ như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Để đảm bảo khả năng ứng phó trước các mối đe dọa và thách thức, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh quân đội Malaysia cần là lực lượng vũ trang của tương lai, đảm bảo sự hợp nhất giữa các lực lượng và giữa con người, công nghệ, phương tiện cũng như sự cơ động và phạm vi hoạt động cả hai bờ bán đảo và có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện như trên bộ, biển, không chiến hay chiến tranh mạng; yếu tố nhanh nhẹn và sự tập trung; sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Malaysia cũng như sự tham gia của mọi người dân vào quá trình đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, theo ông, hợp tác quốc phòng an ninh song phương và khu vực đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi nước.
Nhiều đại biểu đến từ các nước trong khu vực như Brunei, Singapore, Australia, Indonesia, Việt Nam cũng bày tỏ những đánh giá về tình hình khu vực và quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh với Malaysia. Đối thoại Perwira 2020 có ý nghĩa quan trọng, giúp Bộ Quốc phòng Malaysia thu được những đánh giá hữu ích từ giới chuyên gia nghiên cứu uy tín trong khu vực mà còn là sự kiện chính thức đánh dấu quốc giá Đông Nam Á công bố Sách Trắng Quốc phòng của mình.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (2/12/2019) công bố Sách trắng Quốc phòng 2019. Sách Trắng dài 90 trang,gồm tám chương, giới thiệu cụ thể về quan điểm chiến lược, chiến lược quốc phòng, lực lượng vũ trang tương lai, quan hệ quốc tế quốc phòng, khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng; cải cách, quản trị và phân bổ quốc phòng. Sách Trắng cũng phác thảo chiến lược quốc phòng của nước này từ năm 2021 đến 2030. Sách Trắng Quốc phòng Malaysia tập trung vào việc kết hợp khoa học và công nghệ như tối ưu hóa máy tính, công nghệ không gian mạng và các hệ thống tiên tiến để đảm bảo một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng. Trong đó, chủ yếu nêu chi tiết về vai trò bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khỏi mọi mối đe dọa thông qua việc thực hiện các hoạt động hàng hải, trên không, trên bộ và trên không; thực hiện các hoạt động quân sự khác ngoài các hoạt động quân sự hoặc quân sự khác so với chiến tranh (MOOTW), hỗ trợ các cơ quan công quyền trong việc thực thi và hỗ trợ các nỗ lực hòa bình toàn cầu thông qua cờ Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho rằng các mối đe doạ nghiêm trọng khác mà nước này phải đối mặt trong thập kỷ tới bao gồm sự hồi hương của các chiến binh Hồi giáo cực đoan, căng thẳng xung quanh những tranh chấp ở Biển Đông và khủng bố mạng; nhấn mạnh các sáng kiến quốc phòng theo sách trắng sẽ cần ngân sách phân bổ hàng năm ít nhất 1% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Theo ông Mohamad Sabu, mặc dù Malaysia không liên quan đến xung đột vũ trang với các quốc gia khác, nhưng nước này phải đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ và các mối đe dọa phi truyền thống qua biên giới, do đó yêu cầu nước này phải có biện pháp phủ đầu cho quốc phòng; đồng thời nhấn mạnh, “vai trò chính của Lực lượng Vũ trang Malaysia là duy trì hòa bình mà chúng ta có và luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của quốc gia”. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mục đích công bố Sách Trắng là nhằm khuyến khích công dân nước này tham gia thảo luận tích cực về chính sách quốc phòng, đồng thời cho thấy tham vọng chiến lược của Malaysia trong việc trở thành một cầu nối giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Mohamad cho rằng sự chiếm đóng, quân sự hoá và các hoạt động khác của Trung Quốc ở vùng biển này, cùng với việc hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện hoạt động tư do hàng hải, có nghĩa là một vấn đề tranh chấp mang tính khu vực đã trở thành một cuộc “cạnh tranh quyền lực của nước lớn”. Ông Mohamad cũng nhắc tới việc một “tàu chính phủ” của một cường quốc lớn đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trong vùng biển ngoài khơi các bang phía Đông Sabah và Sarawak. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng mọi người đều biết Malaysia đã phải đối đầu với các tàu tuần duyên Trung Quốc đang tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này theo luật pháp quốc tế.
Về quan hệ Mỹ – Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mặc dù đã có các lĩnh vực hợp tác và quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, song trong tương lai có nhiều khả năng sẽ cạnh tranh nhiều hơn thay vì chịu đựng lẫn nhau; cho rằng những biện pháp thuế quan dường như đang gia tăng và mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi “sự chia rẽ về mặt công nghệ, hàng hải và các căng thẳng khác”.
Sách Trắng Quốc phòng Malaysia phác thảo chiến lược quốc phòng từ năm 2021 đến 2030. Nó thay thế Chính sách quốc phòng liên quan đến các chính sách quốc phòng được phân loại cao, đã có sẵn vào năm 1971, 1979 và 1981. Bộ trưởng Mohamad Sabu cho rằng Malaysia bắt buộc phải xem xét chính sách quốc phòng để đưa năng lực và khả năng phòng thủ của đất nước phù hợp với môi trường an ninh toàn cầu đầy thách thức và không chắc chắn. Việc Malaysia đăng tải các nội dung liên quan trên website của Bộ Quốc phòng là nhằm thể hiện sự cởi mở trong việc triển khai chính sách quốc phòng sẽ củng cố đất nước thông qua khái niệm phòng thủ toàn diện, với sự tham gia của người dân; thu hút và tăng cường sự tham gia của người dân trong quốc phòng; đánh giá lại môi trường chiến lược an ninh luôn thay đổi bằng cách tính đến những thách thức hiện tại và tương lai; tăng cường khả năng và sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước mọi lúc. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng kế hoạch 10 năm nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố và căng thẳng quân sự ở Biển Đông là thiếu chiến lược chi tiết.
http://biendong.net/bien-dong/33271-sach-trang-quoc-phong-dau-tien-cua-malaysia-y-tuong-va-van-dung.html

Dân biểu Chris Hayes kêu gọi Quốc Hội Úc

trừng phạt viên chức Việt Nam vi phạm nhân quyền

Tin từ Australia: Dân biểu Chris Hayes kêu gọi Quốc hội Úc thông qua dự luật Appropriation Bill thứ 3, một dự luật tương tự Magnitski của Hoa Kỳ có vai trò như một công cụ mạnh mẽ để trừng phạt viên chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Úc, dân biểu Hayes nói Việt Nam là một quốc gia độc tài cộng sản và nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến trong khi nền tư pháp thì phục vụ cho chế độ.  Ông có đưa ra hai vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trong vụ thứ nhất, công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm bị bắt giữ bởi công an Việt Nam rồi bị kết án 12 năm tù giam . Theo dân biểu Hayes, ông Khảm là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền, muốn cổ suý cho dân chủ hoá ở Việt Nam.
Trong vụ thứ 2, công an cộng sản Việt Nam đã tấn công làng Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 09/1/2020 và giết chết cụ Lê Đình Kình và bắt giữ khoảng 30 dân ở làng này.
Dân biểu Hayes nói rằng chính phủ Úc có vai trò quan trọng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và cần phải tận dụng sức mạnh mềm để buộc các nước tôn trọng công bằng xã hội và nhân quyền, đặc biệt là với các quốc gia mà Canberra có cả mối quan hệ quốc phòng và viện trợ.
Quốc hội Úc cần thông qua luật trừng phạt viên chức chính phủ nước ngoài vi phạm nhân quyền, tương tự như luật Magnitski của Hoa Kỳ, Canada, và EU để đóng góp và việc cải thiện nhân quyền trên toàn thế giới.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/dan-bieu-chris-hayes-keu-goi-quoc-hoi-uc-trung-phat-vien-chuc-viet-nam-vi-pham-nhan-quyen/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?