Việt Nam cần thoát Cộng để thoát Trung iệt Nam cần thoát Cộng để thoát Trung
Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Chỉ có một thể chế dân chủ, tự do, nhân quyền được thực thi trong thực tế... Việt Nam mới thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, chủ quyền quốc gia được đảm bảo.
Từ các triều đại phong kiến đến nhà cầm quyền cộng sản hiện nay luôn tự đặt mình trong sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Chư Hầu Chính Trị
“Thần phục giả vờ, độc lập thật sự”.? Không ít nhà sử học Việt Nam đã giải thích thái độ của các triều đại phong kiến Việt Nam với Trung Quốc như thế. Một cách giải thích tự an ủi mình. Buồn thay nó vẫn chưa hề kết thúc dù cái thời phong kiến đã chấm dứt ngót trăm năm.
Năm 938, khi Ngô Quyền đẩy được quân Nam Hán thiết lập được nền độc lập ổn định và xây dựng nhà nước của người Việt. Từ Ngô Quyền đến các triều đại sau này, dù lên ngôi với công lao đánh bại quân xâm lược Trung Quốc, hay qua việc tranh giành quyền lực bên trong đều phải xin thiên triều sắc phong, hoặc hợp thức hóa vương vị, cống nộp để tỏ lòng thần phục.
Kiểu thần phục này đẩy người Việt chưa bao giờ thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Cách vận hành bộ máy chính quyền, quản lý đất nước của người Việt trong suốt thời phong kiến là sự sao chép nguyên bản của thiên triều. Từ chữ viết, văn hóa, đến điển tích, răn dạy… đều lấy của Tàu. Và phải vậy mới trở thành người có học, giới ưu tú. Có hằng hà sa số như thế, từ chuyện vua Nghêu, vua Thuấn, Khổng - Mạnh, Bá Nha – Tử Kỳ, Dự Nhượng, nhị thập tứ hiếu…
Chính tầng lớp thống trị, người có ảnh hưởng trong xã hội đã thúc đẩy văn hóa, truyền thống Trung Quốc phát triển, thống trị bên trong Việt Nam. Đẩy văn hóa, truyền thống của người Việt trở thành thứ yếu, trở nên mờ nhạt trong chính sử.
Sang thời hiện đại, khi người Việt chiến thắng được thực dân Pháp mở ra một cơ hội thoát Trung. Nhưng không. Đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam lại đưa Việt Nam quay trở lại quỹ đạo của Trung Quốc với ý thức hệ cộng sản, nhà nước độc tài XHCN.
Điều này đã gây ra hệ lụy vô cùng tàn khốc cho người Việt. Hàng trăm ngàn người Việt đã chết tức tưởi bởi đấu tố giai cấp, qua những bản án man rợ dựng lên trong thời cải cách ruộng đất những năm 1950s thế kỷ trước. Cộng sản Việt Nam ra tay giết người Việt, kể cả ân nhân theo đường lối của đồng chí Trung Quốc.
Trong thái độ của thiên triều, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lớn tiếng, “Dạy cho Việt Nam một bài học”, qua cuộc chiến đầu năm 1979. Cuộc xâm lược đã khiến nhiều thành phố, làng mạc tại sáu tỉnh biên giới bị san phẳng, khoảng 40 – 60 ngàn người Việt phải bỏ mạng trước họng súng, lưỡi lê của cộng sản Tàu trong vài tuần. Cuộc chiến kéo dài thêm hơn chục năm sau, khiến nhiều vùng lãnh thổ tiếp tục rơi vào tay đồng chí phương Bắc.
Buồn thay, không ít người cầm quyền của Hà Nội vẫn cố gắng bảo vệ cộng sản Trung Quốc. Để tỏ thái độ không làm mất lòng đồng chí, nhà cầm quyền Việt Nam đến nay vẫn chưa công bố số người Việt thương vong, trang sử nói về cuộc chiến này trở nên mờ nhạt nhất.
Cuối những năm 1980 đầu 1990 thế kỷ trước, các nước XHCN ở châu Âu từ bỏ con đường XHCN tự chuyển mình sang một xã hội tự do, dân chủ, văn minh, Việt Nam làm ngược lại. Cộng sản Việt Nam lại một lần nữa trói người Việt vào quỹ đạo Trung Quốc trong hội nghị Thành Đô vào năm 1990.
Dù thực tế biên cương, lãnh hải không ngừng rơi vào tay giặc phương Bắc, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn chọn đồng chí Trung Quốc bảo hộ để duy trì sự cai trị dân Việt.
Lệ Thuộc Kinh Tế
Từ chư hầu về chính trị, đảng cộng sản Việt Nam đưa quốc gia trở nên lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc. Từ máy móc, nguyên liệu cho các ngành sản xuất, thị trường xuất khẩu nông thủy sản, đến vốn đầu tư.
Nhà cầm quyền Việt Nam đang kêu gọi người dân và doanh nghiệp “giải cứu” cho nông thủy sản. Đây là hành động đẹp, nhưng cách lạm dụng tình đồng bào như thế phản ánh thực tế bế tắc về đường lối phát triển quốc gia.
Đây không phải lần đầu tiên việc kêu gọi giải cứu khi Trung Quốc ngưng nhập hàng mỗi lúc có chuyện không vui. Lần này do dịch bệnh do Covid 19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Cộng sản Việt Nam thiếu tầm nhìn, sự hỗ trợ cần thiết đã khiến cho nông sản Việt Nam luôn bấp bênh, may rủi trước thị trường xuất khẩu chính ở Trung Quốc.
Nhiều ngành sản xuất, gia công ở Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào việc cung cấp nguyên phụ liệu, máy móc của Trung Quốc, từ may mặc đến sản xuất điện...
Nhưng nguy hiểm hơn cả những khoản vay, công nghệ từ Trung Quốc như chiếc bẫy nợ được xịt nước hoa Chenel N05 thơm phức. Từ đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đến các nhà máy sản xuất điện, đầu tư đường sá. Trái với thái độ luôn e dè của người dân, giới cầm quyền Việt Nam rất hồ hởi với những đồng tiền từ Trung Quốc. Bởi đôi bên đã rất hiểu nhau với việc ‘tay ngoài tay trong’.
Việt Nam chẳng được lợi gì trong việc đối đầu với ông hàng xóm to con, hung hãn, tham lam... phía Bắc. Tuy nhiên, cần tránh đưa quốc gia vào quỹ đạo Trung Quốc, lệ thuộc về chính trị, kinh tế như thời phong kiến và nhà cầm quyền cộng sản hiện nay.
Người Việt không thể dời đất nước đến một nơi khác, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một xã hội có tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự... Có như thế Việt Nam mới tránh được cái bóng và bẫy phụ thuộc của Trung Quốc.
24/2/2019
Nhận xét
Đăng nhận xét